Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 36



MỘT SÁNG TẠO MỚI TRONG CHRIST TRỞ THÀNH SỰ CÔNG CHÍNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI QUA BƯỚC THỨ HAI CỦA SỰ PHỤC HOÀ (1)
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 5:1-21
Trong 2 Cô-rin-tô chương 5, Phao-lô đề cập đến nhiều điểm quan trọng. Chúng ta hãy liệt kê những điểm này rồi tiếp tục suy xét chúng.
SÁU VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG
Thứ nhất, trong chương này Phao-lô đề cập đến sự mong mỏi được mặc lấy thân thể được biến hoá (5:1-8). Điều này liên hệ đến sự cứu chuộc thân thể. Phao-lô mong được mặc lấy thân thể được biến hoá, với một thân thể trong sự phục sinh. Trong câu 1 và 2, ông nói: “Vả (vì), chúng ta biết rằng nếu nhà thuộc đất tạm trú của chúng ta đổ nát, thì chúng ta lại có nhà đời đời trên trời, bởi Đức Chúa Trời, không phải bởi tay người ta làm ra. Vì chúng ta thật than thở trong nhà này, tha thiết mong mỏi mặc lấy nhà chúng ta trên trời”.
Vấn đề thứ hai được Phao-lô đề cập trong chương này là lập chí làm đẹp lòng Chuá: “Cho nên chúng ta hoặc còn ở, hoặc lìa khỏi, cũng lập chí cho được đẹp lòng Ngài” (c.9). Ở đây, lập chí là sốt sắng với một mục đích mạnh mẽ, nỗ lực tha thiết làm đẹp lòng Chuá. Tất cả chúng ta nên lập chí làm đẹp lòng Chúa. Chúng ta không nên lập chí để có một loại địa vị nào đó trong nếp sống Hội thánh nhưng nên lập chí làm đẹp lòng Chuá.

Điểm thứ ba là được thúc ép để sống cho Chuá. Trong câu 14 và 15, Phao-lô nói: “Vì tình thương yêu của Đấng Christ khích lệ (thúc ép) chúng tôi, bởi chúng tôi xét rằng nếu có một người chết vì mọi người, thì mọi người đều chết. Lại người ấy chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không còn vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì (cho) Đấng đã thay họ chịu chết và sống lại”. Trong những câu này, Phao-lô nói về việc được thúc ép để sống không phải vì Chuá nhưng sống cho Chuá.
Trong câu 16 và 17 Phao-lô tiếp tục đề cập đến vấn đề thứ tư đó là sáng tạo mới: “Bởi đó cho nên từ nay chúng tôi không nhận biết ai theo xác thịt nữa; dầu chúng tôi từng nhận biết Christ theo xác thịt, song hiện nay chẳng còn nhận biết Ngài theo cách ấy nữa. Vậy, nếu ai ở trong Christ, thì nấy là người được dựng nên mới (một sáng tạo mới); những sự cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới”.
Thứ năm, trong các câu 18 đến 20 Phao-lô nói về chức vụ giải hoà. Trong câu 18, ông nói: “Mọi sự đều ra từ Đức Chúa Trời, Ngài đã nhờ Christ mà khiến chúng ta hoà lại với Ngài, và giao cho chúng ta chức vụ giải hoà”. Trong câu 19, ông nói “đạo (lời) giải hoà”, và trong câu 20 ông thay thế Christ nài khuyên thánh đồ giải hoà với Đức Chúa Trời.
Cuối cùng trong câu 21, chúng ta có vấn đề quan trọng về sự công chính của Đức Chúa Trời: “Đức Chúa Trời đã khiến cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta ở trong Ngài được trở nên sự công chính của Đức Chúa Trời”.
Có vẻ như sáu vấn đề này thuộc về những lĩnh vực khác nhau và không quan hệ gì với nhau. Vì thế, có thể đọc chương này mà không cần xem sự nối tiếp giữa điểm này với điểm khác. Thật ra, có một sự nối tiếp, và không khó để thấy.
Không phải những điểm quan trọng trong chương 5 tiếp nối nhau, nhưng chương 5 tự nó là một sự tiếp nối với chương 4. Điều này được chỉ ra bởi sự kiện ở 5:1 bắt đầu bằng từ “vì”. “Vì” cho thấy rằng những gì được đề cập trong chương này là sự giải thích cho những gì đã được nói trong 4:13-18.
MONG MỎI ĐƯỢC BIẾN HÌNH
Trong 5:1, Phao-lô nói về nhà tạm thuộc đất bị đổ nát. Để thân thể chúng ta là nhà tạm thuộc đất bị đổ nát là để cho người bề ngoài bị tiêu hao, bị tiêu trừ. Dần về cuối 2 Cô-rin-tô chương 4, Phao-lô nói rằng người bề ngoài của chúng ta đang hư hoại, người bề trong của chúng ta đang được đổi mới, và chúng ta không nhìn xem những điều thấy được nhưng xem những điều không thấy được. Điều này có nghĩa là chúng ta sống và bước đi bởi đức tin. Rồi trong 5:1, ông đưa ra một lời giải thích, nói rằng chúng ta biết nếu người bề ngoài của chúng ta, tức nhà tạm thuộc đất của chúng ta bị đổ nát thì chúng ta có nhà tốt hơn ở trên trời. Do đó, trong chương 5 rõ ràng có một sự tiếp nối về lời của Phao-lô trong chương 4.
Sự tiếp nối này cho thấy rằng cuối chương 4, Phao-lô đã hoàn toàn trưởng thành. Ông đã được tái sinh trong linh và được biến đổi trong hồn. Toàn bản thể ông đều đã được đổi mới. Điều duy nhất chưa được hoàn thành là sự cứu chuộc trọn vẹn của thân thể vật lí. Thân thể của Phao-lô vẫn còn trong sáng tạo cũ; nó chưa được thay đổi, biến hình. Do đó trong 5:1-8, ông diễn đạt sự mong mỏi, sự khát khao được biến hình của thân thể.
Mong muốn của Phao-lô là ông không bị trần truồng, tức là ông không để cho thân thể ông bị cất đi. Ứơc muốn của ông là được mặc, tức là mặc thân thể được biến hình. Chết là phân rẽ một người khỏi thân thể họ. Có khi trong tang lễ, một chấp sự có thể nói rằng người chết đã ra đi, người đã rời khỏi và không còn ở với chúng ta nữa. Cơ Đốc nhân thường dùng thành ngữ “về với Chuá”. Mong mỏi của Phao-lô không phải là ra khỏi thân thể. Ông không muốn bị trần truồng, không muốn thân thể bị cất đi. Mong muốn của ông là được mặc lấy thân thể được phục sinh. Điều này có nghĩa là ông mong mỏi được cứu chuộc trong thân thể. Ông biết rằng linh của ông đã được tái sinh và hồn ông đã được biến đổi, nhưng ông cũng nhận ra rằng thân thể ông chưa được biến hình. Do đó, ông đang mong mỏi và đang chờ đợi sự cứu chuộc thân thể ông. Mong mỏi này được đề cập trong tám câu đầu của chương 5.
ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI ĐỊNH HÌNH
Trong câu 5 Phao-lô nói: “Đấng đã tác thành chúng ta cho được sự đó, ấy là Đức Chúa Trời, cũng đã ban linh cho chúng ta để làm của đặt cọc”. Tiếng Hy Lạp dịch chữ tác thành cũng có nghĩa là khuôn rập, định hình, chuẩn bị, làm cho thích hợp. Đức Chúa Trời đã tác thành chúng ta, đã khuôn rập chúng ta, đã định hình chúng ta, đã chuẩn bị chúng ta, đã làm cho chúng ta thích hợp vì mục đích là thân thể hay chết của chúng ta có thể bị nuốt mất bởi sự sống phục sinh của Ngài. Vì thế, toàn bản thể chúng ta sẽ được dầm thấm Christ. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta Linh như là của đặt cọc, là sự báo trước, là tiền vị, là sự bảo đảm về một phần lạ lùng, kỳ diệu của sự cứu rỗi trọn vẹn của Ngài dành cho chúng ta trong Christ.
Đức Chúa Trời có ý định mặc cho chúng ta một thân thể phục sinh. Nhưng nếu được mặc thân thể được biến đổi, chúng ta cần phải có những tiêu chuẩn nào đó. Tội nhân không có đủ tiêu chuẩn để mặc lấy thân thể được biến hoá. Họ không thích hợp cho một thân thể như thế. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã tác thành, đã định hình, đã làm cho chúng ta thích hợp với điều này. Giống như một thợ may may áo vừa vặn cho một người, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời đang định hình chúng ta để mặc lấy thân thể phục sinh. Đức Chúa Trời không đang định hình một thân thể—Ngài đang định hình chúng ta. Khi mua một đôi giầy mới, anh em chọn đôi giầy vừa với hình dạng của chân mình. Cách của Đức Chúa Trời thì ngược lại: Ngài định dạng chân của chúng ta hợp với đôi giầy. Ngài định dạng chúng ta, chuẩn bị chúng ta hợp với một thân thể được phục sinh.
Làm thế nào Đức Chúa Trời định dạng một tội nhân để mặc lấy một thân thể được phục sinh? Ngài định dạng họ bằng cách tha thứ các tội phạm của họ, đặt sự sống thần thượng vào trong họ để tái sinh linh họ, sau đó biến đổi hồn họ. Đây là ý nghĩa của việc Đức Chúa Trời định hình chúng ta.
Anh em đã được Đức Chúa Trời định hình chưa? Câu trả lời tốt nhất là nói rằng chúng ta đã được định hình ở một mức độ nào đó. Dù tôi có điều gì đó được Đức Chúa Trời định hình nhưng tôi biết rằng tôi chưa hoàn toàn được Ngài định hình. Do đó, tôi cần được định hình hơn nữa.
CỦA ĐẶT CỌC CỦA LINH
Liên quan đến việc Đức Chúa Trời định hình, Phao-lô nói rằng Đức Chúa Trời ban cho chúng ta của đặt cọc của Linh. Điều này cho thấy rằng yếu tố chính để Đức Chúa Trời định hình chúng ta là đặt chính Ngài vào trong chúng ta như Linh ban-sự-sống làm của đặt cọc. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời đã đặt cọc chính Ngài cho chúng ta để hoàn thành điều này cho chúng ta. Ngài đã đặt chính Ngài là Linh ban-sự-sống vào trong linh chúng ta để bảo đảm rằng một ngày nào đó, Ngài sẽ che phủ chúng ta bằng một thân thể phục sinh. Chúng ta có của đặt cọc mà chúng ta đã được làm nên và được làm cho đủ phẩm chất vì mục đích này. Điều này cũng được bao hàm trong chức vụ giao ước mới. Qua chức vụ giao ước mới, chúng ta được định hình, được làm cho đủ tiêu chuẩn, và được chuẩn bị để được che phủ bằng thân thể phục sinh. Tất cả chúng ta đều đang chờ đợi điều này xảy ra.
LẬP CHÍ LÀM ĐẸP LÒNG CHUÁ
Chúng ta nên làm gì đang khi chờ đợi được che phủ bằng một thân thể được biến hình? Câu 9 trả lời: “Cho nên chúng ta hoặc còn ở, hoặc lìa khỏi, cũng lập chí cho được đẹp lòng Ngài”. Từ “cho nên” ở đầu câu 9 làm nên sự liên kết giữa câu 9 với câu 8. Vì chúng ta đang chờ đợi để được che phủ bằng thân thể được biến hình nên chúng ta lập chí làm đẹp lòng Chuá. Cũng vậy, đang khi chúng ta chờ đợi sự cứu chuộc thân thể thì cũng lập chí làm đẹp lòng Chuá. Điều Phao-lô nói trong câu 10 đến câu 13 liên quan đến việc ông lập chí làm đẹp lòng Chuá.
ĐƯỢC THÚC ÉP ĐỂ SỐNG CHO CHUÁ
Trong câu 14 Phao-lô nói tiếp: “Vì tình yêu của Christ khích lệ (thúc ép) chúng tôi”. Một lần nữa từ “vì” chỉ ra một liên kết, một sự tiếp nối. Chúng ta lập chí làm đẹp lòng Chuá là vì tình yêu của Ngài đang thúc ép chúng ta. Tình yêu của Christ trong câu 14 là tình yêu được biểu lộ trên thập tự giá qua sự chết của Ngài cho chúng ta.
Tiếng Hy Lạp dịch từ thúc ép theo nghĩa đen là dồn ép mọi bề, giữ chặt một đầu, giới hạn bằng vũ lực, nhốt một vật nào đó trong những giới hạn nào đó, đóng chặt ranh giới và ý định, như trên con đường hẹp, có tường hai bên. Cùng một từ Hy Lạp được dùng trong Lu-ca 4:38; 12:50; Công. 18:5; và Phi-líp 1:23. Theo cách đó, các sứ đồ bị thúc ép bởi tình yêu của Christ để sống cho Ngài và làm hài lòng Ngài.
Chúng ta đã thấy rằng bị thúc ép có nghĩa là bị ép mọi bề và bị nắm lấy một đầu. Khi bị thúc ép, chúng ta bị giới hạn, như thể bước đi trên đường hẹp, có tường hai bên và bị ép buộc đi theo một hướng nào đó. Dù yêu Chuá, chúng ta không luôn luôn sẵn sàng nhận lấy con đường của Ngài. Nếu không bị Ngài xây tường chung quanh, có lẽ chúng ta đã thoát khỏi Christ và Hội thánh. Nhưng tình yêu của Christ thúc ép chúng ta; đè ép chúng ta mọi phía và giữ chặt chúng ta đến một mục tiêu. Chúng ta không có con đường nào khác. Chúng ta không có con đường nào khác để chúng ta nhận lấy. Thật ra, đây không phải là sự chọn lựa của chúng ta. Nếu sự chọn lựa này thật sự của chúng ta, thì có lẽ ngày nay tất cả chúng ta đều ở một nơi khác nào đó rồi. Không, sự lựa chọn này không tuỳ thuộc chúng ta; chính tình yêu của Christ thúc ép chúng ta.
Theo 5:14 và 15, tình yêu của Christ thúc ép chúng ta sống Ngài. Câu 15 chép: “Lại người ấy đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không còn vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì (cho) Đấng đã thay họ chịu chết và sống lại”. Thật khó mà giải thích sống cho Christ có nghĩa là gì dù sống vì Ngài thì rất dễ hiểu. Ngày nay, cả Công Giáo lẫn các hệ phái Cải Chánh, người ta làm nhiều điều vì Christ. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm điều gì đó vì Chuá mà không làm điều dẫn đến Chuá.
Nếu suy xét văn cảnh, chúng ta sẽ thấy rằng sống cho Chuá có nghĩa là sống loại sự sống mà Chuá Jesus sống. Trong chương 4, chúng ta thấy rằng các sứ đồ kinh nghiệm việc mang sự chết của Jesus. Khi kinh nghiệm việc mang sự chết của Jesus, chúng ta có thể sống loại sự sống mà Jesus đã sống. Như vậy là sống cho Chuá.
Sống cho Chuá là sống một đời sống chịu đóng đinh. Đó là sống theo cách mà người bề ngoài luôn luôn bị đặt vào chỗ chết. Chuá Jesus đã sống loại sự sống này, và những người sống đời sống như thế ngày nay đang sống Chuá. Hiểu việc sống Chuá như thế là theo quan điểm được chuyển tải trong chương 4.
Cơ Đốc nhân thường sống vì Chuá theo quan điểm riêng của họ. Trong bài trước, tôi đã minh hoạ điều này, kể rằng thể nào một số người Miền Nam Trung Hoa ép tôi ăn bánh mì mà họ đã chuẩn bị cho tôi cho dù nó không được nấu kỹ và rất khó tiêu hoá. Dù tôi thích ăn cơm hơn nhưng họ cứ khăng khăng ép tôi phải ăn bánh mì đó. Họ đã chuẩn bị bánh mì đó vì tôi, nhưng họ không chuẩn bị bánh mì đó cho tôi. Cũng vậy, chúng ta có thể làm nhiều điều vì Chuá thay vì cho Chuá.
Điều Chuá muốn không phải là chúng ta quá năng động vì Ngài. Ngài muốn chúng ta kinh nghiệm việc mang sự chết của Jesus hầu cho người thiên nhiên và bản thể năng động có thể bị kết liễu. Nhiều người năng động hoặc năng nổ vì Chuá theo cách thiên nhiên. Họ làm nhiều điều vì Ngài bằng sự năng nổ thiên nhiên của họ. Điều này xúc phạm Chuá, và làm cho chúng ta sao lãng khỏi sự vui hưởng Ngài. Do đó, điều chúng ta cần là được tình yêu Chuá thúc ép chỉ để sống cho Ngài.
Nếu muốn sống cho Chuá chúng ta phải từ chối người bề ngoài. Người bề ngoài là xác thịt. Khi sống Christ, chúng ta không sống bởi người bề ngoài, bởi xác thịt của mình. Điều này có nghĩa là sống Christ đòi hỏi chúng ta sống bởi người bề trong, bởi linh được tái sinh của chúng ta.
NHẬN BIẾT NGƯỜI KHÁC THEO LINH
Trong câu 16, tức là sự tiếp nối của câu 14 và 15, Phao-lô nói: “Bởi đó cho nên từ nay chúng tôi không nhận biết ai theo xác thịt nữa; dầu chúng tôi từng nhận biết Christ theo xác thịt song hiện nay chẳng còn nhận biết Ngài theo cách ấy nữa”. Không nhận biết người khác theo xác thịt có nghĩa là chúng ta không nhận biết họ theo người bề ngoài. Trong nếp sống Hội thánh đúng đắn, những người dẫn dắt và những người phụng sự không nhận biết người khác theo người bề ngoài. Tuy nhiên, giữa vòng những Cơ Đốc nhân ngày nay, việc nhận biết người khác theo người bề ngoài là chuyện phổ biến. Ví dụ, họ nhận biết người khác theo nghề nghiệp, địa vị, tài năng và khả năng. Trái lại, trong Hội thánh, chúng ta nên nhận biết người khác theo người bề trong, tức theo linh.
Là sự tiếp nối của câu 16, câu 17 chép: “Vậy, nếu ai ở trong Christ, thì nấy là người được dựng nên mới (một sáng tạo mới); những sự cũ đã qua đi, này, mọi sự đều trở nên mới”. Sáng tạo mới là gì? Sáng tạo mới là một người được tái sinh có sự sống của Đức Chúa Trời và sống theo người bề trong chứ không theo người bề ngoài. Một người sống theo người bề ngoài là theo xác thịt, theo sáng tạo cũ. Do đó, người ấy cũ kỹ. Nhưng người sống cho Chuá theo người bề trong là theo sáng tạo mới.
Bây giờ, chúng ta có thể thấy bốn điểm quan trọng được nối kết với nhau như thể nào. Lập chí làm hài đẹp lòng Chuá được nối kết với ao ước có một thân thể phục sinh. Sống cho Chuá liên quan đến lập chí làm đẹp lòng Chuá. Nếu không sống cho Chuá, chúng ta không thể làm đẹp lòng Ngài. Nếu muốn làm Chuá vui, chúng ta phải sống cho Ngài. Để sống cho Chuá, chúng ta phải đặt bản thể thiên nhiên của mình vào chỗ chết. Khi đó, chúng ta mới có thể làm đẹp lòng Ngài. Nếu có một nếp sống như thế, chắc chắn chúng ta sẽ là một sáng tạo mới, một người sống trong linh, trong người bề trong. Do đó, ao ước có thân thể được biến hình được liên kết với việc lập chí làm đẹp lòng Chuá, lập chí làm đẹp lòng Chuá được liên kết với việc sống cho Chuá, và sống cho Chuá được liên kết với trở nên một sáng tạo mới.
--