CHẤP SỰ CỦA GIAO ƯỚC
MỚI (4)
Đọc Kinh Thánh: 2
Cô-rin-tô 4:16-18
Trong bài này,
chúng ta đến ba câu cuối của chương 4, các câu từ 16 đến 18. Các câu này vẫn
còn liên quan đến nếp sống của sự sống chịu đóng đinh để biểu lộ sự sống phục
sinh bởi quyền năng vượt trỗi của của báu trong những chiếc bình bằng đất.
Trong chương 3 và
4, chúng ta thấy rằng trước hết, các sứ đồ được cấu tạo chính Đức Chúa Trời. Sự
cấu tạo đó là mọi sự liên hệ đến sự sống và cách cư xử của họ. Mọi phương diện
trong nếp sống và hành vi của họ đều dựa trên sự cấu tạo này. Hơn nữa, sự cấu tạo
này ban cấp cho họ sự cung ứng sự sống với quyền năng, sức mạnh, những sự giàu
có, sự khôn ngoan, và thậm chí là chức vụ. Họ cung ứng những gì họ đã được cấu
tạo.
Các sứ đồ không rao
giảng điều mà họ chỉ nghe hoặc được dạy dỗ. Điều mà họ đã cung ứng không phải
chỉ là điều gì đó được khải thị trong một khải tượng. Điều mà họ rao giảng, dạy
dỗ, và cung ứng hoàn toàn là điều đã được cấu tạo vào trong họ. Các sứ đồ đã được
cấu tạo theo một cách nào đó, đã trở thành những người được cấu tạo. Do đó, điều
mà họ cung ứng là sự cấu tạo của họ. Họ đã cung ứng những gì họ là, những gì họ
đã trở thành. Điều này có nghĩa là bản thể được tái cấu tạo của họ đã trở thành
chức vụ của họ.
Những văn phẩm của
Phao-lô thì rất khác với những văn phẩm Cơ Đốc ngày nay. Những văn phẩm của
Phao-lô là bản kí thuật về sự cấu tạo của ông, trái lại, những văn phẩm ngày
nay chủ yếu là thần học, giáo lí, những sự dạy dỗ, giải kinh và giải nghĩa.
Trong số mười bốn Thư Tín của Phao-lô thì chương 3 và 4 của 2 Cô-rin-tô là
phong phú nhất đối với kinh nghiệm cá nhân của ông về Christ. Trong các chương
này, chúng ta có một bản kí thuật quý báu và chính xác về sự cấu tạo thuộc linh
của Phao-lô. Nếu muốn biết Phao-lô là loại người như thế nào trong vai trò chấp
sự của giao ước mới, chúng ta cần dành nhiều thì giờ cho hai chương này, tức
hai chương khải thị về sự cấu tạo thuộc linh của Phao-lô.
Vì chức vụ đòi hỏi
sự cấu tạo nên anh Nee bảo chúng tôi rằng chúng ta có thể nhận lãnh ân tứ ngay
lập tức nhưng chúng ta không bao giờ có chức vụ trong một thời gian ngắn. Phải cần
nhiều năm để được cấu tạo. Điều này liên quan đến sự lớn lên đến trưởng thành.
Mọi sự liên hệ đến
sự cấu tạo này đều mang tính hữu cơ và thuộc về sự sống. Sự sống này là bởi
Linh, tức tổng kết chung cuộc của Đức Chúa Trời đã-trải-qua-tiến-trình. Phao-lô
là người được cấu tạo Đức Chúa Trời. Nói rằng ông là một Thần-nhân thì chưa đủ
vì ông thật sự là một người được cấu tạo Đức Chúa Trời. Do đó, chức vụ của
Phao-lô là bản thể của ông. Những gì ông rao giảng và dạy dỗ là những gì ông
là. Ông cung ứng chính bản thể của ông cho người khác. Khi Phao-lô cung ứng
theo cách này, Christ được truyền vào trong người khác, vì Phao-lô và Christ đã
trở nên một. Phao-lô làm một với Christ và đã được cấu tạo Christ. Chức vụ của
ông là chức vụ của Christ Đấng đã được cấu tạo vào trong bản thể ông. Không có
loại chức vụ này, không cách gì để có Hội thánh hoàn toàn được xây dựng hoặc có
Cô Dâu được trang sức đúng đắn.
Kinh Thánh cho thấy
rằng điều gì Đức Chúa Trời khởi xướng điều đó sẽ được hoàn tất. Hơn nữa, Đức
Chúa Trời là Đức Chúa Trời của sự phục sinh. Là Đức Chúa Trời của sự phục sinh,
mục đích của Ngài không thể thất bại, và chính Ngài không thể bị đánh bại. Đúng
ra, tất cả những sự thất bại và sao lãng chứng minh tính bất biến của Ngài, chứng
minh Ngài là Đức Chúa Trời không thay đổi. Điều gì Ngài đã định, Ngài sẽ hoàn
thành. Điều gì Ngài sắp đặt từ buổi đầu, Ngài sẽ hoàn tất vào lúc cuối. Trong
Tân Ước, Đức Chúa Trời bắt đầu với một nhóm các chấp sự. Phao-lô ở trong số đó.
Đến cuối cùng, Đức Chúa Trời cũng sẽ có một nhóm các chấp sự. Đây đó khắp thế
giới, Ngài phải có các chấp sự của giao ước mới. Gánh nặng của tôi là sẽ có nhiều
người trong chúng ta trở thành chấp sự của giao ước mới.
Tôi hi vọng những
bày này về chức vụ và các chấp sự của giao ước mới sẽ vẫn cứ ở với anh em. Tôi
hi vọng đặc biệt là những người dẫn dắt, những đồng công, và tất cả những người
có lòng vì sự khôi phục của Chuá sẽ khao khát làm những chấp sự của giao ước mới
ngày nay. Chúng ta cần có một tấm lòng không chỉ yêu Chuá cách chung chung mà
còn trở thành chấp sự của Tân Ước. Nếu có một tấm lòng như thế, chúng ta phải
nghiêm túc với Chuá và chú tâm vào hai chương này của Sách 2 Cô-rin-tô, cầu
nguyện bằng hai chương này, tương giao về hai chương này, và nói với Chuá rằng
chúng ta sẵn sàng mở chính mình ra để Ngài hành động trong chúng ta. Chúng ta cần
nói với Ngài rằng chúng ta mong muốn được phá vỡ, được nghiền nát và được cấu tạo;
rằng chúng ta mong muốn sống một đời sống chịu đóng đinh; rằng chúng ta mong muốn
từ bỏ chính mình và từ chối chính mình và được cấu tạo hằng ngày bằng những yếu
tố của Đức Chúa Trời Tam-Nhất đã-trải-qua-tiến-trình; rằng chúng ta đang sẵn
lòng làm một Phao-lô ngày nay, không phải là một người vĩ đại hay là một tín đồ
nổi tiếng, nhưng là một người nhỏ bé, một người chịu đóng đinh, thậm chí là một
người Na-xa-rét.
Jesus người
Na-xa-rét không tìm cách để trở nên vĩ đại hay nổi tiếng. Trái lại, Ngài là một
hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi. Theo cách này, Jesus trở thành chấp sự đầu
tiên của giao ước mới. Chúng ta cần theo Ngài cũng để trở thành những chấp sự của
giao ước mới. Về điều này, chúng ta phải ngửa trông Chuá và cầu nguyện thật nhiều
với Ngài.
C. Người Bề Ngoài
Hư Nát Và Người Bề Trong Được Đổi Mới
1. Chẳng Ngã Lòng
Trong 4:16 Phao-lô
nói: “Vậy nên, chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát nhưng người bề
trong cứ càng ngày càng được đổi mới”. Trong câu này, Phao-lô nói như trong
4:1: “Chúng ta không nản lòng”. Nhiều điều đã xảy ra có lẽ đã làm cho Phao-lô
và các đồng công của ông thất vọng và nản lòng. Chẳng có điều gì làm khích lệ.
Tuy nhiên, vì họ ở trong sự phục sinh, nên họ không nản lòng. Thực ra, sự phục
sinh cần sự chết, sự nản chí, sự thất vọng để được biểu lộ. Không có sự chết
thì làm thế nào có sự biểu lộ sự sống sự phục sinh? Sự chết cho phép sự phục
sinh được hiển lộ. Do đó, khi trải qua sự chết, các sứ đồ đã không nản lòng. Dù
nhiều điều thất vọng đã xảy ra nhưng họ không nhụt chí.
Trong câu 16,
Phao-lô nói rằng người bề ngoài của chúng ta đang hư nát. Người bề ngoài là
thân thể và hồn của chúng ta, với thân thể là cơ quan và hồn là sự sống và thân
vị của nó. Người bề trong là linh được tái sinh của chúng ta với hồn được đổi mới.
Linh được tái sinh là sự sống và thân vị, và hồn được đổi mới là cơ quan của
nó. Sự sống hồn phải bị từ chối (Mat. 16:24-25), nhưng chức năng của hồn, tâm
trí, ý chí, và tình cảm phải được đổi mới và được nâng cao bởi được chinh phục
(2 Cô. 10:4-5) để được sử dụng bởi linh tức thân vị của người bề trong.
Tiếng Hy Lạp dịch
chữ hư nát cũng có nghĩa là bị thiêu rụi, bị hao mòn, bị sờn mòn. Bởi sự giết
chết liên tục, tức công tác của sự chết mà người bề ngoài của chúng ta, tức là
thân thể vật chất của chúng ta với hồn năng động (1Cô. 15:44) đang bị thiêu rụi
và hao mòn.
Trong câu 16, tôi
thích từ bị thiêu rụi hơn từ hư nát. Hư nát hàm ý rằng điều gì đó đang tự phân
huỷ mà không có bất cứ điều gì tác động trên nó. Ở đây, Phao-lô không có ý nói
rằng các sứ đồ đang hư nát. Theo ngữ cảnh, việc họ bị đặt vào sự chết không do
chính họ khởi xướng. Nếu họ khởi xướng thì chúng ta có thể nói rằng họ đang hư
nát. Nhưng vì sự khởi xướng được khởi xướng bởi những kẻ ngược đãi và bởi hoàn
cảnh và môi trường nên nói rằng họ đang bị thiêu rụi là tốt hơn. Họ đang bị hao
mòn. Ý nghĩa của tiếng Hy Lạp bao gồm hư nát, bị thiêu rụi, và bị hao mòn.
Những kẻ ngược đãi
và môi trường đang hành động trên các sứ đồ. Đây không phải là công tác do các
sứ đồ thực hiện trên chính họ. Hạt lúa không bao giờ khởi xướng việc xay nghiền.
Đúng ra, công tác xay nghiền được xúc tiến bởi người làm công việc xay nghiền.
Các sứ đồ không phải là người xay nghiền; họ là những người ở dưới sự xay nghiền.
Người bề ngoài của họ đang bị thiêu rụi, bị phá huỷ, bị đặt vào chỗ chết.
Các giáo sư Kinh
Thánh giải thích và giảng giải khác nhau về thuật ngữ người bề ngoài. Một số
người gọi là những người theo sự sống bề trong xem người bề ngoài là người thuộc
hồn, người thiên nhiên, và họ xem người thuộc linh là người sống trong linh, tức
là người bề trong. Trong 1 Cô-rin-tô chương 2 và 3, Phao-lô nói về người thuộc
linh, người thuộc hồn và người thuộc xác thịt. Người thuộc xác thịt là người sống
trong tư dục xác thịt, trong khi người thuộc hồn thì sống trong hồn. Người thuộc
hồn thì chia rẽ. Trong nếp sống Hội thánh, họ có những sở thích và sự lựa chọn
riêng. Người thuộc linh giống như Phao-lô và các sứ đồ sống và bước đi trong
linh. Theo một số giáo sư thuộc sự sống bề trong, chúng ta hoặc là những người
thuộc hồn sống theo người bề ngoài, hoặc là những người thuộc linh sống theo
người bề trong.
Theo ngữ cảnh của 2
Cô-rin-tô chương 4, người bề ngoài chủ yếu nói đến thân thể trong câu 10 và nói
đến thân thể hay chết trong câu 11. Thuật ngữ này được dùng cách hoán đổi vì
thân thể sa ngã của chúng ta đã trở thành xác thịt hay chết. Người bề ngoài
trong câu 16 chắc chắn nói đến thân thể sa ngã này, tức nói đến xác thịt hay chết
này. Tuy nhiên, nếu nói rằng người bề ngoài là nói đến thân thể thì không đủ. Sự
hiểu biết này không đầy đủ vì chính thân thể không thể là người, tức một thân vị.
Thân thể chỉ là một cơ quan. Trong 1 Cô-rin-tô 15:44, Phao-lô nói đến thân thể
thuộc hồn, thân thể thiên nhiên được sinh động bởi hồn, một thân thể mà trong
đó hồn chiếm ưu thế. Do đó, người bề ngoài có thân thể như là cơ quan của nó và
hồn như là sự sống và thân vị của nó. Vì thế, người bề ngoài bao gồm cả thân thể
và hồn. Thân thể không phải là thân vị. Thân vị là hồn, còn thân thể là cơ
quan. Cũng vậy, thân thể không phải là sự sống; sự sống của người bề ngoài là hồn.
Hồn vừa là thân vị vừa là sự sống của người bề ngoài. Vâng, thân thể là phần lớn
của người bề ngoài. Tuy nhiên, nó chỉ là một cơ quan được hồn hướng dẫn, hồn
làm cho sinh động và hồn sử dụng.
Người bề trong là
linh được tái sinh của chúng ta với hồn là cơ quan. Linh là sự sống và thân vị,
còn hồn được đổi mới là cơ quan. Sự sống của hồn, sự sống thuộc hồn phải bị từ
chối. Nhưng chức năng của hồn — tâm trí, ý chí, và tình cảm — phải được đổi mới.
Trong nếp sống Hội thánh, chúng ta đang kinh nghiệm sự đổi mới tâm trí và sự
nâng cao tâm trí. Khi tâm trí chúng ta được Chuá khuất phục thì nó được đổi mới.
Khi đó tâm trí có thể được linh chúng ta sử dụng, tức là thân vị của người bề
trong. Người bề ngoài đang bị hư nát. Nó đang bị sờn mòn và bị đặt vào sự chết.
Nhưng người bề trong đang được đổi mới mỗi ngày. Bị hư hoại hàm ý đến sự xuống
cấp, và được đổi mới hàm ý đến sự nâng cấp. Vì thế, người bề ngoài đang bị xuống
cấp còn người bề trong đang được nâng cấp. Về bề ngoài, thân thể của tôi đang
già đi, nhưng người bề trong đang ngày càng trẻ hơn và mới mẻ hơn. Về bề ngoài,
tất cả chúng ta đang già đi, nhưng bề trong chúng ta đang được mới mẻ hơn.
Người bề trong được
đổi mới bởi được nuôi dưỡng bằng sự cung ứng tươi mới của sự sống phục sinh. Là
thân thể hay chết của chúng ta, người bề ngoài của chúng ta đang bị hư hoại bởi
công tác giết chết của sự chết, còn người bề trong, tức linh được tái sinh của
chúng ta với những phần bên trong của bản thể chúng ta (Giê. 31:33; Hê. 8:10;
La. 7:22, 25), đang được đổi mới theo cách trao đổi chất mỗi ngày với sự cung ứng
của sự sống phục sinh.
Được đổi mới tương
đương với được cấu tạo. Trong cả hai trường hợp đều cần có một yếu tố cụ thể. Để
được đổi mới, chúng ta cần phải được thêm vào một yếu tố nào đó. Yếu tố đổi mới
này là của báu giấu bên trong chúng ta (c.7). Tuy nhiên, để được đổi mới mà chỉ
có của báu bên trong không thôi thì chưa đủ. Cũng cần có sự giết chết, sự phá
huỷ, sự hư nát, và sự nghiền nát. Vì lí do này, bên trong chúng ta có của báu,
còn bên ngoài chúng ta có hoàn cảnh. Qua hoàn cảnh, Đức Chúa Trời đặt chúng ta
dưới những cối đá xay nghiền một cách có tể trị.
Thoát khỏi bàn tay
của Đức Chúa Trời là điều không thể. Anh em có trưởng thành không? Anh em đã được
phá vỡ chưa? Anh em vẫn có thể dùng sự khéo léo của mình để thoát khỏi sự phá vỡ
và sự nghiền nát. Không ai có thể xử lí anh em. Tuy nhiên, những người cố gắng
hết sức để thoát khỏi sự phá vỡ, cuối cùng rồi là người chịu khổ nhiều nhất. Đó
là phần định của chúng ta để được tiêu hao. Thưa anh em, có thể Chuá sẽ dùng vợ
anh em để nghiền nát anh em. Ngay cả một người vợ tốt nhất cũng được Ngài dùng
theo cách này.
Chuá dùng hoàn cảnh
cách có tể trị để làm tiêu hao chúng ta. Đừng nghĩ rằng vì anh em sai trật nên
anh em cần bị tiêu hao. Thực ra, chính vì anh em đúng đắn mà anh em cần bị tiêu
hao. Càng đúng, anh em càng cần bị tiêu hao. Phao-lô rất đúng đắn. Đây là lí do
ông cần nhiều sự tiêu hao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là anh em nên cố
ý làm điều gì đó sai trật. Nếu anh em sai, anh em có thể bị phạt.
Có thể anh em tự hỏi
rằng anh em phải làm gì vì anh em sẽ bị tiêu hao nếu anh em đúng và sẽ bị phạt
nếu anh em sai. Câu trả lời là anh em đừng nên làm gì cả. Sớm muộn gì Chuá cũng
sẽ đặt anh em dưới cối đá xay nghiền.
Vì yêu Chuá nên
chúng ta mong được xay nghiền. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta đặt
chính mình giữa hai tảng đá xay nghiền. Đó là tự tử chứ không phải xay nghiền.
Hãy để Chuá đặt anh em dưới sự xay nghiền cách có tể trị. Về điều này, anh em
chẳng cần làm gì cả; tự nhiên nó sẽ xảy ra.
Chỉ bởi tiêu hao
người bề ngoài thì Christ mới có thể được sống ra và được cung ứng cho người
khác. Đây là phương cách của Chuá. Chỉ theo cách này mà Cô Dâu mới có thể được
sửa soạn cho Ngài.
2. Hoạn Nạn Nhẹ Và
Tạm Sinh Ra Sự Vinh Hiển Cao Trọng Đời Đời
Trong câu 17,
Phao-lô nói: “Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh
hiển cao trọng đời đời, vô luợng vô biên”. Hoạn nạn ở đây nói đến việc đặt vào
chỗ chết, tức công tác của thập tự giá. Theo nghĩa đen, vô lượng vô biên có
nghĩa là quá mức dẫn đến dư thừa. Vinh hiển cao trọng đời đời tương phản với hoạn
nạn nhẹ và tạm. Vinh hiển ở đây là sự biểu lộ Đức Chúa Trời như là sự sống phục
sinh tương phản với hoạn nạn.
Hoạn nạn nhẹ và tạm
sanh cho chúng ta vinh hiển cao trọng đời đời. Vinh hiển cao trọng này sẽ trở
thành vẻ đẹp của Cô Dâu được trang điểm.
3. Không Chăm Những
Sự Thấy Được Và Tạm Thời Nhưng Chăm Những Sự Không Thấy Được Và Đời Đời
Câu 18 chép: “Bởi
chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy
được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời vậy”. Những điều thấy được
thuộc về hoạn nạn tạm thời, nhưng những điều không thấy được thuộc về vinh hiển
đời đời. Phao-lô không quan tâm đến hoạn nạn, hoàn cảnh, sự nghèo khổ, sự chống
đối, sự bắt bớ hay sự xay nghiền. Những điều đó, tức những điều thấy được chỉ
là tạm thời. Ông chỉ quan tâm đến những điều đời đời. Ông biết rằng trong khi
đang ở trong tình trạng bị xay nghiền thì hoạn nạn sanh ra điều gì đó cao trọng,
đẹp đẽ và đời đời. Theo cách này, chúng ta sẽ được trang sức như là Cô Dâu đẹp
đẽ sáng ngời cho Christ lúc Ngài trở lại.
Trong những chương
này, chúng ta thấy chấp sự với chức vụ, và cũng thấy kết quả của chức vụ. Ở
đây, chúng ta có chân dung các chấp sự của giao ước mới với một chức vụ đẹp đẽ
và kỳ diệu để xây dựng Hội thánh và làm đẹp cho Cô Dâu.
--