Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 22



CHIẾU SÁNG VINH HIỂN CỦA GIAO ƯỚC MỚI (2)
Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 3:7-11, 18; Giăng 17:1; Lu-ca 24:26; Công Vụ 3:15; La-mã 6:4
Sự chiếu sáng vinh hiển của giao ước mới thực ra là việc sống Christ. Điều này có nghĩa là sống Christ là chiếu sáng vinh hiển của giao ước mới.
ĐẾN TRONG VINH HIỂN VÀ DƯ DẬT VINH HIỂN
Trong 3:7 và 8, Phao-lô nói: “Nhưng, nếu chức vụ của sự chết, vốn bằng văn tự khắc trên bảng đá, đã được tỏ ra trong vinh quang, đến nỗi con cái Y-sơ-ra-ên không thể ngó chăm vào mặt Môi-se, vì cớ vinh quang trên mặt người, dầu là vinh quang ấy tan lần đi, huống chi chức vụ của Linh há chẳng lại càng được vinh quang hơn sao?” Phao-lô nói rằng chức vụ của sự chết tức là chức vụ của giao ước cũ đến trong vinh hiển. Ông không nói chức vụ giao ước cũ có vinh hiển.
Dịch đúng câu 9 là như thế này: “Vì nếu chức vụ của sự định tội đến trong vinh hiển thì chức vụ của sự công chính càng dư dật trong vinh hiển là dường nào”. Chức vụ của sự chết đến trong vinh hiển nhưng nó không có vinh hiển. Chúng ta có thể dùng việc lái xe để minh hoạ. Dù anh em không có xe hơi nhưng anh em cũng có thể đi nhóm bằng xe hơi của người khác. Việc anh em đi xe hơi không có nghĩa là xe hơi đó của anh em. Do đó, có xe hơi là một chuyện và đến trong xe hơi là một chuyện khác. Cùng một nguyên tắc, có vinh hiển thì rất khác với đến trong vinh hiển.
Hơn nữa, trong câu 9 Phao-lô nói rằng chức vụ của sự công chính thì dư dật trong vinh hiển. Có một sự khác biệt giữa hai vị ngữ đến và dư dật. Một lần nữa dùng minh hoạ lái xe, chúng ta có thể nói rằng một người đến trong xe hơi, trong khi người khác có thể sở hữu nhiều xe hơi, tức là người đó có dư xe. Giao ước cũ đến trong vinh hiển, nhưng chức vụ giao ước mới có vinh hiển và dư dật trong vinh hiển.

Vinh hiển đến với giao ước cũ là gì? Phao-lô nói về vinh hiển này trong 3:7, ở đó ông nói rằng con cái Israel không thể nhìn vào mặt Môi-se vì vinh hiển của mặt ông, tức vinh hiển đang bị tan lần đi. Vinh hiển đó là sự sáng đang chiếu sáng tạm thời trên mặt Môi-se. Vinh hiển mà giao ước cũ đến trong vinh hiển đó, là vinh hiển tạm thời. Có lẽ vinh hiển không kéo dài thậm chí đến một ngày. Sự chiếu sáng trên mặt của Môi-se kéo dài trong chỉ một thời gian ngắn.
CHRIST TRỔ HOA TRONG SỰ PHỤC SINH
Thế thì vinh hiển của giao ước mới là gì? Vinh hiển mà giao ước mới có và dư dật là gì? Về cơ bản, theo Kinh Thánh, vinh hiển tượng trưng cho sự biểu lộ của Đức Chúa Trời. Hễ khi nào Đức Chúa Trời được biểu lộ thì đó là vinh hiển. Sự biểu lộ của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời được tôn vinh. Do đó, nói rằng Đức Chúa Trời được tôn vinh đơn giản có nghĩa là Ngài được biểu lộ.
Khi Chuá Jesus ở trên đất, Ngài là Đức Chúa Trời nhục hoá. Ngài không đến với tư cách là Đức Chúa Trời được biểu lộ nhưng Ngài đến với tư cách là Đức Chúa Trời bị che giấu. Đức Chúa Trời bị che giấu trong thân thể vật lí của Chuá Jesus. Bên trong có Đức Chúa Trời, bên ngoài có xác thịt. Với xác thịt này, không có vinh hiển. Theo Giăng chương 17, khi Chuá Jesus sắp chết, Ngài cầu nguyện “Cha ơi, giờ đã đến; xin hãy tôn vinh (vinh hoá) Con của Ngài để Con có thể tôn vinh (vinh hoá) Ngài” (c.1). Trong Giăng 17:5, Chuá nói tiếp: “Bây giờ xin lấy vinh hiển Con vốn có nơi Cha trước khi có thế gian mà tôn vinh (vinh hoá) con nơi chính mình Cha”. Trong Lời cầu nguyện của Ngài, dường như Chuá đang nói: “Cha ơi, bây giờ là thời điểm để Ngài vinh hoá Con Ngài. Cha ơi, hãy để Con Ngài vinh hoá Ngài. Các môn đồ chưa nhìn thấy hết Con Ngài là gì và Ngài là gì trong Con. Cha ơi, Ngài bị che giấu và Con bị che giấu. Vì lí do này Con cầu nguyện rằng Ngài sẽ vinh hoá Con Ngài để Con Ngài có thể vinh hoá Ngài”.
Chúng ta có thể dùng sự trổ hoa của bông hoa cẩm chướng làm minh hoạ về ý nghĩa của việc Chuá Jesus được vinh hoá. Hạt giống hoa cẩm chướng chẳng có vinh hiển gì cả. Sau khi hạt giống hoa cẩm chướng được gieo vào trong đất, hạt giống ấy chết đi và sau đó bắt đầu mọc lên. Nó nẩy mầm, lớn lên thành một cây, và cuối cùng trổ hoa. Sự trổ hoa này là sự vinh hoá của hạt giống hoa cẩm chướng. Vì hạt giống hoa cẩm chướng chết khi nó được gieo vào trong đất nên chúng ta có thể nói rằng sự trổ hoa là sự phục sinh của nó. Do đó, sự vinh hóa tương đương với sự phục sinh. Sự nẩy mầm của hạt giống hoa cẩm chướng là sự khởi đầu, bắt đầu của giai đoạn phục sinh. Sự lớn lên thêm nữa của cây cẩm chướng là sự tiếp nối của tiến trình phục sinh. Nhưng sự trổ hoa của hoa cẩm chướng là sự phục sinh trong sự đầy đủ của nó.
Khi Chuá Jesus cầu nguyện rằng Cha sẽ vinh hoá Ngài, thật ra Ngài cầu nguyện rằng Ngài sẽ bước vào trong vinh hiển qua sự chết và sự phục sinh. Trong Lu-ca 24:26, Chuá Jesus hỏi hai môn đồ trên đường đến Em-ma-út: “Há chẳng cần cho Đấng Christ phải chịu những nỗi khổ ấy rồi vào vinh hiển Ngài sao?” Khi Chuá Jesus nói những lời này thì Ngài đã ở trong sự phục sinh rồi. Vì thế, để Ngài bước vào trong vinh hiển của Ngài là để Ngài ở trong sự phục sinh. Câu này khải thị rõ rằng sự vinh hóa của Đấng Christ là sự phục sinh của Ngài. Sự phục sinh của Chuá là sự trổ hoa của Ngài. Sự trổ hoa của Christ, sự vinh hóa của Ngài nói đến sự phục sinh của Ngài trong sự đầy đủ của sự vinh hoá ấy.
ĐẤNG CHRIST ĐƯỢC PHỤC SINH LÀ LINH BAN-SỰ-SỐNG
Với hiểu biết này, bây giờ chúng ta có thể trả lời câu hỏi về vinh hiển của giao ước mới là gì. Vinh hiển của giao ước mới thật ra là sự phục sinh của Đấng Christ cách đầy đủ. Nói cách khác, Đấng Christ phục sinh chính Ngài là vinh hiển của giao ước mới. Hơn nữa, Christ này trong sự phục sinh, hoặc Đấng Christ được phục sinh là Linh ban-sự-sống. Do đó, vinh hiển của giao ước mới là Đấng Christ phục sinh hoặc sự phục sinh của Đấng Christ là Linh. Bây giờ, chúng ta có sự hiểu biết đúng đắn về vinh hiển của giao ước mới. Vinh hiển của giao ước mới là Đấng Christ được phục sinh như là Linh ban-sự-sống.
Nói rằng Phao-lô đang chiếu sáng ra vinh hiển của giao ước mới có nghĩa là ông đã sống ra Đấng Christ phục sinh. Phao-lô sống Christ trong sự phục sinh; tức là ông đã sống Linh ban-sự-sống.
2 Cô-rin-tô 3:18 chép: “Chúng ta thảy đều để mặt trần mà chiếu lại (ngắm xem và chiếu) sự vinh quang của Chúa như một cái gương, thì đều được biến hoá (biến đổi) nên cũng một hình tượng (hình ảnh) của Ngài, từ vinh quang đến vinh quang, như bởi Chúa là Thánh Linh vậy (thậm chí như từ Chúa Linh)”. Vinh hiển trong câu này, tức vinh hiển của giao ước mới bao gồm nhiều yếu tố. Đó là vinh hiển của Chuá như là Đấng phục sinh và thăng thiên, Đấng vừa là Đức Chúa Trời vừa là con người. Đấng này đã trải qua sự nhục hoá, đời sống làm người, và sự đóng đinh, đã bước vào trong sự phục sinh, đã hoàn thành sự cứu chuộc trọn vẹn, và trở nên Linh ban-sự-sống. Là Linh ban-sự-sống, tức Đấng Christ phục sinh cư ngụ trong chúng ta làm cho chính Ngài và tất cả những gì Ngài đã hoàn thành, đã đạt được và đoạt được thành thực tế cho chúng ta hầu cho chúng ta có thể làm một với Ngài và có thể được biến đổi thành hình ảnh của Ngài từ vinh hiển đến vinh hiển, thậm chí như từ Chuá Linh vậy. Đây là vinh hiển của giao ước mới.
Một số Cơ Đốc nhân có những quan niệm khá lạ thường về vinh hiển của Đức Chúa Trời. Tôi biết một số tín đồ xem sự vinh hiển này không gì hơn là ánh sáng vật lí. Trong những buổi nhóm của họ, thậm chí họ tuyên bố là nhìn thấy ánh sáng lớn của loại này. Có lần tôi tham dự một buổi nhóm mà có người la hét tuyên bố rằng đã nhìn thấy ánh sáng lớn. Điều này chẳng liên quan gì đến điều mà Phao-lô muốn nói trong 2 Cô-rin-tô chương 3 về vinh hiển của giao ước mới.
SỐNG ĐẤNG CHRIST PHỤC SINH
Vinh hiển của giao ước mới là thực tại của Đấng Christ phục sinh, Đấng mà bây giờ là Linh ban-sự-sống bao-hàm-tất-cả đang cư ngụ trong linh chúng ta. Chúng ta cần sống Đấng Christ phục sinh này bằng cách bước đi và ăn ở hằng ngày và thậm chí từng giây phút trong linh chúng ta. Một mặt, chúng ta cần sống trong linh. Mặt khác, chúng ta cần để cho Linh ban-sự-sống dầm thấm toàn bản thể chúng ta. Linh không chỉ thấm nhuần các phần bên trong của chúng ta mà còn dầm thấm thân thể vật lí của chúng ta và bởi đó làm cho thân thể chúng ta thành các chi thể của Đấng Christ. Đây là sống Christ, chiếu sáng vinh hiển của giao ước mới.
Nếu chúng ta sống Christ bằng cách chiếu sáng Ngài ra trong sự phục sinh thì dù đi đâu chúng ta cũng sẽ chiếu sáng. Khi người khác gặp chúng ta, họ sẽ nhận ra rằng có một loại chiếu sáng nào đó ở nơi chúng ta. Cha mẹ sẽ nhận ra rằng nơi con cái mình có sự chiếu sáng rực rỡ Đấng Christ trong sự phục sinh.
Gần đây tôi đã giảng một bài về việc trở nên những bức thư sống của Đấng Christ. Trong đó tôi chỉ ra rằng khi Đấng Christ viết trong chúng ta, người khác có thể đọc Ngài trong chúng ta. Cụ thể là cha mẹ của người trẻ có thể đọc Christ, Đấng đã được viết vào trong con cái họ. Sau bài giảng đó, nhiều thánh đồ làm chứng rằng cha mẹ của họ có thể đọc Christ trong họ. Tôi rất vui vì những lời làm chứng đó về những bức thư sống của Đấng Christ. Tôi hi vọng giữa vòng tất cả các thánh đồ trong sự khôi phục của Chuá sẽ có nhiều lời chứng như thế hơn nữa.
CHIẾU SÁNG VINH HIỂN CỦA ĐẤNG CHRIST PHỤC SINH
Chúng ta cần có những lời chứng sáng chói, những lời chứng về việc chiếu sáng vinh hiển của Đấng Christ phục sinh. Khi chúng ta sống Christ, Ngài là ánh sáng chiếu sáng sẽ chiếu sáng ra từ chúng ta. Khi đó, người khác không chỉ đọc chúng ta mà họ cũng sẽ ở dưới sự chiếu sáng của chúng ta nữa. Đây là sự hiểu biết đúng đắn về ý nghĩa của sự chiếu sáng vinh hiển của giao ước mới.
Sống Christ bằng cách chiếu sáng vinh hiển của Ngài trong sự phục sinh thì rất khác với việc chỉ cố gắng cải thiện hành vi bên ngoài. Sống Christ bằng cách chiếu sáng Ngài ra không giống như cố gắng làm người vợ thuận phục hoặc làm người chồng yêu thương. Một người đạo đức có thể nỗ lực để làm một người vợ hoặc một người chồng như thế. Tuy nhiên, đây không phải là sự chiếu sáng của vinh hiển của giao ước mới.
Một người có thể sống một đời sống đạo đức bằng cách theo những sự dạy dỗ của Khổng Tử. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn khác với những gì được khải thị trong Kinh Thánh về việc sống Christ. Sự khải thị trong Tân Ước là chúng ta sống Christ, không phải chỉ là cải thiện hành vi bên ngoài. Hơn nữa, từ 2 Cô-rin-tô chương 3, chúng ta thấy rằng sống Christ là chiếu sáng Christ ra.
Ngày nay, Christ trong sự phục sinh là Linh ban-sự-sống cư ngụ trong linh chúng ta. Đây là một thực tại. Là Linh ban-sự-sống, Đấng Christ không phải chỉ là giáo lí, thần học, triết lí, hay hệ thống đạo đức. Ngài là Đức Chúa Trời Tam-Nhất hằng sống như là Linh bao-hàm-tất-cả làm sự sống và sự cung ứng sự sống cho chúng ta. Ngài muốn dầm thấm bản thể chúng ta, bao gồm tâm trí với tất cả những tư tưởng của nó, tình cảm với tất cả những cảm xúc của nó, và ý chí với tất cả những quyết tâm, giải pháp, và quyết định của nó. Thậm chí Ngài còn muốn dầm thấm thân thể vật lí của chúng ta, làm cho thân thể chúng ta khoẻ mạnh, mạnh mẽ, và sống động, cũng làm cho thân thể chúng ta thành các chi thể của Đấng Christ (1Cô. 6:15). Được dầm thấm Linh ban-sự-sống theo cách này là sống Christ.
Sống Christ bởi được dầm thấm Ngài và chiếu sáng Ngài ra thì rất khác với việc có một đời sống chỉ theo luân lí đạo đức. Sống Christ theo cách này thì cao hơn luân lí đạo đức loài người nhiều. Sống Christ là vấn đề Đức Chúa Trời Tam-Nhất đã-trải-qua-tiến-trình trở nên sự cung ứng sự sống của chúng ta để dầm thấm toàn bản thể chúng ta hầu cho chúng ta có thể sống Ngài ra từ bên trong. Nếp sống này là sự chiếu sáng của chúng ta và cũng là vinh hiển của Đấng Christ. Nếp sống này là chứng cớ của Jesus, tức sự biểu lộ thật của Đức Chúa Trời Tam-Nhất trong một Hội thánh địa phương. Đây là điều mà Đức Chúa Trời Tam-Nhất, tức Chuá Linh đang tìm kiếm ngày nay.
-