Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 6




CHỨC VỤ CỦA GIAO ƯỚC MỚI (2)
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 3:1-6
Trong bài trước, chúng ta đã đề cập đến sự khải hoàn và hiệu quả của chức vụ Tân Ước. Chức vụ này là một đoàn diễu hành khải hoàn. Hễ nơi nào chức vụ này đi qua thì nơi đó biểu thị sự khải hoàn của Đấng Christ trở thành chiến thắng của chức vụ. Bất cứ nơi nào Phao-lô và các đồng công của ông đi qua thì đó là đoàn diễu hành khải hoàn kỷ niệm chiến thắng của Đấng Christ. Một lễ kỷ niệm như thế luôn luôn được đem vào trong chiến thắng của Christ. Vì thế có sự chiến thắng của chức vụ. Sự khải hoàn về chức vụ là lễ kỷ niệm về chiến thắng của Christ bởi những phu tù bị chinh phục trong đoàn diễu hành này. Tất cả những người trong đoàn diễu hành này đều đã bị chinh phục, bị khuất phục và bị bắt lấy. Ngày nay, chúng ta cũng bị bắt lấy và bị Đấng Christ khuất phục. Chúng ta cần có nhận thức này trong đức tin. Vì chúng ta ở trong đoàn diễu hành nên chúng ta bị bắt và bị khuất phục dù chúng ta có cảm nhận rằng đây là tình huống của mình hay không. Nếu không bị bắt và không bị khuất phục, chúng ta không thể ở trong đoàn diễu hành. Ngợi khen Chuá vì tất cả chúng ta đều ở trong đoàn diễu hành khải hoàn của Đấng Christ!

Quan điểm của Phao-lô là chức vụ rao giảng là một cuộc diễu hành khải hoàn kỷ niệm chiến thắng của Đấng Christ. Ngày nay, chính chúng ta là gương mẫu về chiến thắng của Christ trên chúng ta. Vì chúng ta đã bị chinh phục, bị khuất phục và bị Christ bắt lấy nên bây giờ, chúng ta đang ở trong đoàn diễu hành của Ngài rao giảng Ngài. Sự kiện chúng ta đang ở trong đoàn diễu hành rao giảng Christ là chứng cớ chúng ta đã bị Christ chinh phục.
Trong Phi-líp chương 3, Phao-lô nói rằng ông đã coi mọi sự là lỗ vì sự nhận biết Christ là quý tột bực. Ở đây, trong 2:14, ông nói về hương thơm của sự nhận biết Christ. Tri thức tuyệt hảo về Christ là hương thơm, là mùi thơm. Điều này có nghĩa chúng ta là những người bị chinh phục, bị bắt và bị đem vào trong đoàn diễu hành khải hoàn để kỷ niệm chiến thắng của Christ, chúng ta phải nói cho người khác về tri thức tuyệt hảo về Christ. Bất cứ điều gì chúng ta nói, đó là tri thức tuyệt hảo về Christ. Chúng ta biết Christ bởi chúng ta kinh nghiệm và vui hưởng Ngài. Khi chúng ta diễu hành trong đoàn diễu hành khải hoàn, chúng ta nói cho người khác về Christ. Điều chúng ta nói về Ngài là hương thơm ngọt ngào. Sự biểu lộ của hương thơm tri thức về Christ có một hiệu quả nhị diện, một kết quả nhị diện: hoặc kết quả là sự sống dẫn đến sự sống, hoặc kết quả là sự chết dẫn đến sự chết. Đây là chiến thắng và hiệu quả của chức vụ, tức là sự cấu tạo Christ trong chúng ta.
II. CHỨC NĂNG VÀ KHẢ NĂNG CỦA CHỨC VỤ CỦA GIAO ƯỚC MỚI
Trong bài này, chúng ta đến với chức năng và khả năng của chức vụ giao ước mới (3:1-6). Sau khi cho chúng ta một bức tranh về chiến thắng và ảnh hưởng của chức vụ, Phao-lô chỉ rõ chức năng và như khả năng của chức vụ này. Chức vụ này làm loại công tác gì? Hơn nữa, ai có thể gánh vác một trách nhiệm như thế, tức trách nhiệm của sự sống và sự chết? Vì chức vụ này kết quả hoặc trong sự sống dẫn đến sự sống hoặc trong sự chết dẫn đến sự chết, nên Phao-lô đã kêu lên trong 2:16 “Ai đương nổi sự này ư?” Do đó, trong 3:1-6, ông cho chúng ta một bức tranh bày tỏ chức năng và khả năng của chức vụ này.
A. Chức Năng Của Chức Vụ Này — Viết Thư Của Christ
Trong 3:1, Phao-lô nói: “Chúng tôi há lại bắt đầu tự tiến dẫn mình, hay là há như kẻ khác cần thơ tiến dẫn hoặc cho anh em, hoặc của anh em sao?” Những câu hỏi này được nêu ra bởi vì lời thẳng thắn và thành tín của vị sứ đồ trong câu trước liên quan đến chính ông và các đồng công của ông. Từ những điều Phao-lô viết trong 1 Cô-rin-tô cũng như trong Thư Tín này, người Cô-rin-tô có lẽ đã nghĩ rằng Phao-lô và các đồng công của ông đang được họ chấp nhận. Do đó, Phao-lô hỏi hai câu hỏi trong 3:1. Câu trả lời cho cả hai câu hỏi đó là một từ “không” rõ ràng. Họ không được người Cô-rin-tô chấp nhận và họ không cần thư tiến dẫn.
Câu 2 chép: “Anh em là thư của chúng tôi, viết trong lòng chúng tôi, mọi người đều biết và đều đọc”. Tín đồ là bông trái của sự lao khổ của các sứ đồ, tiến dẫn các sứ đồ và chức vụ của họ cho người khác. Vì thế họ trở thành những bức thư sống tiến dẫn của các sứ đồ, được viết bởi các sứ đồ với Đấng Christ nội cư như là nội dung trong mọi phần bản thể bề trong của họ.
Phao-lô nói rằng người Cô-rin-tô là thư “được viết trong lòng chúng tôi”. Là thư tiến dẫn sống của các sứ đồ, tín đồ Cô-rin-tô được viết trong lòng của vị sứ đồ. Vì thế, họ được các sứ đồ đem theo và không thể tách ra được. Họ ở trong lòng các sứ đồ (7:3) được các sứ đồ đem theo khắp nơi như là sự tiến dẫn sống của họ.
Câu 3 tiếp nối câu 2: “cũng được tỏ ra anh em là thơ của Christ, do chúng tôi phục sự mà viết ra, chẳng phải là bằng mực, bèn là bằng Linh của Đức Chúa Trời hằng sống, chẳng phải trên bảng đá, bèn là trên bảng lòng bằng thịt”. Thư của Christ là thư bao gồm Christ như là nội dung để truyền đạt và biểu lộ Christ. Tất cả tín đồ trong Christ nên là một bức thư sống như thế của Christ để người khác có thể đọc và biết Christ trong bản thể họ. Những thư này được viết bởi chức vụ của các sứ đồ. Các sứ đồ đầy dẫy Christ để chức vụ của họ tự phát cung ứng Christ cho những người mà họ tiếp xúc, viết Christ trong lòng họ và làm cho họ thành những bức thư sống truyền đạt Christ.
Trong câu 2, Phao-lô nói về “thư của chúng tôi”. Trong câu 3, ông bảo người Cô-rin-tô “Anh em là thư của Christ”. Dường như ở đây có hai loại thư — thư được viết trong lòng của các sứ đồ, và tín đồ là thư của Christ. Thật ra không có hai loại thư. Về mặt ngữ pháp, trong những câu này, Phao-lô muốn nói: “Anh em là thư của chúng tôi vì anh em là thư của Christ”. “Được tỏ ra” có nghĩa là điều gì đó hiển nhiên. Là thư của các sứ đồ, người Cô-rin-tô là thư của Christ là điều hiển nhiên. Nhưng cái nào có trước, thư của Christ hay “thư của chúng tôi”? Thư của Christ phải có trước. Chính vì tín đồ là thư của Christ nên họ cũng là thư được viết trong lòng các sứ đồ. Họ là thư của các sứ đồ vì trước hết họ là thư của Christ.
Câu 2 chép: “được viết trong lòng chúng tôi”, và câu 3 chép: “trên bảng lòng bằng thịt”. Câu 2 nói đến lòng của các sứ đồ, trái lại câu 3 nói đến lòng của tín đồ Cô-rin-tô. Một loại thư được viết cả trong lòng các sứ đồ lẫn trong lòng tín đồ. Trong nhiều năm , tôi đã bị bối rối bởi vấn đề này và đã tìm hiểu. Bức thư này được viết ở đâu, trong lòng của các sứ đồ hay trong lòng của tín đồ? Nếu trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ nắm được điểm chính của bài này.
Chúng ta cần thấy rằng cùng một bức thư lại được viết trong lòng của hai loại người: trong lòng của các sứ đồ và trong lòng của tín đồ. Điều này có nghĩa gì? Chắc chắn điều này cho thấy sự hiểu biết của chúng ta về 2 Cô-rin-tô chương 3 có vấn đề. Tuy nhiên, nhận ra một vấn đề là dấu hiệu cho thấy chúng ta là những người nghiên cứu Kinh Thánh đúng đắn. Nếu không tìm thấy bất cứ vấn đề nào khi đọc Lời chứng tỏ chúng ta không đọc Lời cách đúng đắn. Bây giờ, chúng ta đã tìm thấy vấn đề ở đây — một bức thư lại được viết trong lòng của các sứ đồ và tín đồ — chúng ta phải tìm cách giải thích điều đó.
Chức năng của chức vụ giao ước mới không phải là thực hiện công tác; chức năng của chức vụ giao ước mới là viết thư. Dĩ nhiên, đây là hình thái ngôn ngữ. Thường trong những sự dạy dỗ sâu sắc hơn, Phao-lô dùng nhiều ẩn dụ. Khi đến với một lẽ thật sâu hơn, ông có thể dùng một ẩn dụ. Chẳng hạn như trong 2:14, có hai ẩn dụ: thứ nhất là ẩn dụ về các phu tù trong cuộc diễu hành khải hoàn kỷ niệm chiến thắng của Christ; thứ hai là ẩn dụ về những người mang hương rải tri thức tuyệt hảo về Đấng Christ như là hương thơm kết quả là sự chết hoặc sự sống. Bây giờ, trong chương 3, Phao-lô dùng một ẩn dụ khác, ẩn dụ về việc viết thư.
Theo câu 3, thư của Christ được “chẳng phải là bằng mực, bèn là bằng Linh của Đức Chuá Trời hằng sống”. Linh của Đức Chuá Trời hằng sống là chính Đức Chuá Trời hằng sống, không phải là công cụ giống như cây bút để viết, nhưng là chính yếu tố giống như mực, và bằng mực đó, các sứ đồ cung ứng Christ như là nội dung để viết những bức thư sống hầu truyền đạt Christ. Tác giả Thư Tín này không phải là Linh của Đức Chúa Trời; tác giả là các sứ đồ. Linh của Đức Chuá Trời hằng sống là “mực”, là yếu tố, là thể yếu của việc viết. Điều này có nghĩa là Linh của Đức Chuá Trời hằng sống là yếu tố để viết Thư này. Đây là vấn đề rất quan trọng.
Chức vụ của các sứ đồ là viết thư bằng Linh ban-sự-sống như là thể yếu. Các sứ đồ càng cung ứng cho anh em thì họ càng đặt vào trong anh em yếu tố của Linh ban-sự-sống. Chúng ta có thể dùng việc viết mực lên một tờ giấy làm minh hoạ. Chúng ta càng viết trên tờ giấy thì mực càng thêm vào tờ giấy. Cùng một nguyên tắc như vậy, qua chức vụ của các sứ đồ, Linh ban-sự-sống được thêm vào trong tín đồ. Đây là vấn đề rất quan trọng mà tất cả chúng ta cần nhìn thấy.
Trong câu 3, Phao-lô nói rằng thư của Christ được viết “không phải trên bảng đá, nhưng trên bảng lòng bằng thịt”. Là thành phần cấu tạo của lương tâm (phần chủ đạo của linh), tâm trí, tình cảm, và ý chí, lòng của chúng ta là tấm bảng để những bức thư sống của Đấng Christ được viết trên đó bằng Linh sống động của Đức Chúa Trời. Điều này hàm ý rằng Christ được viết vào trong mọi phần của bản thể bề trong của chúng ta bằng Linh của Đức Chuá Trời hằng sống để làm cho chúng ta thành những bức thư sống động của Ngài, hầu cho Ngài có thể được biểu lộ trong chúng ta và người khác có thể đọc được.
Một bức thư được viết cách đúng đắn là viết ở giữa tờ giấy. Chúng ta có thể nói rằng khi viết thì phải viết ở giữa tờ giấy. Khi viết một bức thư, anh em không viết trong góc hay bên lề nhưng viết ở giữa. Nguyên tắc này cũng tương tự như viết thư của Christ trong bản thể chúng ta. Thư này được viết trên phần trung tâm của chúng ta, tức trên lòng của chúng ta, là kết cấu của hồn và lương tâm, phần chủ đạo của linh. Do đó, thư của Christ được viết trên linh và trên hồn chúng ta. Khi các sứ đồ rao giảng Christ hay cung ứng Christ, họ cung ứng Ngài vào trong lòng và linh của tín đồ. Trước hết, là Linh ban-sự-sống, Christ được cung ứng vào trong linh của tín đồ. Điều này có nghĩa là Christ được viết vào trong linh của tín đồ đó. Sau đó, bởi cung ứng thêm nữa, Christ lan rộng từ linh vào trong tâm trí, tình cảm và ý chí. Cuối cùng, Christ sẽ được viết vào trong mọi phần của bản thể bề trong của chúng ta. Những lời trong của Ê-phê-sô chương 3 nói lên việc Christ đang định cư, hoặc lập nhà Ngài trong lòng chúng ta. Việc Christ lập nhà Ngài trong lòng chúng ta tương đương với việc viết Christ khắp nơi trong bản thể bề trong của chúng ta. Việc viết này làm cho một tín đồ trở thành bức thư sống của Christ. Một người như thế biểu lộ Christ trong bất cứ những gì người ấy nói và làm. Người đó trở thành bức thư sống cho người khác đọc. Tất cả tín đồ nên trở thành những bức thư như thế.
Việc viết diễn ra trong lòng chúng ta bởi những chấp sự của giao ước mới có Linh ban-sự-sống bao-hàm-tất-cả như là yếu tố. Yếu tố này thực ra là Đức Chúa Trời đã-trải-qua-tiến-trình. Điều này có nghĩa là chính Đức Chúa Trời Tam-Nhất là Đấng được viết vào trong bản thể chúng ta. Đây là thư được viết bởi những chấp sự của giao ước mới bằng Đức Chúa Trời Tam Nhất đã-trải-qua-tiến-trình là Linh ban-sự-sống. Đức Chúa Trời đang được viết vào trong chúng ta, và kết quả là chúng ta trở thành bức thư của Christ.
Làm thế nào cùng bức thư này lại có thể viết vào trong lòng của các chấp sự của giao ước mới? Điều này không dễ giải thích. Một câu hỏi như thế này chỉ có thể được trả lời theo kinh nghiệm thuộc linh. Không kinh nghiệm đủ, chúng ta không cách gì trả lời được câu hỏi này. Từ kinh nghiệm, chúng ta biết rằng trong khi Phao-lô đang cung ứng Christ vào trong tín đồ Cô-rin-tô, đang viết Christ như là Linh ban-sự-sống vào trong họ thì mọi điều ông đang viết trên họ cũng được viết trong lòng ông. Ngày nay, trong khi chúng ta đang cung ứng Christ cho người khác, tự phát Christ được viết vào trong người mà chúng ta đang cung ứng và cũng viết vào trong chúng ta. Do đó, cùng một hành động viết mà sinh ra hai bản sao của một bức thư. Một bản sao trong lòng chúng ta và một bản sao trong lòng người mà chúng ta đang cung ứng.
Khi Phao-lô đang cung ứng cho tín đồ Cô-rin-tô, việc viết đó vừa diễn ra trong lòng của tín đồ vừa diễn ra trong lòng của chính ông. Như vậy, họ trở thành thư của Christ, và thư này cũng ở trong lòng của tác giả, tức vị sứ đồ. Do đó, cùng một bức thư được viết trong lòng Phao-lô cũng được viết trong lòng tín đồ. Bất cứ nơi đâu Phao-lô đi, bức thư này cũng ở trong ông, vì tín đồ đã trở thành thư của ông. Một mặt, họ là thư của Christ; mặt khác, họ là thư của các sứ đồ được viết trong lòng họ.
Tôi không bao giờ có thể quên những người mà tôi đã cung ứng Christ cho họ. Trong khi tôi đang viết Christ trong họ thì cùng Đấng Christ đó đang được viết trong tôi. Một bức thư đang viết tạo ra hai bản gốc. Tuy nhiên, loại viết thư này không diễn ra trong suốt quá trình rao giảng hời hợt như là rao giảng chung chung giữa vòng Cơ Đốc nhân ngày nay. Rao giảng hời hợt không tạo ra thư. Nhưng chức vụ đầy đủ, đúng đắn luôn luôn viết điều gì đó của Christ cả trong lòng của những người nhận chức vụ lẫn trong lòng của những người cung ứng. Tôi có thể làm chứng rằng trong lòng tôi có nhiều bức thư đã được viết theo cách này.
Trong câu 2 và 3, Phao-lô chỉ ra rằng vì người Cô-rin-tô rõ ràng là thư của Christ nên họ cũng là thư được viết trong lòng các sứ đồ. Vì thế, hai bức thư này được viết một lần. Một lần viết đem lại một kết quả nhị diện: trong lòng các sứ đồ và trong lòng tín đồ.
Các sứ đồ không cung ứng bất cứ điều gì một cách hời hợt, nông nổi. Trái lại, bất cứ những gì họ cung ứng đều đầy dẫy trọng lượng thuộc linh. Do đó, mới có thể được viết trong lòng của tín đồ và cũng trong lòng của họ. Đây là lí do mà các sứ đồ có thể bảo đảm với người Cô-rin-tô rằng các sứ đồ không bao giờ quên người Cô-rin-tô vì tín đồ đã được viết vào trong lòng của các sứ đồ. Hễ các sứ đồ đi đâu, họ cũng đem các tín đồ đi theo họ bằng cách để cho tín đồ được viết trong lòng họ. Vấn đề này rất chủ quan và thuộc về kinh nghiệm. Nó vượt xa vấn đề được gắn kết với nhau vì nó quyện hai lòng lại thành một.
Tôi khích lệ anh em hãy so sánh chức vụ của các sứ đồ với công tác được thực hiện giữa vòng Cơ Đốc nhân ngày nay. Chức vụ của các sứ đồ hoàn toàn là vấn đề trong sự sống và đầy dẫy trọng lượng thuộc linh. Thực ra, chức vụ của họ không phải là một công tác — đó là việc viết thư. Như chúng ta đã thấy, đây là chức năng của chức vụ của giao ước mới. Chúng ta không có đủ ngôn từ để nói về điều này. Có lẽ đây là lí do mà Phao-lô đã dùng ẩn dụ về việc viết thư. Nếu anh em suy gẫm về ẩn dụ này, cầu nguyện về ẩn dụ đó, và tương giao về ẩn dụ đó thì anh em sẽ thấy nhiều hơn và nhận thức được nhiều hơn. Anh em sẽ thấy rằng đây thật sự là chức năng của chức vụ trong Tân Ước.
Đức Chúa Trời không có ý định dùng các chấp sự của Ngài để thực hiện công tác trên quy mô lớn. Chức vụ của các sứ đồ không phải là công tác sản xuất hàng loạt. Sự sống con người không được sản sinh như thế. Để một đứa bé được sinh ra, đứa bé phải phát triển chín tháng trong tử cung của người mẹ. Không có cách nào để đẩy nhanh tiến trình này và để sản sinh hàng loạt con người. Điều này minh hoạ cho sự kiện rằng phương cách của Đức Chúa Trời là phương cách của sự sống, không phải phương cách sản sinh hàng loạt.
Đừng mong rằng sự khôi phục của Chuá sẽ là công tác sản sinh hàng loạt. Có thể một số anh em có quan niệm này. Họ nghĩ rằng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn những người ở đất nước của họ trong sự khôi phục của Chuá sẽ lên tới hàng triệu. Khi Phao-lô đi ra thi hành chức vụ, chúng ta không được bảo rằng có hàng ngàn người đạt được cho Chuá qua chức vụ của ông. Ví dụ như Hội thánh tại Ê-phê-sô nhóm lại trong một nhà. Chính việc Hội thánh nhóm trong một nhà cho thấy rằng số lượng tín đồ không có nhiều. Anh em có nghĩ rằng tín đồ nào đó thời xưa có nhà chứa đến cả ngàn tín đồ không? Chắc chắn không ai sống trong một căn nhà như thế.
Trong 1 Cô-rin-tô 16:8 và 9, Phao-lô nói: “Song tôi sẽ ở lại Ê-phê-sô cho đến ngày lễ Ngũ Tuần; vì một cánh cửa lớn và công hiệu đã mở ra cho tôi, mà cũng có nhiều kẻ đối nghịch”. Khi đọc thấy có một cánh cửa như thế mở ra cho Phao-lô, chúng ta có thể nghĩ rằng hàng ngàn người đang được thêm vào Hội thánh qua chức vụ của ông. Nhưng Hội thánh ở Ê-phê-sô vẫn tiếp tục nhóm trong nhà của A-qui-la và Bê-rít-sin. Thế thì, làm thế nào họ có thể có được một số lượng lớn tín đồ? Tôi đề cập đến điều này để chỉ ra rằng đường lối của Đức Chúa Trời không phải đạt được nhiều người bằng cách sản sinh hàng loạt.
Chúng ta có thể dùng sự lớn lên của những hoa thật đối lại với việc làm hoa giả như một minh hoạ về sự khác nhau giữa cách sản xuất hàng loạt với đường lối sự sống của Đức Chúa Trời. Cần phải có thời gian để những hoa thật lớn lên trong vườn. Nhưng một nhà máy thì có thể sản xuất hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hoa giả trong một ngày. Cũng vậy, để tạo ra một em bé đòi hỏi một tiến trình chậm rãi và lâu dài. Không bà mẹ nào quên được con mình sinh ra, vì đứa con đó là một phần của chính bản thể bà. Đây là những gì chúng ta muốn nói theo đường lối sự sống.
Lời của Phao-lô về việc viết thư hàm ý rằng đường lối của Đức Chúa Trời là đường lối sự sống. Thật ra, tín đồ không chỉ được viết trong lòng của ông — họ được ghi khắc trong lòng ông. Vì thế, Phao-lô không bao giờ quên họ. Việc ghi khắc này là bởi sự sống, bởi phương tiện của Linh ban-sự-sống.
B. Khả Năng Của Chức Vụ
Ai có đủ phẩm chất để viết những bức thư sống này của Christ? Chỉ có Đức Chúa Trời mới đủ tư cách làm điều này. Đó phải là Đức Chúa Trời trong chúng ta, Đấng đang viết thư. Trong chính mình, chúng ta không xứng đáng trong vấn đề này. Không có chỗ cho những gì chúng ta là trong chính mình hoặc cho những gì chúng ta có thể làm trong chính mình. Chúng ta cần Đức Chúa Trời Tam-Nhất cấu tạo vào trong bản thể chúng ta. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể trở thành một người viết thư như thế.
Tôi không ở đây chỉ để rao giảng phúc âm hoặc dạy Kinh Thánh. Gánh nặng của tôi là viết những bức thư sống của Christ. Nếu tôi là loại người viết thư này, tôi phải là một với người được cấu tạo Đức Chúa Trời Tam-Nhất. Khi đó, thật ra, tôi không sẽ không phải là người viết thư mà chính Đức Chúa Trời Đấng được cấu tạo trong tôi mới là thật sự là người viết thư. Là người viết thư, Ngài sẽ viết chính Ngài vào trong tín đồ.
Trong câu 4 và 5, Phao-lô nói: “Vả, chúng tôi nhờ Đấng Christ mà có lòng tin chắc đối với Đức Chúa Trời thể nầy: không phải tự mình chúng tôi có đủ tư cách mà tính toán việc gì như bởi chúng tôi, nhưng tư cách của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời”. Ở đây, chúng ta thấy rằng chính Đức Chuá Trời hằng sống là thẩm quyền, là khả năng và phẩm chất của chức vụ của các sứ đồ cho gia tể Tân Ước của Đức Chúa Trời hầu ban phát Christ vào trong những người được chọn của Đức Chúa Trời để xây dựng Thân Thể Đấng Christ. Chính chúng ta thì không xứng đáng, và những gì chúng ta có thể làm cũng không xứng đáng. Chỉ có Đức Chúa Trời Tam-Nhất được cấu tạo bên trong chúng ta mới đủ khả năng thực hiện công tác viết những bức thư sống của Christ.
Về Đức Chúa Trời, Phao-lô nói trong câu 6 rằng “Ngài cũng đã khiến chúng tôi có đủ tư cách để làm chấp sự của giao ước mới, chẳng phải giao ước bằng văn tự, bèn là bằng Linh; vì văn tự làm cho chết, còn Linh làm cho sống”. Chữ “khiến” tiếng Hy Lạp cũng có nghĩa là làm cho có thể, làm cho có đủ phẩm chất, được làm cho có đủ khả năng. Cụm từ “chẳng phải bằng văn tự” bổ nghĩa cho những chấp sự chứ không bổ nghĩa cho giao ước. Bằng chữ “văn tự”, ở đây Phao-lô muốn nói đến bộ luật thành văn của kinh luật. Linh là Linh của Đức Chuá Trời hằng sống mà bởi Linh đó các sứ đồ cung ứng Christ vào trong tín đồ làm cho họ thành những bức thư sống của Ngài. Chức vụ sứ đồ trong Tân Ước không phải là văn tự chết giống như chức vụ Môi-se trong Cựu Ước, nhưng thuộc về Linh hằng sống, Đấng ban sự sống.
Trong câu 6, Phao-lô bảo chúng ta rằng văn tự làm cho chết, nhưng Linh ban sự sống. Văn tự làm cho chết là văn tự của kinh luật, chỉ đòi hỏi con người chứ không thể cung ứng cho con người sự sống (Ga.3:21). Vì con người không có khả năng hoàn thành những đòi hỏi của văn tự nên văn tự của kinh luật giết chết con người (La. 7:9-11). Là sự biểu lộ chung cuộc của Đức Chúa Trời Tam-nhất đã-trải-qua-tiến-trình, Linh truyền sự sống thần thượng, thậm chí chính Đức Chúa Trời, vào trong các sứ đồ và tất cả những tín đồ khác, làm cho họ thành những chấp sự của giao ước mới, tức giao ước của sự sống. Do đó, chức vụ của họ là chức vụ được cấu tạo Đức Chúa Trời Tam-Nhất của sự sống bởi Linh ban-sự-sống của Ngài.
--