Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ Bài 2


GIỚI THIỆU (2)
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 1:12-14
Trong bài này, chúng ta chỉ suy xét ba câu 1:12-14. Trong những câu này, có điều gì đó rất sâu sắc, không phải trong giáo lí nhưng trong kinh nghiệm. Nếu không có kinh nghiệm như được mô tả ở đây, chúng ta sẽ không thể hiểu Phao-lô nói gì trong những câu này. Có vẻ như lời của Phao-lô ở đây đơn giản và dễ hiểu; nhưng thật ra, Phao-lô đang nói đến điều gì đó sâu sắc, uyên thâm.
IV. CÁC SỨ ĐỒ KHOE KHOANG VỀ CÁCH ĂN Ở CỦA HỌ TRONG ÂN ĐIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong câu 12, Phao-lô nói: “Vì sự khoe khoang của chúng tôi là đây: lương tâm chúng tôi làm chứng rằng, chúng tôi lấy sự thánh biệt (đơn thuần) và sự thành thực của Đức Chúa Trời mà ăn ở trong thế gian, nhất là đối với anh em lại càng hơn, không cậy sự khôn ngoan thuộc xác thịt, bèn là cậy ân điển của Đức Chúa Trời”. Ở đây, Phao-lô nói rằng sự khoe khoang của họ là lời làm chứng của lương tâm họ về cách họ sống và ăn ở. Chúng ta cần hiểu biết sâu sắc để hiểu điều Phao-lô muốn nói.

Chữ đơn thuần trong câu 12, tiếng Hy Lạp cũng có thể dịch là đơn giản. Thay vì đơn thuần hoặc đơn giản, một số bản viết tay dịch là thánh biệt. Tư tưởng sâu sắc và kinh nghiệm phong phú được tìm thấy trong câu 12 chủ yếu liên hệ đến tiếng Hy Lạp có nghĩa là đơn thuần, chân thật. Trong Tân Ước, từ này được dùng ít nhất năm lần. Những bản dịch khác chấp nhận những cách dịch khác nhau: đơn thuần, đơn giản, hào phóng, rộng lượng, rộng rãi. Không có đủ kinh nghiệm thì rất khó quyết định nên dùng từ nào ở đây.
Câu 12 mở đầu bằng từ “vì”, cho thấy rằng câu này là một sự giải thích của những câu trước. Vì thế, để hiểu câu 12, chúng ta cần nhớ những gì Phao-lô đã nói trong các câu trước. Phao-lô vừa chỉ ra cho tín đồ Cô-rin-tô rằng ông và các đồng công đã ở trong một tình huống chết. Trong câu 10, ông làm chứng rằng Đức Chúa Trời đã cứu họ “thoát khỏi sự chết lớn dường ấy”. Mọi khó khăn, mọi nan đề, hay tình huống cam go có thể được thay đổi bởi năng lực, sức mạnh, sự khôn ngoan, hay những phương pháp của con người. Điều ngoại lệ duy nhất là sự chết. Không một ai có cách để giải quyết một tình huống chết. Người giàu có thể giải quyết vấn đề bằng cách viết một tờ ngân phiếu với một số tiền lớn. Có một câu cách ngôn nói rằng “Tiền đi khắp nơi”. Điều này có nghĩa là tiền có thể giải quyết mọi nan đề. Nhưng ngay cả người giàu nhất cũng không thể giải quyết được tình huống chết. Khi sự chết viếng thăm một triệu phú, không có một khoản tiền nào có thể làm cho người ấy tránh khỏi sự chết. Trước khi viết Thư Tín này, Phao-lô ở trong một tình huống chết. Nói theo cách con người, không cách gì thoát khỏi tình huống đó. Nhưng đối với vị sứ đồ và đối với những người tin vào sự phục sinh thì có cách để ra khỏi. Đức Chúa Trời của sự phục sinh là phương cách.
Tình huống mà Phao-lô gắp phải ở A-si đã buộc ông phải đơn thuần hoặc đơn giản xử lí tình huống. Những người giàu có, mạnh mẽ hoặc có tri thức thì không đơn thuần trong cách họ xử lí những tình huống khó khăn. Trái lại, họ áp dụng kiến thức, sự khôn ngoan của họ. Nếu phương pháp này không hiệu quả, họ đổi phương pháp khác. Tâm trí của họ rất phức tạp chứ không hề đơn giản. Vì họ có kiến thức và có khả năng nên họ có nhiều cách để xử lí tình huống. Một người có nhiều cách xử lí tình huống chắc chắn là không đơn giản.
Theo những câu trước, Phao-lô và các đồng công ở trong một tình huống giới hạn họ đến mức mà không có phương cách của con người nào có thể giúp đỡ được. Chỉ một cách duy nhất có sẵn cho họ: Đức Chúa Trời của sự phục sinh. Họ không chỉ ở trong khó khăn hay trong hoạn nạn, và họ không chỉ có các nan đề. Họ ở trong sự chết. Dù chúng ta có thể có kiến thức, có khả năng, hay có tài sản nhưng chúng ta cũng không làm được gì trong một tình huống chết. Đối với Phao-lô và các đồng công của ông, cách duy nhất để thoát khỏi là Đức Chúa Trời của sự phục sinh.
Người chết luôn luôn đơn giản. Tuy nhiên, người sống thì không đơn giản. Trái lại, người sống luôn luôn có cách để đối diện với tình huống. Là con người, chúng ta không đơn giản. Tất cả chúng ta đều có những phương cách khác nhau. Nhưng phước hạnh cho những người đơn giản. Loại người đơn giản là loại người gì? Chỉ có người chết. Khi Phao-lô và các đồng công đang chịu hoạn nạn ở A-si, họ bị đè nén đến mức tự xem chính mình như đã chết. Họ không có cách nào xử lí tình huống. Sự tin cậy của họ không nằm trong chính họ; sự tin cậy đó chỉ ở trong Đức Chúa Trời là Đấng làm cho kẻ chết sống lại.
A. CHỨNG CỚ CỦA LƯƠNG TÂM HỌ
Trong câu 12, Phao-lô nói đến chứng cớ của lương tâm. Chúng ta phải có một lương tâm thuần khiết (2Ti. 1:3), lương tâm không trách móc được (Công. 24:16), để mang vác chứng cớ về những gì chúng ta là và chúng ta làm. Lương tâm của Phao-lô làm chứng rằng ông thành thật, trung tín và chân thật. Đặc biệt là lương tâm ông làm chứng rằng ông đơn giản. Ông không dùng bất cứ phương cách nào của con người để xử lí tình huống. Ông không vận dụng tri thức, khả năng, sức mạnh hay sự khôn ngoan. Ông không dùng bất cứ chính sách nào và không chơi trò chính trị. Đúng ra, ông đơn thuần, đơn giản. Lương tâm ông mang chứng cớ về điều này. Chứng cớ này là sự khoe khoang của ông. Vì thế, Phao-lô có thể nói: “Chúng tôi sống, cư xử, hành động, và làm việc chỉ trong Đức Chúa Trời chứ không trong bất cứ cách nào khác của chính mình. Cách duy nhất của chúng tôi là Đức Chúa Trời của sự phục sinh. Đức Chúa Trời, Đấng làm cho kẻ chết sống lại là phương cách duy nhất của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi không chơi trò chính trị, và chúng tôi không vận dụng sự khôn ngoan của mình. Chúng tôi tuyệt đối đơn giản, đơn giản như người chết. Sự tin cậy của chúng tôi không ở trong bất cứ điều gì khác hơn là Thân Vị sống động tức là Đức Chúa Trời của sự phục sinh. Đây là sự khoe khoang của chúng tôi, và đây là bằng chứng do lương tâm chúng tôi mang vác”.
B. ĂN Ở TRONG THẾ GIAN
1. Trong Sự Đơn Thuần Và Chân Thật Của Đức Chúa Trời
Tại sao Phao-lô nói với người Cô-rin-tô về sự đơn thuần? Đó là vì người Cô-rin-tô rất phức tạp. Họ có nhiều cách khác nhau. Đây là lí do có người thích A-bô-lô hơn, còn có người thích Sê-pha hoặc Phao-lô hơn. Thực ra, 1 Cô-rin-tô là Sách xử lí những sự phức tạp của tín đồ tại Cô-rin-tô.
Nguồn gốc của sự lộn xộn và chia rẽ giữa Cơ Đốc nhân ngày nay là những sự phức tạp ở bên trong tín đồ. Nếu mọi Cơ Đốc nhân đều đơn giản thì ở giữa họ sẽ không có nan đề gì. Nan đề trong một Hội thánh địa phương luôn luôn đến từ sự phức tạp. Nếu trong địa phương của anh em có nan đề thì nan đề đó không đến từ một người đơn giản, nhưng đến từ một người phức tạp. Vì lí do này, tôi luôn cố tránh dính líu tới người phức tạp. Hễ khi nào anh em gặp người phức tạp, anh em không nên cố tranh luận với họ hay sửa sai họ. Mọi nỗ lực tranh luận hay sửa sai đều làm cho anh em bị mắc bẫy vào trong sự phức tạp.
Trong câu 12, Phao-lô nói về sự đơn thuần và chân thật của Đức Chúa Trời. Sự chân thật của Đức Chúa Trời là mỹ đức thần thượng, mỹ đức của những gì Đức Chúa Trời là. Ăn ở trong mỹ đức như thế có nghĩa là kinh nghiệm chính Đức Chúa Trời. Do đó, điều này tương đương với “trong ân điển của Đức Chúa Trời” cũng được đề cập trong câu này.
Đức Chúa Trời thông thái và toàn năng. Nhưng theo một ý nghĩa, Ngài cũng đơn thuần; Ngài rất đơn giản. Khi Chuá Jesus ở trên đất, Ngài thật khôn ngoan; nhưng Ngài cũng đơn giản và đơn thuần. Tôi vui hưởng việc tiếp xúc với Chuá Jesus rất nhiều vì Ngài đơn thuần và đơn giản. Tuy nhiên, khi nói chuyện với những anh em nào đó, anh em thấy họ cực kỳ phức tạp. Nhưng Đức Chúa Trời của chúng ta thì đơn giản. Hễ khi nào nói chuyện với Ngài, chúng ta thấy Ngài không đầy dẫy sự phức tạp. Khi Ngài nói có là ý Ngài muốn nói có, và khi Ngài nói không là ý Ngài muốn nói không. Cũng vậy, khi Ngài nói trắng hay đen là ý Ngài nói là trắng hoặc đen chứ không phải xám. Dù Đức Chúa Trời có thể cảm nhận về chúng ta như thế nào vào một thời điểm cụ thể, Ngài vẫn luôn luôn đơn thuần. Có thể Ngài không vui hoặc Ngài vui với chúng ta nhưng chính Ngài thì đơn giản.
Từ kinh nghiệm, chúng ta học biết rằng một người đơn giản và đơn thuần cũng là người hào phóng và đầy dẫy tính rộng lượng. Những người đơn giản là những người ban cho cách hào phóng. Chẳng hạn, giả sử một anh em tiếp cận với một người rất đơn giản và nói anh ấy rằng mình thiếu tiền trả tiền thuê nhà. Ngay lập tức người đơn giản ấy sẽ sẵn lòng cho anh em bất cứ điều gì anh em cần. Điều này minh hoạ cho sự kiện đơn giản là rộng rãi. Nhưng người phức tạp thì không háo phóng. Thay vì sẵn lòng ban cho cách hào phóng, có thể họ xem xét vấn đề theo cách phức tạp rồi sau đó ban cho chẳng đủ vào đâu. Phao-lô đơn thuần, đơn giản, và hào phóng.

Chỉ có người rất đơn thuần mới là người hào phóng. Nếu thiếu tính đơn thuần, anh em sẽ không bao giờ hào phóng hoặc rộng lượng với người khác. Đức Chúa Trời của chúng ta rất hào phóng đối với chúng ta vì Ngài đơn thuần. Hãy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra cho chúng ta nếu Đức Chúa Trời không đơn thuần và nếu Ngài nghĩ về chúng ta theo cách phức tạp. Có lẽ Ngài đã không chăm sóc chúng ta. Anh em có muốn Đức Chúa Trời xem xét tình huống của anh em và thử nghiệm anh em cách chi tiết không? Anh em có muốn Ngài nhìn anh em từ đầu đến chân và xem xét cả bên trong lẫn bên ngoài anh em không? Không ai trong chúng ta được Đức Chúa Trời yêu thích nếu Ngài xem xét chúng ta theo cách này. Nhưng vì Đức Chúa Trời đơn thuần và rộng lượng nên chúng ta đã nhận phước hạnh từ nơi Ngài.
Tôi xin anh em hãy so sánh Phao-lô với người Cô-rin-tô. Phao-lô giống như Đức Chúa Trời đơn giản, còn người Cô-rin-tô thì cực kỳ phức tạp. Nếu Phao-lô không đơn thuần và đơn giản thì có lẽ ông đã quên người Cô-rin-tô và chắc hẳn đã không còn sẵn lòng cung ứng cho họ nữa. Lương tâm của Phao-lô làm chứng rằng ông và các đồng công đã ăn ở trong sự đơn thuần của Đức Chúa Trời. Do đó, họ rộng lượng đối với người Cô-rin-tô và sẵn lòng ban cho người Cô-rin-tô bất cứ điều gì. Đối với các tín đồ đó, Phao-lô và các đồng công thật rộng lượng và đầy hào phóng.
Về ý nghĩa, đơn thuần theo tiếng Hy Lạp là giàu có. Từ đơn thuần hay đơn giản không nên dịch như nhau. Từ này ngụ ý rộng rãi, hào phóng, rộng lượng và sẵn lòng ban cho. Nếu một anh em có tính đơn giản đã lập gia đình thì anh em đó rất rộng lượng đối với vợ mình dù vợ anh làm gì hoặc đối xử với anh thế nào đi nữa. Tuy nhiên, nếu một anh em phức tạp, anh em đó sẽ xử lí vợ cách nghiêm khắc.
Phao-lô là người ăn ở trong sự đơn thuần của Đức Chúa Trời. Ông thật là người bắt chước Đức Chúa Trời và là người sống Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đơn giản và Phao-lô cũng đơn giản. Đức Chúa Trời rộng lượng, Phao-lô cũng rộng lượng. Ông đã ăn ở trong sự đơn thuần của Đức Chúa Trời.
Khi chúng ta đơn thuần và rộng lượng, chúng ta cũng sẽ chân thật. Thường thường kết thúc một bức thư người ta viết “chân thành”. Thực ra, điều này luôn có nghĩa là “thận trọng”, hoặc tốt nhất là “lịch sự”. Có thể ai đó viết một lá thư dài đầy rắc rối, nhưng đến cuối thư thì nói “chân thành”. Đó không phải là sự chân thành. Chỉ khi anh em đối xử với người khác theo cách đơn thuần và hào phóng thì anh em mới có thể thật sự nói “chân thành”. Vì Phao-lô cư xử trong sự đơn thuần của Đức Chúa Trời và vì ông rộng lượng nên ông thật sự chân thành.
Chắc chắn tôi không tuyên bố tôi là người bắt chước Phao-lô cách tuyệt đối và trung thành. Nhưng tôi có thể làm chứng rằng qua nhiều năm, chúng tôi đã được huấn luyện, được dạy dỗ, và được giúp đỡ bởi sự thương xót và ân điển của Chuá để cư xử theo cách đơn giản, đơn thuần, chân thành và rộng lượng. Tôi có thể làm chứng với anh em trước mặt Chuá rằng tôi không chơi trò chính trị. Hơn nữa, tôi có thể nói trước mặt Ngài rằng tôi là một người đơn giản. Có là có, không là không.
2. Không Ở Trong Sự Khôn Ngoan Thuộc Xác Thịt Nhưng Ở Trong Ân Điển Của Đức Chúa Trời
Trong câu 12, Phao-lô nói đến sự khôn ngoan thuộc xác thịt và ân điển của Đức Chúa Trời. Sự khôn ngoan thuộc xác thịt là sự khôn ngoan con người trong xác thịt. Điều này tương đương với chính chúng ta, giống như ân điển của Đức Chúa Trời tương đương với chính Đức Chúa Trời. Ân điển của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời để chúng ta vui hưởng. Ân điển trong câu 12 là ân tứ trong câu 11, là điều mà các sứ đồ nhận để kinh nghiệm sự phục sinh trong sự chịu khổ của họ.
Đơn giản và đơn thuần là một phương diện của sự biểu lộ sự sống trong sự phục sinh. Chỉ khi sống trong sự phục sinh và bởi Đức Chúa Trời của sự phục sinh chứ không bởi chính mình thì chúng ta mới đơn giản. Chính khi sống trong sự phục sinh chúng ta mới là những người bắt chước Đức Chúa Trời. Dù người khác có thể chơi trò chính trị với chúng ta nhưng chúng ta thì không chính trị với họ. Điều cần nhất chúng ta nên làm là cố tránh khỏi bẫy rập của sự phức tạp. Tôi muốn bước theo Phao-lô để ăn ở trong sự đơn thuần và chân thành của Đức Chúa Trời. Đây là một phương diện của sự biểu lộ sự phục sinh.

Chỉ bằng cách sống một đời sống đơn thuần và chân thật của Đức Chúa Trời, chúng ta mới có thể được cấu thành các chấp sự của Christ và của ân điển. Những người được cấu tạo theo cách này rất cần cho Hội thánh ngày nay. Trưởng lão và tất cả những người phụng sự phải là những người thuộc loại này. Nếu xem lịch sử về sự khôi phục của Chuá, anh em sẽ thấy rằng những người chơi trò chính trị và những người không sống trong sự đơn thuần của Đức Chúa Trời đã gây thiệt hại và mất mát cho sự khôi phục của Chuá cũng như cho chính họ. Chỉ những ai thật sự sống trong sự đơn thuần của Đức Chúa Trời mới có ích lợi cho sự khôi phục. Về điều này, chúng ta đã học những bài học quan trọng. Sống trong sự phục sinh là sống trong sự đơn thuần của Đức Chúa Trời. Là sự tiếp nối của 1 Cô-rin-tô, 1:12-14 cho chúng ta thấy phương cách để sống trong sự phục sinh.