Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 54

PHAO-LÔ BÊNH VỰC UY QUYỀN SỨ ĐỒ CỦA ÔNG (5)
Đọc Kinh Thánh: 2Cô. 11:16-33
Đến đây, chúng ta đã đề cập đến ba phương diện về việc Phao-lô bênh vực uy quyền sứ đồ của ông: đánh trận theo Linh, sự chia phần về sự cai trị của Đức Chúa Trời, và vì Đấng Christ, ông ghen tức các tín đồ mà chống lại những giáo sư giả. Trong bài này, chúng ta sẽ xem phương diện thứ tư, tức là sự khoe khoang miễn cưỡng của Phao-lô. Trong một phân đoạn khá dài của 2 Cô-rin-tô (11:16-12:18), Phao-lô bênh vực uy quyền của ông bằng sự khoe khoang miễn cưỡng. Dù không muốn khoe khoang nhưng ông cần phải làm như vậy.
CÓ VẺ NHƯ NGU DẠI
Trong 11:16-33, Phao-lô không khôn ngoan cách thiên nhiên, và ông không chơi trò chính trị. Nếu ông khôn ngoan hay chính trị, ông đã không khoe khoang. Tuy nhiên, Phao-lô sẵn sàng tỏ vẻ ngu dại bằng sự khoe khoang.
Chúng ta cần học từ Phao-lô để có những lúc chúng ta không nên quá khôn ngoan hay chính trị. Sự lịch thiệp thiên nhiên của chúng ta có thể là một loại khôn ngoan tinh vi. Thay vì thế, chúng ta cần trung tín, thật thà và thẳng thắn. Nhưng trong khi làm như vậy, có thể chúng ta có vẻ như ngu dại trong mắt người khác.
Trong những câu này, Phao-lô nài khuyên người Cô-rin-tô dung chịu ông trong sự ngu dại của ông. Ông xin phép họ để vận dụng sự ngu dại trong sự khoe khoang. Trong câu 16 ông nói: “Tôi lại nói, chớ có ai coi tôi như kẻ ngu dại; phỏng có như vậy, thì ít nữa hãy tiếp nhận tôi như kẻ ngu dại, hầu cho tôi cũng khoe khoang ít nhiều”. Ở đây, dường như Phao-lô đang nói: “Hãy dung chịu tôi trong sự ngu dại của tôi. Cho đến điểm này, tôi đã khôn ngoan nhưng bây giờ tôi phải nói cách mạnh mẽ. Trước khi làm điều này, tôi xin anh em dung chịu sự ngu dại của tôi. Tôi sẽ nói với anh em điều gì đó một cách rất thẳng thắn”. Sau đó, Phao-lô tiếp tục dùng n
hững thành ngữ thẳng thắn và cách nói bộc trực.
Một người vận dụng sự khôn ngoan thì không bao giờ nói như vậy. Thay vì thế, người ấy rất chính trị và cố gắng làm cho người khác đánh giá cao mình. Trong những chương trước Phao-lô rất khôn ngoan, nhưng ở đây, ông có vẻ như ngu dại, khoe khoang và dùng những cách diễn đạt mỉa mai.
Nhiều lần, để nói lẽ thật, chúng ta cần có vẻ như ngu dại đối với người khác. Martin Luther đã làm như vậy khi công bố với Cơ Đốc giáo suy thoái rằng sự xưng nghĩa hoàn toàn là bởi đức tin. Khi làm như vậy, ông vận dụng sự ngu dại. Những người muốn duy trì địa vị cao trong phẩm trật tôn giáo sẽ không bao giờ làm thế.
Như chúng tôi đã chỉ ra, trong chương 11, chúng ta thấy sự ngu dại của Phao-lô. Ông đã dùng những từ liệu như là sứ đồ giả, những người làm công giả dối, và chấp sự của Sa-tan. Khi đọc những cách diễn đạt như thế, tất cả chúng ta đều đứng về phía Phao-lô. Tuy nhiên, khi ông viết Thư này, không dễ để ông dùng những từ liệu này. Nếu là Phao-lô, anh em có bạo dạn viết một thư tín như thế không? Có lẽ đa số chúng ta không bao giờ viết như vậy. Có thể chúng ta đã nói một cách tử tế về người Giu-đa. Chúng ta không bạo dạn dùng những từ liệu như sứ đồ giả, người làm công giả dối, hoặc chấp sự của Sa-tan. Nhưng vì Phao-lô sẵn sàng tỏ vẻ ngu dại nên ông bạo dạn nói theo cách này.
Anh em không nói rằng câu 16 là lời viết của một kẻ ngu dại sao? Trước hết Phao-lô nói: “Đừng ai cho tôi là ngu dại”. Sau đó ông nói tiếp: “Phỏng có như vậy, thì ít nữa hãy tiếp nhận tôi như kẻ ngu dại, hầu cho tôi cũng khoe khoang ít nhiều”. Anh em sẽ nghĩ gì nếu một người nào đó đến địa phương anh em và nói như vậy? Anh em không xem người đó là một kẻ ngu dại sao? Một người khôn ngoan chắc chắn phải nói khác.
Trong câu 17 và 18, Phao-lô nói tiếp: “Điều tôi nói đây, tôi chẳng nói theo như Chúa, nhưng theo như kẻ ngu dại tự tin mà khoe khoang. Bởi có nhiều người khoe khoang theo xác thịt, tôi cũng sẽ khoe khoang vậy”. Anh em không nói rằng dường như Phao-lô không tự chủ được khi ông công bố rằng ông sẽ nói điều gì đó không theo Chúa sao? Chúng ta có thể nghĩ rằng nếu Phao-lô nếu không nói theo Chúa thì ông nên yên lặng. Làm thế nào một sứ đồ mà nói điều gì đó không theo Chúa? Tuy nhiên, Phao-lô đã nói một lời như thế. Nếu có mặt lúc đó, có lẽ chúng ta đã khuyên ông đừng viết như vậy.
Ý Phao-lô muốn nói gì qua chữ “tự tin” trong câu 17? Sự tự tin này dường như có liên quan đến sự ngu dại của Phao-lô, liên quan đến sự thiếu tự chủ của ông. Nếu không có sự tự tin như thế, chắc chắn ông đã không khoe khoang. Trái lại, hẳn ông đã ăn ở giống như một người có văn hoá và sẽ không khoe khoang gì cả. Một người tự tin đến nỗi không tự chủ sẽ không bao giờ khoe khoang theo cách như Phao-lô đã làm trong 2 Cô-rin-tô chương 11.
Sau khi nói một lời mỉa mai cho người Cô-rin-tô về việc vui vẻ dung chịu những kẻ ngu dại (c.19), Phao-lô nói trong câu 20 rằng “Phỏng có ai bắt anh em vào ách tôi mọi, hoặc có ai ăn nuốt anh em, hoặc có ai cướp bóc anh em, hoặc có ai tự cao với anh em, hoặc có ai vả mặt anh em, thì anh em đều hay dung chịu cả”. Ở đây dường như Phao-lô đang nói: “Nếu anh em vui vẻ dung chịu mọi điều này, mà anh em lại không dung chịu tôi, một kẻ ngu dại và không tự chủ sao?”
MỘT SỰ SO SÁNH GIỮA PHAO-LÔ VÀ NGƯỜI GIU-ĐA
Trong câu 21, Phao-lô nói, cũng theo cách mỉa mai: “Tôi lấy làm hổ nhục mà nói lời này, dường như chúng tôi đã là yếu đuối. Nhưng hễ sự gì kẻ khác bạo dạn, thì tôi cũng bạo dạn, tôi nói như kẻ ngu dại”. Ở đây, dường như Phao-lô đang nói “Tôi quên đi vị trí của tôi, sự tôn trọng của tôi, và vinh hiển của tôi, tôi nói theo cách không tôn trọng. Tôi không quan tâm anh em nghĩ tôi thế nào. Tôi nói như thể tôi yếu đuối”. Sau đó, Phao-lô tiếp tục so sánh chính ông với người Giu-đa rằng ông cũng là một người Hê-bơ-rơ, một người Isarel, dòng dõi của Áp-ra-ham, và là một chấp sự của Đấng Christ.
Trong những câu này, chúng ta có một sự so sánh giữa Phao-lô với người Giu-đa. Trong câu 23, Phao-lô nói về việc lao khổ nhiều hơn, tù đày nhiều hơn, đòn vọt quá chừng và thường xuyên liều chết. Trong câu 24 và 25 Phao-lô nói: “Năm lần tôi bị người Do Thái đánh, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục. Ba lần bị đòn, một lần bị ném đá, ba lần bị chìm tàu, một ngày một đêm ở trong biển sâu”. Đòn vọt trong câu 24 là từ người Do Thái, và roi trong câu 25 được người La-mã dùng (Công. 16:22-23; 22:25). Không kể vụ đắm tàu tại Melita (được nhận biết cách thông thường là Malta), Phao-lô bị đắm tàu ba lần, không có lần nào liên quan đến Sách Công Vụ. Dĩ nhiên, người Giu-đa không chịu sự khổ sở nào trong những điều này. Họ không có gì để so với Phao-lô trong những vấn đề như thế.
Câu 26 chép: “Đi đường nhiều, nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với đồng bào, nguy với dân ngoại bang, nguy trong thành phố, nguy ngoài đồng vắng, nguy trên biển, nguy giữa anh em giả dối”. Sông ở đây là sông có khả năng thay đổi thình lình và dữ dội từ sự dâng lên đột ngột của những dòng suối hay sự ngập lụt của những dòng suối khô cạn. Trộm cướp được đề cập trong câu này là những bộ tộc ở trên núi giữa cao nguyên Tiểu Á và bờ biển, các bộ tộc này khét tiếng về trộm cướp. Những anh em giả dối nói trong câu 26 chủ yếu nói đến những Cơ Đốc nhân Giu-đa.
Câu 27 tiếp: “Chịu nhọc chịu khổ, ghe phen thức đêm chịu đói chịu khát, lắm lúc nhịn ăn, chịu lạnh lẽo, trần truồng”. Vì sự nhịn ăn được liệt kê ở đây chung với sự chịu khổ, nên hẳn phải nói đến sự nhịn ăn bắt buộc vì thiếu lương thực. Do đó, điều này khác với chịu đói. Chịu đói có thể nói đến tình huống không có cách kiếm thức ăn; nhịn ăn bắt buộc có thể nói đến tình trạng nghèo khổ. Lạnh là do thời tiết và thiếu thốn quần áo; trần truồng nói đến thiếu thốn quần áo hoặc trần truồng do bị đánh đòn hay đắm tàu.
Trong câu 28, Phao-lô nói: “Ngoài những điều đó ra, lại hằng ngày còn có sự lo lắng về hết thảy các Hội thánh đè ập trên tôi nữa”. Trong câu này từ được dịch là đè ập theo tiếng Hy Lạp cũng có nghĩa đen là một đám đông. Điều này nói đến vô số những sự quan tâm đè nặng trên Phao-lô. Điều này nói đến sự quan tâm lo lắng cho tất cả các Hội thánh. Ngoài những điều đó ra là những điều không được đề cập trong câu 23 đến 27.
Trong câu 23 đến 28, gần ba mươi vấn đề được nói đến. Chỉ có hai điều thật sự là sự so sánh giữa Phao-lô với người Giu-đa: những sự lao khổ và tù đày. Người Giu-đa lao khổ và đôi khi cũng bị bắt nhốt. Nhưng Phao-lô lao khổ nhiều hơn và tù đày nhiều hơn. Hơn nữa, những điều khác thì người Giu-đa không có. Chắc chắn rằng họ không có lo lắng gì cho các Hội thánh. Nhưng các sứ đồ, nhất là Phao-lô hằng ngày đã quan tâm lo lắng cho tất cả các Hội thánh.
Trong câu 29, Phao-lô nói tiếp: “Nào có ai yếu đuối, mà tôi chẳng yếu đuối ư?. Nào có ai vấp phạm, mà tôi chẳng như nung như đốt ư?” Từ nung đốt có nghĩa là nung đốt trong sự buồn rầu và phẫn nộ về nguyên nhân vấp phạm.
Trong câu 30, Phao-lô nói tiếp: “Ví cần phải khoe khoang, thì tôi sẽ khoe khoang về những điều quan hệ đến sự yếu đuối tôi”. Ở đây, Phao-lô nói đến những nỗi khổ và những gian khổ đã làm cho ông có vẻ như yếu đuối, như thấp hèn, và đáng khinh trong cái nhìn của kẻ thù ông. Ông đã được chứng thực là một sứ đồ thật bởi những điều này chứ không bởi sức mạnh của những điều mà kẻ thù ông khoe khoang.
Những nỗi khổ của Phao-lô làm cho ông có vẻ như yếu đuối trong mắt của người khác. Một người mạnh mẽ có thể làm nhiều điều để loại trừ hoặc giảm bớt những nỗi khổ. Tuy nhiên, Phao-lô không thể làm bất cứ điều gì về những nỗi khổ của mình. Sự kiện ông không thể giảm bớt những nỗi khổ cho thấy rằng ông yếu đuối. Do đó, trong con mắt của những kẻ chống đối, ông là một người yếu đuối và tội nghiệp.
Thời xưa cũng như ngày nay, người ta đều có quan niệm rằng một người được Đức Chúa Trời chúc phước sẽ không có nỗi khổ nào. Những kẻ thù của Phao-lô nghĩ rằng nếu Phao-lô thật sự thuộc về Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Trời sẽ chúc phước cho ông và ông sẽ không phải chịu khổ. Họ đã xem sự chịu khổ của Phao-lô là dấu hiệu cho thấy rằng ông không thuộc về Đức Chúa Trời hoặc không được Đức Chúa Trời chúc phước. Quan niệm của Phao-lô thì khác. Ở đây dường như Phao-lô muốn nói với người Giu-đa rằng: “Nếu các ông thật sự thuộc về Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Trời sẽ để cho các ông chịu khổ nhiều. Một chấp sự đích thực của Đấng Christ phải là một người chịu khổ”. Nhiều Cdn ngày nay có quan niệm rằng nếu một người giàu có, thịnh vượng và phát đạt thì người đó mới là đầy tớ trung tín của Đức Chúa Trời và được Ngài chúc phước. Họ cũng có quan niệm rằng những người phải phải cam chịu khổ sở và khó khăn thì không được Đức Chúa Trời chúc phước.
Từ câu 31 đến 33, Phao-lô kết luận: “Đức Chúa Trời và Cha của Chúa Jesus, là Đấng đáng chúc tụng đời đời, biết rằng tôi không nói dối đâu. Ở Đa-mách, quan đề đốc dưới vua A-rê-ta truyền canh giữ thành của người Đa-mách để bắt tôi, song từ trên cửa sổ nơi vách thành, người ta dòng tôi xuống trong cái giỏ, vậy là tôi thoát khỏi tay của người”. Nếu là Phao-lô, anh em không cảm thấy xấu hổ khi tẩu thoát theo cách này sao? Có thể có người hỏi rằng tại sao một sứ giả của Đấng Christ lại cần phải tẩu thoát trong một cái giỏ? Tại sao ông không công bố chiến thắng của Jesus và quyền làm đầu của Vua trên các vua cho quan đề đốc? Anh em không cần phải tẩu thoát trong một cái giỏ qua cửa sổ. Người này không thể là người được Đức Chúa Trời lựa chọn vì Đức Chúa Trời không chúc phước cho người đó”.
PHƯƠNG CÁCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Chúng ta cần hiểu tại sao Phao-lô viết những câu này theo cách như thế. Nói theo con người, Phao-lô không có vinh hiển hay tôn trọng. Hơn nữa, cách nói của ông trong chương này dường như ngu dại. Phao-lô ở trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn. Ông chịu khổ nhiều và thậm chí không có gì để ăn. Dường như Đức Chúa Trời không ở cùng ông và không tôn trọng ông. Các phép lạ Chúa hứa trong chương 16 đâu rồi? Dường như Chúa không cấp cho Phao-lô. Thậm chí Ngài để cho ông bị đắm tàu và phải trải qua một ngày một đêm lênh đênh trên biển. Tại sao Phao-lô nhấn mạnh đến những điều mà không được tôn trọng cũng không vinh hiển? Phương cách của Phao-lô là phương cách thần thượng. Trái lại, quan niệm của nhiều Cơ Đốc nhân thì đối kháng với phương cách của Đức Chúa Trời. Những gì Phao-lô viết trong chương này chắc chắn tương xứng với đời sống của Chúa Jesus. Khi Ngài còn trên đất, Chúa chịu nhiều hoạn nạn. Dù Ngài là Con Đức Chúa Trời nhưng đời sống của Ngài không phải là một đời sống thịnh vượng hay phước hạnh bên ngoài. Có vẻ như Chúa Jesus không được Đức Chúa Trời chúc phước. Khi Ngài bị đóng đinh thì người Do Thái nhiếc móc Ngài và nói nếu Ngài là Con Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời sẽ cứu Ngài khỏi thập tự giá. Nhưng thay vì sai thiên sứ đến giải cứu Chúa Jesus, Đức Chúa Trời để cho Ngài chết trên thập tự giá. Về nguyên tắc, kinh nghiêm của Phao-lô cũng giống như vậy.
Bằng cách viết chương này theo cách mà Phao-lô đã viết, Phao-lô làm cho chương ấy được sáng tỏ không chỉ đối với tín đồ tại Cô-rin-tô mà còn đối với tất cả tín đồ trong Christ trải qua nhiều thế kỷ về phương cách của Đức Chúa Trời là gì. Phương cách của Đức Chúa Trời được nhìn thấy trong những sứ đồ đích thực, trong những chấp sự đích thực của giao ước mới chứ không trong những người được gọi là siêu sứ đồ. Những sứ đồ giả đó có thể thịnh vượng và phát đạt và có thể họ không cần phải tẩu thoát trong một cái giỏ, nhưng những sứ đồ thật kinh nghiệm nghịch cảnh và chịu khổ bởi vì cả trái đất đều chống đối gia tể của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, thời đại hiện tại này không phải là lúc chúng ta thịnh vượng và phát đạt. Đúng ra, đó là lúc để chúng ta chịu khổ vì Thân Thể Đấng Christ. Trong những lời của Cô-lô-se 1:24, chúng ta đang bù đắp phần còn thiếu trong những nỗi khổ của Christ vì Thân Thể của Ngài, tức Hội thánh.
Trên thập tự giá Chúa Jesus chịu khổ để cứu chuộc chúng ta. Nhưng trong suốt đời sống của Ngài trên đất, Ngài chịu khổ để xây dựng Thân Thể. Chúng ta không thể dự phần vào những nỗi khổ của Christ vì sự cứu chuộc. Nói rằng chúng ta có thể tham dự vào những nỗi khổ này là phạm thượng. Tuy nhiên, chúng ta phải dự phần vào những nỗi khổ của Đấng Christ vì Thân Thể Ngài. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đi theo con đường của Ngài, tức con đường hẹp. Chúng ta phải bước đi theo những dấu chân của Ngài và mang lấy thập tự giá. Chúa Jesus đã sống một đời sống chịu khổ và chúng ta cũng phải sống như vậy. Đây là bù đắp phần còn thiếu trong những nỗi khổ của Christ để xây dựng Hội thánh, tức Thân Thể Ngài.
Người Giu-đa không chịu khổ vì Thân Thể Đấng Christ. Do đó, Phao-lô viết chương này theo cách như thế để làm sáng tỏ ai là chấp sự đích thực của Tân Ước và ai không phải là chấp sự của Tân Ước. Vấn đề này không được xác định bởi sự thịnh vượng của bất cứ chấp sự nào, nhưng được xác định bởi sự chịu khổ của họ.
HAI BÍ QUYẾT
Trong chương 11, chúng ta có hai bí quyết để biện biệt người thật và người giả: vui hưởng Chúa là sự cung ứng sự sống và chịu khổ trong việc bước đi theo Chúa. Một mặt, chúng ta vui hưởng Chúa Jesus; mặt khác, chúng ta bước theo Ngài để sống một đời sống chịu khổ. Sự vui hưởng này và sự chịu khổ là những nhân tố quyết định mà nhờ đó chúng ta có thể biện biệt được đâu là thật và đâu là giả. Bất cứ điều gì giúp chúng ta vui hưởng Chúa và làm cho chúng ta mạnh mẽ bước theo Ngài trong sự chịu khổ của Ngài thì điều đó là thật. Điều gì không khích lệ chúng ta trong hai vấn đề này là giả.
Ở đầu chương 11, Phao-lô nói Chúa là Chồng yêu dấu của chúng ta. Càng về cuối chương này, ông nói đến các Hội thánh. Bí quyết đầu tiên của sự biện biệt có liên quan đến sự vui hưởng Christ là Chồng của chúng ta; bí quyết thứ hai liên quan đến mối quan tâm đúng đắn và chăm sóc tất cả các Hội thánh, một mối quan tâm dẫn đến việc bù đắp phần còn thiếu về những nỗi khổ của Christ vì Thân Thể. Những vấn đề này có phần ẩn giấu trong chương dài này. Do đó, chúng ta cần đọc chương này một cách cẩn thận. Nếu không, những điểm quan trọng này có thể bị che khuất khỏi sự hiểu biết của chúng ta. Cảm tạ Chúa vì đã tỏ cho chúng ta thấy rằng chúng ta cần vui hưởng Ngài Chồng, yêu Ngài bằng một tấm lòng đơn thuần và thuần khiết và có một tâm trí không bị kẻ lừa dối làm cho hư hoại. Chúng ta cũng cảm tạ Ngài vì đã tỏ cho chúng ta thấy rằng chúng ta cần bước theo dấu chân Ngài và sẵn sàng chịu khổ những gì Ngài đã chịu để xây dựng Hội thánh, tức Thân Thể Ngài.

--