Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 44



CHẤP SỰ CỦA GIAO ƯỚC MỚI (13)
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 7:2-7
Chương 7 cũng là một chương trong 2 Cô-rin-tô của phần nói về các chấp sự giao ước mới. Trong phần này, Phao-lô mô tả loại sự sống mà các chấp sự giao ước mới đã sống. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm cách để chạm đến cảm nhận trong linh của Phao-lô như được trình bày trong 7:2-7. Khi đọc 7:2-16, vấn đề quan trọng là chạm đến cảm nhận của Phao-lô và cũng chạm đến linh của ông. Tuy nhiên, chạm đến điều này không dễ.
QUAN TÂM MẬT THIẾT ĐẾN SỰ SỐNG CUNG ỨNG
Điều chúng ta có trong 7:2-16 là sự quan tâm mật thiết đến sự sống cung ứng. Mọi tín đồ yêu Chuá và muốn đạt đến tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời đều cần trở thành chấp sự của giao ước mới. Miễn là tín đồ trong Christ, chúng ta nên là chấp sự Tân Ước, hoặc là sứ đồ, là người giảng phúc âm, là trưởng lão, hay là chấp sự. Một chấp sự như thế là người cung ứng Đấng Christ cho người khác để xây dựng Hội thánh, tức Thân Thể Ngài. Hồi còn trẻ, tôi đã nghe rằng mỗi tín đồ nên là người rao giảng phúc âm. Bây giờ, tôi thấy rằng chúng ta không chỉ là những người rao giảng phúc âm mà còn là những chấp sự giao ước mới, tức những người cung ứng Christ là sự sống hầu cho Hội thánh có thể được xây dựng như Thân Thể của Đấng Christ. Chức vụ này nên được thực hiện không chỉ bởi các sứ đồ và trưởng lão mà còn nên được mọi người trong Hội thánh thực hiện.

Mục tiêu của sự khôi phục của Chuá ngày nay là khôi phục sự cung ứng Đấng Christ này bởi tất cả tín đồ để Hội thánh có thể được xây dựng. Sự hiểu biết này dựa trên lời của Phao-lô trong Ê-phê-sô chương 4, tại đó ông nói rằng sứ đồ, tiên tri, người giảng phúc âm, người chăn và giáo sư hoàn hảo thánh đồ cho công tác của chức vụ dẫn đến việc xây dựng Thân Thể Đấng Christ. Đối với tất cả chúng ta là những người xây dựng Hội thánh, cung ứng Christ để xây dựng Hội thánh, chúng ta cần sự sống cung ứng. Để là những chấp sự giao ước mới, chúng ta cần một sự sống cung ứng như thế. Chúng ta cần sống một đời sống cung ứng Christ cho người khác vì Hội thánh.
Cách đây nhiều năm, tôi có đọc nhiều sách khích lệ tín đồ thuộc linh, nên thánh và đắc thắng. Nhưng tôi chưa hề đọc cuốn sách nào bảo chúng ta phải sống một sự sống cung ứng. Nhiều người trong chúng ta đã đọc nhiều sách nói về cách để thuộc linh, cách để sống một đời sống thánh biệt, hoặc cách để đắc thắng. Nhưng anh em đã đọc sách nào nói cho anh em cách để sống một sự sống cung ứng chưa? Tôi tin rằng không có ai trong chúng ta đọc một quyển sách như thế.
Trong khoảng năm mươi năm đi đây đó, tôi đã gặp nhiều loại Cơ Đốc nhân khác nhau. Đặc biệt, tôi đã gặp một số người nổi tiếng là thuộc linh. Nhưng với sự ghi nhận của tôi, ngay cả những người được gọi là thuộc linh này cũng không có sự sống cung ứng đúng đắn. Họ đã sống rất thận trọng để “thuộc linh”, “thánh biệt”, và “đắc thắng”. Nhưng họ đã không sống theo cách của những người cung ứng. Bởi sự thương xót của Chuá chứ không phải bởi nổ lực riêng của mình, tất cả chúng ta nên gắng sức sống một đời sống cung ứng.

SỰ SỐNG KẾT QUẢ
Sự sống cung ứng mà chúng ta thấy trong 2 Cô-rin-tô là sự sống kết quả. Có thể chúng ta “thuộc linh”, “thánh biệt”, và “đắc thắng” nhưng chưa kết quả. Có nhiều nan đề đối với loại thuộc linh, thánh biệt và đắc thắng đó. Thật đáng đặt câu hỏi liệu những phẩm chất đó có đúng, có đích thực hay không. “Thuộc linh” mà không kết quả thì có bình thường không? Theo Kinh Thánh, thuộc linh là để kết quả. Trong Phúc Âm Giăng, Chuá không bảo chúng ta thuộc linh, thánh biệt hay đắc thắng. Đúng ra, trong Giăng chương 15, Ngài bảo chúng ta hãy kết quả, thậm chí kết quả nhiều, trái còn đậu luôn. Đây là sống một đời sống cung ứng.
Chung quanh nhà tôi có nhiều cây ăn trái –đào, chanh và cam. Trong một khoảng thời gian rất lâu, những cây đó không có trái. Vì không sinh trái nên chúng tôi suy xét xem có nên bứng nó đi không. Dù không có trái nhưng những cây đó vẫn rất xanh tốt. Thực ra, chúng rất tươi tốt, sum suê, nhiều lá. Tuy nhiên, càng lớn như thế, chúng càng làm cho tôi bực mình. Thỉnh thoảng, nhìn những cây đó, tôi nói: “Cây ơi, chúng mày làm gì ở đây? Chúng mày có đầy lá xanh còn nhánh thì sum suê, nhưng không có trái gì cả”. Chúng ta có thể lấy điều này làm minh hoạ cho những tín đồ “thuộc linh”, “thánh biệt”, và “đắc thắng” mà không có trái. Họ không kết quả là vì họ không có sự sống cung ứng. Điều quan trọng phải nhìn thấy là chúng ta phải có sự sống cung ứng.
Trong những đầu mới tin, tôi đã nghe nhiều bài về chương 7. Những bài đó nhấn mạnh đến sự đau khổ khi theo Đức Chúa Trời. Những bài đó cho thấy rằng nếu đau khổ đi theo Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ chẳng hối tiếc vì bị đau khổ. Nhưng dù tôi đã nghe nhiều bài nói về điều này, nhưng tôi không nghe bất cứ điều gì về cảm nhận và linh của Phao-lô trong chương này. Ở đây, chúng ta thấy sự quan tâm thân mật của ông.
NHU CẦU CHO SỰ QUAN TÂM ĐÍCH THỰC
Có thể có tri thức trong những vấn đề thuộc linh và quyền năng trong việc rao giảng nhưng vẫn không có kết quả. Thực ra, thay vì kết quả và cung ứng sự sống, một người như thế có thể làm cho người khác chịu sự chết. Có thể một anh em đi thăm một địa phương khác và tổ chức hội đồng, nhưng kết quả của hội đồng có thể làm cho nhiều người bị giết chết. Họ bị giết không phải bởi những lời sai trật nhưng bởi những lời đúng. Hơn nữa, trong việc chăn dắt các thánh đồ, cũng có thể chúng ta giết người khác. Lí do của sự giết chết này, sự không kết quả này là thiếu sự quan tâm thân mật. Một anh em tổ chức hội đồng với một Hội thánh nào đó có thể chỉ quan tâm đến việc giảng bài; có thể người đó không có một sự quan tâm đích thực nào đối với Hội thánh tại địa phương đó. Cũng vậy, chúng ta có thể thăm viếng một gia đình để chăn dắt họ, nhưng không có sự quan tâm yêu thương nào. Đúng ra, động cơ của chúng ta có thể là để phô diễn kiến thức, sự thuộc linh, ân tứ, hay khả năng của mình. Kết quả là một sự giết chết.
Một số bà mẹ dường như thiếu khôn ngoan. Nhưng dù họ không khéo léo, nhưng họ vẫn nuôi con rất tốt vì họ có sự quan tâm yêu thương đối với chúng. Những bà mẹ như thế có sự quan tâm trìu mến, dịu dàng đến con cái mình. Trái lại, những bà mẹ kế có thể có tri thức, có ân tứ, và thông minh; tuy nhiên, họ thiếu sự quan tâm cần thiết đối với con cái. Trong việc chăm sóc con cái, điều quan trọng nhất không phải là tri thức hay khả năng mà là sự quan tâm trìu mến. Cũng đúng như vậy trong việc chăm sóc các Hội thánh hoặc chăn dắt thánh đồ. Điều cần thiết là sự quan tâm thân mật của sự sống cung ứng. Các anh em tổ chức hội đồng cho các Hội thánh phải có sự quan tâm đích thực đối với các Hội thánh đó. Không nên chỉ quan tâm đến việc giảng những bài cao siêu để phô trương kiến thức, tài năng, hay khả năng của mình.
Hồi còn trẻ, tôi hơi bị bối rối bởi Sách 2 Cô-rin-tô chương 7. Tôi xem Kinh Thánh là một cuốn sách kinh điển, thần thánh, và dường như đối với tôi, 2 Cô-rin-tô chương 7 không phải là một văn phẩm kinh điển. Tôi có thể hiểu tại sao La-mã chương 5 và La-mã chương 8 có trong Kinh Thánh, nhưng tôi không hiểu tại sao một chương như 2 Cô-rin-tô chương 7 cũng có mặt trong Kinh Thánh. Trong câu 6, Phao-lô nói rằng ông được khích lệ bởi việc Tít đến, và trong câu 7 ông nói tiếp: “Chẳng những bởi người đến mà thôi, nhưng lại bởi sự an ủi người đã được nơi anh em nữa, vì người có thuật lại cho chúng tôi sự mong mỏi của anh em, sự buồn rầu của anh em, và lòng sốt sắng của anh em đối với tôi, đến đỗi khiến cho tôi càng thêm vui mừng”. Dường như đối với tôi, câu đó không nên có trong Kinh Thánh. Anh em có bao giờ nghĩ tạo sao 2 Cô-rin-tô chương 7 có trong Tân Ước không? Nếu anh em chưa bao giờ nghĩ về điều đó thì điều này có thể cho thấy rằng anh em khá bất cẩn trong việc đọc Lời. Tôi có thể làm chứng rằng càng chú ý đến chương này, tôi càng yêu thích, càng được học tập từ đó và chịu ảnh hưởng bởi chương đó.
Chương này khải thị rằng chúng ta cần một sự quan tâm mật thiết. Nếu chúng ta có khả năng để thực hiện một công tác nhưng lại thiếu sự quan tâm mật thiết thì công tác của chúng ta sẽ không kết quả. Điều cần thiết để thiết lập một nếp sống gia đình tốt và một nếp sống Hội thánh tốt là sự quan tâm mật thiết. Chúng ta kết quả như thế nào, sinh bông trái ra làm sao đều không phụ thuộc vào những gì mình có thể làm mà phụ thuộc vào việc chúng ta có quan tâm mật thiết hay không.
Một tôi tớ Chúa  bảo rằng trong việc rao giảng phúc âm, chúng ta cần có sự quan tâm đích thực đến người khác. Hễ khi nào có sự quan tâm đúng đắn đến người khác thì chúng ta chính đáng trên con đường của mình, có đủ phẩm chất để được Đức Chúa Trời sử dụng mà cứu rỗi họ. Một lời chứng rất tốt về điều này được viết trong cuốn sách Thấy Và Nghe. Trong sách đó, tác giả Dennis Mckendrick kể cho chúng ta về việc ông đứng trước những người không tin và khóc mà không nói lời nào. Vậy mà nhiều người được cứu vì ông đã có sự quan tâm sâu sắc. Tài hùng biện ân tứ, và quyền năng thì không bao giờ có thể chạm đến người khác sâu sắc bằng sự quan tâm của anh em đối với họ.
Trong 1 Cô-rin-tô, Phao-lô giống như người cha kỷ luật con cái mình. Nhưng ngay cả sự kỷ luật này cũng xuất phát từ sự quan tâm mật thiết và sâu sắc. Chẳng hạn như, người mẹ có thể đánh vào mông con mình. Nhưng trong khi nó nhận cái đánh đó, đứa con nhận biết rằng người mẹ đang kỷ luật nó bằng một tinh thần và thái độ yêu thương. Vì thế, thậm chí khi bà mẹ có đánh con mình thì bà vẫn yêu thương nó. Con cái có thể nói cha mẹ chúng kỷ luật chúng xuất phát từ một tinh thần yêu thương hay không. Chính bởi linh quan tâm yêu thương mà Phao-lô đã viết sách 1 Cô-rin-tô. Chắc chắn rằng trong cả 2 Cô-rin-tô và đặc biệt là chương 7, chúng ta thấy sự quan tâm mật thiết của Phao-lô đối với tín đồ.
SƯỞI ẤM NGƯỜI KHÁC
Trong 2 Cô-rin-tô chương 7, Phao-lô rất tình cảm. Trong câu 13, ông nói ông “càng được vui mừng hơn vì Tít được vui vẻ”. J. N. Darby chỉ ra rằng không thể dịch sang tiếng Anh chính xác thành ngữ tiếng Hy Lạp “càng được vui mừng hơn”. Phao-lô rất con người và rất tình cảm trong việc cung ứng sự sống. Phao-lô rất tình cảm bởi vì sự quan tâm của ông rất sâu sắc và rất thân mật. Nếu không có loại quan tâm này, chúng ta không bao giờ có thể vui mừng dư dật theo cách của Phao-lô. Thay vì thế, có thể chúng ta lạnh như tủ đông, hoàn toàn thiếu sự quan tâm đến các thánh đồ. Thay vì sưởi ấm người khác, chúng ta càng làm cho họ lạnh hơn. Không gì có thể lớn lên trong tình trạng băng giá như thế. Chúng ta cần thời tiết của mùa xuân đến để làm tan chảy chúng ta và sưởi ấm đời sống chúng ta. Một lần nữa, cần phải có sự cung ứng sự sống. Anh em có biết cung ứng sự sống là gì không? Đó là sự sống sưởi ấm người khác. Hãy học tập sưởi ấm người khác. Điều này là có một mối quan tâm mật thiết với họ.
Nhiều người đọc 2 Cô-rin-tô chương 7 mà không chạm đến vấn đề quan tâm mật thiết của Phao-lô. Nếu chúng ta không có loại quan tâm này với người khác, chúng ta sẽ không kết quả. Nếu tôi cung ứng sự sống cho các thánh đồ, tôi phải có sự quan tâm chân thật với họ, một sự quan tâm đầy tình cảm, sâu sắc và thân mật. Tôi phải quan tâm đến mức lúc nào cũng có thể trở thành ngu dại hoặc cuồng nhiệt vì người khác.
LỜI NÀI XIN CỦA PHAO-LÔ
Trong 7:2 Phao-lô nói: “Hãy mở rộng lòng anh em cho chúng tôi; chúng tôi chẳng xử bất công với ai, chẳng làm bại hoại ai, chẳng nhũng lạm ai”. Lời động viên thẳng thắn từ 6:14 đến 7:1 như là một lời mở ngoặc để đem những tín đồ bị xao lãng trở về Đức Chúa Trời thánh biệt của họ, khỏi bị chạm đến bởi điều gì đó làm họ ô uế hầu cho họ có thể hoàn toàn được giải hoà với Ngài. Do đó 7:2 thật ra là một sự nối tiếp của 6:11-13, nài xin tín đồ mở rộng lòng ra cho các sứ đồ, dành chỗ cho họ. Từ câu này đến cuối chương, trong lời nài xin, vị sứ đồ biểu lộ mối quan tâm thân mật của ông đối với tín đồ để họ có thể được an ủi và được khích lệ tiến lên với Chuá cách tích cực sau khi được hoàn toàn giải hoà với Ngài.
Khi Phao-lô nói: “Hãy mở rộng lòng cho chúng tôi” thì thật ra ông muốn nói với người Cô-rin-tô rằng “anh em ơi, tôi muốn vào trong anh em và cư ngụ trong anh em. Nhưng anh em hẹp hòi và tự đóng mình chặt lại. Anh em không có lòng rộng mở để tiếp nhận chúng tôi. Tôi yêu anh em, và tôi quan tâm đến anh em. Đây là lí do vì sao tôi nài khuyên anh em mở ra và mở rộng lòng cho chúng tôi để chúng tôi có thể vào trong anh em và cư ngụ trong anh em”.
Nếu anh em viếng thăm Hội thánh ở địa phương khác mà không có loại linh của Phao-lô có trong câu 2 thì có thể anh em có vô tình cảm nhận rằng anh em hiểu biết những điều thuộc linh nhiều hơn người khác và mình có điều gì đó để cung ứng cho họ. Đây không phải là loại thái độ mà chúng ta nên có. Nhưng giả sử anh em nài xin các thánh đồ giống như Phao-lô đã làm trong câu 2, khuyên họ mở rộng lòng để anh em có thể ở trong họ thì chắc chắn điều này sẽ chạm đến người khác một cách rất sâu sắc.
Trong câu 2 Phao-lô nói rằng các sứ đồ không đối xử bất công với ai, không làm hại ai, và không nhũng lạm ai. Dường như Phao-lô đang thanh minh cho chính mình, nhưng sự thanh minh của ông theo cách thân mật và yêu thương.
Trong câu 3, Phao-lô nói tiếp: “Tôi nói điều đó phải để định tội cho anh em vì tôi đã nói trước rằng anh em ở trong lòng chúng tôi để đồng sống đồng chết với nhau”. Ở đây, chúng ta có một sự diễn đạt về mối quan hệ mật thiết chứ không phải là cách nói lịch sự, nhã nhặn. Phao-lô thẳng thắn trong cách nói nhưng cũng rất thân mật và đụng chạm. Vì Phao-lô nói với người Cô-rin-tô như vậy cho thấy rằng giữa ông với họ có một mối quan hệ mật thiết. Chỉ những người mà chúng ta thân mật thì chúng ta mới có thể nói như vậy.
Trong câu 3, thậm chí Phao-lô nói rằng người Cô-rin-tô ở trong lòng của các sứ đồ đến nỗi cùng sống cùng chết với nhau. Ở đây, dường như Phao-lô muốn nói: “Tôi không nói điều này để lên án anh em, vì tôi đã nói rằng anh em ở trong lòng chúng tôi. Vì chúng tôi có anh em ở trong lòng và lòng chúng tôi được mở rộng, chúng tôi nài khuyên anh em mở rộng lòng và dành chỗ cho chúng tôi. Anh em Cô-rin-tô ơi, anh em ở trong lòng chúng tôi để đồng chết đồng sống với nhau”. Thật là những lời thân mật, dịu dàng, và sâu sắc biết bao! Một sự đụng chạm sâu sắc dường nào!
ĐƯỢC KHÍCH LỆ VÀ VUI MỪNG VÌ MỘT SỰ QUAN TÂM SÂU SẮC
Câu 4 tiếp: “Lớn lao thay sự dạn dĩ của tôi đối với anh em! Lớn lao thay sự khoe khoang của tôi về anh em! Tôi đầy dẫy sự an ủi, tràn trề sự vui mừng trong mọi sự hoạn nạn của chúng tôi”. Theo nghĩa đen tiếng Hy Lạp ở đây có nghĩa là sự khích lệ và sự vui mừng, nói đến một sự khích lệ đặc biệt và sự vui mừng đặc biệt. Ở đây, những lời của Phao-lô cũng rất thân mật và đụng chạm.
Trong câu 5, Phao-lô nói: “Vả khi chúng tôi đến trong Ma-xê-đoan, xác thịt chúng tôi chẳng được yên ổn chút nào, nhưng bị hoạn nạn tư bề—ngoài thì có sự tranh chiến, trong thì có sự sợ sệt”. Xác thịt ở đây nói đến người bề ngoài, bao gồm thân thể và hồn. Tranh chiến thì ở bên ngoài còn lo sợ thì ở bên trong. Tranh chiến và lo sợ liên quan đến thân thể ở bên ngoài và hồn ở bên trong. Không có sự yên ổn trong xác thịt khác với việc không có sự yên ổn trong linh.
Câu 6 chép: “Dầu vậy, Đức Chúa Trời, là Đấng yên ủi kẻ bị đè nén, đã yên ủi chúng tôi bởi Tít đến nơi”. Vì sự quan tâm sâu sắc của ông về việc tín đồ Cô-rin-tô đáp lại thư tín thứ nhất của ông, nên Phao-lô không có sự yên ổn trong linh (2:13), thậm chí Phao-lô bị đè nặng bởi sự quan tâm của ông, ông rất nôn nóng gặp Tít để biết thông tin về sự đáp lại của họ. Bây giờ, Tít không chỉ đến mà còn đem theo tin vui về sự đáp lại tích cực của họ. Đây là một sự khích lệ lớn đối với vị sứ đồ.
Trong câu 7, Phao-lô nói tiếp: “Chẳng những bởi người đến mà thôi nhưng lại bởi sự yên ủi người đã được nơi anh em nữa, vì người có thuật lại cho chúng tôi sự mong mỏi của anh em, sự buồn rầu của anh em, và lòng sốt sắng của anh em đối với tôi, đến đỗi khiến cho tôi càng thêm vui mừng”. Ở đây, một lần nữa, Phao-lô rất tình cảm vì sự quan tâm của ông.
Tất cả chúng ta đều cần mở rộng tấm lòng, cần được giải hoà hoàn toàn với Đức Chúa Trời. Khi đó, chúng ta sẽ có một đời sống cung ứng, một sự sống có thể kết nhiều quả. Chỉ có sự sống cung ứng mới có thể làm cho chúng ta kết quả. Việc sinh trái là kết quả của sự sống cung ứng.
-