Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 46



VỊ SỨ ĐỒ TƯƠNG GIAO VỀ VIỆC CUNG CẤP CHO CÁC THÁNH ĐỒ CÓ NHU CẦU (1)
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô. 8:1-15
Phao-lô viết Thư 1 và 2 Cô-rin-tô như một người cha yêu thương. Trong Thư thứ nhất, Phao-lô kỷ luật người Cô-rin-tô. Cha mẹ nào cũng biết rằng trong việc kỷ luật con cái, chúng ta rất dễ làm cho chúng xa lánh. Nếu cha mẹ kỷ luật con cái mà không có giới hạn thì có thể làm con cái bỏ nhà đi. Sau khi viết 1 Cô-rin-tô, Phao-lô lo về cách tín đồ tại Cô-rin-tô sẽ phản ứng lại với kỷ luật của ông. Phao-lô không yên tâm về vấn đề này, và thậm chí ông đã có phần hối tiếc khi viết Thư đó. Ông lo rằng toàn thể Hội thánh ở Cô-rin-tô sẽ xa lánh ông. Vì sự quan tâm sâu sắc của ông, nên ông háo hức chờ đợi Tít đem tin tức về việc người Cô-rin-tô đáp lại Thư Tín thứ nhất của ông. Trong chương 2, Phao-lô không yên nghỉ trong linh, vì ông không gặp được Tít. Nhưng chúng ta thấy từ chương 7, Tít đã đem tin vui đến.
Thư Tín thứ nhất của Phao-lô đã khiến người Cô-rin-tô buồn rầu, nhưng sự buồn rầu này sinh ra sự ăn năn dẫn đến sự cứu rỗi. Sự cứu rỗi đó là sự giải hoà hoàn toàn. Khi Phao-lô nghe tin tức tốt lành này, ông mừng quýnh lên. Như ông nói trong 7:13 rằng “Cho nên chúng tôi nhơn sự vui mừng của Tít mà mừng rỡ càng thêm quá đỗi”. Khi viết Thư Tín thứ hai, Phao-lô ở trong một bầu không khí khích lệ và vui mừng như thế. Vì thế, khi đọc chương 7, chúng ta có thể chạm đến cảm xúc trong linh của Phao-lô, một cảm xúc quan tâm sâu sắc về Hội thánh ở Cô-rin-tô.

SỰ TƯƠNG GIAO SÂU SẮC
Tất cả những người muốn chăm sóc Hội thánh hoặc phục vụ Chuá đều cần được ấn tượng với linh của Phao-lô trong chương 7. Ở đây, chúng ta thấy một thái độ đúng đắn trong sự phụng sự Chuá. Chúng ta cũng thấy rằng vào thời xưa, sự tương giao giữa tín đồ và sứ đồ không cạn cợt như sự tương giao giữa vòng tín đồ ngày nay. Thời xưa, tín đồ ở trong lòng các sứ đồ, và sứ đồ ở trong lòng tín đồ. Sự tương giao giữa họ đều rất sâu sắc. Họ cùng sống với nhau trong sự tương giao sâu sắc đến nỗi họ sẵn sàng đồng chết với nhau.
Tình trạng giữa nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay thì rất khác. Nhiều Cơ Đốc nhân có thể đi từ nhóm này đến nhóm khác mà chẳng có sự tương giao sâu sắc gì. Đối với họ, một nhóm Cơ Đốc giống như một khách sạn nơi mà họ đến ở trong chốc lát rồi đi nơi khác. Sự tương giao của chúng ta trong sự khôi phục của Chuá không nên giống như vậy. Các Hội thánh địa phương không nên là những khách sạn có chỗ để xe cho những người đi từ nơi này đến nơi khác. Là những thành viên của gia đình Cha, sự tương giao của chúng ta nên sâu sắc. Chúng ta nên ở trong lòng của nhau, và không điều gì có thể chia rẽ chúng ta khỏi nhau. Dù chúng ta bị người khác kỷ luật, chúng ta vẫn nên yêu gia đình Hội thánh và đừng bao giờ từ bỏ Hội thánh.
MỘT CHỨC VỤ PHI THƯỜNG
Cả hai chương 8 và 9 của Sách 2 Cô-rin-tô đều nói về vấn đề sự tương giao của vị sứ đồ liên quan đến sự cung ứng cho những thánh đồ có như cầu. Có vẻ như điều này không liên quan gì đến những gì mà Phao-lô đã đề cập trong chương 6 và 7. Trong 2 Cô-rin-tô chương 6 và 7, chúng ta có công tác của Phao-lô về sự giải hoà, và trong chương 8 và 9, chúng ta có sự cung ứng cho những thánh đồ có nhu cầu. Nếu không có sự giải hoà được mô tả trong chương 6 và 7 thì không thể có sự cung ứng cho những thánh đồ có nhu cầu như được trình bày trong chương 8 và 9. Vì thế, sự cung ứng trong những chương này là kết quả của công tác giải hoà trong những chương trước. Điều này có nghĩa là nếu muốn thực hiện sự cung ứng đúng đắn cho những thánh đồ có nhu cầu, chúng ta cần được giải hoà với Đức Chúa Trời, cần được đem lại với Ngài cách trọn vẹn. Chúng ta cần là những người sống trong Đức Chúa Trời, tức những người không có sự ngăn cách giữa mình với Đức Chúa Trời. Sự cung ứng cho những thánh đồ có nhu cầu được kí thuật trong chương 8 và 9 là phi thường. Để có sự cung ứng phi thường này, một sự cung ứng cho những thánh đồ có nhu cầu ở những nơi khác trên thế giới, chúng ta cần một sự sống được giải hoà, một sự sống được hoàn toàn giải hoà với Đức Chúa Trời.
Trong Thư Tín thứ hai của ông, trước hết Phao-lô chỉ ra cho tín đồ Cô-rin-tô thấy rằng là chấp sự của giao ước mới, các sứ đồ đã nhận lãnh chức vụ giải hoà dân của Đức Chúa Trời để hoàn toàn trở về với chính Ngài. Sau đó, trong chương 6, Phao-lô tiến hành chức vụ này, thực hiện một công tác tế nhị để giải hoà những người Cô-rin-tô bị lầm lạc trở về với Đức Chúa Trời cách trọn vẹn. Sau khi hoàn thành một công tác như thế, ông tiếp tục tương giao với họ để họ có một chức vụ cung cấp cho những thánh đồ có nhu cầu.
Trình tự trong những chương này rất quan trọng. Nếu chương 8 và 9 ở đầu Sách này thì chắc chắn không đúng chỗ. Hết chương này đến chương kia giống như các bậc thang. Tôi tin rằng khi Phao-lô đang viết Thư Tín này, ông có cảm nhận rằng ông đang bước từng bước. Chỉ sau khi ông thực hiện một công tác tuyệt vời là giải hoà các thánh đồ lầm lạc trở về với Đức Chúa Trời thì ông mới trình bày cho họ chức vụ chăm sóc các thánh đồ có nhu cầu. Vì thế, chúng ta không nên xem những chương này là riêng biệt hay biệt lập. Có vẻ như chương 8 và 9 tập trung vào một chủ đề khác với chương 6 và 7. Thật ra, trong tư tưởng của Phao-lô, tất cả những chương này đều liên quan với nhau.
Qua công tác giải hoà của Phao-lô, các thánh đồ ở Cô-rin-tô được đem lại với Đức Chúa Trời, ăn năn và nhận lãnh sự cứu rỗi càng hơn. Sau đó trong 8:1 Phao-lô nói: “(Hơn nữa) anh em ơi, chúng tôi tỏ cho anh em biết về ơn (ân điển) của Đức Chúa Trời đã ban cho các Hội thánh ở Ma-xê-đoan”. Từ “hơn nữa” cho thấy rằng điều gì đó đã được chuẩn bị và một bầu không khí cùng với một điều kiện cụ thể tồn tại để tác giả trình bày điều gì đó sâu hơn. Vì thế, Phao-lô tiếp tục nói đến ân điển của Đức Chúa Trời đã ban cho các Hội thánh ở Ma-xê-đoan. Mục đích của ông là để tín đồ Cô-rin-tô dự phần vào sự cung ứng cho những thánh đồ có nhu cầu.
ÂN ĐIỂN TỨ DIỆN
Ngày nay, Cơ Đốc nhân tham gia vào việc gây quỹ để đáp ứng nhu cầu cung cấp vật chất là chuyện bình thường. Thường thì, người ta gửi thư gây quỹ để khích lệ Cơ Đốc nhân dâng hiến. Nếu so những bức thư gây quỹ này với những gì Phao-lô viết trong 2 Cô-rin-tô chương 8 và 9, thì những bức thư đó sẽ bị vạch trần là không xứng đáng. So với những gì Phao-lô đã viết thì những bức thư đó hoàn toàn thiếu hụt về giá trị, về sự sống và về linh. Phần lớn những bức thư đó không làm gì khác hơn là khuyên người khác dâng tiền. Theo một ý nghĩa, trong những chương này Phao-lô tham gia vào việc gây quỹ. Nhưng cách của ông về việc dâng hiến những nhu cầu vật chất thì hoàn toàn ở trong Linh và đầy dẫy sự sống, khác hẳn với sự thực hành của những tổ chức Cơ Đốc ngày nay. Phao-lô không chỉ nói về tiền bạc mà ông cũng nói về ân điển của Đức Chúa Trời theo cách đầy dẫy sự sống và Linh. Cách viết của Phao-lô trong những chương này có trọng lượng thuộc linh đáng kể.
Nếu đọc kỹ 8:1-15, chúng ta sẽ thấy rằng ân điển ở đây liên quan đến bốn bên: Đức Chúa Trời, những người dâng hiến, các sứ đồ, và Christ. Vì thế, chúng ta có thể nói ân điển tứ diện—ân điển của Đức Chúa Trời, ân điển của những người dâng hiến, ân điển của các sứ đồ, và ân điển của Christ. Thật ra, Phao-lô không chỉ gây quỹ. Hơn thế nữa, ông đang tìm cách để khuấy động các thánh đồ dự phần vào sự cung ứng cho những thánh đồ có nhu cầu. Để tham dự vào một sự cung ứng như thế hầu cung cấp cho những thánh đồ có nhu cầu, chúng ta cần ân điển tứ diện.
ÂN ĐIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong 8:1, Phao-lô đề cập đến ân điển của Đức Chúa Trời được ban cho trong các Hội thánh ở Ma-xê-đoan. Ân điển này là Đấng Christ phục sinh trở nên Linh-ban-sự sống (1Cô. 15:45) để đem Đức Chúa Trời đã-trải-qua-tiến-trình trong sự phục sinh vào trong chúng ta làm sự sống và sự cung ứng sự sống của chúng ta. Ân điển thật ra là Đức Chúa Trời Tam-Nhất trở nên sự sống và mọi sự cho chúng ta. Bởi ân điển này mà tín đồ Ma-xê-đoan đã đắc thắng sự chiếm đoạt của những sự giàu có tạm thời, không chắc chắn và trở nên rộng lượng trong việc cung ứng cho những thánh đồ có nhu cầu.
Vào ngày Ngũ Tuần, tín đồ gom góp của cải của họ lại và tất cả đều làm của chung. Công Vụ 2:44 và 45 chép: “Phàm những người tin đều ở với nhau, mọi vật đều dùng chung, bán hết tài sản, gia nghiệp mình mà phân phát cho nhau tuỳ sự cần dùng của từng người”. Họ đã thực hành điều có thể được gọi là đời sống công xã. Sự thực hành này tiếp tục trong Công Vụ chương 4: “Vả, đám người tin đều một lòng một ý, chẳng ai kể vật gì của mình là của riêng, nhưng mọi vật đều dùng chung cả” (c. 32). Qua nhiều thế kỷ, nhiều tín đồ đã đánh giá cao đời sống công xã trong Công Vụ chương 2 và 4 và cũng cố gắng xem mọi vật là của chung. Có một nhóm ở phía Bắc Trung Hoa đã thực hành loại đời sống công xã này. Hễ ai tham gia vào nhóm này phải đồng ý từ bỏ những của cải và xem mọi vật là của chung. Tuy nhiên, đời sống công xã trong Công Vụ không kéo dài. Thậm chí mới đầu chương 6, nhiều nan đề đã nổi lên, và không lâu sau, đời sống công xã đó đã bị chấm dứt. Trong các văn phẩm của Phao-lô, chúng ta có thể thấy đời sống công xã được mô tả trong Công Vụ chương 2 và 4 không còn thực tiễn nữa. Từ các Thư Tín Của Phao-lô, chúng ta thấy nếp sống Cơ Đốc đúng đắn không phải là nếp sống công xã, tức một nếp sống xem mọi vật là của chung; đó là một nếp sống bởi ân điển. Ân điển này đến từ bốn hướng: từ Đức Chúa Trời, từ Christ, từ các sứ đồ, và từ các thánh đồ.
Ở TRONG CƠN HOẠN NẠN MÀ CHỊU THỬ NGHIỆM
Tiếp theo lời của ông về ân điển của Đức Chúa Trời được ban cho trong các Hội thánh ở Ma-xê-đoan, trong câu 2, Phao-lô nói: “Thể nào khi họ ở trong cơn hoạn nạn mà chịu thử nghiệm lớn, thì sự vui mừng quá đỗi và sự nghèo khó đáo để của họ lại tuôn tràn ra lòng rộng rãi dồi dào”. Người Ma-xê-đoan ở trong hoạn nạn, trong sự chịu khổ. Hoạn nạn đó là thử nghiệm cho họ rằng họ có thể được Đức Chúa Trời chấp thuận bao nhiêu. Đây là điều Phao-lô muốn nói bằng từ ngữ trong cơn hoạn nạn mà chịu thử nghiệm. Bất cứ khi nào ở trong hoạn nạn hay chịu khổ, chúng ta nên nhận thức rằng Đức Chúa Trời đang thử nghiệm chúng ta để cho thấy chúng ta đang ở đâu và chúng ta là gì. Kết quả của sự thử nghiệm trong cơn hoạn nạn, trong sự chịu khổ là được chấp thuận. Nếu có thể chịu được sự thử nghiệm và được Đức Chúa Trời chấp thuận thì kết quả sẽ là ở trong hoạn nạn mà chịu thử nghiệm. Người Ma-xê-đoan ở trong loại tình trạng đó.
SỰ VUI MỪNG, SỰ NGHÈO KHÓ, VÀ LÒNG RỘNG RÃI DỒI DÀO
Trong câu 2, Phao-lô nói: “sự vui mừng quá đỗi” với “sự nghèo khó đáo để”. Điều này dường như là một sự kết nối hết sức bất thường. Làm thế nào người Ma-xê-đoan ở trong sự nghèo khó đáo để mà lại vui mừng quá đỗi? Tuy nhiên, người Ma-xê-đoan vừa có sự nghèo khó vừa có sự vui mừng.
Với người Ma-xê-đoan sự vui mừng quá đỗi và sự nghèo khó đáo để của họ “lại tuôn tràn ra lòng rộng rãi dồi dào”. Chữ lòng rộng rãi theo tiếng Hy Lạp cũng được dùng cho sự đơn thuần và đơn giản (xem 1:12 và La. 12:8). Rộng rãi là hào phóng trong sự ban cho. Dù người Ma-xê-đoan rất nghèo nhưng họ rất hào phóng. Họ có lòng rộng rãi dồi dào.
Để hào phóng, chúng ta cần đơn thuần và đơn giản. Một người phức tạp thì không thể rộng lượng được. Những người đơn thuần và đơn giản sẽ có lòng rộng rãi dồi dào. Khi họ nghe về một nhu cầu giữa vòng các thánh đồ, ngay lập tức họ sẽ quyết định cho một điều gì đó. Tuy nhiên, những người phức tạp có thể xem xét vấn đề rồi mới quyết định cho ít hơn là dự định ban đầu. Đây không phải là sự đơn thuần, sự đơn giản, sự hào phóng, hoặc sự rộng rãi. Tất cả chúng ta nên hào phóng và rộng rãi trong sự ban cho. Vì điều này, chúng ta cần đơn thuần và đơn giản.
Hồi còn trẻ, tôi thắc mắc tại sao Chuá Jesus để cho Giu-đa chịu trách nhiệm giữ tiền. Ngài biết Giu-đa là một tên trộm, nhưng vẫn để cho ông giữ tiền. Tôi nghĩ rằng Chuá nên để cho Giăng hay Phi-e-rơ giữ tiền thì đúng hơn. Nhưng Chuá Jesus, hào phóng và rộng rãi, không phải là người yêu tiền nên Ngài để cho Giu-đa giữ tiền. Chắc chắn Chuá rất đơn giản, đơn thuần, hào phóng và rộng rãi.
Trong 8:3 và 4, Phao-lô nói tiếp: “Vì tôi làm chứng rằng họ đã theo sức mình, mà cũng quá sức nữa, tự ý lạc quyên, và tái tam khẩn cầu chúng tôi để cho họ được thông công trong ân điển phục sự các thánh đồ ấy”. Dù người Ma-xê-đoan nghèo khó và gặp hoạn nạn, nhưng họ vẫn ban cho cách hào phóng theo sức của họ, tức là tự nguyện. Họ đã làm điều này qua ân điển của Đức Chúa Trời, qua Đấng Christ phục sinh là Linh-ban-sự sống nội cư trong họ. Christ này là ân điển của Đức Chúa Trời đang hành động trong tín đồ và thúc đẩy họ đắc thắng sự nắm giữ của cải vật chất, cụ thể là đắc thắng ma-môn. Người Ma-xê-đoan nghèo khó đáo để, nhưng ân điển chuyển động trong họ, làm cho họ có thể đắc thắng ma-môn và của cải vật chất và sử dụng những điều đó để hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời.
Chúng ta cần ân điển để đắc thắng sự chiếm đoạt của cải vật chất. Ban cho liên tục bởi ân điển thì khó hơn là góp chung của cải lại với nhau và xem mọi thứ là của chung. Trong 1 Cô-rin-tô chương 16, Phao-lô bảo chúng ta dành một phần nào đó vào ngày thứ nhất trong tuần. Sự ban cho liên tục này cần ân điển, vì nó đi ngược với bản chất con người sa ngã. Nếu muốn ban cho liên tục, không phải một lần đủ cả thì chúng ta cần ân điển thần thượng để được thúc đẩy từ bên trong. Để có một sự cung ứng đắc thắng ma-môn và của cải vật chất và sử dụng chúng cho mục đích của Đức Chúa Trời đòi hỏi phải có ân điển.
ÂN ĐIỂN CỦA CÁC SỨ ĐỒ
Câu 4 chép: “Và tái tam khẩn cầu chúng tôi để cho họ được thông công trong ơn (ân điển) phục sự các thánh đồ ấy”. Từ ân điển trong tiếng Hy Lạp là charis, có nghĩa là ân điển, ân tứ, và đặc ân. Ở đây, ý nghĩa là đặc ân (Vincent). Tín đồ Ma-xê-đoan đã khẩn cầu các sứ đồ đặc ân để họ có thể dự phần, có sự thông công trong sự cung ứng cho những thánh đồ có nhu cầu. Thay vì các sứ đồ yêu cầu các thánh đồ chia sẻ trong vấn đề này, nhưng tín đồ Ma-xê-đoan đã nài xin các sứ đồ về một sự chia sẻ như thế. Họ xem điều đó là đặc ân, ân điển mà các sứ đồ cho phép được chia sẻ.
Người Ma-xê-đoan muốn cung cấp những điều vật chất cho tín đồ Do Thái. Tuy nhiên, trong chính họ, họ không thể làm như vậy. Cả thuộc thể lẫn thuộc linh, họ đều cần các sứ đồ. Do đó, họ nài xin các sứ đồ cho phép họ chia sẻ trong ân điển này, ban cho họ ân điển này để họ có thể dự phần trong sự cung ứng thuộc linh như thế. Dù sự phụng sự này có liên quan đến những điều vật chất nhưng Phao-lô làm cho điều đó thành sự phụng sự thuộc linh
Thật ra, Phao-lô không phải là người gây quỹ. Ông là người nhận lấy sự cung ứng những điều vật chất và làm cho điều đó thành vấn đề thuộc linh đầy dẫy sự sống, Linh và sự xây dựng. Để dự phần vào việc cung ứng những điều vật chất theo cách đầy dẫy sự sống, người Ma-xê-đoan cần ân điển của các sứ đồ, đặc ân của các sứ đồ. Không có điều này, sự phụng sự của người Ma-xê-đoan cho các thánh đồ có nhu cầu chỉ là vấn đề vật chất. Điều đó không phải là sự phụng sự thuộc linh đầy dẫy sự sống để xây dựng Thân Thể Đấng Christ.
Theo cảm nhận của họ, người Ma-xê-đoan xem điều đó là ân điển để dự phần vào sự phụng sự các thánh đồ có nhu cầu. Sự dự phần đó cũng là sự tương giao trong Thân Thể Đấng Christ. Đây là lí do họ nài xin vị sứ đồ ban cho họ ân điển để dự phần vào điều đó.
Dưới chức vụ của các sứ đồ, việc ban cho sự cung ứng vật chất đã trở nên vấn đề thuộc linh đầy dẫy sự sống và sự gây dựng. Điều này hoàn toàn khác với sự gây quỹ ngày nay, không có sự sống, không có linh, và không có sự xây dựng Thân Thể Đấng Christ. Để việc ban cho vật chất của chúng ta trở thành sự phụng sự thuộc linh cung ứng sự sống và sự xây dựng, chúng ta cần ân điển từ Đức Chúa Trời và cũng từ các sứ đồ.
Câu 5 chép: “Họ lại làm chẳng những như chúng tôi trông mong, nhưng họ còn theo ý chỉ của Đức Chúa Trời mà trước hết dâng chính mình cho Chuá, rồi cũng cho chúng tôi nữa”. Câu này cho thấy rằng Chuá muốn chính các tín đồ hơn là những gì họ có. Người Ma-xê-đoan được dâng lên không chỉ cho Chuá mà còn cho các sứ đồ để làm một với các sứ đồ trong việc hoàn thành chức vụ của họ. Đây là qua ý chỉ của Đức Chúa Trời. Chính qua ý chỉ của Đức Chúa Trời, qua tác nhân thần thượng tối cao mà tín đồ dâng chính mình trước hết cho Đức Chúa Trời và sau đó cho các sứ đồ.
ÂN ĐIỂN CỦA SỰ BAN CHO
Trong câu 6, Phao-lô nói tiếp: “Vậy nên, chúng tôi đã khuyên Tít rằng, như người đã khởi làm việc từ huệ này giữa anh em thì cũng hãy cứ làm cho trọn”. Ân điển ở đây có nghĩa là hành động ban cho. Từ “cũng” cho thấy rằng bên cạnh ân điển này, tức ân điển của sự ban cho, còn có ân điển khác được Tít làm cho trọn giữa tín đồ Ma-xê-đoan.
Trong câu 7, Phao-lô nói: “Vậy thì, như anh em đã dư dật về mọi sự, nào đức tin, khẩu tài, tri thức, ân cần, và tình yêu thương đối với chúng tôi (ở trong anh em từ chúng tôi), thì cũng hãy dư dật về việc từ huệ này nữa”. Ở đây, Phao-lô nói “tình thương yêu ở trong anh em từ chúng tôi”. Điều này cho thấy rằng tình thương yêu ở trong tín đồ là tình thương yêu được truyền dẫn từ các sứ đồ vào trong họ.
Trong câu 7, ân điển là hành động của tình thương yêu được bày tỏ trong sự ban cho những điều vật chất cho những thánh đồ có nhu cầu. Ân điển này của tín đồ là kết quả của ân điển của Đức Chúa Trời chuyển động trong họ. Trong sự tương giao về sự cung ứng cho các thánh đồ, vị sứ đồ nói đến ân điển của Đức Chúa Trời được ban cho tín đồ Ma-xê-đoan để thúc đẩy và làm cho họ có thể ban cho cách rộng rãi, ân điển của các sứ đồ cho phép tín đồ dự phần vào sự phụng sự cho những thánh đồ có nhu cầu, và ân điển của tín đồ để cung ứng những điều vật chất cho những người có nhu cầu. Điều này cho thấy rằng tín đồ dâng hiến của cải vật chất cho Chuá vì bất kỳ mục đích nào nên hoàn toàn là vấn đề ân điển, chứ không phải vận động.
ÂN ĐIỂN CỦA CHRIST
Trong câu 8 và 9, Phao-lô nói tiếp: “Tôi nói điều đó chẳng phải theo cách truyền mạng, bèn là nhờ sự ân cần của kẻ khác mà thử nghiệm sự thành thật của tình thương yêu của anh em. Vì anh em biết ân điển của Chuá chúng ta là Jesus Christ, Ngài tuy vốn giàu, nhưng vì anh em mà trở nên nghèo, hầu cho anh em nhờ sự nghèo của Ngài được trở nên giàu”. Chính ân điển cho chúng ta mà Chuá Jesus, vốn giàu có, trở nên nghèo vì chúng ta. Cũng vậy, chính vì ân điển cho người khác mà chúng ta hi sinh những sự giàu có vật chất của mình vì họ.
Có vẻ như việc Chuá Jesus trở nên nghèo chẳng liên quan gì đến sự cung cấp vật chất cho những thánh đồ có nhu cầu. Thật ra, nếu Chuá Jesus không trở nên nghèo thì chúng ta không thể có Ngài là ân điển. Giả sử Chuá Jesus chưa bao giờ bước vào nhân tánh. Thế thì làm thế nào Ngài có thể là sự sống của chúng ta? Làm thế nào Ngài có thể là ân điển hành động trong chúng ta, thúc đẩy, làm cho mạnh mẽ, và cung cấp cho chúng ta để tiến hành sự cung ứng cho những thánh đồ có nhu cầu? Điều này là không thể. Điều quan trọng là chúng ta phải nhận thức rằng ngày nay Đấng Christ có thể hành động trong chúng ta vì Ngài đã trở nên nghèo. Việc Ngài trở nên nghèo vì chúng ta nên là một gương mẫu. Về một phương diện, Ngài là sự sống bên trong chúng ta; về phương diện khác, Ngài là gương mẫu, mẫu mực ở bên ngoài. Sự sống của Chuá bên trong chúng ta là sự sống của Đấng vốn giàu có mà trở nên nghèo. Là một Đấng vừa là sự sống của chúng ta vừa là gương mẫu cho chúng ta như thế, Đấng Christ là ân điển cho chúng ta. Chúng ta cần nhận ân điển từ Chuá Jesus. Khi đó, ân điển này làm cho chúng ta có thể làm điều mà Chuá Jesus đã làm: trở nên nghèo vì người khác. Dù có thể chúng ta nghèo khó đáo để, nhưng chúng ta vẫn có điều gì đó để chia sẻ với các thánh đồ có nhu cầu. Chúng ta có sự sống bên trong để trở nên nghèo khổ vì người khác, và chúng ta có gương mẫu bên ngoài để bước theo. Chúng ta hãy nhận lãnh ân điển này.
MỘT SỰ CUNG ỨNG SỰ SỐNG
Nếu chúng ta ban cho bằng ân điển như thế thì điều chúng ta ban cho sẽ trở thành ân điển cho người khác. Chúng ta ban cho những điều vật chất để giúp đỡ họ, nhưng những điều vật chất này được đi kèm bởi ân điển thuộc linh. Khi chúng ta cung cấp cho các thánh đồ có nhu cầu những điều vật chất cách đúng đắn, trong linh và bằng sự sống, thì sự sống và linh đi kèm với sự cung cấp. Kết quả là, những người có nhu cầu không chỉ được cung cấp những điều vật chất mà còn được cung cấp những sự phong phú của sự sống.
Trong bài này, chúng tôi đã chỉ ra rằng để có một sự cung ứng cho những thánh đồ có nhu cầu, chúng ta cần nhận ân điển từ Đức Chúa Trời, từ các sứ đồ, và từ Chuá Jesus Christ. Nhận ân điển tam diện này, chúng ta mới có thể cung ứng cho người khác một món quà vật chất trong ân điển. Bất cứ điều gì chúng ta làm trong việc ban cho người khác sẽ không chỉ là một sự cung cấp những điều vật chất để chăm sóc các nhu cầu cho thánh đồ mà còn là một sự cung ứng sự sống cho họ. Như vậy, chúng ta thông công những sự phong phú thuộc linh cho những thánh đồ có nhu cầu đó. Loại ban cho này là cần thiết giữa vòng chúng ta ngày nay.
Những món quà vật chất của chúng ta nên thuộc linh, đầy dẫy sự sống, và có thể gây dựng các thánh đồ và xây dựng Thân Thể Đấng Christ. Điều này đòi hỏi rằng khi dâng điều vật chất nào đó cho Chuá, chúng ta phải chắc chắn rằng mình đang làm điều đó trong linh, với sự sống, và để xây dựng Hội thánh.
Loại ban cho này là kết quả, là sự lưu xuất của việc được hoàn toàn giải hoà với Đức Chúa Trời. Chỉ những ai được hoàn toàn giải hoà với Đức Chúa Trời mới có thể có sự phụng sự những điều vật chất đem đến cho các thánh đồ có nhu cầu một sự cung ứng sự sống vì sự gây dựng thuộc linh và vì sự xây dựng Thân Thể Đấng Christ.