Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 4




GIỚI THIỆU (4)
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 1:23–2:11
Trong bài này, chúng ta sẽ xem 1:23–2:11. Trong những câu này, Phao-lô nêu nhiều lí do khiến ông trễ nải đến Cô-rin-tô.
B. Lí Do Trễ Nải
1. Nể Người Cô-rin-tô
Trong 1:23, Phao-lô nói: “Tôi cầu Đức Chúa Trời làm chứng cho lòng (hồn) tôi rằng sở dĩ tôi không đến Cô-rin-tô là vì tôi nể (dung thứ) anh em”. Đối với Phao-lô, dung thứ cho người Cô-rin-tô là kiềm chế. Vị sứ đồ không đem roi đến thăm tín đồ Cô-rin-tô để kỷ luật, nhưng đến trong tình yêu và một linh nhu mì để xây dựng (1Cô. 4:21). Để tránh cảm giác không thoải mái nên ông đã cố nhịn không đến. Ông đã đối đãi họ một cách khoan dung và không đến với họ trong sự đau buồn (2Cô. 2:1). Ông không thích chủ trị trên đức tin của họ nhưng nóng lòng muốn làm một đồng công về sự vui mừng của họ (1:24). Đây là lẽ thật. Ông kêu cầu Đức Chúa Trời làm chứng cho ông về điều này.

a. Kêu Cầu Đức Chúa Trời Làm Chứng Cho Hồn Ông
Theo câu 23, Phao-lô kêu cầu Đức Chúa Trời làm chứng cho hồn ông. Vị sứ đồ kêu cầu Đức Chúa Trời làm chứng cho hồn ông, tức là cho chính ông nếu như ông đang nói cách giả dối.
Kêu cầu Đức Chúa Trời không chỉ là cầu nguyện với Đức Chúa Trời hoặc xin Ngài làm điều gì đó cho chúng ta. Nói “Ô, Đức Chúa Trời”, hoặc “Ô, Cha” không chỉ là cầu nguyện mà đó là kêu cầu Đức Chúa Trời. Nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay không có linh kêu cầu, một linh mạnh mẽ để kêu cầu Đức Chúa Trời. Nếu hoàn cảnh hay tình huống cho phép, tôi thích kêu “Ô, Cha tôi” hoặc “Ô, Chuá Jesus” không thôi. Có một sự khác nhau giữa kêu cầu và cầu nguyện. Chẳng hạn như, ai đó có thể cầu nguyện như thế này “Đức Chúa Trời Cha ơi, Ngài là thành tín, Ngài không hề thay đổi. Hãy giúp con cũng thành tín và không thay đổi. Con cầu xin điều này trong danh Chuá Jesus. A-men”. Dù đây là lời cầu nguyện tốt nhưng có thể không sống động lắm. Chúng ta cũng có thể cầu nguyện với Chuá Jesus theo cách không sống động như thế. Chúng ta có thể nói: “Chuá Jesus ơi, tôi cảm ơn Ngài vì Ngài yêu tôi. Chuá ơi, tôi cũng yêu Ngài. Nhưng Chuá ơi, Ngài biết rằng tôi yếu đuối, xin giúp đỡ trong sự yếu đuối của tôi”. Nhiều Cơ Đốc nhân cầu nguyện như vậy nhưng có thể họ cầu nguyện bằng một chút tấm lòng mà không vận dụng linh. Thậm chí họ không hiểu vận dụng linh trong sự cầu nguyện có ý nghĩa gì. Trong Giăng 4:24, Chuá Jesus phán: “Đức Chúa Trời là Linh; và ai thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong linh và thực tại”. Thờ phượng Đức Chúa Trời bao gồm cầu nguyện với Ngài. Vì cầu nguyện là thờ phượng và vì Chuá Jesus phán rằng chúng ta phải thờ phượng Đức Chúa Trời trong linh cho nên sự cầu nguyện của chúng ta cũng phải ở trong linh. Những lời mà chúng ta dùng để bày tỏ chính mình trong sự cầu nguyện là thứ yếu. Vấn đề quan trọng là chúng ta vân dụng linh để tiếp xúc Đức Chúa Trời. Khi cầu nguyện, chúng ta cần kêu cầu Đức Chúa Trời, vận dụng linh mình và nói: “Ô Cha, ô Đức Chúa Trời tôi, ô Cha tôi”. Đây là kêu cầu Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời Cha rất vui khi nghe chúng ta kêu cầu Ngài. Theo lời Chuá trong Giăng chương 4, ngày nay Cha đang tìm kiếm những người thờ phượng Ngài trong linh.
Tôi không biết cách nào tốt hơn là vận dụng linh để kêu cầu Đức Chúa Trời. Không nhất thiết phải kêu lớn. Thường thì kêu lớn bất tiện và không phù hợp. Chẳng hạn như khi người khác đang làm việc hoặc đang ngủ, mà anh em kêu cầu lớn tiếng thì sẽ quấy rầy họ. Ngay cả kêu cầu rất nhỏ cũng làm cho linh chúng ta được vận dụng.
Phao-lô viết tất cả những Thư Tín của ông một cách cẩn thận và cẩn trọng trong việc dùng từ ngữ. Trong 1:23 ông không nói “Tôi xin Đức Chúa Trời”; ông cũng không nói “Tôi cầu nguyện với Đức Chúa Trời”. Thay vì thế, Phao-lô nói “Tôi kêu cầu Đức Chúa Trời”. Việc kêu cầu Đức Chúa Trời hàm ý đến việc vận dụng linh. Phao-lô là người sống trong linh và là người thờ phượng Đức Chúa Trời trong linh. Nếu không sống trong linh, chắc chắn chúng ta sẽ khó thờ phượng Đức Chúa Trời trong linh.
Trong câu 23, Phao-lô kêu cầu Đức Chúa Trời làm chứng cho hồn ông. Điều này có nghĩa là ông kêu cầu Đức Chúa Trời làm chứng cho ông theo cách tiêu cực. Ở đây, dường như Phao-lô muốn nói: “Anh em ở Cô-rin-tô ơi, tôi đã không cư xử trong hồn. Nếu tôi cư xử trong hồn, Đức Chúa Trời sẽ làm chứng nghịch lại tôi. Tôi không phải là người sống trong hồn và cư xử trong hồn. Tôi không quyết định trong hồn để đến với anh em. Nếu đây là tình huống của tôi thì Đức Chúa Trời sẽ làm chứng nghịch cùng tôi”.
Thật thú vị khi Phao-lô không nói: “Tôi kêu cầu Đức Chúa Trời làm chứng cho linh tôi rằng trong linh tôi quyết định đến với anh em”. Trái lại, ông kêu cầu Đức Chúa Trời làm chứng theo cách tiêu cực nghịch lại hồn ông. Ông kêu cầu Ngài làm chứng rằng ông không quyết định bất cứ điều gì trong hồn, tức là trong bản ngã. Đức Chúa Trời sẽ làm chứng nghịch lại một quyết định như thế ở trong hồn. Loại làm chứng tiêu cực này có khi còn mạnh hơn là làm chứng tích cực.
Lí do Phao-lô không đến Cô-rin-tô là vì ông muốn dung thứ cho người Cô-rin-tô. Không phải vì ông ba phải, hay thay đổi lúc nói có lúc nói không. Phao-lô không muốn đến Cô-rin-tô bằng cây roi để kỷ luật họ; đúng ra ông muốn dung thứ họ và đến với họ trong tình yêu. Ông kêu cầu Đức Chúa Trời làm chứng điều này cho ông.
Phao-lô là gương mẫu tốt cho chúng ta noi theo. Bởi sự thương xót của Chuá, chúng ta cần học tập ông và noi theo ông. Phao-lô là một người kỳ diệu. Ông rất thuộc linh, ông được cấu tạo Christ; ông kinh nghiệm và ông trưởng thành trong những sự giàu có của Christ. Là một người như thế, ông muốn dung thứ cho người Cô-rin-tô và vì lí do này nên ông chưa đến Cô-rin-tô.
b. Không Chủ Trị Trên Đức Tin Của Tín Đồ Nhưng Làm Đồng Công Về Sự Vui Mừng Của Họ
Trong câu 24. Phao-lô nói tiếp: “Không phải chúng tôi muốn chủ trị đức tin anh em đâu, nhưng chúng tôi muốn giúp đỡ về sự vui mừng của anh em, vì anh em đứng được là nhờ đức tin vậy”. Vì tín đồ đứng trong đức tin khách quan (1Cô. 16:13) nên đức tin chủ quan là cần thiết. Chủ trị trên đức tin chủ quan của họ làm cho đức tin ấy ra yếu đuối, nhưng đồng công về sự vui mừng của họ làm cho đức tin ấy mạnh mẽ.
2. Không Đến Trong Sự Buồn Rầu
Trong 2:1 Phao-lô nói: “Vậy, về phần tôi, tôi đã quyết định không lấy sự buồn rầu mà lại đến cùng anh em”. Một mặt, Phao-lô kêu cầu Đức Chúa Trời làm chứng nghịch lại hồn ông; mặt khác, ông bảo rằng ông quyết định điều gì đó trong chính ông. Đây không phải là vấn đề trong hồn sao? Trong 2:1, bản ngã của Phao-lô là bản ngã thuộc linh, hồn thuộc linh, tức hồn ở dưới sự kiểm soát và hướng dẫn của linh. Theo cách con người, Phao-lô quyết định trong chính ông không trở lại với người Cô-rin-tô trong sự buồn rầu. Quyết định này không được linh cảm thúc; đó là vấn đề con người được Phao-lô quyết định trong chính mình. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng điều này được quyết định bởi một người ở dưới sự kiểm soát và hướng dẫn của linh. Đây là ví dụ khác về nguyên tắc nhục hoá. Nguyên tắc này được tìm thấy trong Ga-la-ti 2:20. Nguyên tắc nhục hoá luôn luôn hành động theo cách này. Là người, Chuá Jesus đã làm nhiều phép lạ nhưng chính Đức Chúa Trời là Đấng làm những phép lạ này chứ không phải chính Chuá Jesus. Đây là điều mà chúng ta muốn nói về nguyên tắc nhục hoá.
Trong câu 2, Phao-lô hỏi: “Vì nếu tôi làm cho anh em buồn rầu thì ai làm cho tôi vui vẻ ngoài kẻ mà tôi đã làm cho buồn rầu đó ư?” Câu này rất triết lí, rất lô-gíc và rất thuộc linh.
Trong câu 3, Phao-lô nói tiếp: “Tôi đã viết điều nầy cho anh em, e khi tôi đến kẻ đáng làm cho tôi vui trở lại làm cho tôi buồn chăng; tôi cũng tin chắc anh em thảy đều lấy sự vui mừng của tôi mà làm sự vui mừng của mình cả”. Từ “đã viết” nói đến những gì Phao-lô đã viết cho người Cô-rin-tô trong thư thứ nhất.
Trong câu 4, Phao-lô nói: “Vì ấy là do sự hoạn nạn lớn và lòng quặn thắt với nước mắt dầm dề mà tôi đã viết cho anh em, nào phải để cho anh em buồn rầu đâu, bèn là để cho anh em biết tình thương yêu rất dồi dào của tôi đối với anh em vậy”. Ở đây, Phao-lô nói đến chính ông. Một số người được gọi là thuộc linh cứ khăng khăng rằng chúng ta đừng bao giờ nên nói về chính mình. Trong suốt nhiều năm tôi ở với hội Anh Em, người ta nói với tôi rằng tín đồ đừng bao giờ nói bất cứ điều gì về chính mình. Tôi đã chấp nhận sự thực hành này trong nhiều năm. Sau đó tôi học biết rằng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Nói hay không nói về chính mình đều phụ thuộc vào động cơ của chúng ta. Trong 2 Cô-rin-tô Phao-lô nói nhiều về chính mình. Trong phần giới thiệu này, ông không chỉ nói về chính mình mà ông còn biện luận cho ông và biện minh cho chính ông. Đôi khi chúng ta cần nói về chính mình. Christ cần những người làm chứng. Đấng Christ là thực tại và chúng ta cần những người làm chứng cho thực tại này. Là người làm chứng, chúng ta không kiêu ngạo cũng không khiêm nhường. Vào đúng thời điểm, chúng ta cần làm chứng cho Chuá cách chân thật và dạn dĩ. Đây chính xác là những gì Phao-lô đang làm ở đây khi ông bảo người Cô-rin-tô rằng trong Thư thứ nhất ông đã viết cho họ xuất phát từ những hoạn nạn và đau lòng, và ông đã viết bằng nước mắt. Ông đã viết cho người Cô-rin-tô theo cách này, họ không đáng bị buồn rầu nhưng họ nên biết tình yêu của ông đối với họ.
Câu 5 nói: “Nếu có kẻ đã làm cho buồn rầu, thì kẻ ấy chẳng những làm cho tôi buồn rầu mà thôi, nhưng cũng đã làm cho anh em thảy đều buồn rầu đôi phần – tôi nói đôi phần là vì tôi chẳng muốn quá nặng lời”. Phao-lô cẩn thận, không phóng đại. Ông đã viết theo cách thận trọng, dùng cụm từ “đôi phần”. Chữ nặng lời ở đây là nói quá nặng, nói quá nhiều. Phao-lô nói rằng kẻ phạm tội đã đôi phần gây cho cả Hội thánh buồn rầu. Ông nói đôi phần vì sợ rằng ông nói quá nặng hoặc nói quá nhiều. Điều này cho thấy rằng ông là một người mềm mại, thận trọng và ý tứ.
Trong câu 6, Phao-lô nói: “Kẻ đó đã bị phần đông trách phạt thì cũng đủ rồi”, điều này cho thấy rằng sau khi đọc Thư thứ nhất của Phao-lô, đa số tín đồ ở Cô-rin-tô đã trách phạt người phạm tội loạn luân. Ở đây, Phao-lô cho thấy rằng sự hình phạt này bởi đa số là đủ rồi. Do đó, trong câu 7, ông nói tiếp: “trái lại, thà tha thứ cho người, an ủi người, kẻo e người bị nuốt mất bởi sự buồn rầu quá lớn chăng”. Tha thứ ở đây cũng có nghĩa là xử lí một cách đầy ân điển. Thay vì quở trách, bây giờ cần phải an ủi và tha thứ, cũng cần xoa dịu và rịt lành vết thương. Do đó, trong câu 8, Phao-lô nói: “Vậy, tôi nài khuyên anh em hãy tỏ rõ tình thương yêu đối với người đó”.
Câu 9 nói tiếp: “Cũng vì cớ ấy mà tôi đã viết cho anh em, cốt để thử cho biết anh em có vâng phục trong mọi sự cùng chăng”. Để “thử anh em” có nghĩa là “đặt anh em đến chỗ thử nghiệm”. Vâng phục là một phẩm chất đã được thử nghiệm, một đặc điểm đã được chứng minh. Mục tiêu của Phao-lô trong việc viết Thư thứ nhất cho người Cô-rin-tô là để biết sự vâng phục của họ. Ông viết rằng ông thử họ để thấy liệu họ có vâng phục hay không. Bây giờ, Phao-lô nhận thức rằng người Cô-rin-tô có vâng phục và đã được thử nghiệm. Sự vâng phục của họ đối với Thư thứ nhất đã chứng tỏ họ đối với Phao-lô.
Câu 10 chép: “Nhưng anh em tha thứ gì cho ai, thì tôi cũng tha thứ; vì nếu tôi đã tha thứ gì ấy là vì anh em mà tha thứ trước mặt Christ (trong thân vị của Christ)”. Một số người nghĩ rằng tha thứ trong Thân Vị của Christ là tha thứ nhơn danh Christ. Những người nắm giữ quan điểm này có thể đưa ra lời Chuá trong Giăng 20:23 về việc các môn đồ có uy quyền tha thứ tội lỗi. Theo sự giải thích này, tha thứ một anh em phạm tội có nghĩa là tha thứ cho anh em đó nhơn danh Chuá và như là đại diện cho Chuá. Sự hiểu biết này thì không sai nhưng cũng không phải là sự giải thích chính xác những gì Phao-lô muốn nói trong câu 10.

Theo nghĩa đen, tiếng Hy Lạp dịch chữ thân vị là khuôn mặt, như trong 4:6. Đó là phần chung quanh đôi mắt, cái nhìn như là sự thể hiện những tư tưởng và cảm xúc bề trong, để biểu thị sự bày tỏ của cả thân vị đó. Điều này cho thấy rằng vị sứ đồ là người sống và hành động trong sự hiện diện của Christ, theo sự thể hiện của cả thân vị được bày tỏ trong đôi mắt Ngài. 2 Cô-rin-tô 1:1 đến 2:11, tức phần đầu tiên, là một lời giới thiệu dài cho Thư tín này, là thư tín theo sau thư thứ nhất gởi cho những tín đồ vô kỷ luật ở Cô-rin-tô. Phao-lô nhận thông tin (7:6-13) rằng họ đã chấp nhận lời quở trách của ông trong Thư thứ nhất và họ đã ăn năn. Thông tin này làm cho ông được an ủi và được khích lệ. Vì thế, ông viết Thư Tín này để an ủi và khích lệ họ theo cách rất riêng tư, mềm mại và trìu mến, đến nỗi Thư Tín này có thể được xem là tự truyện của ông. Trong đó, chúng ta thấy một con người sống Christ, theo những gì ông đã viết về Ngài trong Thư thứ nhất, trong sự tiếp xúc thân mật và gần gũi nhất với Ngài, hành động theo sự thể hiện của đôi mắt Ngài; một con người làm một với Christ, đầy dẫy Christ và được dầm thấm Christ; một người bị phá vỡ và thậm chí bị kết liễu trong sự sống thiên nhiên, được làm cho mềm mại và uyển chuyển trong ý chí, trìu mến nhưng giới hạn trong tình cảm, thận trọng và tỉnh táo trong tâm trí, thuần khiết và chân thật trong linh đối với tín đồ vì lợi ích của họ, để họ có thể kinh nghiệm và vui hưởng Christ như ông đã kinh nghiệm và vui hưởng hầu hoàn thành mục đích đời đời của Đức Chúa Trời trong việc xây dựng Thân Thể Đấng Christ.
Chúng tôi đã chỉ ra rằng từ “thân vị” ở đây nói đến một phần của khuôn mặt chung quanh đôi mắt, là phần thể hiện tư tưởng và cảm xúc của một người và bởi đó biểu lộ cả thân vị của người đó. Nếu muốn biết cảm xúc của một người nào đó đối với anh em như thế nào, hoặc vui hoặc buồn, thoả mãn hay không thoả mãn, anh em không nhìn mặt của người đó cách chung chung nhưng nhìn vào phần chung quanh đôi mắt, tức là sự thể hiện những tư tưởng và cảm xúc của người đó. Khi Phao-lô tha thứ cho người anh em phạm tội đó, ông đã làm như vậy bằng cách nhìn vào sự thể hiện đôi mắt của Chuá Jesus. Nếu sự thể hiện của đôi mắt Chuá cho thấy rằng Ngài không hài lòng với việc Phao-lô tha thứ cho anh em đó thì Phao-lô sẽ không tha thứ cho người. Ắt hẳn ông nhận thức được rằng Chuá không vui về những gì ông đang làm. Khi Phao-lô tha thứ cho anh em đó, ông nhìn vào Chuá Jesus và nhận biết rằng Chuá đang khích lệ ông. Do đó, Phao-lô có thể nói rằng ông đã tha thứ trong Thân Vị của Christ. Điều này cho thấy rằng Phao-lô là một người sống và hành động trong sự hiện diện của Christ.
Năm 1940, anh Nee chỉ ra rằng Phục Truyền Luật Lệ Kí có thể được xem là tự truyện của Môi-se và 2 Cô-rin-tô là tự truyện của Phao-lô. Trong 2 Cô-rin-tô, Phao-lô nói rất nhiều về chính ông. Thực ra, ông nói về ông nhiều hơn nói về Christ. Trong việc viết tự truyện này, Phao-lô làm chứng về Christ. Trong Sách này, chúng ta thấy một người sống Christ theo những gì ông viết về Ngài trong 1 Cô-rin-tô. Phao-lô đã sống trong sự tiếp xúc Christ cách gần gũi và thân mật nhất, hành động theo sự thể hiện của đôi mắt Ngài. Ông thật sự là người làm một với Christ, đầy dẫy Christ, và dầm thấm Christ.
Trong câu 11, Phao-lô nói: “Hầu cho Sa-tan không được lợi thế hơn chúng ta, vì chúng ta chẳng phải là không biết quỉ mưu của nó đâu”. Câu này cho thấy ma quỉ, Sa-tan đứng sau hiện trường trong mọi sự và hành động trong mọi sự. Chữ quỉ mưu theo tiếng Hy Lạp ở đây có nghĩa là những kế hoạch, những mưu đồ, những mưu kế, những âm mưu, ý đồ, mưu chước, ý định, và những mục đích. Ngay cả trong nếp sống Hội thánh, có thể Sa-tan cũng đứng sau hiện trường. Đừng nghĩ rằng vấn đề tha thứ cho một anh em chỉ liên quan đến Hội thánh mà không liên quan đến những mưu kế của Sa-tan. Ngay cả sau một vấn đề như thế, Sa-tan có thể đang ẩn nấp, tìm cách thực hiện những kế hoạch và nuốt chững những người yếu đuối.
Trong những câu này, chúng ta thấy rằng Phao-lô thân mật, thuộc linh và cảnh giác. Ông chăm sóc các thánh đồ một cách thân mật, ông đã sống trong sự thể hiện của bản thể Christ, và ông cảnh giác về những mưu đồ tinh vi của kẻ thù đằng sau hiện trường của nếp sống Hội thánh. Tất cả chúng ta nên học tập Phao-lô chăm sóc thánh đồ, sống Christ và cảnh giác về sự xảo quyệt của kẻ thù