Thứ Hai, 16 tháng 10, 2017

--2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 27



CHỨC VỤ CỦA LINH LÀ CUNG ỨNG SỰ SỐNG VÀ CHỨC VỤ CỦA SỰ CÔNG CHÍNH LÀ BIỂU LỘ ĐỨC CHÚA TRỜI (1)
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô. 3:8-9, 18; 5:21; Côl. 3:10; 1 Cô. 1:30; 15:34; La. 8:2,4; 14:17; Phil. 1:19; 3:9; Khải. 19:7-8; Êph. 4:24; Mat. 5:6, 10, 20.
Chức vụ của giao ước mới là vấn đề hết sức trọng đại. Chức vụ ấy bao gồm toàn bộ 27 Sách Tân Ước. Trong những bài trước, chúng ta đã thấy từ chương 3 Sách 2 Cô-rin-tô rằng trong thời Cựu Ước chỉ có một chức vụ, tức chức vụ mà 2 Cô-rin-tô chương 3 gọi là chức vụ của sự chết và sự định tội. Tuy nhiên, Cơ Đốc nhân thường cho rằng trong Cựu Ước có ba loại chức vụ: chức vụ tế lễ, chức vụ vương quyền và chức vụ tiên tri. Cơ Đốc nhân có quan niệm này vì Cựu Ước nói về ba tầng lớp—thầy tế lễ, vua và tiên tri. Vì ba loại người này có thể được tìm thấy trong Cựu Ước nên nhiều nhà nghiên cứu và các giáo sư Kinh Thánh đã nghĩ rằng trong Cựu Ước có ba loại chức vụ.
Phao-lô đã xem toàn bộ Cựu Ước là kinh luật. Trong 1 Cô-rin-tô 14:21, ông nói: “Trong kinh luật có chép rằng: ‘Chuá phán: Ta sẽ nhờ đầu lưỡi người lạ và môi miệng kẻ xa mà phán cho dân này, dầu vậy họ chẳng nghe Ta’”. Trong câu này, Phao-lô trích một phần từ Sách Ê-sai. Dù Ê-sai là một tiên tri, nhưng Phao-lô nói đến Sách Ê-sai là kinh luật. Điều này cho thấy rằng các Sách tiên tri cũng được xem là một phần của kinh luật. Thật ra, toàn bộ Cựu Ước đều được xem là kinh luật. Đây là bằng chứng cho thấy rằng trong thời Cựu Ước, có một chức vụ duy nhất. Đây là chức vụ của giao ước cũ, tức chức vụ của sự chết và sự định tội.

CHỨC VỤ DUY NHẤT TRONG TÂN ƯỚC
Trong Tân Ước cũng có một chức vụ duy nhất. Tất cả mười hai sứ đồ đều có cùng chức vụ duy nhất này. Sau khi Giu-đa phản Chuá và tự tử, Phi-e-rơ đứng dậy nói rằng Giu-đa đã được kể vào chung với họ và “đã đạt được phần của chức vụ này” (Công. 1:17). Sau đó, họ đã cầu nguyện để Chuá chỉ ra ai là người Chuá chọn “dự phần chức vụ này và chức sứ đồ” (c. 25). Điều này cho thấy rằng tất cả các sứ đồ đều có cùng một chức vụ. Không phải Phi-e-rơ có một chức vụ, Giăng có một chức vụ khác, và Gia-cơ có một chức vụ khác nữa. Nếu vậy thì mười hai sứ đồ có mười hai chức vụ khác nhau. Không, họ chỉ có một chức vụ, là chức vụ duy nhất. Cuối cùng, Chuá dấy lên nhiều sứ đồ hơn. Người nổi bật nhất trong số họ là Phao-lô. Phao-lô và đồng công của ông cũng có cùng một chức vụ, chức vụ duy nhất của giao ước mới. Do đó, trong Tân Ước có nhiều sứ đồ nhưng chỉ có một chức vụ. Chức vụ giao ước mới này là chức vụ của Linh và của sự công chính.
Qua nhiều thế kỷ, chỉ có hai chức vụ: chức vụ giao ước cũ và chức vụ giao ước mới. Tuy nhiên, giữa vòng Cơ Đốc nhân ngày nay có nhiều chức vụ khác nhau. Lí do Cơ Đốc nhân bị chia rẽ thành nhiều nhóm và nhiều giáo phái là họ đã phát minh ra nhiều loại chức vụ khác nhau. Mỗi giáo phái có chức vụ riêng của giáo pháo đó. Tân Giáo có chức vụ Tân Giáo, Giám Lí có chức vụ Giám Lí, Báp-tít, Trưởng Lão, Ngũ Tuần, mỗi nhóm đều có chức vụ riêng.
Ngày nay, một số người tự cho mình là thoáng, muốn ôm lấy tất cả những loại chức vụ khác nhau để chứng tỏ rằng họ không hẹp hòi, bè phái hay chia rẽ. Họ muốn bao-hàm-tất-cả và nhận những chức vụ từ Công Giáo, Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, các giáo phái Cải Chánh, và tất cả các nhóm độc lập. Điều này đi ngược với chức vụ giao ước mới, là chức vụ duy nhất. Chức vụ giao ước mới là duy nhất trong bản chất, trong thể yếu, trong chức năng, và trong mục đích.
Chúng ta ở trong loại chức vụ nào? Cụ thể là anh em có chức vụ gì? Chắc chắn không ai trong chúng ta muốn nói rằng chúng ta ở trong chức vụ giao ước cũ của sự chết và sự định tội. Anh em có ở trong chức vụ Công Giáo, Chính Thống Hy Lạp hay một trong những giáo phái Cải Chánh không?
Những người có chức vụ Báp-Tít chắc chắn nhấn mạnh đến báp-têm trầm mình. Những người trong chức vụ Tân Giáo chắc chắn sẽ ủng hộ Giám mục. Cũng vậy, những người có chức vụ Trưởng Lão sẽ ủng hộ sự quản trị của trưởng lão. Những người ở trong các giáo phái này thực hành những chức vụ như thế. Hơn nữa, các giáo phái này đã được thiết lập để thực hiện những chức vụ như thế. Ngũ Tuần cũng có loại chức vụ riêng của họ, tức chức vụ nhấn mạnh đến việc nói tiếng lạ, chữa bệnh, và làm phép lạ. Nhưng không có chức vụ nào trong những chức vụ này là chức vụ duy nhất của giao ước mới. Có phải chức vụ của giao ước mới là chức vụ báp-têm trầm mình không? Hay là chức vụ của giám mục, trưởng lão hay nói tiếng lạ? Chắc chắn câu trả lời là không. Chức vụ giao ước mới hoàn toàn là chức vụ của Linh và của sự công chính. Đây là chức vụ duy nhất trong Tân Ước.
Khi nói chức vụ giao ước mới là duy nhất, chúng ta không có ý nói rằng đó là chức vụ của chỉ một người. Ví dụ, thật là vu khống khi buộc tội tôi về việc nói rằng chức vụ duy nhất ngày nay là chức vụ của Witness Lee. Chúng ta không nói vậy, và chúng ta không có ý nói vậy. Bởi chức vụ duy nhất, tức chức vụ giao ước mới, ý chúng ta muốn nói đến chức vụ của Linh và của sự công chính. Ai cung ứng Linh và sự công chính cho người khác là người ở trong chức vụ duy nhất, dù người đó là ai. Phi-e-rơ, Giăng, Gia-cơ, Phao-lô, Ti-mô-thê, Tít, A-pô-lô—tất cả đều có cùng một chức vụ. Chấp sự thì nhiều, nhưng chức vụ là duy nhất. Hễ khi nào anh em cung ứng Linh và sự công chính cho người khác thì anh em ở trong chức vụ duy nhất này.
Nhiều lần, có người hỏi tôi như vầy: “Anh Lee, anh nói rằng chức vụ là duy nhất. Điều này có nghĩa là chỉ có một chức vụ. Khi anh nói có một chức vụ thì đó là chức vụ duy nhất, vậy anh có ý muốn nói rằng chức vụ của anh là chức vụ duy nhất này không?” Những người hỏi tôi như vậy có lẽ có quan niệm rằng tôi tự nghĩ mình là người như Joseph Smith, nhà sáng lập giáo phái Mormon. Tôi luôn luôn trả lời câu hỏi này bằng cách nói rằng “Không, tôi quả quyết không có ý nói rằng chức vụ của tôi là chức vụ duy nhất”.
Người khác có thể tiếp tục hỏi rằng liệu chúng ta có chấp nhận tất cả các chức vụ không. Câu trả lời là chúng ta không chấp nhận tất cả các loại chức vụ khác nhau. Sau đó có thể một vài người khác nói: “Một mặt, anh em nói rằng chức vụ của anh em không phải là chức vụ duy nhất. Mặt khác, anh em không chấp nhận tất cả các chức vụ. Vậy thì, anh em thực hành chức vụ như thế nào?” Vì những người hỏi câu hỏi này có thể thiếu kiến thức và cũng có thể bị ảnh hưởng nặng nề của quan niệm truyền thống, nên không dễ giải thích cho họ vấn đề này. Tôi có thể nói với chính mình rằng “Tôi chỉ là những gì tôi là. Nhưng anh em bị mê hoặc và không thể hiểu những gì Tân Ước nói về chức vụ”. Chức vụ của giao ước mới là duy nhất; đó là chức vụ của Linh và của sự công chính. Dù chúng ta không chấp nhận tất cả những loại chức vụ khác nhau nhưng chúng ta chấp nhận chức vụ của bất kỳ ai thật sự cung ứng Linh và sự công chính.
Điều mà tôi đang nói trong bài này về chức vụ là điều gì đó mới và cũng là điều gì đó cũ. Cũ vì chức vụ đã tồn tại cách đây gần hai ngàn năm. Mặt khác, mới vì chức vụ là vấn đề đã bị mất và được khôi phục. Chúng ta cảm tạ Chuá vì Ngài đã khôi phục lẽ thật về chức vụ. Chúng ta cảm tạ Ngài vì Ngài đã bày tỏ cho chúng ta từ 2 Cô-rin-tô chương 3 rằng trong Kinh Thánh có hai chức vụ: chức vụ giao ước cũ—chức vụ của sự chết và của sự định tội; và chức vụ giao ước mới—chức vụ của Linh và của sự công chính.
Là một Cơ Đốc nhân, hoặc là một người tự cho là mình có một loại chức vụ nào đó, anh em có loại chức vụ gì? Nếu anh em không ở trong chức vụ của giao ước mới, tức là trong chức vụ cung ứng Christ là Linh ban-sự-sống và sự công chính cho người khác, thì anh em phải nói cho chúng tôi anh em có loại chức vụ gì. Anh em ở trong chức vụ gì? Nếu anh em không ở trong chức vụ của Linh và của sự công chính và cũng không ở trong chức vụ của sự chết và sự định tội thì anh em ở trong chức vụ nào? Một số người có thể nói rằng họ có chức vụ rao giảng phúc âm. Câu trả lời này không thoả đáng. Anh em nên nói rằng chức vụ rao giảng phúc âm của anh em là một phần của chức vụ giao ước mới duy nhất mà trong đó anh em cung ứng Christ cho người khác như là Linh và sự công chính. Đừng nói chúng ta có chức vụ rao giảng phúc âm thì tốt hơn. Đúng ra, chúng ta nên nói rằng việc rao giảng phúc âm là một phần của chức vụ Tân Ước duy nhất.
LINH LÀ SỰ CUNG ỨNG SỰ SỐNG
Một số Cơ Đốc nhân xem chức vụ của Linh chủ yếu là quyền năng. Họ mong rằng khi họ nói trong quyền năng của Linh thì nhiều người sẽ được Chuá bắt lấy. Nhưng chức vụ của Linh trong 2 Cô-rin-tô chương 3 là chức vụ của Linh như là sự sống và sự cung ứng sự sống. Nền tảng để tôi nói điều này được tìm thấy trong câu 6, tại đó Phao-lô nói rằng Đức Chúa Trời “đã khiến chúng tôi có đủ phẩm chất để làm chấp sự của giao ước mới, chẳng phải giao ước bằng văn tự, bèn là bằng Linh; vì văn tự làm cho chết, còn Linh làm cho sống”. Ở đây, Phao-lô không nói rằng Linh ban quyền năng, trình diễn phép lạ, hoặc truyền đạt ân tứ. Ông tuyên bố rằng Linh ban sự sống. Ở chỗ khác trong chương này, Linh cũng liên hệ đến sự sống chứ không phải quyền năng, ân tứ, hay phép lạ.
Sự hiểu biết này về Linh là sự cung ứng sự sống được xác quyết bởi lời của Phao-lô trong Phi-líp 1:19: “Vì tôi biết rằng nhờ sự cầu nguyện của anh em và nhờ sự ban trợ Linh của Jesus Christ (sự cung ứng dồi dào của Linh Jesus Christ), thì điều nầy sẽ trở nên phương giải cứu (sự cứu rỗi) cho tôi”. Trong câu này, Phao-lô không nói quyền năng dồi dào hay khả năng dồi dào. Đúng ra, ông nói sự cung ứng dồi dào của Linh.
Tôi nhấn mạnh điểm này vì nhiều Cơ Đốc nhân có quan niệm sai lầm về Linh và nghĩ rằng Linh chủ yếu là nguồn của quyền năng, khả năng, hay tác động. Ví dụ, một số nhóm nhấn mạnh đến điều được gọi là “bị giết chết trong Linh”. Có một người nữ đặc biệt nổi tiếng trong vấn đề này. Đó có phải là Linh như là sự cung ứng sự sống không? Chắc chắn không.
Không lâu sau khi tôi bắt đầu cung ứng ở đất nước này vào năm 1962, người ta mời tôi nói chuyện với một nhóm Cơ Đốc ở San Diego. Một số người ở đó khích lệ tôi đi đến một nơi nào đó ở Texas là nơi có nhiều phép lạ được cho là đang xảy ra. Người ta quả quyết rằng theo phép lạ, răng của người nào đó đã được trám vàng và những người khác đang tham dự buổi nhóm thậm chí đã ngửi thấy mùi vàng. Tuy nhiên, khi tôi hỏi họ, họ không thể xác nhận lời tường thuật đó. Hơn nữa, tôi bảo họ rằng nếu một điều như thế thật sự xảy ra thì nó sẽ được tường thuật trên báo. Tôi nói tiếp rằng nếu Đức Chúa Trời muốn trám răng chúng ta thì tại sao Ngài không phục hồi răng theo cách đúng đắn mà phải dùng vàng? Đức Chúa Trời của chúng ta chắc chắn không bao giờ chữa răng chúng ta bằng cách trám vàng. Đừng nghe những lời đồn đại như thế.
Trong 2 Cô-rin-tô, Phao-lô không nói về ân tứ hay phép lạ, nhưng ông nói Linh ban sự sống. Chẳng hạn như trong 1 Cô-rin-tô, Phao-lô đề cập đến nói việc tiếng lạ với ý định giới hạn sự thực hành này trong các buổi nhóm Hội thánh. Nhưng trong 2 Cô-rin-tô, ông không nói gì về việc nói tiếng lạ. Điểm nhấn mạnh trong Sách này là Linh như là sự cung ứng sự sống. Chức vụ của giao ước mới là vấn đề Linh như là sự cung ứng bề trong và sự công chính là sự biểu lộ của Đức Chúa Trời bề ngoài.
CHỨC VỤ CỦA SỰ CÔNG CHÍNH
Trong 2 Cô-rin-tô 3:8, Phao-lô nói đến chức vụ của Linh, và trong câu 9, ông nói đến chức vụ của sự công chính. Chúng ta có thể hiểu chức vụ của Linh, còn chức vụ của sự công chính là gì? Anh em có biết ý Phao-lô muốn nói gì qua điều này không? Cách đây nhiều năm, tôi đã không thể hiểu ý Phao-lô muốn nói gì qua [cụm từ] chức vụ của sự công chính. Tôi nghĩ rằng qua chức vụ của sự công chính, ý ông muốn nói là chức vụ của sự xưng nghĩa, vì trong chương này, dường như có một sự so sánh giữa sự định tội và sự xưng nghĩa, tức là điều đối nghịch với sự định tội. Nhưng thay vì nói sự xưng nghĩa, ở đây Phao-lô nói sự công chính. Nếu ông nói rằng chức vụ của giao ước mới là chức vụ của sự xưng nghĩa thì dễ hiểu ý của ông. Lập tức, chúng ta thấy rằng chức vụ của kinh luật là để định tội: tức là chức vụ của sự định tội. Nhưng chức vụ giao ước mới là để xưng nghĩa mọi người: đây là chức vụ của sự xưng nghĩa. Vì Phao-lô nói trong 2 Cô-rin-tô chương 3 rằng chức vụ của giao ước mới là chức vụ của sự công chính, chứ không phải chức vụ của sự xưng nghĩa nên chúng ta phải cố hiểu ý ông. Chắc chắn rằng đây là một vấn đề rất có ý nghĩa: chức vụ của giao ước mới là chức vụ của Linh và của sự công chính.
Nếu hiểu chức vụ của sự công chính là gì, trước hết chúng ta phải có sự hiểu biết đúng đắn về sự công chính. Sự công chính là vấn đề đúng đắn. Khi chúng ta có Linh sống động, chuyển động và hành động trong chúng ta theo cách thực tế và có thật, tự phát chúng ta đúng đắn với Đức Chúa Trời, với người khác, và với chính mình. Sự hiểu biết về sự công chính như thế là đúng, nhưng chưa đủ. Vì thế, chúng ta phải tiếp tục xem điều gì đó thêm nữa về sự công chính.
TỈNH NGỘ CÁCH CHÁNH ĐÁNG
Trong 1 Cô-rin-tô 15:34, Phao-lô nói: “Hãy tỉnh ngộ mà ăn ở chánh đáng, chớ phạm tội; vì có kẻ không nhận biết Đức Chúa Trời”. Trong câu này, tỉnh ngộ là ý thức về sự tỉnh táo khỏi tình trạng say sưa. Đó là dừng tình trạng say sưa lại một cách chánh đáng. Người nào mê ngủ thuộc linh thì không đúng đắn với Đức Chúa Trời, với người khác, với chính mình, hoặc với Hội thánh. Ngữ cảnh của câu này là Phao-lô nói về sự phục sinh. Nói rằng không có sự phục sinh là xúc phạm Đức Chúa Trời và con người, và đó là tội. Do đó, vị sứ đồ khuyên người Cô-rin-tô mê muội hãy thức tỉnh khỏi tội này để được đúng đắn với Đức Chúa Trời và con người. Họ bị say một cách không chánh đáng trong tình trạng say sưa của tà giáo nói rằng không có sự phục sinh. Họ cần phải ngưng không còn ở trong tình trạng đó nữa.
Nhận lấy tư tưởng tà giáo không có sự phục sinh là cho phép bản ngã của một người bị đê mê, bị đặt vào trong tình trạng nghiện ngập. Đây cũng là tình trạng mê ngủ. Những người ở trong tình trạng nghiện ngập như thế đều nói một cách vô nghĩa về sự phục sinh. Kết quả là họ không đúng đắn với Đức Chúa Trời, với Hội thánh, và với chính họ. Đúng ra, họ đã xúc phạm Đức Chúa Trời, xúc phạm Hội thánh và thậm chí là xúc phạm người khác trong gia đình họ. Những người nghiện ngập thường gây rắc rối mà không biết. Do đó, Phao-lô khuyên người Cô-rin-tô tỉnh ngộ, tỉnh táo một cách chánh đáng.
Tỉnh ngộ cách chánh đáng có ý nghĩa gì? Điều đó có nghĩa là tỉnh ngộ theo cách chúng ta đúng đắn với Đức Chúa Trời, với người khác, và với chính mình. Một tín đồ tỉnh ngộ cách chánh đáng sẽ đúng đắn với vợ mình, với con cái mình, với hàng xóm láng giềng, với tất cả thánh đồ, với Hội thánh, và cũng với chính mình nữa. Ai không đúng đắn trong tất cả những cách này đều đang ở trong tình trạng đê mê.
KINH NGHIỆM CHỨC VỤ CỦA LINH TRONG NẾP SỐNG HỘI THÁNH
Nếu chúng ta không có chức vụ giao ước mới thì chúng ta không có Linh, và không có sự công chính. Trước khi bước vào nếp sống Hội thánh và nhận lãnh chức vụ trong sự khôi phục của Chuá, anh em đã kinh nghiệm bao nhiêu về Linh là sự cung ứng sự sống trong anh em? Dĩ nhiên, là một người được cứu, anh em có Linh cư ngụ bên trong. Nhưng có lẽ anh em không ý thức nhiều rằng Linh đang sống động, hành động, thực tế và có thật trong anh em. Nhiều người trong chúng ta có thể làm chứng rằng sau khi bước vào nếp sống Hội thánh, chúng ta bắt đầu nhận thức có điều gì đó bên trong chúng ta đang sống, thực tế, và có thật. Đây là Linh trong chúng ta đang hành động, đang làm cho chúng ta vui mừng, bình an và yên nghỉ. Đây là Linh của sự sống được cung ứng bên trong chúng ta như là sự cung ứng sự sống bởi chức vụ trong sự khôi phục của Chuá.
Trước khi anh em kinh nghiệm Linh theo cách này, có lẽ anh em rất dễ tranh cãi với vợ, chị em dễ tranh cãi với chồng. Nhưng nếu anh chị em kinh nghiệm Linh là sự cung ứng sự sống của mình thì điều gì đó bên trong sẽ ngăn cản anh chị em khi muốn cãi nhau. Chẳng hạn, một chị em có thể nổi nóng đổ lỗi cho chồng mình, nhưng sâu bên trong, chị nhận biết rằng chị nên bước vào phòng và cầu nguyện. Kinh nghiệm này đến từ Linh là sự cung ứng sự sống được cung ứng vào trong chúng ta qua chức vụ giao ước mới.
Có lẽ trong một buổi nhóm Hội thánh, không có một lời nào nói về Linh là sự cung ứng sự sống. Có thể anh em không ý thức về Linh đang được cung ứng vào trong anh em. Nhưng dù không ai nói gì về điều này thì thực tế trong buổi nhóm, Linh vẫn được cung ứng vào trong anh em. Có một chức vụ trong sự khôi phục ghi khắc Đức Chúa Trời Tam Nhất đã-trải-qua-tiến-trình là Linh ban-sự-sống vào trong bản thể chúng ta.
Thường thì trong các buổi nhóm Hội thánh, chúng ta nhận sự cung ứng của Linh mà không ý thức về sự kiện này. Tôi có thể làm chứng rằng nhiều lần khi tôi trở về nhà sau buổi nhóm cảm thấy có điều gì đó không vui. Dường như tôi tức giận mọi người và mọi sự. Tuy nhiên, có điều gì đó trong tôi đang chuyển động và sống động. Đây là Linh ban-sự-sống mà tôi đã kinh nghiệm trong buổi nhóm. Thậm chí khi chúng ta giận dữ hoặc không vui thì Linh này vẫn hành động trong chúng ta. Nếu xoay lại với Chuá và nói: “Ô Chuá”, thì sự không vui hoặc sự giận dữ của chúng ta sẽ bị nuốt mất. Điều này đến từ Linh ban-sự-sống Đấng đã được cung ứng vào trong chúng ta mà chúng ta không ý thức về điều đó.
Vì tôi nhận lãnh sự cung ứng của Linh ban-sự-sống trong các buổi nhóm Hội thánh nên tôi hiếm khi bỏ lỡ một buổi nhóm nào. Đối với tôi, vấn đề không phải là ai nói trong một buổi nhóm cụ thể. Ao ước duy nhất của tôi là ở trong buổi nhóm và nhận lãnh sự cung ứng. Đặc biệt, tôi vui hưởng buổi nhóm cầu nguyện của Hội thánh ở Anaheim. Trong suốt buổi nhóm đó, tôi được truyền dẫn và được dầm thấm Linh. Sau đó, dường như mọi sự là vàng và trong tôi cây sự sống đang mọc lên và dòng sông sự sống đang tuôn chảy. Dù không có bài giảng và thậm chí không có lời khích lệ nào nhưng Linh ban-sự-sống vẫn được cung ứng vào trong bản thể tôi. Nhiều người trong chúng ta có thể làm chứng về kinh nghiệm này.
TRỞ NÊN CÔNG CHÍNH
Là kết quả của việc kinh nghiệm Linh sống động và đang hành động trong chúng ta, chúng ta trở nên công chính. Tự nhiên, bản thể bề trong của chúng ta trong suốt, trong sáng như pha lê và chúng ta biết được lòng của Đức Chúa Trời. Ngay lập tức, không phải nỗ lực, chúng ta biết tâm ý của Chuá và hiểu rõ về ý chỉ và công tác của Ngài. Khi đó, điều chúng ta làm là theo tâm ý và ý chỉ của Chuá. Đây là sự công chính.
Nhiều Cơ Đốc nhân quan niệm rằng khi làm điều gì đó sai thì chúng ta không đúng đắn với Đức Chúa Trời. Quan niệm về sự công chính này hết sức hời hợt. Ngay cả khi chẳng làm gì sai thì chúng ta vẫn không thể đúng đắn với Đức Chúa Trời, vì bản thể chúng ta không thể ở trong tâm trí và ý chỉ của Chuá. Có vẻ như chúng ta không sai gì cả, tuy nhiên, toàn bản thể chúng ta có thể kém xa để được đúng đắn với Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể theo tâm ý của Chuá, và những gì chúng ta đang làm không thể là ý chỉ của Ngài. Hễ khi nào không làm theo ý chỉ của Ngài thì chúng ta không đúng đắn. Thay vì thế, chúng ta đang phung phí đời sống và mọi sự mà Chuá ban cho chúng ta.
Giả sử một người trẻ đang đi học, chẳng làm gì sai cả, anh chỉ không chịu học hành. Hơn nữa, khi ngồi trong lớp, anh không tập trung. Cho dù anh chẳng làm gì sai cả nhưng anh còn sai hơn những sinh viên khác. Bên ngoài có thể anh không sai, nhưng bên trong toàn bản thể anh đều sai. Cùng một nguyên tắc như vậy, bên ngoài, nhiều thánh đồ chẳng sai gì cả. Thật ra, bản thể của họ không ở trong ý chỉ của Chuá. Sự hiểu biết này về việc đúng đắn với Đức Chúa Trời không chỉ theo giáo lí, mà hơn thế nữa là theo kinh nghiệm.
Nếu được truyền dẫn và được dầm thấm bởi Linh ban-sự-sống thì bản thể bề trong của anh em sẽ trở nên trong suốt. Khi đó, anh em sẽ biết những gì trong tâm ý của Chuá. Anh em cũng sẽ hiểu ý chỉ của Chuá là gì. Tự nhiên, anh em sẽ ở trong ý chỉ Ngài và thực hiện ý chỉ Ngài. Kết quả là, anh em đúng đắn với Ngài. Hơn nữa, anh em sẽ nhận biết anh em nên hành động đối với người khác như thế nào và thậm chí anh em nên quản lí của cải vật chất của anh em như thế nào. Khi đó, anh em sẽ trở thành một người công chính, tức là một người đúng đắn trong việc nhỏ cũng như việc lớn, một người đúng đắn với Đức Chúa Trời, với người khác và với chính mình. Đây là người biểu lộ Đức Chúa Trời vì sự công chính của người đó là hình ảnh của Đức Chúa Trời