Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

2 CÔ-RINH-TÔ BÀI 49



VỊ SỨ ĐỒ TƯƠNG GIAO VỀ SỰ CUNG CẤP CHO CÁC THÁNH ĐỒ CÓ NHU CẦU (4)
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô. 8:1-5, 15; 9:6-15
Trong 9:6 Phao-lô nói: “Khá nhớ rằng ai gieo bỏn xẻn thì gặt bỏn xẻn, ai gieo rời rộng (với phước hạnh) thì gặt phước hạnh”. Theo nghĩa đen, tiếng Hy Lạp dịch chữ “với” có nghĩa là ở trên. Phước hạnh ở đây trước hết là những sự ban cho dồi dào như là phước hạnh cho người khác, và sau đó là những mùa gặt dồi dào như là phước hạnh từ Đức Chúa Trời. Chính quy luật tự nhiên được Đức Chúa Trời chỉ định là nếu chúng ta gieo bỏn xẻn thì cũng sẽ gặt bỏn xẻn, nhưng nếu gieo với phước hạnh thì cũng sẽ gặt với phước hạnh.
Trong câu 7, Phao-lô nói tiếp: “Mỗi người hãy làm theo lòng mình đã dự định, chớ phàn nàn hay là vì ép buộc, vì Đức Chúa Trời thương yêu kẻ vui lòng quyên trợ (ban cho)”. Chúng ta không nên buồn trong việc ban cho. Thay vì thế, chúng ta nên vui mừng. Nếu buồn rầu trong việc ban cho, thì tốt hơn là đừng cho. Hơn nữa, việc chúng ta cho không nên là sự ép buộc. Tiếng Hy Lạp dịch chữ ép buộc ở đây giống như chữ được dùng trong chương 6. Từ này có nghĩa là chúng ta bị ép vào trong điều gì đó, bị bắt buộc vào trong điều đó. Ban cho vì ép buộc cho thấy rằng sự ban cho là tai hoạ đối với chúng ta. Chúng ta không nên ban cho vì bị ép buộc; cũng không nên ban cho nếu cảm thấy ban cho là tai hoạ. Trong suy nghĩ của một số người, ban cho của cải vật chất giống như chịu đựng một tai hoạ. Ban cho đối với chúng ta chắc chắn không nên giống như vậy. Như Phao-lô nói trong câu này, Đức Chúa Trời yêu thương kẻ vui lòng ban cho. Tiếng Hy Lạp dịch chữ vui lòng cũng có nghĩa là vui vẻ hay hân hoan. Trong việc ban cho, chúng ta nên vui vẻ, hân hoan, thoả lòng

Câu 8 và 9 chép: “Đức Chúa Trời có thể khiến cho mọi ân huệ được dư dật trên anh em, hầu cho anh em đầy đủ trong mọi sự luôn luôn, có thể làm mọi việc lành cách dư dật, như có chép rằng: ‘Người đã rải ra, đã giúp kẻ nghèo; Sự nhơn nghĩa (công chính) của người còn lại đời đời’”. Có nhiều loại ân huệ khác nhau. Tít ở giữa người Cô-rin-tô để đem lại cho họ những ân huệ khác nhau. Ngày nay, chúng ta cũng cần có nhiều loại ân huệ khác nhau mà một trong những ân huệ đó là ân huệ ban cho.
Trong câu 8 và 9, có nhiều tư tưởng quý báu và đáng yêu. Tư tưởng quý báu và đáng yêu đó là sự ban cho rộng rãi là sự công chính trong cách nhìn của cả Đức Chúa Trời lẫn con người. Tư tưởng này được xác quyết bởi lời của Chuá được nói trên núi và được kí thuật trong Ma-thi-ơ chương 6. Chuá xem sự ban cho không chỉ là một ân huệ mà còn là sự công chính.
Trong câu 10, Phao-lô nói tiếp: “Đấng cấp giống cho kẻ gieo và bánh để ăn, sẽ cấp giống cho anh em, khiến nó sanh hoá nhiều, cũng sẽ thêm lên những trái nhơn nghĩa (công nghĩa) của anh em nữa”. Ở đây, chúng ta thấy nguồn của hạt giống, nó đến từ Đức Chúa Trời là Đấng ban cấp dư dật hạt giống cho người gieo và bánh để ăn. Chúng ta không nên nghĩ rằng lúa mì được dùng làm bánh thì tự động đến từ việc gặt vụ mùa. Không, nó đến từ Đức Chúa Trời. Dù phải gieo nhưng chúng ta đừng nên tin vào việc gieo của mình. Trách nhiệm của chúng ta là gieo, và nên gieo vì lí do này. Tuy nhiên, đừng nên tin vào những gì chúng ta gieo. Nếu tin vào việc gieo của mình, có thể Đức Chúa Trời không cho mưa hoặc cho phép bão tố làm hư hại mùa màng. Do đó, chúng ta phải thấy rằng Đức Chúa Trời là Đấng cung cấp bánh, Ngài ban cho chúng ta hạt giống để gieo và cũng ban bánh từ vụ mùa để ăn. Hơn nữa, chính Ngài là Đấng làm tăng gấp bội hạt giống và khiến cho trái của sự công chính mọc lên.
SỰ TƯƠNG GIAO CỦA PHAO-LÔ VỚI CÁC THÁNH ĐỒ
Tôi muốn nói thêm về hai minh hoạ được Phao-lô dùng trong chương 8 và 9: minh hoạ về việc lượm ma-na và minh hoạ về việc gieo giống và gặt vụ mùa. Phao-lô không phải là người nông cạn. Ông biết rằng tương giao với các Hội thánh về chức vụ chăm sóc các thánh đồ có nhu cầu ở Giu-đa xa xôi là một vấn đề hết sức quan trọng. Ông nhận thức rằng các thánh đồ ở Ma-xê-đoan và A-chai nghèo khổ. Điều này được chỉ ra bởi lời của ông trong 8:1 và 2: “Anh em ơi, chúng tôi tỏ cho anh em biết về ơn (ân điển) của Đức Chúa Trời đã ban cho các Hội thánh ở Ma-xê-đoan, thể nào khi họ ở trong cơn hoạn nạn mà chịu thử nghiệm lớn, thì sự vui mừng quá đỗi và sự nghèo khó đáo để của họ lại tuôn tràn ra lòng rộng rãi dồi dào”. Ở đây Phao-lô nói về chiều sâu của sự nghèo khổ. Cách diễn đạt này cho thấy tình hình kinh tế ở Ma-xê-đoan, cũng như ở A-chai không được tốt lắm. Thánh đồ ở Ma-xê-đoan và A-chai rất nghèo. Vì đây là tình hình kinh tế của họ, thì làm thế nào Phao-lô có thể khích lệ họ, thậm chí nài khuyên họ để cung ứng những điều vật chất cho người khác? Loại ban cho này chắc chắn sẽ làm cho họ càng nghèo thêm. Hơn nữa, tương lai của các thánh đồ sẽ như thế nào? Phao-lô biết một số thánh đồ nghèo có thể nói rằng “Còn tương lai của chúng tôi thì sao? Tôi có rất ít. Nếu cho hết những gì tôi có thì tương lai của tôi sẽ như thế nào?” Vì Phao-lô hiểu tình hình và vì ông thận trọng nên ông xử trí vấn đề hết sức ý tứ. Khi tương giao với tín đồ về sự cung ứng vật chất cho các thánh đồ có nhu cầu thì Phao-lô rất dè dặt.
Phao-lô liều lĩnh tương giao với các thánh đồ về việc ban cho và thậm chí còn liều lĩnh hơn để nài khuyên họ ban cho. Tuy nhiên, Phao-lô có sự bảo đảm và tin chắc bên trong nên khiến ông liều lĩnh. Theo ý chúng tôi, yêu cầu những người giàu ban cho thì khá dễ. Nhưng nài xin người nghèo, là những người vốn không đủ sống, ban cho của cải của họ lại là vấn đề khác. Như chúng tôi đã chỉ ra, có thể họ thắc mắc về tương lai của họ, nhất là về vấn đề họ sẽ sống như thế nào nếu như họ ban cho những gì họ có. Tuy nhiên, vì Phao-lô biết gia tể của Đức Chúa Trời và hiểu biết đường lối của Đức Chúa Trời nhưng ông có đức tin để liều lĩnh khích lệ những thánh đồ nghèo ở A-chai ban cho những người có nhu cầu ở Giu-đa.
ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI CHĂM SÓC MỘT CÁCH LẠ LÙNG
Từ việc nghiên cứu Cựu Ước, Phao-lô nhận thức rằng Đức Chúa Trời chăm sóc những nhu cầu của dân Ngài. Đức Chúa Trời có thể nuôi dân Ngài theo cách phép lạ. Hơn hai triệu con cái Israel trong đồng vắng cằn cỗi, trong hoang mạc không có gì mọc nổi. Đồng vắng không phải là nơi thích hợp cho việc trồng trọt hay chăn nuôi. Nhưng suốt bốn mươi năm, Đức Chúa Trời đã nuôi dân Ngài bằng mưa ma-na từ trời một cách lạ lùng. Tôi tin rằng không ai có thể giải thích ma-na là gì và từ đâu đến. Nhưng đó là sự kiện lịch sử mà Đức Chúa Trời đã nuôi dân Ngài bằng ma-na trong đồng vắng trong suốt bốn mươi năm. Chắc chắn nhờ phép lạ đó mà hơn hai triệu người có thể sống sót trong đồng vắng trong một thời gian dài như thế.
Cả mưa ma-na lẫn sự áp dụng ma-na đều lạ lùng. Phao-lô nói đến điều này trong 2 Cô-rin-tô 8:15, là phần trích của Xuất Ai Cập Kí 16:18 rằng: “Ai lượm nhiều chẳng được trội, ai lượm ít cũng chẳng thiếu”. Theo Xuất Ai Cập Kí 16:18, một ô-me được dùng để lường ma-na. Cả những người lượm nhiều lẫn những kẻ lượm ít cuối cùng cũng chỉ có một ô-me. Đây là sự cân đối thiên thượng về ma-na được dân Ngài lượm. Dù lượm bao nhiêu ô-me thì sau khi ma-na được lường xong, kết quả theo phép lạ là chỉ có một ô-me cho mỗi người (Xuất. 16:16).
Vào ngày thứ sáu trong tuần lễ, con cái Israel được phép lượm phần ma-na gấp đôi để cung ứng cho ngày Sa-bát. Nhưng những ngày khác trong tuần, họ không được phép lượm nhiều hơn nhu cầu của họ trong một ngày. Ai cố để dành ma-na cho ngày hôm sau thì sẽ thấy ma-na bị sâu mọt. Điều này cho thấy rằng nguyên tắc của Đức Chúa Trời cho dân Ngài là không để dành gì cho cính mình. Để dành theo cách đó là do lòng tham thúc đẩy.
Chắc chắn, khi Phao-lô nghiên cứu Kinh Thánh, những tư tưởng và quan điểm Kinh Thánh đã vào trong ông, thúc giục ông và chi phối ông. Cuối cùng, những tư tưởng này thúc đẩy ông viết chương 8 và 9 của Sách 2 Cô-rin-tô. Trong chương 8, ông khích lệ ngay cả những thánh đồ nghèo cũng nên ban cho những người có nhu cầu ở Giu-đa. Vì có kiến thức sâu sắc về gia tể của Đức Chúa Trời nên ông đã khích lệ các thánh đồ làm điều này. Trong chương này, dường như Phao-lô muốn nói: “Anh em không cần xét đến sự nghèo khổ của anh em. Hãy đơn giản ban cho những thánh đồ có nhu cầu. Thực ra anh em không chăm sóc những nhu cầu riêng của anh em. Cha thiên thượng của anh em là Đấng cung cấp những nhu cầu của anh em. Ngài cung cấp ma-na, và theo cách đó Ngài chăm sóc anh em. Tôi có thể bảo đảm rằng anh em không cần lo lắng cho tương lai. Vì tương lai của anh em ở dưới sự chăm sóc của Cha, tôi khích lệ anh em ban cho những thánh đồ có nhu cầu. Theo cách phép lạ, Cha sẽ gởi ma-na đến”.
Từ kinh nghiệm lượm ma-na trong đồng vắng của con cái Israel, chúng ta học biết rằng thu nhập của chúng ta thật ra là một loại ma-na. Sự cung cấp ma-na không tuỳ thuộc vào việc con cái Israel lượm. Trái lại, nó tuỳ thuộc vào cơn mưa của Đức Chúa Trời. Nếu Đức Chúa Trời không gởi ma-na xuống thì làm thế nào con cái Israel có thể lượm được? Việc lượm ma-na hoàn toàn tuỳ thuộc vào mưa ma-na của Đức Chúa Trời. Sự thu nhập của anh em cũng theo nguyên tắc này. Anh em có thể nghĩ rằng thu nhập của anh em phụ thuộc vào công việc hay việc làm của anh em. Nhưng ai cho anh em công việc đó? Công việc đó được Đức Chúa Trời ban cho. Nhưng nếu anh em nghĩ rằng anh em đạt được công việc đó nhờ khả năng và học vấn của mình thì Đức Chúa Trời có thể khiến cho điều gì đó xảy ra trong công ty để anh em bị mất việc. Khi đó anh em có thể nhận thức rằng thu nhập của anh em không phụ thuộc vào khả năng của anh em nhưng phụ thuộc vào sự tể trị của Đức Chúa Trời. Thật hết sức quan trọng để tất cả chúng ta đều hiểu điều này. Nếu nghĩ rằng thu nhập của chúng ta phụ thuộc vào học vấn, khả năng hay kỹ năng của chúng ta thì chúng ta quá nông cạn và thiển cận.
GIEO VÀ GẶT
Bằng cách dùng minh hoạ gieo và gặt trong chương 9, Phao-lô chỉ ra rằng Đức Chúa Trời cũng dùng luật tự nhiên để nuôi dân Ngài. Gieo và gặt là vấn đề luật tự nhiên. Ban cho thực ra là gieo. Nhưng chúng ta lấy hạt giống để gieo ở đâu? Hạt giống được Đức Chúa Trời cung cấp. Nguồn của hạt giống là chính Đức Chúa Trời. Theo 9:10, Ngài cung cấp dồi dào hạt giống cho người gieo.
Chúng ta không nên nghĩ rằng chỉ bởi gieo giống, chắc chắn chúng ta có một vụ mùa bội thu. Đúng ra, chúng ta cần phải cầu nguyện: “Chúa ôi, con đã gieo giống. Nhưng con có mùa gặt tốt hay không đều tuỳ thuộc vào sự thương xót của Ngài”. Sự lớn lên của hạt giống được gieo tuỳ thuộc vào Đức Chúa Trời. Nếu Ngài thay đổi thời tiết thì điều chúng ta gieo không thể sinh ra gì cả. Kết quả là, chúng ta sẽ không có thực phẩm. Do đó, chúng ta cần thờ phượng Chúa và nói: “Chúa ôi, dù nguồn cung cấp của con đến từ việc gặt nhưng thực ra Ngài là Đấng ban cho thực phẩm”.
ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ NGUỒN DUY NHẤT
Là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta ở dưới sự chăm sóc của Ngài. Đức Chúa Trời chăm sóc và nuôi chúng ta theo hai cách: theo cách phép lạ và theo luật tự nhiên. Chúng ta cần cảm tạ Chúa vì Ngài chăm sóc chúng ta theo cách phép lạ. Anh em có nhận ra rằng Đức Chúa Trời chăm sóc anh em cách lạ lùng và rằng anh em sống nhờ phép lạ của Ngài không? Anh em có một công việc tốt đó là phép lạ. Hơn nữa, có một nơi ở thích hợp và được bảo vệ, được giữ gìn cho đến bây giờ cũng là phép lạ. Tất cả những điều này đến từ việc ban ma-na lạ lùng của Đức Chúa Trời. Điều chúng ta làm hằng ngày đơn giản là hoàn thành trách nhiệm lượm ma-na. Mỗi ngày đi làm, anh em lượm ma-na. Nhưng chính ma-na đến từ phép lạ của Đức Chúa Trời. Nếu bây giờ không thể tin điều này thì một ngày nào đó anh em sẽ tin. Anh em sẽ thấy rằng ngay cả đời sống vật lí của anh em cũng phụ thuộc vào phép lạ của Đức Chúa Trời. Cách đầu tiên Đức Chúa Trời nuôi dân Ngài là bằng phép lạ. Nguyện tất cả chúng ta đều được ấn tượng điều này và thờ phượng Ngài về điều đó! Cần nhận thức rằng chúng ta đang sống không chỉ bởi học vấn hay khả năng của mình, nhưng bằng mưa ma-na của Đức Chúa Trời.
Cách thứ hai Đức Chúa Trời chăm sóc chúng ta là bằng luật tự nhiên gieo và gặt. Vâng, chúng ta cần gieo, nhưng chính Đức Chúa Trời là Đấng ban cho chúng ta chúng ta hạt giống để gieo. Hơn nữa, Đức Chúa Trời làm cho hạt giống lớn lên để chúng ta có mùa gặt. Chúng ta có thể gieo giống nhưng không thể làm cho bất kỳ điều gì lớn lên. Đức Chúa Trời cung cấp hạt giống, Ngài làm cho hạt giống lớn lên, và Ngài cũng ban cho chúng ta bánh để ăn.
Về sự cung cấp cả bằng phép lạ lẫn bằng luật tự nhiên thì Đức Chúa Trời đều là nguồn. Một mặt, Ngài ban cho ma-na. Mặt khác, Ngài cung cấp hạt giống để gieo và bánh để ăn. Nếu có nhận thức sâu sắc về điều này, chúng ta sẽ không lo về tương lai. Chúa Jesus phán: “Chớ lo lắng chi về ngày mai” (Mat. 6:34). Biết rằng tín đồ không lo lắng cho tương lai vì chúng ta có Đức Chúa Trời là nguồn của sự cung cấp nên Phao-lô đã dạn dĩ khích lệ những thánh đồ nghèo ban cho những người có nhu cầu. Chúng ta nên quan tâm đến nhu cầu của Đức Chúa Trời và mục đích của Ngài. Khi đó, Ngài sẽ chăm lo cho tương lai chúng ta. Tương lai của chúng ta không ở dưới sự chăm sóc của chính mình nhưng ở dưới sự chăm sóc của Cha chúng ta. Tương lai của chúng ta không theo việc lượm nhưng theo việc mưa ma-na của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, nó không theo việc gieo nhưng theo sự cung cấp của Ngài. Nếu Đức Chúa Trời không cung cấp hạt giống thì lấy gì chúng ta gieo? Tương lai của chúng ta cũng không phụ thuộc vào việc gặt mà phụ thuộc vào việc Đức Chúa Trời làm cho hạt giống lớn lên cho đến khi có mùa gặt. Có một sự nhận thức sâu xa về điều này và có một sự hiểu biết thấu đáo về gia tể của Đức Chúa Trời nên Phao-lô có sự bảo đảm và sự bình an để khích lệ những thánh đồ nghèo ban cho những gì mà họ có để đáp ứng nhu cầu cho người khác.
SỰ BẢO ĐẢM CỦA PHAO-LÔ
Bây giờ chúng ta có thể hiểu tư tưởng của Phao-lô trong trong chương 8 và 9. Trong chương 8, Phao-lô dùng việc lượm ma-na làm nền tảng cho sự tương giao với các thánh đồ về việc cung ứng những điều vật chất cho những người có nhu cầu. Trong chương 9, Phao-lô dùng vấn đề gieo và gặt làm làm nền tảng cho sự tương giao này. Do đó, Phao-lô có một nền tảng hai phương diện để tương giao với các thánh đồ về việc cung cấp những điều vật chất. Điều này cho ông một sự bảo đảm và tin chắc để nói với các thánh đồ rằng nếu họ ban cho càng nhiều thì họ không cần phải lo lắng cho tương lai. Ở đây, dường như Phao-lô muốn nói: “Thưa các thánh đồ, hãy ban cho càng nhiều càng tốt. Không cần phải lo lắng cho ngày mai. Tương lai của anh em hoàn toàn ở dưới sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Vì tôi có sự tin chắc về điều này nên tôi khích lệ anh em hãy ban cho. Tôi không liều lĩnh yêu cầu anh em ban cho những người có nhu cầu. Nếu anh em nhận lấy lời tôi và làm theo thì sẽ có nhiều sự cảm tạ cho Đức Chúa Trời. Cũng vậy, nếu anh em sẵn lòng gieo bằng cách ban cho thì Đức Chúa Trời sẽ làm cho mùa gặt của anh em gia tăng. Ngài sẽ tăng thêm bông trái của sự công chính”.
Tại sao Phao-lô mạnh dạn khích lệ những thánh đồ nghèo ban cho? Ông mạnh dạn vì ông biết Lời của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, ông biết gia tể của Đức Chúa Trời và đường lối thần thượng của Ngài. Ông nhận thức việc yêu cầu các Hội thánh đang ở trong tình hình kinh tế nghèo nàn mà giúp đỡ những Hội thánh khác có nhu cầu là một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Ông không yêu cầu một cá nhân giúp đỡ người khác. Ông đang khích lệ các Hội thánh ở Châu Âu giúp đỡ các Hội thánh ở Giu-đa. Dường như Phao-lô đang liều lĩnh, vì có thể trong tương lai các thánh đồ phải chịu khổ. Tuy nhiên, Phao-lô biết rằng ông không liều lĩnh vì ông tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ bước vào để ban mưa ma-na xuống, nhằm cung cấp hạt giống để gieo, và ban bánh để ăn. Đây là cách đúng đắn để hiểu lời của Phao-lô trong 2 Cô-rin-tô chương 8 và 9.