GƯƠNG MẪU CỦA VIỆC
SỐNG CHRIST VÌ HỘI THÁNH (2)
Kinh Thánh: 2
Cô-rin-tô 1:8-9, 12, 17-22
Sách 1 Cô-rin-tô
bày tỏ vấn đề sống Christ vì Hội thánh. Nếu đọc Thư Tín này cách cẩn thận,
chúng ta có thể tự hỏi liệu có một gương mẫu của việc sống Christ vì Hội thánh
không. Khi đọc Sách này, có thể chúng ta nói: “Phao-lô ơi, hãy cho chúng tôi
nhìn thấy một gương mẫu. Chúng tôi đã nhìn thấy nhiều điều trong cha mẹ mình,
trong họ hàng, trong láng giềng, trong bạn bè và trong đồng nghiệp nhưng chúng
tôi chưa bao giờ nhìn thấy một người sống Christ vì Hội thánh. Chúng tôi muốn
nhìn thấy một gương mẫu, vì một gương mẫu tốt hơn hàng ngàn lời nói”. Nhận biết
nhu cầu về một gương mẫu như thế, Phao-lô đã trình bày gương mẫu này trong 2
Cô-rin-tô. Do đó, trong Thư Tín này, chúng ta thấy một gương mẫu sống.
MỘT BẰNG CHỨNG CÁ
NHÂN
Mỗi Thư Tín của
Phao-lô được mở đầu theo một cách khác nhau. Chẳng hạn như cách ông mở đầu Thư
La-mã khác với cách ông mở đầu Thư Ê-phê-sô. Thư 2 Cô-rin-tô cũng bắt đầu bằng
một cách đặc biệt. Sau lời chào thăm và những lời về ân điển và sự bình an
trong 1:1 và 2, Phao-lô nói tiếp, không theo cách giáo lí hay theo cách khải thị,
nhưng theo cách đưa ra bằng chứng cá nhân. Trong 1:8, ông nói: “Anh em ơi,
chúng tôi không muốn anh em chẳng biết về sự hoạn nạn đã xảy đến cho chúng tôi
trong A- si, thể nào chúng tôi đã bị đè nén quá chừng quá sức, đến nỗi cũng hết
mong sống được”. Dường như Phao-lô đang nói: “Hỡi tín đồ Cô-rin-tô, tôi muốn
cho anh em một bằng chứng của tôi về cách tôi sống Christ vì Hội thánh. Khi
chúng tôi ở A-si, chúng tôi bị đè nén quá mức, bị dồn ép nặng nề. Chúng tôi bị
đè nén quá sức của chúng tôi, quá khả năng để chịu đựng áp lực đó, đến nỗi
chúng tôi hết hi vọng sống. Rõ ràng là chúng tôi đang chết”. Ở đây không có
giáo lí. Trái lại, Phao-lô cho một chứng cớ. Chứng cớ này là một phần của gương
mẫu.
ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA SỰ
PHỤC SINH
Trong 1:9, Phao-lô
nói tiếp: “Thật chúng tôi đã tự đoán định rằng chắc phải chết, hầu cho chúng
tôi không cậy mình, nhưng cậy Đức Chúa Trời là Đấng khiến kẻ chết sống lại.”.
Vì nhận biết mình đang chết nên các sứ đồ không tin cậy chính mình. Sự tin cậy
của họ ở trong Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời mà họ
tin cậy không chỉ là Đấng dựng nên trời đất. Đúng hơn, họ tin cậy Đức Chúa Trời
của sự phục sinh, tin cậy Đức Chúa Trời là Đấng làm cho kẻ chết sống lại. Ở
đây, Phao-lô không nói: “Tôi nhờ Đức Chúa Trời Đấng sáng tạo trời đất làm chứng
cho tôi”. Trong câu 9, Phao-lô không nói đến Đức Chúa Trời sáng tạo nhưng nói đến
Đức Chúa Trời của sự phục sinh.
Phao-lô không tin cậy
chính mình nhưng tin cậy Đức Chúa Trời phục sinh, tức Đức Chúa Trời là Đấng đã
làm cho kẻ chết sống lại. Tin cậy Đức Chúa Trời của sự phục sinh và không tin cậy
chính mình là sống Christ. Nếu tôi tin cậy chính mình thì chắc chắn tôi đang sống
chính tôi. Tôi không đang sống Christ. Nhưng ở đây vị sứ đồ không cậy chính
mình. Sự tin cậy của ông hoàn toàn ở trong chính Đức Chúa Trời, Đấng làm cho kẻ
chết sống lại. Trong vấn đề này, ông là gương mẫu của việc sống Christ.
SỰ ĐƠN THUẦN VÀ SỰ
CHÂN THẬT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong câu 12,
Phao-lô nói tiếp: “Vì sự khoe khoang của chúng tôi là đây: lương tâm chúng tôi
làm chứng rằng, chúng tôi lấy sự thánh biệt (đơn thuần) và sự thành thực (chân
thật) của Đức Chúa Trời mà ăn ở trong thế gian, nhất là đối với anh em lại càng
hơn, không cậy sự khôn ngoan thuộc xác thịt, bèn là cậy ân điển của Đức Chúa Trời”.
Lời chứng này có liên quan đến gương mẫu của việc sống Christ vì Hội thánh.
Lương tâm của Phao-lô làm chứng rằng ông đã sống trong sự đơn thuần; chính trị
không phải là cách sống của ông. Với Phao-lô, không có chính trị. Trái lại ông
rất đơn thuần. Tuy nhiên, Phao-lô không sống sự đơn thuần và chân thật riêng của
ông; ông sống sự đơn thuần và chân thật của Đức Chúa Trời.
Cách diễn đạt “sự
đơn thuần của Đức Chúa Trời” hàm ý rằng chính Đức Chúa Trời là sự đơn thuần
này. Cũng vậy, cụm từ “sự chân thật của Đức Chúa Trời” thật ra có nghĩa là sự
chân thật này là chính Đức Chúa Trời. Trong 1:12, Phao-lô không nói về sự đơn
thuần và chân thật con người của ông. Sự đơn thuần và chân thật của ông là
chính Đức Chúa Trời.
ÂN ĐIỂN CỦA ĐỨC
CHÚA TRỜI
Trong 1:12, Phao-lô
cũng nói rằng ông ăn ở không theo sự khôn ngoan của xác thịt, nhưng trong ân điển
của Đức Chúa Trời. Ân điển là Đức Chúa Trời Tam-Nhất đã-trải-qua-tiến-trình. 1
Cô-rin-tô khải thị rằng Đức Chúa Trời Tam-Nhất đã trải qua tiến trình để trở
nên Linh ban-sự-sống để chúng ta vui hưởng. Sự vui hưởng Đức Chúa Trời Tam-Nhất
đã-trải-qua-tiến-trình này là ân điển.
Trong 1 Cô-rin-tô
15:10 Phao-lô nói: “Nhưng tôi nay là người thể nào, ấy là nhờ ân điển của Đức
Chúa Trời, và ân điển Ngài ban cho tôi cũng không phải là luống nhưng (vô ích)
đâu. Trái lại, tôi đã quá lao khổ hơn họ hết thảy, nhưng nào phải tôi, bèn là
ân điển Đức Chúa Trời ở cùng tôi”. Cách diễn đạt “ân điển của Đức Chúa Trời”
trong câu này và trong 2 Cô-rin-tô 1:12 thật ra cho thấy rằng ân điển là chính
Đức Chúa Trời. Ân điển của Đức Chúa Trời là chính Đức Chúa Trời. Do đó, ân điển
không phải là điều gì đó thuộc về Đức Chúa Trời mà ân điển là chính Đức Chúa Trời.
Hơn nữa, Đức Chúa
Trời chưa-trải-qua-tiến-trình không phải là ân điển. Đúng ra, ân điển là Đức
Chúa Trời Tam-Nhất trong sự phục sinh. Không chỉ là Đức Chúa Trời như được khải
thị trong Sáng Thế Kí chương 1 mà còn là Đức Chúa Trời được khải thị trong các
Thư Tín của Phao-lô. Đức Chúa Trời trong chức vụ của Phao-lô không chỉ là Đức
Chúa Trời sáng tạo mà Ngài còn là Đức Chúa Trời trong sự phục sinh. Sự phục
sinh liên quan đến tiến trình nhục hóa, đời sống làm người và sự đóng đinh. Sau
khi trải qua tiến trình này, Đức Chúa Trời Tam-Nhất đã bước vào trong sự phục
sinh. Do đó, khi nói về Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của sự phục sinh, chúng
ta hàm ý đến tiến trình mà Ngài đã trải qua.
Christ đã trải qua
sự nhục hoá, qua ba mươi ba năm rưỡi sống đời sống làm người, và qua sự đóng
đinh kéo dài sáu giờ. Sau khi chết, Ngài được đặt vào trong mộ. Rồi Ngài đi xuống
Ha-đét và đi một vòng trong lĩnh vực của sự chết. Sau đó, Ngài vào trong sự phục
sinh. Bây giờ, Ngài là Đức Chúa Trời không chỉ của sự sáng tạo mà còn là Đức
Chúa Trời của sự phục sinh. Đức Chúa Trời đã-trải-qua-tiến-trình này bây giờ là
ân điển của chúng ta. Thật vui mừng biết bao khi tôi ở trong Ngài! Ngài là sự
vui hưởng của tôi, là Tiệc của tôi, là sự an nghỉ của tôi, sức mạnh của tôi.
Đây là Đức Chúa Trời của tôi.
LÀM MỘT VỚI ĐẤNG
CHRIST KHÔNG-THAY-ĐỔI
Trong câu 17
Phao-lô nói: “Thế thì, tôi định ý như vậy, há phải nhẹ dạ sao? Hay là điều tôi
quyết định, há phải tôi quyết định theo xác thịt, nên nỗi ở nơi tôi phải đó, rồi
không đó sao?” Phao-lô không chính trị cũng không ba phải. Ông không phải là loại
người nói có đó rồi lại nói không đó. Với Phao-lô, có là có, không là không. Bất
cứ điều gì ông giải quyết, ông đều giải quyết bằng cách làm một với Đấng Christ
không-thay-đổi của Đức Chúa Trời thành tín.
Phao-lô hoàn toàn
làm một với Christ, với Đấng được xức dầu của Đức Chúa Trời. Đây là lí do ông
có thể nói rằng “Thật như Đức Chúa Trời là thành tín, lời chúng tôi đối với anh
em cũng chẳng phải là phải đó, rồi không đó đâu. Vì Con Đức Chúa Trời là Jesus
Christ mà chúng tôi, là tôi, Sin-vanh và Ti-mô-thê, đã rao giảng giữa anh em,
chẳng phải là phải đó, rồi không đó đâu; nhưng trong Ngài chỉ có phải mà thôi”.
(c.18-19).
Trong câu 20 và 21,
Phao-lô nói tiếp: “Vì chưng lời hứa của Đức Chúa Trời, vô luận bao nhiêu, trong
Christ đều là phải cả, nên cũng nhờ Ngài mà chúng ta nói: ‘A-men’, để bởi chúng
ta mà Đức Chúa Trời được vinh hiển. Vả, Đấng làm cho vững bền chúng tôi với anh
em trong Christ, và đã xức dầu cho chúng tôi, ấy là Đức Chúa Trời”. Christ là Đấng
được xức dầu của Đức Chúa Trời, và Phao-lô đã được gắn chặt với Đấng này. Đấng
này là Đấng Christ không-thay-đổi của Đức Chúa Trời thành tín. Là người sống
Christ, Phao-lô làm một với Đấng Christ không-thay-đổi của Đức Chúa Trời thành
tín. Nếu sống Christ, chúng ta cũng phải giữ chính mình làm một với Ngài.
Phao-lô có thể nói
về chính mình: “Tôi là người luôn luôn làm một với Christ. Christ không phải là
phải đó rồi không đó, nhưng trong Ngài chỉ có phải mà thôi. Nếu anh em nói phải
đó rồi không đó thì anh em không đang sống Christ. Trong Christ chỉ có phải. Hễ
khi nào Ngài nói phải, thì đó mãi mãi là phải. Với Ngài không có thay đổi. Tôi
làm một với Đấng Christ không thay đổi này. Khi tôi quyết định đến thăm anh em
thì tôi cùng quyết định với Ngài. Tôi không làm điều này trong chính tôi hay bởi
chính tôi. Trong sự hiệp một với Christ, tôi mạnh mẽ quyết định đến với anh em.
Ngài là Đấng được xức dầu, và tôi được gắn chặt với Ngài”. Đây cũng là một phần
của gương mẫu về việc sống Christ vì Hội thánh.
MỘT GƯƠNG MẪU SỐNG
Gánh nặng của tôi
trong bài này là chỉ ra rằng trong lời giới thiệu cho Sách 2 Cô-rin-tô, Phao-lô
giới thiệu chính ông cho tín đồ Cô-rin-tô như gương mẫu của một người sống
Christ vì Hội thánh. Dường như Phao-lô muốn nói: “Hỡi người Cô-rin-tô, trong
Thư thứ nhất tôi đã cho anh em một sự khải thị về ý nghĩa của việc sống Christ
vì Hội thánh. Bây giờ, tôi biết rằng anh em cũng cần gương mẫu của một nếp sống
như thế. Trong Thư thứ hai này, tôi giới thiệu chính tôi với anh em như một
gương mẫu sống. Tôi xin anh em hãy nhìn tôi và thấy rằng tôi không cậy chính
mình. Sự tin cậy của tôi hoàn toàn ở trong Đức Chúa Trời của sự phục sinh. Vì
tôi tin cậy Ngài nên tôi sống Christ. Hơn nữa, mỗi khi quyết định điều gì đó,
tôi quyết định bằng cách nhận Christ làm Thân Vị của tôi. Tôi là người gắn chặt
với Christ, gắn chặt với Đấng Được Xức Dầu của Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng
Christ của Đức Chúa Trời thành tín, tức Đức Chúa Trời mà với Ngài chẳng có bóng
đổi dời nào. Do đó, tôi, Phao-lô, là một với Đức Chúa Trời Tam-Nhất”. Đây là một
người sống Christ vì Hội thánh.
Mục đích của
Phao-lô trong việc sống Christ là để sự quản trị của Đức Chúa Trời có thể được
thực hiện qua Hội thánh. Nếu muốn biết cách sống Christ vì Hội thánh, chúng ta
cần xem đời sống của Phao-lô và học theo ông. Ông là khuôn mẫu của chúng ta, là
gương mẫu của chúng ta.
Trong số các Thư
Tín của Phao-lô thì 2 Cô-rin-tô là độc nhất vô nhị. Thư Tín này mở đầu bằng lời
làm chứng cá nhân của Phao-lô. Lời làm chứng này không được nói cách ngắn gọn
nhưng được trình bày một cách chi tiết. Phao-lô bảo người Cô-rin-tô rằng ông
không muốn họ chẳng biết những hoạn nạn mà ông đã trải qua ở A-si. Ông muốn tín
đồ Cô-rin-tô biết rằng các sứ đồ bị đè nén nặng nề, mà áp lực đó nặng đến nỗi
vượt quá khả năng chịu đựng của họ. Họ hết hi vọng sống và có sự đáp ứng của sự
chết bên trong họ. Theo cảm nhận và nhận thức của họ thì họ đang chết. Tại sao
Đức Chúa Trời lại đặt họ vào trong một tình huống như thế? Đức Chúa Trời làm
như thế vì Ngài muốn họ bị kết liễu. Do đó, Phao-lô có thể nói: “Ý định của Đức
Chúa Trời là kết liễu chúng ta. Ngài không muốn chúng ta sống nữa. Thay vì thế,
Ngài muốn Christ sống trong chúng ta”.
BỊ KẾT LIỄU ĐỂ SỐNG
CHRIST
Nói về sự kết liễu
thì dễ nhưng để thật sự bị kết liễu, chúng ta cần kinh nghiệm nhiều sự chịu khổ.
Chẳng hạn như Chuá sẽ dùng chồng hoặc vợ và con cái để kết liễu anh em. Nếu là
vợ, Chúa sẽ dùng chồng để kết liễu chị em. Nếu là chồng, Chuá sẽ dùng vợ để cắt
anh em ra từng mảnh. Hơn nữa, con cái của anh em cũng sẽ giúp đỡ Ngài trong việc
đem anh em đến chỗ kết thúc, hầu cho Christ có thể sống trong anh em.
Thật dễ dàng để nói
theo cách giáo lí rằng chúng ta đã bị đóng đinh với Christ, rằng chúng ta không
còn sống nữa, và Christ sống trong chúng ta. Có thể điều này không hơn gì một sự
dạy dỗ. Có thể nói như thế trong nhiều năm, trích đi trích lại Ga-la-ti 2:20,
nhưng vẫn không sống Christ vì Hội thánh.
Tất cả chúng ta cần
kinh nghiệm sự cắt tỉa bên trong một cách cụ thể hầu cho chúng ta có thể bị kết
liễu. Thậm chí Chuá có thể dùng các thánh đồ trong nếp sống Hội thánh để hoàn
thành điều này cho chúng ta. Về một ý nghĩa, nếp sống Hội thánh là nếp sống giết
chết, tức nếp sống kết liễu. Ngợi khen Chuá, chúng ta đang sẵn sàng bị giết chết
vì khao khát của chúng ta là sống Christ.
Nếu sống Christ, sự
tin cậy của chúng ta sẽ ở trong Đức Chúa Trời của sự phục sinh, trong Đức Chúa
Trời Đấng làm cho kẻ chết sống lại. Khi đó, chúng ta sẽ ăn ở trong ân điển của
Đức Chúa Trời và chúng ta sẽ làm một với Đấng Christ không-thay-đổi của Đức
Chúa Trời thành tín, Christ Đấng chỉ có phải. Cảm tạ Chuá trong tất cả những
câu trong 2 Cô-rin-tô chương 1, chúng ta thấy Phao-lô là một gương mẫu của việc
sống Christ vì Hội thánh.
-