Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 30



CHẤP SỰ VÀ CHỨC VỤ TRỞ NÊN MỘT
Đọc Kinh Thánh: 2Cô. 3:8-9, 16-18; 4:6-7
Trước khi xem xét vấn đề về chấp sự và chức vụ trở nên một, chúng ta cần suy xét những lời của Chuá Jesus về sự công chính. Khi Ngài đưa ra hiến pháp Vương Quốc các từng trời (Mat. 5:1-7:29), Ngài nói một số điều quan trọng về sự công chính. Ngài nhấn mạnh nhiều lần về sự công chính. Ngài công bố: “Phước cho kẻ đói khát về sự công nghĩa (công chính) vì sẽ được no đủ” (Mat. 5:6). Rồi Ngài nói tiếp: “Phước cho kẻ chịu bắt bớ vì sự công chính, vì nước trời là của kẻ ấy” (Mat. 5:10). Ngài cũng dạy môn đồ rằng: “Nếu sự công chính của các ngươi không trỗi hơn sự công chính của văn sĩ và người Pha-ri-si thì các ngươi hẳn không vào nước trời được.” (Mat. 5:20). Chuá Jesus cũng nhấn mạnh đến sự công chính khi Ngài nói: “Nhưng trước hết hãy lo tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài thì mọi điều ấy sẽ thêm cho các ngươi” (Mat. 6:33). Thay vì lo lắng về thức ăn và quần áo, chúng ta cần tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài. Nhưng sự công chính mà Chuá Jesus nhấn mạnh là gì? Sự công chính này là Christ được sống ra từ bên trong chúng ta để trở thành sự biểu lộ của Đức Chúa Trời và Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Khi có sự công chính này, chắc chắn chúng ta có sự cai trị của Đức Chúa Trời. Chúng ta có sự cai trị, sự quản trị và chính quyền của Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là chúng ta có Vương Quốc với sự bình an và sự vui mừng trong đời sống hằng ngày, trong nếp sống gia đình và trong nếp sống Hội thánh.
Tôi muốn nhấn mạnh lặp đi lặp lại rằng chức vụ giao ước mới là chức vụ của Linh và sự công chính. Tôi không hề mệt mỏi khi lặp lại điều này. Chức vụ giao ước mới này là chức vụ trong sự khôi phục của Chuá. Trong sự khôi phục, chúng ta chỉ cung ứng Christ là Linh ban-sự-sống và là sự công chính sống động của chúng ta.

Nếu đọc 3:8, 9 và 16 đến 18, chúng ta có thể thấy rõ rằng cuối cùng, tất cả những chấp sự của giao ước mới đều trở nên một với chức vụ của họ. Điều này có nghĩa là các chấp sự là chức vụ. Chức vụ của họ là những gì họ là chứ không chỉ những gì họ làm hay công tác họ hoàn thành. Chính bản thể của những chấp sự giao ước mới là chức vụ của họ. Do đó, chúng ta có thể nói chấp sự và chức vụ trở nên một.
HAI GIAI ĐOẠN CỦA CHỨC VỤ TÂN ƯỚC
2 Cô-rin-tô 3:8 và 9 chép: “Huống chi chức vụ của Linh há chẳng lại càng được vinh hiển hơn sao? Vậy, nếu chức vụ của sự định tội còn là vinh hiển, thì huống chi chức vụ của sự công chính lại được vinh hiển càng hơn (dư dật) là dường nào”. Hãy chú ý, câu 8 nói rằng chức vụ của giao ước mới ở trong vinh hiển, và câu 9 nói chức vụ này dư dật trong vinh hiển. Ở đây, chúng ta thấy hai giai đoạn của chức vụ giao ước mới. Giai đoạn thứ nhất là chức vụ của Linh; giai đoạn thứ hai là chức vụ của sự công chính. Khi chức vụ thuộc về Linh thì chức vụ đó ở trong giai đoạn thứ nhất. Đây là chức vụ ở trong vinh hiển. Khi chức vụ thuộc về sự công chính thì chức vụ đó ở trong giai đoạn thứ hai. Trong giai đoạn này, chức vụ giao ước mới không chỉ ở trong vinh hiển mà còn dư dật trong vinh hiển. Lí do chức vụ ấy dư dật trong vinh hiển là vì sự công chính biểu lộ ra.
Hai giai đoạn của chức vụ giao ước mới này có thể được áp dụng cho đời sống gia đình của chúng ta. Giả sử có một anh em cùng vợ con đều nhận lãnh chức vụ của Linh. Với chức vụ của Linh, có vinh hiển nhưng chức vụ này không dư dật trong vinh hiển vì chưa có sự công chính nào. Nhưng có lẽ sau một thời gian vợ chồng, con cái tất cả đều sống ra sự công chính theo Linh sự sống bên trong họ. Đây là chức vụ của sự công chính dư dật trong vinh hiển. Ai viếng thăm gia đình đó cũng đều có thể nhận ra rằng có sự vinh hiển ở với họ.
Trong giai đoạn đầu, giai đoạn chức vụ của Linh, chức vụ của giao ước mới ở trong vinh hiển. Nhưng khi chức vụ này trở thành chức vụ của sự công chính thì chức vụ đó dư dật trong vinh hiển. Hễ khi nào chức vụ của Linh được sống ra trong chúng ta cùng với sự biểu lộ của sự công chính thì chức vụ đó dư dật trong vinh hiển.
Trong 3:8 và 9 “trong vinh hiển” và “dư dật trong vinh hiển” cả hai đều có liên quan đến chức vụ. Nhưng trong các câu từ 16 đến 18, vinh hiển không liên quan đến chức vụ, nhưng liên quan đến các chấp sự. Trong câu 18 Phao-lô nói: “Chúng ta thảy đều để mặt trần mà chiếu lại sự vinh quang của Chuá như một cái gương, thì đều biến hoá nên cũng một hình tượng của Ngài từ vinh hiển đến vinh hiển thậm chí như từ Chuá Linh vậy”. Trong câu này từ “chúng ta” nói đến các sứ đồ, là những người làm gương mẫu và đại diện cho tất cả tín đồ, là những chấp sự của Christ. Vì thế, trong câu 8 và 9, vinh hiển có liên quan đến chức vụ, nhưng trong câu 18, vinh hiển liên quan đến các chấp sự.
Dù vinh hiển trong câu 8 và 9 có liên quan đến chức vụ, và vinh hiển trong câu 18 có liên quan đến các chấp sự nhưng vẫn không có hai loại vinh hiển. Không có loại vinh hiển này gắn kết với chức vụ và loại vinh hiển kia liên quan đến các chấp sự. Không, chỉ có một loại vinh hiển. Điều này chứng minh rằng cuối cùng, tất cả các chấp sự của giao ước mới đều trở nên một với chức vụ của họ. Những gì họ là trong bản thể của họ, trong thân vị của họ là chức vụ của họ.
NẾP SỐNG CỦA CÁC CHẤP SỰ GIAO ƯỚC MỚI
Việc chấp sự và chức vụ là một được chứng minh cách đầy đủ trong 2 Cô-rin-tô chương 4. Trong chương này, Phao-lô cho chúng ta một dấu hiệu mạnh mẽ rằng chức vụ chính là những gì mà các chấp sự giao ước mới là. Thật ra, chấp sự trong chương 4 không đang làm việc, họ chỉ đang sống. Vì thế, nếp sống của họ là công tác của họ. Ngoài nếp sống của họ, họ không cần làm gì cả vì nếp sống của họ là công tác của họ, chức vụ của họ. Bản thể bề trong của họ thật ra là chức vụ của họ. Những gì được kể trong chức vụ giao ước mới là những gì mà chấp sự của giao ước mới là trong đời sống và bản thể họ.
Tình trạng của chấp sự giao ước mới rất khác với tình trạng của nhiều người rao giảng Cơ Đốc ngày nay. Bình thường thì các chấp sự và những người rao giảng Cơ Đốc làm việc theo một cách còn sống thì theo một cách khác. Điều này có nghĩa là việc họ làm là một chuyện còn những gì họ là là chuyện khác. Họ có thể dạy người khác theo tiêu chuẩn cao, nhưng chính họ thì không sống theo tiêu chuẩn đó. Vì thế, có một sự trái ngược giữa công tác và bản thể của họ. Nhưng chấp sự giao ước mới là một với chức vụ của họ. Những gì họ làm là những gì họ là. Cách họ làm việc chính là cách họ sống. Nếp sống của họ, bản thể của họ chính là chức vụ của họ. Kết quả vinh hiển của chức vụ của họ chính là vinh hiển của họ, và vinh hiển của họ chính là vinh hiển của chức vụ của họ.
VINH HIỂN KHÔNG THẤY ĐƯỢC
Vinh hiển của chấp sự giao ước mới không phải là điều gì đó thấy được hoặc bên ngoài. Vinh hiển này thì ở bên trong và không thấy được; đó là vấn đề Christ được người khác nhận biết trong đời sống chúng ta. Ví dụ, khi anh em thăm viếng nhà của một anh em, anh em có thể nhìn thấy trong nếp sống gia đình của anh em đó một tình trạng vinh hiển. Vinh hiển này không phải là Christ được người khác nhìn thấy mà đó là Christ được họ nhận biết khi họ quan sát nếp sống hằng ngày của gia đình này. Người khác cảm nhận rằng trong đời sống của gia đình này có điều gì đó vinh hiển. Đây là vinh hiển của chấp sự giao ước mới và chức vụ của họ.
Khi Môi-se xuống núi, vinh hiển chiếu sáng từ mặt ông cách thấy được. Nhưng trên mặt của Phao-lô thì không có sự chiếu sáng của vinh hiển như thế. Với Môi-se, vinh hiển là vật lí và thấy được. Tuy nhiên, sự chiếu sáng của vinh hiển đó không kéo dài lâu. Với Phao-lô, không có sự chiếu sáng của vinh hiển vật lí và thấy được. Tuy nhiên, với ông có một sự chiếu sáng của vinh hiển bên trong và thuộc linh. Bất kỳ ai ở với ông một thời gian cũng nhận ra rằng nơi ông có một sự chiếu sáng không thấy được. Dù sự chiếu sáng này không thể được nhìn thấy nhưng có thể cảm nhận được, nhận ra được. Đây là sự chiếu sáng của vinh hiển bên trong.
Với Phao-lô, không có sự chiếu sáng bên ngoài. Với ông, có điều gì đó vinh hiển chiếu sáng từ bên trong. Tôi cảm tạ Chuá vì ngày nay cũng có những chấp sự chiếu sáng không bằng sự sáng bên ngoài nhưng bằng sự sáng bên trong, với ánh sáng từ bên trong.
SỰ CHIẾU SÁNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI TRONG LÒNG CHÚNG TA
Qua kinh nghiệm, tôi biết rằng chấp sự giao ước mới chiếu sáng bên trong bằng vinh hiển không thấy được. Tuy nhiên, tôi không muốn chỉ tin vào kinh nghiệm mà còn muốn kiểm tra vấn đề này theo Kinh Thánh. Khi làm như vậy, tôi thấy rằng trong 4:6 Phao-lô nói: “Vì Đức Chúa Trời là Đấng có phán: ‘sự sáng phải từ sự tối tăm soi ra’ cũng đã soi vào lòng chúng tôi để khiến sự tri thức về vinh hiển của Đức Chúa Trời ở nơi mặt Jesus Christ từ chúng ta mà sáng chói ra”. Chính Đức Chúa Trời là Đấng ra lệnh sự sáng chiếu ra từ sự tối tăm đã chiếu vào trong lòng của những chấp sự giao ước mới. Sự chiếu sáng của Ngài trong vũ trụ sinh ra sáng tạo cũ. Bây giờ, sự chiếu sáng của Ngài trong lòng của những chấp sự giao ước mới làm cho họ thành sáng tạo mới. Do đó, họ có thể tôn cao Christ là Chuá trong sự rao giảng của họ và ăn ở như là nô lệ cho tín đồ trong sự phụng sự của họ (c.5). Những gì họ làm cho Christ và những gì họ là đối với tín đồ, cả hai đều ra từ sự chiếu sáng của Đức Chúa Trời. Sự chiếu sáng của Đức Chúa Trời sản sinh chấp sự của giao ước mới và chức vụ của họ.
Trong sáng tạo cũ, sự chiếu sáng của Đức Chúa Trời thì ở bên ngoài. Nhưng với chúng ta trong sáng tạo mới, sự chiếu sáng của Đức Chúa Trời thì ở bên trong. Đức Chúa Trời đã chiếu sáng trong lòng chúng ta. Bây giờ, sự chiếu sáng, sự vinh hiển, sự soi sáng ở bên trong chúng ta.
Sự chiếu sáng của Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta dẫn đến sự soi sáng về việc nhận biết vinh hiển của Đức Chúa Trời trên mặt Đấng Christ, tức là trong sự soi sáng làm cho chúng ta biết vinh hiển của Phúc Âm của Đấng Christ. Sự soi sáng, sự chiếu sáng làm cho vinh hiển của Phúc Âm của Đấng Christ được chúng ta nhận biết xuất phát từ sự chiếu sáng của Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta.
Nhiều người trong chúng ta biết từ kinh nghiệm để có vinh hiển của Chuá chiếu sáng trong lòng chúng ta là gì. Một ngày kia, điều gì đó của Chuá bắt đầu chiếu trong chúng ta. Trước khi kinh nghiệm sự chiếu sáng bên trong này, chúng ta ở trong tối tăm. Đây là tình trạng nhiều năm qua của chúng ta trong Cơ Đốc giáo tổ chức. Tôi đã nghe những câu chuyện về Christ, và tôi đã được dạy về thập tự giá. Nhưng mãi cho đến khi được cứu, tôi mới kinh nghiệm được sự chiếu sáng bên trong.
Ngày nay, một số người tôn giáo có quan niệm mê tín về thập tự giá vật chất. Một số người đặt một cây thập tự bằng gỗ hay bằng bê-tông trên nóc những nơi thờ phượng của họ. Những người khác thì đeo một cây thập tự giá bằng vàng trên dây chuyền. Còn những người khác thì thực hành làm dấu gọi là dấu thánh giá. Cách đây không lâu, một người đến với tôi mặc một cái áo có vòng cổ tăng lữ và đeo một cây thập tự lớn. Loại thập tự giá đó chẳng cứu được ai. Nó chẳng có quyền năng gì cả. Tuy nhiên, một số người tin rằng nếu họ đặt cây thập tự vật chất đó trên người bị bệnh thì cây thập tự có quyền năng chữa bệnh cho người đó. Thật là mê tín dị đoan! Quan điểm vật chất, bề ngoài này về thập tự giá thì chẳng liên quan gì đến chức vụ giao ước mới.
Chức vụ giao ước mới hoàn toàn ở trong Linh. Chức vụ giao ước mới không liên quan gì đến những điều thấy được hoặc vật lí. Chức vụ giao ước mới là không thấy được, nhưng dù sao đó cũng là điều mà chúng ta có thể nắm lấy được. Đó là điều có thật, có thể cảm nhận được, nhận biết được, kinh nghiệm được, và vui hưởng được. Đây là vinh hiển, chiếu sáng, thực tại, quyền năng, và sức mạnh của chức vụ giao ước mới.
CỦA BÁU TRONG NHỮNG CHIẾC BÌNH BẰNG ĐẤT
Trong 4:7 Phao-lô nói tiếp: “Nhưng chúng tôi đựng của báu này trong những chiếc bình bằng đất, hầu tỏ ra quyền năng lớn lao quá đỗi này là bởi Đức Chúa Trời, chớ chẳng phải từ chúng tôi”. Sự chiếu sáng của Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta đem vào trong chúng ta một của báu, tức Đấng Christ vinh hiển, Đấng là hiện thân của Đức Chúa Trời làm sự sống và mọi sự của chúng ta. Nhưng chúng ta là những người chứa của báu này là những chiếc bình bằng đất, không xứng đáng và dễ vỡ. Quả là một của báu vô giá được chứa trong những chiếc bình không xứng đáng! Điều này đã làm cho những chiếc bình trở thành những chấp sự của giao ước mới với chức vụ vô giá. Sự vượt trội của quyền năng chắc chắn thuộc về Đức Chúa Trời chứ không thuộc về chúng ta. Của báu này, tức Đấng Christ nội cư trong chúng ta, những chiếc bình bằng đất, là nguồn cung ứng thần thượng cho đời sống Cơ Đốc. Chính bởi quyền năng vượt trỗi của của báu này mà các sứ đồ là những chấp sự của giao ước mới có thể sống một đời sống chịu đóng đinh để sự sống phục sinh của Đấng Christ có thể được biểu lộ.
Thực tại chiếu sáng của Christ là của báu trong chúng ta là những chiếc bình bằng đất. Bề ngoài chúng ta là những chiếc bình bằng đất, nhưng bên trong chúng ta có của báu vô giá. Của báu này là Đấng Christ như là hiện thân của Đức Chúa Trời Tam Nhất đã-trải-qua-tiến-trình ở trong chúng ta là Linh ban-sự-sống bao-hàm-tất-cả. Của báu này có quyền năng, và quyền năng này thì siêu việt. Là Linh ban-sự-sống ở trong chúng ta, Christ là Đấng chiếu sáng và hành động. Đây là của báu mà chúng ta có bên trong.
Chấp sự giao ước mới cùng với chức vụ của họ là những chiếc bình bằng đất chứa đựng của báu tuyệt vời. Chức vụ của họ hoàn toàn ở trong Linh, là điều gì đó có thật và sống động. Đó là điều chúng ta có thể cảm nhận, vui hưởng, nhận biết, và kinh nghiệm. Đây là điều mà Chuá ao ước trong sự khôi phục của Ngài ngày nay. Đây là chứng cớ Tân Ước, và đó là điều mà Đức Chúa Trời muốn giữa vòng chúng ta. Chúng ta phải ở trong sự khôi phục của chức vụ này. Chúng ta phải sống loại sự sống này và ở trong Hội thánh có chức vụ này. Hơn nữa, chúng ta phải cung ứng điều này cho người khác không chủ yếu bởi những gì chúng ta làm, nhưng chủ yếu bởi những gì chúng ta là và bởi cách chúng ta sống. Đây là chấp sự với chức vụ giao ước mới của họ. Thật ra, chấp sự và chức vụ là một.
---