Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 17



ĐƯỢC GẮN KẾT, ĐƯỢC XỨC DẦU, ĐƯỢC ĐÓNG ẤN, ĐƯỢC BẮT LẤY, ĐƯỢC KHUẤT PHỤC, VÀ ĐƯỢC DẪN DẮT ĐỂ RẢI HƯƠNG THƠM CỦA ĐẤNG CHRIST (1)
Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 1:21-22; 2:14-16
Trong bài trước, chúng ta đã thấy gương mẫu về việc sống Christ vì Hội thánh. Phao-lô không phải là gương mẫu về việc sống một nền văn hoá nào đó; ông là gương mẫu về việc sống Christ vì Hội thánh. Khi nói về việc sống Christ vì Hội thánh, chúng ta cần biết Christ là ai và cũng cần biết Hội thánh là gì.
NHỮNG CÂU HỎI QUAN TRỌNG
Christ là ai? Christ là Đức Chúa Trời đã trải qua tiến trình để trở thành Linh ban-sự-sống bao-hàm-tất-cả. Cách diễn đạt ngắn gọn và chính xác này là một sự giải thích về Christ vừa theo sự khải thị Tân Ước vừa theo kinh nghiệm thuộc linh.
Chúng ta sống Christ vì mục đích gì? Chúng ta có nên sống Christ vì sự truyền bá Phúc Âm không? Vì sự thuộc linh không? Chúng ta phải sống Christ vì Hội thánh.
Vì chúng ta cần sống Christ vì Hội thánh nên chúng ta cần trả lời một câu hỏi quan trọng: Hội thánh là gì? Thứ nhất, Hội thánh là hội của những người được gọi ra khỏi. Thứ hai, Hội thánh là Thân Thể hữu cơ của Đấng Christ. Hơn nữa, Hội thánh là sự đầy đủ của Đấng Christ và cũng là sự đầy đủ của Đức Chúa Trời, là Người Mới, là nơi cư ngụ của Đức Chúa Trời và là Cô Dâu. Đây là trình tự mà Phao-lô đi theo trong Sách Ê-phê-sô. Hơn nữa, theo Sách Khải Thị, Hội thánh là Chân Đèn. Cuối cùng trong Kinh Thánh, Hội thánh được gọi là Cô Dâu. Do đó, nếu muốn biết Hội thánh là gì, chúng ta phải thấy Hội thánh là hội chúng được kêu gọi, Thân Thể hữu cơ của Đấng Christ, Sự Đầy Đủ của Đấng Christ và của Đức Chúa Trời, là Người Mới, là Nơi Cư Ngụ của Đức Chúa Trời, là Chân Đèn, và là Cô Dâu.

CHRIST VỚI HỘI THÁNH
Bây giờ tôi muốn hỏi tiếp một câu nữa, một câu hỏi dường như rất đơn giản và rất bình thường: Kinh Thánh khải thị cho chúng ta điều gì? Đặc biệt là, điều gì được khải thị trong Tân Ước? Nhiều giáo sư Cơ Đốc nói rằng Tân Ước là sự khải thị về Đấng Christ. Có lẽ một số người hiểu biết thấu đáo hơn sẽ nói rằng Tân Ước nói về Christ và Hội thánh. Tôi muốn nói rằng câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi về điều gì được khải thị trong Tân Ước, đó là Tân Ước khải thị Christ cùng với Hội thánh.
THỊT CỦA LỜI
Chúng ta cần biết Christ không chỉ theo cách bề ngoài, nhưng theo cách huyền nhiệm, thâm thuý và sâu sắc. Một số tín đồ nói rằng Christ là Đức Chúa Trời được nhục hoá làm người có tên là Jesus. Jesus này, một người từ Na-xa-rét, cuối cùng bị đóng đinh và được phục sinh. Dĩ nhiên, đây là sự thật; điều này là theo Kinh Thánh. Chúng ta tin tất cả những điều này về Christ, vì Kinh Thánh cho chúng ta biết những điều này. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng khải thị những vấn đề sâu sắc hơn liên quan đến Christ. Kinh Thánh cho chúng ta biết không chỉ những điều có thể được so với “lông” và “da”; Kinh Thánh còn khải thị những điều có thể được so sánh như “thịt”.
Nhiều loài vật sống có da hay có lông. Ngay cả tỏi cũng có những lớp da rất mỏng. Trước khi ăn tỏi, anh em cần phải bóc vỏ. Gà hay những loại chim đều có lông vũ. Khi ăn gà, chúng ta chú ý đến thịt chứ không chú ý đến lông. Có một ngạn ngữ Trung Hoa nói đến những vấn đề vô nghĩa như lông gà và vỏ tỏi. Khi chúng ta nói rằng một vấn đề nào đó có thể được so với lông gà hay vỏ tỏi thì chúng ta không có ý nói rằng vấn đề này là vô nghĩa hay vô ích. Lông gà có thể được dùng để làm gối, và vỏ tỏi có thể được dùng để làm thuốc. Mục đích của tôi trong việc dùng minh hoạ này là để nói rằng ngay cả sự khải thị thần thượng trong Kinh Thánh cũng chứa “da” và “lông”, là những vấn đề cũng cần thiết và quan trọng, tuy nhiên, chỉ là điều gì đó bề ngoài.
Chúng ta cũng dùng minh hoạ vỏ trứng. Không có vỏ thì trứng không thể tồn tại. Nhưng khi ăn trứng, chúng ta không ăn vỏ; đúng ra, chúng ta ăn những gì bên trong vỏ. Sự khải thị trong Kinh Thánh có thể được so với một quả trứng có vỏ và có ruột. Nhiều Cơ Đốc nhân tập trung chú ý đến “vỏ”. Dùng minh hoạ lông gà và vỏ tỏi, chúng ta có thể nói rằng những Cơ Đốc nhân tương tự như thế chú ý đến “lông” và “da” được tìm thấy trong Kinh Thánh. Vỏ, da, và lông tất cả đều nói đến những vấn đề có thật và quan trọng. Tuy nhiên, như chúng ta sẽ tìm cách để làm cho sáng tỏ thì những điều đó không phải là “thịt” của sự khải thị thần thượng.
Trong suốt giai đoạn được gọi là Thời Kỳ Ám Thế, từ khoảng thế kỷ thứ sáu đến thế kỷ mười sáu, Kinh Thánh bị khoá lại và thậm chí “da” và “lông” cũng bị mất luôn. Trong thời Cải Chánh, Kinh Thánh được mở ra đến một mức nào đó, và sự khải thị của Lời thần thượng là điều gì đó được khôi phục. Trong suốt thời Cải Chánh, “da” và “lông” được khôi phục; tuy nhiên, chiều sâu của Lời chưa được mở ra nhiều lắm.
ĂN THỰC PHẨM PHONG PHÚ
Chúng ta hãy dùng những ví dụ trong 1 Cô-rin-tô để minh hoạ cho những gì mà chúng ta muốn nói như “lông”, “da”, và “thịt” ở trong Lời. 1 Cô-rin-tô 1:12 chép: “Tôi có ý nói rằng trong anh em mỗi người nói: ta thuộc về Phao-lô, ta thuộc về A-bô-lô, ta thuộc về Sê-pha, và ta thuộc về Christ”. Câu này nói đến sự chia rẽ. Về sự chia rẽ, một số giáo sư thuộc Hội Anh Em nói thế này: “Trong 1 Cô-rin-tô 1:12, Phao-lô quở trách những người nói rằng họ thuộc về Sê-pha, thuộc về A-bô-lô, thuộc về Phao-lô và thuộc về Christ. Thế thì, tại sao anh em nhận lấy những cái tên như là Luther, Baptist, Trưởng Lão, hay là Wesley? Nói rằng anh em là người của Luther có nghĩa là anh em thuộc về Luther. Lời của Phao-lô không áp dụng cho việc đặt tên giáo phái sao? Sự thực hành này phải bị quở trách”. Đây là sự dạy dỗ nền tảng, lành mạnh. Tuy nhiên, sự dạy dỗ này là “da” và “lông”. Đây không phải là thịt của Lời.
Nếu muốn học ăn cách lành mạnh, chúng ta không nên ăn lông và da. Thay vì thế, chúng ta nên ăn thịt. Khi ăn, tôi chỉ ăn thịt, không ăn lông, da hoặc xương. Cùng một nguyên tắc, khi đến với 1 Cô-rin-tô chương 1, chúng ta nên chú ý không chỉ đến “lông” trong câu 12 mà còn chú ý đến “thịt” trong câu 9.
Có phải 1 Cô-rin-tô chủ yếu khải thị vấn đề chia rẽ không? Không, sự khải thị cơ bản ở đây liên quan đến sự tương giao của Con Đức Chúa Trời. Hơn nữa, chương này dạy rằng Christ, Đấng chịu đóng đinh, là sự khôn ngoan và quyền năng của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Christ này bây giờ là sự công chính, sự thánh hoá, và sự cứu chuộc hằng ngày của chúng ta. Đây là sự khải thị cơ bản trong chương 1 Sách 1 Cô-rin-tô.
Nếu muốn ăn thịt gà, chúng ta cần phải nhổ lông và lột da. Cũng vậy, nếu muốn tìm “thịt” trong 1 Cô-rin-tô chương 1, chúng ta phải vào sâu hơn lớp “lông” và “da” trong chương này. Khi đó chúng ta sẽ thấy đằng sau sự chia rẽ, đằng sau linh chia rẽ, là Đấng Christ Con Đức Chúa Trời như phần hưởng của chúng ta và thấy rằng Ngài là sự khôn ngoan và quyền năng của Đức Chúa Trời, Ngài có thể được vui hưởng như sự công chính, sự thánh hoá, và sự cứu chuộc hằng ngày của chúng ta. Tất cả chúng ta cần thấy Christ theo cách này và cần ăn thực phẩm phong phú đó. Nếu vẫn còn ở trong câu 12, tập trung vào vấn đề chia rẽ, chúng ta sẽ chỉ có “lông” và “da”. Chúng ta sẽ không vui hưởng “thịt” lành mạnh—tức Christ là phần hưởng của chúng ta. Tôi có thể làm chứng rằng khi đọc 1 Cô-rin-tô chương 1, tôi không chỉ chú ý đến “da” chia rẽ; mà nhiều hơn thế, tôi vui hưởng Đấng Christ chịu đóng đinh là phần hưởng của tôi và là sự công chính, sự thánh hoá, và sự cứu chuộc của tôi.
Nhiều Cơ Đốc nhân đã không nhìn thấy “thịt” trong chương 1. Một số người chỉ thấy “lông”; những người khác thì vào sâu hơn một chút, nhìn thấy “da”. Nhưng khi tôi nói với tín đồ rằng họ phải vượt qua “da” và “lông” để chạm đến “thịt”, thì một số người vấp phạm và thậm chí chống đối tôi. Họ giống như cháu nội tôi phàn nàn khi tôi bảo chúng ăn thịt gà chứ đừng ăn da. Trong chức vụ của tôi, tôi đang cố hết sức chỉ cho dân của Chuá thấy “thịt” nằm dưới lớp “lông” và “da”.
CUNG ỨNG THỊT CỦA LỜI
Gần đây, tôi đọc một bài báo buộc tội tôi phá hoại sự thực hành lễ giáng sinh. Thực ra, tôi không có ý định tấn công sự thực hành lễ giáng sinh. Thời gian của tôi hoàn toàn bị chiếm lấy bởi việc cung ứng Christ cho người khác. Nhưng trong khi tôi đang cung ứng Christ, thì lễ giáng sinh tự động bị vạch trần. Vâng, tôi đã nói rằng chúng ta nên tuyệt đối quan tâm đến Christ và quên đi cái gọi là lễ giáng sinh. Tôi cũng đã nói rằng chúng ta nên là Cơ Đốc nhân, chứ đừng quan tâm đến “giáo phái nào” của Cơ Đốc giáo. Chắc chắn tôi không quan tâm đến việc chống đối lễ giáng sinh hay Cơ Đốc giáo. Tuy nhiên, trong chức vụ của tôi, tôi đã nói rằng chúng ta nên quan tâm đến Christ và nên là những Cơ Đốc nhân thật sự chứ đừng liên quan gì đến “lễ lộc” hay “giáo phái” gì cả. Khi có người nghe như thế, họ buộc tội tôi chống lại Cơ Đốc giáo và huỷ hoại sự thực hành lễ giáng sinh.
Thật ra, lễ giáng sinh và hệ thống Cơ Đốc giáo bao gồm nhiều điều mà thậm chí không phải là “lông” và “da” thật sự trong Kinh Thánh. Christ được sinh ra trong máng cỏ và lớn lên ở Na-xa-rét là sự kiện có thật. Đây chắc chắn là lẽ thật trong Kinh Thánh; tuy nhiên, chúng chỉ là “lẽ thật-lông” hoặc “lẽ thật-da”, chứ không phải là “lẽ thật-thịt”. Có một ví dụ về “lẽ thật-thịt” ở trong Giăng 1:1 và 14. Những câu này tuyên bố rằng Lời, tức Đức Chúa Trời đã trở nên xác thịt và đóng trại giữa chúng ta, đầy ân điển và thực tại. Giăng 1:16 nói tiếp: “Bởi từ trong sự đầy dẫy của Ngài mà chúng ta đều nhận được cả, và ân điển gia trên ân điển”. Câu 4 của chương này nói như vầy: “Trong Ngài có sự sống, và sự sống là sự sáng của loài người”. Trong những câu này, chúng ta có “thịt” chứ không có “lông” hay “da”.
Trong Sách Phúc Âm Giăng chương 14 và 15, chúng ta tìm thấy nhiều “thịt” hơn nữa. Giăng 14:23 chép: “Nếu ai thương yêu Ta thì sẽ giữ Lời Ta, Cha Ta sẽ thương yêu người, Chúng Ta sẽ đến cùng người và lập cư với người”. Câu này không nói về lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh hay hệ thống Cơ Đốc giáo. Những câu khác trong Phúc Âm Giăng cũng không nói về những điều đó. Câu này tuyên bố rằng Con và Cha sẽ lập cư với những người yêu Chuá Jesus. Hơn nữa, trong Giăng 15:4, Chuá nói: “Hãy cứ ở trong Ta, Ta cũng ở trong các ngươi”. Trong chương này, Ngài cũng nói: “Ta là cây nho, các ngươi là nhánh” (c.5). Những câu như thế không có “lông” hay “da”. Đúng hơn, những câu này đầy dẫy “thịt” nuôi dưỡng.
Khi anh em ăn thịt gà trong bữa ăn tối, anh em chú ý đến da hay thịt? Chắc chắn tất cả chúng ta đều tập trung vào thịt. Nếu vợ tôi phục vụ tôi một bữa ăn da gà, tôi sẽ không vui. Tuy nhiên, vợ tôi sẽ không bao giờ làm như thế. Thay vì thế, cô ấy sẽ phục vụ thịt gà bổ dưỡng. Tôi vui hưởng loại thịt này, và tôi được mạnh mẽ và được cung ứng bởi điều đó.
Anh em có loại Kinh Thánh nào? Kinh Thánh của anh em chỉ là một cuốn sách “lông” hoặc “da”, hay Kinh Thánh của anh em là một cuốn sách “thịt” nhiều hơn? Chúng ta nên cẩn thận về cách trả lời cho câu hỏi này. Câu trả lời tốt nhất là nói: “Kinh Thánh của tôi không chỉ là cuốn sách “lông” và “da” mà còn là cuốn sách đầy “thịt””. Gà cần có lông, da cũng như thịt. Không có lông và da, gà không thể lớn lên. Cũng vậy, chúng ta có trong Kinh Thánh “lông”, “da” và “thịt”. Nhưng bi kịch giữa vòng Cơ Đốc nhân ngày nay là họ quan tâm đến “lông” và “da”, chứ không quan tâm nhiều đến “thịt”. Do đó, gánh nặng của tôi là cung cấp “thịt” của Lời cho dân Chuá.
DỰ TIỆC CHRIST
Trong Sách 1 Cô-rin-tô có nhiều “lông” và có rất nhiều “da”. Nhưng trong ẩm thực thuộc linh, chúng ta cần chú ý nhiều đến “thịt”. Hầu hết những người đọc 1 Cô-rin-tô chương 5 đều chú ý đến cái “lông” không đẹp, tức trường hợp của một anh em phạm tội loạn luân. Đọc chương này, chúng ta không thể tránh khỏi vấn đề đó. Nhưng đây không chỉ là vấn đề được đề cập trong chương này. Trong câu 7 và 8, Phao-lô nói: “Vì Christ là con sinh Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi. Vậy nên, chúng ta hãy giữ lễ (tiệc)…” Lời của Phao-lô về Lễ Vượt Qua và giữ Tiệc không phải là “da” hay “lông”, mà là “thịt”. Ở đây, Phao-lô chỉ ra rằng chúng ta đang giữ tiệc bánh không men. Christ là Lễ Vượt Qua của chúng ta và là Tiệc bánh không men của chúng ta. Chúng ta có thể vui hưởng Ngài và dự tiệc Ngài suốt đời sống Cơ Đốc.
Tiệc bánh không men kéo dài trong 7 ngày. Bảy ngày này hình bóng cho toàn bộ hành trình của đời sống Cơ Đốc. Do đó, trong suốt cả đời sống Cơ Đốc, Christ là Tiệc của chúng ta, là bánh không men của chúng ta. Càng dự tiệc Ngài, chúng ta càng trở thành không men.
GIÚP ĐỠ TRONG VIỆC NGHIÊN CỨU KINH THÁNH
Bằng cách so sánh “thịt” trong 1 Cô-rin-tô chương 5 với “lông”, chúng ta học cách đúng đắn để nghiên cứu Kinh Thánh. Khi đọc Kinh Thánh, chúng ta cần chú ý không chỉ đến “lông” và “da”, nhưng chú ý nhiều hơn đến “thịt”. Tôi hi vọng rằng những từ về “lông”, “da” và “thịt” sẽ giúp ích chúng ta trong việc đọc Lời Đức Chúa Trời.
NHỮNG PHƯƠNG DIỆN CỦA GƯƠNG MẪU
Trong bài trước, chúng tôi đã chỉ ra rằng Phao-lô là gương mẫu của một người sống Christ vì Hội thánh. Bây giờ chúng ta phải hỏi tiếp: Phao-lô, một gương mẫu như thế là loại người gì. Câu trả lời là Phao-lô là một người được gắn kết, một người gắn kết với Christ, Đấng được Xức Dầu. Trong 2 Cô-rin-tô 1:21 Phao-lô nói: “Vả, Đấng làm cho vững bền (gắn kết) chúng tôi với anh em trong Christ, và đã xức dầu cho chúng tôi, ấy là Đức Chúa Trời”. Bất cứ ai không được gắn kết với Christ, bất cứ người nào không gắn kết thì không thể sống Christ vì Hội thánh. Nếu muốn sống Christ vì Hội thánh, chúng ta phải học tập Phao-lô như là gương mẫu của chúng ta để làm người gắn kết với Christ.
Theo 1:21, những người được gắn kết với Christ thì được Đức Chúa Trời xức dầu. Do đó, người sống Christ vì Hội thánh phải là người được xức dầu. Được giáo dục, được hướng dẫn, và được huấn luyện thì chưa đủ; chúng ta phải được xức dầu. Nếu không được xức dầu, chúng ta không thể sống Christ vì Hội thánh. Tất cả chúng ta cần được xức dầu.
Trong 1:22, Phao-lô nói tiếp rằng Đức Chúa Trời “cũng đóng ấn cho chúng tôi, và ban Linh trong lòng chúng tôi để làm của đặt cọc”. Người sống Christ vì Hội thánh cũng là người được Đức Chúa Trời đóng ấn. Được Đức Chúa Trời đóng ấn có nghĩa là được Ngài sở hữu, được Ngài chiếm hữu. Nếu chưa được Đức Chúa Trời đóng ấn, chúng ta không thể sống Christ vì Hội thánh.
Trong 2:14 Phao-lô nói rằng: “Song tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài lãnh đạo chúng tôi cách khải hoàn trong Đấng Christ luôn luôn, và bởi chúng tôi mà rải mùi thơm về sự tri thức Ngài khắp chốn”. Như chúng tôi đã chỉ ra, động từ “lãnh đạo chúng tôi cách khải hoàn” có nghĩa là dẫn một người là phu tù trong cuộc diễu hành khải hoàn. Do đó, trong câu này, Phao-lô nói đến việc bị Đấng Christ bắt giữ. Theo quan điểm con người, bị bắt không phải là điều tốt. Không ai muốn làm phu tù. Nhưng chúng ta cần bị Chuá bắt lấy để chúng ta có thể sống Christ vì Hội thánh.
Chúng ta cũng cần bị khuất phục. Tuy nhiên, không có anh em cũng không có chị em nào muốn bị khuất phục. Chắc chắn là rất khó để một phụ nữ trẻ bị chồng mình khuất phục. Đúng ra, thái độ của chị có thể là thái độ mà cho dù chị đã có chồng, chị cũng không có ý định khuất phục chồng. Nói cách tự nhiên, không ai trong chúng ta muốn bị khuất phục. Đối với chúng ta, bị khuất phục là bị bẽ mặt. Tuy nhiên, nếu muốn sống Christ vì Hội thánh, chúng ta phải bị khuất phục. Bị Chúa khuất phục thì không bẽ mặt nhưng được vinh hiển.
Cuối cùng, nếu muốn sống Christ vì Hội thánh, chúng ta phải được Ngài lãnh đạo. Chúng ta cần bị bắt lấy, bị khuất phục, và bị dẫn đi. Tuy nhiên, chúng ta thích dẫn dắt người khác hơn, chứ không thích bị người khác dẫn dắt. Nếu muốn sống Christ vì Hội thánh, tất cả chúng ta cần bị dẫn đi.
Về việc sống Christ vì Hội thánh, chúng ta đã liệt kê 6 vấn đề: được gắn kết, được xức dầu, được đóng ấn, bị bắt lấy, bị khuất phục và bị dẫn dắt. Như sẽ thấy trong bài sau, tất cả những điều này là để chúng ta có thể rải hương thơm của Đấng Christ.
--