Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 20



THÔNG THẠO CHRIST LÀ BẢNG MẪU TỰ ĐỂ VIẾT NHỮNG BỨC THƯ SỐNG BẰNG LINH BAN-SỰ-SỐNG CỦA ĐỨC CHUÁ TRỜI HẰNG SỐNG (2)
Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 3:3-6
Trong 3:3, Phao-lô nói: “Cũng được tỏ ra anh em là thơ của Christ, do chúng tôi phục sự (cung ứng) mà viết ra, chẳng phải là bằng mực, bèn là bằng Linh của Đức Chúa Trời hằng sống, chẳng phải trên bảng đá, bèn là trên bảng lòng bằng thịt”. Ở đây Phao-lô nói về một bức thư của Christ được các sứ đồ cung ứng. Một bức thư như thế được viết, được ghi khắc bằng Linh của Đức Chuá Trời hằng sống. Tất cả những đồng công và những người dẫn dắt trong Hội thánh phải ngưỡng trông Chuá vì sự thương xót và ân điển của Ngài để thực hiện công tác viết Christ vào trong thánh đồ. Thay vì chỉ dạy giáo lí cho người khác hoặc chỉ dạy Kinh Thánh, chúng ta phải làm một công tác duy nhất đó là viết những bức thư sống của Christ.
ĐẤNG CHRIST TRONG KINH NGHIỆM CỦA CHÚNG TA
Nếu ghi khắc Christ vào trong người khác, trước hết chúng ta phải có Christ trong kinh nghiệm. Nếu không có Christ theo cách kinh nghiệm thì chúng ta viết thư của Christ bằng cái gì? Tất nhiên là chúng ta sẽ không có gì để viết. Nếu cố gắng viết gì đó, thì cũng giống như cố đánh máy bằng một máy đánh chữ có dãi ruy-băng khô. Một ngày kia, tôi đang đánh máy và khám phá ra rằng chẳng có gì trên giấy. Khi đó tôi mới biết rằng dãi ruy-băng đã hoàn toàn bị khô. Không có mực trên dãi ruy-băng để chuyển những mẫu tự lên giấy. Tôi dùng điều này minh hoạ rằng để viết bức thư sống của Christ, trước hết chúng ta phải có kinh nghiệm Christ của riêng mình.

MỰC THIÊN THƯỢNG
Những bức thư sống của Christ được viết bằng Linh ban-sự-sống của Đức Chuá Trời hằng sống. Linh ban-sự-sống là mực thiên thượng. Nếu có loại mực này, chúng ta cần kinh nghiệm Christ và được đổ đầy Christ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải được dầm thấm hoàn toàn bằng Linh ban-sự-sống. Nếu là những người đầy dẫy Christ, được dầm thấm Linh ban-sự-sống, chúng ta sẽ có những sự phong phú của Christ để dùng trong việc viết Christ vào trong người khác. Chúng ta cũng sẽ có Linh ban-sự-sống của Đức Chuá Trời hằng sống như là mực thiên thượng. Mực là Linh, thể yếu của mực là Christ, và chúng ta là bút.
Bất cứ một loại mực nào cũng phải có một thể yếu cụ thể. Mực thì khác với nước lã. Không thể viết thư chỉ bằng nước. Phải có một chất nào đó được thêm vào nước lã để làm thành mực. Ngợi khen Chuá, mực thiên thượng là Linh, và thể yếu của Linh này là Christ với tất cả những sự phong phú của Ngài. Để có mực này trong kinh nghiệm, chúng ta phải vui hưởng Christ, sở hữu Christ, được đầy dẫy Christ, được dầm thấm Christ, và được bao phủ Christ.
Nên để người khác luôn tìm gặp chúng ta trong Christ. Trong Phi-líp 3:9 Phao-lô nói về việc được tìm thấy trong Christ. Ông muốn được người khác tìm thấy trong Christ, chứ không phải trong bất cứ điều gì khác hơn Christ. Phao-lô không muốn được tìm thấy trong chính ông, trong văn hoá của ông, hay trong cách sống riêng của ông.
Chúng ta cũng nên mong muốn để được tìm thấy trong Christ, làm một với Christ, được dầm thấm Christ, và thậm chí được cấu tạo Christ và được tái tổ chức bằng Ngài. Khi đó, chúng ta được xức dầu bằng Linh và được đầy dẫy Linh ban-sự-sống, chúng ta sẽ có Linh là mực để viết Christ vào trong người khác. Rồi khi chúng ta nói với người khác, tự nhiên chúng ta sẽ viết trên họ bằng Linh ban-sự-sống của Đức Chuá Trời hằng sống. Yếu tố sự phong phú của Christ sẽ được truyền vào trong họ, được truyền dẫn vào trong bản thể họ. Như vậy, Christ sẽ được ghi khắc vào trong họ. Viết Christ vào trong người khác theo cách này là thật sự sống Christ vì Hội thánh.
KINH NGHIỆM ĐỨC CHÚA TRỜI TAM-NHẤT
Tựa đề của bài này là “Thông Thạo Christ Là Bảng Mẫu Tự Để Viết Những Bức Thư Sống Bằng Linh Ban-Sự-Sống Của Đức Chuá Trời Hằng Sống”. Tựa đề này nói đến Đức Chúa Trời Tam-Nhất: Christ, Linh ban-sự-sống, và Đức Chuá Trời hằng sống. Trước hết, chúng ta thông thạo Đấng Christ, Con. Vì thông thạo Christ nên chúng ta có thể viết những bức thư sống bằng Linh ban-sự-sống. Vì thế chúng ta có Con và có Linh. Những bức thư sống này là thuộc về Đức Chuá Trời hằng sống, tức là thuộc về Cha. Do đó, trong việc viết những bức thư sống, chúng ta có kinh nghiệm về Đấng Tam-Nhất cách thực tiễn.
Khải thị thuần khiết của Đấng Tam-Nhất trong Kinh Thánh thì rất khác với khái niệm ba ngôi của Đấng Tam-Nhất được nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay nắm giữ cách vô thức. Trong những nhóm chính thống nào đó, họ dạy tín đồ rằng Cha, Con, và Linh là những Thân Vị riêng biệt và tách rời nhau. Thật ra, đây là Tam Thần Thuyết, tin rằng Cha, Con và Linh là ba Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, không có ai dạy một cách rõ ràng rằng Cha, Con và Linh là ba Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, một số tín đồ đã nắm giữ quan niệm này trong tiềm thức và nắm giữ một cách vô thức.
ĐỒNG TỒN TẠI VÀ ĐỒNG Ở TRONG NHAU
Cách đây nhiều năm, những người nào đó đã viết ra một câu nói rằng Cha, Con và Linh là ba Thân Vị phân biệt, riêng rẽ. Bác lại điều đó, chúng tôi đã chỉ ra rằng ba Thân Vị của Đức Chúa Trời Tam-Nhất là phân biệt nhưng không phân rẽ. Kết quả là một số người trong số họ đã cẩn thận không dùng từ phân rẽ đối với ba Thân Vị của Đấng Tam-Nhất.
Dạy rằng, Cha, Con và Linh phân rẽ là tà giáo. Theo Kinh Thánh, không thể phân rẽ Cha khỏi Con, hay Con khỏi Linh. Trong Giăng 14:10, Chuá Jesus phán: “Ngươi há không tin rằng Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta sao? Lời Ta nói với các ngươi chẳng phải tự ta nói đâu, bèn là Cha ở trong Ta làm việc của Ngài”. Lời của Chuá ở đây rõ ràng cho thấy rằng Cha và Con là bất khả phân ly. Trong câu 11, Chuá nói tiếp: “Hãy tin Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta; bằng chẳng thì hãy nhơn việc ấy mà tin Ta”. Ở đây, chúng ta không chỉ có sự đồng tồn tại của Cha và Con mà còn có sự đồng ở trong nhau. Ba Thân Vị của Thần Cách—Cha, Con, Linh—vừa đồng tồn tại vừa đồng ở trong nhau. Tất cả chúng ta nên quen thuộc với từ liệu đồng ở trong nhau, tức sự đồng ở trong nhau và tính chất đồng ở trong nhau.
Cha, Con và Linh thảy đều tồn tại cùng một lúc. Đây là đồng tồn tại. Hơn nữa, Cha tồn tại trong Con và Linh; Con tồn tại trong Cha và Linh; và Linh tồn tại trong Cha và Con. Đây là đồng ở trong nhau. Do đó, nếu hiểu biết đúng đắn về Đấng Tam-Nhất, chúng ta phải không chỉ nhận biết sự đồng tồn tại của Cha, Con và Linh mà chúng ta còn phải tin rằng Cha, Con và Linh đồng ở trong nhau.
ĐỨC CHÚA TRỜI BA-MỘT
Chúng ta không tin vào Tam Thần Thuyết; đúng ra chúng ta tin Đức Chúa Trời Tam-Nhất. Từ “Tam-Nhất” có nghĩa là ba-một. Nó được ghép theo hai gốc từ La-tinh: “tri “, có nghĩa là ba và “une”, có nghĩa là một. Do đó, triune là ba-một. Chúng ta không thể hiểu làm thế nào Đức Chúa Trời có thể là Tam-Nhất, tức là ba-một. Môn toán học thần thượng đời đời này vượt quá khả năng hiểu biết của chúng ta. Tuy nhiên, theo toán học thần thượng thì Đức Chúa Trời là ba-một.
Vấn đề về Đức Chúa Trời là Tam-Nhất có thể được minh hoạ bởi việc Kinh Thánh nói về Linh của Đức Chúa Trời và cũng nói về Bảy Linh. Linh của Đức Chúa Trời là một hay bảy? Có lẽ câu trả lời tốt nhất là nói rằng Linh của Đức Chúa Trời là bảy-một hoặc một-bảy. Một mặt, tất cả chúng ta đều biết rằng Linh của Đức Chúa Trời là một duy nhất. Mặt khác, trong sách Khải Thị, nơi mà có sự khải thị tổng kết chung cuộc của Đức Chúa Trời Tam-Nhất, chúng ta thấy có bảy Linh. Khải Thị 1:4 và 5 chép: “Nguyện anh em được ân điển, bình an từ nơi Đấng hiện có, đã có, và còn đến, cùng từ nơi bảy Linh ở trước ngai Ngài, lại từ nơi Jesus Christ…” Chắc chắn bảy Linh ở đây là Linh của Đức Chúa Trời, vì Bảy Linh được xếp vào hàng Đức Chúa Trời Tam-Nhất trong câu này, được đề cập giữa Cha (Đấng đang có, đã có và còn đến) và Con, Jesus Christ. Trong thực chất và trong sự tồn tại, Linh của Đức Chúa Trời là một. Trong chức năng được tăng cường và công tác hoạt động của Đức Chúa Trời (được tượng trưng bởi số 7), thì Linh của Đức Chúa Trời gấp bảy lần. Trong Khải Thị 4:5 và 5:6, chúng ta cũng đọc thấy Bảy Linh.
Tuy nhiên, trong bản Tín Điều Nicene được biên soạn vào năm 325 S.C tại Hội Đồng Nicea được tổ chức dưới triều Constantine Đại Đế thì không đề cập đến bảy Linh của Đức Chúa Trời. Vào lúc Hội Đồng được triệu tập thì bảy Sách Tân Ước, bao gồm Khải Thị và Hê-bơ-rơ, vẫn chưa chính thức được công nhận là có thẩm quyền. Có lẽ đây là lí do vì sao Tín Điều Nicene không nói gì về bảy Linh. Đây là một lí do để chúng ta nói rằng Tín Điều Nincene chưa hoàn chỉnh. Có thể nhiều Cơ Đốc nhân khác làm theo nghị định của hội đồng và đi theo những tín điều, nhưng chúng ta đi theo cả Kinh Thánh, tức Lời thuần khiết của Đức Chúa Trời. Đó là vấn đề nghiêm túc và có ý nghĩa để đánh trận vì lẽ thật được khải thị trong Lời của Đức Chúa Trời.
Chúng tôi đã chỉ ra rằng một số Cơ Đốc nhân một cách vô thức đã tin ba Đức Chúa Trời chứ không tin Đức Chúa Trời ba-một. Những người khác thì cố gắng giải thích Đấng Tam-Nhất bằng cách nói rằng ba Thân Vị là một trong thể yếu, nhưng riêng biệt trong Thân Vị; tức là thực chất ba Thân Vị là một nhưng trong đơn vị là ba. Điều này có thể được so sánh với việc nói rằng ba cái bàn cà-phê là một trong thể chất, hoặc thể yếu, vì tất cả đều được làm bằng cùng một loại gỗ, nhưng khác nhau về hình dáng. Có ba bàn cà-phê hay một? Chắc chắn là có ba. Minh hoạ này cho thấy rằng nói về Đấng Tam-Nhất theo cách này là dạy thuyết ba ngôi.
Nhiều tín đồ vô thức nắm giữ quan điểm về ba Đức Chúa Trời này. Chúng ta tin Đức Chúa Trời duy nhất là Đấng Tam-Nhất. Trong việc viết những bức thư sống bằng Linh ban-sự-sống, chúng ta kinh nghiệm Đức Chúa Trời ba-một. Chúng ta thông thạo Đấng Christ, chúng ta viết thư bằng Linh, và Linh này là thuộc về Đức Chuá Trời hằng sống. Ha-lê-lu-gia, đây là Đức Chúa Trời Tam-Nhất!
VƯỢT TRÊN TẤT CẢ, SUỐT QUA TẤT CẢ, VÀ Ở TRONG TẤT CẢ
Anh em có bao giờ chú ý thấy rằng sự mô tả về Cha trong Ê-phê-sô 4:6 hàm ý đến Đức Chúa Trời Tam-Nhất chưa? Câu này nói: “Một Đức Chúa Trời là (và) Cha của mọi người, Ngài vượt trên mọi người (tất cả), suốt qua mọi người (tất cả), và ở trong mọi người (tất cả)”. Câu này cho thấy rằng ngay cả chính Cha cũng là tam diện. Cụm từ “vượt trên tất cả” nói đến Cha là nguồn; cụm từ “suốt qua tất cả” nói đến Con là tiến trình; và cụm từ “ở trong tất cả” nói đến Linh là Đấng Nội Cư. Do đó, sự mô tả tam diện này về Cha vượt trên tất cả, xuyên qua tất cả, và ở trong tất cả hàm ý đến Đức Chúa Trời Tam-Nhất.
KHÔNG PHẢI THẦN HỌC HỆ THỐNG
Thần học chính thống truyền thống đã trở thành thần học hệ thống hoặc bị hệ thống hoá. Nhiều Cơ Đốc nhân khâm phục thần học hệ thống như thế. Tuy nhiên, tôi không thể đồng ý với thần học hệ thống, vì sự khải thị thần thượng trong Kinh Thánh không thể bị hệ thống hoá. Hệ thống hoá sự khải thị thần thượng, giống như cố gắng hệ thống một cơ cấu hữu cơ sống.
Nếu cố gắng hệ thống hoá điều gì đó sống thì điều đó sẽ chết. Anh em có thể nào hệ thống hoá đời sống con người vật lí của anh em không? Anh em có thể nào sắp xếp tâm trí, tình cảm, ý chí, hồn, lòng, lương tâm, và linh của anh em một cách có hệ thống không? Anh em có biết hồn của anh em ở đâu không? Anh em có định vị được tâm trí hay linh của anh em không? Anh em có thể nói tấm lòng tâm lí của anh em ở đâu không? Nếu thành thật, chúng ta sẽ thừa nhận rằng chúng ta không thể định vị được những phần này của bản thể bề trong của chúng ta. Nếu chúng ta không thể hệ thống hoá bản thể hữu hạn của mình thì làm thế nào với trí lực con người hữu hạn, chúng ta lại có thể mạo muội hệ thống hoá Đức Chúa Trời vô hạn, vô biên? Điều này thật buồn cười! Tôi tin rằng chính Augustine là người nói rằng cố gắng phân loại Đức Chúa Trời Tam-Nhất thì giống như dùng một cái chậu để đo lường đại dương.
Thay vì cố gắng hệ thống hoá Đức Chúa Trời Tam-Nhất, chúng ta chỉ cần tin bất cứ điều gì Kinh Thánh khải thị về Ngài. Dù không thể hệ thống hoá Đức Chúa Trời, chúng ta vẫn có thể thông thạo Christ để viết những bức thư sống bằng Linh của Đức Chuá Trời hằng sống. Điều này có nghĩa là trong kinh nghiệm, chúng ta vui hưởng Đức Chúa Trời Tam-Nhất trong việc viết những bức thư sống.
Chúng ta đang viết những bức thư của Christ. Phao-lô là người viết thư như thế. Bây giờ, chúng ta cũng phải noi theo ông để ghi khắc Christ vào trong người khác và bởi đó soạn thảo những bức thư sống của Christ. Dù đi đâu, chúng ta cũng nên viết Christ vào trong người khác. Người ta đã quá mệt mỏi về thần học và tôn giáo. Nhu cầu của họ là để cho Christ được ghi khắc vào trong họ. Chúng ta hãy cầu nguyện để nhiều người trong chúng ta sẽ đi ra viết những bức thư sống bằng Linh ban-sự-sống của Đức Chuá Trời hằng sống.
---