Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 13



CHẤP SỰ CỦA GIAO ƯỚC MỚI (6)
Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 5:9-15
Trong chương 3 và 4, Phao-lô nói về phẩm chất của những chấp sự Tân Ước. Phẩm chất đầu tiên là được cấu tạo Đức Chúa Trời Tam-Nhất. Đây là phẩm chất cơ bản. Chúng ta có thẩm quyền, có đủ khả năng, được trang bị, và đủ phẩm chất để làm những chấp sự của giao ước mới bởi hoàn toàn được cấu tạo Đức Chúa Trời Tam-Nhất, Đấng bây giờ là Linh ban-sự-sống bao-hàm-tất-cả. Khi những chấp sự này được cấu tạo một Đấng như thế, thì hiệu năng sự chết bao-hàm-tất-cả của Đấng Christ hành động bên trong bản thể họ, kết liễu sáng tạo cũ và giết chết xác thịt cùng sự sống thiên nhiên.
Trong sự cấu tạo mà các sứ đồ nhận lãnh, có nhiều yếu tố hay nhiều thành phần. Những thành phần này được hình bóng bởi những hương liệu được dùng làm dầu xức trong Xuất Ai Cập Kí chương 30. Một trong những yếu tố này là hiệu năng sự chết của Đấng Christ. Hằng ngày, thành phần này, yếu tố này, hành động bên trong các sứ đồ. Vì lí do này, trong nếp sống hằng ngày của họ, không có điều gì thuộc về sáng tạo cũ: không bản ngã, không xác thịt, không sự sống thiên nhiên. Yếu tố giết chết này có thể so với thuốc kháng sinh dùng để giết chết vi trùng.

Cùng với nhân tố giết chết sáng tạo cũ, có một yếu tố khác, một yếu tố tích cực. Đây là yếu tố phục sinh. Thành phần này không chỉ bao gồm thần tánh, mà còn bao gồm nhân tánh được phục sinh và được nâng cao của Đấng Christ. Chính Đấng Christ phục sinh là sự phục sinh.
Linh ban-sự-sống bao-hàm-tất-cả là Đức Chúa Trời đã-trải-qua-tiến-trình. Là Linh ban-sự-sống, Đức Chúa Trời đã-trải-qua-tiến-trình gồm có thần tánh, nhân tánh, sự nhục hoá, đời sống làm người, sự đóng đinh và sự phục sinh. Do đó, để được cấu tạo Đức Chúa Trời đã-trải-qua-tiến-trình là vấn đề hết sức có ý nghĩa. Đức Chúa Trời đã được trải qua tiến trình, còn chúng ta thì được cấu tạo. Đức Chúa Trời đã được trải qua tiến trình qua sự nhục hoá, qua đời sống làm người, qua sự đóng đinh và qua sự phục sinh. Ngày nay, Đấng Christ phục sinh cũng là Đấng thăng thiên, Đấng được tôn cao và được đăng quang.
Người ta có thể được giúp đỡ bởi thuốc men mà không hiểu hết các thành phần của thuốc. Cũng vậy, dù biết tất cả những yếu tố của Linh ban-sự-sống bao-hàm-tất-cả là có ích lợi, nhưng thậm chí nếu không hiểu hết những thành phần này, chúng ta vẫn có thể được giúp đỡ. Chúng ta chỉ cần nhận “liều thuốc” của Linh. Khi đó, những yếu tố của sự chết và sự phục sinh sẽ hành động bên trong chúng ta. Khi sự phục sinh hành động bên trong chúng ta, chúng ta trở nên thiên thượng, đầy quyền năng và có uy quyền. Thành phần của sự phục sinh thường hành động bên trong chúng ta ngoài ý thức của chúng ta. Điều này có thể so với cách kháng sinh hành động trong chúng ta mà chúng ta ý thức về điều đó. Ngày nay, thành phần của sự phục sinh đang hành động trong chúng ta.
Trong nếp sống của mình, Phao-lô có nhân tánh cao nhất. Nhân tánh của Phao-lô thực ra là sự biểu lộ đời sống làm người của Jesus. Ông đã được cấu tạo đời sống của Jesus và bởi đó trở thành con người đúng đắn, con người “mang tính Jesus”. Khi đến những chương còn lại trong Sách này, chúng ta sẽ thấy nhân tánh của Phao-lô nổi bật như thế nào.
Chúng tôi đã chỉ ra rằng phẩm chất cơ bản của một chấp sự giao ước mới là được cấu tạo Đức Chúa Trời Tam-nhất đã-trải-qua-tiến-trình. Sự cấu tạo là cơ bản, là nền tảng của phẩm chất. Ngày nay, chúng ta cũng cần nền tảng này. Khi làm bất cứ việc gì hoặc học bất cứ điều gì, chúng ta đều cần một điều cơ bản. Nếu là chấp sự của giao ước mới, chúng ta phải có sự cấu tạo như là phẩm chất cơ bản.
Phẩm chất thứ hai của những chấp sự giao ước mới là ăn ở để chiếu sáng ra Phúc Âm. Hành vi và sự ăn ở của họ dựa trên sự cấu tạo của họ. Vì họ đã được cấu tạo theo một cách nào đó nên họ có thể sống một đời sống biểu lộ lẽ thật và chiếu sáng ra vinh hiển của Phúc Âm. Họ không cần phải quyết định làm điều gì đó để làm cho chính mình được chiếu sáng. Không, có một sự chiếu sáng ra từ bản thể của họ chỉ bởi cách họ sống, ngoài ý thức và ý định của họ. Sự cấu tạo của họ trở thành sự chiếu sáng của họ. Ví dụ như than không chiếu sáng nhưng một đồng xu bằng vàng thì chiếu sáng. Giữa than và vàng có một sự khác nhau về cấu tạo. Vì được cấu tạo mà các sứ đồ chiếu sáng ra vinh hiển của Phúc Âm. Họ không cần phải rao giảng vì bản thể họ đang chiếu sáng.
Vì sự chiếu sáng này ra từ bản thể họ, tức sự cấu tạo của họ nên cách ăn ở của họ không phải là sự trình diễn. Ngày nay, người ta thường cư xử theo một cách nào đó hợp với tình huống. Cách cư xử này là sự trình diễn. Chẳng hạn như, trong những trường hợp nào đó, họ có thể cư xử bằng sự kiêu hãnh, như thể họ là những người quyền cao chức trọng. Nhưng trong những trường hợp khác, có thể họ cư xử nhún nhường như những người hạ cấp. Tất cả đều là sự trình diễn. Tuy nhiên, những người có đủ phẩm chất để làm chấp sự của giao ước mới không cư xử theo cách đó. Trái lại, cách cư xử của họ được dựa trên sự cấu tạo của họ là chân thực. Đây là phẩm chất thứ hai của chấp sự giao ước mới.
Tôi muốn noi theo gương mẫu của Phao-lô. Bởi sự thương xót của Chuá, tôi không muốn trình diễn theo cách nào cả nhưng tôi muốn có cách cư xử xuất phát từ sự cấu tạo của tôi.
Thứ ba, các sứ đồ sống đời sống chịu đóng đinh. Hằng ngày, họ ở dưới sự xay nghiền. Như Jesus người Na-xa-rét đã sống một đời sống chịu đóng đinh thì các sứ đồ cũng sống cùng một đời sống như vậy. Chuá Jesus chịu đóng đinh trong cả đời sống của Ngài. Ngài sống một đời sống chịu đóng đinh từ lúc được sinh ra trong máng cỏ. Sau đó, qua nhiều năm tháng, Ngài liên tục chịu đóng đinh. Ngài ở dưới sự xay nghiền, dưới sự giết chết, bị đặt vào chỗ chết. Nhưng sự giết chết này tạo cho Ngài cơ hội để biểu lộ sự sống phục sinh từ bên trong Ngài. Trước khi Christ thật sự bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài đã sống một đời sống chịu đóng đinh rồi. Cũng vậy, trước khi Đấng Christ phục sinh, sự sống phục sinh đã được biểu lộ trong Ngài rồi.
Về một phương diện, trong chức vụ của mình, các sứ đồ là những phu tù trong cuộc diễu hành khải hoàn của Chuá. Về phương diện khác, họ là những người chịu đóng đinh, tức những người hằng ngày sống đời sống chịu đóng đinh. Họ bị đặt vào chỗ chết, bị đóng đinh, không chỉ bởi những người chống đối, mà ngay cả bởi những tín đồ. Bởi đọc Sách 1 Cô-rin-tô, chúng ta có thể thấy rằng tín đồ Cô-rin-tô đã đặt các sứ đồ trên thập tự giá. Đây là lí do Phao-lô nói rằng “Tôi chết hằng ngày” (1Cô. 15:31). Hằng ngày ông bị đặt vào chỗ chết. Đây là nếp sống của một đời sống chịu đóng đinh để biểu lộ sự sống phục sinh và để cung ứng lẽ thật cho người khác.
Dưới sự xay nghiền, người bề ngoài của các sứ đồ đã bị tiêu hao. Nhưng tự phát họ được đổi mới trong người bề trong. Họ được cấu tạo Đức Chúa Trời Tam-Nhất, họ cư xử theo sự cấu tạo này để chiếu sáng ra vinh hiển của Phúc Âm, và họ đã sống đời sống chịu đóng đinh để tiêu hao người bề ngoài và để đổi mới nên người mới. Đây là những phẩm chất để họ trở thành những chấp sự của giao ước mới.
Tôi hi vọng rằng không chỉ những người dẫn dắt trong các Hội thánh nhưng tất cả các thánh đồ, kể cả những người trẻ, đều được ấn tượng về những vấn đề này. Đừng nghĩ rằng anh em quá trẻ mà không có kinh nghiệm về những điều này. Vâng, tôi đã chỉ ra rằng phải mất nhiều năm để được Chuá cấu tạo. Tuy nhiên, cũng đúng khi Chuá có thể dùng những người trẻ. Tôi có thể làm chứng rằng không lâu sau khi tôi được được cứu, Chuá bắt đầu sử dụng tôi vì có một số cấu tạo thần thượng bên trong tôi. Sự cấu tạo này là căn bản, là nền tảng để chúng ta được Chuá dùng như là chấp sự của giao ước mới. Sự cấu tạo này ảnh hưởng đến cách cư xử của chúng ta. Khi tôi được cứu, có một sự thay đổi trong sự cấu tạo bề trong của tôi. Tự phát, tôi bắt đầu cư xử theo sự cấu tạo này. Dù tôi chưa hề được dạy phải sống đời sống chịu đóng đinh nhưng tự động tôi bắt đầu sống loại sự sống này. Kết quả là, từ buổi đầu trong đời sống Cơ Đốc của tôi, tôi đã trở thành một chấp sự nhỏ bé của giao ước mới.
Làm chấp sự của giao ước mới là vấn đề mức độ. Tất cả chúng ta đều có thể là chấp sự của giao ước mới, miễn là chúng ta có sự cấu tạo và ăn ở theo sự cấu tạo đó và sống một đời sống chịu đóng đinh với những yếu tố của sự phục sinh và thăng thiên. Khi đó, tất cả chúng ta, anh em cũng như chị em, đều có thể được Chuá dùng như những chấp sự nhỏ bé của giao ước mới.
Ở cuối chương 4, Phao-lô đã ghi lại đầy đủ những phẩm chất của chấp sự Tân Ước. Trong 5:1, ông diễn tả khao khát, khát vọng và mong mỏi của ông để được cất lên. Phao-lô đã trưởng thành và sẵn sàng để được cất lên. Ông giống như hạt lúa mì đã chín trong cánh đồng để sẵn sàng cho mùa gặt. Hạt lúa mì này đã chín vàng, không còn xanh nữa. Vì thế, nó sẵn sàng để thu hoạch.
Sự hiểu biết này về sự cất lên rất khác với những giáo lí bọc đường thông thường ngày nay. D. M. Panton có lần đã chỉ ra rằng những người rao giảng ngày nay thường cho người khác những “chiếc vé vào cổng” mà lại không được người gác “cổng” chấp nhận. Vâng, có thể anh em có “vé”, nhưng cuối cùng chiếc vé đó bị vứt đi như đồ phế thải và không được chấp nhận. Cơ Đốc nhân ngày nay được cho chiếc vé nghĩ rằng chiếc vé ấy cho họ quyền được cất lên. Cuối cùng, có thể họ nhận ra rằng họ đã bị lừa. Cất lên là vấn đề trưởng thành. Có nông gia nào gặt lúa còn non và còn xanh không? Không nông gia nào làm như vậy. Thay vì thế, nông gia để cho lúa chưa chín ở lại trên cánh đồng và lớn lên đến khi sẵn sàng cho mùa gặt. Phao-lô là người trưởng thành trong Christ, trưởng thành trong sự sống. Do đó, ông thật sự sẵn sàng để được cất lên. Tuy nhiên, vào thời của Phao-lô, không có nhiều tín đồ trưởng thành. Vì lí do này, mùa gặt chưa thể xảy ra. Thậm chí sau một ngàn chín trăm năm, Chuá Jesus vẫn chưa đến. Lí do trì hoãn là vì không có nhiều người trưởng thành trong sự sống.
Nhiều tín đồ không thật sự khao khát hoặc mong mỏi được cất lên. Lí do mà họ thiếu khao khát như thế là vì họ không trưởng thành. Ví dụ như, trẻ em chỉ thích chơi đùa vui vẻ. Nhưng khi chúng lớn hơn và trưởng thành thì chúng muốn tốt nghiệp, có việc làm tốt, rồi lập gia đình và chăm sóc gia đình. Khát vọng luôn luôn liên quan đến sự trưởng thành. Một em bé chỉ có những ước muốn rất đơn giản vì một em bé chưa lớn lên và chắc chắn là chưa trưởng thành. Nhưng càng lớn lên và càng trưởng thành thì khát vọng của chúng ta càng sâu sắc hơn và cao hơn. Nếu nói rằng anh em khao khát được cất lên, được mặc lấy một toà nhà thiên thượng thì anh em phải trải qua 2 Cô-rin-tô chương 4. Chỉ sau khi kinh nghiệm chương này, chúng ta mới có khát vọng như thế. Nếu không, chúng ta sẽ giống như những em bé học mẫu giáo mà muốn tốt nghiệp đại học.
Trong 5:1, Phao-lô nói về “nhà tạm thuộc đất của chúng ta”, một sự diễn đạt khá đặc biệt. Trong Kinh Thánh, nhà tạm là một từ liệu đặc biệt nói đến nơi ở của Đức Chúa Trời. Phao-lô dùng từ này trong 5:1 cho thấy rằng nơi cư ngụ của chúng ta cũng là nơi cư ngụ của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, nhà tạm này không chỉ là nơi cư ngụ cho cả Đức Chúa Trời và chúng ta mà còn là nơi để chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời. Thân thể vật lí của chúng ta ngày nay là nhà tạm, là đền thờ. Thân thể vật lí của chúng ta mà thân vị của chúng ta đang cư ngụ trong đó, không chỉ để chúng ta sống, mà còn để thờ phượng Đức Chúa Trời. Đây là lí do Phao-lô nói đến thân thể của chúng ta là “nhà đền tạm”.
Tư tưởng của Phao-lô ở đây rất sâu sắc. Tư tưởng của ông hoàn toàn được dầm thấm Đức Chúa Trời. Chắc chắn ông đã trưởng thành và chín muồi. Do đó, ông mong mỏi được cất lên. Ông không muốn bị trần truồng, nhưng ông mong mỏi được mặc lấy một thân thể được biến hình. Khi anh em có một sự mong mỏi như thế, một nguyện vọng như thế thì anh em là tín đồ trưởng thành, là người sẵn sàng để được thu hoạch, sẵn sàng cho vụ mùa.
V. LẬP CHÍ CHO ĐẸP LÒNG CHUÁ BẰNG CÁCH SỐNG NGÀI
A. Khát Vọng Của Họ
Ngoài mong muốn được cất lên, chúng ta cần lập chí cho đẹp lòng Chuá. Phao-lô nói điều này trong câu 9: “Cho nên chúng ta hoặc còn ở, hoặc lìa khỏi, cũng lập chí cho được đẹp lòng Ngài”. Sau khi mô tả lòng mong mỏi được mặc lấy thân thể biến hình trong 5:1-8, Phao-lô nói tiếp về việc lập chí làm đẹp lòng Chuá bằng cách sống Ngài (5:9-15). Trong câu 9, lập chí có nghĩa là sốt sắng với một mục đích mạnh mẽ, cố gắng tha thiết cho đẹp lòng Chuá. Dù “còn ở hoặc lìa khỏi”, đây là khát vọng của Phao-lô. Cụm từ “còn ở” và “lìa khỏi” có nghĩa là sống để cứ ở trong thân thể, hoặc chết để ở với Chuá.
Trong câu 9, dường như Phao-lô đang nói: “Tôi lập chí cho đẹp lòng Chuá. Tôi được trưởng thành và sẵn sàng để được cất lên. Tôi chẳng còn gì nữa để làm. Nhưng trong khi tôi đang chờ đợi, trong lòng tôi có một điều—cho đẹp lòng Chuá tôi. Tôi không có tham vọng, mục tiêu hay mục đích nào khác. Tham vọng duy nhất của tôi là đẹp lòng Chuá bằng cách sống Ngài”.
Tại sao trong 5:9 Phao-lô nói sống Chuá chứ không nói sống bởi Ngài, sống vì Ngài, hay sống với Ngài? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta nên đọc Ga-la-ti 2:19: “Vì bởi kinh luật tôi đã chết đối với kinh luật, để tôi được sống đối với Đức Chúa Trời”. Dù cụm từ “sống đối với Đức Chúa Trời” rất khó định nghĩa nhưng có nhiều hàm ý phong phú. Trong Ga-la-ti 2:19, Phao-lô nói rằng ông sống đối với Đức Chúa Trời chứ không sống đối với kinh luật. Sống đối với kinh luật có nghĩa là chúng ta ở dưới kinh luật, bị kinh luật điều khiển, bị kinh luật chi phối và có trách nhiệm hoàn thành kinh luật. Sống đối với Đức Chúa Trời hoặc đối với Chuá có nghĩa là chúng ta ở dưới sự hướng dẫn và kiểm soát của Chuá và có nghĩa là chúng ta muốn hoàn thành những đòi hỏi của Ngài, làm thoả mãn những khát vọng của Ngài, và hoàn thành những gì Ngài dự định.
Trong 5:15 Phao-lô nói rằng: “Lại Người ấy đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không còn vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã thay họ chịu chết và sống lại”. Đối với thế giới, người ta sống cho chính mình. Nhưng tình yêu của Christ thúc ép chúng ta sống cho Ngài chứ không phải cho chính mình. Sống cho chính mình nghĩa là chúng ta ở dưới sự kiểm soát, hướng dẫn, và chi phối của riêng mình và quan tâm đến những mục đích và mục tiêu của mình. Điều này là sống không chỉ vì chính mình mà còn sống đối với chính mình. Nhưng các sứ đồ, là những người đã chín và sẵn sàng để được cất lên, có một tham vọng duy nhất là muốn đẹp lòng Chuá bằng cách sống Ngài. Họ hoàn toàn ở dưới Chuá. Họ ở dưới sự hướng dẫn, kiểm soát và chi phối của Ngài. Mọi sự họ làm là để hoàn thành mục đích và khát vọng của Chuá. Là những người như thế, họ không sống cho kinh luật, cho chính họ hay cho bất kỳ điều gì khác hơn Chuá.
Những người làm việc cho một công ty nào đó có thể sống cho công ty đó nhằm thăng tiến. Trong mọi sự họ làm, có thể họ tự hỏi ông chủ sẽ nghĩ gì về họ. Do đó, trong cách cư xử, cách ăn mặc, tóc tai của họ, họ đều sống cho công ty của họ. Ngay cả trong việc chọn một đôi giày mới, họ cũng sống cho công ty của họ. Bởi làm như thế, họ làm đẹp lòng chủ để họ có thể được thăng tiến. Chắc chắn rằng, bởi sống cho công ty, người làm thuê sẽ được lên chức và đạt được nhiều thành công. Cũng vậy, mục sư của một giáo đoàn nào đó có thể sống cho giáo đoàn đó. Mọi sự ông làm, kể cả cách ông ăn mặc cũng có thể là vì nhà thờ đó. Ông nhận ra rằng nếu ông không sống mọi cách cho mọi người trong nhà thờ đó thì có thể ông sẽ bị cách chức mục sư.
Phao-lô không sống cho chính mình hay cho bất cứ điều gì khác hơn Chủ của mình, tức Christ. Ông luôn luôn luyện tập để làm điều hài lòng Chuá. Ông rất khác với các ra-bi là những người sống cho kinh luật và làm mọi sự với một tầm nhìn của kinh luật. Là người trưởng thành, chín chắn, và sẵn sàng để được cất lên, mục đích duy nhất của Phao-lô là làm đẹp lòng Chủ mình, tức chính Đấng mà ông đang mong đợi sự trở lại của Ngài. Phao-lô tìm cách để đẹp lòng Chuá không phải bởi làm công tác nhưng bởi sống Ngài trong mọi phương diện của đời sống hằng ngày. Cũng vậy, ngày nay chúng ta không nên tìm cách để làm hài lòng chính mình, nhưng tìm cách để hài lòng Chuá bằng cách sống Ngài. Tất cả những gì chúng ta làm phải là cho Ngài. Đây là vấn đề sống còn trong phân đoạn này của 2 Cô-rin-tô chương 5.
Tôi đã chỉ ra rằng những người làm thuê sống cho công ty của họ. Tôi cũng sẽ minh hoạ vấn đề sống Christ bằng cách nói rằng những người vợ tìm cách đẹp lòng chồng mình bằng cách sống cho chồng. Mọi điều họ nói và làm đều cho chồng mình. Người vợ nào sống cho chồng theo cách này chắc chắn sẽ làm hài lòng chồng. Cách để làm hài lòng người khác là sống cho họ.
Năm 1934, tôi đến thăm một số tín đồ ở Nam Trung Hoa. Xuất phát từ tình yêu của họ đối với tôi, họ đã cố làm một loại bánh. Thật ra, tôi chỉ thích ăn một chén cơm thôi vì người miền nam Trung Hoa không biết cách làm loại bánh đó sao cho đúng và thoả đáng. Tuy nhiên, họ giục tôi ăn bánh họ làm. Trong việc này, họ đã làm điều gì đó vì tôi nhưng điều họ làm không phải cho tôi. Tôi dùng điều này minh hoạ cho việc nhiều Cơ Đốc nhân yêu Chuá nhưng không sống cho Chuá. Thay vì thế, họ sống cho chính họ. Họ rất khác với Phao-lô, là người lập chí cho đẹp lòng Chủ mình, không phải là làm nhiều điều vì Ngài, nhưng bằng cách sống Ngài.
Trong câu 10, Phao-lô nói: “Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án của Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh những điều mà bản thân đã làm ra, theo như sở hành hoặc thiện hoặc ác vậy”. “Bởi vì” giải thích lí do cho sự lập chí được đề cập trong câu 9. Tòa án là nơi Đấng Christ sẽ phán xét tín đồ của Ngài lúc Ngài trở lại, không nói đến sự cứu rỗi đời đời nhưng nói đến phần thưởng mang tính thời kỳ phân phát (1Cô. 4:4-5; 3:13-15). Từ “nhận lãnh” ở đây là từ chuyên môn nói đến việc nhận lãnh phần thưởng (Alfort). Trong khi vẫn còn ở trong thân thể, chúng ta nên làm những điều gì đó qua thân thể để đẹp lòng Chuá hầu chúng ta có thể được Chuá ban thưởng vì những điều đó lúc Ngài trở lại.
Trong câu 11, Phao-lô nói tiếp: “Vậy, vì chúng tôi biết Chúa là đáng sợ, nên khuyên dỗ người ta; nhưng chúng tôi được tỏ ra cho Đức Chúa Trời rồi, cũng mong được tỏ ra cho lương tâm anh em nữa”. Biết Chuá là đáng sợ có nghĩa là có ý thức về việc kính sợ Chuá. Chữ “vậy” cho thấy rằng điều này là vì ngai phán xét của Christ trong câu 10. Hơn nữa, sự kính sợ Chuá như đã được đề cập ở đây không nói đến sự sợ hãi Chuá mà nói đến việc chúng ta kính sợ Chuá. Ý thức về sự kính sợ Chuá, các sứ đồ thuyết phục người khác về tính chính trực của họ, về loại người của họ đối với cả Đức Chúa Trời lẫn con người. Nhưng họ không cần thuyết phục Đức Chúa Trời vì con người của họ đã biểu lộ Đức Chúa Trời rồi. Tuy nhiên, các sứ đồ hi vọng rằng họ chắc cũng biểu lộ trong lương tâm của tín đồ.
Câu 12 nói tiếp: “Chúng tôi chẳng lại tự tiến dẫn mình cho anh em, nhưng muốn trao cho anh em cái dịp khoe khoang về chúng tôi, để anh em có chỗ đối đáp cùng những kẻ chỉ khoe khoang về bề ngoài mà không về trong lòng”. Từ ngữ “chỗ đối đáp” nói đến điều gì đó để đối diện với những kẻ khoe khoang. Theo nghĩa đen tiếng Hi Lạp, chữ “bề ngoài” là khuôn mặt, là vẻ bề ngoài của người Giu-đa. “Lòng” là nơi có sự chân thật và thực tại của những mỹ đức.
Câu 13 chép: “Vả, hoặc chúng tôi cuồng, ấy là vì Đức Chúa Trời; hoặc chúng tôi tỉnh, ấy là vì anh em”. Cuồng vì Đức Chúa Trời là bị điên, như người ngu dại vì vinh hiển của Đức Chúa Trời (Công. 26:24-25). Trạng thái sung sướng của các sứ đồ không phải là một sự phấn khích điên rồ, nhưng cho Đức Chúa Trời và với Đức Chúa Trời vì vinh hiển của Ngài. “Tỉnh” ở đây là tự chủ vì sự tốt đẹp cho người khác trong tình yêu.
B. Tình Yêu Của Christ Thúc Ép Họ Sống Cho Ngài
Trong câu 14, Phao-lô giải thích: “Vì tình thương yêu của Đấng Christ khích lệ (thúc ép) chúng tôi, bởi chúng tôi xét rằng nếu có Một Người chết vì mọi người, thì mọi người đều chết”. Tình yêu của Christ đối với chúng ta được thể hiện trên thập tự giá qua sự chết của Ngài vì chúng ta (Ga. 2:20). Tình yêu này thúc ép chúng ta. Theo nghĩa đen, tình yêu này ép chúng ta từ mọi phía, nắm giữ chúng ta một đầu, giới hạn theo cách bắt buộc, hạn chế chúng ta đến một đối tượng nào đó trong những giới hạn nào đó, ép chúng ta đi trên một tuyến đường và một mục đích, như trong con đường hẹp, có tường bao quanh. (Cùng một từ trong tiếng Hy Lạp được dùng trong Lu-ca 4:38; 12:50; Công Vụ 18:5; Phi-líp 1:23). Theo cách đó, các sứ đồ bị thúc ép bởi tình yêu của Christ để sống Ngài.
Cụm từ “bởi…xét rằng” có nghĩa là kết luận điều này, có lẽ vào thời điểm cải đạo. Phao-lô kết luận rằng vì Đấng đã chết cho tất cả, do đó, tất cả đều đã chết. Sự chết yêu thương của Christ là yếu tố thúc giục của việc các sứ đồ được thúc ép sống một đời sống yêu thương cho Ngài. Vì Christ đã chết như một sự thay thế cho chúng ta, chịu án tử hình vì tất cả chúng ta, nên trong cách nhìn của Đức Chúa Trời, tất cả chúng ta đều đã chết. Do đó, chúng ta không cần chết theo cách đã được dành cho con người phải chết và đối diện với sự phán xét (Hê. 9:27).
Như chúng tôi đã chỉ ra, Christ đã chết cho tất cả hầu cho chúng ta không còn sống cho chính mình nữa nhưng sống cho Ngài. Sự chết của Christ không chỉ cứu chúng ta khỏi sự chết hầu cho chúng ta không phải chết nhưng qua sự phục sinh của Ngài, cũng làm cho chúng ta không còn sống cho chính mình nữa nhưng sống cho Ngài.
-