Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 15



GƯƠNG MẪU VỀ VIỆC SỐNG CHRIST VÌ HỘI THÁNH (1)
Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 1:8-9, 12, 17-22
Đức Chúa Trời chúng ta luôn luôn tiến lên. Vì lí do này, chúng ta không nên ở mãi trong ngày hôm qua hay cố gắng sống trong ngày mai. Chúng ta nên sống trong ngày hôm nay. Những Cơ Đốc nhân đúng đắn không có ngày hôm qua và cũng không có ngày mai. Chúng ta chỉ có ngày hôm nay. Do đó, Kinh Thánh nói: “Đang khi còn gọi là ngày nay” (Hê. 3:13). Đức Chúa Trời không phải là Đức Chúa Trời của ngày hôm qua hay là Đức Chúa Trời của ngày mai; Ngài là Đức Chúa Trời của ngày hôm nay. Mỗi ngày Đức Chúa Trời đang tiến lên, đang chuyển động. Do đó, chúng ta cần mở ra cho sự phát ngôn của Đức Chúa Trời ngày hôm nay. Sự phát ngôn của Đức Chúa Trời là sự tiến lên của Ngài.
Tựa đề của bài này là “Gương Mẫu Về Việc Sống Christ Vì Hội thánh”. Sống Christ vì Hội thánh thật lạ lùng làm sao! Tôi tin rằng trước năm 1980, không ai trong chúng ta biết thành ngữ này “sống Christ vì Hội thánh”. Câu nói này chỉ mới có gần đây. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ quan tâm đến việc sống Christ vì Hội thánh mà còn quan tâm việc nhìn thấy một gương mẫu của việc sống Christ vì Hội thánh. Phao-lô là gương mẫu của việc sống Christ vì Hội thánh.

MỘT SÁCH NÓI VỀ VIỆC SỐNG CHRIST VÌ HỘI THÁNH
Trong 1 Cô-rin-tô, chúng ta thấy vấn đề sống Christ vì Hội thánh, nhưng chỉ trong 2 Cô-rin-tô chúng ta mới có gương mẫu của việc sống Christ vì Hội thánh. Tôi muốn nhờ anh em xem xét điều gì đã được khải thị trong mười sáu chương của 1 Cô-rin-tô. Những chương này khải thị cách vui hưởng Christ, cách để nhận lấy Christ như sự sống của chúng ta, cách để sống Christ hầu chúng ta có thể có Hội thánh và để Ngài có thể có Thân Thể nhằm hoàn thành mục đích đời đời của Đức Chúa Trời. Không bao nhiêu người đọc Kinh Thánh thấy rằng 1 Cô-rin-tô là Sách nói về việc sống Christ vì Hội thánh.
Trong Nghiên Cứu Sự Sống Sách 1 Cô-rin-tô, tôi đã chỉ ra rằng 1 Cô-rin-tô giải quyết nhiều nan đề. Những nan đề này thuộc về hai lĩnh vực: những nan đề trong lĩnh vực đời sống con người và những nan đề trong lĩnh vực quản trị thần thượng. Có một đời sống con người đúng đắn thì rất quan trọng. Dĩ nhiên, sự quản trị thần thượng là rất thiết yếu. Đương nhiên chúng ta cần có đời sống con người đúng đắn để thực hiện sự quản trị của Đức Chúa Trời. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể có một đời sống con người như thế, và làm thế nào chúng ta có thể thực hiện sự quản trị của Đức Chúa Trời? Bởi loại sự sống nào mà chúng ta có thể có một đời sống con người đúng đắn, và bởi phương tiện gì, bởi công cụ gì, chúng ta có thể thực hiện được sự quản trị thần thượng? Christ là yếu tố để giải quyết những nan đề trong lĩnh vực đời sống con người, và Hội thánh là nhân tố để giải quyết những vấn đề liên quan đến sự quản trị thần thượng.
GIẢI PHÁP DUY NHẤT
Christ là thuốc kháng sinh thần thượng, thiên thượng giết chết những vi trùng tiêu cực bên trong chúng ta. Vì sự sa ngã, những con vi trùng này đã vào trong nếp sống gia đình của chúng ta và cũng vào trong nếp sống Hội thánh. 1 Cô-rin-tô khải thị rằng Hội thánh tại Cô-rin-tô đã bị những con vi trùng tiêu cực này xâm chiếm. Hậu quả là sự phá hoại và sự hư nát. Christ là “thuốc kháng sinh” duy nhất có thể xử lí những con vi trùng này cách hiệu quả. Vì thế trong mười chương đầu Sách 1 Cô-rin-tô, chúng ta thấy Christ là nhân tố, yếu tố, “thuốc” để chữa lành tất cả những nan đề trong đời sống con người và chữa trị những căn bệnh trong nếp sống Hội thánh.
Hội thánh tại Cô-rin-tô quả là đã bị bệnh. Về mặt thuộc linh, các thánh đồ đã chịu khổ vì những căn bệnh như thế chẳng hạn như là sự chia rẽ, sự công bố quyền hạn, sự gian dâm và lạm dụng quyền-được-Đức Chúa Trời-ban cho trong việc ăn uống và cưới gả. Điều gì có thể chữa trị những tín đồ mắc những căn bệnh này? Cách chữa trị duy nhất là Christ, tức dược liệu thần thượng.
PHẦN HƯỞNG CỦA CHÚNG TA
Chúng ta hãy ôn lại điều được đề cập trong các chương từ 1 đến 10 của Sách 1 Cô-rin-tô về Christ là thuốc kháng sinh để chữa trị tất cả những căn bệnh trong Hội thánh. Thứ nhất, Christ là phần hưởng duy nhất của chúng ta, là Đấng mà trong sự tương giao của Ngài, chúng ta được Đức Chúa Trời kêu gọi (1Cô. 1:2, 9). 1 Cô-rin-tô 1:2 nói rằng “Christ là của họ và của chúng ta”. Câu 9 chép: “Đức Chúa Trời là thành tín, do Ngài anh em đã được kêu gọi đến sự tương giao với Con Ngài, là Jesus Christ, Chuá chúng ta”. Vì Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta đến sự tương giao của Con Ngài nên Con bây giờ là phần hưởng của chúng ta.
SỰ CÔNG CHÍNH, SỰ THÁNH HOÁ VÀ SỰ CỨU CHUỘC HẰNG NGÀY CỦA CHÚNG TA
Trong 1 Cô-rin-tô 1:30, chúng ta thấy một số phương diện nào đó của phần hưởng này: “Nhưng ấy là nhờ Ngài mà anh em được ở trong Christ Jesus, là Đấng đã trở nên sự khôn ngoan cho chúng ta từ Đức Chúa Trời: cả sự công nghĩa, sự nên thánh, và sự cứu chuộc cho chúng ta” (Rcv). Christ là quyền năng của Đức Chúa Trời và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời (1Cô. 1:24). Là sự khôn ngoan cho chúng ta từ Đức Chúa Trời, Christ trở thành sự công chính, sự thánh hoá, và sự cứu chuộc hằng ngày của chúng ta. Hằng ngày, chúng ta có thể vui hưởng Christ là sự công chính của mình. Nếu vui hưởng Ngài theo cách này, chúng ta có thể tuyên bố: “Hỡi thiên sứ, ma quỉ và tất cả mọi người, tôi đúng đắn với Đức Chúa Trời và con người. Tôi đúng đắn với gia đình và với tất cả những anh chị em trong Hội thánh. Đây là lời chứng của tôi vì hằng ngày Christ là sự công chính của tôi”.
Chúng ta cũng có thể làm chứng rằng Christ là sự thánh hoá và sự thánh biệt hằng ngày của chúng ta. Mỗi ngày, chúng ta vui hưởng Ngài là phần hưởng như thế cho chúng ta. Do đó, chúng ta có thể mong đợi thiên sứ và ma quỉ xác minh sự kiện rằng chúng ta được thánh hoá. Chúng ta có thể nói: “Hỡi thiên sứ và ma quỉ, các ngươi phải nhận biết ta là thánh. Ta yêu cầu các ngươi xác minh sự thánh biệt của ta trong Christ. Con của Đức Chúa Trời, Đấng vừa là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, vừa là quyền năng của Đức Chúa Trời, đang trở nên sự thánh biệt và sự thánh hoá hằng ngày của ta”.
Sự thánh biệt là thực chất, trong khi sự thánh hoá là hoạt động của việc được làm cho thánh biệt. Hằng ngày, chúng ta không chỉ có sự thánh biệt, tức yếu tố, nhưng chúng ta cũng có sự thánh hoá, tức tiến trình. Christ, Đấng là phần hưởng để chúng ta vui hưởng đang thánh hoá chúng ta hằng ngày.
Một cặp vợ chồng có thể kinh nghiệm Christ là sự công chính và sự thánh hoá của họ trong đời sống hôn nhân. Giả sử người chồng không vui với vợ và làm khó nàng. Nếu chị em đó kêu cầu danh Chuá Jesus, chị sẽ có được Ngài là sự công chính và cũng là sự thánh hoá. Chị sẽ kinh nghiệm Chuá thánh hoá chị từ bên trong. Sự chuyển động của Chuá bên trong sẽ giữ chị khỏi nổi nóng với chồng. Nếu không, có thể chị sẽ bị xúc phạm và bắt đầu cãi nhau với chồng.
Chỉ bởi kêu cầu danh Chuá Jesus, chúng ta kinh nghiệm điều gì đó huyền nhiệm và lạ lùng bên trong chúng ta đang thánh hoá chúng ta và giữ chúng ta khỏi nổi nóng. Cuối cùng, sự thánh hoá này trở thành sự thánh biệt của chúng ta. Hơn nữa, sự thánh biệt này là một Thân Vị, Con của Đức Chúa Trời, phần hưởng duy nhất mà trong đó Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta. Đức Chúa Trời đã gọi chúng ta vào trong sự tương giao của Christ. Bây giờ, hằng ngày hằng giờ, chúng ta cần vui hưởng Ngài, trước hết là sự công chính, sau đó là sự thánh hoá, và tiếp đến là sự cứu chuộc.
NHỮNG ĐIỀU SÂU NHIỆM CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong 1 Cô-rin-tô chương 2, chúng ta thấy rằng Christ, Đấng huyền nhiệm là những điều sâu nhiệm của Đức Chúa Trời. Để biện biệt Ngài và nhận ra Ngài, chúng ta phải là người thuộc linh, tức là người vận dụng linh và sống trong linh. Nếu là người thuộc hồn, tức người sống trong hồn, chúng ta sẽ không thể nhận biết Ngài. Chỉ bởi sống trong linh và vận dụng linh, chúng ta mới có thể nhận biết Christ hầu kinh nghiệm Ngài.
MỘT NỀN TẢNG SỐNG ĐỘNG
Theo lời của Phao-lô trong 1 Cô-rin-tô chương 3, Christ là nền tảng sống, nền tảng đang lớn lên. Trong chương này, Phao-lô nói rằng ông trồng, A-pô-lô tưới và Đức Chúa Trời làm cho lớn lên. Làm cho lớn lên là vấn đề Christ lớn lên. Christ, Đấng lớn lên trong chúng ta là nền tảng duy nhất. Vì vậy, đó là nền tảng sống động, đang lớn lên.
Là nền tảng đang lớn lên trong chúng ta, sự lớn lên này sản sinh vàng, bạc và đá quý, tức những vật liệu cần thiết để xây dựng Hội thánh. Đây là kinh nghiệm Christ, vui hưởng Christ và dự phần vào Christ hầu chúng ta có thể được biến đổi cho sự xây dựng. Như vậy, chúng ta có những vật liệu quý báu để xây dựng Thân Thể. Đây là sống Christ vì Hội thánh.
TIỆC CỦA CHÚNG TA
Trong 1 Cô-rin-tô 5:8, chúng ta có Christ là Tiệc của chúng ta. Christ không chỉ là Lễ Vượt Qua của chúng ta mà còn là Tiệc Vượt Qua của chúng ta. Bây giờ chúng ta đang dự tiệc Ngài và vui hưởng Ngài là Bánh Không Men. Là phần hưởng của chúng ta, Christ là sự vui hưởng không men của chúng ta. Khi vui hưởng phần hưởng này, chúng ta được sạch khỏi mọi loại men. Vui hưởng Christ là bánh không men làm cho chúng ta trở nên không men. Sự thanh tẩy khỏi mọi loại men này không phải là sự chịu khổ. Đó không phải là kết quả của việc bị đặt vào bàn mổ mà đó là kết quả của việc ngồi vào bàn tiệc nơi mà chúng ta vui hưởng Christ là bánh không men.
CHI THỂ CỦA CHRIST
Trong chương 6, chúng ta thấy rằng Christ là Linh và chúng ta là một linh với Ngài (1Cô. 6:17). Cuối cùng, Linh sẽ dầm thấm chúng ta và làm cho ngay cả thân thể vật lí của chúng ta cũng trở thành những chi thể của Đấng Christ. Điều này có nghĩa là không chỉ linh chúng ta được liên hiệp với Ngài cách hữu cơ, nhưng ngay cả thân thể của chúng ta cũng trở thành các chi thể của Đấng Christ. Thậm chí, thân thể chúng ta cũng được tháp vào trong Christ.
Chúng ta thường cho rằng thân thể vật lí của mình là xác thịt, đầy dẫy tư dục. Điều này đúng khi thân thể được nhìn từ quan điểm sa ngã. Nhưng theo sự cứu rỗi trọn vẹn của Christ, bao gòm sự biến đổi mang tính trao đổi chất, thì thân thể chúng ta được tháp vào trong Christ và trở thành chi thể của Đấng Christ. Khi nhìn thấy điều này, tôi rất vui và nói: “Ô, Chuá Jesus, Ha-lê-lu-gia! Không chỉ con là một chi thể của Ngài trong linh con mà ngay cả thân thể con cũng là chi thể của Ngài. Thân thể con là một phần của Ngài, tức một chi thể của Đấng Christ!” Anh em có tin rằng thân thể của anh em là chi thể của Đấng Christ không? Tất cả chúng ta phải tin điều này. Càng tin, Linh nội cư sẽ càng dầm thấm anh em và làm cho thân thể anh em được liên hiệp cách hữu cơ với Đấng Christ.
ĐỀN THỜ CỦA THÁNH LINH
Hơn nữa, thân thể chúng ta là đền thờ của Thánh Linh. Chúng ta thường nói rằng chính linh chúng ta là nơi cư ngụ của Đức Chúa Trời. Bình thường chúng ta nói rằng đền thờ của Đức Chúa Trời ở trong linh chúng ta. Nhưng 1 Cô-rin-tô 6:19 chỉ rõ rằng thân thể chúng ta là đền thờ của Thánh Linh.
Làm thế nào thân thể chúng ta một mặt là chi thể của Đấng Christ và mặt khác là đền thờ của Thánh Linh? Câu trả lời được tìm thấy trong 1 Cô-rin-tô 6:17: “Còn ai liên hiệp với Chuá thì đồng một linh với Ngài”. Vì chúng ta là một linh với Chuá nên thân thể chúng ta trở thành chi thể của Christ. Hơn nữa, vì chúng ta là một linh với Ngài nên thân thể chúng ta thậm chí trở thành đền thờ của Thánh Linh. Điều này còn hơn cả sự cứu chuộc hay sự thánh biệt. Điều này có nghĩa là toàn bản thể chúng ta được liên hiệp với Đức Chúa Trời và được làm thành đền thờ của Ngài. Toàn bản thể chúng ta được liên hiệp với Christ, và thân thể chúng ta trở thành chi thể của Đấng Christ.
1 Cô-rin-tô 6:15-20 đề cập đến Đức Chúa Trời Tam-Nhất và con người ba phần. Trong toàn bản thể chúng ta —linh, hồn và thân thể— chúng ta được liên hiệp với Đức Chúa Trời Tam-Nhất. Bây giờ, Đức Chúa Trời Tam-Nhất có liên quan đến bản thể ba phần của chúng ta. Điều này là Christ như là yếu tố chữa lành mọi căn bệnh thuộc linh. Khi kinh nghiệm Đức Chúa Trời Tam-Nhất liên quan đến ba phần của bản thể chúng ta, chúng ta trở thành những thánh đồ đích thực. Thậm chí chúng ta còn thánh hơn thiên sứ.
Nếu muốn hiểu những văn phẩm của Phao-lô, chúng ta phải nhận biết linh của Phao-lô và chạm đến gánh nặng trong linh của ông. Chúng ta cũng phải chạm đến quan điểm sâu sắc của Phao-lô. Các Thư Tín của Phao-lô luôn luôn có liên quan đến quan điểm của ông, gánh nặng của ông và linh của ông. Trong 1 Cô-rin-tô, ông có một số quan điểm về Hội thánh ở Cô-rin-tô. Hơn nữa, trong linh của ông, ông có gánh nặng viết cho Hội thánh ở đó. Trong chương 6, quan điểm của Phao-lô là tín đồ Cô-rin-tô phải biết rằng họ là một linh với Chuá và rằng thân thể họ nên được thấm đẫm và được dầm thấm bởi Linh và vì thế trở thành những chi thể của Đấng Christ và trở thành đền thờ của Thánh Linh. Phao-lô có gánh nặng rằng toàn bản thể của người Cô-rin-tô sẽ được Đức Chúa Trời Tam-Nhất thay thế và được sở hữu. Đây là gánh nặng của Phao-lô trong 1 Cô-rin-tô chương 6.
CHRIST LÀ ĐỂ CHÚNG TA ĂN UỐNG
Chương 10 khải thị rằng chính Christ, Đấng là phần hưởng của chúng ta, Đấng là sự công chính, sự thánh hoá, và sự cứu chuộc hằng ngày của chúng ta, Đấng làm một với chúng ta đến nỗi Ngài làm cho thân thể chúng ta thành những chi thể của Ngài và thành đền thờ của Thánh Linh, ban chính Ngài cho chúng ta để chúng ta ăn uống. Việc Christ ban chính Ngài cho chúng ta để chúng ta ăn uống là để chúng ta vui hưởng Ngài.
Phương cách Christ ban chính Ngài cho chúng ta là qua sự chết. Việc huyết bị tách rời khỏi thân thể cho thấy phương cách của sự chết. Hễ khi nào huyết bị tách rời khỏi thân thể thì đó là sự chết. Christ chết trên thập tự giá, đổ huyết của Ngài ra và hi sinh thân thể Ngài, không chỉ với mục đích cứu chuộc chúng ta mà còn với mục đích ban chính Ngài cho chúng ta. Bây giờ, khi đến với bàn Chuá, chúng ta ăn Ngài và uống Ngài. Ăn uống có nghĩa là tiếp nhận. Hễ khi uống hoặc ăn cái gì đó, chúng ta tiếp nhận điều đó, chúng ta nhận lấy điều đó vào trong. Christ đã ban chính Ngài, và bây giờ chúng ta đang nhận Ngài. Ha-lê-lu-gia vì sự vui hưởng Christ!
Đấng Christ phong phú được khải thị trong 1 Cô-rin-tô là nhân tố duy nhất để giải quyết mọi nan đề trong đời sống con người. Nếu vui hưởng Christ này đến mức đầy đủ, chúng ta sẽ không còn nan đề nào. Mọi nan đề sẽ được giải quyết, vì chúng ta có giải pháp duy nhất cho mọi nan đề. Thư thứ hai gởi cho người Cô-rin-tô cho thấy rằng bệnh tật ở giữa người Cô-rin-tô được chữa lành bằng “thuốc” do Phao-lô cung ứng trong Thư thứ nhất. Trong từng chương, Phao-lô đều “tiêm” Christ cho họ. Kết quả là người Cô-rin-tô bắt đầu sống một đời sống con người đúng đắn. Một đời sống con người như thế là một đời sống sống Christ.
Nếu không sống Christ, chúng ta không thể có đời sống con người đúng đắn. Chúng ta có thể có một đời sống như thế chỉ bởi tiếp nhận Christ và sống Ngài. Loại nếp sống này là vì Hội thánh. Chúng ta cần sống Christ vì Hội thánh.
THÂN THỂ THI HÀNH CHỨC NĂNG DƯỚI QUYỀN LÀM ĐẦU
Sự tể trị thần thượng được thực hiện bởi phương tiện là Hội thánh dưới quyền làm Đầu của Đấng Christ và của Đức Chúa Trời. Dưới quyền làm Đầu này, các chi thể của Thân Thể thi hành chức năng theo ân tứ của họ. Đây là hoạt động thực hiện sự quản trị của Đức Chúa Trời. Điều này chỉ có thể được thực hiện trong sự sống phục sinh. Trong lĩnh vực quản trị thần thượng, trước hết chúng ta có quyền làm Đầu, sau đó có Thân Thể, rồi đến các chức năng của các Chi Thể bởi ân tứ, rồi tiếp đến là sự sống phục sinh.
Sự phục sinh là Đấng Christ trở nên Linh ban-sự-sống. Linh này, tức thực tại của Đấng Christ phục sinh, là sự phục sinh. Trước sự đóng đinh và sự phục sinh của Ngài, Chuá Jesus nói với Ma-thê: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Giăng 11:25). Do đó, sự phục sinh là Thân Vị sống, tức Đấng Christ kỳ diệu. Trong sự phục sinh này, Thân Thể thi hành chức năng dưới quyền làm Đầu để thực hiện sự quản trị của Đức Chúa Trời.
NGÀY ĐẦU TIÊN TRONG TUẦN
Nan đề cuối cùng được xử lí trong 1 Cô-rin-tô là sự quyên góp cho thánh đồ có nhu cầu. Như Phao-lô đã nói, của dâng được dâng vào ngày đầu tiên trong tuần. Ngày đầu tiên trong tuần, tức ngày của Chuá, là một dấu hiệu, là biểu tượng của Đấng Christ phục sinh. Ngày Sa-bát, tức ngày thứ bảy trong tuần, là dấu hiệu của Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo. Bây giờ, ngày thứ nhất là dấu hiệu cho thấy rằng Đức Chúa Trời Tam-Nhất đã trải qua tiến trình trong sự phục sinh để trở thành Linh ban-sự-sống bao-hàm-tất-cả.
Ngày nay, Đức Chúa Trời của chúng ta không phải là Đức Chúa Trời của ngày thứ bảy. Đó là Đức Chúa Trời của người Do Thái. Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời của ngày thứ nhất trong tuần. Điều này có nghĩa là Ngài là Đức Chúa Trời không chỉ trong sự sáng tạo, mà còn hơn nữa, Ngài là Đức Chúa Trời trong sự phục sinh. Bây giờ, chúng ta có Đức Chúa Trời không chỉ trong sự sáng tạo mà còn trong sự phục sinh. Đức Chúa Trời trong sự sáng tạo là để chúng ta thờ phượng, nhưng Đức Chúa Trời trong sự phục sinh không chỉ để thờ phượng mà còn để chúng ta vui hưởng. Người Do Thái chỉ biết cách thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo. Tuy nhiên, chúng ta vui hưởng Đức Chúa Trời Tam-Nhất là Linh ban-sự-sống. Đức Chúa Trời trong sự phục sinh là để vui hưởng.
Mọi điều chúng ta làm trong nếp sống Hội thánh theo nguyên tắc là phải vào ngày thứ nhất trong tuần. Điều này có nghĩa là mọi sự phải được thực hiện trong sự phục sinh. Nếu sống Christ và vui hưởng Ngài, kinh nghiệm Ngài mỗi ngày, Ngài sẽ là sự phục sinh của chúng ta. Khi đó, mỗi ngày sẽ là ngày thứ nhất trong tuần.
Ngày thứ nhất không tượng trưng cho một ngày nhưng tượng trưng cho Đức Chúa Trời Tam-Nhất, Đấng đã trải qua tiến trình, trở nên Linh ban-sự-sống, bao-hàm-tất-cả, có thể vui hưởng được. Bây giờ, chúng ta có thể vui hưởng Linh này. Bằng cách vui hưởng Linh, chúng ta ở trong ngày thứ nhất trong tuần. Đây là sự quản trị của Đức Chúa Trời.
Tôi có thể làm chứng rằng trong kinh nghiệm của tôi, tôi ở trong ngày thứ nhất trong tuần. Tôi ở trong sự phục sinh, vui hưởng Linh bao-hàm-tất-cả, Đấng là Đức Chúa Trời đã-trải-qua-tiến-trình làm phần hưởng của tôi. Ha-lê-lu-gia về một phần hưởng như thế! Trong buổi nhóm của chúng ta, bây giờ chúng ta có thể thực hiện sự quản trị thần thượng trong sự phục sinh vào ngày thứ nhất trong tuần, dự phần vào Đức Chúa Trời Tam-Nhất đã-trải-qua-tiến-trình là Linh ban-sự-sống. Mỗi khi đến điểm này, bên trong tôi vui mừng khôn xiết. Ngợi khen Chuá về sự khải thị kỳ diệu trong 1 Cô-rin-tô!
CẦN CÓ MỘT GƯƠNG MẪU
1 Cô-rin-tô là Sách nói về việc sống Christ vì Hội thánh, một Sách cho chúng ta biết cách để sống Christ vì Hội thánh. Qua nhiều thế kỷ, dân Chuá đã không nhận ra rằng 1 Cô-rin-tô bảo chúng ta sống Christ vì Hội thánh. Tín đồ đã không có cách diễn đạt này vì họ không có kinh nghiệm thuộc linh để tạo ra từ ngữ đó. Ngôn ngữ với những từ ngữ và từ liệu đáp ứng những nhu cầu của kinh nghiệm. Chẳng hạn như, cách đây nhiều năm không có một từ như là từ máy vi tính (computer). Nhưng sau khi phát minh ra máy vi tính thì cần phải có một thuật ngữ để mô tả nó. Ha-lê-lu-gia vì kinh nghiệm thuộc linh mới của chúng ta! Theo kinh nghiệm này, chúng ta cần sống Christ vì Hội thánh. Tôi có thể làm chứng rằng toàn bản thể của tôi đều được chiếm hữu bởi điều này. Tôi không có chỗ cho bất kỳ điều gì khác. Mỗi một bài của tôi đều ra từ kinh nghiệm này. Bên ngoài, tôi có thể làm nhiều điều khác nhau nhưng bên trong tôi luôn luôn bị chiếm hữu bằng việc sống Christ vì Hội thánh.
Tôi có thể làm chứng rằng trước khi giảng bài này, tôi không rõ là tôi nên nói gì. Tôi cầu nguyện như thế này: “Chuá ôi, chúng con mở ra cho Ngài. Chúng con không quyết định về bài này. Chuá ôi, chúng con không biết Ngài muốn chúng con nói gì. Hãy lãnh đạo chúng con và hướng dẫn chúng con, ôi Chuá. Hãy truyền vào chúng con bằng tư tưởng và cảm xúc của Ngài”. Sau đó, sâu xa bên trong, tôi bắt đầu cảm nhận rằng mình nên nói về chủ đề khuôn mẫu của việc sống Christ vì nếp sống Hội thánh.
Chúng ta đã nhấn mạnh rằng Sách 1 Cô-rin-tô khải thị việc chúng ta nên sống Christ vì Hội thánh. Nhưng chính trong 2 Cô-rin-tô, chúng ta có gương mẫu của việc sống Christ vì Hội thánh. Sự khải thị kỳ diệu, lạ lùng trong 1 Cô-rin-tô cần gương mẫu được trình bày trong 2 Cô-rin-tô. Do đó, sau Thư Tín thứ nhất, Phao-lô đã viết thư tín thứ hai với mục đích chỉ cho tín đồ Cô-rin-tô thấy gương mẫu của một người sống Christ vì Hội thánh. Trong bài sau, chúng ta sẽ xem chi tiết về gương mẫu này.