Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 35



MANG SỰ CHẾT CỦA JESUS VÀ SỰ ĐỔI MỚI NGƯỜI BỀ TRONG (3)
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 4:10-18
Trong 4:10 Phao-lô nói: “thân thể hằng mang sự chết của Jesus hầu cho sự sống của Jesus cũng được tỏ ra trong thân thể chúng tôi”. Trong câu 16, Phao-lô nói tiếp: “Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ càng ngày càng đổi mới”. Kinh nghiệm việc mang lấy sự chết của Jesus dẫn đến việc đổi mới người bề trong.
NGƯỜI BỀ NGOÀI VÀ NGƯỜI BỀ TRONG
Người bề trong là gì? Thật khó mà giải thích người bề trong là gì. Hơn bốn mươi năm, tôi đã suy xét và nghiên cứu ý nghĩa của người bề ngoài và người bề trong trong 4:16. Một số văn phẩm nói rằng người bề ngoài nói đến người thiên nhiên của chúng ta và người bề trong nói đến người thuộc linh. Tôi không nói rằng sự hiểu biết này là sai; tuy nhiên, sự hiểu biết đó khá mơ hồ.
Nếu suy xét văn cảnh của chương này, người bề ngoài cơ bản có nghĩa là thân thể vật lí. Trong câu 10, Phao-lô nói: “thân thể hằng mang sự chết của Jesus”, và câu 11 ông đề cập đến xác thịt hay chết. Thân thể hằng mang sự chết của Jesus tương đương với sự tiêu hao, sự hao mòn người bề ngoài. Do đó, người bề ngoài trong câu 16 chủ yếu nói đến thân thể.
Cũng vậy, người bề trong trong câu này phải nói đến linh được tái sinh của chúng ta, như được chỉ ra trong câu 13, ở đó Phao-lô dùng cách diễn đạt “đồng một linh của đức tin”. Như chúng tôi đã chỉ ra, linh ở đây là linh hòa quyện, tức nhân linh được tái sinh hòa quyện với Thánh Linh. Thân thể sẽ bị tiêu hao nhưng linh tái sinh sẽ được đổi mới mỗi ngày. Theo văn cảnh người bề ngoài chủ yếu là thân thể còn người bề trong chủ yếu là linh được tái sinh.

Người bề ngoài bao gồm thân thể và hồn chúng ta, với thân thể là cơ quan và hồn là sự sống và thân vị. Người bề trong bao gồm linh tái sinh và hồn được đổi mới của chúng ta với linh tái sinh là sự sống và thân vị còn hồn được đổi mới là cơ quan. Sự sống hồn phải bị từ chối (Mat. 16:24-25), nhưng chức năng của hồn như tâm trí, ý chí, tình cảm phải được đổi mới và được nâng cao bởi được khuất phục (2Cô. 10:4-5) để được linh sử dụng, tức là thân vị của người bề trong. Theo lời của Phao-lô trong câu 16, người bề ngoài đang bị tiêu hao, đang bị tiêu trừ và đang bị hao mòn. Bởi sự giết chết liên tục, tức là công tác của sự chết mà người bề ngoài của chúng ta, tức là thân thể vật chất của chúng ta với hồn đầy sinh khí của nó (1Cô. 15:44) đang bị tiêu hao và hao sờn. Người bề ngoài với thân thể là cơ quan và sự sống hồn là sự sống và thân vị, phải bị tiêu hao.
Tất cả chúng ta đều cần có người bề ngoài. Khi Chuá Jesus sống trên đất, Ngài cũng có người bề ngoài. Người bề ngoài của Ngài cần phải bị tiêu hao.
Trong câu 16, Phao-lô cũng nói rằng người bề trong đang được đổi mới hằng ngày. Sự đổi mới này của người bề trong diễn ra khi người bề trong được nuôi dưỡng bằng sự cung ứng tươi mới sự sống phục sinh. Khi thân thể hay chết của chúng ta, người bề ngoài của chúng ta, đang bị tiêu hao bởi công tác giết chết của sự chết, người bề trong của chúng ta, tức là linh tái sinh với các phần bên trong của bản thể chúng ta (Giê. 31:33; Hê. 8:10; La. 7:22, 25) đang được đổi mới theo cách trao đổi chất mỗi ngày với sự cung ứng sự sống phục sinh. Khi người bề trong được đổi mới, các chức năng của hồn—tâm trí, tình cảm và ý chí—cũng được đổi mới.
TIÊU TRỪ NGƯỜI BỀ NGOÀI
Bây giờ chúng ta hãy áp dụng vấn đề này cho đời sống hằng ngày của mình, nhất là đối với nếp sống gia đình và nếp sống Hội thánh. Giả sử một anh em và một chị em trẻ trong nếp sống Hội thánh cưới nhau. Anh em này mạnh mẽ, khoẻ mạnh, thông minh và đầy năng lực. Sẽ không mất nhiều thời gian để chị em đó khám phá ra rằng chồng chị là một người mạnh mẽ với sự sống thiên nhiên mạnh mẽ. Người bề ngoài của anh bao gồm một thân thể đầy năng lực và một hồn mạnh mẽ. Người bề ngoài này phải kinh nghiệm việc mang sự chết của Jesus. Chuá sẽ dùng vợ của anh em này để làm tiêu hao người bề ngoài của anh. Đồng thời Ngài cũng dùng anh em này để làm tiêu hao người bề ngoài của chị.
Người bề ngoài không xứng đáng được gây dựng, được làm cho mạnh mẽ, được tôn cao hay được ca ngợi. Khi Chuá Jesus còn trên đất, Ngài không cần để cho người bề ngoài được tôn cao. Trái lại, điều Ngài cần là để cho người bề ngoài bị đặt vào chỗ chết. Bởi vì tất cả chúng ta đều có người bề ngoài mạnh mẽ nên chúng ta cần kinh nghiệm việc mang sự chết của Jesus.
Trong nếp sống Hội thánh, tôi đã khám phá ra rằng người bề ngoài của các chị em thậm chí còn mạnh hơn người bề ngoài của các anh em. Vì lí do này, một chị em bị đặt trên thập tự giá luôn khó hơn một anh em. Dường như trường hợp của chị em cần nhiều đinh hơn. Người bề ngoài của anh em có thể ví như thuỷ tinh nhưng người bề ngoài của chị em có thể ví như cao su. Làm vỡ cái ly thuỷ tinh thì dễ dàng hơn làm đứt cao su. Nhưng dù người bề ngoài của chúng ta như thuỷ tinh hay như cao su thì không ai trong chúng ta dễ vỡ cả. Dường như một số thánh đồ nào đó cần sự đóng đinh lâu dài, vì người bề ngoài của họ quá dai. Một số anh chị em ở trong nếp sống Hội thánh hai mươi năm nhưng người bề bề ngoài của họ vẫn chưa bị phá vỡ. Họ không chú ý gì đến việc bị phá vỡ. Dường như họ luôn luôn có khả năng tránh bị đặt trên thập tự giá.
Càng kinh nghiệm sự tiêu hao, bị đặt vào chỗ chết của người bề ngoài, người bề trong của chúng ta càng được đổi mới. Linh tái sinh của chúng ta với tâm trí, tình cảm, và ý chí được đổi mới cần được phục sinh, được phát triển, được mở rộng, và được làm cho tươi mới. Do đó, đang khi người bề ngoài bị tiêu hao thì người bề trong đang được phục sinh, đang được đổi mới, và được phát triển.
Sự sống mà có thể thực hiện chức vụ giao ước mới là sự sống để người bề ngoài mang lấy sự chết và người bề trong được đổi mới và được phục sinh. Thực ra, loại sự sống này là chức vụ giao ước mới. Sự sống này và chức vụ này rất cần cho sự khôi phục của Chuá ngày nay. Chỉ loại chức vụ này mới có thể truyền sự sống vào trong người khác, mới có thể cung ứng Christ cho người khác như là Linh ban-sự-sống và như là sự công chính. Ân tứ, khả năng, hoạt động năng nổ, những công tác cần mẫn—không có điều nào có ích lợi cả. Điều duy nhất cần thiết là sự sống chịu đóng đinh, sự sống với người bề ngoài liên tục kinh nghiệm việc mang lấy sự chết của Jesus hầu cho những phần bên trong của bản thể chúng ta có thể phục sinh, được tươi mới, và được phát triển.
Tôi hi vọng rằng tất cả chúng ta đều được ấn tượng bởi vấn đề chức vụ giao ước mới không phải là vấn đề tài năng hay khả năng. Chức vụ này hoàn toàn là vấn đề sự sống. Trong loại sự sống này, bản thể thiên nhiên bị đặt vào chỗ chết để bản thể thuộc linh có thể được phục sinh, được đổi mới, và được phát triển. Sự sống này rất cần thiết cho sự khôi phục của Chuá ngày nay.
NHIỀU LOẠI CHỊU KHỔ KHÁC NHAU
Trong những bài trước và bài này, chúng ta đã nói nhiều về việc mang lấy sự chết của Jesus. Tôi e ngại rằng một số thánh đồ có thể hiểu lầm vấn đề này. Có thể họ nghĩ rằng mỗi loại chịu khổ là một kinh nghiệm mang lấy sự chết của Jesus. Chẳng hạn như khi họ hát Thánh Ca như bài 626 “Mỗi Khổ Đau Trong Đời”, họ không hiểu biết đúng đắn về Thánh Ca này cũng không hiểu về những gì Phao-lô muốn nói về việc mang sự chết của Jesus. Do đó, để tránh hiểu lầm, tôi muốn chỉ ra rằng không phải tất cả những nỗi khổ mà Cơ Đốc nhân kinh nghiệm là cùng một phạm trù. Thật ra, có ít nhất ba loại chịu khổ mà Cơ Đốc nhân có thể kinh nghiệm. Bây giờ, chúng ta hãy xem các phạm trù này.
CHỊU KHỔ TRONG SÁNG TẠO CŨ
Loại chịu khổ thứ nhất là loại thông thường với cả nhân loại. Dĩ nhiên, Cơ Đốc nhân không chỉ là những người chịu khổ. Mọi người đều khổ. Chịu khổ mang tính phổ thông vì sự sa ngã của con người. Bởi sự sa ngã mà cõi sáng tạo trở nên cũ kỹ. Đây là một tình trạng hết sức tiêu cực, vì sự cũ kỹ trong cõi sáng tạo cho thấy rằng cõi sáng tạo đã bị sa ngã, hư hoại và hư nát. Cùng với sáng tạo cũ và con người sa ngã, có rất nhiều tai hoạ và bệnh tật. Vì chúng ta sống trong sáng tạo cũ, sa ngã nên chúng ta phải chịu bệnh tật. Một số người có thể nhiễm lao. Một số người khác thì phát triển ung thư. Chúng ta không nên cho rằng một người là nạn nhân của những bệnh tật như thế vì họ gian ác. Không, bệnh tật là một trong những tai hoạ thông thường trong vũ trụ sa ngã này. Tín đồ và người không tin đều là con người, và là con ngườ, chúng ta không thể tránh khỏi tai hoạ.
Khi ai đó nghe những lời này về bệnh tật và tai hoạ, có thể họ nói “Đức Chúa Trời không bảo vệ chúng ta sao?” Có chứ, Đức Chúa Trời bảo vệ chúng ta. Tuy nhiên, khi tai hoạ giáng xuống thì mọi người, tín đồ cũng như người không tin đều phải chịu.
Loại chịu khổ thứ nhất này chắc chắn không phải là điều mà Phao-lô muốn nói là mang sự chết của Jesus. Đừng áp dụng sự chịu khổ do tai hoạ gây ra trong sáng tạo cũ vào việc mang lấy sự chết của Jesus trong 2 Cô-rin-tô chương 4. Nếu áp dụng việc mang lấy sự chết của Jesus theo cách này thì tất cả những người không tin đều kinh nghiệm việc mang sự chết của Jesus vì họ cũng chịu khổ từ bệnh tật và tai hoạ. Hiểu việc mang lấy sự chết của Jesus có nghĩa là chịu khổ thông thường đối với mọi người vì tai hoạ trong sáng tạo cũ sẽ là một sai lầm nghiêm trọng.
CHỊU KHỔ VÌ CÁC TỘI PHẠM VÀ SAI LẦM
Loại chịu khổ thứ hai mà Cơ Đốc nhân kinh nghiệm là sự chịu khổ đến từ tội phạm và những sai lầm. Nếu chúng ta bất cẩn hoặc ngu dốt trong việc thực thi trách nhiệm của mình thì có thể chúng ta chịu một loại mất mát nào đó. Ví dụ, có thể một anh em có một việc làm đòi hỏi anh có mặt tại công sở vào một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, có thể anh thường xuyên đi làm muộn. Hậu quả là anh bị sa thải. Điều này có thể được xem như là một loại chịu khổ. Nhưng đó là sự chịu khổ vì bất cẩn. Nếu bị mất việc vì lí do đó thì không nên nói rằng sự chịu khổ này là mang sự chết của Jesus. Sự chịu khổ này chẳng liên quan gì đến việc mang sự chết của Jesus. Sự chịu khổ này là do không hoàn thành trách nhiệm.
Trong 4:10, Phao-lô nói mang sự chết của Jesus. Rồi trong câu 11 ông nói: “Bởi chúng tôi là kẻ sống, vì cớ Jesus mà hằng bị nộp cho sự chết hầu cho sự sống của Jesus, cũng được tỏ ra trong xác thịt hay chết của chúng tôi”. Tôi muốn anh em chú ý đến những từ “vì cớ Jesus”. Việc mang sự chết của Jesus trong câu 10 được dùng cách hoán đổi với những từ bị nộp cho sự chết vì cớ Jesus trong câu 11. Điều này có nghĩa là việc mang sự chết của Jesus liên quan đến sự chịu khổ vì cớ Jesus. Anh em nào mất việc vì bất cẩn và vô trách nhiệm thì không phải bị sa thải vì cớ Jesus. Không nên đổ thừa điều này cho Jesus. Anh em ấy bị sa thải vì bất cẩn. Thật không công bằng nếu xem loại chịu khổ đó là mang sự chết của Jesus, tức chịu khổ vì cớ Jesus. Chịu khổ vì các tội phạm hay sai lầm không phải là kinh nghiệm mang sự chết của Jesus.
Để làm cho vấn đề này rõ ràng hơn, chúng ta hãy dùng một minh hoạ khác. Giả sử anh em không khoá cửa nhà khi đi nhóm. Thực ra là anh em quên đóng cửa. Trong khi anh em đang nhóm, có người vào nhà, ăn cắp đồ đạc và gây nhiều hư hoại. Khi xem xét những hư hỏng và mất mát, anh em không nên nói rằng “Ngợi khen Chuá, đây là kinh nghiệm của việc mang lấy sự chết của Jesus”. Một lần nữa, loại chịu khổ và mất mát đó không phải là mang sự chết của Jesus. Anh em không nên đổ thừa loại mất mát đó cho Jesus, hay nghĩ rằng anh em đang kinh nghiệm việc mang lấy sự chết của Jesus. Khi anh em chịu khổ thuần tuý vì cớ Jesus và vì Hội thánh, tức Thân Thể, thì đó mới là mang sự chết của Jesus.
Khi hát Thánh Ca như bài “Mỗi Khổ Đau Trong Đời”, chúng ta cần cẩn thận không được vô tình đem chủ nghĩa khổ hạnh vào. Chủ nghĩa khổ hạnh liên quan đến việc tự giết chết dần dần, từ từ, đều đặn giống như được mô tả trong sách Bắt Chước Đấng Christ. Sách đó chứa đựng một yếu tố mạnh mẽ về chủ nghĩa khổ hạnh. Khi người thực hành chủ nghĩa khổ hạnh nói về việc mang thập tự giá, thật ra họ đang nói về việc tự giết chết. Chúng ta không nên có quan điểm chủ nghĩa khổ hạnh khi hát Thánh Ca “Mỗi Khổ Đau Trong Đời”. Thật ra, hát Thánh Ca này trong mối liên hệ về việc mang lấy sự chết của Jesus có thể cho thấy rằng sự hiểu biết của chúng ta về việc mang lấy sự chết của Jesus là không chính xác. Mang lấy sự chết của Jesus không phải là vấn đề chịu khổ thông thường. Thật ra, làm cho chúng ta chịu khổ không phải là mục đích của việc mang lấy sự chết của Jesus mà là để tiêu hao người bề ngoài.
MANG SỰ CHẾT CỦA JESUS
Lĩnh vực thứ ba của sự chịu khổ mà Cơ Đốc nhân kinh nghiệm là mang sự chết của Jesus. Phao-lô kinh nghiệm điều này không phải vì ông sai trật. Trái lại, ông đúng đắn mọi bề. Tuy nhiên, ông bị đè nén, bị túng thế, bị ngược đãi, và bị giảm hạ. Nhưng tất cả những điều này là vì cớ Jesus, vì cớ Thân Thể, và vì cớ chức vụ giao ước mới.
Phao-lô và những sứ đồ khác không sai trật, và những sự chịu khổ cụ thể này chẳng liên quan gì đến bất cứ lỗi lầm nào của họ. Nhưng họ vẫn còn người bề ngoài và người bề ngoài này cần bị tiêu hao.
Khi Chuá Jesus sống trên đất, Ngài không phạm lỗi lầm nào và Ngài không sai trật trong bất cứ điều gì. Nhưng Ngài có người bề ngoài cần phải được tiêu hao. Do đó, mang sự chết của Jesus không phải là một hình phạt, một sự sửa sai hay kỷ luật. Những điều này liên hệ đến lĩnh vực thứ hai về sự chịu khổ Cơ Đốc. Sửa sai chúng ta, hình phạt chúng ta, hay kỷ luật chúng ta không phải là mục tiêu của việc mang sự chết của Jesus. Tai hoạ thiên nhiên bên ngoài cũng không phải. Thay vì thế, chính loại ngược đãi, quá trình hành động hay sự xử lí đến trên chúng ta là để tiêu hao con người thiên nhiên, người bề ngoài, xác thịt của chúng ta, hầu cho người bề trong có thể có cơ hội phát triển và được đổi mới.