Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 43



CHẤP SỰ GIAO ƯỚC MỚI (12)
Lời này cho thấy rằng tín đồ Cô-rin-tô đã mang ách so le với người không tin. Họ không được biệt riêng khỏi người thế tục cho Đức Chúa Trời. Điều này cho thấy rằng họ chưa hoàn toàn được giải hoà với Đức Chúa Trời. Vì thế, vị sứ đồ khuyên họ chớ mang ách khác loại với người không tin, nhưng phải được phân rẽ để họ có thể hoàn toàn được giải hoà, được đem lại với Đức Chúa Trời.
Theo Cựu Ước, súc vật thuộc hai lĩnh vực: tinh sạch và ô uế. Súc vật tinh sạch thì nhai lại thức ăn và có móng rẽ. Chiên, bò là động vật tinh sạch, nhưng lừa, ngựa, la, và lợn thì không tinh sạch. Vì thế, Phục Truyền 22:10 chép: “Chớ cày bằng một con bò thắng chung với một con lừa”. Ở đây, chúng ta thấy kinh luật đòi hỏi con cái Israel không được thắng thú vật tinh sạch với thú vật không tinh sạch chung một ách, không được đặt con vật tinh sạch với con vật không tinh sạch chung một ách. Con vật tinh sạch, như bò, có thể được dâng lên cho Đức Chúa Trời, nhưng con vật không tinh sạch thì không được dâng cho Ngài. Do đó, vật tinh sạch và vật không tinh sạch thì không bình đẳng.
Trong 6:14, Phao-lô không quan tâm đến việc dạy dỗ kinh luật; ông quan tâm đến ý nghĩa thuộc linh của đòi hỏi này. Ngày nay, là những tín đồ, chúng ta là những vật tinh sạch. Chúng ta là bò, chiên được dâng lên cho Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, người không tin thì không tinh sạch và chúng ta không được mang ách chung với họ.

Mang ách chung với người không tin là sao lãng khỏi Đức Chúa Trời. Giải thoát chính mình khỏi một cái ách so le như thế là trở lại với Đức Chúa Trời và được giải hoà vào trong Ngài. Ví dụ, một anh em không nên lập gia đình với một người không tin. Vì lập gia đình với người không tin là mang ách so le. Loại ách so le đó sẽ làm cho anh sao lãng khỏi Đức Chúa Trời. Cũng vậy, cộng tác làm ăn với người không tin cũng là mang ách so le. Giả sử, một tín đồ và một người không tin là đối tác trong việc làm ăn và có cùng một sở thích và mục tiêu. Họ thật sự là một cặp mang ách so le. Loại cặp này, loại ách này cần phải bị kết liễu. Bất cứ ai tham gia vào việc cộng tác làm ăn như vậy sẽ bị công việc làm cho người ấy sao lãng khỏi Đức Chúa Trời. Công việc sẽ đưa người ấy đi càng ngày càng xa khỏi Đức Chúa Trời. Anh em nào ở trong tình cảnh đó cũng đều cần phải vứt bỏ cái ách so le đó trong việc làm ăn và được giải hoà, tức được đem lại vào trong Đức Chúa Trời.
Hơn nữa, làm bạn với người không tin có thể làm cho chúng ta mang ách so le. Người trẻ đặc biệt thích làm bạn. Thưa các anh chị em trẻ, nếu anh chị em có tình bạn thân mật với người không tin, điều đó có thể làm cho anh chị em thành một cặp mang ách so le. Loại ách đó sẽ làm cho anh chị em sao lãng khỏi Đức Chúa Trời. Bạn bè không tin không giúp cho anh chị em đến gần Đức Chúa Trời hơn; đúng hơn, bạn bè không tin sẽ đem anh em xa khỏi Ngài. Hễ khi nào anh em còn ở trong tình bạn so le như thế, anh em sẽ sao lãng khỏi Đức Chúa Trời hơn và dần dần bị đem xa khỏi Ngài. Do đó, Phao-lô khuyên chúng ta chớ mang ách so le chung với kẻ chẳng tin vì mục đích chúng ta có thể được gìn giữ trong Đức Chúa Trời và được hoàn toàn đem vào trong Ngài.
SỰ KHÁC NHAU GIỮA TÍN ĐỒ VÀ NGƯỜI KHÔNG TIN
Trong 6:14-16, vị sứ đồ dùng 5 minh hoạ để miêu tả sự khác nhau giữa tín đồ và người không tin; không cộng tác, không chia sẻ giữa sự công chính với sự bất pháp; không tương giao, không giao tiếp giữa ánh sáng với tối tăm; không hoà hợp, không hài hoà giữa Christ và Bê-li-an; không có phần chung nào giữa tín đồ và người không tin; không thoả hiệp, không thích hiệp giữa đền thờ của Đức Chúa Trời với hình tượng. Những minh hoạ này cũng khải thị rằng tín đồ là sự công chính, sự sáng, Christ và đền thờ của Đức Chúa Trời, còn người không tin là sự bất pháp, tối tăm, Bê-li-an (Sa-tan, Ma Quỉ), và hình tượng.
Trong câu 14, Phao-lô nói: “Sự công chính với sự bất pháp có chung phần gì chăng? Sự sáng láng với sự tối tăm có tương giao gì ư?”. Không nên có bất cứ loại tiếp xúc nào giữa sự công chính và sự bất pháp. Không nên có quan hệ, hay hợp tác giữa những điều đó. Cũng vậy, sự sáng và sự tối tăm chẳng có liên quan gì với nhau. Sự sáng và sự tối tăm không thể có bất kỳ sự tương giao nào. Là tín đồ, chúng ta ở trong sự sáng. Nếu có sự tương giao, hay tình bạn thân mật với người không tin thì loại tình bạn đó là sự tương giao giữa sự sáng và sự tối tăm. Một tín đồ lập gia đình với một người không tin là tín đồ ấy có sự tương giao giữa sự sáng và sự tối tăm.
Trong câu 15 Phao-lô nói tiếp: “Christ với Bê-li-an nào có tương hoà chi? Hay là kẻ tin có phần gì với kẻ chẳng tin ư?” Bê-li-an là tên gọi khác của Sa-tan, tức Ma Quỉ. Giữa Christ và Ma Quỉ không có sự tương hoà. Là tín đồ, chúng ta thuộc về Christ, còn người không tin thuộc về Sa-tan. Nếu làm bạn với người không tin, điều đó có nghĩa là chúng ta đang tạo sự tương hoà giữa Christ với Sa-tan. Tín đồ chẳng có phần gì với người không tin.
Trong câu 16 Phao-lô nói tiếp: “Đền thờ của Đức Chúa Trời có thích hiệp gì với hình tượng được ư? Vì chúng ta là đền thờ của Đức Chuá Trời hằng sống, như Đức Chúa Trời đã phán rằng: ‘Ta sẽ ở trong họ, đi lại giữa họ; Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ. Và họ sẽ làm dân Ta’”. Ở đây, chúng ta thấy rằng không có sự thoả hiệp giữa đền thờ của Đức Chúa Trời và hình tượng. Người không tin có hình tượng, nhưng chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời. Thế thì làm thế nào lại có bất kỳ mối quan hệ gần gũi nào giữa tín đồ và người không tin?
ĐỀN THỜ CỦA ĐỨC CHUÁ TRỜI HẰNG SỐNG
Trong câu 16 Phao-lô nói rằng chúng ta là đền thờ của Đức Chuá Trời hằng sống. Là Đức Chuá Trời hằng sống, Đức Chúa Trời cư ngụ trong chúng ta và đi lại trong chúng ta để làm Đức Chúa Trời của chúng ta theo cách chủ quan hầu cho chúng ta có thể dự phần vào Ngài và là dân của Ngài, kinh nghiệm Ngài một cách sống động.
Trong 1 Ti-mô-thê 3:15, Phao-lô nói rằng chúng ta là Hội thánh của Đức Chuá Trời hằng sống. Đức Chuá Trời hằng sống, Đấng sống trong Hội thánh phải chủ quan đối với Hội thánh chứ không chỉ là khách quan. Hình tượng trong đền thờ dân ngoại thì không có sự sống. Là Đấng không chỉ sống nhưng cũng hành động, chuyển động, và hoạt động trong đền thờ sống động của Ngài, tức Hội thánh, Đức Chúa Trời đang sống động. Vì Ngài đang sống động nên Hội thánh cũng đang sống động trong Ngài, bởi Ngài, và với Ngài. Một Đức Chúa Trời sống động và một Hội thánh sống động đang sống, chuyển động, và hoạt động cùng với nhau. Hội thánh sống động là nhà và là người nhà của Đức Chuá Trời hằng sống. Do đó, Hội thánh trở thành sự biểu lộ của Đức Chúa Trời trong xác thịt.
Đức Chúa Trời đã phán rằng: “Ta sẽ ở trong họ, đi lại giữa trong họ; Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, và họ sẽ làm dân Ta” (2Cô. 6:16). Đây là tình trạng của chúng ta ngày nay. Đức Chúa Trời đang sống trong chúng ta, cư ngụ trong chúng ta, và bước đi giữa chúng ta. Ngài là Đức Chúa Trời của chúng ta, và chúng ta là dân của Ngài.
ĐƯỢC PHÂN RẼ VÀ ĐƯỢC GIẢI HOÀ
Trong câu 17, Phao-lô nài khuyên người Cô-rin-tô: “Cho nên, Chuá phán, các ngươi hãy ra khỏi giữa họ. Hãy phân rẽ ra khỏi chúng, đừng đụng đến vật bất khiết, thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi”. Được phân rẽ là được giải hoà, được đem lại với Đức Chúa Trời (5:20) một cách thực tiễn. Cụm từ “vật bất khiết” cho thấy rằng vật đó thuộc về sự bất pháp, sự tối tăm, Bê-li-an, và hình tượng như được liệt kê trong câu 14 đến 16. Bởi đừng chạm vào vật bất khiết như thế, chúng ta được phân rẽ cho Đức Chúa Trời và được giải hoà với Ngài. Do đó, ra khỏi giữa họ và được phân rẽ là được đem lại với Đức Chúa Trời. Khi chúng ta được phân rẽ theo cách này thì Đức Chúa Trời tiếp nhận chúng ta. Cụm từ “Ta sẽ tiếp nhận các ngươi” chỉ ra rằng Đức Chúa Trời vui mừng tiếp nhận các tín đồ là những người hoàn toàn được giải hoà, được đem trở lại với Ngài.
CON TRAI VÀ CON GÁI
Câu 18 tiếp: “Ta sẽ làm Cha các ngươi. Các ngươi sẽ làm con trai con gái Ta, Chuá Toàn Năng phán như vậy”. Theo nghĩa đen, tiếng Hy Lạp được dịch bởi mạo từ không xác định trước chữ Cha có nghĩa là vào trong, đến, cho. Là Cha và là con trai con gái là vấn đề sự sống. Điều này còn sâu hơn là Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của chúng ta và chúng ta là dân Ngài như được đề cập trong câu 16. Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo, và Cha là Đấng Khởi Xướng. Ngài đã tái sinh chúng ta và làm cho chúng ta thành con trai con gái của Ngài.
Câu 18 chỉ là trường hợp mà trong đó Tân Ước cho thấy rằng Đức Chúa Trời có con gái. Vì phần lớn Tân Ước bảo rằng tín đồ là con trai của Đức Chúa Trời. Lí do câu này nói đến cả con trai lẫn con gái thật riêng tư và sâu sắc. Đối với nhiều cha mẹ, con trai thì quý. Tôi đã biết rằng ở phương Đông cũng như phương Tây, cha mẹ mà chỉ có con gái luôn mong mỏi có ít nhất một đứa con trai. Dù con trai quý, nhưng con gái đáng yêu. Giả sử một người cha có ba đứa con trai và không có đứa con gái nào. Chắc chắn ông muốn có con gái, và nó sẽ rất yêu dấu đối với ông. Nhiều cha mẹ có cả con trai lẫn con gái sẽ bảo với anh em rằng con gái thì dễ thương còn con trai thì quý báu.
Tôi tin trong câu 18 Phao-lô muốn chúng ta thấy rằng chúng ta không chỉ quý báu đối với Đức Chúa Trời như là con trai, nhưng chúng ta cũng đáng yêu đối với Ngài như con gái. Anh em muốn là con trai của Đức Chúa Trời hay là con gái của Đức Chúa Trời? Tôi là con trai của Đức Chúa Trời, nhưng tôi rất vui khi làm con gái của Đức Chúa Trời. Tôi thích trở nên quý báu và đáng yêu đối với Ngài. Nhận biết chúng ta rất đáng yêu và quý báu đối với Cha, Phao-lô cho thấy rằng chúng ta vừa là con trai vừa là con gái của Ngài.
Theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời không nhấn mạnh nhiều đến việc chúng ta là nam hay nữ. Theo ý nghĩa thực và tích cực thì tất cả chúng ta đều là phái nữ trong cách nhìn của Đức Chúa Trời. Trong 11:2, Phao-lô tuyên bố: “Vì tôi lấy sự ghen tức của Đức Chúa Trời mà ghen tức anh em, bởi tôi đã gả anh em cho một chồng mà thôi, hầu trình diện anh em cho Đấng Christ như một đồng nữ trinh khiết”. Câu này không cho thấy rằng đối với Đức Chúa Trời tất cả tín đồ đều là phái nữ sao? Nếu chúng ta không phải là phái nữ trong cách nhìn của Ngài thì làm thế nào chúng ta có thể là một đồng nữ trinh khiết được trình diện cho Đấng Christ? Đấng Christ là chồng của chúng ta, và chúng ta sẽ trở thành vợ của Ngài. Theo ý nghĩa này, tất cả chúng ta đều là phái nữ. Thậm chí chúng ta có thể dùng một từ liệu bất thường để nói rằng đối với Đức Chúa Trời, chúng ta là con trai phái nữ. Trong việc mang lấy trách nhiệm và thực hiện chiến trận thuộc linh, chúng ta là con trai. Chúng ta nên là những con trai mạnh mẽ vì trách nhiệm và cho chiến trận. Nhưng đồng thời, chúng ta nên là con gái yêu dấu và rất quý báu đối với Cha. Do đó, một mặt, chúng ta là con trai quý báu; mặt khác, chúng ta là con gái yêu dấu.
SỰ THÁNH BIỆT HOÀN HẢO
Trong 7:1 Phao-lô nói: “Vậy, anh em yêu dấu ơi, vì chúng ta đã có lời hứa dường ấy, thì hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự ô uế của xác thịt và của linh, lấy lòng kính sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn sự thánh biệt”. Phao-lô dùng từ “vậy” ở đầu câu này cho thấy rằng đây là lời kết luận cho phần cuối chương 6, cụ thể là từ câu 14 đến 18. Những lời hứa là những lời hứa được đề cập trong 6:16-18. Moi sự ô uế của xác thịt nói đến những điều vật chất; sự ô uế của linh nói đến những điều trong thế giới thuộc linh như hình tượng. Tự làm sạch mình khỏi những điều ô uế của xác thịt và của linh có nghĩa là xoay khỏi tất cả những sự xao lãng để được hoàn toàn giải hoà vào trong Đức Chúa Trời.
Trong 7:1, Phao-lô nói về sự thánh biệt hoàn hảo trong sự kính sợ Đức Chúa Trời. Thánh biệt là biệt riêng cho Đức Chúa Trời khỏi mọi điều khác hơn chính Ngài. Thánh biệt hoàn hảo là làm cho sự biệt riêng này trọn vẹn và hoàn hảo, làm cho toàn bản thể của chúng ta—linh, hồn và thân thể—được biệt riêng, được thánh hoá hoàn toàn và trọn vẹn cho Đức Chúa Trời (1Tê. 5:23). Đây là được hoàn toàn phục hoà với Đức Chúa Trời.
Thánh không chỉ có nghĩa là được thánh hoá, được biệt riêng cho Đức Chúa Trời mà còn có nghĩa là khác, khác biệt khỏi mọi điều thông thường. Chỉ có Đức Chúa Trời mới khác, mới khác biệt khỏi tất cả những điều khác. Do đó, Ngài là thánh; thánh biệt là bản chất của Ngài. Theo Ê-phê-sô 1:4, Ngài chọn chúng ta để chúng ta nên thánh. Ngài làm cho chúng ta nên thánh bằng cách truyền chính Ngài là Đấng thánh vào trong chúng ta hầu cho cả bản thể chúng ta có thể được thấm đẫm và được dầm thấm bằng bản chất thánh của Ngài. Đối với chúng ta là những người được chọn của Đức Chúa Trời, nên thánh là dự phần vào bản chất thần thượng của Ngài (2Phi. 1:4) và để toàn bản thể chúng ta được tràn ngập chính Đức Chúa Trời. Điều này khác với sự hoàn hảo vô tội hoặc sự thuần khiết vô tội. Sự thánh biệt thật làm cho bản thể chúng ta thánh, giống như chính Đức Chúa Trời trong bản chất và đặc điểm của Ngài.
Trong 7:1, Phao-lô đề cập đến sự kính sợ Đức Chúa Trời. Sự kính sợ này có liên quan đến việc không dám chạm đến những điều không thuộc về Đức Chúa Trời hay không liên quan đến Ngài (6:17).
Chúng tôi đã chỉ ra rằng tín đồ là sự công chính, là sự sáng, là Christ, và là đền thờ. Khi mang ách so le với kẻ chẳng tin, điều này có nghĩa là chúng ta đem sự công chính của Đức Chúa Trời vào trong sự bất pháp, đem sự sáng của Đức Chúa Trời vào trong sự tối tăm, và đem Christ đến với Ma Quỉ; chúng ta liên hiệp đền thờ của Đức Chúa Trời với hình tượng. Hình tượng làm ô uế linh chúng ta. Do đó, cả trong thế giới thuộc linh lẫn trong thế giới vật lí đều có sự ô uế. Biệt riêng khỏi sự ô uế, khỏi những điều nhơ nhớp, thực ra là được phục hoà với Đức Chúa Trời.
Trong chương 6, Phao-lô thật sự đang thực hiện chức vụ giải hoà. Ông khuyên giục người Cô-rin-tô phân rẽ khỏi những điều ô uế. Phân rẽ khỏi điều bất khiết là được giải hoà với Đức Chúa Trời và được thánh hoá cho Ngài; đó cũng là được cứu rỗi trọn vẹn. Vì thế, được cứu rỗi trọn vẹn bao gồm sự phân rẽ khỏi điều bất khiết, bao gồm sự thánh hoá cho Đức Chúa Trời, và giải hoà vào trong Đức Chúa Trời. Đây là lí do mà ở đầu chương này, Phao-lô nói về sự cứu rỗi và ở cuối chương, ông nói về sự phân rẽ. Sự cứu rỗi là sự phân rẽ, sự sự phân rẽ là sự thánh hoá, và sự thánh hoá là sự giải hoà.
--