Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 23



ĐƯỢC BIẾN ĐỔI THÀNH HÌNH ẢNH CỦA CHUÁ TỪ VINH HIỂN ĐẾN VINH HIỂN NHƯ TỪ CHUÁ LINH BẰNG CÁCH ĐỂ MẶT TRẦN NGẮM XEM VÀ PHẢN CHIẾU VINH HIỂN CỦA NGÀI (1)
Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 3:16-18.
NHỮNG PHƯƠNG DIỆN CỦA GƯƠNG MẪU
Trong những bài trước, chúng tôi đã chỉ ra rằng Phao-lô là khuôn mẫu của việc sống Christ vì Hội thánh. Trong 2 Cô-rin-tô khuôn mẫu này được khải thị trong nhiều phương diện. Chúng ta đã đề cập đến bốn phương diện này rồi. Thứ nhất, một người sống Christ vì Hội thánh không tin cậy chính mình, nhưng tin cậy Đức Chúa Trời là Đấng khiến kẻ chết sống lại. Phao-lô nói đến phương diện này trong 1:9 “Thật chúng tôi đã tự đoán định rằng chắc phải chết, hầu cho chúng tôi không cậy mình, nhưng cậy Đức Chúa Trời là Đấng khiến kẻ chết sống lại”. Liên quan đến phương diện này là những vấn đề ăn ở không theo sự khôn ngoan của xác thịt, nhưng theo ân điển của Đức Chúa Trời và làm một với Đấng Christ không thay đổi của Đức Chúa Trời thành tín. Trong 1:12 Phao-lô nói: “Vì sự khoe khoang của chúng tôi là đây: lương tâm chúng tôi làm chứng rằng, chúng tôi lấy sự thuần khiết và sự thành thực của Đức Chúa Trời mà ăn ở trong thế gian, nhất là đối với anh em lại càng hơn, không cậy sự khôn ngoan thuộc xác thịt, bèn là cậy ân điển của Đức Chúa Trời”. Trong 1:18 Phao-lô tuyên bố rằng Đức Chúa Trời là thành tín; trong câu 19, trong Đấng Christ chỉ có phải mà thôi; và trong câu 20 “vì chưng lời hứa của Đức Chúa Trời, vô luận bao nhiêu, trong Christ đều là phải cả”. Do đó, chúng ta nói về Đấng Christ không thay đổi của Đức Chúa Trời thành tín.

Phương diện thứ hai liên quan đến vấn đề được gắn chặt, được xức dầu, được đóng ấn, được bắt lấy, được khuất phục, và được dẫn dắt để rải hương thơm của Đấng Christ. Phao-lô nói về những vấn đề này trong 1:21, 22 và 2:14-16.
Trong 3:3-6, Phao-lô đến phương diện thứ ba của khuôn mẫu về việc sống Christ vì Hội thánh. Phương diện này là để chúng ta thông thạo Đấng Christ là bảng chữ cái thuộc linh hầu viết những bức thư sống bằng Linh ban-sự-sống của Đức Chuá Trời hằng sống. Phương diện thứ tư của khuôn mẫu này là sự chiếu sáng vinh hiển của giao ước mới (3:7-11), và phương diện thứ năm mà chúng ta sẽ xem trong bài này và bài sau là được biến đổi thành hình ảnh của Chuá từ vinh hiển đến vinh hiển như từ Chuá Linh bằng cách để mặt trần ngắm xem và phản chiếu vinh hiển của Ngài.
Tôi đánh giá cao tất cả những phương diện này của Phao-lô là một khuôn mẫu của việc sống Christ vì Hội thánh. Phao-lô và các sứ đồ khác đã sống một đời sống không tin cậy vào chính mình. Đúng ra, sự tin cậy của họ hoàn toàn ở trong Đức Chúa Trời của sự phục sinh. Họ không cư xử trong sự khôn ngoan xác thịt, nhưng trong ân điển của Đức Chúa Trời. Họ cũng làm một với Đấng Christ không thay đổi của Đức Chúa Trời thành tín; tức là làm một với Christ, Đấng chỉ có Phải. Hơn nữa, họ được gắn chặt với Đấng được xức dầu của Đức Chúa Trời và họ được Đức Chúa Trời xức dầu và đóng ấn. Là những người được gắn chặt với Đấng được xức dầu, họ cũng được Đức Chúa Trời bắt lấy, khất phục, và lãnh đạo để kỷ niệm chiến thắng của Đấng Christ. Là những phu tù đang diễu hành trong cuộc diễu hành khải hoàn, họ rải hương thơm của Đấng Christ bất cứ nơi nào họ đi. Thật ra, chuyến hành trình chức vụ của các sứ đồ không phải là một chuyến hành trình bình thường; đó là cuộc diễu hành khải hoàn kỷ niệm chiến thắng của Christ trong vũ trụ.
Phao-lô và những đồng công của ông cũng thông thạo Đấng Christ như là bảng chữ cái thiên thượng để viết những bức thư sống của Đấng Christ, với Đấng Christ và cho Đấng Christ. “Mực” được dùng để viết những bức thư này là Linh ban-sự-sống của Đức Chuá Trời hằng sống. Các sứ đồ ghi khắc Christ vào trong thánh đồ và như vậy những bức thư sống được viết bằng Linh là mực. Kết quả là các thánh đồ trở nên những bức thư sống của Christ cho người khác đọc.
Hơn nữa, Phao-lô và các đồng công của ông chiếu sáng ra Đấng Christ phục sinh, vinh hiển. Trong đời sống của họ, người ta nhìn thấy Đấng Christ trổ hoa, Đấng Christ trong sự phục sinh. Họ đang chiếu sáng ra Christ, Đấng là Linh ban-sự-sống. Với họ, có một sự chiếu sáng như thế, một vinh hiển như thế.
BIẾN ĐỔI HẰNG NGÀY
Hằng ngày và thậm chí hằng giờ, họ cũng ở trong tiến trình được biến đổi thành cùng một hình ảnh, tức hình ảnh của Đấng Christ được vinh hoá. “(Và) chúng ta thảy đều để mặt trần mà chiếu lại (ngắm xem và phản chiếu) sự vinh quang (vinh hiển) của Chuá như một cái gương, thì đều biến hóa (đang được biến đổi) nên cùng một hình ảnh từ vinh hiển đến vinh hiển, thậm chí như từ Chuá Linh vậy” (3:18). Sự biến đổi này không xảy ra một lần đủ cả mà đó là vấn đề dần dần. Các sứ đồ được biến đổi từ một mức độ vinh hiển này đến một mức độ vinh hiển khác. Họ được biến đổi từ vinh hiển đến vinh hiển, như từ Chuá Linh vậy.
Từ được dịch “thậm chí như” trong 3:18 cũng có thể được hiểu là “tức là”. Do đó, các sứ đồ được biến đổi từ vinh hiển đến vinh hiển, tức là từ Chuá Linh. Họ đang được biến đổi thành hình ảnh của Chuá từ Chuá Linh.
Theo Sách 2 Cô-rin-tô, khuôn mẫu của việc sống Christ vì Hội thánh bao gồm phương diện của sự biến đổi hằng ngày. Người nào sống Christ vì Hội thánh cũng phải là người đang được biến đổi hằng ngày. Nếu chúng ta không ở trong tiến trình biến đổi, thì có điều gì đó sai trong đời sống Cơ Đốc của chúng ta. Hằng ngày, chúng ta cần được biến đổi.
MỘT TIẾN TRÌNH MANG TÍNH TRAO ĐỔI CHẤT
Từ được biến đổi là một từ hay; tuy nhiên, nó không chuyển tải ý nghĩa đầy đủ của từ Hy Lạp. Thay vì được biến đổi, một số bản Kinh Thánh dùng từ “được thay đổi”. Từ này cũng không thoả đáng; từ này không tương đương với tiếng Hy Lạp. Bản King James dịch từ này là được biến đổi trong La-mã 12:2, nhưng dịch là được thay đổi trong 2 Cô-rin-tô 3:18.
Chúng ta cần biết sự khác nhau giữa sự thay đổi và sự biến đổi. Sự biến đổi liên quan đến tiến trình của việc trao đổi chất. Tuy nhiên, điều gì đó có thể thay đổi mà không bị ảnh hưởng theo cách trao đổi chất. Nhiều thứ có thể thay đổi theo cách bề ngoài mà không phải là sự biến đổi trao đổi chất ở bên trong.
Trong tiến trình của sự trao đổi chất, một yếu tố mới được cung cấp cho một cơ cấu hữu cơ. Yếu tố mới này thay thế yếu tố cũ và làm cho yếu tố cũ bị đào thải. Do đó, khi tiến trình của sự trao đổi chất diễn ra trong một cơ cấu hữu cơ sống, điều gì đó mới được tạo ra trong đó thay thế yếu tố cũ đã bị đào thải. Do đó, sự trao đổi chất bao gồm ba vấn đề: thứ nhất, cung cấp một yếu tố mới; thứ hai, thay thế yếu tố cũ bằng yếu tố mới này; và thứ ba, đào thải hoặc lấy đi yếu tố cũ để điều gì đó mới có thể được sinh ra.
Sự tiêu hoá và đồng hoá thức ăn chúng ta ăn liên quan đến sự trao đổi chất. Thứ nhất chúng ta nhận thức ăn vào trong dạ dày. Sau đó, thức ăn được tiêu hoá theo cách trao đổi chất để cung ứng cho bản thể chúng ta hầu cho những yếu tố mới có thể được thêm vào thay thế yếu tố cũ và những tế bào mới có thể được đem vào trong bản thể. Qua tiến trình trao đổi chất này, chúng ta lớn lên và được mạnh mẽ. Cũng qua sự trao đổi chất đúng đắn, chúng ta có thể được chữa lành khỏi những bệnh tật nào đó. Cách liên tục, một sự chữa lành đang diễn ra trong thân thể vật lí của chúng ta qua tiến trình trao đổi chất. Sự chữa lành này không do thuốc của bác sĩ mà đó là sự chữa lành do việc thi hành chức năng cách đúng đắn của chính thân thể. Hằng ngày, bởi tiến trình trao đổi chất, chúng ta có thể kinh nghiệm sự chữa lành.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng sự biến đổi là một tiến trình trao đổi chất, một sự thay đổi mang tính trao đổi chất. Chúng ta có thể định nghĩa sự biến đổi là sự trao đổi chất mang tính thuộc linh. Về vấn đề này, tôi đánh giá cao việc Phao-lô cẩn thận chọn từ. Phao-lô, một tác giả tuyệt vời, luôn luôn chính xác trong việc chọn từ. Trong 3:18, ông cân nhắc chọn một từ Hy Lạp mà tốt nhất nên dịch là được biến đổi.
VINH HIỂN CỦA CHUÁ
Chúng tôi đã chỉ ra rằng sự biến đổi liên quan đến sự trao đổi chất và sự trao đổi chất bao gồm sự cung cấp những yếu tố mới để thay thế những yếu tố cũ. Bây giờ chúng ta phải hỏi điều gì trong quan điểm của Phao-lô là yếu tố mới được cung cấp cho chúng ta khi chúng ta trải qua sự biến đổi. Theo sự hiểu biết của Phao-lô, yếu tố mới này là vinh hiển của Chuá. Vinh hiển của Chuá thật ra là Đấng Christ phục sinh. Chúng ta đã thấy rằng vinh hiển của Chuá trong 3:18 là vinh hiển của Chuá Jesus như là Đấng được phục sinh và thăng thiên, Đấng vừa là Đức Chúa Trời vừa là con người và đã trải qua sự nhục hoá, đời sống làm người, sự đóng đinh, và sự phục sinh để trở nên Linh ban-sự-sống bao-hàm-tất-cả cư ngụ trong linh chúng ta. Đấng Christ phục sinh này thật giàu có biết bao! Đấng Christ phục sinh cùng với tất cả những sự giàu có của Ngài là yếu tố mới được thêm vào trong chúng ta để chúng ta được biến đổi. Yếu tố này, tức Đấng Christ phục sinh với những sự giàu có của Ngài, là vinh hiển của Chuá. Đây không chỉ là thịt của Lời mà còn là một phần thịt ngon.
Từ được biến đổi hàm ý đến sự cung ứng phong phú không dò lường được của Đấng Christ. Khi chúng ta nhận sự cung cấp này, nó thay thế yếu tố cũ bên trong chúng ta, đào thải và tống khứ yếu tố cũ đi. Kết quả là một điều gì đó mới sẽ được sinh ra trong chúng ta như là các tế bào mới và các mô mới được sinh ra trong thân thể chúng ta qua tiến trình trao đổi chất. Đây là quan điểm của Phao-lô về sự biến đổi trong 3:18. Nếu không, Phao-lô hẳn đã không nói rằng chúng ta đang được biến đổi nên cùng một hình ảnh từ vinh hiển đến vinh hiển, thậm chí như từ Chuá Linh vậy. Chúng ta đang được biến đổi từ vinh hiển đến vinh hiển, tức là từ một mức độ vinh hiển này đến một mức độ vinh hiển khác.
TỪ CHUÁ LINH ĐẾN CHUÁ LINH
Trong nhiều năm, tôi đã cố gắng hiểu cụm từ “từ vinh hiển đến vinh hiển” được dùng trong 3:18. Tôi đã tra cứu nhiều sách nhưng vẫn không tìm được một sự giải thích thoả lòng. Chúng ta không nên mặc nhiên chấp nhận vấn đề này hoặc cho rằng mình hiểu. Vinh hiển ở đây là gì và ý nghĩa của “từ vinh hiển đến vinh hiển” là gì? Từ vinh hiển đến vinh hiển có nghĩa là từ Chuá Linh đến Chuá Linh. Chuá Linh gia trên Chuá Linh. Điều này có nghĩa là Chuá Linh là sự cung ứng phong phú liên tục được thêm vào trong bản thể chúng ta.
Chúng ta có thể dùng việc ăn làm minh hoạ để hiểu việc Chuá Linh được liên tục thêm vào trong chúng ta. Giả sử, anh em được mời đến ở với một gia đình ăn nhiều thịt gà. Ngày nào họ cũng cho anh em ăn gà. Anh em ăn toàn là gà. Cuối cùng, vì ăn quá nhiều gà nên anh em sẽ được cấu tạo yếu tố gà. Yếu tố này sẽ thấm vào mô và tế bào của anh em. Về một ý nghĩa, thân thể vật lí của anh em sẽ được biến đổi bên trong thành gà. Từng ngày, từng giờ, Christ, gà thiên thượng, đang được thêm vào chúng ta, và chúng ta đang được biến đổi thành hình ảnh của Ngài. Sự biến đổi này là từ vinh hiển đến vinh hiển, từ Chuá Linh đến Chuá Linh.
MỘT LỜI CHỨNG CỚ VỀ SỰ BIẾN ĐỔI
Trong một bài trước, tôi đã chỉ ra rằng cha mẹ của những người trẻ trong Hội thánh có thể đọc được Christ, Đấng được ghi khắc vào trong những người trẻ. Sau bài giảng đó, nhiều người làm chứng rằng hễ khi nào đến thăm cha mẹ, thì cha mẹ họ đọc họ, chú ý đến sự thay đổi trong họ vì họ để cho Christ được ghi khắc trong họ. Tôi tin rằng cuối cùng, một số cha mẹ sẽ làm chứng như thế này: “khi con gái chúng tôi vào trong nếp sống Hội thánh, ban đầu chúng tôi chống đối nó. Nhưng khi nó về nhà thăm chúng tôi, chúng tôi nhận ra rằng nó có điều gì đó khác. Mỗi lần nó đến thăm chúng tôi, chúng tôi để ý thấy rằng càng ngày càng có sự thay đổi lớn trong sự sống. Đối với chúng tôi, thay đổi này thật lạ lùng. Cuối cùng, sau khi con gái chúng tôi thăm chúng tôi nhiều lần, chúng tôi không còn chống đối những gì đang xảy ra trong nó nữa. Chúng tôi bị bắt phục và bây giờ chúng tôi đang ở đây, trong buổi nhóm này để làm chứng rằng chúng tôi đã đọc được Christ, Đấng đã được viết vào trong con gái chúng tôi”. Nếu cha mẹ của người trẻ này hiểu biết đủ, họ không chỉ nói về sự thay đổi mà còn về sự biến đổi nữa. Họ có thể nói: “chúng tôi đã nhận ra rằng nhiều năm qua con gái chúng tôi đã kinh nghiệm được sự biến đổi. Nó đang được biến đổi từ vinh hiển đến vinh hiển, từ Chuá Linh đến Chuá Linh”.
Trong một trong những bài trước, chúng ta đã nói rằng vinh hiển trong 3:18 là Đấng Christ trổ hoa trong sự phục sinh. Chúng ta đã minh hoạ vinh hiển này bằng cách nói đến sự trổ hoa của hoa cẩm chướng. Sự phục sinh của Christ là sự trổ hoa của Ngài. Christ trổ hoa này, tức Christ phục sinh là vinh hiển. Bây giờ, chúng ta đang ở trong tiến trình được biến đổi từ vinh hiển đến vinh hiển. Vinh hiển này là sự cung ứng của chúng ta hằng ngày. Đây là lí do để được biến đổi từ vinh hiển đến vinh hiển vượt xa sự cải thiện hành vi bên ngoài theo sự dạy dỗ tôn giáo hay đạo đức.
ĐỒNG HAY VÀNG
Khổng Tử nói nhiều về đạo đức. Những sự dạy dỗ đạo đức của Khổng Tử có thể được ví như đồng, nhưng những gì Kinh Thánh khải thị về đời sống Cơ Đốc có thể được sánh với vàng. Có khi trong dáng vẻ đồng được làm giống như vàng. Đây là lí do người ta có thể dùng đồng để giả vàng, giống như họ trộn rượu với nước.
Một số giáo sỹ đến Trung Hoa không thể phân biệt được sự khác nhau giữa sự dạy dỗ đạo đức của Khổng Tử với sự dạy dỗ của Kinh Thánh về đời sống Cơ Đốc. Tôi nghe nhiều giáo sỹ nói rằng điều Kinh Thánh dạy giống hệt như những gì được viết trong sách Khổng Tử. Nếu đúng thì tại sao người Trung Hoa cần Kinh Thánh, vì họ có sách Khổng Tử rồi? Thế thì cần gì để giáo sỹ đến Trung Hoa dạy đạo đức? Trong Ê-phê-sô chương 5, Phao-lô nói vợ thuận phục chồng. Nhưng Khổng Tử dạy phụ nữ phải tam tòng (thuận phục): trước hết là thuận phục cha, sau đó là thuận phục chồng và sau nữa trong trường hợp chồng chết thì thuận phục con. Dường như Khổng Tử dạy thuận phục nhiều hơn cả Kinh Thánh. Tuy nhiên, tôi không quan tâm đến sự thuận phục được nói đến bao nhiêu nhưng tôi quan tâm đến bản chất của sự thuận phục đó. Đó là sự thuận phục “đồng” hay sự thuận phục “vàng”? Sự thuận phục được Phao-lô dạy trong Ê-phê-sô chương 5 là vàng, nhưng sự thuận phục tam tòng được Khổng Tử dạy là đồng. Anh em muốn sự thuận phục vàng hay sự thuận phục đồng? Chắc chắn tất cả chúng ta đều thích vàng hơn.
Nếu không có Kinh Thánh, chắc chắn tôi sẽ quý báu sách của Khổng Tử. Nhưng ngợi khen Chuá vì chúng ta có Kinh Thánh và Kinh Thánh được đổ đầy vàng! Khi đọc Lời, tôi muốn có được nhiều vàng và quên đồng về những sự dạy dỗ đạo đức liên quan đến việc cải thiện hành vi. Trong sự khôi phục của Chuá, chúng ta không dạy người khác cải thiện hành vi theo cách bên ngoài. Loại dạy dỗ đó không gì hơn là giúp thánh đồ đánh bóng đồng của họ và làm cho nó sáng hơn. Chúng ta không ở đây vì sự dạy dỗ tôn giáo hay đạo đức. Trong sự khôi phục chúng ta đang để cho vàng thay thế đồng. Càng nhận sự cung ứng của Chuá, đồng của chúng ta càng được thay thế bởi vàng.
Ngày nay, hầu hết chúng ta đều là sự pha trộn giữa đồng và vàng. Một số người có thể có hai mươi lăm phần trăm vàng và bảy mươi lăm phần trăm đồng. Nhưng dù cho phần trăm của đồng và vàng là gì đi nữa thì dần dần phần trăm của đồng cũng đang bị giảm xuống và phần trăm của vàng đang tăng lên. Vàng đang được thêm vào trong chúng ta để thay thế đồng và đào thải đồng.
Chúng ta hãy lấy ví dụ một người trẻ trong nếp sống Hội thánh là người thuận phục cha mẹ và vâng lời cha mẹ. Người đó ăn ở phải phép và là một cậu con trai tốt. Tuy nhiên, chúng ta cần hỏi cậu một câu hỏi quan trọng: sự thuận phục và vâng lời này là đồng hay vàng? Có phải điều đó đến từ việc chỉ cố gắng cư xử đúng đắn như một người, hay là điều đó đến từ việc vận dụng linh tái sinh để sống Linh nội cư? Có thể hành vi tốt của cậu ấy, sự thuận phục và vâng lời của cậu ấy đều ra từ chính cậu. Nếu đúng như vậy thì cậu là một cậu bé “đồng”. Sự thuận phục, sự vâng lời và thậm chí tình yêu của cậu—tất cả đều là đồng. Đồng này thì không vinh hiển, vì nó không phải là Đấng Christ phục sinh. Hành vi của cậu có thể rất tốt, nhưng nó không vinh hiển.
KINH NGHIỆM SỰ BIẾN ĐỔI
Chúng ta nên làm gì khi nhận ra rằng hành vi của chúng ta là đồng chứ không phải là vàng? Chúng ta nên mạnh dạn đến với Chuá và nói với Ngài: “Chuá ơi, bây giờ con có sự khải thị. Con thấy Ngài là gì và con là gì. Điều tốt nhất con có chỉ là đồng chiếu sáng, sáng rỡ. Nhưng, Chuá ôi, Ngài là vàng. Khi con so chính con với Ngài là vàng thì con bắt đầu ghê tởm hành vi đồng của con. Con ghét sự thuận phục, sự vâng lời và tình yêu của chính con. Chuá ơi, con cần Ngài làm sự thuận phục của con. Chuá ơi, con muốn kinh nghiệm Ngài là sự thuận phục và tình yêu của con. Chuá ôi, nếu Ngài không yêu trong con thì con cũng sẽ không yêu. Chuá ôi, con không muốn làm bất cứ điều gì mà không có Ngài. Chuá ôi, Ngài sống trong con. Hãy vào để thay thế đồng của con bằng vàng của Ngài. Ô Chuá Jesus, hãy thay thế con!” Sau đó, suốt ngày chúng ta nên tiếp xúc Chuá bằng cách kêu cầu Ngài và để cho Ngài thay thế chúng ta bằng chính Ngài. Dần dần, chúng ta sẽ kinh nghiệm Chuá sống trong chúng ta. Chúng ta sẽ nhận ra rằng hành vi của chúng ta không bắt nguồn từ chính mình. Đúng ra, đó là chính Đấng Christ phục sinh. Đây là vinh hiển.
Nếu thực hành điều này mỗi ngày, chúng ta sẽ được biến đổi từ vinh hiển đến vinh hiển. Hơn nữa, người khác sẽ để ý thấy sự khác đi trong chúng ta. Họ sẽ thấy sự khác biệt trong sự thuận phục, sự vâng lời và tình yêu của chúng ta. Vâng, chúng ta vẫn đang thuận phục, nhưng sự thuận phục này thì khác về mặt bản chất. Trước đây, hành vi của chúng ta là đồng; bây giờ là vàng. Vì là vàng, nên nó sáng hơn trước. Nó thật vinh hiển.
Tôi hi vọng tất cả chúng ta sẽ thấy sự khác nhau giữa đồng và vàng. Đã có lần chúng ta đi từ đồng đến đồng nhưng bây giờ chúng ta được biến đổi từ vàng đến vàng, từ vinh hiển đến vinh hiển. Nhiều năm qua, tôi thường tự nhủ: “Ngươi vẫn còn là một sự pha trộn của đồng và vàng”. Tuy nhiên, tôi có thể làm chứng rằng đồng đang giảm hạ và vàng đang gia tăng.
ĐƯỢC BIẾN ĐỔI CÓ Ý NGHĨA GÌ
Tất cả chúng ta cần được ấn tượng với ý nghĩa của việc được biến đổi. Được biến đổi là để cho Christ được thêm vào trong bản thể chúng ta để thay thế những gì chúng ta là hầu Christ có thể gia tăng và sự sống thiên nhiên của chúng ta có thể giảm hạ. Khi tiến trình của sự biến đổi diễn ra trong chúng ta thì yếu tố cũ của bản thể thiên nhiên của chúng ta bị đào thải, và vinh hiển, tức Đấng Christ trổ hoa, Christ phục sinh là Linh ban-sự-sống được thêm vào trong chúng ta để thay thế yếu tố thiên nhiên. Ngày nay khác với hôm qua, và ngày mai sẽ khác với hôm nay, vì mỗi ngày, chúng ta bớt đi yếu tố thiên nhiên và thêm Christ nhiều hơn. Đây là ý nghĩa của được biến đổi từ vinh hiển đến vinh hiển.
Tôi không đạt được sự hiểu biết về sự biến đổi này chỉ bởi đọc sách. Không sách nào tôi đọc giúp tôi có một sự hiểu biết thấu đáo về “từ vinh hiển đến vinh hiển”. Qua nhiều năm, tôi đã học từ kinh nghiệm riêng của tôi và từ sự quan sát của tôi trong nếp sống Hội thánh được biến đổi từ vinh hiển đến vinh hiển có ý nghĩa gì. Cách đây hơn hai mươi năm, tôi không thể giảng một bài như thế này. Lúc đó, tôi vẫn không có một sự hiểu biết rõ ràng về cách diễn đạt của Phao-lô “từ vinh hiển đến vinh hiển”. Bây giờ, tôi thấy rằng vinh hiển ở đây là Đấng Christ trổ hoa, Đấng Christ trong sự phục sinh. Hơn nữa, là vinh hiển, Đấng Christ này là Linh ban-sự-sống. Do đó, cả từ trong kinh nghiệm của tôi lẫn sự quan sát của tôi, tôi có thể làm chứng rằng vinh hiển trong 3:18 thật ra là Linh ban-sự-sống.
Càng sống và bước đi trong Linh ban-sự-sống, vinh hiển càng được thêm vào trong bản thể chúng ta. Do đó, chúng ta sống vinh hiển đến vinh hiển. Chúng ta đang biến đổi thành cùng một hình ảnh từ vinh hiển đến vinh hiển, tức là từ Chuá Linh đến Chuá Linh. Đây là kinh nghiệm của những ai sống Christ vì Hội thánh. Phao-lô là khuôn mẫu của loại đời sống này, và đây là kinh nghiệm của ông.
-