Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 57

PHAO-LÔ BÊNH VỰC UY QUYỀN SỨ ĐỒ CỦA ÔNG (8)
Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 12:19 –13:10
NÓI TRƯỚC MẶT ĐỨC CHÚA TRỜI TRONG CHRIST
Trong 12:19, Phao-lô nói: “Đã lâu nay anh em tưởng rằng chúng tôi chữa mình đối với anh em. Ấy là trong Christ, trước mặt Đức Chúa Trời, mà chúng tôi nói. Anh em yêu dấu ơi, mọi điều đó thảy vì sự xây dựng anh em”. Cùng với những người Cô-rin-tô, chúng ta có thể nghĩ rằng trong những chương này Phao-lô đang bảo vệ cho chính ông. Tựa đề của loạt bài này nói về việc Phao-lô bênh vực uy quyền sứ đồ của ông. Có vẻ như trong những chương này, Phao-lô đang bênh vực chính mình nhưng thật ra ông không bênh vực chính ông, cũng không bảo vệ chính ông.
Trong câu này Phao-lô nói rằng ông nói trước mặt Đức Chúa Trời và trong Christ. “Trong Christ” nói đến sự sống mà nhờ đó các sứ đồ nói; chữ đó nói đến phương tiện và thực chất về sự phát ngôn của họ. “Trước mặt Đức Chúa Trời” nói đến bầu không khí mà trong đó các sứ đồ phát ngôn; chữ đó nói đến lĩnh vực của sự phát ngôn của họ.
Dường như Phao-lô không nhất quán. Trong đoạn 11 câu 17 ông nói rằng ông không nói theo Chúa nhưng theo như kẻ ngu dại. Bây giờ ông nói rằng ông nói trước mặt Đức Chúa Trời trong Christ. Tôi không nghĩ rằng Phao-lô bảo vệ chính mình chống lại lời cáo buộc về sự không nhất quán. Hoặc chúng ta hiểu ông, hoặc chúng ta không hiểu nhưng Phao-lô biết ông đang làm gì và ông đang nói gì. Ngày nay chúng ta cũng đang bị cáo buộc về sự không nhất quán và mâu thuẫn.

Hãy suy xét tình huống của Phao-lô trong 2 Cô-rin-tô. Khi ông đang nói theo như kẻ ngu dại thì ông nói rằng ông không nói theo Chúa. Nói cách khác, Phao-lô đang nói rằng sự ngu dại của ông là động cơ phát ngôn của ông chứ không phải Chúa. Nhưng trong đoạn 12 câu 19 ông nói rằng ông nói trong Christ, bởi Christ là sự sống của ông. Ông cũng nói rằng ông nói trước mặt Đức Chúa Trời tức là trong Đức Chúa Trời là bầu không khí của sự phát ngôn của ông. Ở đây, Phao-lô dường như muốn nói: “Tôi không đang bảo vệ chính tôi. Đúng ra tôi đang nói bởi Christ như là sự sống của tôi và trước mặt Đức Chúa Trời là bầu không khí của tôi. Hơn nữa, tôi nói để xây dựng anh em. Anh em yêu dấu ơi, tất cả mọi sự không phải để bênh vực chúng tôi nhưng để xây dựng anh em. Tôi muốn phí của hao sức vì anh em. Tôi không quan tâm đến việc bảo vệ tôi. Tôi quan tâm đến anh em để xây dựng anh em. Đây là tiêu điểm sự quan tâm của tôi. Tôi không cố gắng thuyết phục anh em tiếp nhận tôi là một sứ đồ. Điều tôi quan tâm là anh em được xây dựng. Hễ anh em được xây dựng thì tôi thoả lòng. Tôi sẵn sàng cho đi mọi sự vì điều này”.
DANH SÁCH NHỮNG ĐIỀU TIÊU CỰC
Câu 20 chép: “Vì tôi e rằng khi tôi đến, chẳng may thấy anh em không như tôi ước ao, và anh em thấy tôi cũng chẳng như anh em ước ao chăng. Lại e rằng còn có sự cãi cọ, ganh ghét, giận hờn, bè đảng, nói gièm, nói chùng, lên mặt, hỗn loạn nữa chăng”. Ước ao của Phao-lô là người Cô-rin-tô được ở trong Christ, sống Christ và được xây dựng như là Thân Thể. Tuy nhiên, Phao-lô e rằng khi ông đến ông sẽ thấy họ không như ông ao ước. Hơn nữa, ông biết rằng người Cô-rin-tô có thể nhận thấy ông không như họ ao ước, vì điều đó nên Phao-lô cần dạn dĩ đối với họ để kỷ luật họ. Do đó, dường như ông không mềm mại hay không yêu thương.
Trong câu 20, Phao-lô đề cập đến sự cãi cọ, ganh ghét, giận hờn, bè đảng, nói gièm, nói chùng, lên mặt, hỗn loạn. Tất cả những điều này là đặc điểm của những người sống trong xác thịt vì sở thích riêng của họ. Tiếng Hi Lạp dịch chữ cãi cọ cũng có nghĩa là tranh luận, tranh cãi, tranh đua, tranh đấu. Cũng vậy, chữ nói gièm có nghĩa là nói xấu hoặc nói ác, và nói chùng có nghĩa là nói xấu cách bí mật. Bởi chữ “lên mặt” Phao-lô muốn nói đến sự kiêu ngạo một cách giả tạo. Trong tiếng Hi Lạp, từ này có quan hệ gần với từ “lên mặt” trong 1 Cô-rin-tô 4:6. Từ hỗn loạn cũng có thể được dịch là nhiễu loạn.
Trong câu này Phao-lô đang nói với người Cô-rin-tô rằng: “Nếu anh em là người như thế thì tôi thật xấu hổ khi tôi lại đến với anh em. Tôi đã phục vụ anh em và đã cung ứng cho anh em. Tôi đã viết cho anh em một bức thư rồi. Nếu tôi còn thấy anh em đầy dẫy sự cãi cọ, ganh ghét, giận hờn, bè đảng, nói gièm, nói chùng, lên mặt, hỗn loạn thì tôi thật xấu hổ. Đức Chúa Trời sẽ đánh hạ tôi và tôi sẽ phải xin Ngài thương xót vì kết quả đáng thương của chức vụ tôi. Tôi thật rất xấu hổ nếu những điều này vẫn còn có ở trong anh em khi tôi đến.
Trong câu 21, Phao-lô nói tiếp: “Cũng e rằng khi tôi lại đến, Đức Chúa Trời hạ tôi xuống trước mặt anh em và tôi phải buồn rầu vì nhiều người trước kia đã phạm tội, mà không khứng ăn năn sự ô uế, gian dâm, buông tuồng họ đã phạm chăng”. Trong câu này, không có giáo lí hay thần học. Điều chúng ta có trong phân đoạn 2 Cô-rin-tô này là điều gì đó có liên hệ đến sự thực hành nếp sống Hội thánh. Nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay không chú đến những chương này vì họ không thấy cần. Lí do là vì họ không có nếp sống Hội thánh. Nhưng những chương này thật cần thiết cho những ai ở trong nếp sống Hội thánh thực tiễn. Chúng ta cảm tạ Chúa vì dưới sự thương xót của Ngài chúng ta biết mình cần những chương này. Có ý thức về nhu cầu của mình là một dấu hiệu cho thấy rằng chúng ta đang được Chúa thương xót.
Trong câu 20 và 21, Phao-lô đề cập đến 11 điều tiêu cực: cãi cọ, ganh ghét, giận hờn, bè đảng, nói gièm, nói chùng, lên mặt, hỗn loạn, ô uế, gian dâm, và buông tuồng. Một số người tự hỏi những điều như thế làm sao lại có thể tồn tại trong nếp sống Hội thánh. Ồ, chúng ta cần thức tỉnh và đừng nằm mơ về những vấn đề này. Hơn nữa, chúng ta cần xem xét tình trạng của chính mình. Anh em có nói gièm hay phê phán không? Có lẽ khi một người nào đó đứng lên trong buổi nhóm, có thể anh em nói thầm: “Lại là anh này”. Đây không phải là nói chùng sao? Anh em có cãi cọ hay ganh ghét, giận hờn hay bè đảng không? Anh em dám nói rằng trong nếp sống Hội thánh anh em không ganh đua với người khác không? Những mục được đề cập trong câu 20 có thể lịch sự hơn so với những tội ghê gớm. Những người có văn hoá hơn sẽ chỉ trích những người khác sau lưng họ. Những người có văn hoá và lịch sự thì không phê bình người khác một cách thô lỗ. Thay vì thế, có thể họ nói chùng và nói xấu sau lưng người khác. Hơn nữa, chúng ta cần kiểm tra xem mình có lên mặt hay không? Bên trong chúng ta có thể có một linh kiêu ngạo và lộ ra nơi thái độ bên ngoài của chúng ta. Dù anh em có học vấn, lịch sự hay có văn hoá cũng vẫn không thể che giấu thái độ kiêu căng của mình. Bên cạnh những tội phạm tinh tế hơn trong câu 20, Phao-lô kể tên ba tội ghê gớm trong câu 21. Tất cả những điều tội lỗi này rất có khả năng len lỏi vào nếp sống Hội thánh. Đây là lí do Phao-lô nói rằng ông sợ khi đến Cô-rin-tô nhìn thấy những điều như thế vẫn còn giữa vòng tín đồ. Điều đó sẽ gây sỉ nhục cho ông và cho chức vụ của ông.
2 Cô-rin-tô chương 12 không có kết thúc. Với cách phát ngôn thực tiễn mà chúng ta có ở đây thì thật khó để kết luận. Vấn đề bỏ lửng đã mở ra một sự suy xét xa hơn. Do đó, trong chương 12, Phao-lô không đưa ra lời kết luận.
ẮT CHẲNG NỂ NỮA
Trong đoạn 13 câu 1, Phao-lô nói tiếp: “Này là lần thứ ba mà tôi đến cùng anh em. Cứ miệng hai ba người làm chứng mà mọi việc đều được định”. Theo sự hiểu biết của tôi, Phao-lô không bao giờ đi đến Cô-rin-tô lần thứ ba. Ông đã ở Cô-rin-tô trong Công Vụ chương 18 và một lần nữa trong chương 20. Không lâu sau đó, ông đến Giê-ru-sa-lem là nơi ông đã bị bắt và bị giải đến La-mã. Do đó, ông không có cơ hội đến Cô-rin-tô lần thứ ba.
Trong câu 2 Phao-lô nói: “Điều đó tôi đã nói rồi, bây giờ lại nói trước nữa, ngày nay, tôi dầu vắng mặt, nhưng chẳng khác lúc tôi ở cùng anh em lần thứ hai: tôi rao cho kẻ trước kia đã phạm tội và cho mọi kẻ khác rằng nếu tôi lại đến thì ắt chẳng nể nữa”. Điều này cho thấy rằng Phao-lô đã dung chịu hoàn cảnh. Nhưng nếu trở lại lần thứ ba, ông sẽ không dung chịu nữa. Ông không nể nữa.
MỘT BẰNG CHỨNG VỀ ĐẤNG CHRIST PHÁT NGÔN TRONG PHAO-LÔ
Trong câu 3 Phao-lô nói tiếp: “Vì anh em đã tìm bằng cớ chứng rằng Christ ở trong tôi mà phán, là Đấng đối với anh em chẳng phải yếu đuối đâu, bèn là mạnh mẽ trong anh em vậy”. Christ mạnh mẽ trong tín đồ khi Ngài đang phán trong vị sứ đồ. Đây là bằng chứng mạnh mẽ và chủ quan đối với tín đồ rằng Đấng Christ phát ngôn trong vị sứ đồ.
Câu 3 mạnh mẽ chỉ ra rằng có một số người Cô-rin-tô đang chất vấn Phao-lô nhiều dường nào. Họ đòi bằng chứng về việc Đấng Christ phát ngôn trong Phao-lô. Chắc chắn loại chất vấn này đã mở cửa cho người Giu-đa bước vào.
Câu trả lời của Phao-lô trong câu 3 hơi khó hiểu. Ở đây, Phao-lô nói rằng Christ không yếu đuối đối với người Cô-rin-tô nhưng mạnh mẽ trong họ. Dường như Phao-lô đang nói rằng: “Người Cô-rin-tô ơi, anh em đang tìm bằng chứng về việc Christ phát ngôn trong tôi. Trong khi tôi đang phát ngôn thì Christ không ở trong anh em sao? Ai đã cung ứng Christ cho anh em? Có phải người Giu-đa chăng? Anh em phải thừa nhận rằng tôi là người đã cung ứng Christ cho anh em. Nếu Christ không phát ngôn trong tôi thì làm thế nào anh em có Christ trong anh em qua chức vụ của tôi. Trước khi người Giu-đa đến với anh em, anh em đã có Đấng Christ trong anh em rồi. Khi tôi đến Cô-rin-tô, tôi đã cung ứng Christ cho anh em. Tôi đã truyền Christ cho anh em. Thực tế là Christ đã được truyền vào anh em qua tôi, cụ thể qua sự phát ngôn của tôi. Hơn nữa, Christ là Đấng ở trong anh em không yếu đuối đối với anh em. Trái lại, Ngài mạnh mẽ ở trong anh em. Chắc chắn anh em sẽ không nói rằng anh em có một Christ yếu đuối. Anh em biết rằng Christ thì mạnh mẽ trong anh em. Anh em nhận được Christ mạnh mẽ này là nhờ ai? Anh em không nhận Ngài qua người Giu-đa. Anh em phải thừa nhận rằng chính nhờ tôi mà Christ mạnh mẽ này đã vào trong anh em. Đây không phải là một bằng chứng mạnh mẽ cho thấy rằng Christ phát ngôn trong tôi sao?”. Ở đây, chúng ta thấy sự khôn ngoan của Phao-lô trong việc bắt lấy người Cô-rin-tô. Đầy kiêu ngạo, họ không bao giờ thừa nhận rằng họ có một Christ yếu đuối. Phao-lô biết họ sẽ nói rằng Đấng Christ ở trong họ là mạnh mẽ. Điều này đã cho ông một nền tảng để chỉ ra rằng họ đã nhận được Đấng Christ mạnh mẽ này là nhờ sự phát ngôn của ông. Đây là bằng chứng về việc Đấng Christ phát ngôn trong Phao-lô.
YẾU ĐUỐI TRONG CHRIST
Trong câu 4 Phao-lô nói: “Bởi chưng dầu trong sự yếu đuối, Ngài đã bị đóng đinh trên thập tự giá, song nay Ngài nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời mà sống. Chúng tôi cũng yếu đuối trong Ngài, nhưng đối với anh em, nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời, chúng tôi hẳn cũng sống với Ngài”. Sự yếu đuối trong câu này là yếu đuối trong thân thể, tương tự như trong đoạn 10 câu 10. Đối với chính Ngài, Đấng Christ không cần phải yếu đuối trong bất cứ cách nào, nhưng để hoàn thành sự cứu chuộc cho chúng ta, Ngài sẵn sàng yếu đuối trong thân thể Ngài đến mức Ngài bị đóng đinh. Tuy nhiên, bây giờ Ngài sống bởi quyền năng của Đức Chúa Trời sau khi được phục sinh. Trong câu 4, Phao-lô nói rằng các sứ đồ yếu đuối trong Christ nhưng đồng sống với Ngài bởi quyền năng của Đức Chúa Trời đối với tín đồ. Các sứ đồ đã theo gương mẫu của Đấng Christ, sẵn sàng yếu đuối trong mối liên hiệp hữu cơ với Ngài để họ có thể sống với Ngài một đời sống chịu đóng đinh. Vì thế, họ cùng sống với Ngài bởi quyền năng của Đức Chúa Trời đối với tín đồ. Có vẻ như họ yếu đuối đối với tín đồ nhưng thật ra họ rất mạnh mẽ.
Nếu Christ không yếu đuối thì Ngài không thể bị bắt càng không thể bị đóng đinh trên thập tự giá. Chỉ có người yếu đuối mới bị đóng đinh. Để hoàn thành sự cứu chuộc, Đấng Christ đã cố tình trở nên yếu đuối, yếu đến nỗi Ngài để bị bắt và bị đóng đinh. Nhưng bây giờ, sự cứu chuộc đó đã được hoàn thành và Đấng Christ đã được phục sinh nên Ngài không yếu đuối nữa.
Trong câu 4, Phao-lô chỉ ra cho người Cô-rin-tô thấy rằng các sứ đồ yếu đuối trong Christ. Qua sự liên hiệp hữu cơ, họ là một với Đấng Christ để trở nên yếu đuối. Họ trở nên yếu đuối như vậy với mục đích xây dựng Hội thánh. Khi các sứ đồ đến Cô-rin-tô, họ không đến theo cách mạnh mẽ, nhưng đến theo cách yếu đuối, mục đích là để truyền Đấng Christ vào trong người Cô-rin-tô và để gây dựng họ, hoàn hảo họ hầu cho họ có thể được xây dựng thành Thân Thể Đấng Christ. Thật ra, các sứ đồ không yếu đuối nhưng họ tình nguyện trở nên yếu đuối và theo câu 4 họ vẫn tiếp tục yếu đuối trong Christ.
Cụm từ “trong Ngài” trong câu 4 rất quan trọng. Có lẽ anh em chưa bao giờ nghe rằng chúng ta có thể yếu đuối trong Christ. Quan điểm của chúng ta là ở trong Christ thì mạnh mẽ chứ không yếu đuối. Tuy nhiên, trong câu này, Phao-lô nói rằng chúng ta yếu đuối trong Ngài. Tại sao chúng ta yếu đuối trong Christ? Chúng ta yếu đuối trong Ngài để sống một đời sống chịu đóng đinh.
Trong những câu này Phao-lô dường như muốn nói: “Tín đồ Cô-rin-tô yêu dấu ơi, anh em không biết là anh em đã khiến tôi phải chịu đóng đinh nhiều đến mức nào sao? Nhiều người trong anh em vẫn còn đang đóng đinh tôi. Anh em đã đặt tôi lên thập tự giá khi cáo buộc tôi là lừa dối anh em hoặc dùng chước mà lung lạc anh em. Tôi không bao giờ làm bất cứ điều gì để lừa dối anh em cả. Tôi đã yếu đuối trong Christ và vẫn tiếp tục yếu đuối trong Ngài để tôi có thể sống một đời sống chịu đóng đinh.
Trong câu 4 Phao-lô không chỉ nói rằng các sứ đồ yếu đuối trong Christ mà còn nói rằng họ cùng sống với Christ đối với tín đồ bằng quyền năng của Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể hiểu đầy đủ Phao-lô muốn nói gì. Sự hiểu biết của tôi là khi đến với người Cô-rin-tô lần thứ ba, Phao-lô đang nói với họ rằng ông sẽ không yếu đuối đối với họ nữa. Trái lại, ông sẽ mạnh mẽ để báo thù.
HÃY TỰ THỬ NGHIỆM LẤY MÌNH
Trong câu 5, Phao-lô nói với người Cô-rin-tô: “Chính anh em hãy tự xét mình coi có đức tin chăng. Cũng hãy tự thử nghiệm lấy mình. Về phần anh em, há không biết rằng Jesus Christ ở trong anh em sao? Miễn là anh em quả không bị loại ra!” Xét là xác định tình trạng của chúng ta; thử nghiệm là làm cho tình trạng của chúng ta đủ phẩm chất. Ở đây, Phao-lô bảo người Cô-rin-tô hãy xét lấy chính họ liệu họ có ở trong đức tin không. Đây là đức tin khách quan (Công. 6:7; 1Tim. 1:19). Nếu ai ở trong đức tin khách quan thì chắc chắn người đó có đức tin chủ quan, có niềm tin trong Christ và có toàn bộ nội dung gia tể Tân Ước của Đức Chúa Trời. Đây là điều vị sứ đồ yêu cầu người Cô-rin-tô tự xét lấy mình.
Phao-lô đặc biệt hỏi người Cô-rin-tô liệu họ có nhận biết Jesus Christ đang ở trong họ không? Hễ khi nào một tín đồ nhận biết Jesus Christ g ở trong mình thì người ấy có đủ phẩm chất, được chấp thuận như là một Chi Thể của Đấng Christ. Trong câu 5, chữ bị loại ra có nghĩa là không đủ phẩm chất. Ở đây Phao-lô muốn nói: “Jesus Christ có ở trong anh em không? Nếu Ngài không ở trong anh em thì anh em không được chấp thuận và anh em không thể vượt qua thử nghiệm. Nhưng nếu Ngài ở trong anh em thì anh em có đủ tiêu chuẩn”.
Dựa trên những sự kiện được hàm ý trong câu 5, Phao-lô có thể chứng minh cho người Cô-rin-tô thấy rằng họ đã đi lạc quá xa. Một mặt, họ nhận biết Đấng Christ ở trong họ. Mặt khác, họ nghi vấn chức vụ của Phao-lô. Thực ra họ là những người tự mâu thuẫn.
Trong câu 6 Phao-lô nói tiếp: “Song tôi mong anh em sẽ biết rằng chúng tôi chẳng bị loại ra đâu”. Bởi từ này vị sứ đồ chuyển hướng về ông và các sứ đồ, cho thấy rằng có Đấng Christ đang sống và đang phát ngôn trong họ, họ hoàn toàn có đủ phẩm chất và không bị loại ra, đặc biệt là ở giữa những người Cô-rin-tô phiền toái. Vị sứ đồ thiết tha hi vọng rằng họ có thể nhận ra điều này và họ có thể không chất vấn thêm về ông nữa.
Trong câu 5 và 6 dường như Phao-lô đang nói với người Cô-rin-tô: “Anh em cần biết rằng chúng tôi không bị loại ra. Một số người trong anh em có thể bị loại ra nhưng tôi chắc chắn rằng chúng tôi không bị loại ra. Chúng tôi có Christ ở trong và chúng tôi có Ngài đang phát ngôn bên trong chúng tôi. Bây giờ, tôi yêu cầu anh em hãy thử nghiệm chính mình xem có Đấng Christ trong anh em không. Điều này sẽ quyết định liệu anh em có đủ tiêu chuẩn hay không? Tôi đã tự xét mình và tôi bảo đảm rằng có Đấng Christ ở trong tôi và đang phát ngôn ở trong tôi. Vì thế, tôi có thể qua được cuộc thử nghiệm và có sự chấp thuận của Đấng Christ thật sự đang phát ngôn trong tôi”.
Câu 7 chép: “Nhưng chúng tôi cầu nguyện Đức Chúa Trời cho anh em đừng làm điều ác nào, chẳng phải để tỏ ra chúng tôi được công nhận, song hầu cho anh em làm điều đoan chánh, mặc dầu hình như chúng tôi bị loại rồi”. Điều này cho thấy rằng việc tín đồ làm điều đoan chánh chứng minh phẩm chất và sự dạy dỗ của các sứ đồ. Tuy nhiên, vị sứ đồ không quan tâm đến điều này như là một chỗ đứng để thực thi uy quyền sứ đồ mà kỷ luật họ. Ông quan tâm đến việc làm đoan chánh của họ để họ có thể được vững vàng và được xây dựng
Từ “điều ác” trong câu 7 nói đến những vấn đề đã được đề cập trong 12:20-21. Để người Cô-rin-tô không làm điều ác là để họ không liên quan đến 11 điều tội lỗi được liệt kê trong những câu này. Phao-lô cầu nguyện cho người Cô-rin-tô không làm điều ác mục đích không phải là để các sứ đồ được chấp thuân, mà đúng ra, ông muốn tín đồ làm điều đoan chánh còn các sứ đồ dường như bị loại ra.
Trong câu 7, Phao-lô nói theo cách mỉa mai chứ không phải theo cách thẳng thắn. Việc ông phải nói như vậy thì khá xấu hổ cho người Cô-rin-tô. Giả sử có ai đó nói với anh em: “Tôi cầu nguyện với Đức Chúa Trời để anh em không làm điều ác”. Đó không phải là một lời dễ chịu phải không? Một lời như thế hàm ý rằng những điều anh em đang làm bây giờ thì không tốt. Hơn nữa, giả sử người đó cũng nói: “Lí do tôi cầu nguyện để anh em không làm điều ác không phải là tôi có vẻ như được Đức Chúa Trời chấp thuận hay là tôi có một kết quả tích cực từ công tác của tôi nhưng là để anh em có thể làm điều tốt”. Chắc chắn cách nói này không dễ chịu, nhưng đây là cách Phao-lô đã dùng để viết cho người Cô-rin-tô trong câu này. Ông đang khích lệ tín đồ quan tâm đến chính họ chứ đừng quan tâm đến tình trạng của Phao-lô.
VÙA GIÚP LẼ THẬT
Trong câu 8 Phao-lô nói tiếp: “Vì chúng tôi chẳng có thể làm gì trái với lẽ thật, duy vùa giúp lẽ thật mà thôi”. Từ “Vì” ở đầu câu này cho thấy rằng câu 8 là một lời giải thích những gì được đề cập trong câu trước. Điều vị sứ đồ mong đợi là tín đồ Cô-rin-tô có thể làm điều đoan chánh chứ không mong các sứ đồ dường như được chấp thuận. Gây dựng tín đồ làm điều đoan chánh là vùa giúp lẽ thật. Nhưng vì các sứ đồ có vẻ như được chấp thuận và bảo vệ chính họ đối với tín đồ (12:19) là chống lại lẽ thật. Chúa sẽ không để cho các sứ đồ có thể làm như vậy. Vì thế họ không thể làm điều đó.
Khi nói rằng các sứ đồ không thể làm gì trái với lẽ thật nhưng chỉ vùa giúp lẽ thật mà thôi thì Phao-lô muốn nói vói người Cô-rin-tô rằng vùa giúp lẽ thật là gây dựng tín đồ làm điều đoan chánh, và trái với lẽ thật là làm điều gì đó để chính mình được chấp thuận. Bảo vệ chính mình là chống lại lẽ thật. Lẽ thật trong câu 8 nói đến thực tại nội dung của đức tin. Tự bênh vực là trái với lẽ thật; điều đó không vùa giúp lẽ thật. Vì lí do này, chúng ta phải quên đi việc bảo vệ chính mình, bênh vực chính mình mà chỉ quan tâm đến gây dựng tín đồ. Đây là vùa giúp lẽ thật.
HOÀN HẢO TÍN ĐỒ
Câu 9 chép: “Dầu chúng tôi yếu đuối mà anh em được mạnh mẽ thì chúng tôi cũng vui mừng; còn điều chúng tôi cầu xin đây ấy là cho anh em được nên trọn vẹn”. Yếu đuối ở đây và dường như bị loại ra là như nhau. Khi các sứ đồ dường như bị loại bỏ thì họ yếu đuối trong việc thi hành kỷ luật đối với tín đồ. Khi tín đồ làm điều đoan chánh thì tín đồ mạnh mẽ và làm cho các sứ đồ hoàn toàn không có khả năng để kỷ luật họ. Các sứ đồ vui mừng về điều này và cầu nguyện về điều này, tức là cầu nguyện cho các tín đồ được hoàn hảo.
Theo nghĩa đen từ được dịch là “hoàn hảo” có nghĩa là phục hồi. Nó hàm ý đến việc sửa chữa, điều chỉnh, xếp đặt cho có trật tự, tu sửa, nối kết với nhau một cách hoàn hảo, trang bị chu đáo, cung cấp tốt, vì thế được hoàn hảo, trọn vẹn và có giáo dục. Các sứ đồ cầu nguyện cho người Cô-rin-tô để họ có thể được phục hồi, được đặt đúng trật tự trở lại, được trang bị chu đáo và được gây dựng để lớn lên trong sự sống nhằm xây dựng Thân Thể Đấng Christ.
KHÔNG TỎ VẺ CÓ UY QUYỀN
Trong câu 10 Phao-lô kết luận phần này bằng cách nói rằng: “Sở dĩ khi vắng mặt, tôi viết những điều này, để khi tôi có mặt, không cần đối đãi nghiêm khắc, theo như quyền bính Chúa ban cho tôi để gây dựng, chớ không phải để đánh đổ”. Câu này cho thấy rằng Phao-lô không tỏ vẻ có uy quyền. Thậm chí ông không muốn thừa nhận rằng ông đang bảo vệ chính ông hay tự bênh vực mình. Dĩ nhiên trong những chương này có hàm ý rằng Phao-lô là một sứ đồ. Tuy nhiên, ông làm ra vẻ là một sứ đồ với người Cô-rin-tô. Thế thì điều gì đang xảy ra từ chương 10 đến chương 13? Ông đang tìm cách để hoàn hảo và xây dựng tín đồ. Trong những chương này, Phao-lô không đang tự bảo vệ mà đang hoàn hảo các thánh đồ. Ông không đang bênh vực thế đứng của mình với tư cách là một sứ đồ hay có uy quyền sứ đồ của ông; ông đang hoàn hảo các thánh đồ. Nói cách khác, theo chức vụ thực sự của Phao-lô, ở đây ông đang làm việc để giải hoà những tín đồ Cô-rin-tô lầm lạc trở lại với Đức Chúa Trời cách đầy đủ. Hễ khi nào mối quan hệ của họ với những người đã cung ứng Christ vào trong họ chưa được điều chỉnh hay được chỉnh đốn thì người Cô-rin-tô vẫn còn xa cách Đức Chúa Trời. Họ vẫn còn ở trong một tình trạng bị phân rẽ, không được vui hưởng Đức Chúa Trời cách trọn vẹn. Điều Phao-lô đang làm ở đây là cố gắng lấy đi sự phân rẽ cuối cùng giữa tín đồ với Đức Chúa Trời và đem họ hoàn toàn trở lại vào trong Đức Chúa Trời hầu cho họ có thể vui hưởng Ngài cách trọn vẹn.
Chúng ta đã thấy rằng sứ đồ Phao-lô là một gương mẫu cho tất cả tín đồ. Trong chương 12, ông cho chúng ta biết thể nào ông vui hưởng Christ đến cực điểm như là ân điển toàn túc của ông, là quyền năng của ông và là nhà trại phủ bóng của ông. Khi Phao-lô viết thư này cho người Cô-rin-tô thì đa số họ đã không bước vào trong một sự vui hưởng Christ như thế. Vì thế, trong phần cuối của chương 12 và phần đầu của chương 13, Phao-lô đang cố gắng đem tín đồ vào trong sự vui hưởng Christ như là ân điển toàn túc của họ, sức mạnh hằng ngày của họ và là nơi cư ngụ phủ bóng của họ. Phao-lô không có ý định làm ra vẻ sứ đồ, vận dụng uy quyền sứ đồ của ông hay bênh vực vị trí sứ đồ của ông.
THẾ NÀO LÀ MỘT SỨ ĐỒ
Khi Phao-lô dùng từ sứ đồ, ý ông muốn nói đến một điều còn Cơ Đốc nhân ngày nay dùng từ này họ lại muốn nói đến một điều khác. Từ vựng thì như nhau nhưng ngữ nghĩa hay nghĩa tự điển thì khác nhau. Khi Phao-lô nói đến chính ông là một sứ đồ thì ý ông muốn nói đó là một người được Đức Chúa Trời sai đến để cung ứng Christ vào trong tội nhân hầu cho họ có thể trở thành con cái của Đức Chúa Trời và Chi Thể của Đấng Christ, rồi họ được gây dựng lớn lên thành Thân Thể Đấng Christ. Đây là sự hiểu biết của Phao-lô về một sứ đồ là như thể nào. Phao-lô không dùng từ này với nghĩa rộng: sứ đồ là người quyền năng được Đấng Christ ban cho thẩm quyền để kiểm soát và cai trị. Không, trong Phao-lô không có khái niệm như thế về chức sứ đồ. Khái niệm này hoàn toàn đáng khinh. Tuy nhiên, ngày nay khi nhiều người dùng từ sứ đồ, họ nghĩ về một người nào đó như là giáo hoàng hoặc ít ra cũng là tổng giám mục. Thậm chí một số người có khái niệm từ này là trưởng lão. Vì thế họ gán cho từ sứ đồ và trưởng lão một ý nghĩa rộng rất khó chịu. Chúng ta phải hiểu những từ liệu này theo Kinh Thánh, tức là theo Lời thuần khiết của Đức Chúa Trời chứ không theo truyền thống tôn giáo.

Tôi muốn làm chứng rằng tôi chưa bao giờ tỏ vẻ là một “sứ đồ”. Chắc chắn tôi không phải là một sứ đồ theo ý nghĩa là một người nắm quyền và địa vị để cai trị. Nhưng tôi hoàn toàn đồng ý nếu anh em muốn nói rằng tôi là một sứ đồ theo ý nghĩa được Đức Chúa Trời sai đến để cung ứng Đấng Christ vào trong người khác và truyền Christ vào trong họ hầu cho họ có thể trở thành con cái Đức Chúa Trời và những Chi Thể của Đấng Christ và được lớn lên trong sự sống, rồi được xây dựng thành Thân Thể Đấng Christ. Chúng ta cần dùng từ sứ đồ với một sự hiểu biết và định nghĩa đúng đắn. Như trước đây chúng tôi đã chỉ ra rằng tất cả chúng ta đều có thể là sứ đồ theo ý nghĩa là những người được sai đi để cung ứng Christ cho người khác và giúp họ lớn lên hầu cho họ có thể được xây dựng thành Thân Thể Đấng Christ. Nhưng, đừng ai trong chúng ta là một sứ đồ theo ý nghĩa nắm lấy địa vị để thi hành quyền bính trên người khac. Thay vì nói tôi (hay bất cứ đầy tớ nào của Chúa) là một sứ đồ thì tốt hơn nên nói tôi là đầy tớ của Đấng Christ. Nguyện tất cả chúng ta đều là sứ đồ không theo ý nghĩa là các giáo hoàng nhưng theo ý nghĩa là những nô lệ cung ứng Christ cho người khác. Tất cả chúng ta đều có đủ tiêu chuẩn để trở thành những sứ đồ loại này.