Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 33



MANG SỰ CHẾT CỦA JESUS VÀ ĐỔI MỚI NGƯỜI BỀ TRONG (1)
Đọc Kinh Thánh: 2Cô. 4:10-18
Chúng ta đã thấy rằng, là sự tiếp nối của 2 Cô-rin-tô chương 3, chương 4 trình bày một bức tranh về một đời sống làm cho các chấp sự giao ước mới có thể trở nên một với chức vụ của họ. Làm thế nào các sứ đồ có thể chứng minh rằng họ là chấp sự của giao ước mới? Họ có thể chứng minh điều đó bằng cách sống một loại sự sống được mô tả trong chương 4. Chính bởi sự sống này mà họ là một với chức vụ của họ.
Trong 2 Cô-rin-tô chương 4, Phao-lô không nói về công tác của ông. Ông không nói đến những gì ông đã làm hay đã hoàn thành. Thay vì thế, ông nói về sự sống, loại sự sống mà ông và các đồng công của ông đã sống. Theo chương này, Phao-lô và các đồng công của ông đã sống theo cách như thế để đời sống của họ trở thành chức vụ của họ.
DANH JESUS
Trong việc trình bày sự sống mà ông đã sống như một chấp sự của giao ước mới, Phao-lô dùng danh Jesus một cách rất đặc biệt. Không có nơi nào khác trong các văn phẩm của ông dùng danh Jesus như đã được dùng trong 2 Cô-rin-tô chương 4. Trong câu 10, Phao-lô nói: “thân thể hằng mang sự chết của Jesus, hầu cho sự sống của Jesus cũng được tỏ ra trong thân thể chúng tôi”. Ở đây, Phao-lô nói đến sự chết của Jesus và sự sống của Jesus. Trong câu 11 ông nói tiếp: “Bởi chúng tôi là kẻ sống, vì cớ Jesus mà hằng bị nộp cho sự chết, hầu cho sự sống của Jesus cũng được tỏ ra trong xác thịt hay chết của chúng tôi”. Phao-lô cũng dùng danh Jesus trong câu 14: “Vì biết rằng Đấng đã khiến Chuá Jesus sống lại, cũng sẽ khiến chúng tôi đồng sống lại với Jesus, và trình diện chúng tôi với anh em cho Ngài”. Trong những câu này, Phao-lô dùng danh Jesus theo cách lặp đi lặp lại.

Điều quan trọng là phải tìm ra lí do tại sao trong chương này Phao-lô dùng danh Jesus cách đặc biệt như thế. Không dễ để giải thích lí do. Thật ra, có hơn một lí do. Trong bài này, chúng ta sẽ bắt đầu xem xét tại sao Phao-lô dùng danh Jesus theo cách mà ông đã dùng trong 2 Cô-rin-tô chương 4.
MỘT KÍ THUẬT VỀ SỰ SỐNG
Chúng tôi đã chỉ ra rằng trong chương 4, Phao-lô mô tả sự sống được chính ông và các đồng công của ông sống. Đây là sự sống làm cho họ trở nên một với chức vụ của họ. Sự sống này tương phản với công tác mà Cơ Đốc nhân ngày nay nhấn mạnh.
Cơ Đốc giáo đã trở thành tôn giáo. Mỗi tôn giáo đều dựa trên một số công tác nào đó; vì không có công tác, tôn giáo không thể tồn tại. Tôn giáo không thể tồn tại trừ phi những tín đồ của tôn giáo ấy thực hiện những công tác nào đó. Kết quả là, trong tôn giáo, chúng ta có nhiều loại công tác. Dù dễ dàng chỉ ra những công tác trong tôn giáo, nhưng rất khó mà tìm thấy chút sự sống nào. Vì thế, nguyên tắc cơ bản của tôn giáo là đầy dẫy công tác nhưng thiếu hụt sự sống. Điều này đúng không chỉ về tôn giáo Cơ Đốc mà còn đúng đối với mọi tôn giáo. Tôn giáo nào cũng đầy dẫy công tác, hoạt động, và công việc. Nhưng trong tôn giáo không có sự sống.
Có sự hiểu biết này về tôn giáo, một lần nữa chúng ta hãy nhìn vào lịch sử của Jesus. Khi suy xét kí thuật về đời sống của Chuá trên đất, chúng ta thấy rằng sự nhấn mạnh không phải là về công tác. Bốn Sách Phúc Âm không nhấn mạnh đến những gì Chuá làm, những công tác nào Ngài đã hoàn thành. Kí thuật về Chuá Jesus trong các Sách Phúc Âm chủ yếu là kí thuật về đời sống. Trong các Sách Phúc Âm, điểm nhấn mạnh là sự sống chứ không phải công tác hay hoạt động. Các Sách Phúc Âm là tự truyện giới thiệu một con người sống cách đặc biệt. Do đó, các Sách Phúc Âm không chủ yếu tường thuật về những công tác lạ lùng của Chuá; các Sách Phúc Âm là sự mô tả về đời sống mà Chuá Jesus đã sống trên đất. Đây là một lí do mà Phao-lô thường xuyên dùng danh Jesus trong 2 Cô-rin-tô chương 4. Việc dùng danh này trong chương 4 đem chúng ta lại với Chuá là con người mà đời sống của Ngài làm một với chức vụ của Ngài. Chuá đã sống theo cách mà con người của Ngài làm một với chức vụ của Ngài. Nói cách nghiêm túc, Chuá không hoàn thành công tác. Thay vì thế, Ngài chỉ sống một loại sự sống nào đó.
Khi ai đó nghe các Sách Phúc Âm nhấn mạnh đến đời sống của Chuá chứ không nhấn mạnh đến công tác của Ngài thì có thể họ muốn cãi rằng: “Anh Lee, các Sách Phúc Âm không cho chúng ta một bản liệt kê các công tác của Chuá Jesus sao?” Có chứ, chắc chắn có. Tôi không phủ nhận các Sách Phúc Âm mô tả công tác của Chuá. Tuy nhiên, nếu đọc cẩn thận các Sách Phúc Âm, anh em sẽ thấy rằng bức tranh trong đó không được vẽ như một bản liệt kê các công tác của Chuá. Trái lại, chân dung trong các Sách Phúc Âm được vẽ theo cách bày tỏ đời sống của Chuá. Ít nhất, trong chân dung này, đời sống của Chuá Jesus được nhấn mạnh hơn công tác của Ngài. Các Sách Phúc Âm cho chúng ta thấy nhiều về sự sống của Chuá hơn là công tác của Ngài. Vâng, các Sách Phúc Âm mô tả công tác của Chuá, nhưng trình bày nhiều hơn sự sống mà Jesus đã sống và cho chúng ta thấy Ngài đã sống cách nào.
Có nhiều dấu hiệu trong các Sách Phúc Âm cho thấy rằng Chuá Jesus không quan tâm đến việc thực hiện một công tác vĩ đại. Chúng ta biết rằng trong suốt chức vụ của Ngài, Chuá làm nhiều phép lạ. Một trong những phép lạ này là cho một đám đông hơn năm ngàn người ăn chỉ với năm ổ bánh và hai con cá. Việc Chuá Jesus cho một đám đông ăn chỉ với năm ổ bánh và hai con cá không kỳ lạ sao? Chắc chắn đó là một phép lạ kỳ diệu. Giăng 6:14 mô tả sự đáp ứng phép lạ này của dân chúng: “Vậy, khi người ta thấy Ngài đã làm thì nói rằng: ‘Ấy thật là tiên tri phải đến thế gian!’”. Câu tiếp theo mô tả lời đáp của Chuá Jesus: “Jesus biết chúng sắp đến bắt ép Ngài làm vua, bèn lánh riêng một mình trên núi”. Điều này cho thấy rằng Chuá Jesus không quan tâm đến việc có nhiều người theo Ngài. Thay vì quan tâm đến đám đông thì Ngài bỏ đi. Nhưng nếu chúng ta ở đó với Chuá, có lẽ chúng ta rất phấn khởi nhìn thấy đám đông theo Ngài. Có lẽ chúng ta đã ngợi khen Đức Chúa Trời vì Ngài đã chúc phước trên công việc này, cảm tạ Ngài vì đám đông đi theo này. Tuy nhiên, Chuá Jesus không bị kích động. Ngài không cho phép đám đông lập Ngài làm vua của họ. Chuá bỏ đám đông mà đi lên núi cầu nguyện.
Một ví dụ khác, được tìm thấy trong Giăng chương 12, về việc Chuá quan tâm đến sự sống chứ không quan tâm đến công tác. Ở Giê-ru-sa-lem, một đám đông đã nồng nhiệt hoan nghênh Chuá Jesus. Họ cầm những nhánh cây chà là đi ra gặp Ngài, tung hô: “Hô-sa-na, chúc tụng Đấng nhơn danh Chuá mà đến, là Vua của Israel!” (Giăng 12:13). Ngay cả người Pha-ri-si cũng thừa nhận rằng thế giới này đã đi theo Ngài (c. 19). Hơn nữa, khi Anh-rê và Phi-líp nói với Chuá rằng người Hy Lạp đang tìm kiếm Ngài thì Ngài trả lời: “Giờ Con Người được tôn vinh đã đến rồi. Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, nếu hạt lúa mì không rơi xuống đất mà chết đi, thì cứ chỉ một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả nhiều” (c. 23-24). Điều này cho thấy rõ rằng điều Chuá Jesus quan tâm là sự sống chứ không phải công tác. Trong bốn Sách Phúc Âm, có nhiều minh hoạ về điều này. Hễ khi nào người ta cho rằng theo họ cơ hội là thích hợp để Chuá hoàn thành một công tác vĩ đại thì Ngài không bao giờ nhận lấy cơ hội đó. Thay vì thế, Ngài lánh đi. Ngài đến không phải để làm một việc lớn. Điều Ngài quan tâm là sự sống.
ĐỦ PHẨM CHẤT BỞI SỰ SỐNG
Đấng đi đến thập tự giá để hoàn tất sự cứu chuộc hầu hoàn thành mục đích đời đời của Đức Chúa Trời không phải là một công nhân vĩ đại. Không phải công việc bên ngoài làm cho Chuá Jesus có đủ phẩm chất làm Đấng Cứu Chuộc. Điều làm cho Ngài có đủ phẩm chất là sự sống mà Ngài đã sống. Từ các Sách Phúc Âm, chúng ta biết rằng Jesus không phải là một người nổi tiếng sống trong lâu đài biệt thự ở một thành phố lớn. Không, Ngài là một người lớn lên trong một gia đình người thợ mộc ở Na-xa-rét, một thị trấn bị khinh miệt của một vùng bị khinh miệt xứ Ga-li-lê. Nhưng sự sống mà Ngài đã sống làm cho Ngài có đủ phẩm chất để làm Đấng Cứu Chuộc hầu hoàn thành mục đích đời đời của Đức Chúa Trời.
Điều quan trọng là chúng ta phải thấy rằng Chuá Jesus được làm cho đủ phẩm chất bởi sự sống chứ không phải bởi công việc. Vấn đề sự sống vượt trỗi hơn công việc là một phương diện rất quan trọng trong sự khôi phục của Chuá ngày nay. Chuá muốn khôi phục sự sống; Ngài không tìm cách để hoàn thành công tác phục hưng.
MỘT JESUS CỦA SỰ SỐNG
Từ cuộc Cải Chánh, nhiều Cơ Đốc nhân thường cầu nguyện cho sự phục hưng. Một số người cầu nguyện cho một sự phục hưng lớn để làm dứt dấy mọi tín đồ. Nhưng theo lịch sử, không hề có một sự phục hưng như thế. Dĩ nhiên, cách đây khoảng 80 năm, có một cuộc phục hưng lớn ở xứ Wales. Một số nhà lãnh đạo Cơ Đốc rất phấn khích và mong rằng sự phục hưng sẽ lan tràn ra mọi lục địa. Nhưng sự phục hưng đã không lan tràn khắp thế giới. Thực ra, sau vài năm, cuối cùng sự phục hưng đã lịm tắt, thậm chí ngay tại xứ Wales.
Vào năm 1958, người ta mời tôi đến một nơi ở London. Một ngày nọ, người mời chở tôi đi qua vùng quê nước Anh và Scotland. Khi đang lái xe, anh chỉ ra cửa sổ và nói về người dân ở vùng quê Scotland mà nhiều người ở đó chưa bao giờ nghe về Jesus. Anh tiếp tục bảo tôi rằng Scotland giống như đất nước ngoại giáo. Tuy nhiên, Scotland không xa xứ Wales mấy, nơi mà đã có một cuộc phục hưng lớn đã diễn ra. Điều này cho thấy rằng phương cách phục hưng không có hiệu quả. Chỉ một điều có hiệu quả đó là sự sống. Đây là lí do Chuá Jesus không đến để hoàn thành một công tác vĩ đại. Đúng ra, Ngài đến để sống một đời sống. Bây giờ, sự sống của Ngài đã lan tràn khắp mọi góc đất. Ngài không phải là Jesus của công tác; Ngài là Jesus của sự sống.
Tôi muốn chỉ ra cho các thánh đồ trong sự khôi phục của Chuá thấy rằng thậm chí nhiều người trong chúng ta, người trẻ cũng như người lớn tuổi, vẫn còn quan tâm đến công tác. Có ý thức hoặc không ý thức thì chúng ta thường quan tâm đến việc công tác cho Chuá. Chẳng hạn như, một số người có thể ao ước trở thành người truyền giảng vĩ đại. Tư tưởng thực hiện một công tác vĩ đại có thể vẫn còn đang ở trong lòng anh em, trong tiềm thức của anh em. Tôi khích lệ anh em gạt bỏ tư tưởng này sang một bên. Đức Chúa Trời không tôn trọng bất cứ công tác nào. Nhiều sự huỷ hoại giữa vòng Cơ Đốc nhân ngày nay là kết quả của công tác con người. Càng cố làm việc cho Chuá, chúng ta càng tạo thêm rắc rối và càng làm cho hư hoại. Tôi tin rằng đây là lí do khi trình bày sự xác quyết về chức vụ của mình, Phao-lô dùng danh Jesus. Ông không nói: “Chuá Jesus Christ, Vua muôn vua, Chuá muôn chúa”. Thay vì thế, ông chỉ nói Jesus; mang sự chết của Jesus, sự sống của Jesus, và vì Jesus. Sự sống được biểu lộ trong thân thể Phao-lô không phải là sự sống của một con người vĩ đại. Đó là sự sống của Jesus, một người ít được biết đến, xuất thân từ một vùng bị khinh miệt.
SỰ SỐNG ĐƯỢC BIỂU LỘ TRONG XÁC THỊT HAY CHẾT
Trong 2 Cô-rin-tô chương 4, Phao-lô không khoe khoang công tác của ông. Ông không nói: “Hỡi người Cô-rin-tô, anh em phải biết rằng tôi là sứ đồ hàng đầu. Tôi đã thiết lập Hội thánh suốt con đường từ Cyprus đến Cô-rin-tô. Tôi sẵn sàng đi xa hơn nữa để đến La-mã, đến Tây Ban Nha, và đến đầu cùng trái đất. Đây là sự xác quyết về chức vụ mà Chuá đã uỷ thác cho tôi”.
Thay vì nói về công tác và những sự hoàn thành của mình, Phao-lô nói về những sự đè nén. Trong câu 8, ông nói: “Chúng tôi bị đè nén mọi bề”. Nếu là Phao-lô có lẽ chúng ta đã nói: “Hỡi người Cô-rin-tô, chúng tôi được phước mọi bề. Anh em không nhận ra rằng công tác của chúng tôi đã được Chuá chúc phước sao? Phước hạnh này về công tác của chúng tôi chứng minh rằng chức vụ của chúng tôi thuộc về Chuá và công tác của chúng tôi thuộc về Ngài”.
Phao-lô bảo người Cô-rin-tô rằng ông và các đồng công của ông bị đè nén mọi bề. Người thuộc thế giới sẽ xem điều này như một dấu hiệu của sự nguyền rủa chứ không phải phước hạnh. Họ sẽ hỏi: “Làm thế nào anh em được Đức Chúa Trời chúc phước nếu như anh em bị đè nén? Tại sao anh em bị đè nén từ mọi phía?” Nhưng Phao-lô tiếp tục nói về việc bị túng thế, bị ngược đãi và bị thất vọng. Một số người muốn khen ngợi Phao-lô về việc bị ngược đãi, vì có thể điều đó cho thấy rằng ông đang làm một công tác tốt. Nhưng họ sẽ không khen ngợi ông vì những sự đè nén, túng thế, và thất vọng.
Phao-lô không dừng lại bằng sự mô tả được kí thuật trong câu 8 và 9. Trong câu 10, ông nói tiếp: “thân thể hằng mang sự chết của Jesus, hầu cho sự sống của Jesus cũng được tỏ ra trong thân thể chúng tôi”. Trong câu này, Phao-lô không nói: “thân thể hằng mang phước hạnh của Đức Chúa Trời quyền năng”. Thay vì thế, ông nói thân thể hằng mang sự chết của Jesus. Có vẻ như Phao-lô là một sứ đồ tội nghiệp trong một hoàn cảnh đáng thương.
Trong câu 11, Phao-lô nói tiếp: “Bởi chúng tôi là kẻ sống, vì cớ Jesus mà hằng bị nộp cho sự chết hầu cho sự sống của Jesus cũng được tỏ ra trong xác thịt hay chết của chúng tôi”. Có lẽ chúng ta mong Phao-lô nói “được giải cứu khỏi sự chết”, thay vì bị nộp cho sự chết. Tuy nhiên, Phao-lô luôn luôn bị nộp cho sự chết hầu cho sự sống của Jesus có thể được biểu lộ trong xác thịt hay chết của ông.
Chú ý rằng ở đây Phao-lô không nói thân thể hay chết, nhưng nói xác thịt hay chết. Từ thân thể thì tích cực, nhưng từ xác thịt thì tiêu cực. Chữ hay chết hàm ý rằng xác thịt đang chết dần. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ không vui khi ai đó nói thân thể chúng ta là xác thịt hay chết. Tuy nhiên, Phao-lô chấp nhận một sự diễn đạt như thế khi nói về chính mình.
Phao-lô không thích khoe khoang. Ông thích nhỏ bé và cứ ở trong tình trạng thấp hèn hơn. Thực ra, tên Phao-lô có nghĩa là nhỏ bé. Trong những câu này, dường như Phao-lô đang nói: “Tôi thích ở trong tình trạng nhỏ bé của tôi hơn. Sự sống được biểu lộ trong tôi là sự sống của một người Na-xa-rét chứ không phải sự sống của một người vĩ đại trong thế giới. Hơn nữa, sự sống của Jesus được biểu lộ trong xác thịt hay chết của tôi. Tôi không phải là một người vĩ đại, biểu lộ điều gì đó kỳ diệu trong thân thể tốt đẹp. Không, tôi là một người nhỏ bé đang biểu lộ sự sống của Jesus, một người từ Na-xa-rét, trong xác thịt hay chết của tôi”.
CUNG ỨNG SỰ SỐNG BẰNG CÁCH CHẾT ĐI
Trong câu 12, Phao-lô nói: “Như thế sự chết hành động trong chúng tôi còn sự sống trong anh em”. Trong câu này, Phao-lô không nói đến công tác của ông. Công tác của ông là công tác của sự chết hành động trong ông. Công tác của các sứ đồ là gì? Công tác của các sứ đồ là công tác của sự chết hành động trong họ hầu cho sự sống có thể hành động trong tín đồ.
Có thể chúng ta không vui khi nghe rằng sự chết đang hành động trong các sứ đồ. Nhưng kết cuộc, kết quả hành động của sự chết này thật kỳ diệu, đó là sự sống ở trong người khác. Đây là công tác thật của chức vụ giao ước mới. Đó không phải là làm công tác, nhưng là vấn đề chết đi. Trong sự khôi phục của Chuá, chúng ta cần chết để sự sống có thể hành động trong người khác. Do đó, chúng ta chết là chúng ta công tác. Chuá không cần chúng ta hoàn thành công tác cho Ngài. Ngài cần anh em chết. Nếu anh em chết thì sự sống sẽ hành động trong người khác. Anh em cung ứng sự sống cho người khác bằng cách chết. Do đó, công tác của chúng ta là mang sự chết.
Những câu Kinh Thánh mà chúng ta đã xem trong bài này là cánh cửa sổ mà qua đó chúng ta có thể thấy trong kinh nghiệm của Phao-lô. Bây giờ chúng ta có thể hiểu rằng các sứ đồ không phải là những người đi theo một người vĩ đại, nhưng đi theo một người nhỏ bé, là Jesus người Na-xa-rét. Hơn nữa, thay vì được tôn cao, họ luôn luôn mang sự chết hầu cho sự sống của Jesus có thể được biểu lộ trong xác thịt hay chết của họ. Sự chết hành động trong họ hầu cho sự sống có thể hành động trong tín đồ.
--