MỘT SÁNG TẠO MỚI
TRONG CHRIST TRỞ THÀNH SỰ CÔNG CHÍNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI QUA BƯỚC THỨ HAI CỦA SỰ
GIẢI HOÀ (2)
Đọc Kinh Thánh:
2Cô. 5:1-21
Trong bài trước,
chúng ta đề cập đến nhiều điểm quan trọng trong 2 Cô-rin-tô chương 5: ao ước có
một thân thể được biến hình, lập chí làm đẹp lòng Chuá, sống cho Chuá, và trở
nên một sáng tạo mới. Trong câu 17, Phao-lô nói về sáng tạo mới: “Vậy, nếu ai ở
trong Christ, thì nấy là người được dựng nên mới (một sáng tạo mới), những sự
cũ đã qua đi, này, mọi sự (chúng) đều trở nên mới”. Sáng tạo cũ không có sự sống
và bản chất thần thượng, nhưng sáng tạo mới, tức tín đồ được sinh lại của Đức
Chúa Trời, thì có sự sống và bản chất thần thượng (Giăng 1:13; 3:15; 2Phi.
1:4). Do đó, họ là một sáng tạo mới (Ga. 6:15), không theo bản chất cũ của xác
thịt, nhưng theo bản chất mới của sự sống thần thượng. Từ “nầy” trong câu 17 là
một lời kêu gọi ngắm xem sự thay đổi lạ lùng của sáng tạo mới.
CHỨC VỤ GIẢI HOÀ
Câu 18 đến 20,
Phao-lô tiếp tục nói về chức vụ giải hoà: “Mọi sự đều ra từ Đức Chúa Trời, Ngài
đã nhờ Christ mà khiến chúng ta hoà lại với Ngài, và giao cho chúng ta chức vụ
giải hoà. Ấy là Đức Chúa Trời vốn ở trong Christ, khiến cho thế gian hoà lại với
Ngài, chẳng kể cho họ sự quá phạm của họ, và đã uỷ thác đạo (lời) giải hoà cho
chúng tôi. Vậy, chúng tôi là khâm sai của Christ, cũng như Đức Chúa Trời bởi
chúng tôi mà nài khuyên; chúng tôi thay thế Christ mà xin anh em hãy hoà lại với
Đức Chúa Trời”. Chúng ta cần đọc những câu này một cách hết sức cẩn thận. Từ “vậy”
trong câu 20 là một từ liên kết nối câu 20 với những câu trước. Theo câu 20,
khâm sai của Christ là một với Đức Chúa Trời; họ giống Đức Chúa Trời và họ khẩn
nài như Đức Chúa Trời. Lời của họ là lời của Đức Chúa Trời, và việc họ làm là
việc của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, những từ “thay thế Christ” có nghĩa là đại diện
Christ. Là những người đại diện Christ, các sứ đồ là những khâm sai của Christ.
Ngày nay, khâm sai (đại sứ) là người được uỷ quyền đại diện cho chính phủ. Như
vậy, các sứ đồ được Christ uỷ quyền đại diện Ngài làm công việc giải hoà.
Cách soạn thảo của
Phao-lô trong 5:20 là bất thường. Sau khi nói “chúng tôi là khâm sai”, ông nói
“cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà nài khuyên”. Dường như Phao-lô nói:
“Chúng tôi là khâm sai của Christ, và chúng tôi đang làm công tác giải hoà. Điều
này giống như Đức Chúa Trời nài khuyên anh em qua chúng tôi. Chúng tôi là một với
Christ và là một với Đức Chúa Trời. Chúng tôi là một với Đấng Christ và là một
với Đức Chúa Trời. Christ là một với chúng tôi, và Đức Chúa Trời cũng là một với
chúng tôi. Do đó, Đức Chúa Trời, Christ, và chúng tôi, tức các sứ đồ, tất cả là
một”. Chức vụ giao ước mới là chức vụ mà trong đó Đức Chúa Trời, Christ và các
chấp sự là một.
Lời của Phao-lô
trong câu 20 thì mạnh mẽ và ấn tượng. Ông nói: “Vậy, chúng tôi là khâm sai của
Christ cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà nài khuyên anh em: chúng tôi
thay thế Christ mà xin anh em hãy hoà lại với Đức Chúa Trời”. Đức Chúa Trời,
Christ và các sứ đồ là một trong việc thực hiện chức vụ giải hoà.
HAI BƯỚC GIẢI HOÀ
Lời của Phao-lô
trong câu 20 về việc được giải hoà với Đức Chúa Trời không trực tiếp cho tội
nhân nhưng trực tiếp cho tín đồ ở Cô-rin-tô. Những tín đồ này đã phần nào được
giải hoà với Đức Chúa Trời rồi. Tuy nhiên, họ không hoàn toàn được giải hoà với
Ngài. Nói rằng tín đồ Cô-rin-tô không được giải hoà với Đức Chúa Trời chút nào
là không đúng. Trong 1 Cô-rin-tô chương 1, Phao-lô nói đến họ là những thánh đồ,
là những người được Đức Chúa Trời kêu gọi vào trong sự tương giao của Con Ngài.
Do đó, chắc chắn họ đã được giải hoà với Đức Chúa Trời ở một mức độ nào đó. Có
lẽ họ đã được giải hoà một nửa với Ngài.
Sách 1 và 2 Cô-rin-tô
cho thấy rằng tín đồ tại Cô-rin-tô, sau khi được giải hoà với Đức Chúa Trời phần
nào đó, họ vẫn còn sống trong xác thịt, tức trong người bề ngoài. Giữa họ và Đức
Chúa Trời có một bức màn xác thịt, con người thiên nhiên ngăn cách. Bức màn này
tương xứng với bức màn bên trong đền tạm, bức màn phân rẽ nơi Thánh với Nơi Chí
Thánh, không phải bức màn ở lối vào nơi Thánh. Tín đồ Cô-rin-tô có thể đã ở
trong Nơi Thánh, nhưng họ không ở trong Nơi Chí Thánh. Điều này có nghĩa là họ
vẫn còn bị phân rẽ khỏi nơi Đức Chúa Trời ngự. Do đó, họ chưa được hoàn toàn giải
hoà với Đức Chúa Trời.
Trong câu 19, thế
gian được giải hoà với Đức Chúa Trời. Trong câu 20, tín đồ là những người đã được
giải hoà với Đức Chúa Trời rồi, sẽ được giải hoà với Đức Chúa Trời hơn nữa. Rõ
ràng điều này cho thấy rằng có hai bước để con người hoàn toàn được giải hoà với
Đức Chúa Trời. Bước thứ nhất là tội nhân được giải hoà với Đức Chúa Trời khỏi tội.
Vì mục đích này, Christ đã chết cho các tội phạm của chúng ta (1Cô. 15:3) hầu
cho Đức Chúa Trời có thể tha thứ các tội phạm của chúng ta. Đây là phương diện
khách quan về sự chết của Christ. Trong phương diện này, Ngài mang lấy các tội
phạm của chúng ta trên thập tự giá hầu cho Đức Chúa Trời có thể phán xét các tội
phạm ấy trên Ngài vì chúng ta. Bước thứ hai là tín đồ đang sống trong sự sống
thiên nhiên được giải hoà với Đức Chúa Trời khỏi xác thịt. Vì mục đích này,
Christ đã chết cho chúng ta—những con người—hầu cho chúng ta có thể sống Ngài
trong sự sống phục sinh (2Cô. 5:14-15). Đây là phương diện chủ quan về sự chết
của Christ. Trong phương diện này, vì chúng ta mà Ngài đã bị làm nên tội để chịu
Đức Chúa Trời phán xét và trừ đi hầu cho chúng ta có thể trở thành sự công
chính của Đức Chúa Trời trong Ngài. Bởi hai phương diện của sự chết Ngài, Ngài
đã hoàn toàn giải hoà những người được chọn của Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Trời.
Hai bước giải hoà
này được mô tả rõ ràng bởi hai bức màn của đền tạm. Bức màn thứ nhất được gọi
là màn che (Xuất. 26:36, nguyên văn). Một tội nhân được đem đến Đức Chúa Trời
qua sự giải hoà của huyết chuộc tội để vào trong Nơi Thánh bởi bước qua bức màn
này. Điều này làm hình bóng cho bước thứ nhất của sự giải hoà. Bức màn thứ hai
(Xuất. 26:31-35; Hê. 9:3) vẫn còn chia rẽ tội nhân khỏi Đức Chúa Trời là Đấng ở
trong Nơi Chí Thánh. Bức màn này cần phải được xé ra để tội nhận có thể được
đem đến với Đức Chúa Trời trong Nơi Chí Thánh. Đây là bước thứ hai của sự giải
hoà. Tín đồ Cô-rin-tô đã được giải hoà với Đức Chúa Trời, vì họ đã trải qua bức
màn thứ nhất và đã bước vào trong Nơi Thánh. Nhưng họ vẫn còn sống trong xác thịt.
Họ cần trải qua bức màn thứ hai, tức bức màn đã được xé ra rồi (Mat. 27:51; Hê.
10:20) để vào trong Nơi Chí Thánh hầu sống với Đức Chúa Trời trong linh của họ
(1Cô. 6:17). Mục tiêu của Thư Tín này là đem họ đến đây hầu cho họ là những người
trong linh (1Cô. 2:14) trong Nơi Chí Thánh. Đây là điều mà Phao-lô muốn nói bằng
cách nói “được giải hoà với Đức Chúa Trời”.
Trong Cựu Ước, khi
một tội nhân đến với Đức Chúa Trời, trước hết người đó phải đến bàn thờ để được
tha tội qua huyết của của lễ chuộc tội. Sau khi kinh nghiệm sự tha tội, người
đó có thể bước vào Nơi Thánh. Đây là bước thứ nhất của sự giải hoà, tức là bước
mà nhờ đó một tội nhân bắt đầu được giải hoà với Đức Chúa Trời. Đây là tình trạng
của tín đồ ở Cô-rin-tô, và cũng là tình trạng của hầu hết Cơ Đốc nhân đích thực
ngày nay. Họ đã được giải hoà với Đức Chúa Trời phần nào qua thập tự giá mà Đấng
Christ đã chết trên đó như là của lễ chuộc tội của chúng ta, nơi mà Ngài đã đổ
huyết ra để tẩy sạch các tội phạm của chúng ta. Khi tin Ngài, chúng ta được Đức
Chúa Trời tha thứ, được giải hoà với Ngài, và được đem về lại với Ngài. Trước
đây, chúng ta xa cách Đức Chúa Trời. Nhưng qua sự ăn năn, chúng ta trở lại với
Ngài và đã được giải hoà với Ngài. Tuy nhiên, chúng ta đã được giải hoà với Đức
Chúa Trời chỉ một phần, mới một nửa.
SỰ GIẢI HOÀ HOÀN
TOÀN
Dù người Cô-rin-tô
đã được cứu và được giải hoà với Đức Chúa Trời một nửa nhưng họ vẫn còn sống
trong xác thịt; tức là sống trong hồn, người bề ngoài, bản thể thiên nhiên. Bức
màn xác thịt của người thiên nhiên, vẫn còn phân rẽ họ khỏi Đức Chúa Trời. Điều
này có nghĩa là bản thể thiên nhiên của họ là bức màn phân rẽ. Do đó, họ cần bước
giải hoà thứ hai. Trong 2 Cô-rin-tô chương 5, Phao-lô đang làm việc để hoàn
thành bước thứ hai này. Ông đang lao tác trên người Cô-rin-tô để cắt rời bức
màn xác thịt đi, để đóng đinh sự sống thiên nhiên của họ, để tiêu huỷ người bề
ngoài của họ. Điều mà sứ đồ Phao-lô đang làm trong 1 và 2 Cô-rin-tô là tách bức
màn xác thịt phân rẽ hầu cho tín đồ tại Cô-rin-tô có thể bước vào trong Nơi Chí
Thánh.
Các phước hạnh của
Đức Chúa Trời có thể được tìm thấy trong Nơi Thánh nhưng chính Đức Chúa Trời
thì ở trong Nơi Chí Thánh. Trong Nơi Thánh có các phước hạnh của Linh, có chân
đèn, và bàn thờ xông hương. Nhưng trong Nơi Thánh không có sự hiện diện trực tiếp
của Đức Chúa Trời. Để có chính Đức Chúa Trời, chúng ta phải được phục hoà hơn nữa
và bước vào trong Nơi Chí Thánh. Chúng ta phải nhận lấy bước giải hoà thứ hai để
được đem vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Đây là sự giải hoà trọn vẹn.
Sự giải hoà này không chỉ đem chúng ta ra khỏi tội mà còn ra khỏi xác thịt, con
người thiên nhiên, bản thể thiên nhiên. Khi đó chúng ta được đem đến với Đức
Chúa Trời và trở nên một với Ngài.
SỰ TỔNG KẾT CHUNG
CUỘC VỀ SỰ CỨU RỖI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Câu 21 là câu cuối
cùng của chương 5 chép: “Đức Chúa Trời đã khiến cho Đấng vốn chẳng biết tội trở
nên tội vì chúng ta, hầu cho chúng ta ở trong Ngài được trở nên sự công chính của
Đức Chúa Trời”. Ở đây, chúng ta có sự tổng kết chung cuộc về sự cứu rỗi của Đức
Chúa Trời—đó là sự công chính của Đức Chúa Trời.
Chúng ta phải nhớ rằng
chức vụ giao ước mới là chức vụ của Linh và của sự công chính. Chức vụ này truyền
Linh sự sống vào trong tín đồ. Điều này dẫn đến một tình trạng, một điều kiện
được gọi là sự công chính. Trước khi được cứu, chúng ta ở trong một tình trạng
hoàn toàn bị Đức Chúa Trời đoán phạt. Không có gì đúng đắn, và Đức Chúa Trời
cũng không có cách gì để làm cho đúng đắn tình trạng mà chúng ta đang ở trong
đó. Nhưng sau khi được cứu, chúng ta được đem vào trong một tình trạng mà ở đó
Đức Chúa Trời mới có thể xưng công chính cho chúng ta. Đây là sự công chính.
Tuy nhiên, nếu thành thật, chúng ta sẽ thừa nhận rằng về một phương diện, chúng
ta đang ở trong tình trạng công chính, nhưng về phương diện khác vẫn còn những
điều gì đó liên quan đến nếp sống của chúng ta chưa đúng đắn. Những điều này
không thể so với tội hiển nhiên ở trong đời sống của chúng ta trước khi được cứu.
Tuy nhiên, có nhiều vấn đề không đúng đắn. Cụ thể là vẫn còn có sự phân rẽ giữa
chúng ta với Đức Chúa Trời gây ra bởi con người thiên nhiên, bản ngã của chúng
ta. Đây là tội.
Giả sử một người
nào đó cùng với vợ chưa được cứu. Họ rất khó hoà hợp với nhau và thường hay cãi
nhau. Có khi họ cãi nhau một cách thô lỗ. Nhưng giả sử một ngày nào đó, người
chồng được cứu và bước vào trong nếp sống Hội thánh. Anh ấy bắt đầu thay đổi,
và sự thay đổi này đã tác động đến vợ anh. Cuối cùng, chị cũng được cứu và bước
vào nếp sống Hội thánh. Cũng như chồng, chị cũng bắt đầu thay đổi. Bây giờ, người
này cùng với vợ đang ở trong một tình trạng mà Kinh Thánh gọi là sự công chính.
Tuy nhiên, bây giờ là một anh em trong Chuá, người này có tính khí rất mạnh mẽ.
(Tính khí khác với tính cách vì tính khí hoàn toàn là một phần của bản thể
chúng ta, là sự cấu tạo của chúng ta). Hơn nữa, người vợ cũng rất lập dị và hiếm
khi đồng ý với người khác. Chị thường mâu thuẫn với người khác. Làm thế nào để
chồng chị và chị sống hoà bình với nhau, vì anh thì có tính khí mạnh mẽ còn chị
thì rất lập dị? Dù họ không còn cãi nhau như xưa nữa nhưng họ không đồng ý với
nhau. Kết quả là họ không nói chuyện với nhau nhiều. Nói chuyện luôn luôn dẫn đến
bất đồng, có thể người chồng bảo vợ rằng tốt hơn là đừng nói chuyện. Điều mà
người này và vợ có là sự giải hoà một nửa và sự công chính một nửa.
Tuy nhiên, giả sử
anh chị em này nghe một bài về việc cần phải giải hoà hơn nữa. Người chồng bắt
đầu lên án tính khí của mình và người vợ bắt đầu lên án sự lập dị của mình, và
cả hai cùng lên án sự sống thiên nhiên của họ. Kết quả là có khả năng để họ được
đem vào trong Nơi Chí Thánh để vui hưởng Chuá. Sau đó, người chồng có thể nói
“Ngợi khen Chuá!” và người vợ đáp “A-men!” Nếu đây là tình trạng của đôi vợ chồng
này thì họ đang ở trong một tình trạng có thể được gọi là sự công chính của Đức
Chúa Trời.
Trong 5:17-21,
chúng ta thấy ba vấn đề: sáng tạo mới, sự giải hoà trọn vẹn, và sự công chính của
Đức Chúa Trời. Làm sao chúng ta có thể nói rằng sự công chính này là sự tổng kết
chung cuộc của sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời? Tuyên bố này dựa trên 2 Phi-e-rơ
3:13 là chương nói về sự công chính cư ngụ trong trời mới đất mới. Sự kiện sự
công chính cư ngụ trong trời mới đất mới cho thấy rằng mọi sự sẽ được đem về lại
với Đức Chúa Trời cách đầy đủ. Mọi sự sẽ được qui hướng và được đặt vào một
tình trạng tốt đẹp. Không có gì sai trái và không có gì mất trật tự cả. Mọi sự ở
trong trời mới đất mới sẽ đúng đắn và làm thoả mãn Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời
sẽ có thể nhìn vào vũ trụ và xưng nghĩa mọi sự.
Anh em đã được cứu
và được đem vào trong Christ chưa? Bây giờ anh em có ở trong Christ không? Nếu
đáp ứng những điều kiện này thì anh em là một sáng tạo mới. Nhưng cho dù anh em
có thể bảo đảm chắc chắn để nói rằng anh em là một sáng tạo mới trong Christ
thì anh em vẫn không dạn dĩ để tuyên bố rằng anh em là sự công chính của Đức
Chúa Trời. Lí do anh em thiếu sự dạn dĩ này là vì anh em giống như con bướm
chưa ra khỏi kén. Chỉ khi “cái kén” của chúng ta hoàn toàn được cất đi thì
chúng ta mới có thể nói rằng chúng ta là sự công chính của Đức Chúa Trời. Còn
bây giờ chúng ta chỉ có thể nói rằng chúng ta là một phần sự công chính của Đức
Chúa Trời. Chúng ta cần thập tự giá hành động hơn nữa trên chúng ta hầu cho phần
còn lại của cái kén của chúng ta có thể bị tiêu huỷ. Cuối cùng, muộn nhất là
trong Giê-ru-sa-lem Mới, chúng ta mới hoàn toàn là sự công chính của Đức Chúa
Trời. Khi đó, Đức Chúa Trời mới có thể khoe khoang với kẻ thù của Ngài là
Sa-tan rằng mọi sự trong Giê-ru-sa-lem Mới đều là sự công chính, rằng không có
gì sai trái hay khiếm khuyết, và tất cả mọi sự đều làm thoả lòng Đức Chúa Trời.
Do đó, Đức Chúa Trời có thể xưng nghĩa mọi sự trong Giê-ru-sa-lem Mới. Đây là sự
công chính tổng kết chức vụ giao ước mới.
TRỞ THÀNH SỰ CÔNG
CHÍNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Chức vụ giao ước mới,
chức vụ của Linh và sự công chính sẽ thi hành tình trạng công chính trước hết
trong mỗi cá nhân, kế đến trong Hội thánh, và cuối cùng trong Vương Quốc thiên
hi niên. Khi Vương Quốc đến sẽ có sự công chính trên đất. Khi đó mọi sự sẽ làm
thoả mãn Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời sẽ xưng công chính mọi sự. Dù thời đại
Vương Quốc chưa đến nhưng chúng ta có thể có tiền vị của sự công chính của
Vương Quốc ngày nay trong nếp sống Hội thánh và trong nếp sống gia đình chúng
ta. Có khi trong một Hội thánh địa phương nào đó tình trạng có thể là mọi sự, mọi
người, và mọi vấn đề như thế đều được Đức Chúa Trời xưng công chính. Một Hội
thánh như thế là sự công chính của Đức Chúa Trời. Loại tình trạng này cũng có
thể hiện diện trong đời sống gia đình của chúng ta. Trong một vài trường hợp
tôi đã chứng kiến rằng trong một gia đình mà tất cả mọi người đều được cứu và
có một tình trạng không có gì sai trái, nhưng mọi sự đều làm thoả lòng Đức Chúa
Trời và được Ngài xưng công chính. Một gia đình như thế là gia đình công chính.
Bông trái của chức vụ giao ước mới này là sản sinh ra loại công chính này.
Chương 3, 4 và 5 đều
nói về chức vụ giao ước mới và các chấp sự của chức vụ ấy. Nhưng phần này tổng
kết với lời của Phao-lô về sự công chính của Đức Chúa Trời.
Nhiều Cơ Đốc nhân ngày
nay chỉ biết rằng Christ chết vì tội của họ. Họ không nhận biết rằng Christ chết
bởi vì họ là xác thịt, là sáng tạo cũ. Nhưng trong 2 Cô-rin-tô, Phao-lô không
nói Christ chết vì tội chúng ta. Thay vì thế, trong 5:14 ông nói “Một Người chết
vì mọi người”. Điều này có nghĩa là Christ chết vì chúng ta. Trong 1 Cô-rin-tô
15:3, Phao-lô bảo rằng Christ chết vì tội chúng ta. Để các tội phạm của chúng
ta được Đức Chúa Trời tha thứ, Christ đã chết vì các tội phạm của chúng ta. Tuy
nhiên, đây chỉ là giai đoạn khởi đầu của sự giải hoà. Christ chết trên thập tự
giá không chỉ vì các tội phạm của chúng ta, mà Ngài còn chết vì chúng ta, vì
xác thịt chúng ta, bản thể thiên nhiên của chúng ta, người bề ngoài của chúng
ta. Christ chết trên thập tự giá để người bề ngoài của chúng ta, bản thể thiên
nhiên của chúng ta có thể bị kết liễu hầu cho chúng ta có thể trở thành sự công
chính của Đức Chúa Trời. Do đó, Christ đã chết vì các tội phạm của chúng ta để
Đức Chúa Trời có thể tha thứ và xưng công chính chúng ta. nhưng Christ chết vì
chúng ta hầu cho chúng ta có thể trở thành sự công chính của Đức Chúa Trời.
Trở thành sự công
chính của Đức Chúa Trời thì sâu hơn là được Đức Chúa Trời xưng công chính. Chức
vụ giao ước mới đem chúng ta về lại với Đức Chúa Trời đến mức chúng ta thật sự
trở thành sự công chính của Đức Chúa Trời. Không chỉ chúng ta được Đức Chúa Trời
xưng công chính mà thậm chí chúng ta còn trở thành sự công chính của Đức Chúa
Trời.
TỘI, XÁC THỊT, VÀ
NGƯỜI BỀ NGOÀI
Trong câu 21,
Phao-lô nói rằng Christ bị làm nên tội vì chúng ta, hầu cho chúng ta ở trong
Ngài được trở nên sự công chính của Đức Chúa Trời. Tội ở đây thật ra đồng nghĩa
với xác thịt. Giăng 1:14 nói rằng Christ là Lời trở nên xác thịt. 2 Cô-rin-tô
5:21 nói rằng Ngài bị làm nên tội. Theo La-mã 8:3, Đức Chúa Trời sai Con Ngài
trong hình trạng xác thịt của tội. Vì thế, tội và xác thịt là đồng nghĩa. Hơn nữa,
vì xác thịt là người bề ngoài, mà người bề ngoài thì hoàn toàn là tội. Chính
chúng ta, bản thể thiên nhiên của chúng ta không gì ngoài tội. Vì Christ được
làm nên xác thịt tương đương với bản thể của Ngài bị làm nên tội. Khi lên thập
tự giá, Ngài đem xác thịt này đi theo. Điều này có nghĩa là Ngài đem chúng ta,
bản thể thiên nhiên của chúng ta, người bề ngoài của chúng ta lên thập tự giá.
Trong chương 4,
Phao-lô nói về người bề ngoài, và trong chương 5, ông nói về tội. Người bề
ngoài là xác thịt và xác thịt là tội. Do đó, người bề ngoài, xác thịt, và tội
là đồng nghĩa.
Christ trong sự nhục
hoá của Ngài bị làm nên xác thịt; tức là Ngài bị làm nên tội. Điều này cũng có
nghĩa là Ngài bị làm nên chúng ta. Khi Ngài chịu đóng đinh, Ngài đem con người
thiên nhiên của chúng ta, tức người bề ngoài, xác thịt, tội lên thập tự giá và
đóng đinh nó ở đó. Đó là thời điểm Đức Chúa Trời đoán phạt tội, xác thịt, người
bề ngoài. Khi Christ chết trên thập tự giá, Đức Chúa Trời đoán phạt người thiên
nhiên của chúng ta. Ngài đoán phạt anh em và tôi. Mục tiêu của Đức Chúa Trời
trong việc thực hiện điều này là để trong Christ chúng ta có thể trở thành sự
công chính của Đức Chúa Trời. Christ phục sinh là sự công chính, là sự phục
sinh và là Linh ban-sự-sống. Trong một Đấng như thế, chúng ta có thể trở thành
sự công chính của Đức Chúa Trời. Đây là kết quả, kết cuộc, mục tiêu chung cuộc
của sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, và đây là điều mà chức vụ giao ước mới sẽ sản
sinh.
Kết luận của những
chương này về chức vụ giao ước mới và các chấp sự của chức vụ ấy đơn giản là sự
công chính của Đức Chúa Trời. Nếp sống gia đình của anh em có là sự công chính
của Đức Chúa Trời không? Anh em có là sự công chính của Đức Chúa Trời không? Hội
thánh tại địa phương của anh em có là sự công chính của Đức Chúa Trời không?
Chúng ta tin rằng chức vụ giao ước mới đang hành động hướng đến mục tiêu của việc
làm cho chúng ta, đời sống gia đình của chúng ta, và nếp sống Hội thánh là sự
công chính của Đức Chúa Trời. Rồi khi thời đại Vương Quốc đến, sự công chính của
Đức Chúa Trời sẽ ở trên đất. Vương Quốc sẽ đem trời mới đất mới cùng với
Giê-ru-sa-lem Mới vào. Trong trời mới đất mới này, sự công chính sẽ cư ngụ. Đây
là kết quả và là sự tổng kết của chức vụ giao ước mới.
-