Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 21



CHIẾU SÁNG VINH HIỂN CỦA GIAO ƯỚC MỚI (1)
Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 3:7-11, 18; Giăng 17:1; Lu-ca 24:26; Công Vụ 3:15; La-mã 6:4
CHẠM ĐẾN THỰC TẠI BỀ TRONG CỦA LỜI
Trong những bài trước, tôi đã chỉ ra rằng nếu muốn chạm đến “thịt” trong Kinh Thánh, chúng ta phải vượt qua “lông” và “da”. Cùng với nhiều điều khác, Kinh Thánh vừa có dáng vẻ bên ngoài vừa có thực tại bên trong. Chẳng hạn như con người có dáng vẻ bên ngoài và cũng có thực tại bề trong. Nếu biết một người nào đó chỉ theo dáng vẻ bên ngoài thì thật ra anh em chẳng biết gì về người đó cả. Để biết thấu đáo một người, anh em cần biết người đó theo bản thể bề trong. Điều này đòi hỏi anh em phải dành nhiều thời gian ở với người đó để biết bề trong của người đó như thế nào.
Trong 5:16 Phao-lô nói: “Bởi đó cho nên từ nay chúng tôi không nhận biết ai theo xác thịt nữa”. Biết người khác theo xác thịt nghĩa là biết theo dáng vẻ bên ngoài. Ao ước của Phao-lô là biết người khác theo linh, tức là theo thực tại bề trong.
Đây cũng là cách Phao-lô nhận biết Christ: “Dầu chúng tôi từng nhận biết Christ theo xác thịt, song hiện nay chẳng còn nhận biết Ngài cách ấy nữa”. Điều này có nghĩa là Phao-lô biết Christ không còn theo dáng vẻ bề ngoài nữa nhưng nhận biết theo linh bên trong. Nguyên tắc này cũng áp dụng trong việc nghiên cứu Kinh Thánh của chúng ta. Nếu muốn biết Kinh Thánh chúng ta không chỉ biết hình thức bên ngoài của Lời mà còn phải biết thưc tại bên trong.

Tôi được sinh ra trong Cơ Đốc giáo và từng là một thiếu nhi nhỏ bé học hát bài “Chúa yêu em, lòng em vui thay, kia Kinh Thánh đã tỏ cho hay”. Đây là một bài hát hay; tuy nhiên, lẽ thật chứa trong đó chỉ là lẽ thật “lông”. Thậm chí không có một chút “da” nào trong Lời. Nhiều bài giảng giữa vòng Cơ Đốc nhân chỉ ở trong lĩnh vực “lông” hoặc trong lĩnh vực “da”. Chỉ một vài bài giảng cho Cơ Đốc nhân làm cho người nghe đi sâu vào lớp “da” hơn và giúp họ chạm đến “thịt” đích thực của Lời.
Trước Thế Chiến Thứ Hai, nhiều cuốn sách vẫn được xuất bản chứa nhiều bài giảng có trọng lượng liên quan đến “thịt” của Lời. Nhưng trong những năm gần đây rất khó tìm thấy những cuốn sách mới loại này được xuất bản. Qua nhiều năm, tôi vẫn quan sát tình hình giữa vòng Cơ Đốc nhân. Tôi đặc biệt thích xem những loại sách báo được xuất bản về những vấn đề thuộc linh. Theo sự quan sát của tôi, từ năm 1945 thì chỉ có vài cuốn sách chạm đến “thịt” của Kinh Thánh đã được xuất bản. Nếu có những người nào khác biết thêm nhiều cuốn sách nữa, thì tôi sẽ rất muốn biết tựa đề và tên tác giả. Trong 2 Cô-rin-tô chương 3, Phao-lô nói về việc chiếu sáng vinh hiển của giao ước mới. Đây là phần “thịt” của Lời chứ không phải là “lông” hay “da”.
VINH HIỂN VÀ LINH
Vinh hiển của giao ước mới là gì? Trả lời cho câu hỏi này, có thể một số người nói rằng sự chiếu sáng vinh hiển của giao ước mới là Linh. Những người khác có thể trả lời rằng đó là sự phục sinh, hoặc Christ trong sự phục sinh. Nói rằng vinh hiển của giao ước mới là Linh thì chắc chắn đúng. 2 Cô-rin-tô 3:18 chép: “Chúng ta thảy đều để mặt trần mà chiếu lại sự vinh quang của Chúa như một cái gương, thì đều biến hóa nên cũng một hình tượng của Ngài, từ vinh quang (vinh hiển) đến vinh quang (vinh hiển), như (thậm chí như) bởi (từ) Chúa là Linh (Chúa Linh) vậy”. Trong câu này giới từ “từ” được dùng hai lần. Lần thứ nhất là trong cụm từ “từ vinh hiển đến vinh hiển”; lần thứ hai là trong cụm từ “từ Chuá Linh”. Có một sự kết nối giữa “từ vinh hiển đến vinh hiển” và “từ Chuá Linh”. Sự kết nối này được làm cho rõ ràng bởi việc Phao-lô dùng từ “thậm chí như”. Điều này cho thấy rằng vấn đề từ vinh hiển đến vinh hiển là vấn đề từ Linh. Điều này cho chúng ta một nền tảng để nói rằng vinh hiển có liên hệ mật thiết đến Linh. Thực ra, trong câu này vinh hiển tương đương với Chuá Linh.
Trong 3:18 Phao-lô nói rằng chúng ta đang được biến đổi thành cùng một hình ảnh. Khi chúng ta để mặt trần mà ngắm xem và phản chiếu vinh hiển của Chuá thì Ngài truyền cho chúng ta những yếu tố về những gì Ngài là và những gì Ngài đã làm. Kết quả là chúng ta đang được biến đổi theo cách trao đổi chất để có hình dạng sự sống của Ngài, bởi quyền năng sự sống của Ngài cùng với thể yếu sự sống của Ngài, được biến hình chủ yếu bởi việc đổi mới tâm trí (La. 12:2) thành hình ảnh của Ngài. Được biến đổi cho thấy rằng chúng ta đang ở trong tiến trình biến đổi. Cụm từ “từ vinh hiển đến vinh hiển” nghĩa là từ cấp độ vinh hiển này đến cấp độ vinh hiển khác. Điều này chỉ về một tiến trình đang diễn tiến trong sự sống trong sự phục sinh. Hơn nữa, cụm từ “từ Chuá Linh” chỉ ra rằng tiến trình này đang diễn tiến từ Linh.
LINH VÀ CÔ DÂU
Lần đầu tiên Kinh Thánh dùng danh xưng thần thượng là trong Sáng Thế Kí 1:1: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (nguyên văn). Câu này nói về Đức Chúa Trời. Từ Đức Chúa Trời trong tiếng Hê-bơ-rơ là Ê-lô-him. Nhưng trong chương cuối của Kinh Thánh, tức Khải Thị chương 22, chúng ta có một danh xưng thần thượng khác. Khải Thị 22:17 chép: “Linh và Tân Phụ cùng nói: ‘Hãy đến!’” Ở đây, chúng ta không có Đức Chúa Trời, Ê-lô-him nhưng chúng ta có Linh; Hơn nữa, Linh và Cô Dâu cùng nói. Làm sao điều này có thể được, vì Linh là thần thượng còn Cô Dâu thì không? Không có loại phát ngôn này trong Sáng Thế Kí chương 1. Không có câu nào nói: “Ban đầu Đức Chúa Trời và thiên sứ dựng nên trời đất”. Trái lại, Sáng Thế Kí 1:1 chỉ nói về Đức Chúa Trời; không nói Đức Chúa Trời và …” Nhưng Khải Thị 22:17 nói về Linh và Cô Dâu.
Chúng ta cần chú ý hai phương diện quan trọng của Sách Khải Thị 22:17. Thứ nhất, như chúng ta đã thấy, Linh được đề cập chung với Cô Dâu; tức là, Linh được đề cập với điều gì đó được thêm vào. Thứ hai, câu này không phải là mệnh lệnh; thay vì thế, câu này chứa một lời hứa liên quan đến nước sự sống.
Khi một anh em trẻ lập gia đình, anh không còn độc thân nữa, không đơn độc nữa, vì anh có vợ như là một sự thêm vào. Thay vì là một người độc thân, bây giờ là một cặp vợ chồng. Trước khi lập gia đình, bất cứ điều gì một anh em trẻ nói thì anh nói chỉ bởi một mình anh. Nhưng sau khi lập gia đình, anh và vợ anh có thể phát ngôn như một. Khi đó sự phát ngôn của cặp vợ chồng đó có thể được viết như thế này “Anh và vợ anh cùng nói…”.
MỘT CẶP HOÀN VŨ
Nguyên tắc này cũng giống như trong Kinh Thánh về Linh và Cô Dâu. Cả Kinh Thánh kể cho chúng ta nghe về một chuyện tình hoàn vũ, chuyện tình của một cặp hoàn vũ. Cặp này gồm có Đức Chúa Trời là Chồng và những người được chọn của Ngài là Cô Dâu. Do đó, cuối Kinh Thánh chúng ta có sự khải thị của cặp hoàn vũ này.
Khi Chuá Jesus đến, Giăng Báp-tít nói Ngài là Chiên Con của Đức Chúa Trời. Theo Giăng 1:29, Giăng tuyên bố khi thấy Chuá Jesus đến với ông: “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời Đấng cất tội lỗi thế gian đi!” Theo Phúc Âm Giăng chương 3, Giăng Báp-tít sau đó nói Chuá Jesus là Chàng Rể. Một số môn đồ của Giăng ganh tị vì có quá nhiều người đến với Chuá Jesus và theo Ngài. Họ nói với Giăng: “Ra-bi, kìa, người ở cùng thầy bên kia Giô-đanh, mà thầy đã làm chứng cho đó, nay đương làm báp-têm, và ai nấy đều đến cùng người” (Giăng 3:26). Như là một phần trả lời của ông, Giăng nói: “Ai cưới tân phụ, nấy là tân lang; nhưng bạn hữu của tân lang đứng mà nghe người, thì rất đỗi vui mừng vì tiếng của tân lang” (c. 29). Qua câu này, chúng ta thấy rằng Chuá Jesus không chỉ là Chiên Con của Đức Chúa Trời nhưng Ngài cũng là Chàng Rể là người xứng đáng có được Cô Dâu.
Quan niệm về một cặp hoàn vũ được tìm thấy không chỉ trong Tân Ước, nhưng cũng trong Cựu Ước. Thậm chí trong Cựu Ước, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời muốn có một đời sống hôn nhân với những người được chọn của Ngài. Chẳng hạn như, Ê-sai 54:5 chép: “Vì Chồng ngươi tức là Đấng đã tạo thành ngươi; Danh Ngài là Đức Giê-hô-va vạn quân”. Đức Chúa Trời yêu những người được chọn của Ngài như chàng rể yêu cô dâu. Vì thế, khát vọng của Đức Chúa Trời là cưới dân Ngài để có họ là sự thêm vào của Ngài.
Việc cung cấp Ê-va để làm người phối ngẫu cho A-đam cũng minh hoạ rằng hôn nhân là một người nam cưới vợ để làm sự thêm vào của. Theo Sáng Thế Kí chương 2, A-đam được dựng nên trước. Theo Sáng Thế Kí 2:18, Chúa là Đức Chúa Trời phán: “Loài người ở một mình thì không tốt; Ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó”. Đức Chúa Trời không muốn A-đam ở một mình, tức là ở độc thân. Do đó, Ngài làm cho A-đam ngủ say, lấy một xương sườn của ông và tạo thành một người nữ. Trước khi người nữ được dựng nên và được trình diện cho ông thì A-đam không thể tìm thấy bất cứ điều gì tương xứng với ông. Sáng Thế Kí 2:20 chép: “A-đam đặt tên các loài súc vật, các loài chim trời cùng các loài thú đồng; nhưng về phần A-đam, thì chẳng tìm được một ai giúp đỡ giống như mình hết”. Nhưng khi Đức Chúa Trời đem người nữ đến với ông thì A-đam nói: “Người này là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người này sẽ được gọi là người nữ, vì nó do nơi người nam mà có” (c.23). Ê-va là sự gia tăng của A-đam, tức sự thêm vào của ông. Điều này minh hoạ cho nguyên tắc hôn nhân có nghĩa là sự thêm vào.
Chúng ta cũng so sánh chồng và vợ như hai nửa của một quả dưa. Chồng là nửa thứ nhất của quả dưa, và vợ là nửa thứ hai. Chỉ khi nào hai nửa này được đặt chung với nhau thì mới có một quả dưa trọn vẹn.
Giống như A-đam ở một mình, đơn độc thì không tốt, thì cũng Đức Chúa Trời ở một mình, tức “độc thân” cũng không tốt. Không có những người được chọn của Ngài làm Cô Dâu thì Đức Chúa Trời còn “độc thân”. Ngài chỉ là một nửa của một cặp hoàn vũ. Tôi biết rằng tư tưởng này đang đe doạ tâm trí thần học hay giáo lí. Khi nghe điều này, một số người có thể nói: “Anh đang dạy rằng Đức Chúa Trời trong chính Ngài thì không trọn vẹn sao? Làm thế nào mà anh dám so sánh Đức Chúa Trời với một người độc thân hay với một nửa trái dưa? Điều này là tà giáo! Không ai đi theo một sự dạy dỗ sai trật như thế! Đức Chúa Trời là toàn năng, hoàn hảo và trọn vẹn. Là Đấng vĩ đại, là Vua, là Đấng Cai Trị trên các từng trời, Ngài là đối tượng của sự thờ phượng. Chúng ta đã được Ngài tạo dựng, và chúng ta phải sấp mình xuống trước mặt Ngài trong sự thờ phượng”. Dĩ nhiên, Đức Chúa Trời trong chính Ngài là trọn vẹn. Tuy nhiên, những người dùng lẽ thật về sự trọn vẹn của Đức Chúa Trời để cãi lại sự khải thị trong Kinh Thánh về một cặp hoàn vũ thì chỉ nhìn thấy vẻ bề ngoài của Lời. Họ chỉ biết “lông” và “da”. Nếu nắm được thực tại bên trong của Lời, chúng ta sẽ nhận ra rằng Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ hài lòng với việc các tạo vật của Ngài chỉ thờ phượng Ngài theo cách bề ngoài. Chúng ta sẽ biết rằng sâu xa trong lòng Ngài, Ngài muốn một Cô Dâu.
Một người bạn có thể làm nhiều điều cho một anh em. Tuy nhiên, sâu xa bên trong, anh em đó không thoả lòng. Đúng ra, anh có thể nói: “Tôi không vui với bất cứ điều nào trong những điều này. Tôi chỉ quan tâm đến một người vợ. Điều tôi muốn không phải là bạn bè tôi mua cho tôi nhiều thứ hay làm cho tôi nhiều điều. Khát vọng duy nhất của tôi là vui hưởng một người vợ đáng yêu”. Nếu thật sự biết Kinh Thánh, chúng ta sẽ nhận ra rằng khát vọng duy nhất của Chuá là vì một Cô Dâu. Vì lí do này, một ngày kia, theo Khải Thị chương 19, sẽ có một lời tuyên bố: “Vì lễ cưới Chiên Con đã đến, và Vợ Ngài đã tự sửa soạn rồi” (Khải 19:7). Cuối cùng, trong Khải Thị 21 và 22, Chuá sẽ có Cô Dâu trong cõi đời đời. Khi đó Ngài mới thoả lòng, và rồi Linh và Cô Dâu cùng nói: “Hãy đến!”
Ở Trung Hoa, phong tục rao hôn hay mời thiệp chỉ được người chồng kí tên. Tuy nhiên, theo phong tục Tây phương thì cả hai vợ chồng đều kí tên vào thiệp mời. Sự thực hành phương Tây này minh hoạ cho sự khải thị trong Kinh Thánh về Linh và Cô Dâu. Trong Khải Thị 22:17, chúng ta thấy Đức Chúa Trời không còn độc thân nữa; Ngài làm một cặp với Vợ Ngài. Vì lí do này, Linh và Cô Dâu cùng nói hãy đến. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời có Vợ.
NHỮNG CHIỀU SÂU CỦA LỜI
Những người cho rằng nói Đức Chúa Trời có Vợ là tà giáo thì chỉ biết Kinh Thánh cách hời hợt. Họ không chạm đến các chiều sâu của Lời. Để biết điều gì đó, chúng ta phải biết chiều sâu của điều đó. Điều này cũng đúng trong việc nhận biết một người như chúng tôi đã chỉ ra. Nếu anh em chỉ biết dáng vẻ bề ngoài của tôi mà không biết chiều sâu của bản thể tôi thì anh em không thật sự biết tôi.
Ngày nay, có rất ít người rao giảng những điều sâu nhiệm của Kinh Thánh. Họ chỉ nói về những gì trên bề mặt, tức “lông” hoặc “da”. Họ không phục vụ “thịt” của Lời cho người khác. Nhưng nếu anh em được mời đến nhà người nào đó ăn tối món thịt gà tây liệu họ có dọn cho anh em lông với da không? Chắc chắn là không! Anh em sẽ được phục vụ món thịt gà tây. Tuy nhiên, nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay không được phục vụ “thịt”. Chỉ toàn “lông” với “da” đang bày biện trước mặt họ.
Chúng ta không nên thoả mãn với bất kỳ sự dạy dỗ hay rao giảng nào mà không cung ứng “thịt” của Kinh Thánh. Đừng tin cậy quá nhiều vào những người chỉ trình bày lông với da. Điều mà chúng ta cần cấp thiết là chạm đến chiều sâu của Kinh Thánh.
LINH BAO-HÀM-TẤT-CẢ
Đức Chúa Trời được khải thị trong Sáng Thế Kí 1:1 là Đức Chúa Trời “độc thân”. Chúng ta cũng có thể nói rằng Ngài là Đức Chúa Trời chưa trải qua tiến trình, Đức Chúa Trời “chưa chín”. Sáu mươi sáu Sách trong Kinh Thánh khải thị một tiến trình mà Đức Chúa Trời “độc thân” đã trải qua. Trước hết, Ngài dựng nên trời đất như là môi trường cho tiến trình này. Một ngày kia, Đức Chúa Trời được nhục hoá; Ngài được sinh ra bởi một trinh nữ ở Bết-lê-hem. Chắc chắn đây là một phần của tiến trình. Nếu anh em không xem điều này là một tiến trình thì anh em gọi đó là gì? Trải qua tiến trình nhục hoá, Đức Chúa Trời trở thành một hài nhi. Ê-sai 9:6 nói rằng tên của con trẻ được sanh cho chúng ta là Đức Chúa Trời Toàn Năng. Đấng được sinh trong máng cỏ ở Bết-lê-hem và Đấng lớn lên trong nhà một người thợ mộc ở Na-xa-rét chính là Đức Chúa Trời Toàn Năng.
Chuá Jesus sống ở Na-xa-rét, một thị trấn nhỏ trong ba mươi năm. Sau đó, Ngài đi ra để cung ứng. Không ai thật sự hiểu Ngài. Những người cho rằng họ biết Ngài nói: “Đó há chẳng phải là con thợ mộc chăng? Mẹ người há chẳng phải là Ma-ri, và anh em người há chẳng phải là Gia-cơ, Giô-sép, Si-môn, Giu-đa sao? Còn chị em người há chẳng ở với chúng ta đây ư? Vậy, người này bởi đâu được mọi điều ấy” (Mat. 13:55-56). Họ không thể hiểu được bởi đâu Ngài có được “sự khôn ngoan và những việc quyền năng ấy” (Mat. 13:54).
Cuối cùng, Chuá Jesus đi đến thập tự giá. Có vẻ như khi chết trên thập tự giá, Ngài chết một mình trên thập tự giá đó. Nhưng trong cách nhìn của Đức Chúa Trời, toàn thể vũ trụ, toàn bộ sáng tạo cũ đều chết cùng với Ngài. Sự chết của Christ là bao-hàm-tất-cả vì sự chết này đã kết liễu mọi sự. Sau khi Chuá Jesus chịu đóng đinh, Ngài bị chôn trong mộ. Sau đó Ngài đi một vòng Hades, tức lĩnh vực của người chết. Vào ngày thứ ba, Christ đã phục sinh về mặt thân thể và thuộc linh. Bây giờ, trong sự phục sinh, Ngài là Linh ban-sự-sống.
Là Linh ban-sự-sống, Christ bao-hàm-tất-cả. Linh này bao gồm thần tánh, nhân tánh, đời sống làm người, sự đóng đinh, và sự phục sinh. Trong Linh này, chúng ta có Cha, Con, và Linh, thậm chí bảy Linh. Vì Linh này chứa thực tại của mọi điều tích cực nên chúng ta nói rằng Linh là bao-hàm-tất-cả.
Dầu Xức tổng hợp trong Xuất Ai Cập Kí chương 30 là hình bóng về Linh bao-hàm-tất-cả này. Dầu xức này gồm có dầu ô-liu và bốn loại hương liệu. Dầu ô-liu làm hình bóng cho Linh của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, dầu xức được cấu tạo không chỉ bằng dầu mà còn được làm bằng dầu với bốn hương liệu. Các hương liệu này làm hình bóng cho Đấng Christ trong nhân tánh của Ngài cùng với sự đóng đinh và sự phục sinh của Ngài. Dầu ô-liu và các hương liệu được hoà quyện với nhau để tạo ra dầu xức. Dầu xức này làm hình bóng cho Linh.
Dầu ô-liu thì đơn lẻ; nó không bao-hàm-tất-cả. Tuy nhiên, dầu xức thì bao-hàm-tất-cả như được tượng trưng bởi sự kiện dầu được tổng hợp bằng nhiều yếu tố. Trong Sáng Thế Kí chương 1, Linh của Đức Chúa Trời cũng đơn lẻ như vậy, nhưng trong Khải Thị chương 22 thì Linh là bao-hàm-tất-cả.
Linh là sự biểu lộ chung cuộc của Đức Chúa Trời Tam-Nhất. Linh này bao gồm tất cả những gì Đấng Christ đã thành tựu, đã đạt được và đoạt được. Linh bao-hàm-tất-cả này cũng bao gồm tất cả những gì Christ là. Hơn nữa, Linh này có một người phối ngẫu, tức một sự gia tăng, một sự thêm vào. Điều này có nghĩa là Linh có điều gì đó tương xứng với Ngài. Đức Chúa Trời không còn đơn lẻ nữa, không còn độc thân nữa vì Ngài có một Cô Dâu tương xứng với Ngài. Vì lí do này, sự khải thị chung cuộc trong Kinh Thánh là sự khải thị về Linh bao-hàm-tất-cả cùng với Cô Dâu.
Từ liệu “Linh” thì ngắn và đơn giản, chỉ có một từ. Tuy nhiên, danh xưng đơn giản này thì bao-hàm-tất-cả. Linh bao gồm tất cả những gì Đức Chúa Trời là, tất cả những gì Ngài đã hoàn thành, và tất cả những gì Ngài đã thành tựu, đạt được và đoạt được. Linh này cũng bao gồm tiến trình mà Đức Chúa Trời đã trải qua. Vì Đức Chúa Trời đã trải qua một tiến trình dài và vì Linh là sự biểu lộ chung cuộc của Ngài nên Khải Thị 22:17 không nói “Đức Chúa Trời và Hội thánh”, mà nói “Linh và Cô Dâu”.
ĐỦ TIÊU CHUẨN ĐỂ LÀM CÔ DÂU
Nếu muốn đủ tiêu chuẩn để làm Cô Dâu của Chuá thì chúng ta phải lớn lên và trải qua nhiều điều. Là Cô Dâu đòi hỏi nhiều hơn là Hội thánh. Chẳng hạn như một bé gái thì không đủ tiêu chuẩn để làm cô dâu. Trước khi có thể làm cô dâu, bé gái phải lớn lên đến mức trưởng thành. Bé gái đó cũng phải đến trường để học hỏi nhiều điều. Rồi một người nam sẽ chọn nó làm cô dâu.
Những người nam khác có thể có những tiêu chuẩn khác đối với người mà họ chọn làm vợ. Chẳng hạn như, người có bằng tiến sĩ có thể muốn một cô dâu có học vấn cao. Có thể anh ta xem những người có bằng thạc sĩ là không đủ tiêu chuẩn làm cô dâu của anh. Cũng vậy, Linh có những đòi hỏi rất cao cho Cô Dâu của Ngài. Linh có nhận một Cô Dâu chưa trưởng thành không? Chắc chắn câu trả lời là không. Chuá sẽ không đến vì Cô Dâu Ngài cho đến khi nàng trưởng thành và chuẩn bị sẵn sàng cho Ngài.
Đừng nghĩ rằng hễ là Hội thánh thì chúng ta có đủ tiêu chuẩn để làm Cô Dâu. Điều này cũng giống như nói rằng người nữ nào, bất kể tuổi tác hay đã trưởng thành, cũng đều đủ tiêu chuẩn để lập gia đình. Không, chắc chắn những đòi hỏi phải được hoàn thành để chúng ta trở thành Cô Dâu. Thật dễ dàng để Cơ Đốc nhân nói rằng tất cả chúng ta là Hội thánh. Nhưng khi Chuá Jesus đến như Chàng Rể liệu chúng ta có đủ tiêu chuẩn để làm Cô Dâu của Ngài không? Lúc đó Chuá có thể nói rằng chúng ta chưa đủ tiêu chuẩn, chúng ta cần lớn lên hơn nữa và trưởng thành hơn nữa. Sự hiểu biết này về Chàng Rể và Cô Dâu là theo sự khải thị của Lời Thánh.
Nhiều Cơ Đốc nhân đã bị lừa dối và thậm chí còn bị mê muội bởi những sự dạy dỗ không hơn gì lông với da trong Lời. Ồ, chúng ta phải thấy những chiều sâu của lẽ thật mà Chuá đã khải thị từ Lời Ngài cho sự khôi phục của Ngài! Cảm tạ Chuá dường nào vì Ngài đã mở Lời Ngài để khải thị những điều được tìm thấy trong các chiều sâu! Tôi ngợi khen Chuá về điều này. Tôi có thể làm chứng rằng tôi rất quý trọng những từ “Linh và Cô Dâu”. Khi đọc điều này trong Khải Thị 22:17, tôi muốn nhảy lên vì vui mừng. Tôi có thể làm chứng rằng tôi tha thiết ao ước được bao hàm như một phần của Cô Dâu của Chuá. Đây không phải cũng là ao ước của anh em sao?
Nhưng anh em có bảo đảm rằng anh em sẽ được bao hàm như một phần của Cô Dâu không? Anh em có bằng lòng chỉ với việc tham dự những buổi nhóm Hội thánh như là “tín đồ Chủ Nhật” không? Tôi không tin rằng những “tín đồ Chủ Nhật” có thể là một phần của Cô Dâu của Chuá. Khi đến thời điểm để Chuá nhận lấy Cô Dâu của Ngài thì anh em đã sẵn sàng chưa? Anh em có đủ tiêu chuẩn và trưởng thành không? Có cần thiết để Chuá nói với anh em rằng “Ta đã cứu các ngươi, nhưng các ngươi chưa trưởng thành”không? Tất cả chúng ta cần lớn lên và trưởng thành để có thể đủ tiêu chuẩn lúc Chuá đến và được bao gồm như một phần của Cô Dâu Ngài.