Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 26



THỂ YẾU CỦA CHỨC VỤ GIAO ƯỚC MỚI (2)
Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 3:3, 6-9, 18; 4:1a
CHỨC VỤ VÀ NHIỀU CHỨC VỤ
Ngày nay, nhiều Cơ Đốc nhân nói về những chức vụ khác nhau và nói về việc nhận lãnh tất cả những loại chức vụ. Vấn đề của chức vụ hoặc của nhiều chức vụ thì không đơn giản. Theo 2 Cô-rin-tô, chỉ có một chức vụ, chức vụ duy nhất. Trong 4:1 Phao-lô nói: “Vậy, vì chúng tôi đã chịu chức vụ này theo như đã được thương xót nên chúng tôi chẳng ngã lòng”. Một mặt, ở đây Phao-lô nói “chúng tôi”; mặt khác, ông nói “chức vụ này”, không phải những chức vụ này. Theo câu này, có nhiều người mà chỉ có một chức vụ. Tuy nhiên, trong 1 Cô-rin-tô 12:5, Phao-lô nói: “Các chức vụ cũng có khác nhau (có nhiều sự phân bổ của nhiều chức vụ)”.
Làm thế nào chức vụ là duy nhất đồng thời lại có nhiều? Câu trả lời là trong Tân Ước, Đức Chúa Trời chỉ có một hoạt động. Hơn nữa, Ngài chỉ có một chức vụ để thực hiện hoạt động duy nhất của Ngài. Tất cả các sứ đồ—Phi-e-rơ, Gia-cơ, Giăng, Phao-lô, Ti-mô-thê—đều thực hiên cùng một chức vụ. Phi-e-rơ không thực hiện một chức vụ, Phao-lô thực hiện một chức vụ khác và Ti-mô-thê thực hiện một chức vụ khác nữa. Đây là tình trạng giữa những người rao giảng, những giáo sư, và những chấp sự ngày nay là những người thực hiện nhiều loại chức vụ khác nhau.

Vì có nhiều loại chức vụ khác nhau nên có nhiều giáo phái khác nhau. Báp-tít thực hiện chức vụ báp-tít để làm trọn hoạt động Báp-tít. Giáo hội Trưởng Lão thực hiện một loại chức vụ khác để làm trọn hoạt động của Giáo hội Trưởng Lão. Tân Giáo, Lutherans, Giám Lí cũng giống như vậy. Tất cả những giáo phái này thực hiện nhiều loại chức vụ vì những hoạt động riêng của họ. Theo Tân Ước, sự thực hành này là không đúng đắn. Tân Ước khải thị rằng có một chức vụ duy nhất. Ngày nay, các Hội thánh địa phương không thực hiện những loại chức vụ khác nhau để làm trọn nhiều hoạt động. Đức Chúa Trời có một hoạt động chức vụ duy nhất thực hiện.
Bây giờ chúng ta phải thấy chức vụ duy nhất này làm gì. Chức vụ duy nhất trong Tân Ước phục vụ Đấng Christ cho người khác. Chức vụ đó ghi khắc Christ vào trong người khác như Linh bên trong họ và như sự công chính bên ngoài. Đây là chức năng của chức vụ duy nhất. Khi rao giảng phúc âm, chúng ta phải rao giảng theo cách này. Cũng vậy, khi dạy Kinh Thánh, gây dựng thánh đồ, hoặc xây dựng các Hội thánh, chúng ta nên làm những điều này theo cách này. Mọi sự chúng ta làm trong nếp sống Hội thánh nên là ghi khắc Christ vào trong thánh đồ. Về điều này, chúng ta không có nhiều chức vụ khác nhau.
Dù Tân Ước chỉ rõ rằng chức vụ là một và duy nhất, nhưng Tân Ước cũng nói về nhiều chức vụ khác nhau. Nhiều chức vụ này nói đến những sự phục vụ khác nhau trong Hội thánh. Khi 1 Cô-rin-tô 12: 5 nói về nhiều chức vụ thì điều đó có nghĩa là nhiều sự phục vụ khác nhau. Trong nếp sống Hội thánh, thánh đồ có liên quan đến những sự phục vụ khác nhau. Ví dụ, một số người chăm sóc thiếu nhi. Đây là một loại phục vụ. Một số người chăn dắt những người trẻ hay những người yếu đuối. Đây là một loại phục vụ khác. Tuy nhiên, những sự phục vụ khác nhau này, tất cả đều thực hiện một chức vụ duy nhất, một sự phục vụ duy nhất. Như chúng ta đã thấy, chức năng của sự phục vụ duy nhất là cung ứng Christ vào trong những người được chọn của Đức Chúa Trời. Chúng ta nên chăm sóc thiếu nhi theo cách nào? Chúng ta nên làm theo cách cung ứng Christ vào trong các em. Cũng vậy, chúng ta nên chăn dắt người trẻ và người yếu đuối như thế nào? Trong sự chăn dắt, chúng ta nên cung ứng Christ vào trong người khác. Thậm chí khi các chị em nhóm lại để cầu nguyện, tất cả họ nên cung ứng Christ. Nhiều sự phục vụ cho một sự phục vụ duy nhất; nhiều chức vụ cho một chức vụ.
Chúng ta chấp nhận tất cả những chức vụ đang hoàn thành chức vụ duy nhất cho hoạt động của Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta không thể chấp nhận một chức vụ đang tìm cách để thiết lập hoặc hoàn thành điều gì đó khác với hoạt động duy nhất của Đức Chúa Trời. Ví dụ, chúng ta không thể chấp nhận chức vụ mà có mục tiêu thiết lập giáo phái Trưởng Lão, cũng không chấp nhận chức vụ tìm cách để thực hiện những hoạt động Báp-tít, Lutheran hay Tân Giáo. Những chức vụ này là sự chia rẽ; do đó, chúng ta không thể chấp nhận. Những chức vụ chúng ta chấp nhận là những chức vụ vì chức vụ Tân Ước duy nhất.
Nếu lưu ý đến sự hiểu biết này về chức vụ và nhiều chức vụ rồi đọc Tân Ước một lần nữa, nhất là các Thư Tín, anh em sẽ thấy sự hiểu biết này là chính xác. Tôi khích lệ anh em nghiên cứu các Thư Tín theo hướng này, đặc biệt chú ý đến những từ chức vụ và nhiều chức vụ. Nếu nghiên cứu như vậy, anh em sẽ thấy rằng nhiều chức vụ, những sự phục vụ khác nhau tất cả đều để thực hiện một chức vụ giao ước mới.
Để thực hiện gia tể Tân Ước của Đức Chúa Trời, chức vụ là chức vụ duy nhất. Nhưng để hoàn thành chức vụ duy nhất, nhất là trong nếp sống Hội thánh, thì cần có nhiều sự phục vụ, cần có nhiều chức vụ đa dạng. Nhưng một lần nữa, tôi nhấn mạnh rằng tất cả các chức vụ, các sự phục vụ khác nhau này đều là để thực hiện một chức vụ duy nhất, đó là chức vụ của giao ước mới. Chức vụ này ghi khắc các thánh đồ bằng Đức Chúa Trời bao-hàm-tất-cả, Đấng là Linh bên trong chúng ta và sự công chính như là sự biểu lộ bên ngoài của chúng ta.
MỘT CHỨC VỤ GHI KHẮC
Như chúng tôi đã chỉ ra trong bài trước, Linh và sự công chính là hai phương diện của thể yếu được ghi khắc vào trong chúng ta bởi chức vụ của giao ước mới. Linh sống động là phương diện bên trong và sự công chính hoàn hảo là phương diện bên ngoài. Thể yếu của chức vụ giao ước mới bao gồm hai phương diện: Linh và sự công chính.
Chức vụ của chúng ta trong Hội thánh địa phương phải là chức vụ ghi khắc chứ không nên chỉ là dạy dỗ. Nếu chúng ta chỉ dạy dỗ người khác thì thể yếu thần thượng sẽ không được ghi khắc vào trong họ. Dạy dỗ không đòi hỏi thể yếu, tuy nhiên, ghi khắc thì đòi hỏi thể yếu giống như viết bằng cây bút đòi hỏi phải có mực. Nếu cố viết bằng một cây bút hết mực, sẽ không có chữ nào trên giấy. Để viết, chúng ta phải có mực là thể yếu. Khi đó, càng viết, chữ sẽ càng được ghi trên giấy. Cũng vậy, chúng ta phải có thể yếu thần thượng để ghi khắc vào trong bản thể của thánh đồ.
Chức vụ của sự ghi khắc là duy nhất, và thể yếu được dùng để ghi khắc cũng là duy nhất. Phi-e-rơ không thực hiện một loại ghi khắc với một loại thể yếu còn Phao-lô một loại ghi khắc với một loại thể yếu khác. Không, các sứ đồ không bị chia rẽ; họ cũng không chia rẽ. Đúng ra, tất cả họ đều thực hành cùng một loại ghi khắc với cùng một thể yếu. Tuy nhiên, những người rao giảng ngày nay có những loại ghi khắc khác nhau, những loại dạy dỗ khác nhau. Kết quả là họ càng dạy dỗ và rao giảng thì càng sinh ra chia rẽ. Do đó, sự ghi khắc duy nhất phải đi với thể yếu duy nhất.
ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ-TRẢI-QUA-TIẾN-TRÌNH LÀ THỂ YẾU DUY NHẤT ĐƯỢC GHI VÀO TRONG CHÚNG TA
Thể yếu duy nhất cần được ghi vào trong thánh đồ là gì? Thể yếu duy nhất này là Đức Chúa Trời Tam-Nhất như là Linh. Từ liệu “Linh” được dùng trong Tân Ước thì rất ý nghĩa. Linh nói đến Đức Chúa Trời Tam-Nhất đã-trải-qua-tiến-trình là Linh ban-sự-sống bao-hàm-tất-cả.
Trong Sáng Thế Kí 1:2, chúng ta đọc thấy Linh của Đức Chúa Trời. Ở chỗ khác, Cựu Ước nói đến Linh của Giê-hô-va. Trong Tân Ước dùng từ liệu Thánh Linh. Sau đó, trong Công Vụ 16:7 (nguyên văn), chúng ta đọc thấy Linh của Jesus; trong La-mã chương 8:9, Linh của Christ; và trong Phi-líp 1:19, Linh của Jesus Christ. La-mã chương 8 khuyên chúng ta bước đi trong Linh. Tân Ước không nhấn mạnh đến việc bước đi trong Thánh Linh hay trong Linh của Đức Chúa Trời; mà nhấn mạnh vào việc bước đi trong Linh. Cuối cùng, vào cuối Kinh Thánh ở Khải Thị 22:17, chúng ta đọc thấy Linh và Cô Dâu. Do đó, Kinh Thánh kết thúc bằng một từ không phải về Linh của Đức Chúa Trời, cũng không phải Thánh Linh, mà là Linh. Linh trong Khải Thị 22:17 là Đức Chúa Trời Tam-Nhất đã-trải-qua-tiến-trình.
Tôi nhận thấy rằng tâm trí tôn giáo rất rối rắm khi nói về Đức Chúa Trời được trải qua tiến trình. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi dùng từ đã-trải-qua-tiến-trình cho Đức Chúa Trời Tam-Nhất trong một bài. Về sau, tôi tự hỏi liệu tôi có quá táo bạo khi nói rằng Đức Chúa Trời được trải qua tiến trình không. Trong bài đó, tôi chỉ ra rằng Đức Chúa Trời ngày nay không còn là Đức Chúa Trời chưa trải qua tiến trình nữa, không còn là Đức Chúa Trời “chưa chín” nữa. Ngày nay Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời đã trải qua tiến trình. Nhưng sau khi xem xét vấn đề này hơn nữa và cầu nguyện về điều này, tôi có cảm nhận sâu bên trong, tôi tin điều đó thuộc về Linh rằng nếu tôi không dùng từ trải qua tiến trình thì tôi không có thuật ngữ nào tốt hơn để dùng. Tôi tự nhủ: “Nếu không dùng từ chưa chín và đã-trải-qua-tiến-trình thì làm thế nào ngươi có thể giảng về Đức Chúa Trời Tam-Nhất là sự vui hưởng của ngươi? Làm thế nào ngươi có thể diễn đạt lẽ thật về những bước mà qua đó Đức Chúa Trời đã trải qua để trở thành Linh bao-hàm-tất-cả? Ngươi nhút nhát, sợ bị chống đối và bị chỉ trích phải không? Do đó, sau khi đã cầu nguyện và cân nhắc kỹ lưỡng, tôi cảm thấy được xác quyết khi dùng cách diễn đạt này. Gần đây, chúng ta đã biết rằng William Law và Andrew Murray cũng dùng thuật ngữ này trong văn phẩm của họ.
Trong Kinh Thánh có những từ nào đó không được dùng; tuy nhiên, có những sự kiện cho chúng ta lí do để dùng những từ đặc biệt để mô tả những sự kiện đó. Ví dụ, từ Đức Chúa Trời Tam Nhất thì không thấy có trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, Kinh Thánh khải thị sự kiện về Đấng Tam Nhất. Có một Đức Chúa Trời nhưng Ngài là Cha, Con và Linh. Đây không phải là Đấng Tam Nhất sao? Chắc chắn là Đấng Tam Nhất. Tam Nhất thật ra không có nghĩa là ba trong một; mà có nghĩa là ba-một. Hình thức tính từ của từ Trinity là Triune, bao gồm hai gốc từ La-tinh: tri–có nghĩa là ba, và–une có nghĩa là một. Do đó, triune có nghĩa là ba-một, không phải là ba trong một. Vì Kinh Thánh khải thị rằng Đức Chúa Trời là tam-nhất, vậy có gì sai trong việc dùng từ Đấng Tam Nhất để nói về Đức Chúa Trời là Cha, Con, và Linh không? Chúng ta phải có từ nào đó để diễn đạt sự kiện này. Cùng một nguyên tắc như vậy, Kinh Thánh không dùng từ trải qua tiến trình liên quan đến Đức Chúa Trời Tam-Nhất. Tuy nhiên, Kinh Thánh khải thị sự kiện về tiến trình của Đức Chúa Trời.
Khi tôi đang tranh chiến cách dùng từ đã trải qua tiến trình, tôi suy xét sự nhục hoá của Đấng Christ. Đấng Christ, tức Đức Chúa Trời đời đời, được hoài thai trong tử cung của một trinh nữ và được sinh ra trong máng cỏ ở Bết-lê-hem. Sau đó, Ngài sống trên đất trong ba mươi ba năm rưỡi. Cuối cùng, Ngài chịu đóng đinh và được chôn trong mộ. Sau khi thăm viếng Ha-đét, Ngài xuất hiện trong sự phục sinh. Khi xem xét tất cả những điều này, tôi tự nhủ: “Nếu đây không phải là một tiến trình thì là gì? Vì là một tiến trình, nên ngươi phải dạn dĩ dùng thuật ngữ này trong các bài giảng của ngươi”.
Có gì sai khi nói rằng Đức Chúa Trời ngày nay là Đức Chúa Trời đã-trải-qua-tiến-trình, Ngài không còn là Đức Chúa Trời chưa trải qua tiến trình nữa, Đức Chúa Trời “chưa chín” nữa? Nếu anh em bắt cá đem về nhà thì cá đó chưa được nấu chín. Nhưng sau khi anh em nấu và dọn trên bàn ăn thì cá không còn tươi sống nữa mà bây giờ là cá đã trải qua tiến trình. Đức Chúa Trời của chúng ta không còn là Đức Chúa Trời “chưa chín” nữa. Trong Sáng Thế Kí chương 1, Ngài là Đức Chúa Trời “chưa chín”. Thực ra, qua toàn bộ Cựu Ước, Ngài vẫn “chưa chín”. Ngài chưa được “nấu”. Ngài chưa được trải qua tiến trình qua sự nhục hoá, đời sống làm người, sự đóng đinh, và sự phục sinh.
Sự nhục hoá của Đấng Christ là một phần tiến trình của Ngài. Việc Ngài được hoài thai trong tử cung của Mari và việc Ngài được sinh ra ở Bết-lê-hem là những phương diện của tiến trình này. Jesus ở chín tháng trong tử cung của một trinh nữ. Đây là một tiến trình. Sau đó, Ngài sống trên đất trong ba mươi ba năm rưỡi. Khi Ngài chịu đóng đinh, Ngài ở trên thập tự giá trong sáu giờ. Rồi Ngài ở trong phần mộ ba ngày. Tất cả những điều này không phải là một tiến trình sao? Một số người có thể nói rằng sự nhục hoá, đời sống làm người, sự đóng đinh và sự phục sinh của Chuá chỉ là thủ tục, không phải là tiến trình. Theo sự hiểu biết này, sự nhục hoá là thủ tục mà bởi đó Đức Chúa Trời trở thành người, sự đóng đinh là thủ tục mà bởi đó Đấng Cứu Chuộc đã chết vì tội lỗi chúng ta. Nhưng cho dù anh em thay đổi chữ tiến trình thành chữ thủ tục thì các sự kiện vẫn y như thế. Hơn nữa, thủ tục này, nếu anh em gọi như thế thật ra là một tiến trình.
LINH VÀ CÔ DÂU
Trong Tân Ước, Linh tượng trưng cho Đức Chúa Trời Tam Nhất đã-trải-qua-tiến-trình. Thật ra, Linh là sự biểu lộ chung cuộc của Đức Chúa Trời Tam Nhất đã-trải-qua-tiến-trình. Chúng ta đã thấy rằng Khải Thị 22:17 nói “Linh và Cô Dâu nói ‘Hãy đến’”. Không có sự diễn đạt nào trong ngôn ngữ loài người lớn hơn điều này. Linh là sự biểu lộ chung cuộc của Đức Chúa Trời Tam Nhất đã-trải-qua-tiến-trình, còn Cô Dâu là sự biểu lộ chung cuộc của con người ba phần được biến đổi. Vào thời điểm của Khải Thị 22:17, Đức Chúa Trời Tam Nhất đã-trải-qua-tiến-trình và con người ba phần được biến đổi kết hôn và trở thành một cặp hoàn vũ. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời Tam Nhất đã-trải-qua-tiến-trình và con người ba phần được biến đổi trở thành một. Đó quả là một hôn lễ tuyệt vời! Đó sẽ là hôn lễ lớn nhất trong vũ trụ, và tất cả chúng ta đều được mời dự hôn lễ đó.
Là Đức Chúa Trời Tam Nhất đã-trải-qua-tiến-trình, Linh là thể yếu được ghi khắc vào trong bản thể chúng ta. Vì thể yếu này được ghi khắc vào trong chúng ta nên chúng ta không thể cứ y như cũ. Sự biến đổi đang diễn ra bên trong chúng ta. Có lẽ thậm chí khi đọc bài này, có điều gì đó thuộc thể yếu thần thượng đã được ghi khắc vào trong anh em. Anh em không thể nhớ những điểm trong bài, nhưng điều mà đã được ghi vào trong anh em thuộc thể yếu thần thượng thì sẽ không bao giờ bị xoá mất.
Thể yếu thần thượng mà đã được ghi vào trong chúng ta qua nhiều năm trong Hội thánh địa phương sẽ có một sự biểu lộ cụ thể, và sự biểu lộ này là sự công chính. Khi có sự công chính là sự biểu lộ của thể yếu được ghi khắc vào trong chúng ta, chúng ta trở nên đúng đắn với Đức Chúa Trời, với người khác, và với mọi sự trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời nội cư trở thành sự công chính của chúng ta để làm dáng vẻ, sự biểu lộ của chúng ta. Sự biểu lộ này là hình ảnh của Đức Chúa Trời. Linh này và sự công chính này là thể yếu của chức vụ Giao Ước Mới.
--