Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ Bài 45



Chấp Sự Giao Ước Mới (14)
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 7:2-16
Trong 7:2 và 3 Phao-lô nói: “Hãy mở rộng lòng anh em cho chúng tôi; chúng tôi chẳng xử bất công với ai, chẳng làm bại hoại ai, chẳng nhũng lạm ai. Tôi nói điều đó phải để định tội cho anh em, vì tôi đã nói trước rằng anh em ở trong lòng chúng tôi để đồng sống đồng chết với nhau”. Lời của Phao-lô ở đây khải thị một mối quan tâm thân mật, sâu sắc đối với người Cô-rin-tô. Cách nói này không chỉ là điều gì đó mang tính đạo đức, tôn giáo, thuộc linh hoặc thậm chí là yêu thương. Có thể nói một lời yêu thương và cảm thấy yêu thương người khác nhưng vẫn không quan tâm nhiều đến họ. Tình yêu của chúng ta với người khác phải trở thành mối quan tâm của chúng ta với họ. Phao-lô có một sự quan tâm như thế đối với tín đồ tại Cô-rin-tô.
Một người mẹ không chỉ yêu thương con cái mình mà còn có một sự quan tâm sâu sắc. Chỉ người nữ nào có một sự quan tâm như thế mới đủ phẩm chất làm một người mẹ đúng đắn. Một người nữ có thể thiếu học, nhưng nếu có sự quan tâm sâu sắc đến con cái thì bà đủ phẩm chất để trở thành một người mẹ tốt. Dĩ nhiên, kiến thức và khả năng thì có ích, nhưng chúng không phải là điều kiện tiên quyết. Điều kiện tiên quyết duy nhất để làm một người mẹ tốt là mối quan tâm. Cùng một nguyên tắc như vậy về việc quan tâm đến Hội thánh. Trưởng lão chỉ yêu Hội thánh thì chưa đủ. Tình yêu này phải trở thành mối quan tâm sâu sắc, một mối quan tâm đến tất cả những người trẻ và những người yếu đuối. Sự quan tâm này khiến chúng ta lao khổ để kết quả. Tất cả chúng ta cần quan tâm đến người khác bằng loại quan tâm thân mật này.

Cách đây không lâu, khi tôi đang nghiên cứu chương này, tôi tự hỏi liệu tôi có thể dùng từ nào để mô tả cảm nhận của Phao-lô. Tôi nhận ra rằng lời của Phao-lô ở đây không phải là điều gì đó chỉ là đạo đức, luân lí, tôn giáo, hay thuộc linh. Điều mà ông nói ở đây là vấn đề về sự quan tâm thân mật, mối quan tâm sâu sắc, dịu dàng trìu mến đối với tín đồ. Trong câu 2, Phao-lô nói: “Hãy mở lòng anh em cho chúng tôi”, và trong câu 3 ông tuyên bố: “Anh em ở trong lòng chúng tôi để đồng sống đồng chết với nhau”. Đây không phải là những lời con người bình thường. Đúng ra, đây là những lời từ trời, những lời từ tấm lòng của Đức Chúa Trời. Mong mỏi của Phao-lô là ông ở trong lòng người Cô-rin-tô giống như người Cô-rin-tô ở trong lòng ông. Tín đồ tại Cô-rin-tô ở trong lòng của Phao-lô đến nỗi cả hai cùng sống chết với nhau. Đây chắc chắn là lời diễn đạt một sự quan tâm thân mật.
Trong câu 8 Phao-lô nói tiếp: “Dầu nhơn bức thư tôi, tôi đã làm anh em buồn rầu, thì tuy (dầu) tôi đã hối tiếc, nhưng nay chẳng hối tiếc nữa, vì tôi thấy bức thư ấy chẳng qua (dầu) làm cho anh em buồn rầu tạm thời mà thôi”. Bằng từ “bức thư”, Phao-lô nói đến Thư Tín thứ nhất gởi cho người Cô-rin-tô. Ông nói về sự hối tiếc cho thấy rằng ông không chỉ dạn dĩ và thẳng thắn trong việc quở trách tín đồ trong Thư Tín thứ nhất mà còn dịu dàng và mềm mại đối với họ. Từ ngữ “làm cho anh em buồn rầu” trong câu 8 cho thấy rằng Thư Tín thứ nhất của vị sứ đồ cho tín đồ tại Cô-rin-tô có hiệu quả đối với họ.
MỘT LỜI MỀM MẠI, DỊU DÀNG
Trong câu 8, Phao-lô dùng cách diễn đạt “dầu” ba lần. Ông nói “dầu tôi đã làm cho anh em buồn rầu”, “dầu tôi đã hối tiếc”, và “dầu…tạm thời”. Tại sao Phao-lô cứ nói “dầu”? Theo sự hiểu biết của tôi, nếu lấy chữ “dầu” đi thì lời của Phao-lô trong câu này quá cứng. Việc thêm vào từ “dầu” có hiệu quả là làm mềm mại lời của ông. Hơn nữa, ngoài cách dùng cụm từ này, trong câu 8 Phao-lô mạnh mẽ thanh minh và biện hộ cho mình. Bằng cách ba lần thêm vào từ “dầu”, ông giảm đi ấn tượng rằng ông đang tự thanh minh.
Những anh em đã lập gia đình có thể mong muốn học tập Phao-lô để tránh cãi nhau với vợ. Khi một anh em đang nói chuyện với vợ, anh ấy có thể thấy rằng bằng cách chèn vào những từ “dầu” thì anh có thể làm cho lời mình mềm mại hơn, và bằng cách ấy tránh khỏi việc xúc phạm vợ.
Hơn nữa, bằng từ “dầu”, Phao-lô thêm vị ngọt ngào vào lời ông. Cách Phao-lô dùng từ “dầu” trong câu 8 có thể được ví như việc thêm mật vào tách trà. Giống như vị của trà có thể quá mạnh nếu không có mật, thì cũng vậy, lời của Phao-lô có thể đã quá mạnh đến nỗi khó tiếp nhận nếu không lặp đi lặp lại từ “dầu”. Bằng cách dùng từ này ba lần, Phao-lô làm cho lời của ông được mềm mại và ngọt ngào.
Khi Phao-lô đang viết thư cho người Cô-rin-tô thì tất cả những sự kiện và những lí lẽ đều ở phía ông. Người Cô-rin-tô không thể có bất cứ tình thế nào. Vì Phao-lô đã đạt được tình thế đó nên ông dễ dàng viết điều gì đó quá cứng để người Cô-rin-tô chấp nhận. Do đó, trong việc viết thư cho họ, ông vừa khôn ngoan vừa dịu dàng.
Nếu có sự quan tâm thân mật, chúng ta sẽ dịu dàng với người khác. Một người thô lỗ, vô tư thì không có sự quan tâm thân mật. Nếu một người chồng không có sự quan tâm đúng đắn đến vợ mình thì người đó rất nghiêm khắc và đòi hỏi. Nhưng khi có sự quan tâm thân mật sẽ làm cho anh ta dịu dàng hơn. Một khi chúng ta dịu dàng thì cách nói của chúng ta cũng sẽ mềm mại và ngọt ngào.
Chắc chắn câu 8 có yếu tố mềm mại. Phao-lô nói: “Dầu nhơn bức thư tôi, tôi đã làm anh em buồn rầu, thì tuy (dầu) tôi đã hối tiếc, nhưng nay chẳng hối tiếc nữa”. Ở đây có sự mềm mại. Nhưng giả sử Phao-lô đã nói: “Trong việc viết thư thứ nhất cho anh em, tôi đã không làm gì sai và đã không hối tiếc về điều đó”. Chắc chắn cách nói đó sẽ gây vấp phạm. Tuy nhiên, Phao-lô đã không bày tỏ chính mình theo cách như thế. Ông làm cho lời mình mềm mại bằng cách thêm từ “dầu”. Như vậy, Phao-lô bày tỏ cảm xúc mềm mại của ông đối với tín đồ.
Chúng ta cần được ấn tượng bởi cách nói của Phao-lô trong câu này quá mềm mại và ngọt ngào. Do đó, dù nói gì, ông cũng không gây vấp phạm. Loại diễn đạt mà Phao-lô dùng trong câu 8 không xúc phạm người khác. Thay vì cứng nhắc và cay đắng thì mềm mại và ngọt ngào.
Trong việc viết thư cho người Cô-rin-tô, Phao-lô không nói cách hấp tấp, thiếu thận trọng. Thường khi nói hấp tấp, chúng ta biểu lộ sự giận dữ. Ví dụ, nếu một chị em phàn nàn chồng về điều gì đó mà anh đã làm thì có thể anh đáp lại cách vội vàng rằng “Tôi đã làm gì sai? Hãy chứng minh cho tôi thấy tôi có lỗi!” Loại ngôn từ đó chỉ chọc tức mà thôi. Tốt hơn là anh em đừng nói năng hấp tấp để làm lắng dịu tình hình đối với vợ. Anh em đó cần nói cách mềm mại, dịu dàng. Đây là cách mà Phao-lô đã viết cho người Cô-rin-tô trong chương 7.
Trong chương này, chúng ta không tìm thấy thần học, luân lí hay tôn giáo. Theo một ý nghĩa, thậm chí chúng ta không tìm thấy sự thuộc linh. Nếu không có đủ kinh nghiệm, chúng ta không thể mô tả những gì được khải thị trong 2 Cô-rin-tô chương 7. Tôi đã bắt đầu hiểu chương này không chỉ qua việc nghiên cứu mà còn qua kinh nghiệm, dù kinh nghiệm của tôi bị giới hạn. Từ kinh nghiệm, tôi nhận ra rằng điều Phao-lô đang nói ở đây không phải là thần học hay giáo lí, luân lí hay đạo đức, tôn giáo hay thuộc linh. Ông đang chuyển tải một sự quan tâm thân mật, dịu dàng và sâu sắc đối với người Cô-rin-tô. Lời ông rất đụng chạm.
Vì cách diễn đạt của Phao-lô dịu dàng và đầy dẫy sự quan tâm thân mật, nên có sức mạnh và ảnh hưởng. Lời của ông có thể đụng chạm tín đồ một cách sâu sắc. Châm Ngôn 25:15 chép: “Lưỡi mềm dịu bẻ gãy các xương”. Ngay cả xương cứng cũng có thể bị bẻ gãy bởi một lời nhu mì mềm mại. Trong việc nói chân thật với người Cô-rin-tô và trình bày những sự kiện, Phao-lô biết đối với ông rất khó tránh việc lên án người Cô-rin-tô. Nhưng sự quan tâm dịu dàng của ông đối với họ làm cho ông nói những lời dịu dàng và những lời ngọt nào. Nguyện tất cả chúng ta đều học tập ông.
Trong câu 9 Phao-lô nói: “Hiện nay tôi lại vui mừng, không phải vì anh em đã phải buồn rầu, song vì anh em đã phải buồn rầu để đưa đến sự ăn năn: thật anh em đã buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời, để anh em không đến đỗi vì chúng tôi mà bị thiệt hại gì cả”. Sự ăn năn được đề cập ở đây là kết quả mà vị sứ đồ tìm kiếm trong việc viết bức thư thứ nhất. Thư Tín thứ nhất của vị sứ đồ làm cho họ buồn rầu theo Đức Chúa Trời, không phải vì bất kỳ điều gì khác. Điều này cho thấy rằng họ được đem về với Đức Chúa Trời, tức được giải hoà với Ngài.
Dường như trong câu 9 Phao-lô chỉ nói một điểm nhỏ, nhưng ông kéo dài sự diễn đạt của mình một cách thận trọng. Điều này cũng bày tỏ sự dịu dàng của ông, sự quan tâm thân mật của ông.
Trong câu này chúng ta thấy rằng linh của Phao-lô mềm mại và toàn bản thể ông đầy dẫy sự ngọt ngào. Có thể anh em thắc mắc làm thế nào chúng ta biết điều này. Bởi những gì Phao-lô nói trong câu này, chúng ta biết rằng ông là người dịu dàng có một linh mềm mại và một bản thể bề trong ngọt ngào. Tuy nhiên, ông không chính trị hoặc thậm chí không lịch sự. Dịu dàng, mềm mại và ngọt ngào thì khác với lịch sự. Một người có thể rất lịch sự, nhưng không mềm mại hay ngọt ngào chút nào. Loại lịch sự đó có thể rất vô duyên. Một mặt, người nào đó có thể rất lịch sự; mặt khác, đồng thời người đó cũng cứng nhắc, ngạo mạn và kiêu ngạo. Trái lại, Phao-lô không lịch sự cũng không chính trị là điều thậm chí còn tệ hơn. Ông dịu dàng, mềm mại và ngọt ngào.
BUỒN RẦU THEO Ý CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Câu 10 chép: “Vì sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự ăn năn dẫn đến sự cứu rỗi là sự không hề hối tiếc, nhưng sự buồn rầu của thế gian sanh ra sự chết”. Sự cứu rỗi ở đây nói đến việc được giải hoà với Đức Chúa Trời (5:20). Điều này dẫn đến nhiều sự sống hơn mà sự sống thì đối kháng sự chết. Bởi điều này, vị sứ đồ nhìn thấy kết quả của Thư Tín thứ nhất mà ông gởi cho tín đồ Cô-rin-tô.
Trong câu 11, Phao-lô nói tiếp: “Kìa thử xem, anh em đã buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời thì sanh ra trong anh em sự ân cần, sự sợ sệt, sự mong mỏi, sự sốt sắng, sự trách phạt là dường nào! Trong mọi sự anh em tỏ ra mình là trong sạch về việc đó”. Bị làm cho buồn rầu theo Đức Chúa Trời hành động sinh ra sự mong mỏi trong người Cô-rin-tô. Tiếng Hy Lạp dịch chữ sự mong mỏi cũng có thể được dịch là sự chuyên cần, nói đến sự quan tâm tha thiết nhất của những tín đồ Cô-rin-tô ăn năn đối với vị sứ đồ bởi vì sự quan tâm yêu thương của ông về mối quan hệ của họ với Đức Chúa Trời và tình trạng của họ trước mặt Đức Chúa Trời. Trước đây, họ bất cẩn đối với sự quan tâm của vị sứ đồ. Bây giờ, trong sự ăn năn, họ trở nên cẩn thận và tha thiết về điều đó. Tất cả bảy kết quả được sản sinh ra bởi sự buồn rầu ăn năn của tín đồ Cô-rin-tô, như được liệt kê trong câu này, là một sự thu hoạch phong phú xuất phát từ Thư Tín thứ nhất của vị sứ đồ gởi cho họ.
BẢY TỪ QUAN TRỌNG
Câu 11 chứa bảy từ quan trọng: ân cần, chữa chối (thanh minh), buồn giận (phẫn nộ), răn sợ (sợ sệt), sốt sắng, nôn nả (mong mỏi), và trách phạt (Bản Truyền Thống). Từ “vậy” được dùng sáu lần trong câu này. Theo nghĩa đen, từ Hy Lạp này có nghĩa là “nhưng”, trong ý nghĩa “không những… mà còn”. Nếu đọc kỹ câu này, chúng ta sẽ thấy rằng ân cần đứng riêng một mình, trong khi sáu kết quả cuối về sự buồn rầu ăn năn theo Đức Chúa Trời được xếp vào ba cặp: cặp thứ nhất liên quan đến những cảm giác xấu hổ của tín đồ Cô-rin-tô, cặp thứ hai liên quan đến vị sứ đồ, và cặp thứ ba liên quan đến người phạm tội (Bengel). Bản dịch của Wuest cũng cho thấy điều này bằng cách diễn đạt “Vâng… thực ra”, ba lần như sau: “Vâng, sự thanh minh bằng lời của chính anh em, thực ra là sự ân hận, vâng, sự sợ sệt thực ra là sự mong đợi, vâng, sự sốt sắng, thực ra là sự sửa phạt có kỷ luật”.
Từ ân cần trong câu 11 có nghĩa là sự quan tâm tha thiết. Ở đây, dường như Phao-lô đang nói: “Hỡi người Cô-rin-tô, anh em không có bất kỳ sự chăm sóc nào đối với chúng tôi là những sứ đồ, nhất là đối với tôi. Nhưng trong Thư thứ nhất viết cho anh em, tôi quở trách anh em và điều đó đã làm cho anh em buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời. Một sự buồn rầu như thế sinh ra sự ăn năn dẫn đến sự cứu rỗi. Điều này đã sinh ra trong anh em một sự quan tâm đối với chúng tôi. Bây giờ, sự ân cần của anh em liên quan chúng tôi đã được khôi phục. Khi tôi đến thăm anh em lần đầu, anh em đã có sự chăm sóc ân cần đối với tôi. Nhưng những giáo sư giả nào đó đã làm cho anh em xao lãng và làm cho anh em bị lầm lạc, khiến anh em bỏ sự quan tâm tha thiết đối với chúng tôi. Bây giờ, vì sự buồn rầu sinh ra sự ăn năn dẫn đến sự cứu rỗi nên anh em có sự quan tâm tha thiết đối với chúng tôi trở lại”.
Thực ra, Phao-lô đang chỉ cho người Cô-rin-tô thấy sự thiếu hụt của họ, nhưng ông đã làm điều này cách dịu dàng, mềm mại, và ngọt ngào. Cách ông trình bày các sự kiện thì rất dịu dàng. Nếu tôi là một tín đồ Cô-rin-tô đọc những lời này, ắt hẳn tôi đầy hổ thẹn vì đã xao lãng, đã bị lầm lạc và đã đánh mất sự chăm sóc tha thiết đối với vị sứ đồ, mà chính nhờ người ấy mà tôi đã được cứu.
Tiếng Hy Lạp dịch chữ chữa chối (thanh minh) trong câu 11 cũng có nghĩa là sự xác minh. Điều này nói đến sự tự thanh minh của tín đồ Cô-rin-tô, tự bào chữa đối với Phao-lô qua Tít, công bố họ vô tội trong sự phạm tội đó. Sau khi kinh nghiệm sự ăn năn dẫn đến sự cứu rỗi, người Cô-rin-tô nhận ra rằng tình hình Hội thánh ở Cô-rin-tô đã sai trật. Trong Thư thứ nhất, Phao-lô đã quở trách họ và khuyên họ hãy hạ mình. Một tội ác cực kỳ nghiêm trọng đã hiện diện ở giữa họ, nhưng họ không cảm thấy xấu hổ. Đúng ra, thậm chí một tội lỗi gớm ghiếc như thế, tội loạn luân, tồn tại mà họ vẫn kiêu ngạo. Kết quả là, toàn thể Hội thánh bị quở trách. Vì tín đồ tại Cô-rin-tô đã ăn năn nên họ được giải hoà với Đức Chúa Trời và muốn tự thanh minh. Họ sốt sắng làm cho tình hình rõ ràng đối với sứ đồ Phao-lô.
Trong câu 11, Phao-lô cũng nói đến sự buồn giận của người Cô-rin-tô. Đây là sự buồn giận (phẫn nộ) vì tội đó và phẫn nộ vì người phạm tội. Khi đang nỗ lực tự thanh minh, thì người Cô-rin-tô phẫn nộ. Họ tức giận sự phạm tội và tức giận với người đã gây ra điều đó. Họ biết rằng tình trạng của họ đầy tội lỗi, họ ăn năn về điều đó, muốn tự thanh minh về điều đó, và phẫn nộ về điều đó. Cảm giác về sự phẫn nộ của họ có mặt cùng với sự bào chữa, sự thanh minh của họ.
Đối với Phao-lô, người Cô-rin-tô vừa có sự sợ sệt vừa có sự mong mỏi. Họ có sự sợ sệt đối với vị sứ đồ, sợ ông mang roi đến (1Cô. 4:21). Nhưng họ cũng có sự mong mỏi ông. Những tín đồ ăn năn sợ vị sứ đồ, nhưng họ cũng khao khát mong mỏi ông. Chắc chắn họ muốn gặp lại ông.
Trong câu 11 Phao-lô cũng nói đến lòng sốt sắng và sự trách phạt. Lòng sốt sắng là để đưa ra hình phạt công bằng cho người phạm tội, và sự trách phạt là đưa ra sự công bằng, thi hành sự công bằng cho tất cả những người có liên quan như là một hình phạt mang tính kỷ luật (2:6).
Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng về tình trạng tại Cô-rin-tô, lời của Phao-lô đầy dẫy sự dịu dàng, mềm mại, và ngọt ngào. Chắc chắn, người Cô-rin-tô bị vạch trần. Tuy nhiên, Phao-lô không gay gắt trong việc viết thư cho họ. Câu 8 đầy dẫy yếu tố mềm mại, và câu 11 đầy dẫy sự khôn ngoan. Câu 11 chứng tỏ Phao-lô viết thư rất. Những thành ngữ Hy Lạp được Phao-lô dùng rất khó dịch sang bất kỳ ngôn ngữ nào. Điều này đặc biệt đúng với từ được dùng cho từ “hơn nữa”, hay “vâng” trong bản King James. Như chúng ta được thấy, tiếng Hy Lạp có nghĩa là “không những…mà còn”.
Trong câu 11, chúng ta có một sự trình bày tuyệt vời về tình trạng tại Cô-rin-tô. Bằng cách dùng bảy từ — ân cần, chữa chối (thanh minh), buồn giận (phẫn nộ), răn sợ (sợ sệt), sốt sắng, nôn nả (mong mỏi), và trách phạt— Phao-lô làm cho tín đồ tại Cô-rin-tô biết tình trạng thật của họ. Bởi nói như vậy, ông phơi bày tình trạng và trình bày một quang cảnh đầy đủ về tình trạng đó. Ở đây chúng ta thấy sự khôn ngoan dịu dàng của Phao-lô. Không có sự thô thiển hay gay gắt; thay vì thế có sự mịn màng, dịu dàng, mềm mại, và ngọt ngào. Lời của Phao-lô đầy dẫy sự quan tâm thân mật. Thay vì xúc phạm người Cô-rin-tô, ông chỉnh đốn họ và chữa lành những vết thương của họ. Đây là sự sống cung ứng.
Học cách rao giảng phúc âm hay để dạy giáo lí thì chưa đủ. Dĩ nhiên, Phao-lô là một nhà rao giảng phúc âm nổi tiếng và một thần học gia vĩ đại. Đương nhiên ông biết hết mọi giáo lí của Kinh Thánh. Nhưng ở đây, ông không vận dụng khả năng của mình trong việc rao giảng hay trình bày kiến thức giáo lí. Thay vì thế, ông khôn ngoan vận dụng sự dịu dàng và sự quan tâm thân mật đối với Hội thánh ở Cô-rin-tô.
SỰ QUAN TÂM NHIỆT THÀNH CỦA HỌ ĐƯỢC TỎ RA CHO HỌ
Trong câu 12, Phao-lô nói tiếp: “Ấy vậy, tuy tôi đã viết cho anh em, thì không phải vì cớ kẻ đã làm bất nghĩa, cũng không phải vì cớ kẻ đã bị bất nghĩa, bèn là để sự ân cần của anh em đối với chúng tôi được tỏ ra giữa anh em ở trước mặt Đức Chúa Trời”. Ở đây, Phao-lô nói rằng ông viết cho người Cô-rin-tô không phải vì người anh em đã phạm tội loạn luân (1Cô. 5:1), tức người đã làm điều sai quấy, cũng không vì cha của người anh em đó, tức người bị xúc phạm. Thế thì tại sao Phao-lô viết? Ông viết cho họ vì muốn cho họ thấy sự nhiệt thành của họ đối với vị sứ đồ. Tín đồ Cô-rin-tô yêu các sứ đồ và quan tâm nhiệt thành đối với các sứ đồ. Nhưng họ bị lầm lạc bởi những giáo sư giả. Vì thế, vị sứ đồ viết Thư Tín thứ nhất để đem họ trở về, để tình yêu của họ và sự quan tâm nhiệt thành của họ đối với các sứ đồ có thể được tỏ ra cho họ (2Cô. 7:7). Ai tưởng tượng được rằng đây là lí do mà Phao-lô viết thư cho người Cô-rin-tô? Ông viết với mục đích tỏ ra cho họ thấy sự nhiệt thành của họ đối với các sứ đồ. Những gì Phao-lô trình bày trong thư của ông thật khôn ngoan biết bao! Ở đây, dường như Phao-lô muốn nói: “Hỡi những tín đồ Cô-rin-tô, trong anh em có một sự nhiệt thành đối với chúng tôi. Nhưng nó đã bị chôn và vì thế không được tỏ ra. Tôi đã viết bức thư thứ nhất để bày tỏ cho anh em thấy sự quan tâm nhiệt thành mà anh em đã đối với chúng tôi”.
ĐƯỢC KHÍCH LỆ VÀ VUI MỪNG DƯ DẬT
Câu 13 tiếp: “Cho nên, chúng tôi được yên ủi. Lại trong sự yên ủi ấy, chúng tôi nhơn sự vui mừng của Tít mà mừng rỡ càng thêm quá đỗi, bởi vì tâm linh người nhờ anh em hết thảy mà được khoẻ khoắn (tươi tỉnh)”. Darby nói rằng ở đây không thể dịch chính xác thành ngữ Hy Lạp sang tiếng Anh. Phao-lô nói rằng ông vui mừng càng dư dật hơn vì Tít được vui mừng cho thấy rằng ông rất con người và rất tình cảm trong việc cung ứng sự sống. Phần chính này từ 2:12 đến 7:16 nói về chức vụ giao ước mới của vị sứ đồ và chính họ là những chấp sự của giao ước mới, bắt đầu bằng việc vị sứ đồ nôn nóng gặp Tít vì sự quan tâm yêu thương của ông đối với những tín đồ Cô-rin-tô (2:13) và kết thúc bằng việc ông được khích lệ bởi việc Tít đến mang theo những tin tích cực về họ.
Trong câu 13, Phao-lô nói rằng linh của Tít đã được làm cho tươi tỉnh bởi tất cả những người Cô-rin-tô. Điều này cho thấy rằng dù các sứ đồ rất con người và rất tình cảm, họ vẫn cứ ở trong linh của họ trong việc cung ứng sự sống.
Trong câu 14, Phao-lô nói: “Vậy, nếu tôi có khoe khoang gì về anh em với Tít, thì cũng không hổ thẹn đâu; bởi điều tôi khoe khoang trước mặt Tít đó thì đã thấy là thật rồi, chánh như mọi điều tôi nói cùng anh em, cũng thảy là thật vậy”. Chắc chắn Phao-lô đã khoe khoang với Tít về người Cô-rin-tô. Bây giờ, Phao-lô nói rằng sự khoe khoang của ông trước mặt Tít cũng là chân thật.
Câu 15 chép: “Khi người nhớ đến sự vâng phục của hết thảy anh em, thể nào anh em lấy sự sợ sệt run rẩy mà tiếp đãi người, thì lòng dạ (tình cảm) của người đối với anh em càng nồng nàn dư dật hơn”. Tiếng Hy Lạp dịch chữ “tình cảm” ở đây theo nghĩa đen là lòng dạ; cùng một từ với từ được dịch là “các phần bên trong” trong 6:12.
Trong câu 16, Phao-lô kết luận: “Tôi vui mừng vì có thể tín nhiệm anh em trong mọi sự”. Từ ngữ “tín nhiệm anh em” theo tiếng Hy Lạp cũng có thể dịch là “tin cậy anh em”. Vị sứ đồ được khích lệ bởi tín đồ Cô-rin-tô và bây giờ có thể tin tưởng họ. Phao-lô có một sự quan tâm thân mật, sâu sắc đối với họ dường nào!