Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 7




CHỨC VỤ CỦA GIAO ƯỚC MỚI (3)
Trong 2:12-17, Phao-lô nói về chiến thắng và hiệu quả của chức vụ sứ đồ; trong 3:1-6, nói về chức năng và khả năng của giao ước mới; và trong 3:7-11 nói về vinh hiển và sự trỗi hơn của giao ước mới. Như chúng ta sẽ thấy các câu từ 7 đến 11 bày tỏ vinh hiển kém hơn của chức vụ Môi-se, tức là chức vụ của kinh luật, chức vụ của sự định tội và sự chết, và sự trỗi hơn của chức vụ sứ đồ, tức là chức vụ của ân điển, chức vụ của sự công chính và Linh. Chức vụ trước qua sự vinh hiển tạm thời; chức vụ sau cứ ở trong vinh hiển mãi mãi.
Sau khi nói về chiến thắng và hiệu quả của chức vụ giao ước mới, Phao-lô tiếp tục nói về chức năng và khả năng của chức vụ đó. Chức năng là để viết những bức thư sống của Christ, và khả năng, phẩm chất là chính Đức Chúa Trời. Tác giả của những bức thư sống này thực ra không phải là Phao-lô mà là chính Đức Chúa Trời, Đấng đã được cấu tạo vào trong bản thể của Phao-lô. Do đó, Đức Chúa Trời không chỉ là tác giả mà Ngài còn là “mực”, thực chất hay yếu tố của những điều được viết. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời đang viết chính Ngài vào trong những người được chọn của Ngài. Kết quả của việc viết này là Đức Chúa Trời Tam-Nhất được cấu tạo vào trong dân Ngài. Vì thế, tác giả là Đức Chúa Trời, yếu tố viết là Đức Chúa Trời, và kết quả cũng là Đức Chúa Trời.

Chúng ta có thể lấy việc viết bút bi để minh hoạ thể nào Đức Chúa Trời viết chính Ngài vào trong chúng ta. Trước hết, bút được đổ đầy mực. Sau đó, bút được dùng để viết những từ nào đó trên giấy. Không phải cây bút thật sự làm việc viết mà là mực, tức là yếu tố có đầy trong cây bút, chính yếu tố đó mới làm việc viết này. Không có điều gì của cây bút được đặt trên tờ giấy. Đúng ra, chính yếu tố mực mới được viết trên tờ giấy.
Cuối cùng, việc viết trên tờ giấy là một sự tổng hợp, một sự cấu tạo của mực. Cùng một nguyên tắc như vậy, Đức Chúa Trời Tam-nhất đã-trải-qua-tiến-trình như là Linh ban-sự-sống bao-hàm-tất-cả vừa là tác giả vừa là yếu tố viết. Trong việc viết những bức thư sống của Christ, Linh là yếu tố được viết trong chúng ta.
Trong bài này, chúng ta đến với vinh hiển của chức vụ giao ước mới. Yếu tố viết thì ở bên trong, còn vinh hiển thì ở bên ngoài. Yếu tố viết thì ẩn giấu, còn vinh hiển thì lộ ra. Thực ra, vinh hiển là sự chiếu sáng xuất phát từ yếu tố ẩn giấu. Một lần nữa, chúng ta có thể dùng điện làm minh hoạ. Yếu tố điện chạy vào trong bóng đèn. Yếu tố này là thực chất của ánh sáng chiếu sáng từ bên trong bóng đèn. Nhưng sự chiếu sáng của ánh sáng là vinh hiển của điện. Do đó, cùng với điện, có cả thể yếu, yếu tố lẫn sự chiếu sáng, tức là vinh hiển.
Phao-lô viết về chức vụ của giao ước mới theo một trình tự rất hay. Đầu tiên, ông cho thấy rằng chức vụ giao ước mới chiến thắng và có hiệu quả. Chức vụ này chiến thắng vì Christ đã chiến thắng và đạt được thắng lợi. Chức vụ này chiến thắng cũng vì các sứ đồ đã bị bắt lấy và qui hàng Đấng Christ. Tất cả những sứ đồ đầu tiên đều bị khuất phục, bị chinh phục, bị bắt lấy và đã qui hàng Đấng Christ. Việc họ rao giảng là dấu hiệu về sự qui hàng của họ. Hãy xem gương mẫu của Sau-lơ người Tạt-sơ. Ông quả là người phản loạn chống lại Chuá Jesus, chống lại Hội thánh, chống lại sự tể trị của Đức Chúa Trời, và chống lại gia tể Tân Ước của Đức Chúa Trời! Nhưng cho dù ông rất phản loạn thì ông cũng đã bị chinh phục, bị khuất phục và bị bắt lấy. Sau đó, ông thuận phục Đấng Christ đến nỗi ông không có nan đề gì với gia tể của Đức Chúa Trời. Sự rao giảng này là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy rằng ông đã thuận phục sự cai trị và sự tể trị của Đức Chúa Trời. Do đó, Phao-lô trở nên một phu tù thuận phục Đấng Christ. Sự thuận phục của ông là một sự biểu lộ vinh hiển của Đấng Christ.
Mỗi phu tù trong cuộc diễu hành khải hoàn của Đấng Christ là một bằng chứng về chiến thắng của Đấng Christ. Cuộc diễu hành này kỷ niệm chiến thắng của Đấng Christ. Là những sứ đồ đang diễu hành trong cuộc diễu hành này, họ có thể nói: “Hỡi người Do Thái, và dân Ngoại, hãy nhìn chúng tôi mà nhận biết rằng Đấng Christ đã chiến thắng như thế nào”. Đây là quan điểm của Phao-lô trong 2:14. Ông ở trong đoàn diễu hành khải hoàn của Christ khi ông đi qua Ê-phê-sô, Trô-ách, và Ma-xê-đoan. Ngày nay, Đức Chúa Trời cũng đang dẫn chúng ta trong một cuộc diễu hành khải hoàn để kỷ niệm chiến thắng của Đấng Christ. Tất cả chúng ta là những phu tù trong cuộc diễu hành này. Christ đã chinh phục chúng ta, đã khuất phục chúng ta, và làm cho chúng ta qui hàng Ngài. Ngợi khen Ngài!
Chức vụ của giao ước mới không chỉ khải hoàn mà còn có hiệu quả. Hiệu quả đến nỗi đối với người này kết quả là sự sống dẫn đến sự sống, và đối với người khác, kết quả là sự chết dẫn đến sự chết. Do đó, chức vụ này là vấn đề sự sống và sự chết.
Như chúng tôi đã nhấn mạnh, chức năng của chức vụ giao ước mới là để viết, thậm chí để khắc những bức thư sống của Đấng Christ. Và khả năng của chức vụ này là Đức Chúa Trời Tam-Nhất đã-trải-qua-tiến-trình là Linh ban-sự-sống. Vinh hiển của chức vụ này là sự chiếu sáng, sự biểu lộ của chức vụ.
III. CHỨC VỤ VINH HIỂN VÀ TỐT HƠN
A. VINH HIỂN CỦA CHỨC VỤ
1. Vinh Hiển Của Chức Vụ Giao Ước Cũ
Trong 3:7, Phao-lô nói: “Nhưng, nếu chức dịch (chức vụ) của sự chết, vốn bằng văn tự khắc trên bảng đá, đã được tỏ ra trong vinh quang, đến nỗi con cái Y-sơ-ra-ên không thể ngó chăm vào mặt Môi-se, vì cớ vinh quang trên mặt người, dầu là vinh quang ấy tan lần đi”. Chức vụ của sự chết là chức vụ của giao ước cũ, chức vụ của văn tự chết làm cho chết. Vinh hiển trong câu 7 là vinh hiển tạm thời chiếu sáng trên mặt Môi-se (Xuất. 34:29, 35). Câu 7 bắt đầu bằng từ “Nhưng”. Có lẽ tốt hơn để dịch từ Hy Lạp đó là “hơn nữa” hoặc “ngoài ra”. Từ này sẽ theo dòng tư tưởng của Phao-lô nhiều hơn. Sau khi nói về chiến thắng và hiệu quả của chức vụ và cũng nói về chức năng và khả năng của chức vụ, ông nói tiếp về vinh hiển và sự tốt hơn của chức vụ. Chức vụ của giao ước mới có vinh hiển, và vinh hiển này tốt hơn vinh hiển của giao ước cũ rất nhiều.
2. Vinh Hiển Của Chức Vụ Của Giao Ước Mới
Câu 8 chép: “Huống chi chức dịch (chức vụ) của Linh há chẳng lại càng được vinh quang hơn sao?”. Chức vụ này là chức vụ sứ đồ của giao ước mới, một giao ước của Linh hằng sống, Đấng ban sự sống. Vinh hiển ở đây là vinh hiển của Đức Chúa Trời được lộ ra nơi mặt của Đấng Christ, tức là chính Đức Chúa Trời chiếu sáng mãi mãi trong lòng của các sứ đồ (4:6), trỗi hơn vinh hiển của chức vụ Môi-se của giao ước cũ (c. 10).
Phao-lô rất cẩn thận trong việc dùng từ. Trong câu 7, ông nói rằng chức vụ của giao ước cũ đến trong vinh hiển, nhưng câu 8, ông chỉ ra rằng chức vụ của Linh ở trong vinh hiển. Trong câu 7 ông nói “đến” trong vinh hiển; câu 8 ông nói “ở” trong vinh hiển. Tại sao ông thay đổi từ đến thành ở? Nếu chúng ta viết Thư Tín này, có lẽ chúng ta sẽ nói rằng cả chức vụ của sự buộc tội lẫn chức vụ của Linh đều đến trong vinh hiển. Nhưng có một sự khác nhau giữa đến và ở. Đến là tạm thời và cũng là điều gì đó bên ngoài. Tuy nhiên, ở thì vĩnh viễn và khá sâu sắc. Vinh hiển cũ đến nhưng vinh hiển mới thì ở và sẽ tiếp tục ở. Vinh hiển cũ đến trong chốc lát và rồi biến mất. Tuy nhiên, vinh hiển mới thì ở đây và sẽ cứ ở mãi mãi.
Khi Phao-lô đang viết Thư Tín này, ông biết rằng vinh hiển của chức vụ giao ước cũ thì tạm thời, nhưng vinh hiển của chức vụ giao ước mới thì cứ ỡ lại mãi mãi. Hơn nữa, trong câu 9, Phao-lô nói rằng “chức vụ của sự công chính lại được vinh hiển càng hơn là dường nào (có đầy dẫy trong vinh hiển)”. Chức vụ sứ đồ của giao ước mới không chỉ có vinh hiển mà còn đầy dẫy trong vinh hiển của Đức Chúa Trời. Vinh hiển này trỗi hơn vinh hiển của chức vụ Môi-se của giao ước cũ (c. 10).
Trong câu 7 và 8 Phao-lô cho chúng ta một sự so sánh mạnh mẽ giữa chức vụ của sự chết và chức vụ của Linh. Chúng ta không thông thường nghĩ Linh như là sự đối lập với sự chết. Thay vì thế, chúng ta luôn nghĩ sự sống đối lập với sự chết. Do đó, chúng ta đoán Phao-lô không nói về chức vụ của Linh mà nói về chức vụ của sự sống. Tuy nhiên, Phao-lô không dùng từ liệu chức vụ của sự sống. Đúng ra, ông nói về chức vụ của Linh. Vâng, chức vụ Tân Ước là chức vụ của sự sống. Lí do Phao-lô nói về chức vụ của Linh ở đây chứ không nói về chức vụ của sự sống là vì Linh là nguồn, là yếu tố và lĩnh vực của sự sống. Không có Linh thì không có nguồn của sự sống. Cũng không có yếu tố hay lĩnh vực của sự sống. Do đó, ở đây nói về chức vụ của sự sống là nói kém hơn rất nhiều so với nói về chức vụ của Linh. Phao-lô chọn sự diễn đạt tốt nhất và thay vì so sánh sự chết với sự sống thì ông so sánh sự chết với Linh.
Trong câu 9, Phao-lô nói tiếp “Vậy, nếu chức dịch (chức vụ) của sự định tội còn là (có) vinh quang, thì huống chi chức dịch (chức vụ) của sự công nghĩa lại được vinh quang càng hơn là dường nào”. Chức vụ của giao ước cũ trở thành chức vụ của sự chết vì giao ước cũ đem đến sự định tội dẫn đến sự chết (La. 5:13, 18, 20-21) và sự chết dẫn đến sự định tội. Chức vụ của giao ước mới là chức vụ của Linh ban sự sống (c. 8, 6) vì giao ước mới đem đến sự công chính của Đức Chúa Trời dẫn đến sự sống (La. 5:17, 21) và sự sống sinh ra sự công chính. Vì thế, đó cũng là chức vụ của sự công chính.
Trong câu này, chúng ta thấy chức vụ của sự định tội có vinh hiển, trong khi chức vụ của sự công chính thì được vinh hiển càng hơn. “Càng hơn” là từ mạnh mẽ hơn từ “có”. Hãy chú ý, từ “có” trong câu 9 in nghiêng. Điều này có nghĩa là các dịch giả đã thêm vào từ này. Có lẽ trong câu này, dùng từ “đến” thì tốt hơn, như đã được dùng về vinh hiển của giao ước cũ trong câu 7. Hơi khó để nói rằng giao ước cũ có vinh hiển, nhưng chúng ta biết rằng giao ước cũ đến trong vinh hiển. Đến trong vinh hiển thì khác với có vinh hiển. Chẳng hạn như, một người không có tiền, nhưng có thể đến với anh em đem theo tiền để giúp đỡ cho người khác. Có tiền là một chuyện, và đến đem theo tiền là chuyện khác. Cũng vậy, vì chức vụ giao ước cũ đến trong vinh hiển thì khác với chức vụ có vinh hiển. Nhưng chức vụ Tân Ước thì dư dật trong vinh hiển. Chức vụ này ở trong vinh hiển và dư dật vinh hiển. Điều này có nghĩa là vinh hiển đang trải rộng và gia tăng.
B. Chức Vụ Tốt Hơn
Trong câu 10, Phao-lô nói tiếp: “Thật vậy, nhơn vì vinh quang quá trỗi hơn đây, mà sự đã được vinh quang trước kia không còn được vinh quang gì nữa”. Chức vụ của giao ước cũ được vinh hiển tạm thời trong sự chiếu sáng trên mặt Môi-se nhưng không được vinh hiển trong sự kiện là vinh hiển của chức vụ kinh luật là vinh hiển tạm thời chiếu sáng trên mặt Môi-se. Về phương diện này, chức vụ ấy bị gạt bỏ vì lí do vinh hiển vượt trỗi này. Vì vinh hiển của chức vụ giao ước mới (tức là vinh hiển của Đức Chúa Trời, thậm chí chính Đức Chúa Trời được lộ ra nơi mặt Đấng Christ mãi mãi, trỗi hơn vinh hiển tạm thời của giao ước cũ chiếu sáng trên mặt Môi-se) nên vinh hiển tạm thời của chức vụ kinh luật biến mất và không còn tồn tại nữa.
Để hiểu sự tương phản giữa vinh hiển của chức vụ giao ước cũ với vinh hiển của chức vụ giao ước mới, chúng ta có thể so sánh ánh sáng nhân tạo với ánh sáng mặt trời. Ánh sáng trong phòng nhóm dường như khá sáng. Nhưng nếu căn phòng này đầy dẫy ánh sáng mặt trời thì dường như ánh sáng nhân tạo chẳng sáng gì cả. Cũng vậy, khi so vinh hiển của chức vụ Tân Ước với vinh hiển của chức vụ Cựu Ước thì vinh hiển của giao ước cũ dường như chẳng vinh hiển gì cả.
Trong câu 10, Phao-lô dùng từ được vinh hiển một cách rất cẩn thận. Chức vụ giao ước cũ được vinh hiển vì nó chiếu sáng trên mặt Môi-se. Do đó, trong ý nghĩa này, chức vụ này được vinh hiển. Khi Môi-se xuống núi, mặt ông chiếu sáng, và con cái Israel có thể nhìn chằm chằm vào sự chiếu sáng đó. Chắc chắn, đó là sự vinh hoá của chức vụ đem kinh luật đến với dân của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, sự vinh hoá là một điều mà chính vinh hiển lại là một điều khác. Điều gì đó được vinh hoá nhưng vẫn không có vinh hiển. Chức vụ giao ước cũ được vinh hoá tạm thời, nhưng chẳng hề có vinh hiển so với vinh hiển vượt trỗi. Với chức vụ của giao ước cũ, có sự vinh hoá nhưng với chức vụ của giao ước mới có chính vinh hiển, thậm chí là vinh hiển vượt trỗi. Khi so sánh vinh hiển của chức vụ Cựu Ước với vinh hiển vượt trỗi của chức vụ Tân Ước thì sự sự vinh hiển Cựu Ước chẳng là gì.
Câu 11 chép: “Vì nếu sự bị bãi bỏ còn được vinh quang thay, huống chi sự hằng còn lại được vinh quang càng hơn là dường nào”. “Bị bãi bỏ” nói đến tiến trình huỷ bỏ qua sự lan rộng của chức vụ giao ước mới.
Trong câu 11, Phao-lô không nói rằng điều được bãi bỏ là với vinh hiển và trong vinh hiển. Như chúng tôi đã chỉ ra, trong câu 7 ông nói rằng chức vụ giao ước cũ đến trong vinh hiển. Ở đây, ông nói chức vụ giao ước cũ thì qua vinh hiển. Nhưng chức vụ giao ước mới thì ở trong vinh hiển. Chức vụ giao ước cũ thì qua vinh hiển cách tạm thời, trái lại, Chức vụ giao ước mới thì vẫn cứ ở trong vinh hiển vĩnh cữu.
Hơn nữa, vinh hiển của chức vụ giao ước cũ chiếu sáng trên mặt của một người. Tuy nhiên, vinh hiển của chức vụ giao ước mới chiếu sáng trong hàng triệu tín đồ. Vinh hiển chỉ đến thăm Môi-se, ở trên mặt ông chỉ trong chốc lát. Nhưng một khi vinh hiển của chức vụ giao ước mới đến thì cứ ở lại mãi, không bao giờ ra đi. Cho dù có chiếu sáng thì cũng không chiếu sáng trên bề mặt của tín đồ, tức là trên lớp da của khuôn mặt chúng ta. Thay vì thế, vinh hiển mới này chiếu sáng từ bên trong bản thể chúng ta. Thay vì đến thăm chúng ta, vinh hiển này đến xâm chiếm, lan tràn, lan toả, thấm đẫm, và dầm thấm chúng ta. Vinh hiển này đến trước để dầm thấm chúng ta và sau đó chiếu sáng từ bên trong chúng ta. Vinh hiển cũ chiếu sáng trên mặt Môi-se cách cá nhân, nhưng vinh hiển Tân Ước chiếu sáng từ nhiều tín đồ khác nhau.
Khi chúng ta xem tất cả những điểm liên quan đến vinh hiển của chức vụ giao ước mới, chúng ta sẽ nhận biết rằng chức vụ giao ước mới trỗi hơn vinh hiển của chức vụ giao ước cũ. Ha-lê-lu-gia, vinh hiển của chức vụ Tân Ước đang chiếu sáng trong tất cả chúng ta!
Tôi có thể làm chứng rằng khi tôi đến đất nước này vì chức vụ của Chuá, Chuá đang chiếu sáng trong tôi. Ngài đã tôn trọng chức vụ và đã sử dụng chức vụ này. Đây đó, những cánh cửa được mở ra, và tôi được mời đến thăm nhiều nơi khác nhau. Chắc chắn Đức Chúa Trời đang dẫn tôi trong cuộc diễu hành khải hoàn của Đấng Christ. Tôi là một phu tù trong cuộc diễu hành này và cũng là một người mang hương rải tri thức ngọt ngào về Đấng Christ. Rất nhiều tín đồ đã nhận được sự giúp đỡ thuộc linh. Ngày nay, Đức Chúa Trời Tam-Nhất là Linh ban-sự-sống bao-hàm-tất-cả đang chiếu sáng trong nhiều tín đồ. Điều này hoàn toàn khác với vinh hiển của giao ước cũ. Vinh hiển Tân Ước không đến thăm chúng ta nhưng đến ở mãi trong chúng ta và chiếu sáng ra từ bên trong chúng ta.
--