Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 29



CHỨC VỤ CỦA LINH LÀ CUNG ỨNG SỰ SỐNG VÀ CHỨC VỤ CỦA SỰ CÔNG CHÍNH LÀ BIỂU LỘ ĐỨC CHÚA TRỜI (3)
Đọc Kinh Thánh: 2Cô. 3:8-9, 18; 5:21; Côl. 3:10; 1Cô. 1:30; La. 8:2, 4; 14:17; Phil. 1:19; 3:9; Khải. 19:7-8; Êph. 4:24; Mat. 5:6, 10, 20
Để hiểu biết hơn về chức vụ của Linh trong 2 Cô-rin-tô chương 3, chúng ta cần suy xét một số câu cốt lõi trong La-mã chương 8.
Trong La-mã 8:2, Phao-lô nói rằng luật của Linh sự sống buông tha chúng ta khỏi luật của tội và sự chết. Cụm từ cốt lõi trong câu này là “Linh sự sống”. Trong La-mã 8:4, Phao-lô tiếp tục nói về việc bước đi theo linh. Điều này liên quan đến sự sống đã được đề cập trong câu 2. Chúng ta phải bước đi theo Linh sự sống để những đòi hỏi công chính của kinh luật có thể được hoàn thành trong chúng ta. Điều này không có nghĩa là chúng ta nỗ lực giữ kinh luật mà có nghĩa là kinh luật được hoàn thành trong chúng ta một cách tự động và vô thức khi chúng ta bước đi theo Linh.
NHỮNG ĐÒI HỎI CỦA KINH LUẬT ĐƯỢC HOÀN THÀNH TRONG CHÚNG TA
Nếu không sống trong Linh sự sống và không bước đi theo Linh này mà vẫn cố giữ kinh luật thì chúng ta sẽ không thành công. Thậm chí nếu có thành công trong việc giữ kinh luật theo cách bên ngoài thì chúng ta vẫn sẽ không có sự công chính. Nhưng khi sống trong Linh sự sống và bước đi theo Linh sự sống, tự động chúng ta sẽ giữ kinh luật cho dù không có ý định làm như vậy. Tự phát, tất cả những đòi hỏi của kinh luật sẽ được hoàn thành trong chúng ta.

Bây giờ, chúng ta hãy xem chi tiết hơn thể nào kinh luật của Đức Chúa Trời, tức Mười Điều Răn được hoàn thành trong chúng ta khi chúng ta bước đi theo Linh sự sống. Khi sống và bước đi trong Linh, chắc chắn chúng ta sẽ có một Đức Chúa Trời duy nhất. Sẽ không bao giờ có một Đức Chúa Trời nào khác hơn là Đức Chúa Trời của chúng ta. Điều này có nghĩa là tự phát chúng ta hoàn thành Điều Răn thứ nhất.
Hơn nữa, chúng ta không bao giờ tạo ra hình ảnh để thờ phượng như một hình tượng. Chúng ta không tạo ra những hình ảnh thấy được, cũng không tạo ra những hình ảnh không thấy được. Đôi khi chúng ta tạo ra những hình ảnh không thấy được trong trí tưởng tượng của mình hoặc trong sự mơ tưởng hão huyền của mình. Chẳng hạn như, có người nghĩ rằng trong tương lai họ sẽ trở thành một bác sĩ rất giàu có, một triệu phú sở hữu một tài sản khổng lồ. Mơ mộng này khiến người đó lập một hình tượng vô hình, hoặc một hình ảnh vô hình. Rồi người đó cố hết sức để hoàn thành giấc mơ này. Đây là sự thờ phượng một hình ảnh không thấy được.
Đặc biệt người trẻ rất dễ tạo ra hình tượng trong trí tưởng tượng của mình. Một anh em có thể mơ về một phụ nữ trẻ đẹp mà anh muốn lấy làm vợ vào một ngày nào đó. Rồi có thể anh tìm kiếm ai một đó để hoàn thành giấc mơ ấy. Khi đến các buổi nhóm Hội thánh, có thể anh đang tìm một người vợ hoàn hảo mà anh nghĩ trong đầu. Giấc mơ này là hình tượng không thấy được của anh em đó. Nếu bước đi theo Linh, chúng ta sẽ lên án những giấc mơ như thế. Tuy nhiên, những người không bước đi theo Linh thì dành nhiều thời gian nấn ná trong giấc mơ và hưởng thụ giấc mơ đó. Bởi bước đi theo Linh, tự nhiên chúng ta hoàn thành Điều Răn thứ hai.
Cũng đúng như vậy với Điều Răn thứ ba, tức Điều Răn không lấy danh Chuá làm chơi. Nếu sống và bước đi theo Linh sự sống, chúng ta không bao giờ đề cập đến danh thần thượng, danh thánh theo cách hư không. Trái lại, chúng ta luôn luôn kêu đến danh Chuá trong thực tại và với một mục đích rõ ràng. Cũng vậy, tự nhiên chúng ta giữ ngày để nhớ của Chuá và bởi đó hoàn thành Điều Răn thứ tư. Vì thế, khi bước đi theo Linh sự sống, bốn Điều Răn đầu được hoàn thành trong chúng ta.
Những gì đúng với bốn Điều Răn đầu thì cũng đúng với sáu Điều Răn cuối. Khi sống và bước đi theo Linh, sáu Điều Răn cuối là những Điều Răn nói về mối quan hệ với người khác, cũng tự động được hoàn thành. Điều Răn thứ năm đòi hỏi chúng ta hiếu kính cha mẹ. Nếu bước đi theo Linh, tự động chúng ta sẽ tôn trọng cha mẹ. Chúng ta sẽ không cần phải quyết định tôn trọng cha mẹ hay nỗ lực làm điều này. Một người trẻ cũng không cần tự nói “Trong quá khứ, tôi không có thái độ đúng đắn với cha mẹ tôi. Bây giờ, tôi là một Cơ Đốc nhân, tôi sẽ có thái độ đúng đắn, tôi sẽ cư xử đúng đắn, và tôi sẽ trở thành một gương mẫu tốt cho những anh chị em trẻ”. Người nào quyết định tôn trọng cha mẹ như vậy sẽ không thành công. Điều này có thể ví như con mèo cố bay như con chim. Mèo là mèo và nó không thể bay được. Đơn giản là nó không có khả năng bay. Điều này cũng đúng đối với những người cố gắng trong sự sống thiên nhiên để hoàn thành Điều Răn thứ năm. Nhưng nếu sống Christ, nếu sống và bước đi trong Linh sự sống, tự nhiên và một cách vô thức, chúng ta sẽ tôn trọng cha mẹ mình. Khi cha mẹ nhìn thấy điều này, có lẽ họ sẽ ngạc nhiên và tự hỏi điều gì đã xảy ra trong chúng ta.
Trong 2 Cô-rin-tô 3:3, Phao-lô nói rằng người Cô-rin-tô là thư của Christ được các sứ đồ cung ứng. Bằng cách để Christ được ghi khắc vào trong chúng ta, chúng ta cũng trở thành những bức thư sống của Christ mà người khác có thể đọc được. Tôi biết nhiều trường hợp về những người trẻ mà cha mẹ đã đọc được họ. Ban đầu, cha mẹ chống đối họ vì họ quay về với Chuá hoặc đã bước vào trong nếp sống Hội thánh. Nhưng thậm chí trong khi đang chống đối họ thì cha mẹ cũng đang đọc những gì đã được ghi khắc về Christ vào trong họ. Kết quả là, sau một thời gian, nhiều cha mẹ chống đối này đã xoay lại con đường của Chuá. Tôi đã nghe nhiều lời chứng kỳ diệu về điều này.
Thậm chí nếu cha mẹ chống đối anh em thì họ vẫn đang nhìn xem anh em, đọc anh em như là bức thư của Christ. Cuối cùng, nếu anh em sống và bước đi trong Linh sự sống trong mối quan hệ với cha mẹ thì họ sẽ được thuyết phục. Dù có thể anh em không cố tình tôn trọng cha mẹ nhưng tự nhiên anh em dành cho cha mẹ một sự tôn trọng lạ lùng và cao nhất bởi vì anh em bước đi theo Linh. Cha mẹ anh em sẽ chú ý đến điều này, đánh giá cao điều này và cuối cùng có thể được thuyết phục và bị khuất phục bởi điều này.
Trong suốt hơn năm mươi năm trong nếp sống Hội thánh, tôi đã nhìn thấy nhiều trường hợp như vậy. Ban đầu các thánh đồ bị cha mẹ chống đối. Trong một số trường hợp, cha mẹ là người Phật giáo; trong những trường hợp khác, họ là Cơ Đốc nhân. Vì đường lối của sự khôi phục của Chuá quá mới mẻ đối với họ và quá lạ đối với sự hiểu biết của họ nên họ chống đối con cái mình. Một số người nói “Những Cơ Đốc nhân khác đi nhóm chỉ một lần một tuần. Tại sao các con đi nhóm nhiều lần một tuần? Điều gì lôi cuốn các con đi đến Hội thánh thường xuyên như vậy? Trước đây các con yêu mến nhiều điều nhưng bây giờ dường như chẳng còn quan tâm đến những điều đó nữa. Điều đã xảy ra với các con? Các con bị mất trí rồi chăng? Hội thánh này đã ảnh hưởng gì lên các con vậy?” Khi con cái họ yêu mến những điều thuộc thế gian thì cha mẹ rất vui. Nhưng khi họ không còn yêu mến những điều đó nữa thì cha mẹ bối rối. Tự hỏi điều gì xảy ra cho con cái mình, họ quyết định chống đối Hội thánh và làm mọi điều có thể để giữ con cái khỏi nếp sống Hội thánh. Loại sự việc như thế xảy ra hàng trăm lần ở Trung Hoa và cũng ở Mỹ. Nhưng trước mặt Chuá, tôi có thể làm chứng rằng trong hầu hết các trường hợp, cuối cùng cha mẹ đã xoay lại với Chuá và đường lối của Ngài. Một số người xoay lại sau mười năm, những người khác xoay lại sau ba mươi năm. Trong một vài trường hợp, cha mẹ đến buổi nhóm Hội thánh, và với nước mắt họ đứng lên làm chứng thể nào họ đã chống đối Hội thánh bằng cách chống đối con cái. Rồi họ nói tiếp rằng họ bị thuyết phục bởi đời sống của con cái mình và đã ăn năn.
Tại sao Chuá đạt được thắng lợi trong nhiều trường hợp như vậy? Ngài chiến thắng chỉ vì các thánh đồ đã sống trong Linh sự sống và bước đi theo Linh. Tự động, họ hiếu kính cha mẹ theo cách mà cha mẹ được thuyết phục rằng đường lối mà con cái họ đã nhận là thuộc về Chuá.
Nếu bước đi theo Linh, chúng ta cũng sẽ hoàn thành những Điều Răn cấm giết người, cấm phạm tội tà dâm, cấm ăn cắp, cấm làm chứng dối và cấm tham lam. Nếu quyết định giữ những Điều Răn này, chúng ta sẽ không hoàn toàn thành công. Trong La-mã chương ,7 Phao-lô bảo rằng ông cố đắc thắng sự tham lam, nhưng ông không làm được. Đúng ra, ông bị Điều Răn này giết chết. Sau đó, ông tự lên án mình và phải hét lên: “Ôi, tôi là người khốn nạn dường nào! Ai sẽ giải cứu tôi?” (La. 7:24). Sau đó, trong La-mã chương 8, ông công bố: “Cho nên hiện nay chẳng có sự định tội cho những kẻ ở trong Christ Jesus. Vì luật của Linh sự sống trong Christ Jesus đã buông tha tôi khỏi luật của tội và sự chết” (c. 1-2). Phao-lô cũng đến chỗ nhận biết rằng những đòi hỏi công chính của kinh luật tự động được hoàn thành trong ông khi ông bước đi theo Linh sự sống. Điều này cũng có thể là kinh nghiệm của chúng ta ngày nay. Chúng ta không cần cố ý làm trọn Mười Điều Răn. Một lẫn nữa tôi nói rằng nếu bước đi theo Linh sự sống thì mỗi Điều Răn sẽ được hoàn thành trong chúng ta một cách vô thức và tự động. Mỗi Điều Răn sẽ được hoàn thành triệt để trong chúng ta.
SỰ BIỂU LỘ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Khi những đòi hỏi công chính của kinh luật được hoàn thành trong chúng ta vì chúng ta bước đi theo Linh thì chúng ta có sự công chính. Sự công chính, như chúng tôi đã chỉ ra trong bài trước, nói đến sự biểu lộ của Đức Chúa Trời, tức hình ảnh của Ngài. Khi có sự công chính, chúng ta có sự biểu lộ Đức Chúa Trời mà chúng ta phụng sự và thờ phượng. Vì có sự biểu lộ này như là sự công chính tự phát, chúng ta sống ra bởi Linh sự sống và người khác có thể được thuyết phục và được khuất phục. Vì lí do này, những người chống đối chúng ta cuối cùng có thể được thuyết phục bởi nhìn thấy sự biểu lộ của Đức Chúa Trời được sống ra từ chúng ta.
Trong La-mã 8:4 Phao-lô nói đến đòi hỏi công chính của kinh luật, và trong câu 29 ông nói đến hình ảnh của Con Đức Chúa Trời: “Vì kẻ Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã dự định để trở nên giống như hình ảnh của Con Ngài hầu cho Con ấy là Con Trưởng giữa nhiều anh em”. Nếu đặt câu này chung với câu 2 và câu 4, chúng ta có Linh, sự công chính, và hình ảnh. Hằng ngày, chúng ta cần bước đi theo Linh sự sống hầu có thể hoàn thành sự công chính của kinh luật. Điều này tương đương với việc được đồng hoá theo hình ảnh của Con Đức Chúa Trời.
Chúng ta có thể tự hỏi làm thế nào chúng ta có thể được đồng hoá theo hình ảnh của Con Đức Chúa Trời. Cách để được đồng hoá theo hình ảnh của Ngài là bước đi theo Linh sự sống hầu cho những đòi hỏi công chính của kinh luật có thể được hoàn thành trong chúng ta. Khi đó chúng ta sẽ có sự công chính, và sự công chính này chính là hình ảnh của Con Đức Chúa Trời. Do đó, Linh sinh ra sự công chính, và sự công chính là hình ảnh.
SỰ CÔNG CHÍNH VÀ VƯƠNG QUỐC
La-mã 14:17 nói: “Vì Vương Quốc của Đức Chúa Trời chẳng phải tại sự ăn uống, nhưng tại sự công chính, bình an và vui mừng trong Thánh Linh”. Trong câu này, Phao-lô cho chúng ta một phương diện khác về sự công chính. Trong La-mã chương 8, chúng ta có sự công chính liên hệ đến Linh sự sống và dẫn đến hình ảnh của Con Đức Chúa Trời. Nhưng trong La-mã 14:17 thì sự công chính có liên quan đến Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Trong chương này, Vương Quốc của Đức Chúa Trời nói đến nếp sống Hội thánh. Các buổi nhóm Hội thánh là sự triển lãm của Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Trong nếp sống Hội thánh, chúng ta có điều kiện và tình huống để chỉ cho người khác thấy Vương Quốc của Đức Chúa Trời là gì. Nếp sống Hội thánh là Vương Quốc của Đức Chúa Trời, và Vương Quốc của Đức Chúa Trời là sự công chính.
Lời của Phao-lô trong La-mã 14:17 phù hợp với những gì được viết trong Cựu Ước. Theo Thi Thiên 89:14 thì sự công chính là nền tảng của ngai Đức Chúa Trời. Câu này cũng có thể được dịch: sự công chính là sự thiết lập ngai Đức Chúa Trời. Ngai của Đức Chúa Trời được thiết lập bằng sự công chính như là nền tảng. Sách Ê-sai cũng nói nhiều về sự công chính. Chẳng hạn Ê-sai 32:1 nói: “Này, sẽ có một Vua lấy nghĩa trị vì (cai trị trong sự công chính)”. Ở đây, sự công chính lại có liên hệ với Vương Quốc. Nơi nào có sự công chính của Đức Chúa Trời thì nơi đó cũng có Vương Quốc của Ngài. Hơn nữa, Hê-bơ-rơ 1:8 và 9 nói: “Hỡi Đức Chúa Trời, ngai Chuá còn mãi từ đời đời đến đời đời. Quyền trượng của nước Chuá là quyền trượng ngay thẳng; Ngài từng mến sự công chính, ghét sự gian ác (bất pháp)”. Những câu này được trích từ Thi Thiên 45.
Trong Cựu Ước, sự công chính thường đồng nghĩa với Vương Quốc. Do đó, sự công chính có liên hệ đến sự cai trị, sự tể trị, qui định và luật lệ. Sự công chính có nghĩa là những điều gì đó được dựng lên và còn lại trong một trật tự tốt. Ở đâu có sự công chính thì ở đó mọi sự đều được qui hướng một cách đúng đắn. Đây là Vương Quốc.
Sự công chính trước hết dẫn đến hình ảnh của Đức Chúa Trời. Sau đó, sự công chính thiết lập Vương Quốc Đức Chúa Trời. Trong La-mã chương 8, chúng ta có sự công chính và hình ảnh của Đức Chúa Trời, và trong La-mã chương 14, chúng ta có sự công chính và Vương Quốc Đức Chúa Trời. Cả hình ảnh lẫn Vương Quốc đều dựa trên sự công chính.
Bây giờ chúng ta hãy áp dụng phương diện này về sự công chính cho nếp sống gia đình và nếp sống Hội thánh. Khi vợ chồng không vui với nhau và tình hình ở nhà không thoải mái thì không có sự công chính, không có hình ảnh của Con trong nếp sống gia đình họ. Cũng vậy, Vương Quốc Đức Chúa Trời không hiện diện vì Vương Quốc của Đức Chúa Trời là sự công chính. Người khác đang quan sát tình hình sẽ không nhận được ấn tượng gì về hình ảnh của Đấng Christ, tức sự biểu lộ của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, giả sử một anh em và vợ sống trong Linh và bước đi theo Linh, họ sẽ hạnh phúc, và con cái cũng sẽ hạnh phúc. Đó sẽ là một đời sống gia đình vinh hiển biết bao! Người khác có thể nhìn thấy hình ảnh của Đức Chúa Trời và nhận ra rằng Vương Quốc của Đức Chúa Trời hiện diện trong gia đình đó. Đây là sự công chính trong đời sống gia đình.
Giả sử trong một Hội thánh nào đó, các thánh đồ lằm bằm, chỉ trích, và nói tầm phào. Hơn nữa, giả sử rằng trong những buổi nhóm không có trật tự. Nếu một Hội thánh ở trong tình trạng như thế thì không có sự biểu lộ Đức Chúa Trời và không có Vương Quốc của Đức Chúa Trời ở đó. Nhưng giả sử thay vì lằm bằm, chỉ trích hay nói tầm phào, có sự dung chịu, ngợi khen, kêu cầu danh Chuá, và tương giao. Hơn nữa, giả sử các buổi nhóm sống động, có trật tự, và phong phú trong chức năng thì chắc chắn trong một Hội thánh như thế, chúng ta có thể thấy Vương Quốc của Đức Chúa Trời đầy dẫy sự công chính. Mọi sự đều có trật tự và bình an.
Mục tiêu của chức vụ giao ước mới là cung ứng Linh bao-hàm-tất-cả của Đức Chúa Trời Tam Nhất đã-trải-qua-tiến-trình vào trong người khác làm sự cung ứng của họ. Tự nhiên, chức vụ này ban phát Christ vào trong tín đồ làm sự công chính của họ. Khi đó, là tín đồ sống và bước đi theo Linh, họ sẽ ở trong tình trạng biểu lộ Đức Chúa Trời và gây ấn tượng về Con Đức Chúa Trời. Hơn nữa, họ sẽ thật sự là Vương Quốc của Đức Chúa Trời được thiết lập trong sự công chính, có trật tự và có lẽ được qui hướng về quyền làm Đầu. Họ cũng sẽ có bình an và vui mừng trong Thánh Linh. Đây là kết quả của chức vụ giao ước mới. Ngược lại, kết quả của những chức vụ khác ngày nay là có sự khác nhau về ý kiến, chia rẽ, và mất trật tự.
ĐƯỢC TRANG ĐIỂM BẰNG SỰ CÔNG CHÍNH
Khải Thị 19:7 và 8 chép: “Chúng ta hãy vui mừng hớn hở, hãy tôn vinh Ngài, vì lễ cưới Chiên Con đã đến, và vợ Ngài đã tự sửa soạn rồi. Cũng đã cho nàng mặc áo bằng vải gai mịn sáng láng tinh sạch vì vải gai mịn ấy là nghĩa hạnh (sự công chính) của các thánh đồ”. Cô Dâu ở đây nói đến con người ba phần đã được cứu chuộc và được biến đổi. Cô Dâu này sẽ mặc vải gai mịn trắng tức là sự công chính của các thánh đồ.
Nếu muốn dự phần trong Cô Dâu này, tức là người được trang điểm bằng sự công chính thuần khiết, sáng láng, rực rỡ thì chúng ta cần trang điểm cho mình bằng sự công chính. Hằng ngày chúng ta cần sửa soạn vải gai mịn sáng láng để che phủ cho mình. Đây là sự công chính hằng ngày của chúng ta.
Làm thế nào chúng ta có thể tạo ra chiếc áo của sự công chính như thế? Chúng ta tạo ra chiếc áo của sự công chính bằng cách bước đi hằng ngày theo Linh sự sống và bằng cách có sự sống tức là sự sống của Linh. Nếu chuẩn bị áo cưới mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm bằng cách sống một đời sống như thế trong Linh, chúng ta không bị trần truồng khi Chuá đến. Thay vì thế, lúc Ngài đến, chúng ta sẽ mặc áo cưới thuần khiết, sáng láng.
Cuối cùng, Cô Dâu trong Khải Thị chương 19 sẽ trở thành Giê-ru-sa-lem Mới trong Khải Thị chương 21 và 22. Thành phố Giê-ru-sa-lem Mới sẽ mang dáng vẻ của ngọc bích. Nói về Giê-ru-sa-lem Mới, Khải Thị 21:11 chép: “sự sáng của thành giống như bửu thạch rất quý, dường như bích ngọc, trong như thuỷ tinh”. Theo Khải Thị 21:18, “tường thì xây bằng bích ngọc”. Cũng vậy, nền móng đầu tiên của Giê-ru-sa-lem Mới sẽ là bích ngọc (Khải. 21:19). Do đó, dáng vẻ của thành sẽ là dáng vẻ bích ngọc. Khải Thị chương 4 chỉ ra rằng Đức Chúa Trời ngồi trên ngai trên trời cũng có dáng vẻ của bích ngọc. Do đó, bích ngọc nói đến hình ảnh của Đức Chúa Trời, sự biểu lộ của Ngài. Sự kiện bích ngọc vừa là dáng vẻ của Đức Chúa Trời vừa là dáng vẻ của Giê-ru-sa-lem Mới cho thấy rằng thành thánh này sẽ có cùng một dáng vẻ như Đức Chúa Trời. Toàn thành sẽ biểu lộ Đức Chúa Trời.
Bích ngọc của Giê-ru-sa-lem Mới tương đương với sự công chính của Cô Dâu. Ngày nay, chúng ta đang chuẩn bị chiếc áo Cô Dâu, một chiếc áo có dáng vẻ của sự công chính, tức là sự biểu lộ Đức Chúa Trời. Cuối cùng, trong Giê-ru-sa-lem Mới, đây sẽ là dáng vẻ của bích ngọc.
SỰ CÔNG CHÍNH Ở TRONG TRỜI MỚI ĐẤT MỚI
2 Phi-e-rơ 3:13 chép: “Nhưng chúng ta theo lời hứa của Ngài mà trông đợi trời mới đất mới, là nơi sự công chính cư trú”. Như được dùng trong câu này, chữ sự công chính rất phong phú về mặt ý nghĩa. Nói rằng sự công chính cư ngụ trong trời mới đất mới có nghĩa là mọi sự đều có trật tự, có sự qui hướng, và có luật lệ. Mọi sự sẽ được cai trị, được kiểm soát và ở dưới luật lệ đúng đắn, vì ngai của Đức Chúa Trời, Vương Quốc, sự quản trị thần thượng có ở đó. Kết quả sẽ là sự bình an và vui mừng.
Khi sự công chính cư ngụ trong trời mới đất mới, tình hình sẽ rất khác so với hôm nay. Hiện tại chỉ có một chút sự công chính trên đất ngoài ra toàn là bất chính, mất trật tự, và hỗn độn. Nhưng ngợi khen Chuá vì trong Hội thánh, nơi chúng ta có tiền vị của trời mới đất mới, có sự công chính cư ngụ! Hơn nữa, chúng ta nên nói rằng bởi sự thương xót của Chuá, sự công chính cũng cư ngụ trong nếp sống gia đình của chúng ta.
Ngày nay, nhiều Cơ Đốc nhân phớt lờ chức vụ giao ước mới. Thay vì cung ứng Linh và sự công chính cho người khác thì họ cãi nhau vì những điều như phương pháp báp-têm. Họ tranh luận nên làm báp-têm ngửa hay sấp, một lần hay ba lần, trong danh Jesus hay trong danh Cha, Con, và Thánh Linh. Cái mà được gọi là những chức vụ khác đã chia rẽ con cái Đức Chúa Trời. Những chức vụ chia rẽ này không phải là chức vụ của giao ước mới. Chức vụ của giao ước mới chỉ đơn giản cung ứng Christ cho người khác như là Linh làm sự cung ứng sự sống bên trong và như là sự công chính làm sự biểu lộ của Đức Chúa Trời bên ngoài. Sự biểu lộ Đức Chúa Trời là sự công chính, tức hình ảnh của Đức Chúa Trời, dẫn đến Vương Quốc, nơi mà mọi sự đều có qui tắc, có trật tự, và qui hướng về quyền làm Đầu. Điều này cho chúng ta tiền vị của Vương Quốc hầu đến và tiền vị của Giê-ru-sa-lem Mới trong trời mới đất mới. Đây là chức năng của chức vụ giao ước mới.
Không chỉ các đồng công và trưởng lão trong các Hội thánh nhưng tất cả các thánh đồ, kể cả người trẻ nên là chấp sự của giao ước mới ngày nay. Điều này có nghĩa là chúng ta phải thực hiện chức vụ cung ứng Christ là Linh ban-sự-sống và sự công chính.
--