Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 9




CHẤP SỰ CỦA GIAO ƯỚC MỚI (2)
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 4:1-7
Trong 3:12-18, chúng ta có phương diện thứ nhất về việc mô tả về chấp sự của giao ước mới. Chấp sự của giao ước mới được cấu tạo bởi Chúa và với Chuá là Linh biến đổi và ban sự sống. Chương 4 đến chương 7 mô tả thêm về những chấp sự giao ước mới. Theo 4:1-6, các chấp sự của Tân Ước ăn ở vì sự chiếu sáng của Phúc Âm vinh hiển của Đấng Christ. Vì thế, phương diện thứ hai về các chấp sự giao ước mới là cách họ ăn ở, cách họ cư xử.
II. ĂN Ở VÌ SỰ CHIẾU SÁNG CỦA PHÚC ÂM VINH HIỂN CỦA ĐẤNG CHRIST
Trước khi xem các chấp sự giao ước mới ăn ở như thế nào, trước hết chúng ta hãy xem mục tiêu, đích điểm và mục đích về sự ăn ở của họ. Sự ăn ở của họ được cai trị và được kiểm soát bởi một mục đích. Mục đích này là chiếu sáng vinh hiển Phúc Âm của Đấng Christ. Họ ăn ở theo cách như thế để Phúc Âm của Christ có thể chiếu sáng qua họ và ra từ bên trong họ. Đây là mục tiêu, mục đích của nếp sống họ. Họ không chỉ rao giảng phúc âm — họ chiếu sáng ra Phúc Âm vinh hiển của Đấng Christ.
Phúc Âm được Phao-lô rao giảng là Phúc Âm vinh hiển, Phúc Âm đầy dẫy ánh sáng và vinh hiển. Vinh hiển này không thể được chuyển tải chỉ bởi phát ngôn, bởi rao giảng. Phúc Âm phải được biểu lộ qua sự chiếu sáng. Hơn nữa, sự chiếu sáng này phải là nếp sống của những chấp sự Tân Ước. Nếp sống của họ chính là sự chiếu sáng của Phúc Âm mà họ rao giảng. Đối với họ, Phúc Âm không chỉ là giáo lí. Giáo lí thì không cần có sự chiếu sáng. Nhưng Phúc Âm họ rao giảng, tức Phúc Âm vinh hiển thì đầy dẫy sự chiếu sáng. Vinh hiển này là chính Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời được hiện thân trong Phúc Âm mà họ rao giảng. Do đó, Phúc Âm được các chấp sự của giao ước mới rao giảng không phải là thần học, triết lí, hay chỉ là giáo lí. Đó là sự hiện thân của Đức Chúa Trời vinh hiển. Phúc Âm này không thể được thực hiện chỉ qua sự rao giảng. Phải có sự chiếu sáng.

Là những người thực hiện Phúc Âm vinh hiển này, các chấp sự là những vì sáng; tức là, họ là những người chiếu sáng. Là những vì sáng, chính họ không có sự sáng, nhưng họ có khả năng phản chiếu sự sáng đến từ một nguồn khác, giống như mặt trăng phản chiếu ánh sáng của mặt trời.
Phúc Âm có thể được sánh với Christ chiếu sáng như mặt trời, Đức Chúa Trời vinh hiển được hiện thân trong công tác cứu chuộc của Ngài. Tất cả chúng ta cần hiểu Phúc Âm theo cách này. Đừng xem Phúc Âm như một triết lí hay một sự dạy dỗ. Không, Phúc Âm là hiện thân của chính Đức Chúa Trời vinh hiển. Phúc Âm này cần nhiều người chiếu sáng, nhiều vì sáng để phản chiếu ánh sáng của Phúc Âm. Phản chiếu ánh sáng của Phúc Âm vinh hiển là nếp sống của hết thảy các chấp sự giao ước mới. Sự phản chiếu này là sự ăn ở của các sứ đồ.
Trong câu 4, Phao-lô dùng từ sự chiếu sáng. Sâu xa trong linh ông, Phao-lô xem chính mình và các đồng công là những vì sáng. Ngày nay, chúng ta cũng cần những vì sáng như thế phản chiếu vinh hiển của Phúc Âm Đấng Christ. Mục tiêu, tiêu điểm và mục đích của nếp sống của những chấp sự Tân Ước là để chiếu sáng theo cách này. Mục tiêu của việc ăn ở của Phao-lô là chiếu sáng ra Phúc Âm. Ông và các đồng công của ông, các chấp sự của giao ước mới đã ăn ở để chiếu sáng Phúc Âm vinh hiển của Đấng Christ.
A. Cách Ăn Ở Của Họ
Trong 4:1, Phao-lô nói: “Vậy, vì chúng tôi chịu chức dịch (chức vụ) nầy, theo như đã được thương xót, nên chúng tôi chẳng ngã lòng”. Trong 3:12-18, vị sứ đồ mô tả thể nào các chấp sự của giao ước mới được cấu tạo. Trong chương này, từ câu 1 đến câu 6, ông nói tiếp thể nào là những chấp sự của giao ước mới họ phải ăn ở để thực hiện chức vụ của họ, và từ câu 7 đến câu 18, ông nói đến loại sự sống mà họ sống.
1. Có Chức Vụ Của Giao Ước Mới
Trong 4:1, Phao-lô nói có “chức vụ này”. Đây là chức vụ được mô tả trong 2:12 đến 3:18. “Chức vụ này” cho thấy rằng tất cả những sứ đồ của Christ dù nhiều nhưng chúng ta chỉ có một chức vụ duy nhất — chức vụ của giao ước mới để hoàn thành gia tể Tân Ước của Đức Chúa Trời. Mọi công tác của các sứ đồ là để thực hiện chức vụ duy nhất này để cung ứng Christ cho người khác hầu xây dựng Thân Thể Ngài.
Trong câu 1, Phao-lô nói về chức vụ ở số ít. Đây là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy rằng tất cả các đồng công đều có một chức vụ, chức vụ duy nhất. Cả Cựu Ước lẫn Tân Ước chỉ có một chức vụ duy nhất. Chức vụ duy nhất trong Tân Ước là chức vụ của sự công chính và của Linh. Trong chức vụ này, Christ được cung ứng cho người khác.
Ngày nay, những người rao giảng thường nói về những chức vụ khác nhau. Dù tôi không muốn nói rằng nói nhiều chức vụ là sai nhưng chúng ta cần cẩn thận trong sự phát ngôn về chức vụ theo cách này. Điều quan trọng ở đây là điều chúng ta muốn nói chữ chức vụ và nhiều chức vụ. Trong 2 Cô-rin-tô, chức vụ là duy nhất; từ này không được nói theo hình thức số nhiều. “Chức vụ này” là chức vụ duy nhất của Tân Ước.
Trong chương 1 Sách Công Vụ, Phi-e-rơ nói đến chức vụ. Cần phải có ai đó lấp đầy khoảng trống giữa các Sứ Đồ, tức ai đó liên kết với mười một sứ đồ trong việc mang lấy chức vụ. Tất cả mười hai Sứ Đồ chỉ có một chức vụ. Chức vụ này là rao giảng Đấng Christ trong sự phục sinh. Trong 2 Cô-rin-tô, các sứ đồ cũng có một chức vụ — cung ứng Christ cho người khác.
2. Không Nản Lòng
Phương diện thứ nhất về cách các sứ đồ ăn ở là họ không nản lòng. Tôi có thể làm chứng rằng vì tôi cũng có phần trong chức vụ này nên tôi không nản lòng. Chức vụ này là sự khích lệ và là động cơ. Chức vụ này làm tôi mạnh mẽ, khích lệ tôi, ủng hộ tôi, và làm cho tôi không nản lòng. Thậm chí sự chống đối cũng là dấu hiệu cho thấy chức vụ này ở dưới phước hạnh của Chuá và chức vụ này có hiệu quả. Chúng ta không nản lòng dù có nhiều sự chống đối nổi lên chống lại chúng ta.
3. Từ Bỏ Mọi Điều Giấu Kín Đáng Thẹn
Trong câu 2, Phao-lô nói: “Nhưng chúng tôi đã từ bỏ mọi điều giấu kín đáng thẹn, chẳng bước theo sự quỉ quyệt, cũng chẳng mưu pha trộn đạo (lời) Đức Chúa Trời; song ở trước mặt Đức Chúa Trời chúng tôi nhờ sự biểu minh lẽ thật mà tự tiến dẫn mình cho lương tâm của mọi người”. Chúng ta cần phải có một lương tâm để công bố với thiên sứ và ma quỉ rằng chúng ta không có những điều ẩn giấu đáng thẹn, nhưng minh bạch và trong suốt như pha lê.
Tiếng Hy Lạp dịch chữ pha lộn cơ bản có nghĩa là gài bẫy; sau đó là hư hoại, giống như vàng hay rượu không thuần khiết. Ý nghĩa từ này hẹp hơn từ bán rong trong 2:17, là điều thêm vào ý nghĩa của việc kiếm lợi. Pha trộn vàng là trộn vàng với một số kim loại kém hơn để bán với giá cao hơn giá trị thật của nó. Cũng vậy, pha rượu là trộn rượu với loại chất lỏng khác để trình ra như thể nó là rượu ngon. Ngay cả trong thế kỷ đầu, những người được gọi là những người rao giảng đã pha trộn Lời của Đức Chúa Trời theo cách này. Họ thêm những điều kém cỏi hơn vào trong Lời.
Một số người rao giảng ngày nay đã pha trộn Lời của Đức Chúa Trời. Trong bài giảng của họ, có thể họ dùng những câu Kinh Thánh nhưng lại thêm vào những yếu tố pha trộn. Họ tuyên bố rằng điều mà họ rao giảng là Lời Đức Chúa Trời. Thật ra, có thể chỉ có một tỉ lệ nhỏ là Lời, phần còn lại là những yếu tố pha trộn được thêm vào Lời. Như vậy, họ đã pha trộn vàng thần thượng và rượu thần thượng trong Kinh Thánh. Cách Phao-lô ăn ở hoàn toàn trái ngược với điều này. Chắc chắn ông không pha trộn Lời của Đức Chúa Trời, nhưng ông trình bày vàng ròng, thậm chí là vàng được tinh luyện của Lời.
Bởi sự tỏ ra của lẽ thật, Phao-lô và các đồng công được lương tâm mọi người chấp nhận trước mặt Đức Chúa Trời. Lẽ thật ở đây là cách diễn đạt khác của Lời Đức Chúa Trời (Giăng 17:17). Lẽ thật có nghĩa là thực tại và có nghĩa là mọi điều có thật được khải thị trong Lời Đức Chúa Trời, chủ yếu là Christ như thực tại của mọi sự của Đức Chúa Trời. Sự tỏ ra của lẽ thật nói đến nếp sống Christ của các sứ đồ. Khi họ sống Christ, tức là lẽ thật (Giăng 14:6) thì lẽ thật được tỏ ra trong họ. Khi Christ từ họ sống ra thì lẽ thật được tỏ ra trong họ. Bởi điều này, họ được lương tâm mọi người chấp nhận trước mặt Đức Chúa Trời. Các sứ đồ cư xử không theo cách pha trộn Lời Đức Chúa Trời, nhưng theo sự tỏ ra lẽ thật hầu chiếu sáng Phúc Âm vinh hiển của Christ, bởi quyền năng vượt trỗi của châu báu vô giá, tức chính Christ, Đấng bước vào trong họ và trở thành nội dung của họ (2Cô. 4:7) qua sự soi sáng của sự chiếu sáng của Đức Chúa Trời (c. 6).
B. Sự Chiếu Sáng Phúc Âm Vinh Hiển Của Đấng Christ
1. Phúc Âm Của Họ Bị Che Khuất Cho Những Người Hư Mất
Trong câu 3, Phao-lô nói tiếp: “Nếu Phúc Âm của chúng tôi còn che khuất, là chỉ che khuất cho những kẻ hư mất thôi”. Trong một số người, Phúc Âm bị che khuất bởi quan điểm cũ, nhất là quan điểm về kinh luật (3:14-15). Theo nguyên tắc, bất cứ điều gì giống như triết lí hay truyền thống văn hoá là điều cản trở người khác khỏi sự lĩnh hội Phúc Âm Đấng Christ cũng đều là cái màn che. Do đó, việc rao giảng Đấng Christ phải vén màn cho họ, giống như trong nhiếp ảnh, chúng ta phải lấy nắp khỏi ống kính của máy để chụp hình.
Lời của Phao-lô trong câu 3 hàm ý rằng Phúc Âm được vị sứ đồ rao giảng không nên bị che khuất. Không có lí do gì để Phúc Âm bị che khuất. Nhưng nếu Phúc Âm bị che khuất thì chỉ bị che khuất cho những kẻ hư mất, tức là cho những kẻ mà mùi thơm của sự tri thức về Đấng Christ là sự chết dẫn đến sự chết. Trong câu 4, Phao-lô nói tiếp: “Bởi vì thần của đời nầy đã làm mù tâm tư của kẻ chẳng tin, để sự sáng chói của Phúc Âm vinh hiển của Đấng Christ, là hình tượng (hình ảnh) của Đức Chúa Trời, không chiếu đến họ”. Thần của đời này là Sa-tan, kẻ lừa dối, kẻ cai trị đời hiện tại này. Hắn thống trị thế giới ngày nay và đang tìm kiếm sự thờ phượng của con người bằng cách làm mù tâm tư của họ. Trong câu này, bị mù có nghĩa là che khuất sự hiểu biết của một người nào đó. Hơn nữa, tâm tư ở đây nói đến sự hiểu biết hoặc tâm trí.
Là hình ảnh của Đức Chúa Trời, Đấng Christ là sự chói lói của vinh hiển Ngài (Hê. 1:3). Vì thế, Phúc Âm của Đấng Christ là Phúc Âm của vinh hiển Ngài toả sáng và chiếu sáng ra. Sa-tan, thần của đời này đã làm mù tâm tư của những người không tin hầu cho sự toả sáng của Phúc Âm vinh hiển Đấng Christ không chiếu sáng vào trong lòng họ. Điều này tương tự như việc đậy ống kính máy ảnh để ánh sáng không thể chiếu vào máy ảnh.
Điều mà Phao-lô mô tả trong chương 4 là một loại nhiếp ảnh thuộc linh. Chúng ta giống như máy ảnh có ống kính và màn trập. Khi nhấn màn trập, có một con đường cho ánh sáng với vật thể, hình thể, hình ảnh, chiếu sáng vào trong máy ảnh và được in lên phim. Ánh sáng đem hình thể đến với phim và hình thành nên hình ảnh trên đó. Tuy nhiên, nếu che ống kính máy ảnh lại thì không có con đường cho ánh sáng chiếu vào máy ảnh. Thỉnh thoảng, khi rao giảng phúc âm cho người khác, họ giống như máy ảnh bị che ống kính. Ánh sáng không thể chiếu vào trong họ. Ngợi khen Chuá, bởi sự thương xót và ân điển của Ngài, cái nắp ống kính thuộc Sa-tan đã được cất đi khỏi tâm trí chúng ta! Chúng ta không chỉ có mặt trần mà còn có tâm trí không bị che khuất.
Mặt trần trong 3:18 là tâm trí không bị che khuất trong chương 4. Theo quan điểm của Phao-lô, hai điều này là một. Do đó, có mặt trần là có tâm trí không bị che khuất. Giống như máy ảnh mở ra để ánh sáng chiếu vào.
Khi ánh sáng chiếu vào trong chúng ta, ánh sáng đem hình ảnh của Christ vào. Sự chiếu sáng này chiếu sáng trong linh chúng ta qua tâm trí. Linh chúng ta có thể đươc ví như phim. Khi ánh sáng đến trong chúng ta, qua tâm trí mở ra, ánh sáng đạt đến linh chúng ta và đem hình ảnh của Christ, hình ảnh của Đức Chúa Trời vào trong chúng ta. Trong Hội thánh, chúng ta đang thực hành môn nhiếp ảnh thiên thượng và thuộc linh như thế.
Theo nghĩa đen, tiếng Hy Lạp dịch chữ chiếu sáng trong câu 4 thứ nhất có nghĩa là nhìn thấy cách rõ ràng, biện biệt; thứ hai nó có nghĩa là chiếu sáng. Vì thế, phần thứ hai của câu này có thể dịch là: “để họ không thấy sự chiếu sáng của Phúc Âm vinh hiển của Đấng Christ, Đấng là hình ảnh của Đức Chúa Trời”. Vì thần của đời này đã làm mù tâm trí của những kẻ không tin nên họ không thể nhìn thấy sự chiếu sáng của vinh hiển của Phúc Âm, giống như người mù hay một người có đôi mắt bị tấm màn che, không thể nhìn thấy ánh sáng mặt trời.
2. Không Rao Giảng Chính Mình Nhưng Rao Giảng Christ Là Chuá
Câu 5 chép: “Vả (vì) chúng tôi không rao giảng chính mình, bèn rao giảng Christ Jesus là Chuá, và chính mình mình vì cớ Jesus mà làm nô lệ cho anh em”. “Vì” giải thích vì sao Phúc Âm của các sứ đồ, tức là Phúc Âm vinh hiển của Christ, không nên bị che khuất, vì họ không rao giảng, không tôn cao chính họ, nhưng rao giảng, tôn cao Christ Jesus là Chuá của tất cả, và họ đã ăn ở như là nô lệ của tín đồ vì Jesus, như Jesus, Đấng là Chủ nhưng đến để phục vụ như một nô lệ (Mat. 20:26-28).
Là Chuá bao gồm Christ là Đức Chúa Trời vượt trên tất cả, Christ Jesus đáng chúc tụng đời đời (La. 9:5), Lời đời đời đã nhục hoá thành Người (Giăng 1:14), Jesus chịu đóng đinh như một Người để làm Đấng Cứu Rỗi chúng ta (Công. 4:10-12) và được phục sinh làm Con Đức Chúa Trời (Công. 13:33), và Christ được tôn cao làm Chuá (Công. 2:36), thậm chí làm Chuá của tất cả mọi người (La. 10:12; Giăng 20:28; 1Cô. 12:3) và Chuá của mọi sự (Công. 10:36), Đấng là hình ảnh của Đức Chúa Trời, sự chói lói của vinh hiển Đức Chúa Trời (Hê. 1:3). Đây chính là nội dung của Phúc Âm. Do đó, Phúc Âm là Phúc Âm vinh hiển của Christ, soi sáng, toả sáng và chiếu sáng trong lòng người. Nếu lòng người không bị một điều gì che khuất, không bị Sa-tan, tức thần của đời này làm mù thì con người có thể thấy sự soi sáng của Phúc Âm.
Chữ nô lệ trong câu 5 tương phản với chữ Chuá. Các sứ đồ tôn cao Christ là Chuá, mà xem chính mình chỉ là nô lệ phục vụ tín đồ. Họ là nô lệ không chỉ cho Christ mà cũng cho tín đồ nữa.
3. Đức Chúa Trời Chiếu Sáng Trong Lòng Họ
Câu 6 chép: “Vì Đức Chúa Trời là Đấng có phán: ‘Sự sáng phải từ sự tối tăm soi ra’, cũng đã soi vào lòng chúng tôi, để khiến sự tri thức về vinh hiển của Đức Chúa Trời ở nơi mặt Jesus Christ từ chúng ta mà sáng chói ra”. Câu này giải thích những gì được đề cập trong câu trước. Các sứ đồ rao giảng Christ là Chuá và chính họ là nô lệ của tín đồ, vì chính Đức Chúa Trời Đấng ra lệnh cho sự sáng chiếu ra từ sự tối tăm đã chiếu sáng vào trong lòng họ. Sự chiếu sáng của Ngài trong vũ trụ sản sinh sáng tạo cũ. Bây giờ, sự chiếu sáng của Ngài trong lòng họ làm cho họ thành sáng tạo mới. Do đó, họ có thể tôn cao Christ là Chuá trong sự rao giảng và ăn ở như là nô lệ cho tín đồ trong sự phục vụ của họ. Những gì họ làm cho Christ và những gì họ là cho tín đồ, đó là kết quả của sự chiếu sáng của Đức Chúa Trời. Sự chiếu sáng của Đức Chúa Trời sản sinh những chấp sự của giao ước mới và chức vụ của họ.
Trong lòng chúng ta thì sâu sắc hơn là trên da mặt của Môi-se (3:7; Xuất. 34:29-30). Điều này trình bày một sự so sánh giữa vinh hiển của chức vụ sứ đồ của Phúc Âm với vinh hiển của chức vụ Môi-se của kinh luật. Trong lòng có quan hệ đến sự sống bề trong, trái lại, trên da mặt không có quan hệ gì đến sự sống bề trong. Vinh hiển của giao ước cũ thì ở trên bề mặt, nhưng vinh hiển của giao ước thì đầy dẫy chiều sâu.
“Lòng của chúng ta” nói đến lòng của các sứ đồ. Họ đại diện cho tất cả tín đồ của giao ước mới. Sự chiếu sáng của Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta dẫn đến sự soi sáng của sự nhận biết vinh hiển của Đức Chúa Trời nơi mặt của Đấng Christ, tức là trong sự soi sáng làm cho chúng ta biết vinh hiển Phúc Âm của Đấng Christ. Sự soi sáng, sự toả sáng mà làm cho vinh hiển Phúc Âm của Christ được chúng ta nhận biết kết quả từ sự chiếu sáng của Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta.
Mặt của Christ so sánh với mặt của Môi-se (3:7). Vinh hiển của Phúc Âm nơi mặt của Christ thì tốt hơn vinh hiển của kinh luật trên mặt của Môi-se. Vinh hiển của Phúc Âm chiếu sáng nơi mặt của Đấng mà ân điển và thực tại đến qua Ngài, dẫn đến sự công chính và sự sống (3:8-9). Vinh hiển của kinh luật chiếu sáng trên mặt của người mà kinh luật được ban cho qua người đó (Giăng 1:17), dẫn đến sự định tôi và sự chết (3:7, 9).
Mục đích của việc Đức Chúa Trời chiếu sáng trong lòng chúng ta không liên quan gì đến việc chúng ta biết vinh hiển trên mặt của Môi-se. Sự chiếu sáng của Đức Chúa Trời là để soi sáng chúng ta hầu cho chúng ta có thể biết vinh hiển nơi mặt của Christ. Sự chiếu sáng đó là để soi sáng chúng ta hầu cho chúng ta có thể nhận biết Phúc Âm của Christ thuộc giao ước mới chứ không phải kinh luật của Môi-se.
Đức Chúa Trời có hai sự sáng tạo: sáng tạo cũ và sáng tạo mới. Sáng tạo cũ đến qua sự chiếu sáng bề ngoài của Đức Chúa Trời trong nơi tối tăm. Sáng tạo mới được hoàn thành qua sự soi sáng bề trong của Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta. Bởi sự soi sáng của Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta mà chúng ta đã trở thành sáng tạo mới. Sự chiếu sáng này ở nơi mặt của Christ. Để kinh nghiệm điều đó, chúng ta cần tiếp xúc trực tiếp, cá nhân và thân mật với Christ. Sự tiếp xúc này sẽ làm cho Đức Chúa Trời chiếu sáng trong lòng chúng ta. Đức Chúa Trời có thể chiếu sáng trên chúng ta, nhưng nếu chúng ta muốn Ngài chiếu sáng trong chúng ta, chúng ta cần tiếp xúc trực tiếp, thân mật với Ngài. Đây là lí do chúng ta kêu cầu Ngài: “Ô, Chuá Jesus”. Ngay cả Sau-lơ người Tạt-sơ cũng được cứu bằng cách kêu cầu danh Chuá. Bằng cách kêu cầu danh Chuá, ông được đem vào trong sự tiếp xúc mặt đối mặt với Ngài. Khi Sau-lơ nói: “Thưa Chuá, Chúa là ai?”. Chuá liền đáp: “Ta là Jesus”. Câu trả lời này thật thân mật và cá nhân. Đó không phải là một sự kêu cầu ở khoảng cách xa mà đó là một cuộc đàm thoại mặt đối mặt. Sau-lơ người Tạt-sơ đã kinh nghiệm sự chiếu sáng của Đức Chúa Trời trong lòng ông.
Giả sử, anh em rao giảng phúc âm cho một người chưa tin. Người đó gật đầu và nói rằng người đó tin Chuá Jesus và nhận Ngài làm Đấng Cứu Rỗi. Đừng nghĩ rằng người đó thật sự được cứu. Anh em cần hỏi xem người đó đã kêu cầu danh Chuá bằng cách trực tiếp tiếp xúc với Ngài hay chưa. Nếu một người không tin như thế kêu cầu danh Chuá Jesus, người đó sẽ được đem đến đối diện với Đấng Christ và ngay lập tức có sự tiếp xúc cá nhân với Ngài.
Chỉ khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp, cá nhân và thân mật với Chuá thì chúng ta mới có sự soi sáng ở bên trong. Điều này cũng đúng với chúng ta như đúng với người chưa tin lần đầu tiên đến với Chuá. Nếu được Chuá soi sáng một lần nữa, chúng ta cần tiếp xúc thân mật với Chuá. Bất cứ khi nào chúng ta kêu cầu Chuá cách thân mật, thân thiện, chúng ta đang ở trước mặt Ngài, và sự chiếu sáng của Đức Chúa Trời ở trong lòng chúng ta. Theo cách này, các sứ đồ nhận được sự soi sáng ở bề trong. Sau đó họ chiếu sáng ra những gì họ đã nhận được. Đây là cách ăn ở của họ để chiếu sáng ra vinh hiển của Phúc Âm Đấng Christ. Quyền năng cho sự chiếu sáng này là quyền năng được nói đến trong câu 7.
4. Đức Chúa Trời Chiếu Sáng Trong Lòng Họ, Đem Của Báu Vào Trong Họ Là Những Chiếc Bình Bằng Đất
Trong câu 7, Phao-lô nói: “Nhưng chúng tôi đựng của báu nầy trong khí mạnh (chiếc bình) bằng đất, hầu tỏ ra quyền năng lớn lao quá đỗi nầy là bởi Đức Chúa Trời, chớ chẳng phải từ chúng tôi”. Đức Chúa Trời chiếu sáng trong lòng chúng ta, đem của báu vào trong lòng chúng ta, tức Đấng Christ vinh hiển là hiện thân của Đức Chúa Trời để làm sự sống và mọi sự của chúng ta. Nhưng chúng ta là những chiếc bình bằng đất chứa đựng của báu này thì không xứng đáng và dễ vỡ. Của báu vô giá được chứa đựng trong những chiếc bình chẳng xứng đáng. Điều này làm cho những chiếc bình chẳng xứng đáng này thành chấp sự của giao ước mới với một chức vụ vô giá. Điều này là bởi quyền năng thần thượng trong sự phục sinh. Sự vượt trỗi của quyền năng chắc chắn là của Đức Chúa Trời chứ không phải của chúng ta.
Trong sự phát ngôn của các sứ đồ về chức vụ của họ vì giao ước mới của Đức Chúa Trời có năm ẩn dụ rất quan trọng và đầy ý nghĩa được dùng để minh hoạ thể nào họ là chấp sự của giao ước mới, và chức vụ của họ được cấu tạo ra làm sao, họ đã cư xử và sống như thế nào, chức vụ của họ được thực hiện bằng cách nào. Những ẩn dụ này là: những phu tù trong cuộc diễu hành khải hoàn để kỷ niệm chiến thắng của Christ (2:14a); những người-mang-hương để rải mùi thơm của Đấng Christ (2:14b-16); những bức thư được viết với Christ là nội dung (3:1-3); những chiếc gương ngắm xem và phản chiếu vinh hiển của Christ hầu được biến đổi thành hình ảnh vinh hiển của Ngài (3:18); những chiếc bình bằng đất chứa đựng Đấng Christ vinh hiển như là của báu (4:7). Những chiếc bình này giống như chiếc máy ảnh ngày nay mà hình ảnh của Christ đi vào qua tia chớp mà Đức Chúa Trời chiếu sáng.
Là Đấng Christ nội cư trong chúng ta, những chiếc bình bằng đất, của báu này là nguồn thần thượng cung ứng cho đời sống Cơ Đốc. Chính bởi quyền năng vượt trỗi của của báu này mà các sứ đồ là chấp sự của giao ước mới có khả năng sống một đời sống chịu đóng đinh hầu cho sự sống phục sinh của Christ, Đấng mà họ cung ứng có thể được biểu lộ. Vì thế, họ biểu minh lẽ thật để chiếu sáng Phúc Âm.
--