Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 32



BIỂU LỘ SỰ SỐNG QUA SỰ GIẾT CHẾT CỦA THẬP TỰ GIÁ (2)
Đọc Kinh Thánh: 2Cô. 4:1-18
Trong bài trước, chúng tôi đã chỉ ra rằng 2 Cô-rin-tô chương 3 là chương nói về giáo lí và chương 4 là chương nói về kinh nghiệm. Hơn nữa, chúng ta thấy rằng những gì Phao-lô nói trong chương 4 là một sự xác chứng từ kinh nghiệm của ông về những gì ông nói liên quan đến chức vụ trong chương 3. Vì mỗi điểm chính về chức vụ trong chương 3 có một điểm tương xứng trong chương 4. Vì thế, sự sống tương xứng với Linh, sự đổi mới tương xứng với sự biến đổi, và sự cao trọng của vinh hiển tương xứng với những mức độ vinh hiển. Nhưng điều gì tương xứng với sự công chính trong 2 Cô-rin-tô chương 3? Để trả lời cho câu hỏi này một cách đúng đắn, chúng ta cần nói thêm về sự công chính.
MỌI SỰ TRONG TRẬT TỰ TỐT
Sự công chính nói đến điều kiện, tình trạng, nơi mà mọi sự ở trong trật tự tốt. Nơi nào có sự công chính nơi đó không có sự lộn xộn, rối loạn và pha trộn. Chẳng hạn như trong một buổi nhóm Hội thánh, thường chúng ta có thể thấy sự công chính, vì trong buổi nhóm mọi sự đều đúng đắn và có trật tự. Kết quả là buổi nhóm ở trong một điều kiện, một tình trạng của sự công chính. Nhưng giả sử các anh em thì cãi nhau, còn chị em thì buồn bực và các thiếu nhi thì chạy lung tung trong phòng nhóm. Ồ, thật là rối loạn! Trong tình huống đó, tức trong một tình trạng lộn xộn, sẽ không có sự công chính nào. Sự công chính nói đến một tình trạng mà mọi sự ở trong trật tự tốt.

2 Phi-e-rơ 3:13 nói: “Nhưng chúng ta theo lời hứa của Ngài mà trông đợi trời mới đất mới, là nơi sự công chính cư trú”. Sự công chính cư trú trong trời mới đất mới nói đến việc mọi sự đều ở trong trật tự đúng đắn, không có điều sai, lộn xộn hay rối loạn. Thay vì rối loạn, lộn xộn thì sẽ có bình an và trật tự. Trong cách nhìn của Đức Chúa Trời, một tình trạng như thế là sự công chính. Toàn bộ tình trạng trong trời mới đất mới sẽ là sự công chính. Không có gì mất trật tự; đúng ra mọi sự sẽ ở trong trật tự tốt đẹp. Tình trạng có trật tự này là tình trạng của sự công chính.
Trong 4:8, Phao-lô nói bị đè nén mọi bề, hoặc bị tấn công đủ mọi phía. Nhưng dù ông bị đè nén hay bị tấn công như thế nào đi nữa thì với ông không có sự rối loạn. Thay vì thế, có sự biểu lộ sự sống. Sự biểu lộ sự sống này sản sinh một tình trạng bình an và êm ả.
Giả sử anh em gặp rắc rối mọi mặt bởi chồng hoặc vợ, bởi con cái, và bởi dâu, rể. Tuy nhiên, thay vì bị quấy rầy hay ở trong một tình trạng bị rối loạn thì anh em biểu lộ sự sống. Điều này có nghĩa là sự sống ra từ anh em trong tình huống đó. Kết quả là tình trạng của anh em sẽ là tình trạng bình an và trật tự. Dù rắc rối đến với anh em từ mọi phía nhưng anh em vẫn ở trong một tình trạng bình an và trật tự như thế. Linh đã trải qua tiến trình, tức Linh “được nấu chín” ở bên trong anh em được kinh nghiệm như sự sống sẽ làm lắng dịu toàn bộ tình hình. Đây là sự công chính.
Trong 4:8 và 9, Phao-lô nói về việc bị đè nén, bị túng thế, bị ngược đãi và bị đánh hạ. Chúng ta cho rằng tình hình như thế sẽ dẫn đến rối loạn. Nhưng nếu anh em ở trong loại tình huống đó mà mọi sự vẫn êm ả và có trật tự thì đó là sự biểu lộ sự sống. Hơn nữa, tình trạng có trật tự đó là tình trạng của sự công chính.
ĐẦY DẪY SỰ SỐNG VÀ SỰ CÔNG CHÍNH
Hễ khi nào Linh được biểu lộ như sự sống thì sẽ có sự công chính. Khi có sự công chính thì mọi sự sẽ êm ả, bình an và có trật tự. Nếu kinh nghiệm điều này trong đời sống gia đình thì con cái anh em sẽ được êm ả, và vợ hay chồng sẽ được khuất phục. Một đời sống như thế luôn luôn làm lắng dịu sự rối loạn. Khi người khác nhận sự sống này từ anh em, họ cũng sẽ vui hưởng một tình trạng bình an.
Nếp sống Hội thánh là sự sống của sự công chính. Trong nếp sống Hội thánh, mọi sự sẽ êm ả, bình an và có trật tự. Chắc chắn, trong thiên hi niên, Vương Quốc ngàn năm sẽ đầy dẫy sự công chính. Vì sẽ có sự công chính trong Vương Quốc nên cũng sẽ có sự bình an. Vương Quốc đơn giản là phạm trù của sự công chính với sự bình an. Sự công chính này là kết quả của sự sống.
Theo Kinh Thánh, trong thiên hi niên, sự chết sẽ bị giảm xuống và bị giới hạn rất nhiều (Ê-sai 65:20). Sẽ có dư dật sự sống. Kết quả là môi trường trong thiên hi niên sẽ đầy bình an. Kinh Thánh dùng từ liệu sự công chính để nói đến tình trạng và điều kiện bình an này.
Sau thiên hi niên, sẽ có trời mới đất mới cùng với Giê-ru-sa-lem Mới. Trong Giê-ru-sa-lem Mới, sẽ không còn sự chết, và sự sống sẽ tuôn chảy để duy trì tình trạng bình an (Khải. 21:4; 22:1). Đây sẽ là sự công chính đời đời. Khi đó, tất cả chúng ta sẽ sống ra sự sống thần thượng trong tình trạng công chính. Nếp sống Hội thánh ngày nay nên là mô hình thu nhỏ của loại tình trạng này. Cũng phải đúng như vậy đối với đời sống gia đình của chúng ta. Bởi sự thương xót và ân điển của Chuá, nếp sống Hội thánh và nếp sống gia đình của chúng ta nên đầy dẫy sự sống và sự công chính.
Một đời sống đầy dẫy sự sống và sự công chính là sự xác chứng của chức vụ giao ước mới. Theo lời của Phao-lô trong 2 Cô-rin-tô chương 3, chức vụ giao ước mới là chức vụ của Linh và của sự công chính. Chức vụ này cung ứng Christ là Linh và là sự công chính cho người khác. Trong 2 Cô-rin-tô chương 4, Phao-lô trình bày kinh nghiệm của Linh và của sự công chính. Khi chúng ta kinh nghiệm Linh, sự sống được biểu lộ. Khi sự sống được biểu lộ, chúng ta được đem vào trong một tình trạng bình an, nơi đó chẳng có gì sai trật hay mất trật tự. Đây là sự công chính, một tình trạng mà ở đó mọi sự đều sống động, đúng đắn và có trật tự. Trong cách nhìn của Đức Chúa Trời, đây là sự công chính. Các sứ đồ kinh nghiệm Linh, biểu lộ sự sống, và sống trong tình trạng công chính. Một lần nữa chúng ta thấy rằng nếp sống và chức vụ của họ là một.
BỊ TIÊU HAO
Chúng ta đã thấy rằng đổi mới trong chương 4 tương xứng với sự biến đổi trong chương 3. Trong 4:16, Phao-lô nói: “Vậy nên, chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ càng ngày càng đổi mới”. Dịch “người bề ngoài hư nát” là đúng. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta thích nói rằng người bề ngoài của chúng ta đang bị tiêu hao, bị hao mòn, bị hao sờn hơn. Sự khác nhau là “đang hư nát” là chủ động, trái lại “đang bị tiêu hao” là bị động.
Chúng ta có thể dùng việc lá rơi làm minh hoạ. Nhiều cây rụng lá vào mùa thu và trong suốt mùa đông chúng ngủ đông. Về một phương diện, lá cây rụng là chuyện chủ động, nhưng theo một ý nghĩa khác, đó là bị động. Nó chủ động theo ý nghĩa cây rụng lá. Không có một tác động bên ngoài nào làm cho lá cây rụng. Chính cây đó làm rụng lá của nó. Chúng ta có thể nói rằng khi cây rụng lá thì cây đang hư hoại. Điều này là chủ động. Nhưng trong ý nghĩa khác, cây buộc phải rụng lá. Nếu cây biết nói, có thể nó sẽ nói: “Hãy giúp tôi với! Tôi không muốn mất những chiếc lá của tôi. Tôi muốn mùa chuyển thẳng từ mùa thu sang mùa xuân. Như vậy lá của tôi sẽ không bị mất”. Việc cây mất lá cũng có thể được xem là bị động. Lời của Phao-lô “Người bề ngoài đang hư nát” là chủ động. Nhưng cũng có thể được hiểu là bị động. Do đó, chúng ta có thể nói người bề ngoài đang bị tiêu hao hay đang bị hao mòn.
Bây giờ, chúng ta hãy áp dụng sự hiểu biết này cho kinh nghiệm hằng ngày. Giả sử một anh em bị đè nén đủ mọi phía. Chắc chắn một người bị đè nén, bị tấn công như vậy sẽ bị hao mòn, bị tiêu hao. Nếu anh em là người đang chịu đựng sự đè nén như thế, anh em không nên la lên và nói: “Xin giải cứu tôi, tôi đang bị tiêu hao. Tất cả anh em đang làm cho tôi kiệt sức và đang làm hao mòn tôi. Tôi đang bị anh em làm cho tiêu hao”. Tuy nhiên, anh em này, cùng với tất cả chúng ta, cần nhận thức rằng giống như cây kia bị định cho phải mất lá, thì cũng vậy phần định của chúng ta là để người bề ngoài bị tiêu hao.
Đấng dựng nên cây cối đã tiền định cho nhiều loại cây phải rụng lá. Là “những cây” Cơ Đốc, chúng ta cũng đã được tiền định để “rụng lá”. Vì phần định của chúng ta là rụng lá, cuối cùng điều gì đó hay người nào đó sẽ buộc chúng ta rụng lá. Đức Chúa Trời không bao giờ có ý định để cho người bề ngoài của chúng ta sống lâu như thế. Đúng ra, Ngài đã kết liễu người cũ của chúng ta, người bề ngoài của chúng ta sẽ hư hoại, sẽ bị tiêu hao. Do đó, phần định cho người bề ngoài của chúng ta là chết. Có thể anh em sống rất thọ nhưng cuối cùng người bề ngoài của anh em sẽ chết. Ý định của Đức Chúa Trời không phải là gia hạn sự sống người bề ngoài của anh em. Do đó, đừng kêu gào xin giúp đỡ để bảo tồn người bề ngoài của anh em, và đừng yêu cầu được giải cứu khỏi những điều hay những người đang làm tiêu hao anh em. Thay vì thế, anh em nên nói: “Chuá ôi, Con cảm ơn Ngài. Tất cả những người này và những việc này đang giúp con rụng lá sớm hơn và nhanh hơn. Chuá ôi, con muốn hợp tác. Con muốn buông bỏ những chiếc lá của con nhanh hơn, để con được trưởng thành sớm hơn. Chuá ôi, con ngợi khen Ngài về sự giúp đỡ này!”
Chuá dùng đời sống hôn nhân để làm tiêu hao người bề ngoài của chúng ta. Trước khi lập gia đình, một anh em có thể mơ mộng lấy một chị em nào đó. Sau đó anh tìm người chị em để hoàn thành giấc mơ của mình. Cũng vậy, những chị em trẻ đang tìm kiếm một “anh hùng” để làm chồng mình. Tất cả những người trẻ đều mơ mộng về đời sống hôn nhân tương lai. Một số người có thể đi từ Hội thánh địa phương này đến Hội thánh địa phương khác với hi vọng chọn được một anh em hay một chị em cho mình. Nhưng hỡi những người trẻ, dù anh em tài giỏi cỡ nào thì cũng không thể đánh bại được Đức Chúa Trời. Ngài đã quyết định số phận về đời sống hôn nhân của anh em rồi. Anh em không cần phí nhiều năng lực tìm cho mình người vợ hoặc người chồng trong mộng. Thay vì thế, anh em nên đơn giản cầu nguyện: “Chuá ôi, Ngài đã quyết định số phận của con. Con không cần phải đi đây đi đó để tìm người bạn đời. Con muốn là Y-sác ngày nay, chờ đợi Ngài gởi đến cho con một người mà Ngài đã tiền định cho con”. Tuy nhiên, chắc chắn rất nhiều người trẻ sẽ không theo cách này hay nhận lời này. Nhưng tôi chắc chắn rằng sau một vài năm trong đời sống hôn nhân, họ sẽ thờ phượng Chuá và nói: “Chuá ôi, Ngài toàn quyền. Điều đó không thuộc về sự lựa chọn của con nhưng thuộc về sự định đoạt của Ngài”.
Thưa anh em, tôi bảo đảm với anh em rằng Chuá sẽ cho anh em một người vợ thích hợp nhất để đem đến cho anh em sự đè nén và thậm chí tấn công anh em để người bề ngoài của anh em có thể bị tiêu hao. Mỗi người vợ đều biết lúc tốt nhất để tấn công chồng mình. Đây chắc chắn là sự tể trị của Chuá. Có lúc anh em phạm sai lầm, vợ anh em sẽ rất tử tế với anh em và bảo anh em đừng quan tâm đến điều đó. Nhưng khi anh em không phạm sai lầm thì cô ấy có thể tấn công anh em ào ào chẳng vì một lí do nào cả. Thật ra, có một lí do đó là Đức Chúa Trời trong sự tể trị của Ngài cho phép cô ấy làm như vậy hầu cho anh em như một cái cây, có thể bị rụng lá.
Về một phương diện, cây tự rụng lá; về phương diện khác, mùa và môi trường buộc cây phải làm như vậy. Khi mùa thu đến, cây phải rụng lá cho nó xanh tươi và sum suê trong suốt mùa hè. Cũng vậy, khi mùa thu và mùa đông đến trong đời sống Cơ Đốc, chúng ta có thể bị đè nén bởi những người trong gia đình. Trong suốt thời gian lạnh lẽo khắt nghiệt, chúng ta sẽ bị buộc phải rụng lá. Điều này có nghĩa là người bề ngoài đang hư nát và phương diện kia là đang bị tiêu hao.
Khi kinh nghiệm sự hư nát của người bề ngoài, có thể chúng ta nói với Chuá rằng chúng ta không chịu nổi nữa. Tuy nhiên, Chuá có thể chỉ ra rằng chúng ta sẽ nhận lấy điều đó lâu hơn, vì phần định của chúng ta là để cho người bề ngoài bị tiêu hao. Đây là sự hiểu biết của tôi về vấn đề này theo kinh nghiệm.
ĐỔI MỚI NGƯỜI BỀ TRONG
Cũng từ kinh nghiệm, tôi có thể làm chứng rằng điều gì đó kết quả từ sự hư nát này, sự tiêu hao này—đổi mới người bề trong. Vâng, người bề ngoài của chúng ta đang hư nát, nhưng người bề trong đang được đổi mới. Nếu có sự chọn lựa, đương nhiên chúng ta sẽ chọn sự đổi mới và tránh sự hư nát. Nhưng nếu chúng ta tránh sự hư nát người bề ngoài thì người bề trong chẳng đổi mới chút nào. Tất cả chúng ta đều muốn giống như cây thường xanh. Theo một ý nghĩa, khi mùa xuân đến, cây thường xanh không được tươi tắn lắm. Nhưng những cây rụng lá và ngủ đông sẽ tươi tốt khi mùa xuân đến. Cùng một nguyên tắc, khi kinh nghiệm sự hư nát của người bề ngoài, chúng ta vui hưởng sự đổi mới của người bề trong.
Trong 2 Cô-rin-tô chương 3, Phao-lô nói về sự biến đổi. Trong tiến trình biến đổi, một yếu tố thần thượng được thêm vào trong bản thể chúng ta, và chúng ta được cấu tạo yếu tố này. Sự cấu tạo này sản sinh sự biến đổi. Như chúng ta đã thấy, trong 2 Cô-rin-tô chương 4, sự biến đổi trở thành sự đổi mới. Sự đổi mới này không chỉ liên quan đến việc thêm yếu tố thần thượng vào trong bản thể chúng ta. Bản chất cũ của chúng ta, người bề ngoài của chúng ta, thật sự bị cất đi hầu cho sự sống bên trong chúng ta, tức là Linh sự sống có thể có cơ hội phát triển. Sự phát triển này của sự sống bên trong là sự đổi mới. Một lần nữa, chúng ta có thể dùng cây cối làm minh hoạ. Trong suốt mùa đông, chúng ngủ, nhưng khi mùa xuân đến chúng ta có thể thấy sự phát triển của sự sống bề trong. Đây không chỉ là sự biến đổi; đó là sự đổi mới.
Sự biến đổi là vấn đề cấu tạo; sự đổi mới liên quan đến sự thay thế. Được đổi mới có nghĩa là người bề ngoài đang bị tiêu hao. Như cây rụng lá, yếu tố cũ của người bề ngoài cũng hư hoại như vậy. Kết quả là sự sống bề trong phát triển một cách tươi tốt. Khi mùa xuân đến, cây trở nên sống động, tươi tốt và tràn trề nhựa sống, ra lá mới và cuối cùng cây trổ hoa và kết trái. Đây là bức tranh về sự đổi mới người bề trong của chúng ta. Bởi kinh nghiệm sự đổi mới này, chúng ta tiến lên từ vinh hiển đến vinh hiển. Vinh hiển được nâng lên từ một mức độ này đến mức độ khác, từ vinh hiển hiện tại đến vinh hiển đời đời.