Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 31



BIỂU LỘ SỰ SỐNG QUA SỰ GIẾT CHẾT CỦA THẬP TỰ GIÁ (1)
Đọc Kinh Thánh: 2Cô. 4:1-18
GIÁO LÍ VÀ KINH NGHIỆM
2 Cô-rin-tô chương 3 và 4 rất khác nhau về mặt bản chất. Chương 3 thật ra là một chương giáo lí. Tôi nhận ra rằng đối với nhiều người trong chúng ta, giáo lí không phải là một từ tích cực. Vì bối cảnh của chúng ta, một bối cảnh tôn giáo đầy dẫy giáo lí nên chúng ta không xem giáo lí là điều gì đó thoả mã hoặc thích thú. Khi làm chứng trong một buổi nhóm Hội thánh, chúng ta muốn nói “Điều mà tôi muốn chia sẻ với anh em không phải là giáo lí. Đó là một kinh nghiệm có thật và quý báu”. Tất cả chúng ta đều đánh giá cao chữ kinh nghiệm, và mỗi khi có cơ hội, chúng ta sẽ làm chứng về việc chúng ta kinh nghiệm Chuá hoặc kinh nghiệm của chúng ta trong Chuá. Chúng ta sẽ rất do dự khi đứng lên nói: “Điều mà tôi sắp trình bày với anh em là một giáo lí”. Tuy nhiên, tôi dạn dĩ nói rằng Sách 2 Cô-rin-tô chương 3 là một chương giáo lí. Dĩ nhiên, như một qui luật, giáo lí liên quan đến kinh nghiệm. Cũng vậy, bất cứ kinh nghiệm thuộc linh đích thực nào cũng liên quan đến giáo lí. Do đó, chúng ta có thể nói rằng 2 Cô-rin-tô chương 3 là một chương nói về giáo lí với một lượng kinh nghiệm nào đó.
Cho phép tôi nêu ra những lí do nói rằng 2 Cô-rin-tô chương 3 liên quan đến giáo lí. Câu 8 và 9 nói về chức vụ của Linh và chức vụ của sự công chính. Vì thế, chức vụ giao ước mới trước hết là chức vụ của Linh rồi sau đó là chức vụ của sự công chính. Đây không phải là vấn đề giáo lí sao? Nếu công bằng và không bị ảnh hưởng bởi quan điểm tiêu cực về giáo lí thì chúng ta sẽ thừa nhận rằng đây thật ra là vấn đề giáo lí. Vì Kinh Thánh là sách giáo lí nên chúng ta không thể tránh khỏi giáo lí hoặc bỏ qua giáo lí. Cụ thể trong chương 3, chúng ta có giáo lí nói rằng chức vụ giao ước mới là chức vụ của Linh và của sự công chính.

Tuy nhiên, chương 3 cũng chứa một lượng kinh nghiệm nào đó. Chẳng hạn, trong câu 18 Phao-lô nói: “Nhưng chúng ta thảy đều để mặt trần mà ngắm xem và chiếu vinh hiển của Chúa như một cái gương, thì đều đang được biến đổi nên cùng một hình ảnh của Ngài, từ vinh hiển đến vinh hiển, thậm chí như từ Chúa Linh vậy”. Câu này vừa có giáo lí vừa có kinh nghiệm. Dù ở đây, Phao-lô nói từ quan điểm kinh nghiệm nhưng đồng thời lời của ông cũng bao gồm giáo lí.
Nếu 2 Cô-rin-tô chương 3 về cơ bản là một chương giáo lí thì bản chất của chương 4 là gì? 2 Cô-rin-tô chương 4 là một chương nói về kinh nghiệm. Làm thế nào chúng ta biết điều này? Câu 1 cho chúng ta một dấu hiệu rằng chương này nói về kinh nghiệm: “Vậy, vì chúng tôi chịu chức vụ này, theo như đã được thương xót, nên chúng tôi chẳng ngã lòng”. Ở đây, Phao-lô nói đến “chịu chức vụ này”. Ngay cả điều này cũng liên quan đến giáo lí cũng như kinh nghiệm. Nhưng vấn đề không nản lòng dứt khoát là vấn đề kinh nghiệm.
Thậm chí trong chương 4, tức chương nói về kinh nghiệm, chúng ta cũng thấy giáo lí. Cũng vậy, trong chương 3, là chương nói về giáo lí, cũng có kinh nghiệm. Chúng ta có thể nói rằng 2 Cô-rin-tô chương 3 mang tính giáo lí một cách mặt kinh nghiệm và 2 Cô-rin-tô chương 4 mang tính kinh nghiệm một cách giáo lí. Có một sự hiểu biết như thế về hai chương này là rất quan trọng để nắm lấy những gì chúng ta sẽ đề cập trong bài này.
BIỂU LỘ SỰ SỐNG
Loại kinh nghiệm chúng ta tìm thấy trong chương 4 là gì? Đó không phải là kinh nghiệm về sự cứu rỗi, sự xưng nghĩa, hoặc sự tha thứ. Một số người có thể nói rằng trong chương này chúng ta có kinh nghiệm về thập tự giá. Tuy nhiên, nói như vậy là nói về kinh nghiệm trong chương 4 theo cách quá tiêu cực. Điều chúng ta tìm thấy ở đây là sự biểu lộ sự sống. Chương này nói về kinh nghiệm việc biểu lộ sự sống.
Nhiều Cơ Đốc nhân có thể đọc 2 Cô-rin-tô chương 4 mà không nhận ra rằng chương này nói về sự biểu lộ sự sống. Câu 10 và 11 chép: “Thân thể hằng mang sự chết của Jesus, hầu cho sự sống của Jesus cũng được tỏ ra trong thân thể chúng tôi. Bởi chúng tôi là kẻ sống, vì cớ Jesus mà hằng bị nộp cho sự chết, hầu cho sự sống của Jesus cũng được tỏ ra trong xác thịt hay chết của chúng tôi”. Trong hai câu này, Phao-lô không dùng tính từ biểu lộ. Thay vì thế, ông dùng động từ “được biểu lộ”. Có một sự khác nhau giữa điều gì đó có tính biểu lộ và điều gì đó được biểu lộ. Từ biểu lộ không liên quan đến kinh nghiệm hay một tiến trình. Nhưng được biểu lộ liên quan đến đến một tiến trình, một thủ tục. Trong những câu này, Phao-lô không nói rằng sự sống của Jesus có thể biểu lộ. Nếu nói vậy thì không có liên quan đến tiến trình hay thủ tục nào. Chúng ta không cần phải trải qua bất cứ điều gì trong kinh nghiệm của mình. Nhưng khi Phao-lô nói về sự sống của Jesus được biểu lộ trong chúng ta thì có liên quan đến một tiến trình. Để sự sống của Jesus được biểu lộ đòi hỏi một tiến trình, một thủ tục. Trong 4:10-12, chúng ta có thể thấy rõ sự biểu lộ của sự sống. Điều này cho thấy rằng chương này nói đến kinh nghiệm về sự biểu lộ sự sống.
Sự biểu lộ sự sống đến qua sự giết chết của thập tự giá. Vì lí do này, tựa đề của bài này là “Biểu Lộ Sự Sống Qua Sự Giết Chết Của Thập Tự Giá”. Dĩ nhiên, trong chương 4, chúng ta không tìm thấy từ thập tự giá. Tuy nhiên, khái niệm về thập tự giá được hàm ý. Chẳng hạn như “mang sự chết của Jesus” trong câu 10 chắc chắn hàm ý đến thập tự giá. Sự chết của Jesus không giống như việc mang sự chết của Jesus. Chúng ta không nên nghĩ rằng việc mang sự chết giống như sự chết. Không, ít nhất có một sự khác nhau nào đó. Kinh nghiệm về sự biểu lộ sự sống có liên quan đến việc mang sự chết của Jesus.
Sau khi trình bày chức vụ của giao ước mới theo cách giáo lí trong chương 3, Phao-lô tiếp tục trình bày kinh nghiệm của một chấp sự giao ước mới trong chương 4. Trong việc trình bày như vậy, tại sao ông đưa ra vấn đề mang sự chết của Jesus hầu cho sự sống của Jesus có thể được biểu lộ? Chắc chắn, Phao-lô và những sứ đồ khác có nhiều loại kinh nghiệm khác nhau. Thế thì, tại sao ông trình bày kinh nghiệm cụ thể này trong chương 4? Tâm điểm của chương này không gì khác hơn là sự biểu lộ sự sống qua sự giết chết của thập tự giá. Trong chương 3, Phao-lô nói với chúng ta về chức vụ giao ước mới là gì. Sau đó trong chương 4, ông làm chứng về chức vụ này từ kinh nghiệm của ông. Để làm chứng về chức vụ của giao ước mới, tức chức vụ của Linh và của sự công chính, Phao-lô cần trình bày kinh nghiệm về sự biểu lộ sự sống qua sự giết chết của thập tự giá.
CHỨC VỤ ĐƯỢC XÁC MINH
Trong 4:1 Phao-lô nói: “Vậy, vì chúng tôi chịu chức vụ này, theo như đã được thương xót, nên chúng tôi chẳng ngã lòng”. Giả sử Phao-lô viết câu này cách khác như thế này: “Vậy, có sự phụng sự này như chúng tôi đã nhận ân điển dư dật, chúng tôi được an ủi”. Viết như vậy có xác minh được điều mà Phao-lô nói trong chương ba không? Chắc chắn không. Sẽ không có vẻ đẹp hay những sự giàu có tương xứng với những vấn đề đã được đề cập trong chương 3. Trong 2 Cô-rin-tô chương 3, Phao-lô đề cập đến một số điểm kỳ diệu: chức vụ của Linh, chức vụ của sự công chính, sự biến đổi từ vinh hiển đến vinh hiển. Trong chương 4 có điều gì đó hợp với mỗi một điểm này, tức những điểm mô tả chức vụ giao ước mới kỳ diệu, một chức vụ của Linh, chức vụ của sự công chính, chức vụ của sự biến đổi từ vinh hiển đến vinh hiển. Chức vụ mà được mô tả theo cách giáo lí trong chương 3 cần được xác minh. Trong chương 4, Phao-lô cho chúng ta một sự xác quyết kinh nghiệm về những điểm mà ông vừa mới nên lên về chức vụ giao ước mới.
Có thể có một số người đọc chương 3 nói rằng: “Phao-lô ơi, ông vừa bảo chúng tôi chức vụ của ông là gì. Chức vụ của ông thuộc về Linh và sự công chính và điều đó để biến đổi chúng ta từ vinh hiển đến vinh hiển. Điều này thật tuyệt vời. Nhưng ông có thể xác minh cho chúng tôi chức vụ siêu việt từ kinh nghiệm riêng của ông không? Ông sẽ cho chúng tôi một số kinh nghiệm như là một sự xác minh về chức vụ của ông chứ?”. Như thể đã biết trước những câu hỏi như thế, dường như Phao-lô nói trong Thư Tín này rằng: “Trong chương sau, tức chương 4, tôi sẽ nói cho anh em nghe về kinh nghiệm của tôi”. Do đó, điều mà Phao-lô nói trong chương 4 về kinh nghiệm của ông phải nhấn mạnh đến những điểm quan trọng được đề cập trong chương 3. Điều này có nghĩa là ông phải nhấn mạnh điều gì đó về Linh, sự công chính, sự biến đổi, và vinh hiển. Khi đọc chương 4, chúng ta cần tìm ra những vấn đề nào phù hợp với tất cả những điểm này trong chương 3.
Điều gì trong chương 4 hợp với Linh trong chương 3? Nói rằng “Linh của đức tin” được đề cập trong câu 13 thật không đúng chút nào vì câu này nói đến một điều gì đó khác. Vấn đề trong chương 4 phù hợp với Linh là vấn đề sự sống. Sự sống trong chương này đồng nghĩa với Linh. Trong một chương về giáo lí, Phao-lô nói về Linh, nhưng trong chương kinh nghiệm, ông nói về sự sống. Sự sống trong giáo lí là Linh, và Linh trong kinh nghiệm là sự sống.
Chúng ta có thể dùng sự khác nhau giữa của hàng tạp hoá với thức ăn được nấu chín để minh hoạ cho sự khác nhau giữa Linh và sự sống. Trước khi chuẩn bị một bữa ăn, những gì chúng ta có là những loại tạp phẩm khác nhau. Nhưng chúng ta không ăn những loại tạp phẩm này; chúng ta ăn thực phẩm nấu chín được chuẩn bị từ những loại tạp phẩm này. Giáo lí có thể được ví như hàng tạp phẩm, và kinh nghiệm thuộc linh của chúng ta được ví như thực phẩm được nấu chín mà chúng ta đã ăn. Linh trong 2 Cô-rin-tô chương 3 là “hàng tạp phẩm” nhưng sự sống trong chương 4 là “thực phẩm nấu chín”. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng sự sống là Linh “được nấu chín” hoặc đã trải qua tiến trình để chúng ta kinh nghiệm. Hơn nữa, tất cả chúng ta đều là những người nấu ăn. Bất cứ lúc nào nấu Linh thì Linh trở thành sự sống cho chúng ta. Do đó, bây giờ chúng ta đang vui hưởng thực phẩm được nấu chín. Điều này có nghĩa là sự sống trong chương 4 là Linh đã trải qua tiến trình. Sau khi Linh được trải qua tiến trình, tức được nấu chín, Ngài trở thành sự sống trong kinh nghiệm của chúng ta.
Vì thời gian có, chúng ta sẽ không tìm yếu tố nào trong chương 4 hợp với sự công chính trong chương 3. Thay vì thế, chúng ta nên hỏi xem điều gì hợp với sự biến đổi. Giống như sự sống đồng nghĩa với Linh, thì cũng vậy được đổi mới đồng nghĩa với được biến đổi. Phao-lô nói về đổi mới trong câu 16 khi ông nói rằng “người bề trong của chúng ta đang được đổi mới hằng ngày”. Dù sự biến đổi và sự đổi mới là đồng nghĩa nhưng vẫn có một sự khác nhau giữa chúng. Sự biến đổi liên quan đến một tiến trình. Khi tiến trình biến đổi diễn ra, nó trở thành sự đổi mới.
Trong chương 4 điều gì đồng nghĩa với vinh hiển trong chương 3? Thật ra, không có đồng nghĩa. Dù vinh hiển được trải qua tiến trình nhiều thế nào đi nữa thì vinh hiển vẫn cứ là vinh hiển. Trong cả hai chương 3 và 4, Phao-lô nói về vinh hiển. Tuy nhiên, vinh hiển trong chương 3 không cao trọng như vinh hiển trong chương 4. Trong 4:17, Phao-lô nói: “vinh hiển cao trọng đời đời”. Về mặt ban phát, vinh hiển trong chương 3 thì cao trọng trong thời đại này, nhưng vinh hiển trong chương 4 thì cao trọng đời đời. Nói cách khác, trong chương 3, vinh hiển có sự cao trọng trong thời đại này nhưng trong chương 4 vinh hiển có sự cao trọng đời đời. Chúng ta nên nhớ rằng 3:18 nói rằng từ một mức độ vinh hiển này đến mức độ vinh hiển khác. Chắc chắn vinh hiển trong chương 4 là mức độ cao nhất. Ít nhất, vinh hiển ấy cũng ở mức cao hơn vinh hiển trong chương 3.
Trong chương 3, những vấn đề về Linh, sự biến đổi, và vinh hiển là điều gì đó mang tính giáo lí. Nhưng trong chương 4, những điểm đồng nghĩa là thuộc về kinh nghiệm. Như chúng ta đã thấy, Linh trở thành sự sống, sự biến đổi trở thành sự đổi mới và vinh hiển mang tính ban phát trở thành vinh hiển đời đời.
LINH VÀ SỰ SỐNG
Sự biểu lộ của sự sống tương đương với sự biểu lộ của Linh. Trong 3:8, Phao-lô nói rằng chức vụ của ông, tức chức vụ của giao ước mới là chức vụ của Linh. Trong chương 4, ông trình bày một sự xác minh mang tính kinh nghiệm về vấn đề này. Trong chương này, dường như ông đang nói: “Cho phép tôi xác chứng với anh em rằng chức vụ của tôi là chức vụ của Linh. Khi tôi đến với anh em, anh em không nhìn thấy điều gì đó được biểu lộ trong tôi sao? Anh em đã nhìn thấy gì? Tôn giáo Do Thái ư? Sự thực hành, thói quen hay là phong tục Do Thái ư? Không, anh em không thấy gì về những điều này. Anh em Cô-rin-tô ơi, anh em phải thừa nhận rằng điều mà anh em nhìn thấy trong tôi là sự biểu lộ của sự sống chứ không phải là sự biểu lộ của tôn giáo, triết học, phong tục hay sự thực hành Do Thái”. Sự sống được biểu lộ trong Phao-lô là Linh được kinh nghiệm, Linh được trải qua tiến trình, Linh đã được nấu chín.
Khi Phao-lô ở với người Cô-rin-tô, ông sống động và có quyền năng, nhưng ông cũng tử tế, khiêm nhường, và chịu đựng. Tất cả những mỹ đức này là một phần của sự biểu lộ của Linh được ông kinh nghiệm. Chức vụ của ông là chức vụ của Linh được biểu lộ trong ông là sự sống. Do đó, Phao-lô đầy dẫy sự sống. Không chỉ sự sống được biểu lộ trên ông mà sự sống còn hành động trong tín đồ tại Cô-rin-tô.
Sự sống có thể được biểu lộ trong Phao-lô vì ông đã kinh nghiệm sự giết chết của thập tự giá. Giả sử, Phao-lô không có nan đề nào, rắc rối nào, sự chống đối nào hay sự bắt bớ nào. Giả sử ông cũng mạnh mẽ về mặt thể chất và không hề có vấn đề gì về sức khoẻ. Nếu có trường hợp như thế thì cũng không thể có sự biểu lộ sự sống trong Phao-lô. Nhưng khi Phao-lô ở với người Cô-rin-tô, ông có những nan đề và những khó khăn, và ông cũng đã đương đầu với chống đối và bắt bớ. Đôi khi ngay cả thánh đồ ở Cô-rin-tô cũng gây rắc rối cho ông. Phao-lô biết rằng nếu mọi sự dễ dàng và thuận lợi thì sẽ không thể có sự biểu lộ của sự sống như đã đề cập.
Khi chúng ta ở trong một môi trường thuận lợi thì sự sống ít có cơ hội để được biểu lộ hơn. Nhưng khi bị chống đối, bị bắt bớ và bị phê phán, khi có những vấn đề về sức khoẻ, và khi gặp rắc rối với những thánh đồ trong Hội thánh thì chúng ta ở trong hoàn cảnh đúng đắn để biểu lộ sự sống. Khi Phao-lô ở với người Cô-rin-tô, ông ở trong loại hoàn cảnh đó. Điều này tạo cho ông một cơ hội tuyệt vời để cho Linh bên trong ông được biểu lộ như là sự sống.
Trong câu 8 và 9, Phao-lô chỉ ra loại hoàn cảnh khó khăn mà ông đã gặp phải. Ông nói: “Chúng tôi bị đè nén đủ cách, nhưng không đến nỗi khốn cùng; bị túng thế, nhưng không thất vọng; bị rượt đuổi, nhưng không đến bỏ rơi; bị đánh ngã, nhưng không đến diệt mất”. Trong những câu này, Phao-lô đề cập đến 4 điều. Thứ nhất, ông nói rằng họ bị đè nén mọi cách nhưng không đến nỗi khốn cùng. Bản tiếng Hoa nói rằng họ bị tấn công mọi phía, tấn công từ bốn hướng; phía trước, phía sau, bên phải, bên trái. Tuy nhiên, họ không bị khốn cùng, không bị tù túng. Điều này nói đến sự sống. Không bị khốn cùng trong một tình huống như thế là để có sự biểu lộ của sự sống.
Thứ hai, Phao-lô nói rằng họ bị túng thế, không tìm thấy lối ra, nhưng không thất vọng. Các sứ đồ bị khoá chặt; họ không có lối ra. Tuy nhiên, họ không hoàn toàn thiếu lối ra. Phần này của câu 8 trong tiếng Hy Lạp có một lối chơi chữ. Trước hết Phao-lô nói không thể tìm thấy lối ra, và sau đó ông nói không hẳn là không tìm thấy lối ra. Một lần nữa, đây là sự sống. Dường như họ không thể tìm được lối ra. Nhưng vì Linh trong họ là sự sống nên họ không hẳn là không thể tìm được lối ra.
Thứ ba, Phao-lô nói rằng họ bị rượt đuổi nhưng không bị bỏ rơi. Điều này có nghĩa là họ bị kẻ thù truy đuổi nhưng họ không bị bỏ rơi, không bị bỏ mặc; tức là, họ không bị để lại đằng sau trong một cảnh ngộ khốn khổ.
Cuối cùng, trong câu 9, Phao-lô nói rằng họ bị đánh ngã nhưng không đến diệt mất. Dù họ bị đánh gục nhưng không chết.
Phao-lô bị đè nén, bị túng thế, bị rượt đuổi và bị đánh hạ. Tất cả điều này đã tạo cơ hội để sự sống được biểu lộ. Sự sống đắc thắng tất cả những điều này. Dù ông đã kinh nghiệm sự đè nén, túng thế, bắt bớ và bị đánh hạ, Phao-lô vẫn rất sống động. Ông không căng thẳng hay tuyệt vọng, và ông không bị bỏ rơi hay bị huỷ diệt. Sự sống chắc chắn được biểu lộ trong ông.
NẾP SỐNG VÀ CHỨC VỤ CỦA PHAO-LÔ
Bằng cách trình bày kinh nghiệm riêng của mình như một sự xác chứng về chức vụ của ông, Phao-lô chỉ ra rằng ông và chức vụ của ông là một. Những gì Phao-lô là và những gì Phao-lô sống là chức vụ của ông. Chức vụ là những gì Phao-lô là chứ không chỉ những gì ông làm hay những công tác mà ông đã hoàn thành. Phao-lô đã sống theo cách mà nếp sống của ông là sự xác chứng chức vụ của ông. Chức vụ của Phao-lô là chức vụ của Linh, và nếp sống của ông đầy dẫy sự sống. Điều này có nghĩa là nếp sống của ông là sự biểu lộ Linh đã trải qua tiến trình, Linh đã được nấu chín. Phao-lô đã sống bởi Linh và sự sống ra từ ông. Sự sống được biểu lộ cho người Cô-rin-tô và đã được cung ứng cho họ. Khi sự sống này vào trong họ, lập tức nó trở thành Linh. Sau đó, khi họ sống ra Linh thì Linh trở thành sự sống cho người khác. Đây là sự xác chứng của chức vụ giao ước mới của Phao-lô.
Trong 2 Cô-rin-tô chương 4, dường như Phao-lô muốn nói với người Cô-rin-tô rằng: “đời sống và bản thể chúng tôi là sự xác chứng cho chức vụ của chúng tôi. Chúng tôi và chức vụ là một. Điều này có nghĩa là chúng tôi là chức vụ. Chức vụ là bản thể của chúng tôi, thân vị chúng tôi, nếp sống của chúng tôi. Điều chúng tôi sống là sự xác chứng của chức vụ. Tôi đã nói với anh em rằng chức vụ là chức vụ của Linh. Bây giờ tôi xác chứng lời công bố này bằng cách làm chứng cho anh em kinh nghiệm của tôi về sự biểu lộ sự sống ở giữa một hoàn cảnh khó khăn”.
BỊ ĐÈ NÉN MỌI PHÍA
Có khi Chuá cho phép chúng ta ở trong một hoàn cảnh mà chúng ta bị đè nén đủ mọi phía. Anh em có cảm thấy vui khi ở trong hoàn cảnh như thế không? Có khi dường như Chuá bỏ chúng ta vào giữa loại môi trường này, một môi trường mà chúng ta bị tấn công từ phía trước, phía sau, bên trái, bên phải. Chúng ta bị đè nén mọi bề, tức là theo ý nghĩa của tiếng Hy Lạp, chúng ta bị đè nén từ mọi phía. Điều này là để biểu lộ sự sống.
Có lẽ anh em thắc mắc rằng kẻ tấn công anh em là ai, ai là người gây ra sự đè nén đủ mọi phía. Những người tấn công anh em phần lớn có thể là những người ở trong gia đình anh em. Vợ chồng, con cái, và dâu rể có thể làm khó anh em. Nếu anh em kêu gào để Chuá thương xót, Ngài có thể chỉ ra rằng sự thương xót lớn nhất là để anh em ở trong hoàn cảnh như thế hầu có sự biểu lộ sự sống.
Sự sống, tức Linh được nấu chín là sự biểu lộ của Linh. Do đó, vì Phao-lô biểu lộ sự sống nên đời sống và bản thể ông là sự xác chứng cho chức vụ ông. Ông và chức vụ của Linh là một.
Trong chương 3, Phao-lô chỉ ra rằng các sứ đồ thảy đều là một với chức vụ của họ. Sau đó trong chương 4, ông trình bày sự sống xác chứng lời tuyên bố rằng các chấp sự giao ước mới và chức vụ giao ước mới là một. Những gì họ là và những gì họ sống là chức vụ của họ. Họ cung ứng sự sống cho người khác không chỉ bằng lời nói, nhưng thậm chí cách sống của họ cung ứng còn nhiều hơn. Nếp sống của họ xác chứng lời nói của họ và làm mạnh mẽ chức vụ của họ. Vì thế, chấp sự và Linh là một.
--