Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 52


PHAO-LÔ BÊNH VỰC UY QUYỀN SỨ ĐỒ CỦA ÔNG (3)
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô. 11:1-15
Sách 1 Cô-rin-tô cho thấy có nhiều nan đề giữa người Cô-rin-tô. Nhưng qua Thư thứ nhất của Phao-lô gởi cho người Cô-rin-tô, nhiều người trong số họ được đem trở lại với Chúa. Họ kinh nghiệm được sự giải hoà thêm nữa với Đức Chúa Trời. Một số người đã được đem lại với Đức Chúa Trời cách trọn vẹn. Nhưng dù nhiều nan đề đã được giải quyết, vẫn còn lại một nan đề—vấn đề chức sứ đồ của Phao-lô. Điều tế nhị nhất trong một Hội thánh địa phương là đặt ra những câu hỏi về các sứ đồ, về những người cung ứng Christ cho các Hội thánh.
Phao-lô giữ điểm này đến sau cùng vì giải quyết những vấn đề khác là điều kiện cần thiết để giải quyết vấn đề này. Nếu các thánh đồ vẫn còn nhiều nan đề và nếu tình hình ở giữa họ không lắng dịu thì không thích hợp để Phao-lô nói về chức sứ đồ của ông. Sẽ không phải là thời điểm thích hợp để ông bênh vực uy quyền sứ đồ của ông. Tuy nhiên, vì ít ra là đa số người Cô-rin-tô đã được lắng dịu và những nan đề ở giữa họ đã được giải quyết nên Phao-lô nhận biết rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để giải quyết nan đề cuối cùng, tức nan đề mà tín đồ đang gặp phải đối với chức sứ đồ của ông. Nan đề cuối cùng trong bất kỳ Hội thánh địa phương nào cũng luôn là nan đề với những người cung ứng, tức với các sứ đồ.
Vì thật khó để ai đó tự bênh vực, nên Phao-lô thấy khó bênh vực uy quyền sứ đồ của mình. Nếu ông bênh vực uy quyền sứ đồ của Phi-e-rơ thì vấn đề dễ hơn nhiều. Nói thay cho người khác thì luôn dễ hơn là nói trực tiếp cho chính mình.
Trong chương 10 đến chương 13, Phao-lô trình bày nhiệm vụ khó khăn về việc bênh vực chức sứ đồ của ông và do đó giải quyết nan đề cuối cùng còn tồn tại trong Hội thánh ở Cô-rin-tô. Nếu vấn đề này không được giải quyết thì Hội thánh ở Cô-rin-tô vẫn còn bệnh hoạn. Bất cứ Hội thánh nào có nan đề với các sứ đồ đều không lành mạnh. Vì Hội thánh ở Cô-rin-tô có nan đề với Phao-lô, tức người cung ứng, nên Hội thánh đó đau yếu. Do đó, bốn chương cuối của 2 Cô-rin-tô được viết vì mục đích giải quyết nan đề này. Nếu có ai đó khác như Ti-mô-thê hay Phi-e-rơ có thể làm điều này cho Phao-lô thì sẽ tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, không ai có thể thay thế Phao-lô trong việc viết những chương này.
BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI SỰ DẠY DỖ CỦA DO THÁI GIÁO
Từ chương 10 đến 13, Phao-lô thật sự giải quyết nan đề do người Giu-đa gây ra. Điều này có nghĩa là ở đây ông đang xử lí chính những người Giu-đa vì chính họ là nan đề nghiêm trọng. Trong việc xử lí người Giu-đa, trước hết trong chương 10, Phao-lô nói rằng vũ khí trong chiến trận của các sứ đồ không phải là xác thịt, mà là quyền năng của Đức Chúa Trời để triệt hạ mọi đồn luỹ. Ở chỗ khác trong chương 10, Phao-lô nói tiếp rằng trong khi ông vẫn còn ở trong giới hạn của mình thì người Giu-đa đã vượt quá giới hạn của họ.
Trong chương 10, trước hết Phao-lô chỉ cho người Cô-rin-tô thấy rằng họ đã bị tiêm nhiễm, ít nhất họ đã bị ảnh hưởng bởi những sự dạy dỗ Do Thái giáo. Theo lời của Phao-lô trong 10:5, những sự dạy dỗ đó là sự tranh biện và những điều cao ngạo đang dấy lên chống nghịch lại sự hiểu biết Đức Chúa Trời. Những tư tưởng phản loạn như thế đã tiêm vào người Cô-rin-tô và khiến họ phản loạn. Do đó, có một nhu cầu của trận chiến thuộc linh để phá đổ những đồn luỹ của những sự tranh biện cao ngạo và làm cho mọi tâm tư qui hàng dẫn đến vâng phục Đấng Christ.
Nguồn gốc của sự phản loạn này là người Giu-đa. Rõ ràng người Giu-đa đã vượt quá giới hạn của họ. Theo sự tể trị của Ngài, Đức Chúa Trời đã không chia phần lãnh thổ A-chai cho người Giu-đa. Thật ra, Đức Chúa Trời chẳng chia phần gì cho họ cả. Tuy nhiên, vượt quá giới hạn, đã đi ra theo ý riêng và hậu quả là xen vào quyền hạn của vị sứ đồ.
Trong việc bênh vực chính mình chống lại người Giu-đa, Phao-lô nhận thức rằng đề cập đến họ một cách công khai trong việc viết thư là không thích hợp. Đây là lí do mà nhiều Cơ Đốc nhân đã lấy làm khó hiểu chương 10. Khi còn trẻ, tôi đọc chương này nhiều lần mà không hiểu Phao-lô muốn nói gì. Lúc đó, tôi không có ý tưởng nào về bối cảnh của chương này. Một ngày kia, tôi khi biết lịch sử và bối cảnh của chương này và điều này làm cho tôi có thể biết cảm nhận của Phao-lô và đụng chạm đến linh của ông trong chương này. Lúc đó, tôi mới bắt đầu hiểu 2 Cô-rin-tô chương 10 theo cách như được giải thích ở trên. Bây giờ, chúng ta có thể thấy Phao-lô đã viết chương này để xử lí người Giu-đa, là những người đã khuấy động sự phản loạn ở giữa những tín đồ tại Cô-rin-tô. Câu 4 đến 6 của 2 Cô-rin-tô chương 10 không nói đến người vô tín nhưng nói đến tín đồ tại Cô-rin-tô.
Các sứ đồ đi ra rao giảng phúc âm và dạy lẽ thật trong giới hạn của Đức Chúa Trời theo sự phân chia của Ngài. Hoạt động của họ thật ra là của Đức Chúa Trời. Sau đó những người Giu-đa vượt quá giới hạn và xâm phạm quyền hạn của vị sứ đồ. Loại vượt quá giới hạn đó luôn luôn đem đến sự phản loạn. Đây là nguyên nhân của sự phản loạn bên trong tín đồ tại Cô-rin-tô, và đã khiến Phao-lô cần phải chiến đấu chống lại những tư tưởng cao ngạo và những lí lẽ phản loạn. Trong chương 10, Phao-lô thật sự tham chiến chống lại sự phản loạn này. Trong chương này, chúng ta thấy sự phản loạn và sự vượt quá mức lượng đúng đắn.
VÀI LỜI MẠNH MẼ
Dù Phao-lô mạnh mẽ trong chương 10, nhưng ông thậm chí còn mạnh hơn trong chương 11. Trong 11:13-15, ông nói về người Giu-đa: “Ví mấy người dường ấy là sứ đồ giả, là kẻ làm công lừa dối, tự mạo làm sứ đồ của Christ. Nào có lạ gì, chính Sa-tan cũng tự mạo làm thiên sứ của sự sáng. Vậy thì nếu những chấp sự của nó tự mạo làm chấp sự của sự công chính cũng chẳng lạ gì. Kết cuộc của họ hẳn theo công việc của họ”. Chữ “tự mạo” trong câu 13 theo tiếng Hy Lạp cũng có nghĩa là tạo hình. Các sứ đồ giả, lừa dối, tự tạo thành dáng vẻ của sứ đồ thật, tức những người đúng đắn mọi đàng.
Câu 14 cho thấy Sa-tan là nguồn của những sứ đồ giả. Họ theo hắn trong sự dối trá của hắn để phá hoại gia tể của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là sự sáng, và các thiên sứ của Ngài thuộc về sự sáng. Trái lại, Sa-tan là sự tối tăm và tất cả những người theo hắn đều ở trong tối tăm. Không có sự tương giao giữa sự sáng và sự tối tăm (6:14).
Những chấp sự của sự công chính trong câu 15 là những sứ đồ thật, tức những người thực hiện chức vụ của sự công chính (3:9). Bất cứ điều gì các chấp sự của Sa-tan làm đều là bất chính. Sự công chính không có phần gì với sự bất pháp (6:14).
Trong 11:5, Phao-lô nói đến những người Giu-đa là những siêu-sứ đồ: “Nhưng tôi tưởng rằng tôi chẳng thua kém các sứ đồ hạng nhất (siêu-sứ đồ) đó chút nào”. Bằng cách dùng từ liệu siêu-sứ đồ, tức là những sứ đồ ở cấp vượt trội, Phao-lô đang nói đến những sứ đồ giả cách mỉa mai như đã được đề cập trong câu 13 và 12:11. Những sứ đồ giả này vượt quá mức độ đích thực của các sứ đồ. Đây là những người Giu- đa đến Cô-rin-tô để rao giảng Jesus khác bằng một linh khác với một Phúc Âm khác (c.4).
Người Cô-rin-tô nghĩ rằng người Giu-đa tuyệt vời và họ đã làm một công việc tuyệt vời để giúp đỡ người Cô-rin-tô. Thật ra, người Giu-đa đã làm cùng một công việc như Sa-tan. Họ tự mạo làm những chấp sự của sự công chính, tự mạo thành những sứ đồ của Christ. Do đó, Phao-lô dùng bốn từ liệu để mô tả họ: các sứ đồ giả, những người làm công lừa dối, siêu-sứ đồ, và chấp sự của Sa-tan.
Phao-lô cũng nói đến người Giu-đa trong câu 4: “Vì nếu có người đến rao giảng cho anh em một Jesus khác mà chúng tôi chẳng rao giảng, hoặc anh em nhận một linh khác với linh anh em đã nhận, hoặc nhận một Phúc Âm khác mà anh em chẳng nhận, thì anh em chắc (giỏi) dung chịu”. Jesus khác nghĩa là một người khác; một linh khác nghĩa là linh của một bản chất khác; và một Phúc Âm khác là Phúc Âm của một loại khác.
Người Giu-đa đã dùng nhiều từ liệu tương tự như các sứ đồ đã dùng: Jesus, linh, và Phúc Âm. Tuyên bố rằng họ là những sứ đồ của Christ, họ rao giảng Jesus và cung ứng một loại linh nào đó. Hơn nữa, họ công bố rằng điều họ dạy dỗ là Phúc Âm. Tuy nhiên, họ đã có một Jesus khác, một linh khác, và một Phúc Âm khác.
Chắc chắn, những người Giu-đa này có khả năng hùng biện và rất lôi cuốn. Họ có nhiều kiến thức về Cựu Ước và cũng biết Phúc Âm Tân Ước. Nhưng khi nói về họ, Phao-lô đã dạn dĩ gọi họ là những sứ đồ giả, những người làm công lừa dối, những chấp sự của Sa-tan. Thậm chí ông đã cho họ một biệt danh ”siêu-sứ đồ”.
Trong câu 4, Phao-lô nói với người Cô-rin-tô rằng họ đang giỏi dung chịu người Giu-đa. Chữ “giỏi” theo tiếng Hy Lạp cũng có nghĩa là đẹp, lí tưởng. Ở đây nó được dùng theo cách mỉa mai. Trong câu 1, vị sứ đồ bày tỏ khát vọng của ông rằng tín đồ Cô-rin-tô, là những người dung chịu ông thì cũng sẽ dung chịu ông hơn nữa. Bây giờ, trong câu này, ông nói đến họ, đến sự dung chịu của họ một cách đẹp đẽ đối với những sứ đồ giả. Ý của Phao-lô là như vầy: “vì anh em dung chịu những sứ đồ giả rất giỏi, rất đẹp, rất lí tưởng thì xin hãy vui lòng dung chịu tôi càng hơn”. Đây là lí do vì sao ông dùng từ “vì” ngay đầu câu này.
NGƯỜI GIU-ĐA NGÀY NAY
Anh em có nghĩ rằng tình huống của chúng ta ngày nay khác với tình huống của Phao-lô không? Tình huống của chúng ta hoàn toàn tương tự. Về nguyên tắc, ngày nay có những người Giu-đa giống như trong thời của vị sứ đồ.
Hồi trẻ, tôi nghĩ rằng thời các sứ đồ chắc rất tuyệt vời, rất lạ lùng, và kỳ diệu. Cuối cùng, tôi học biết rằng tình hình lúc đó cũng cùng một nguyên tắc với tình hình ngày nay. Nếu hiểu điều này, chúng ta sẽ không thất vọng khi gặp sự chống đối. Một số người ngợi khen Chúa về sự khôi phục. Tuy nhiên, khi suy xét đến sự chống đối, có thể họ bị bối rối cách sâu xa. Tôi khích lệ anh em đừng buồn vì tình hình chúng ta đối diện ngày nay cũng cùng một nguyên tắc với tình hình Phao-lô đối diện trong suốt thời các sứ đồ.
CHIẾN ĐẤU ĐỂ BẮT PHỤC NHỮNG TƯ TƯỞNG PHẢN LOẠN
Trong 2 Cô-rin-tô chương 11, Phao-lô phải xử lí tình hình trong một Hội thánh do ông trực tiếp thiết lập. Có những sứ đồ giả nào đó, những người làm công giả dối, những chấp sự của Sa-tan đã thăm viếng Hội thánh ở Cô-rin-tô và khuấy động sự phản loạn chống lại Phao-lô và sự dạy dỗ của ông. Dù Phao-lô đã đến Cô-rin-tô trước và đã đem nhiều người đến với Chúa qua sự rao giảng của ông, nhưng tín đồ Cô-rin-tô vẫn chấp nhận những sứ đồ giả.
Công Vụ chương 16 kí thuật thể nào Phao-lô đến Ma-xê-đoan. Ông đang rao giảng ở Tiểu Á, trong một vùng mà Đức Chúa Trời đã phân chia cho ông. Tại một thời điểm nào đó, Phao-lô cảm nhận sâu sắc bên trong rằng ông nên tiếp tục rao giảng ở một nơi khác. Tuy nhiên, ông đã không biết phải làm gì hoặc phải đi đâu. Có lẽ ông đã nghĩ rằng không nên đi Châu Âu, nhưng nên ở lại A-si. Sau đó ông có một giấc mơ về một người Ma-xê-đoan nói rằng: “Xin qua Ma-xê-đoan giúp chúng tôi” (Công. 16:9). Sau khi suy xét giấc mơ đó, Phao-lô kết luận rằng Đức Chúa Trời đang kêu gọi ông thi hành chức vụ ở Châu Âu. Vì thế ông đã rao giảng phúc âm ở Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca, A-then và Cô-rin-tô. Kết quả của việc rao giảng này là một Hội thánh được lập lên ở Cô-rin-tô. Sau đó, người Giu-đa đến Cô-rin-tô và gây rắc rối.
Thật khó tin rằng các thánh đồ ở Cô-rin-tô lại chấp nhận sự dạy dỗ của người Giu-đa. Tuy nhiên, thực tế có ít nhất một số người Cô-rin-tô chấp nhận những sự dạy dỗ này và hoặc là họ bị khuấy động hoặc ít nhất là bị ảnh hưởng. Những sự dạy dỗ đó đã khiến cho một số người nghi ngờ chức sứ đồ của Phao-lô, chống đối ông và chức vụ của ông.
Chúng ta đã thấy rằng Phao-lô giúp đỡ người Cô-rin-tô giải quyết nhiều nan đề. Nhưng nan đề về mối quan hệ giữa tín đồ Cô-rin-tô với sứ đồ Phao-lô vẫn cần phải được giải quyết. Dĩ nhiên, không phải tất cả người Cô-rin-tô đều có nan đề với Phao-lô. Chỉ một số người là có nan đề. Nhưng ngay cả điều này cũng cần thiết để Phao-lô dành bốn chương xử lí vấn đề này.
Chúng ta sẽ thấy Phao-lô mạnh mẽ trong chương 10 và thậm chí còn mạnh hơn trong chương 11, ở đó ông nói về các sứ đồ giả, những người làm công giả dối, những chấp sự của Sa-tan, và những siêu-sứ đồ. Nếu anh em là một tín đồ ở Cô-rin-tô, tức người chấp nhận sự dạy dỗ của người Giu-đa thì anh em có nhận lấy lời của Phao-lô về các sứ đồ giả không? Chắc không đời nào. Đây là lí do Phao-lô chiến đấu để bắt phục những tư tưởng phản loạn giữa vòng người Cô-rin-tô.
CÁCH CHIẾN ĐẤU CỦA PHAO-LÔ
Bây giờ, chúng ta hãy xem cách Phao-lô đánh trận chống lại những sự dạy dỗ của người Giu-đa. Trong 11:1, ông nói: “Chớ chi anh em dung chịu sự ngu dại của tôi một ít! Phải, anh em nên dung chịu”. Dùng từ “ngu dại” là một sự ám chỉ mỉa mai đến sự tự bênh vực và khoe khoang của vị sứ đồ. Ở đây, dường như Phao-lô đang nói với người Cô-rin-tô: “Xin vui lòng chịu đựng tôi trong sự ngu dại một chút. Trong mọi việc trước, tôi đều khôn ngoan. Bây giờ tôi định nói cách ngu dại. Trước khi làm điều này, tôi xin anh em chịu đựng tôi trong sự ngu dại một ít. Tôi sẽ không khoe khoang hay nói cách ngu dại không có chừng mực nhưng sẽ nói theo giới hạn”.
Trong câu 2, Phao-lô nói tiếp: “Vì tôi lấy sự ghen tức của Đức Chúa Trời mà ghen tức anh em, bởi tôi đã gả anh em cho một chồng mà thôi, hầu trình diện anh em cho Đấng Christ như một đồng nữ trinh khiết”. Sự ghen tức này có thể so với sự ghen tức của chồng đối với vợ. Từ “đồng nữ trinh khiết” trong câu này có nghĩa là trở thành Cô Dâu cho Chàng Rể (Giăng 3:29), tức Vợ của Chiên Con (Khải. 19:7).
Bởi âm thanh ra từ lời được ghi chép trong câu 2, Sa-tan bị đánh bại, và tất cả những người Giu-đa đều bị triệt hạ. Dù trong thời của Phao-lô hay trong thời của chúng ta, người Giu-đa không bao giờ cung ứng bất cứ điều gì cho chúng ta khiến chúng ta đánh giá cao Chúa Jesus là Đấng yêu dấu và quý báu. Trái lại, điều mà người Giu-đa cung ứng đã khuấy động lòng sốt sắng tôn giáo. Người Giu-đa ngày nay có thể nói thế này: “Sự dạy dỗ này là tà giáo và phá hoại tôn giáo của chúng ta. Nó đi ngược lại truyền thống mà chúng ta đã thừa hưởng từ cha ông mình”. Người Giu-đa qua nhiều thế hệ và nhiều thế kỷ đã tìm cách bảo vệ tôn giáo của họ và nắm giữ những giáo lí truyền thống.
Những người Giu-đa đến Cô-rin-tô có thể đã nói: “Vâng, chúng ta nên tin Jesus Christ. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể bỏ kinh luật được Đức Chúa Trời ban cho qua Môi-se? Người này, Phao-lô là tà giáo. Ông đã huỷ hoại kinh luật, và ông chống lại sự cắt bì. Điều này có nghĩa là kết thúc tôn giáo của chúng ta. Đức Chúa Trời sai lầm trong việc ban cho kinh luật sao? Môi-se, Giô-suê, Sa-mu-ên, Đa-vít, Ê-li, và tất cả những tiên tri khác đều sai ư? Chỉ có Phao-lô là đúng sao? Phao-lô, người đến với anh em như một sứ đồ đó phải bị lên án”. Đây là cách mà người Giu-đa nói trong thời của Phao-lô, và đây cũng là cách họ nói ngày nay. Những người chống đối sự khôi phục của Chúa thường nói thế này: “Các anh cho rằng mọi người và mọi điều đều sai trật ngoại trừ các anh phải không? Chỉ những sự dạy dỗ của các anh mới là những sự dạy dỗ đúng đắn sao? Chúng ta sẽ đứng lên chống lại Hội thánh địa phương và đánh bại nó. Điều này phải bị kết liễu”
ĐƯỢC DỨT DẤY ĐỂ YÊU CHÚA JESUS
Vì Phao-lô khôn ngoan nên ông đã không cãi với người Giu-đa về giáo lí. Thay vì thế, ông bảo người Cô-rin-tô rằng ông ghen tức họ bằng sự ghen tức của Đức Chúa Trời. Ông tiếp tục nói rằng ông đã gả họ cho một chồng để trình diện một đồng nữ trinh khiết cho Đấng Christ. Một cách nói tuyệt vời làm sao! Lời của Phao-lô trong câu 2 rất đụng chạm. Lời này chạm đến lòng của chúng ta cách sâu xa và khuấy động chúng ta yêu Chúa Jesus. Những bài nghiên cứu sự sống thường chạm đến lòng chúng ta cùng một cách như vậy. Sau khi đọc vài trang, một cảm giác dịu dàng bên trong anh em đối với Chúa Jesus được khuấy động, và anh em lại nhận ra rằng Ngài thật đáng yêu và quý báu. Tuy nhiên, đôi khi tâm trí giáo lí và thần học của anh em có thể bị quấy rối dấy lên những câu hỏi về Đấng Tam-Nhất hoặc về Đấng Christ là Linh. Có thể anh em thắc mắc về đoạn thần thuyết. Có thể anh em hỏi liệu chức vụ trong sự khôi phục của Chúa có đáng tin không. Nhưng sau khi đọc một phần của bài nghiên cứu sự sống, lại một lần nữa, anh em bắt đầu cảm nhận rằng là Chàng Rể, Chúa Jesus thật đáng yêu và thật quý báu. Tự nhiên anh em nói: “Ô Chúa Jesus, Chàng Rể yêu dấu, tôi yêu Ngài. Chúa ôi, cảm ơn Ngài về Lời Ngài, về chức vụ của Ngài, và về sự khôi phục của Ngài”. Nhưng sau một lúc có thể anh em thắc mắc về các giáo phái và hỏi: “Tất cả các giáo phái có sai không? Có thật đúng khi chỉ có một Hội thánh trong một thành phố không? Thế thì, còn tất cả những Cơ Đốc nhân khác thì sao?” Người Giu-đa dấy lên những câu hỏi, nhưng chức vụ đích thực thì khuấy động tình yêu đối với Chúa Jesus là Chàng Rể của chúng ta.
Người Giu-đa ngày nay tìm cách lung lạc tín đồ xa khỏi tình yêu Chúa Jesus. Tuy nhiên, chúng ta nên xoay khỏi kinh luật Môi-se và xoay khỏi những tiên tri để tập trung vào Chúa. Chúng ta cần thấy từ 11:2 rằng chúng ta đã được gả cho một chồng để được trình diện như một đồng nữ trinh khiết cho Đấng Christ. Do đó, chúng ta nên nói: “Chúa Jesus yêu dấu của chúng tôi là Chồng duy nhất của chúng tôi, và tôi là một phần của đồng nữ trinh khiết của Ngài. Tôi không quan tâm đến giáo lí hay thần học. Tôi chỉ quan tâm đến chức vụ cung ứng Christ cho tôi. Ngài là Đấng dịu dàng và yêu dấu mà tôi yêu”.
Gánh nặng của tôi trong bài này là trồng sâu trong các thánh đồ lời của Phao-lô trong câu 2: “Tôi đã gả anh em cho một chồng, để trình diện như một đồng nữ trinh khiết cho Đấng Christ”. Chúng ta đã thấy trong chương 11, Phao-lô có một số điều mạnh mẽ để nói về người Giu-đa, tức những sứ đồ giả. Nhưng trước khi nói những lời như thế, ông nhắc nhở tín đồ tại Cô-rin-tô rằng ông đã gả họ cho một chồng, chứ không phải trình diện họ như những sinh viên thần học, nhưng đã trình diện họ như một đồng nữ trinh khiết cho Đấng Christ
ĐƠN THUẦN VÀ THANH KHIẾT ĐỐI VỚI ĐẤNG CHRIST
Trong câu 3, Phao-lô nói tiếp: “Nhưng tôi ngại rằng tâm tư của anh em bị bại hoại mất sự đơn thuần thanh khiết đối với Đấng Christ, cũng như xưa kia con rắn đã dùng quỷ kế mà dụ hoặc Ê-va vậy”. Từ Hy Lạp được dịch là “đơn thuần” cũng có thể dịch là đơn giản. Ở đây từ này nói đến lòng trung thành chân thật, sự trung tín chuyên tâm của tín đồ đối với Đấng Christ. Phao-lô quan tâm đến tâm tư của tín đồ tại Cô-rin-tô sẽ bị hư hoại. Họ là một đồng nữ trinh khiét đối với Đấng Christ, nhưng như con rắn đã dụ dỗ Ê-va, thì cũng vậy, tâm tư của họ cũng có thể bị hư hoại mất sự đơn thuần và thanh khiết đối với Đấng Christ . Thực ra, một số người Cô-rin-tô đã bị hư hoại theo cách này rồi. Vì thế, ở đây Phao-lô dường như muốn nói: “Người Cô-rin-tô yêu dấu, sự quan tâm của tôi là muốn anh em giữ sự đơn thuần và thanh khiết đối với Đấng Christ. Anh em nên quên những sự dạy dỗ và tôn giáo Do Thái đi mà hãy đơn thuần đối với Đấng Christ. Đấng Christ là Chàng Rể yêu dấu của anh em, và anh em chỉ cần yêu Ngài”.
Mục tiêu sự khôi phục của Chúa không phải là khôi phục giáo lí hay thần học. Đó là khôi phục chính Đấng Christ là Chồng duy nhất để chúng ta yêu. Chúng ta chỉ nên thuộc về Ngài. Miễn là chúng ta như một đồng nữ trinh khiết được đem đến cho người Chồng này và yêu Ngài, đánh giá cao Ngài và thuộc về Ngài, chúng ta sẽ được giữ vẹn. Điều này sẽ gìn giữ chúng ta, thánh hoá chúng ta, dầm thấm chúng ta, và biến đổi chúng ta. Như sẽ thấy trong bốn chương cuối của Thư Tín này, không có gì thuộc về giáo lí hay thần học. Điều mà chúng ta có ở đây là một Thân Vị đáng yêu, người Chồng hoàn vũ, duy nhất. Tất cả chúng ta đều đã được trình diện như một đồng nữ trinh khiết cho Ngài. Chúng ta là dành cho Ngài, và chúng ta nên được thu hút đến với Ngài, yêu Ngài, đánh giá cao Ngài, và quý trọng Ngài. Điều này sẽ gìn giữ chúng ta và giúp chúng ta được thánh hoá và được biến đổi.

Sự khôi phục của Chúa không phải là vấn đề thần học, truyền thống, tôn giáo, hay những thực hành. Sự khôi phục của Chúa là vấn đề một Thân Vị sống động, tức Chúa Jesus Christ là Chàng Rể của chúng ta. Ngài đã thu hút chúng ta, và chúng ta được trình diện như một đồng nữ trinh khiết cho Ngài. Bây giờ, chúng ta chỉ nên quan tâm đến Ngài, yêu Ngài, và không cho phép bất kỳ ai thay thế Ngài trong lòng chúng ta. Hơn nữa, tình yêu của chúng ta đối với Ngài nên thuần khiết, tâm trí chúng ta nên đơn thuần, và toàn bản thể chúng ta nên tập trung vào Ngài. Điều này sẽ giữ gìn, thánh hoá, dầm thấm, và biến đổi chúng ta. Ngợi khen Chúa, đây là sự khôi phục của Ngài!