NHỮNG LỜI KHÍCH LỆ CUỐI CÙNG, LỜI CHÀO THĂM VÀ CHÚC PHƯỚC (1)
Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 13:11-14
Trong bài này, chúng ta sẽ suy xét bốn câu cuối của 2 Cô-rin-tô chương
13 từ câu 11 đến 14.
MỘT ĐỜI SỐNG VUI MỪNG
Trong đoạn 13 câu 11, Phao-lô nói: “Rốt lại, anh em ơi, hãy vui mừng,
hãy nên trọn vẹn, hãy chịu yên ủi, hãy đồng tâm chí, hãy ở cho hoà thuận, thì Đức
Chúa Trời của sự thương yêu và bình an sẽ ở cùng anh em”. Vì các sứ đồ đang vui
mừng (c. 9) nên họ có thể khích lệ tín đồ cũng vui mừng. Điều này không được thực
hiện trong sự sống thiên nhiên của họ nhưng trong Chúa (Phi. 3:1; 4:4; 1Tê.
5:16).
Theo Tân Ước, đời sống Cơ Đốc phải là một đời sống vui mừng. Nếu đời sống
của anh em không phải là một đời sống vui mừng thì nếp sống Cơ Đốc của anh em
không bình thường. Vui mừng mang ý nghĩa nhiều hơn là hoan hỉ. Có thể hoan hỉ
mà không vui mừng. Sự hoan hỉ là điều gì đó ở bên trong, còn vui mừng có nghĩa
là niềm vui ở bên trong chúng ta được biểu lộ ra bên ngoài. Tôi tin Phao-lô muốn
nói rằng để vui mừng chúng ta phải dùng giọng nói của mình, tức là chúng ta cần
phát ra âm thanh vui vẻ của mình, cho niềm vui đó một thanh giọng. Vì thế, xướng
lên niềm vui của chúng ta là vui mừng. Chúng ta nên vui mừng bằng cách ca hát,
ngợi khen, reo hò, và kêu cầu Chúa. Do đó, vui mừng là xướng lên niềm vui bên
trong của chúng ta, tức phát ra âm thanh. Sự vui mừng là một đặc điểm quan trọng
trong đời sống Cơ Đốc của chúng ta. Nếu đời sống Cơ Đốc của chúng ta bình thường
thì đó sẽ là một đời sống vui mừng.
ĐƯỢC HOÀN HẢO
Trong câu 11, Phao-lô cũng nài xin người Cô-rin-tô được hoàn hảo (trọn
vẹn). Theo nghĩa đen, tiếng Hi Lạp dịch là “được hoàn hảo” có nghĩa là được trọn
vẹn, tức là được sửa chữa hay được điều chỉnh, được sắp xếp lại cho có trật tự,
được tu sửa, được gắn kết với nhau một cách hoàn hảo, vì thế có nghĩa là được
phục hồi. Trong tiếng Hi Lạp, ngữ căn của chữ hoàn hảo trong câu 9 cũng là ngữ
căn của chữ hoàn hảo trong Ê-phê-sô 4:12.
Được hoàn hảo là được phục hồi, được tu sửa, được sửa chữa và được điều
chỉnh. Được hoàn hảo là được đem trở lại vị trí đúng đắn và được phục hồi đến
con đường đúng đắn để chúng ta có thể cùng được xây dựng với nhau trong Thân Thể.
Sách 1 và 2 Cô-rin-tô là Sách về sự hoàn hảo. Mục tiêu duy nhất của hai Thư Tín
này là để hoàn hảo những thánh đồ hư hỏng, lầm lạc và chia rẽ tại Cô-rin-tô. Những
tín đồ ở đó đã bị hư hỏng và tình trạng giữa họ là không lành mạnh. Do đó, hai
Sách này được viết để thực hiện một nhiệm vụ cần thiết nhằm hoàn hảo tín đồ,
đem họ trở lại với tình trạng lành mạnh đầy đẫy sự sống, gây dựng, và trang bị
họ để xây dựng Thân Thể. Tất cả những điều này được bao hàm trong lời khuyên của
Phao-lô: “hãy nên trọn vẹn (hoàn hảo)”.
Chúng ta có thể xem lời khuyên “hãy nên trọn vẹn” như là thể bị động-chủ
động. Nói cách nghiêm túc, đây là thể bị động. Tuy nhiên cũng hàm chứa một yếu
tố chủ động. Đây là lí do chúng ta nói đó là thể bị động-chủ động. Đức Chúa Trời
đang chờ đợi để hoàn hảo chúng ta, tuy nhiên chúng ta cũng phải khởi xướng để
được hoàn hảo. Hơn nữa, vị sứ đồ được dùng để hoàn hảo người Cô-rin-tô. Điều
này có nghĩa là một công tác hoàn hảo đang được thực hiện. Nhưng người
Cô-rin-tô vẫn phải được hoàn hảo. Chúng ta có thể ví Phao-lô như một thầy thuốc
và nói rằng ông sẵn sàng phân phát thuốc vào trong tín đồ, nhưng họ vẫn cần phải
khởi xướng để nhận lấy thuốc đó. Bác sĩ sắp đến và thuốc thì đã sẵn sàng, nhưng
câu hỏi quan trọng là như vầy: người Cô-rin-tô có sẵn sàng nhận lấy thuốc và sẵn
sàng để được chữa lành không? Đây là lí do Phao-lô khuyên giục họ phải được
hoàn hảo.
ĐƯỢC KHÍCH LỆ
Trong câu 11, Phao-lô bảo người Cô-rin-tô hãy được yên ủi (khích lệ).
Các sứ đồ được khích lệ bởi Đức Chúa Trời của mọi sự yên ủi (khích lệ) (1:3-6).
Người Cô-rin-tô bị nản lòng rất nhiều vì Thư Tín thứ nhất của vị sứ đồ gởi cho
họ. Bây giờ trong Thư thứ hai, ông khích lệ họ bằng sự khích lệ của Đức Chúa Trời
(7: 8-13).
Nếu nghiên cứu cả Sách 2 Cô-rin-tô, chúng ta sẽ hiểu rằng trong Thư
này sự khích lệ là một vấn đề quan trọng. Vì lí do này, lời của Phao-lô “được
yên ủi (khích lệ)” trong 13:11 rất có ý nghĩa. Được khích lệ nghĩa trước hết
chúng ta được yên ủi, kế đến được làm cho bình tịnh và sau đó được thoả lòng,
được mạnh mẽ và có khả năng. Khi đó, như là kết quả của tất cả những điều này,
chúng ta được khích lệ. Chúng ta không nản lòng cũng không nhụt chí. Ở đây,
Phao-lô dường như muốn nói rằng: “Tín đồ Cô-rin-tô ơi, công tác hoàn hảo mà tôi
đang thực hiện trên anh em thì anh em không nên buồn. Thay vì thế, anh em nên
vui mừng hoan hỉ. Thậm chí anh em nên xướng niềm vui của mình lên. Hơn nữa anh
em cần được khích lệ. Người Cô-rin-tô ơi, đừng nản lòng.
Sách 2 Cô-rin-tô là Sách khích lệ. Cả chương 1 lẫn chương 7 đều đầy dẫy
sự khích lệ. Là Sách khích lệ, Thư Tín này đem lại sự yên ủi, thoả lòng, sức mạnh,
khả năng và hoan hỉ. Sách này đem lại cho chúng ta bất cứ điều gì chúng ta cần.
Nếu đã được thoả lòng, được mạnh mẽ, và bởi đó được khích lệ thì chúng ta sẽ được
làm cho có năng lực để tiếp tục tiến lên trong đời sống Cơ Đốc và trong nếp sống
Hội thánh mà không nản lòng.
NGHĨ CÙNG MỘT ĐIỀU
Trong câu 11, Phao-lô cũng khuyên người Cô-rin-tô nghĩ cùng một điều.
Nghĩ cùng một điều phải là nhân tố chính để người Cô-rin-tô lầm lạc rối rắm được
hoàn hảo, được điều chỉnh, được xếp lại cho có trật tự và được phục hồi. Trong
Thư Thứ nhất (1Cô. 1:10), Phao-lô đã khuyên giục họ nghĩ cùng một điều rồi:
“Anh em ơi, tôi nhơn danh Chúa chúng ta là Jesus Christ mà nài khuyên anh em thảy
đều đồng nói một lời; giữa anh em cũng đừng chia phe lập đảng, nhưng phải cùng
nhau kết hiệp trong một tâm trí, một ý kiến”. Tiếng Hi-Lạp dịch là “cùng nhau kết
hiệp” trong 1Cô-rin-tô 1:10 là cùng một từ với từ “vá lưới” trong Ma-thi-ơ
4:21. Từ này có nghĩa là sửa chữa, phục hồi, điều chỉnh, tu sửa, làm cho vật gì
bị gãy được nguyên vẹn, được gắn kết với nhau một cách hoàn hảo. Nhìn chung,
tín đồ Cô-rin-tô bị chia rẽ, bị đổ vỡ. Họ cần được tu sửa để gắn kết với nhau một
cách hoàn hảo hầu cho họ có thể hài hoà, có đồng một tâm trí và có đồng một ý
kiến.
Chúng ta có thể dùng bàn phím piano làm minh hoạ. Mỗi phím đàn cần được
lên giây cho đúng để hoà âm với tất cả những phím đàn khác. Cũng vậy, Phao-lô
khuyên người Cô-rin-tô cùng nhau kết hiệp trong cùng một tâm trí, tức là suy
nghĩ cùng một điều và không có những tư tưởng lập dị. Tất cả chúng ta cần học tập
bởi ân điển để suy nghĩ cùng một điều.
Ở CHO HOÀ THUẬN
Trong đoạn 13 câu 11, Phao-lô cũng khuyên người Cô-rin-tô ở cho hoà
thuận. Điều này có nghĩa là ở cho hoà thuận với nhau và có lẽ là cũng ở hoà thuận
với Đức Chúa Trời. Phao-lô biết rằng đã có sự tranh đấu và ganh tị giữa vòng
người Cô-rin-tô. 1 Cô-rin-tô 1:11 chép: “Vì anh em tôi ơi, người nhà Cơ-lô-e đã
tỏ cho tôi rằng trong anh em có sự phân tranh”. Điều này cho thấy rõ rằng giữa
những tín đồ Cô-rin-tô không có sự hoà thuận. Ở đây trong đoạn 13 câu 11,
Phao-lô khuyên giục họ hãy ở cho hoà thuận.
Đời sống Cơ Đốc là một đời sống vui mừng và cũng là một đời sống bình
an. Vì thế, tranh đấu với người khác hay ganh tị với họ là trái ngược nguyên tắc
cơ bản của đời sống Cơ Đốc. Tranh đấu và ganh tị là đặc điểm của đời sống con
người sa ngã. Ngày nay, thế giới đầy dẫy tranh đấu và ganh tị. Trong mọi phương
diện của xã hội loài người, sự ganh tị và tranh đấu là rất phổ biến. Đời sống
Cơ Đốc hoàn toàn khác với những điều này. Là dân thiên thượng, chúng ta nên
luôn luôn sống hoà thuận với nhau.
ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA SỰ THƯƠNG YÊU VÀ BÌNH AN
Theo lời của Phao-lô trong câu 11, nếu chúng ta vui mừng, được hoàn hảo,
được khích lệ, nghĩ cùng một điều, và ở hoà thuận thì Đức Chúa Trời của sự
thương yêu và bình an sẽ ở cùng chúng ta. Người Cô-rin-tô đang thiếu tình yêu
thương (1Cô. 8:1; 13:1-3, 13; 14:1) và thiếu sự hoà thuận do bị nhiễu loạn bởi
những sự dạy dỗ lầm lạc và những quan niệm rối rắm. Vì thế, vị sứ đồ ao ước rằng
Đức Chúa Trời của sự thương yêu và bình an sẽ ở cùng họ để điều chỉnh và hoàn hảo
họ. Họ cần tình yêu thương và sự bình an của Đức Chúa Trời lấp đầy họ để họ có
thể bước đi theo tình yêu thương (La. 14:15; Êp. 5:2) và có sự hoà thuận với
nhau (La. 14:19; Hê. 12:14).
Vì tín đồ tại Cô-rin-tô có sự tranh đấu và ganh tị nên chắc chắn họ
thiếu hụt tình yêu thương. Sách 1 Cô-rin-tô dành nguyên một chương, chương 13,
để nói về đề tài yêu thương. Bây giờ trong lời kết luận của 2 Cô-rin-tô,
Phao-lô nhấn mạnh đến Đức Chúa Trời của sự thương yêu. Ông không nhấn mạnh đến
Đức Chúa Trời của quyền năng hay Đức Chúa Trời làm phép lạ. Ở đây, dường như
Phao-lô muốn nói với người Cô-rin-tô rằng: “Anh em đang thiếu hụt tình yêu
thương, vì thế, anh em cần Đức Chúa Trời của sự thương yêu. Vì tình trạng của
anh em nên anh em không cần Đức Chúa Trời quyền năng hay Đức Chúa Trời mạnh mẽ.
Đấng mà anh em cần là Đức Chúa Trời của sự yêu thương và bình an”.
Khi nhiều Cơ Đốc nhân nghĩ về Đức Chúa Trời, họ nghĩ Ngài là Đấng mạnh
mẽ, Đấng quyền năng, Đấng làm phép lạ. Nhưng ở đây, Phao-lô nhấn mạnh đến Đức
Chúa Trời của sự thương yêu và bình an. Ông chỉ cho người Cô-rin-tô thấy rằng họ
cần Đức Chúa Trời của sự thương yêu và bình an. Họ nhấn mạnh đến ân tứ, cụ thể
là nói tiếng lạ. Vì lí do này, họ có thể được xem là những người Ngũ Tuần thời
xưa. Từ kinh nghiệm, tôi biết rằng người Ngũ Tuần đặc biệt cần Đức Chúa Trời của
sự thương yêu và bình an. Hôm nay, họ có thể ôm nhau, nhưng ngày mai, họ chia rẽ.
Họ rất khó nhận biết điều gì là đích thực vì họ đang thiếu Đức Chúa Trời của sự
thương yêu và bình an.
Chúng ta cần vui mừng, cần được hoàn hảo, cần được khích lệ và ăn ở
hoà thuận. Chúng ta cũng cần nghĩ cùng một điều. Nếu có tất cả những điều này
trong kinh nghiệm, chúng ta sẽ vui hưởng Đức Chúa Trời của sự thương yêu và
bình an.
Thật ra, tình yêu là yếu tố thúc đẩy của sự vui mừng. Nếu thiếu tình
yêu thương, chúng ta sẽ không có niềm vui nào và sẽ không thể vui mừng được. Nếu
anh em ganh ghét trong lòng, có thể anh em cố gắng vui mừng, nhưng điều đó sẽ
không có hiệu quả. Cũng vậy chúng ta không thể vui mừng nếu đầy dẫy sự ganh
ghét. Người vui mừng là người được đổ đầy tình yêu thương, sự nhơn từ và sự
bình an.
Treo câu 2 Cô-rin-tô 13:11 lên tường của anh em thì hoàn toàn xứng
đáng. Nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta nên giữ những lời này ở bên trong.
CÁI HÔN THÁNH
Trong câu 12, Phao-lô nói: “Hãy lấy cái hôn thánh mà chào nhau”. Đây
là cái hôn của một tình yêu thuần khiết, không có sự pha trộn ô uế nào. Lời của
Phao-lô trong câu 12 hàm ý rằng trong đời sống Cơ Đốc của chúng ta cần phải có
sự quân bình. Chỉ có tình yêu thương và sự bình an thì chưa đủ. Tình yêu của
chúng ta cần được quân bình với sự thánh biệt. Nhận biết nhu cầu quân bình này,
Phao-lô khuyên người Cô-rin-tô chào nhau bằng cái hôn thánh. Sau đó, trong câu
13 ông nói: “Hết thảy thánh đồ chào thăm anh em”.
ÂN ĐIỂN, TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ SỰ TƯƠNG GIAO
Trong số 66 Sách Kinh Thánh, 2 Cô-rin-tô là Sách duy nhất kết luận bằng
một lời chúc phước: “Nguyện ân điển của Chúa Jesus Christ, sự thương yêu của Đức
Chúa Trời, và sự cảm thông (tương giao) của Thánh Linh ở với anh em hết thảy!”
Lời chúc phước này bao gồm các thuộc tính của Đức Chúa Trời Tam Nhất: ân điển,
tình yêu và sự tương giao. Tình yêu của Đức Chúa Trời Cha là nguồn, ân điển là
dòng chảy, là sự biểu lộ của tình yêu. Với tình yêu là nguồn, chúng ta có thể
làm điều gì đó cho người khác hoặc có thể ban cho họ điều gì đó. Ân điển như là
sự tuôn ra và là sự biểu lộ của tình yêu. Chẳng hạn có thể tôi muốn cho một anh
em nào đó chiếc đồng hồ. Việc cho chiếc đồng hồ là sự biểu lộ của tình yêu tôi
đối với anh. Tình yêu bên trong tôi được biểu lộ ra bằng cách cho anh ấy chiếc
đồng hồ. Chúng ta có thể dùng điều này để minh hoạ cho tình yêu của Đức Chúa Trời
và ân điển của Đấng Christ. Tình yêu ở với Cha là nguồn, và ân điển ở với Con
là dòng chảy, là sự tuôn đổ, sự biểu lộ.
Sự tương giao của Thánh Linh là vấn đề thông công, giao thông, truyền
đạt. Do đó, tình yêu là nguồn, ân điển là dòng chảy, sự tương giao là sự truyền
đạt dòng chảy cùng với nguồn. Như vậy, chúng ta có tình yêu, ân điển và sự
tương giao để vui hưởng và dự phần.
2 Cô-rin-tô 13:14 nói rõ rằng ân điển của Đấng Christ, tình yêu của Đức
Chúa Trời và sự tương giao của Thánh Linh. Vì 2 Cô-rin-tô nhấn mạnh đến ân điển
nên ân điển được đề cập trước trong đoạn 13:14. Ở một chỗ khác trong Sách này,
Phao-lô nói rất mạnh về ân điển. Chẳng hạn như trong 1:12 ông nói: “Vì sự khoe
khoang của chúng tôi là đây; lương tâm chúng tôi làm chứng rằng chúng tôi lấy sự
thánh biệt và thành thật mà ăn ở trong thế gian, nhất là đối với anh em lại
càng hơn, không cậy sự khôn ngoan thuộc xác thịt, bèn là cậy ân điển của Đức
Chúa Trời”. Sau đó trong 8: 1-15, chúng ta thấy ân điển từ bốn phía, cụ thể là
ân điển của Đấng Christ. Trong 8:9 Phao-lô nói: “Vì anh em biết ân điển của
Chúa chúng ta là Jesus Christ, Ngài tuy vốn giàu, nhưng vì anh em mà trở nên
nghèo, hầu cho anh em nhờ sự nghèo của Ngài mà trở nên giàu”. Sau đó trong
12:9, chúng ta có câu Kinh Thánh có lẽ là nổi tiếng nhất về ân điển trong toàn
bộ Kinh Thánh: “Nhưng Ngài phán cùng tôi rằng: ‘Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì
quyền năng của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối’”.
Ân điển được trình bày trong 2 Cô-rin-tô thật ra là Đức Chúa Trời Tam
Nhất được hiện thân trong Con và được truyền vào trong bản thể chúng ta qua
Linh để chúng ta vui hưởng. Vì thế, ân điển là Đức Chúa Trời Tam Nhất như là sự
sống, sự cung ứng sự sống và sự vui hưởng của chúng ta. Ân điển này được lưu xuất
ra từ tình yêu của Cha và được truyền dẫn vào trong bản thể chúng ta bởi Linh.
Do đó, chúng ta có ân điển của Christ, tình yêu của Đức Chúa Trời, và sự tương
giao của Thánh Linh—sự vui hưởng đầy đủ Đức Chúa Trời Tam Nhất.