Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 47



VỊ SỨ ĐỒ TƯƠNG GIAO VỀ VIỆC CUNG CẤP CHO CÁC THÁNH ĐỒ CÓ NHU CẦU (2)
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô. 8:16-24
Trong 8:16-24, chúng ta có một phần của Thư Tín này cho thấy các sứ đồ là loại người nào. Trong nửa đầu chương này, Phao-lô đã tương giao với các thánh đồ tại Cô-rin-tô về việc cung cấp cho các thánh đồ có nhu cầu ở Giu-đa. Khi đọc chương này, đối với chúng ta dường như sự tương giao này được kết thúc ở câu 15, dường như sự tương giao này thật hoàn hảo và trọn vẹn. Phao-lô không chỉ có sự tương giao với các thánh đồ ở Cô-rin-tô về vấn đề này, nhưng ông cũng mô tả cho họ một tình trạng để bảo đảm với họ rằng những gì ông đang làm thì được thực hiện một cách đúng đắn.
NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC QUẢN LÍ TIỀN BẠC
2 Cô-rin-tô 8:16-24 có thể giúp chúng ta nhiều trong thái độ của chúng ta đối với tiền bạc. Phần lớn nan đề trong xã hội đều có liên quan đến tiền bạc. Do đó, tất cả chúng ta phải học tập cẩn thận trong việc quản lí tiền bạc.
Tưởng tượng ra những loại nan đề khác có thể nổi lên liên quan hệ đến việc quản lí tiền bạc thì vượt quá khả năng tưởng tượng của chúng ta. Tiền là nguồn cám dỗ. Chúng ta không nên tự cho mình thuộc linh đến nỗi không bao giờ có nan đề gì về tiền bạc. Chắc chắn không ai trong chúng ta trung tín hay thuộc linh hơn sứ đồ Phao-lô. Tuy nhiên, ông rất thận trọng đối với tiền bạc. Tôi tin rằng ông rất thận trọng về vấn đề tiền bạc. Vì lí do này, sau khi tương giao với các thánh đồ ở Cô-rin-tô về việc cung cấp cho các thánh đồ nghèo ở Giu-đa, ông thêm các câu 16 đến câu 24 vào để chỉ ra những vấn đề quan trọng liên quan đến việc quản lí tiền bạc.

Trong những câu này, chúng ta thấy Phao-lô tiến cử một số anh em nào đó cho tín đồ Cô-rin-tô để cung cấp cho những thánh đồ có nhu cầu. Trước hết, ông tiến cử Tít. Các câu 16 và 17 chép: “Tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài đã cảm động lòng của Tít ân cần đối với anh em cũng như tôi vậy. Vì thật người đã nhận lời khuyên lơn của tôi, mà hơn nữa, cũng vì chính người rất sốt sắng, nên tình nguyện đi đến cùng anh em”. Tiếng Hy Lạp dịch chữ ân cần trong câu 16 cũng có nghĩa là sốt sắng, nói đến sự sốt sắng, sự ân cần của Phao-lô đối với tín đồ. Lời khuyên trong câu 17 là lời khuyên của vị sứ đồ.
Câu 18 chép: “Chúng tôi đã sai một anh em cùng đi với người, là kẻ ở trong Phúc Âm được tiếng khen khắp cả các Hội thánh”. Trong câu 22, Phao-lô nói đến một anh em khác: “Chúng tôi lại sai một anh em nữa đi với họ, là người chúng tôi đã ghe phen thử nghiệm thấy đều ân cần trong nhiều sự, mà nay càng ân cần hơn nữa, vì cớ người rất tín nhiệm anh em”. Những câu này cho thấy rằng ngoài Tít, còn có hai anh em nữa được tiến cử cho người Cô-rin-tô.
Tiền bạc được ma quỉ sử dụng rất nhiều để dụ dỗ con người vào trong sự bất lương, nhưng cũng liên quan đến việc cung cấp những điều vật chất cho các thánh đồ. Để tránh bị con người nghi ngờ trong vấn đề này, các sứ đồ đã sai một anh em có tiếng tốt đi với Tít như một người làm chứng. Trong câu 22, chúng ta thấy rằng một anh em trung tín khác được sai đi với hai anh em này, để bởi miệng của ba người làm chứng thì có thể được thiết lập một chứng cớ mạnh mẽ (Mat. 18:16). Trong ba anh em này, chỉ có Tít được nêu tên. Tuy nhiên, những anh em khác được biết đến trong các Hội thánh, và Phao-lô thậm chí đã nói về họ như là các sứ đồ của những Hội thánh đó. (c. 23).
CÁCH PHAO-LÔ CƯ XỬ TRONG CHỨC VỤ CỦA ÔNG
Trong phần này của Sách 2 Cô-rin-tô, không có giáo lí hay thần học, không đề cập gì đến ân tứ thuộc linh hay quyền năng. Vậy thì, ở đây chúng ta có gì? Chúng ta có bức tranh về loại đời sống mà Phao-lô đã sống. Sách 2 Cô-rin-tô là sách về đời sống của Phao-lô. Tuy nhiên, đa số Cơ Đốc nhân ngày nay chú ý quá nhiều đến công tác hơn là đời sống. 2 Cô-rin-tô miêu tả sinh động đời sống của Phao-lô chứ không nhấn mạnh đến công tác của ông. Ở đây, chúng ta có bức tranh về cách cư xử của Phao-lô trong chức vụ của ông.
Chắc chắn, Phao-lô được uỷ thác phần cao nhất trong chức vụ này. Do đó, trong Sách này, tự động ông cho chúng ta một bức tranh bày tỏ thể nào ông đã cư xử trong việc thực hiện chức vụ của mình. Điều này không có nghĩa là trong 2 Cô-rin-tô, Phao-lô nói với chúng ta thể nào hoặc bởi cách nào mà ông đã thực hiện được chức vụ của mình. Đúng ra, ông đang bày tỏ cách mà ông đã cư xử. Ông không nhấn mạnh đến cách ông thi hành chức vụ, nhưng nhấn mạnh đến cách cư xử.
Chức vụ Tân Ước hoàn toàn là vấn đề sự sống chứ không chỉ là vấn đề ân tứ hay công tác một cách đặc biệt. Vấn đề quan trọng không phải là cách chúng ta đang làm việc này việc kia hay là cách chúng ta đang công tác mà đó là cách chúng ta đang sống và đang ăn ở. Trong sự phụng sự Christ cho Hội thánh, điểm nên nhấn mạnh là cách chúng ta sống chứ không vào cách chúng ta công tác. Tôi có gánh nặng là tất cả chúng ta nên thấy rằng trong sự khôi phục của Chuá, vấn đề không phải là cách chúng ta làm nhiều điều, mà là cách chúng ta sống. Trong những câu này, Phao-lô chủ yếu nhấn mạnh đến cách ông đã cư xử.
Theo câu 20, các khoản từ huệ rộng rãi đã được uỷ thác cho Phao-lô chăm sóc. Ông đã nhận rất nhiều tiền từ các thánh đồ ở nhiều địa phương khác nhau gởi cho những người có nhu cầu ở Giu-đa. Nhận biết rằng lãnh trách nhiệm với một số tiền lớn có thể gây ra nhiều nan đề nên ông đã cư xử hết sức thận trọng. Trước hết, ông chọn Tít cùng đi. Bằng cách đọc Sách này, chúng ta có thể thấy rằng Tít là một anh em có tiếng tốt ở giữa các đồng công và ở giữa các Hội thánh. Do đó, Phao-lô chọn một người như thế để đi đầu trong việc cung cấp vật chất cho những thánh đồ có nhu cầu. Tuy nhiên, theo câu 18, một anh em khác được sai đi cùng với Tít, một người mà được tất cả các Hội thánh khen ngợi trong Phúc Âm và là người được các Hội thánh chỉ định như là một người bạn đồng hành trong ân điển này (c. 19). Anh em này được các Hội thánh sai đi chứ không chỉ bởi Phao-lô. Bởi điều này, chúng ta thấy rằng Phao-lô ắt hẳn đã cố ý yêu cầu các Hội thánh để chọn ra một anh em như thế. Về anh em đó, câu 19 và 20 chép: “Chẳng những thế thôi, người ấy cũng được các Hội thánh chọn để đi với chúng tôi trong việc từ huệ mà chúng tôi đang dự liệu đây, để làm vinh hiển cho Chuá, và tỏ lạc ý của chúng tôi; hầu khỏi ai trách móc chúng tôi điều gì đối với khoản từ huệ rộng rãi mà chúng tôi dự liệu đây”. Phao-lô đã hành động một cách thận trọng để tránh khỏi bị trách móc về những khoản từ huệ rộng rãi.
CÂN NHẮC ĐIỀU GÌ LÀ ĐÁNG TÔN TRỌNG TRƯỚC MẶT ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ NGƯỜI TA
Trong câu 21, Phao-lô nói: “Vì chúng tôi chăm lo điều liêm chánh, chẳng những trước mặt Chuá, mà cũng trước mặt người ta nữa”. Tiếng Hy Lạp chữ “chăm lo” cũng có thể được dịch là cân nhắc, suy tính trước. Đây là ý nghĩa của từ được dùng trong La-mã 12:17. Hẳn đã được trích từ Châm Ngôn 3:4, ở đó bản Septuagint dịch là: “Suy nghĩ về những điều tôn trọng trong cái nhìn của Chuá, và của con người”.
Phao-lô nhận ra rằng một số tiền lớn dùng vào việc cung cấp cho các thánh đồ có nhu cầu. Ông biết rằng quản lí số tiền đó không phải chuyện dễ. Do đó, ông cân nhắc điều gì là đáng tôn trọng chẳng những trước mặt Chuá mà cũng trước mặt người ta nữa. Chúng ta có thể nghĩ rằng các thánh đồ có thể không có ý tưởng xấu nào về tiền bạc. Có lẽ chính bản thân các thánh đồ thì không có ý xấu, nhưng ma quỉ đầy dầy ý tưởng gian ác, và hắn thì đang ở trong họ. Vì lí do này, Phao-lô đã nghĩ đến vấn đề đó trước để tránh sự trách móc.
Ở đây, chúng ta thấy nguyên tắc về sự cân nhắc. Hễ khi nào sắp làm điều gì đó hay cư xử theo cách nào đó, chúng ta nên cân nhắc cách mà người khác có thể nghĩ về vấn đề đó. Vâng, các thánh đồ thì thánh biệt. Nhưng bên trong họ có một kẻ không thánh biệt, đó là ma quỉ. Về một vấn đề cụ thể nào đó thì có những tư tưởng gian ác nào có thể đến từ ma quỉ? Chúng ta cần xem xét điều này. Chúng ta cần xem xét điều đó ngay cả trong mối quan hệ vợ chồng. Vợ chồng không thể có nan đề với một vấn đề nào đó, nhưng còn ma quỉ thì sao? Loại tư tưởng nào về điều đó sẽ đến từ hắn? Chúng ta cần nhận thức rằng ma quỉ đang rình mò và chờ cơ hội để làm hư hoại chúng ta. Nếu nhận thức được điều này, chúng ta sẽ cẩn thận và cân nhắc nhiều điều.
Động cơ của chúng ta về một vấn đề cụ thể nào đó có thể thuần khiết nhưng chúng ta vẫn cần phải thận trọng về hành vi của mình. Dù động cơ của chúng ta thuần khiết, nhưng hành vi của chúng ta có thể khiến người khác nghi ngờ. Ví dụ, Phao-lô có trách nhiệm với một số tiền lớn. Do đó, ông thật thận trọng và dẫn theo những người làm chứng để cất đi mọi sự nghi ngờ. Theo luật, cần phải có hai hoặc ba người làm chứng. Trong việc quan tâm để có những người làm chứng đúng đắn, Phao-lô đang cân nhắc.
Tôi đánh giá cao từ cân nhắc này. Nó có nghĩa là xem xét trước một vấn đề nào đó. Nếu cân nhắc, chúng ta sẽ không làm những điều theo cách mở cửa cho kẻ thù bước vào.
Từ kinh nghiệm chúng ta đã biết rằng về vấn đề tiền bạc, chúng ta cần phải cân nhắc. Hễ khi nào đụng đến vấn đề tiền bạc, anh em phải cân nhắc để tránh bị trách móc. Chúng ta đừng bao giờ tiếp xúc với tiền bạc cách bất cẩn. Nếu không cẩn thận trong việc quản lí tiền bạc, người khác sẽ trách móc chúng ta.
Trong câu 20, Phao-lô nói: “Hầu khỏi ai trách móc chúng tôi điều gì về khoản từ huệ rộng rãi mà chúng tôi dự liệu đây”. Chúng ta phải cân nhắc kỹ mỗi khi lãnh trách nhiệm với một số tiền lớn để tránh bị trách móc. Do đó, liên quan đến tài chánh của Hội thánh hay tài chánh công tác, hoặc quà cho Hội thánh hay cho công tác, chúng ta cần hai hay ba người làm chứng. Nếu quan tâm đến vấn đề tiền bạc mà không có người làm chứng, chúng ta sẽ có nan đề, vì tiền bạc là một sự cám dỗ.
Đừng nên nghĩ rằng tình huống của chúng ta khác với tình huống của Phao-lô và chúng ta không cần cân nhắc như thế về vấn đề tiền bạc. Hễ khi nào còn sống trên đất, chúng ta không thể tránh khỏi những vấn đề liên quan đến tiền bạc. Có thể anh em cố gắng tránh xa tiền bạc, nhưng nó sẽ đến với anh em. Tiền bạc được ma quỉ sử dụng rất nhiều, và Kinh Thánh nói điều đó là ma-môn bất chính. Ngợi khen Chuá vì trong Giê-ru-sa-lem mới sẽ không còn gì liên quan đến tiền bạc nữa! Nhưng hiện tại, chúng ta không thể sống hay công tác mà không có tiền. Do đó, trong việc quản lí tiền bạc, chúng ta phải học tập tránh bị trách móc bằng cách cân nhắc kỹ điều gì là đáng tôn trọng trước mặt Đức Chúa Trời và người ta.
Chúng ta cũng cần cân nhắc về những mối quan hệ nam nữ. Có lần, tôi đã chỉ ra rằng một anh em không nên nói chuyện với một chị em cách riêng tư quá lâu. Hãy xem gương mẫu của Chuá Jesus. Ngài nói với Ni-cô-đem một mình ở trong nhà vào ban đêm. Nhưng khi đến nói chuyện với người đàn bà Sa-ma-ri, Ngài nói chuyện với bà cách công khai giữa ban ngày. Lúc đó, Chuá Jesus còn khá trẻ, chưa quá ba mươi tuổi. Nếu Ngài nói chuyện với người đàn bà Sa-ma-ri một mình trong phòng vào ban đêm thì có lẽ các môn đồ thắc mắc chuyện gì đang xảy ra. Chuá Jesus có lẽ đã phải giải thích tình huống đó với họ, nhưng sự giải thích đó đã quá trễ vì các môn đồ đã có những suy nghĩ về vấn đề đó rồi. Do đó, Chuá Jesus đã cân nhắc cách mà Ngài tiếp xúc với người đàn bà Sa-ma-ri.
Trong nếp sống Hội thánh, chúng ta tiếp xúc với nhiều người và có liên quan đến nhiều điều. Nguyên tắc về mọi sự tiếp xúc và liên quan này là cân nhắc kỹ lưỡng về những gì người khác có thể suy nghĩ về chúng ta. Luôn cân nhắc kỹ là khôn ngoan, vì điều này sẽ canh giữ và bảo vệ chúng ta. Cụ thể là chúng ta nên cân nhắc để làm những điều đáng tôn trọng trong cách nhìn của Đức Chúa Trời và con người. Nếu một anh em nói chuyện với một chị em quá lâu, theo cách riêng tư thì đó là điều không đáng tôn trọng trong cách nhìn của con người. Hành vi như thế có thể không phải là tội nhưng nó không đáng tôn trọng. Điều chúng ta làm nên đáng tôn trọng cả trước mặt Chuá lẫn trước mặt con người. Vì Chuá biết mọi sự, nên cân nhắc điều gì là đáng tôn trọng trước mặt con người thì quan trọng hơn là điều đáng tôn trọng trước mặt Chuá. Dĩ nhiên, những người khác không biết tất cả những gì Chuá biết. Những người khác không đủ khả năng nghĩ rằng chúng ta không có nan đề. Chúng ta nên làm những gì đáng tôn trọng trước mặt họ. Nếu cư xử theo cách không đáng tôn trọng thì người khác sẽ không tôn trọng chúng ta.
Đặc biệt là trưởng lão, chấp sự, và những nữ chấp sự cần phải cân nhắc kỹ những gì là đáng tôn trọng. Trong việc quản lí tiền bạc, trong quan hệ với người khác phái, và trong mọi điều khác cũng vậy: phải cân nhắc kỹ những gì đáng tôn trọng trong cách nhìn của Đức Chúa Trời và của con người.
Chúng ta có thể biết rằng trong một vấn đề nào đó, chúng ta đúng đắn, vô tội và thuần khiết. Tuy nhiên, có thể chúng ta không đáng tôn trọng trong cách nhìn của người khác. Chúng ta cần cư xử theo cách mà sẽ được người khác xem là đáng tôn trọng. Khi đó sẽ không có lí do gì để trách móc. Đây là bài học mà tất cả chúng ta cần phải học.
Trường hợp trong 8:16-24 dường như không quan trọng, nhưng nguyên tắc ở đây lại rất quan trọng. Nếu không thì Phao-lô đã không viết gì về điều đó. Chính sự kiện mà ông viết về sự cân nhắc kỹ lưỡng những gì đáng tôn trọng cho thấy tầm quan trọng của nó. Tất cả chúng ta phải chú ý đến vấn đề này. Về tiền bạc, về giới tính, và về tất cả những điều khác, chúng ta cần cư xử theo cách cho thấy rằng chúng ta rất thận trọng về những gì đáng tôn trọng trước mặt Chuá và trước mặt con người. Xin vui lòng nhận lấy lời này và hãy hành động theo điều đó. Nếu làm như vậy, anh em sẽ được giữ vẹn và được bảo vệ. Nếu không, anh em sẽ gặp rắc rối.
LÍ DO PHAO-LÔ ĐƯỢC HỮU DỤNG
Sứ đồ Phao-lô không chỉ có ân tứ, có kiến thức, và có quyền năng nhưng ông cũng thận trọng, cẩn thận, và ý tứ. Ông không có gì là bất cẩn. Khi đọc 2 Cô-rin-tô, chúng ta thấy nhiều mỹ đức và những tính cách tuyệt vời trong thân vị và đời sống của Phao-lô. Thế thì, chẳng lạ gì khi Phao-lô được Chuá đại dụng. Phao-lô được Chuá dùng chủ yếu vì nếp sống của ông. Ông sống một cách không chỉ thánh biệt, thuộc linh, và đắc thắng, mà còn cẩn thận, thận trọng và ý tứ. Khi thấy những mỹ đức của Phao-lô được mô tả trong nhiều chương của Sách 2 Cô-rin-tô như là một tổng thể, chúng ta sẽ hiểu rằng sự hữu dụng của ông đến từ những mỹ đức của ông.
Trong bài này, gánh nặng chính của tôi là làm cho anh em có ấn tượng về sự cần thiết của việc thận trọng, cẩn thận và ý tứ, luôn luôn cư xử theo cách cân nhắc đối với những gì đáng tôn trọng. Có thể anh em vô tội và thuần khiết nhưng anh em vẫn cần phải cân nhắc về những gì đáng tôn trọng. Thay vì tự tin, hãy làm theo cách cẩn thận, thận trọng và ý tứ.
NĂM VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG
Trong chương 6, 7 và 8 của 2 Cô-rin-tô, chúng ta đã đề cập đến 4 điểm chính: thứ nhất, công tác giải hoà để đem người khác hoàn toàn trở lại với Đức Chúa Trời; thứ hai, đời sống phù-hợp-tất-cả; thứ ba, rộng lượng; và thứ tư, có một sự quan tâm dịu dàng, thân mật đối với người khác. Bây giờ, trong nửa sau của chương 8, chúng ta thấy vấn đề quan trọng thứ năm—suy nghĩ trước mọi điều đáng tôn trọng trong cách nhìn của Đức Chúa Trời và con người. Tất cả chúng ta cần được giải hoà hoàn toàn với Đức Chúa Trời, sống một đời sống phù hợp tất cả, rộng lượng, quan tâm thân mật đến người khác, và suy nghĩ trước những gì đáng tôn trọng. Những nguyên tắc này áp dụng không chỉ trong nếp sống Hội thánh mà còn trong nếp sống gia đình và trong đời sống của chúng ta ở trường, ở công sở, hay bất cứ nơi nào.