Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 53

PHAO-LÔ BÊNH VỰC UY QUYỀN SỨ ĐỒ CỦA ÔNG (4)
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô. 11:1-15
Trong 11:3, Phao-lô nói: “Nhưng tôi ngại rằng tâm tư của anh em bị bại hoại mất sự đơn thuần thanh khiết đối với Đấng Christ, cũng như xưa kia con rắn đã dùng quỉ kế mà dụ hoặc Ê-va vậy”. Ở đây, Phao-lô chỉ ra rằng những sự dạy dỗ của người Giu-đa có thể được so với những lời của con rắn lừa dối Ê-va trong Sáng Thế Kí chương 3. Nói cách khác, Phao-lô ví những hoạt động của người Giu-đa với công việc của con rắn đối với Ê-va. Từ việc đọc Sáng Thế Kí chương 3, chúng ta biết con rắn đã lừa dối Ê-va khỏi sự vui hưởng cây sự sống. Cách để hắn xoay bà khỏi sự vui hưởng cây sự sống là chỉ cho bà một cây khác, tức cây tri thức thiện ác, là cây dẫn đến sự chết.
HAI CÂY
Nhiều lần chúng tôi đã chỉ ra rằng cây sự sống thì đơn giản. Với cây này, chỉ có một yếu tố, và yếu tố đó là sự sống. Cây sự sống dẫn đến sự sống. Ngược lại, cây tri thức thiện ác thì phức tạp và cũng làm cho phức tạp. Với cây này, chúng ta có thiện, ác, tri thức và sự chết.
Cả Kinh Thánh là sự phát triển của hai cây này. Cây sự sống tượng trưng cho Đức Chúa Trời trong Christ là Linh làm sự sống cho chúng ta. Cây tri thức thiện ác tượng trưng cho Sa-tan là sự chết. Sa-tan là quyền lực sự chết. Cây tri thức thiện ác tượng trưng cho Sa-tan là sự chết bao gồm tri thức, điều thiện, và điều ác. Con rắn dụ hoặc Ê-va khỏi cây sự sống bằng cây tri thức thiện ác cùng với sự phức tạp của cây ấy. Vì Ê-va bị lừa dối và bị bắt lấy, nên bà đã đánh mất sự đơn thuần và thanh khiết đối với Đức Chúa Trời. Kết quả là Ê-va sa ngã, và sự chết đã bước vào qua sự sa ngã. Đây là câu chuyện về phương cách con rắn đã dụ dỗ Ê-va khỏi gia tể của Đức Chúa Trời.

SA-TAN VÀ NGƯỜI GIU-ĐA
Trong 2 Cô-rin-tô chương 11, Phao-lô áp dụng cho người Giu-đa và Hội thánh ở Cô-rin-tô những gì mà con rắn đã làm đối với Ê-va. Tôi tin rằng sâu xa trong linh ông, Phao-lô nhận thức hai vấn đề này thực ra là một và những gì đang xảy ra ở Cô-rin-tô là sự lập lại những gì đã xảy ra ở vườn Ê-đen. Ê-va là vợ và Hội thánh tại Cô-rin-tô là một đồng nữ trinh khiết đã được gả cho một chồng, tức Đấng Christ. Vì lí do này, trong 11:2 Phao-lô nói: “Vì tôi lấy sự ghen tức của Đức Chúa Trời mà ghen tức anh em, bởi tôi đã gả anh em cho một chồng mà thôi, hầu trình diện anh em cho Đấng Christ như một đồng nữ trinh khiết”. Hơn nữa, người vợ trong vườn Ê-đen đã bị con rắn xảo quyệt dụ dỗ. Ở Cô-rin-tô, đồng nữ trinh khiết đang bị Sa-tan dụ dỗ qua người Giu-đa. Ở một chỗ khác trong chương này, Phao-lô đã liên kết người Giu-đa với Sa-tan. “Vì mấy người dường ấy là sứ đồ giả, là kẻ làm công lừa dối, tự mạo làm sứ đồ của Christ. Nào có lạ gì, chính Sa-tan cũng tự mạo làm thiên sứ của sự sáng” (c. 13-14). Ở đây, Phao-lô chỉ ra rằng người Giu-đa, những sứ đồ giả, là những chấp sự của Sa-tan. Câu 15 chép: “Vậy thì, nếu những chấp sự của nó tự mạo làm chấp sự của sự công chính cũng chẳng lạ gì. Kết cuộc của họ hẳn theo công việc của họ”. Người Giu-đa là chấp sự của Sa-tan, có nghĩa là họ không cung ứng Christ cho người khác. Thay vì thế, điều mà họ cung ứng thật ra là Sa-tan.
Phao-lô có thể biện biệt rằng người Giu-đa đã có một Jesus khác, một linh khác, và một Phúc Âm khác. Trong câu 4, Phao-lô nói với người Cô-rin-tô rằng: “Vì nếu có người đến rao giảng cho anh em một Jesus khác mà chúng tôi chẳng rao giảng, hoặc anh em nhận một linh khác với linh anh em đã nhận, hoặc nhận một Phúc Âm khác mà anh em chẳng nhận, thì anh em chắc (giỏi) dung chịu”. Người Giu-đa công bố rằng họ rao giảng về Jesus. Tuy nhiên, Phao-lô biết họ đã rao giảng một Jesus khác chứ không phải Chúa Jesus mà Phao-lô rao giảng. Hơn nữa, họ công bố rằng họ có linh. Có lẽ họ công bố linh này là Thánh Linh. Phao-lô cũng biện biệt được linh của họ không phải là Thánh Linh; người Giu-đa có một linh khác. Hơn nữa, người Giu-đa công bố rằng những điều họ rao giảng là Phúc Âm. Nhưng Phao-lô tuyên bố Phúc Âm của họ là Phúc Âm khác.
Khi con rắn đến với Ê-va, nó không công khai phủ nhận Lời của Đức Chúa Trời. Thật ra, con rắn nói với người nữ: “Mà chi! Đức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao?” (Sáng. 3:1). Ở đây, chúng ta thấy con rắn hỏi rằng “Đức Chúa Trời há có phán?” Loại câu hỏi này dường như, một mặt nhận ra những điều Đức Chúa Trời phán; mặt khác, ngầm làm suy yếu Lời của Đức Chúa Trời. Bằng cách hỏi câu này, con rắn đã tiêm nọc độc vào Ê-va nhằm làm suy yếu lời phát ngôn của Đức Chúa Trời.
Thật khó cho tín đồ Cô-rin-tô biện biệt được sự khác nhau giữa Jesus mà Phao-lô rao giảng với Jesus được người Giu-đa rao giảng. Tên gọi thì giống nhau. Nhưng vẫn cần có sự biện biệt. Phúc Âm cũng thế. Phao-lô đem Phúc Âm đến với người Cô-rin-tô. Người Giu-đa cũng tuyên bố họ rao giảng phúc âm. Nhưng Phao-lô biện biệt được rằng Phúc Âm mà người Giu-đa rao giảng thì khác với Phúc Âm mà các sứ đồ đã rao giảng. Phúc Âm này không giống như Phúc Âm mà Phao-lô đã rao giảng.
Về nguyên tắc, tình trạng của chúng ta ngày nay cũng giống như tình trạng của người Cô-rin-tô. Từ liệu, định nghĩa và tên gọi của nhiều vấn đề có thể giống nhau. Nhưng nếu vận dụng sự biện biệt đúng đắn, chúng ta sẽ nhận biết rằng thật ra chúng không giống nhau.
BỊ PHÂN RẼ KHỎI SỰ VUI HƯỞNG ĐỨC CHÚA TRỜI
Tôi muốn chỉ ra điều quan trọng liên quan đến Phúc Âm đích thực, đến linh chân thật và đến Jesus thật. Hễ khi nào có sự rao giảng phúc âm đích thực và Jesus thật với một linh chân thật thì Chúa Jesus sẽ được cung ứng cho người khác hầu cho họ có thể đánh giá cao Ngài, yêu Ngài, theo Ngài và nhận Ngài là mọi sự. Qua nhiều thế kỷ, nhiều người đã rao giảng Kinh Thánh và dạy Kinh Thánh, nhưng sự rao giảng và dạy dỗ của họ tuy nhiên đã làm xao lãng tín đồ khỏi Thân Vị quý báu của Chúa Jesus Christ. Về nguyên tắc, những người như thế đã dụ dỗ tín đồ giống như cách con rắn đã làm trong Sáng Thế Kí chương 3.
Mục tiêu của Đức Chúa Trời là sự sống. Được tượng trưng bởi cây sự sống, sự sống này là chính Đức Chúa Trời trong Christ như là Linh. Phương cách của kẻ thù, tức Sa-tan, con rắn là làm cho con người xao lãng khỏi sự sống này. Hắn tìm cách xoay họ đến tri thức, điều thiện, điều ác, mà kết quả của những điều đó là sự chết. Chết là phân rẽ khỏi sự vui hưởng Đức Chúa Trời.
Sự hiểu biết đúng đắn về sự chết có nghĩa là sự phân rẽ khỏi việc vui hưởng Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là nếu không có vui hưởng Đức Chúa Trời, chúng ta ở trong sự chết. Cũng vậy, nếu bị phân rẽ khỏi sự vui hưởng Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ chết. Điều này được khải thị đầy đủ trong La-mã chương 8. La-mã 8:6 chép: “Vả, chí hướng của xác thịt là sự chết, còn chí hướng của linh là sự sống và bình an”. Trong câu này, chết là phân rẽ khỏi sự vui hưởng Đức Chúa Trời. Sự sống thì ngược lại vì sự sống là sự vui hưởng Đức Chúa Trời. Khi chúng ta vui hưởng Đức Chúa Trời, không có sự phân rẽ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời thì chúng ta ở trong sự sống, và sự sống hành động trong chúng ta.
Trong việc làm tín đồ xao lãng khỏi cây sự sống, Sa-tan tìm cách phân rẽ chúng ta khỏi sự vui hưởng Đức Chúa Trời là sự sống của chúng ta. Trong nhiều thế kỷ, con rắn xảo quyệt đã dùng những sự dạy dỗ để làm cho những người được chọn của Đức Chúa Trời không vui hưởng Ngài là sự sống của họ. Vì phần lớn những sự dạy dỗ này có liên quan đến tri thức, điều thiện và điều ác. Nhưng những sự dạy dỗ như thế dẫn đến sự phân rẽ khỏi Đức Chúa Trời.
Từ thời các sứ đồ cho đến nay, có nhiều sự dạy dỗ liên quan đến giáo lí, thần học, tôn giáo, những sự thực hành, lễ nghi, và sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Tất cả Những sự dạy dỗ như thế đều nằm trong đường hướng của cây tri thức. Chúng không đem chúng ta vào trong sự vui hưởng Đức Chúa Trời. Thay vì thế, chúng phân rẽ chúng ta khỏi sự vui hưởng này.
Thời xưa, khi người Giu-đa đến với những Hội thánh, những người Giu-đa này đã giả vờ chân thật. Có thể họ đã nói rằng họ là người Hê-bơ-rơ, người Israel, tức dòng dõi của Ap-ra-ham. Họ cũng đã công bố rao giảng Đấng Christ và là những chấp sự của Đấng Christ. Hơn nữa, họ có một linh và nói rằng những điều họ rao giảng là Phúc Âm. Nếu anh em ở Cô-rin-tô khi người Giu-đa ở đó, thì anh em có phân biệt được Jesus đích thực, linh thuần khiết, và Phúc Âm thật với Jesus giả, linh giả và Phúc Âm giả không? Nếu có mặt ở đó như một trong những tín đồ Cô-rin-tô, có lẽ anh em đã bị lừa dối. Anh em không nên tự tin cho rằng mình có thể biện biệt những điều mà Phao-lô đã biện biệt
Trong 2 Cô-rin-tô chương 11, Phao-lô mạnh mẽ và dạn dĩ nói rằng người Giu-đa là những sứ đồ giả, những người làm công lừa dối, những chấp sự của Sa-tan. Vì họ không phải là những sứ đồ đích thực nên Phao-lô gọi họ là những siêu-sứ đồ, là những người vượt quá mức lượng của mình mà tự đặt mình ở mức độ cao hơn.
Ngày nay, bởi sự thương xót của Chúa, chúng ta có thể nhận biết rằng chắc chắn Phao-lô là sứ đồ thượng hạng ở mức độ chức vụ cao nhất. Tuy nhiên, người Giu-đa công bố rằng họ còn cao hơn Phao-lô. Thái độ của họ là Phao-lô không là gì so với họ, cho rằng ông hiểu biết kém xa họ. Trong 2 Cô-rin-tô, có một sự ám chỉ, một sự gợi ý rằng họ hiểu biết nhiều hơn Phao-lô. Không có gì lạ khi Phao-lô gọi họ là siêu-sứ đồ. Dĩ nhiên, đây là một từ liệu mỉa mai. Phao-lô không dùng cách diễn đạt này theo cách tích cực. Thật ra, người Giu-đa không phải là siêu-sứ đồ, vì họ chẳng phải là những sứ đồ đích thực gì cả.
Anh em có nhận thấy tình trạng ngày nay cùng một nguyên tắc với tình trạng mà Phao-lô, người Giu-đa, và người Cô-rin-tô không? Vì tình trạng của chúng ta cũng giống như vậy nên điều quan trọng là biện biệt người chân thật và người giả dối.
BÍ QUYẾT BIỆN BIỆT
Cách tốt nhất để biện biệt vấn đề là biện biệt theo sự sống hoặc sự chết. Chúng ta cần hỏi như vầy: sự dạy dỗ này có giúp tôi vui hưởng Chúa nhiều hơn và đem tôi vào trong sự sống, hay nó khiến nọc độc sự chết tiêm vào trong tôi? Anh em có thể thấy rằng nếu anh em chấp nhận loại dạy dỗ hoặc rao giảng này, nhận vào, thì ngay lập tức sự vui hưởng Chúa bên trong bị cắt đứt. Có điều gì đó có chức năng như là vật cách điện làm ngừng dòng điện thần thượng. Do đó, chúng ta phải học cách biện biệt, phân biệt những vấn đề bằng sự sống và sự chết.
Giả sử, những người Giu-đa ngày nay đến với anh em rao giảng một Jesus khác. Có chắc rằng anh em có thể biện biệt giữa Jesus của họ và Jesus thật, tức Jesus mà Phao-lô rao giảng không? Tôi không chắc là anh em biện biệt đúng đắn. Nhưng cảm tạ Chúa về bí quyết biện biệt thật. Bí quyết này là để biện biệt một sự rao giảng hay một sự dạy dỗ nào đó có giúp chúng ta vui hưởng Chúa và đạt được sự cung ứng sự sống nhiều hơn hay không. Nếu sự rao giảng của ai đó cắt đứt chúng ta khỏi sự vui hưởng Chúa thì sự rao giảng đó chắc chắn là của con rắn, tức Sa-tan. Nhưng nếu sự rao giảng của ai đó giúp chúng ta vui hưởng Chúa thì sự rao giảng đó là của Đức Chúa Trời. Do đó, theo đường lối được khải thị trong La-mã chương 8 thì chúng ta cần biện biệt theo sự chết hoặc sự sống. Những người mà đã rời bỏ sự khôi phục của Chúa thì không có sự cung ứng sự sống cũng không có sự vui hưởng. Điều này cho thấy rằng họ đã nhận một điều gì đó khác chứ không phải điều thuộc về Chúa.
Bí quyết để biện biệt là biện biệt theo sự sống hoặc sự chết. Bất cứ sự dạy dỗ nào làm cho sự vui hưởng Chúa của anh em bị ngừng lại là điều đó thuộc về sự chết chứ không phải sự dạy dỗ đó tốt như thế nào. Hễ sự dạy dỗ hay sự rao giảng của ai đó đem chúng ta ra khỏi sự vui hưởng Chúa là sự cung ứng sự sống, thì sự dạy dỗ đó thuộc về con rắn. Tuy nhiên, chức vụ đích thực của Chúa luôn luôn làm cho chúng ta mạnh mẽ trong sự vui hưởng Ngài là sự cung ứng sự sống.
Chúng ta không nên mong nhiều người Giu-đa bị giảm hạ. Trái lại, số lượng họ có thể sẽ gia tăng. Hễ khi nào anh em nghe họ nói hay đọc sách của họ thì hãy ghi nhớ nguyên tắc biện biệt này biện biệt theo sự sống và sự chết. Bất cứ điều gì cắt lỉa anh em khỏi sự vui hưởng Chúa đều thuộc về con rắn. Nhưng điều gì khiến sự vui hưởng Chúa của anh em gia tăng thì thuộc về Linh và thuộc về chức vụ Tân Ước.
CHIẾN LƯỢC CỦA SA-TAN
2 Cô-rin-tô chương 11 câu 2 và 3 thì vô cùng quan trọng. Những câu này cho thấy rằng Phao-lô rất sáng tỏ về chiến lược của Sa-tan. Ông nhận ra rằng chiến lược của Sa-tan là giăng bẫy giáo lí làm cho thánh đồ mắc bẫy. Do đó, Phao-lô tránh xa cái bẫy này. Hơn nữa, ông cố hết sức giữ các thánh đồ xa khỏi cái bẫy đó bằng cách nhắc nhở họ rằng ông lấy sự ghen tức của Đức Chúa Trời mà ghen tức họ và ông đã gả họ cho một Chồng để trình diện họ như một đồng nữ trinh khiết cho Đấng Christ. Ông bảo các thánh đồ rằng Chúa không muốn họ yêu bất cứ điều gì hoặc bất kỳ ai khác thay thế Ngài, nhưng Ngài muốn họ yêu Ngài duy nhất, đơn thuần, và trọn vẹn. Trong câu 3, Phao-lô tiết lộ sự quan tâm của ông kẻo tín đồ Cô-rin-tô bị lừa dối mà đánh mất sự đơn thuần và sự thanh khiết với Chúa. Từ câu này, chúng ta thấy rằng chúng ta cần phải đơn thuần và thanh khiết. Đừng phức tạp trong tâm trí mình, trong sự hiểu biết của mình bởi quá nhiều sự dạy dỗ và các học thuyết. Thay vì thế, hãy giữ chính mình đơn thuần và thanh khiết để vui hưởng Chúa là sự cung ứng sự sống của anh em.
Trong 2 Cô-rin-tô chương 11, Phao-lô nói đến một Jesus khác, một linh khác, một Phúc Âm khác, những sứ đồ giả, những người làm công giả dối, Sa-tan tự mạo làm thiên sứ của sự sáng, và các chấp sự của Sa-tan tự mạo là chấp sự của sự công chính. Nếu đọc cầu nguyện tất cả những câu này và tương giao những câu này, chúng ta sẽ nhận được nhiều ánh sáng hơn và có được nhiều sự cung ứng sự sống hơn.

--