Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 40



CHỨC VỤ GIAO ƯỚC MỚI (9)
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô. 6:3-13
Trong 6:1 và 2, chúng ta thấy công tác của chức vụ giải hoà và trong 6:3-13, sự sống tương xứng với chức vụ này. Từ 6:3 đến cuối chương 7, vị sứ đồ mô tả một sự sống thích-hợp-tất-cả để thực hiện chức vụ giao ước mới. Trong câu 3, Phao-lô nói: “Phàm sự gì chúng tôi cũng không gây cớ vấp ngã, hầu cho chức vụ của chúng tôi khỏi bị chê bai”. Chức vụ ở đây là chức vụ của giao ước mới (3:8-9; 4:1). Trong bài này, chúng ta sẽ suy xét sự sống tương xứng cho một chức vụ như thế. Sự sống này là sự sống thích-hợp-tất-cả.
LĨNH VỰC THỨ NHẤT VỀ CÁC PHẨM CHẤT
Trong Nhiều Sự Nhẫn Nại
Trong câu 4, Phao-lô nói: “Trái lại, trong mọi sự chúng tôi tiến dẫn mình như chấp sự của Đức Chúa Trời: nào trong nhiều sự nhẫn nại, hoạn nạn, thiếu thốn, khốn khổ”. Từ câu 4 đến câu 7, Phao-lô cho chúng ta lĩnh vực thứ nhất về những phẩm chất của các chấp sự của Đức Chúa Trời, chấp sự của giao ước mới (3:6). Khi đọc những câu này cách đây nhiều năm, tôi bị bối rối bởi sự kiện phẩm chất thứ nhất mà Phao-lô đưa ra là sự nhẫn nại. Tôi nghĩ rằng trong việc nói về phẩm chất của các chấp sự Tân Ước, Phao-lô nên bắt đầu với điều gì đó vĩ đại. Thay vì thế, ông bắt đầu bằng những từ “trong nhiều sự nhẫn nại”. Nếu một tín đồ ngày nay muốn làm một nhà truyền giáo y khoa, chắc chắn người đó sẽ đề cập đến học vấn của mình. Người đó có tuyên bố rằng mình có phẩm chất nhẫn nại không? Tuy nhiên, phẩm chất đầu tiên được Phao-lô liệt kê là sự nhẫn nại.

Nhiều dịch giả đồng ý rằng tiếng Hy Lạp dịch chữ nhẫn nại trong 6:4 hàm ý đến sự kiên nhẫn. Một số bản Kinh Thánh dùng từ kiên nhẫn thay vì nhẫn nại. Tuy nhiên, dịch là sự kiên nhẫn thì không thích hợp lắm. Có một sự khác nhau giữa kiên nhẫn và nhẫn nại. Dĩ nhiên, cả kiên nhẫn lẫn nhẫn nại đều là những mỹ đức tích cực. Nhưng kiên nhẫn thì không được như nhẫn nại. Kiên nhẫn không hàm ý sự chịu khổ, trong khi nhẫn nại hàm ý đến sự chịu khổ. Nếu anh em nói chuyện với tôi một thời gian dài, tôi cần có kiên nhẫn để lắng nghe anh em. Nhưng nếu cần phải trải qua một loại chịu khổ nào đó, tôi cần sự nhẫn nại thêm vào sự kiên nhẫn.
Phẩm chất thứ nhất của chấp sự Tân Ước là khả năng chịu đựng hoạn nạn. Một chấp sự như thế phải có khả năng chịu đựng áp lực, đèn nén, bắt bớ, nghèo khổ, và mọi loại thử thách. Có lần, anh Watchman Nee nói rằng người có quyền năng nhất là người có thể khả năng chịu đựng. Chịu đựng đòi hỏi sức mạnh. Nếu muốn chịu đựng hoạn nạn, chúng ta cần được làm cho mạnh mẽ và có quyền năng.
Sự nhẫn nại được biểu lộ nơi anh Nee trong suốt hai mươi năm ở tù. Làm một người tử đạo ngay tức thì là một chuyện, nhưng ở tù nhiều năm lại là chuyện hoàn toàn khác. Một người tử đạo tức thì có thể bị bắt, bị xét xử, bị hành quyết, tất cả chỉ trong một thời gian ngắn. Vì vậy, không cần sự nhẫn nại. Nhưng nếu một người bị nhốt tù và sau đó bị xử chịu khổ nhiều năm thì sự nhẫn nại là hoàn toàn cần thiết.
Mỗi chấp sự Tân Ước phải học cách nhẫn nại. Sứ đồ, trưởng lão, và các chấp sự, tất cả đều cần sự nhẫn nại. Có những thánh đồ nào đó rất giỏi làm kiệt quệ trưởng lão. Ở điểm này, cho phép tôi nói một lời với những anh em mong muốn được làm trưởng lão: anh em phải chuẩn bị để bị nghiền liên tục. Nếu được đặt vào chức trưởng lão, anh em sẽ bị đặt giữa hai tảng đá nghiền. Những anh chị em nào đó sẽ xay nghiền anh em liên tục. Dường như họ có “nhiệm vụ” thử nghiệm sự thuộc linh của các trưởng lão. Qua họ, anh em sẽ được đặt vào thử nghiệm để cho thấy anh em có thể chịu đựng được bao lâu. Nhưng khi chịu đựng, chúng ta cung ứng sự sống cho người khác. Những người có sự nhẫn nại là những người cung ứng sự sống.
Trong Hoạn Nạn
Phao-lô nói đến những hoạn nạn trong 1:8: “Anh em ơi, chúng tôi không muốn anh em chẳng biết về sự hoạn nạn đã xảy đến cho chúng tôi trong A-si, thể nào chúng tôi đã bị đè nén quá chừng quá sức, đến nỗi cũng hết mong sống được”. Đây là một phẩm chất khác để ông làm chấp sự giao ước mới.
Trong Nghèo Túng
Thật khó hiểu được ý nghĩa thật của từ được dịch là cảnh nghèo túng. Trong bản dịch của mình, Darby cũng dùng từ cảnh nghèo túng. Bản tiếng Hoa dùng từ nghèo khổ. Hễ khi nào chúng ta ở trong sự thiếu thốn, thiếu lương thực, thiếu chỗ ở, hay quần áo thì chúng ta ở trong cảnh nghèo túng. Trong 12:10, cùng một từ Hy Lạp được dùng ở đó, bản tiếng Hoa dùng một từ có nghĩa là tình cảnh eo hẹp. Tiếng Hy Lạp có nghĩa là sự đè nén, những nhu cầu bức thiết đè ép một cách nặng nề. Nó nói đến những sự chịu khổ là hậu quả của những tai hoạ và những sự đè nén. Một ví dụ về tai hoạ là sự phun trào của núi lửa Mount Saint Helens cách đây khá lâu. Đó là tai hoạ cho những vùng xung quanh núi lửa. Hậu quả của một tai hoạ như thế là nhu cầu, sự thiếu hụt nhu yếu phẩm hằng ngày. Phao-lô đã trải qua nhiều tai hoạ và nhiều hoàn cảnh eo hẹp, hậu quả là ông ở trong cảnh túng thiếu.
Ngày nay, Cơ Đốc nhân đánh giá người hầu việc Đức Chúa Trời không theo kinh nghiệm của người đó trong cảnh túng thiếu nhưng theo sự giàu có của người đó. Nếu người nào đó rất giàu có, người ta cho rằng người đó được Chuá chúc phước. Nhưng nếu một tín đồ nghèo khổ, thiếu ăn, thiếu mặc, không có nhà ở hay những nhu cầu khác trong đời sống hằng ngày, thì nhiều người sẽ nói rằng “anh em này không được Đức Chúa Trời hài lòng. Vì Đức Chúa Trời không vui với anh hoặc không hài lòng về anh nên Ngài không chúc phước cho anh”. Thế còn Phao-lô thì sao? Ai ở trong cảnh khốn cùng? Chắc chắn ông được Đức Chúa Trời chấp nhận. Chúng ta không nên nghĩ rằng giàu có là dấu hiệu cho thấy chúng ta được Chuá chúc phước hoặc được Ngài chấp nhận. Trái lại, có thể sự thiếu thốn, túng thiếu, và nghèo khổ là những phẩm chất đúng đắn của một chấp sự giao ước mới.
Trong Khốn Khổ
Trong câu 4, Phao-lô cũng nói đến những cảnh khốn khổ. Theo nghĩa đen, tiếng Hy Lạp dịch chữ khốn khổ có nghĩa là sự chật hẹp của căn phòng; do đó có nghĩa là eo hẹp, khó khăn, khốn khổ. Không dễ để giải thích sự khác nhau giữa hoạn nạn và khốn khổ. Một số dịch giả thậm chí đã đảo ngược trật tự của những từ này trong câu 4, dùng chữ khốn khổ thay cho chữ hoạn nạn và chữ hoạn nạn cho chữ khốn khổ. Chúng ta có thể nói rằng khốn khổ là những sự chịu khổ bên trong đến như một sự phản ứng đối với những hoạn nạn bên ngoài.
Từ những từ khác nhau Phao-lô dùng trong câu 4, chúng ta biết rằng ông ở trong nhiều loại rắc rối khác nhau. Câu này chỉ rõ rằng đời sống của Phao-lô là đời sống hoạn nạn, tai hoạ, eo hẹp, túng hiếu và khốn khổ. Anh em có muốn nghe điều này không? Anh em vẫn muốn làm chấp sự của giao ước mới khi nghe những khó khăn và rắc rối của Phao-lô chứ? Ngày nay, người ta khích lệ nhiều người trẻ làm những sinh viên mục sư. Sau khi tốt nghiệp một trường thần học, có thể họ tìm một công việc tốt như làm mục sư hay làm giáo sỹ. Có thể họ được cấp nhà ở và lương bổng thoả đáng. Tuy nhiên, Phao-lô không phải là loại giáo sỹ đó, và ông không sống loại sự sống đó. Thay vì thế, sự sống của ông, sự sống mà làm cho ông có đủ phẩm chất để làm chấp sự của giao ước mới, là sự sống nhẫn nại, hoạn nạn, khốn cùng và túng thiếu.
Trong Đòn Vọt
Câu 5 chép: “đòn vọt, lao tù, hỗn loạn, cần lao, không ngủ, không ăn”. Đòn vọt nói đến sự đánh đập mà Phao-lô phải chịu. Trong 11:23 ông nói đến “đòn vọt quá chừng”, từ quá chừng theo nghĩa đen là không đo lường được. Trong 11:24, Phao-lô nói “Năm lần tôi bị người Do Thái đánh, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục”. Hơn nữa, theo Công Vụ 16:23, ở Phi-líp, Phao-lô và Si-la chịu nhiều đòn vọt rồi sau đó bị ném vào tù (Công. 16:23).
Trong Lao Tù
Trong 11:23, Phao-lô nói “tù rạc nhiều hơn”. Nhiều lần Phao-lô bị ném vào tù. Chúng ta đã nói đến trường hợp ở tại Phi-líp. Trong Ê-phê-sô 3:1, Phao-lô nói chính ông là “tù nhân của Christ Jesus”, và trong Ê-phê-sô 4:1 là “kẻ tù trong Chuá”. Một lần nữa, trong 2 Ti-mô-thê 1:8 và Phi-lê-môn 9 và 23, Phao-lô nói đến lao tù.
Trong Hỗn Loạn
Hỗn loạn nói đến những sự những phản loạn, những sự nổi loạn, và những sự náo động lớn. Công Vụ 17:5 mô tả một sự hỗn loạn như thế. Công Vụ chương 19 mô tả một sự hỗn loạn lớn đã xảy ra ở Ê-phê-sô. Câu 23 của chương đó chép “Xảy lúc đó, có sự nổi loạn chẳng nhỏ nổi lên vì Đạo”.
Trong Lao Khổ
Trong 2 Cô-rin-tô 11:23, Phao-lô nói rằng ông “lao khổ nhiều hơn”, và trong câu 27, ông nói “chịu nhọc chịu khổ”. Phao-lô đề cập đến điều này trong 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:9: “Hỡi anh em, anh em còn nhớ công lao và khó nhọc của chúng tôi; đang khi chúng tôi rao giảng phúc âm của Đức Chúa Trời cho anh em, thì cũng làm việc cả ngày lẫn đêm, để khỏi luỵ đến một ai trong anh em”. Ông lại nói đến điều này trong 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:8, ở đó ông nói: “cũng chẳng từng ăn dưng của ai, nhưng chịu công lao khó nhọc mà làm lụng cả ngày lẫn đêm, để không luỵ đến ai trong anh em hết”.
Trong Việc Không Ngủ
Không ngủ nói đến tình trạng thao thức, những việc như thế được các sứ đồ kinh nghiệm trong Công Vụ 16:25; 20:7-11, 31; và 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:8. Phao-lô nói đến điều này trong 2 Cô-rin-tô 11:27 rằng “thức đêm thường xuyên”. Điều này nói đến tình huống không có điều kiện để ngủ, cũng không có thời gian để ngủ. Đây là một phương diện trong nếp sống của Phao-lô.
Trong Việc Không Ăn
Không ăn trong câu 5 không nói đến việc kiêng ăn cầu nguyện. Đây là không ăn do thiếu thức ăn. Trong 11:27, sự không ăn được đề cập chung với sự lao khổ khó nhọc, không ngủ và đói khát. Vì sự không ăn được xếp chung với sự khó nhọc nên ắt phải nói đến sự kiêng ăn miễn cưỡng do thiếu thức ăn. Vì thế, khác với đói. Đói có thể nói đến một tình huống mà trong đó không có cách nào để tìm được thức ăn; kiêng ăn miễn cưỡng có thể nói đến một tình huống nghèo khổ.
Trong Sự Trong Sạch
Câu 6 tiếp: “Nào trong sự trong sạch, tri thức, kiên nhẫn, nhân từ, trong một linh thánh biệt, tình yêu thương không giả dối”. Sự trong sạch ở đây có liên quan đến động cơ. Trong động cơ của mình, Phao-lô thuần khiết.
Từ trong sạch trong câu này hàm ý rất nhiều. Nếu ý định của chúng ta không đơn thuần thì không trong sạch. Nếu trong động cơ, chúng ta vì một điều gì đó khác hơn là chính Chuá thì động cơ của chúng ta không thuần khiết. Cũng vậy, nếu mục tiêu của chúng ta là để đạt được điều gì đó khác hơn là vinh hiển của Đức Chúa Trời, thì mục tiêu của chúng ta không thuần khiết. Trong sạch cho thấy rằng chúng ta không quan tâm đến điều gì khác ngoài Đức Chúa Trời và vinh hiển của Ngài.
Trong Tri Thức
Dĩ nhiên, tri thức là vấn đề của tâm trí. Việc Phao-lô bao gồm “tri thức” cho thấy rằng không một chấp sự Tân Ước nào là người không hiểu biết. Là chấp sự giao ước mới, chúng ta cần phải rất am hiểu. Vì lí do này, tôi khích lệ người trẻ phải có học vấn tốt và học nhiều ngoại ngữ. Đặc biệt, nếu anh em được Chuá sử dụng, anh em cần có kiến thức về Hy văn hoặc Hê-bơ-rơ. Học lịch sử cũng có ích. Chắc chắn, chúng ta cần nghiên cứu Kinh Thánh và nghiên cứu sự khải thị đúng đắn của Kinh Thánh. Để làm những chấp sự của giao ước mới, chúng ta cần phải rất am hiểu.
Trong Kiên Nhẫn
Thật khó phân biệt giữa nhẫn nại với kiên nhẫn. Nhẫn nại có thể nhấn mạnh đến sức mạnh hay khả năng chịu khổ, còn kiên nhẫn có thể nhấn mạnh đến quãng thời gian chịu khổ. Để làm chấp sự Tân Ước, chúng ta phải nhớ rằng không điều gì có thể được hoàn thành vì mục đích đời đời của Đức Chúa Trời mà không chịu khổ. Từ lúc con người sa ngã, mọi sự trong đời sống con người được hoàn thành qua sự chịu khổ. Theo Sáng Thế Kí chương 3, người nữ phải chịu mang nặng đẻ đau. Chịu khổ là điều cần thiết để nuôi dạy con cái. Dĩ nhiên, là cha mẹ, chúng ta vui với con cái mình. Khi người mẹ ôm đứa con bé bỏng hay ngắm nhìn nó ngủ, bà cảm thấy vui sướng. Tuy nhiên, thực tế là con cái gây rắc rối cho cha mẹ. Có thể là trong việc nuôi nấng con cái, chịu khổ nhiều hơn là vui thích. Hơn nữa, cũng theo Sáng Thế Kí chương 3, người nam phải lao khổ để kiếm sống, vì đất sinh ra gai gốc và tật lê. Dường như trong một cánh đồng, cỏ dại luôn luôn tốt hơn những cây chúng ta trồng. Đây là dấu hiệu của sự rắc rối, khổ sở của đời sống con người.
Mọi người, giàu cũng như nghèo, đều có rắc rối. Nếu là những chấp sự của giao ước mới, chúng ta muốn giúp người khác trong sự chịu khổ của họ thì làm thế nào chúng ta tránh được sự chịu khổ? Chúng ta không thể là ngoại lệ. Thay vì thế, chúng ta phải chịu khổ và cuối cùng phải kinh nghiệm sự kiên nhẫn. Đừng bao giờ nghĩ rằng là một chấp sự, chúng ta có thể tránh chịu khổ. Anh em sẽ có chút ít vui mừng trong đời sống hôn nhân hay nếp sống gia đình, nhưng anh em cũng sẽ có sự khổ sở, có lẽ khổ sở nhiều hơn là vui mừng. Thật ra, một chấp sự giao ước mới chịu khổ nhiều hơn người khác. Chấp sự nên là một người sống đời sống con người đúng đắn như Chuá Jesus đã sống. Chuá chịu khổ nhiều hơn bất cứ ai khác. Để sống một đời sống con người đích thực là phải chịu khổ. Đời sống con người là đời sống không chủ yếu vui hưởng nhưng chủ yếu là chịu khổ. Càng sống đời sống con người để cung ứng Christ cho người khác, chúng ta sẽ càng chịu khổ. Vì thế, chúng ta cần phẩm chất kiên nhẫn.
Trong Nhân Từ
Tôi tin rằng trong tư tưởng của Phao-lô, có một sự liên kết giữa kiên nhẫn và nhân từ. Khi chúng ta chịu khổ, chúng ta thường không có khả năng quan tâm đến người khác. Nhưng nhân từ hàm ý rằng chúng ta vì người khác. Tôi tin rằng quan điểm của Phao-lô là trong khi chúng ta chịu khổ, chúng ta cũng cần quan tâm đến người khác và nhân từ với họ. Chúng ta kiên nhẫn và cũng nhân từ. Ngay cả khi đang chịu khổ, chúng ta vẫn nhân từ với người khác.
Trong Một Linh Thánh
Hầu hết các bản Kinh Thánh đều hiểu linh trong câu 6 nói đến Thánh Linh, vì thế, họ viết hoa chữ thánh và chữ linh. Nhưng ở đây, theo ngữ cảnh, Phao-lô không nói đến Linh của Đức Chúa Trời nhưng nói đến linh của chúng ta. Điều này có nghĩa là linh của chúng ta phải thánh. Từ “một linh thánh” nói đến linh được tái sinh của các sứ đồ.
Trong Tình Yêu Thương Không Giả Dối
Tình yêu là chuyện của tấm lòng. Trong câu này, chúng ta có động cơ, tâm trí, tấm lòng, và linh. Với những lằn roi trên thân thể (c. 5), tri thức của tâm trí và tình yêu của lòng thì toàn bản thể của các sứ đồ, kể cả thân thể, hồn và linh đều được vận dụng trong đời sống của họ để thực hiện chức vụ của họ. Để là những chấp sự của giao ước mới thì toàn bản thể chúng ta, thân thể, hồn và linh của chúng ta phải đúng đắn.
Trong Lời Chân Thật
Trong câu 7, Phao-lô nói: “Lời chân thật, quyền năng của Đức Chúa Trời”. Chân thật ở đây nói đến thực tại của giao ước mới. Chân thật có nghĩa là thực tại và nói đến tất cả những điều có thật được khải thị trong Lời Đức Chúa Trời, mà chủ yếu là Christ là sự hiện thân của Đức Chúa Trời và Hội thánh là Thân Thể của Đấng Christ. Lời chân thật là sự phát ngôn, sự diễn đạt thực tại thần thượng như được khải thị trong Tân Ước.
Trong Quyền Năng Của Đức Chúa Trời
Quyền năng của Đức Chúa Trời hợp với lời chân thật. Lời chân thật mà không có quyền năng của Đức Chúa Trời thì chỉ là tri thức văn tự. Trong quyền năng của Đức Chúa Trời, lời chân thật trở thành thực tại. Quyền năng là Linh của Đức Chúa Trời, thậm chí là chính Đức Chúa Trời.
--