Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

2 CÔ-RIN-TÔ BÀI 42



CHẤP SỰ GIAO ƯỚC MỚI (11)
Đọc Kinh Thánh: 2 Cô-rin-tô 6:1-13
Nhiều giáo sư Kinh Thánh xem 2 Cô-rin-tô chương 6 như thể tách biệt khỏi chương 5. Họ không chỉ ra được chương 5 và chương 6 liên kết với nhau như thế nào. Thật ra, chương 6 là sự giải thích của chương 5.
TRỞ THÀNH SỰ CÔNG CHÍNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Chúng ta đã thấy rằng trong chương 5, các sứ đồ đã nhận chức vụ giải hoà để đem dân của Đức Chúa Trời, chứ không chỉ là tội nhân, đem trả lại trong chính Đức Chúa Trời để họ có thể trở thành sự công chính của Đức Chúa Trời trong Christ. Các sứ đồ đã được uỷ thác chức vụ này để đem dân của Đức Chúa Trời vào trong Ngài và làm cho họ làm một với Ngài cách hữu cơ. Khi được đem vào trong Đức Chúa Trời theo cách này, chúng ta trở thành sự công chính của Đức Chúa Trời.
Vì sự công chính là một thuộc tính của Đức Chúa Trời nên trở thành sự công chính của Đức Chúa Trời trong Christ là trở thành thuộc tính thần thượng này. Theo ý nghĩa này, chúng ta trở thành những gì Đức Chúa Trời là. Đức Chúa Trời là sự công chính, và trong Christ chúng ta trở thành sự công chính của Đức Chúa Trời, một thuộc tính của những gì chính Đức Chúa Trời là. Kỳ diệu biết bao! Đây là mục đích của sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời và mục tiêu của gia tể Ngài. Gia tể của Đức Chúa Trời trong việc cứu chúng ta là làm cho chúng ta thành sự biểu lộ của Đức Chúa Trời, thậm chí là một trong những thuộc tính của Ngài. Điều này được khải thị trong chương 5 Sách 2 Cô-rin-tô.

CẦN ĐƯỢC GIẢI HOÀ HƠN NỮA
Phao-lô nhận biết rằng mô tả của ông về sự giải hoà trong chương 5 liên quan đến điều gì đó rất sâu sắc. Vì thế, trong chương 6, ông giải thích thêm rằng sự giải hoà trong chương 5 tương đương với sự cứu rỗi trọn vẹn. Vì lí do này, trong 6:2, ông nói sự giải hoà là sự cứu rỗi. Sự cứu rỗi ở đây không phải là sự cứu rỗi tội nhân mà là sự cứu rỗi những người đã được giải hoà với Đức Chúa Trời một nửa. Những người đã được giải hoà với Đức Chúa Trời một phần cần được giải hoà hơn nữa, cần được cứu rỗi hơn nữa.
Tất cả chúng ta đều có thể tuyên bố một cách quả quyết rằng chúng ta đã được cứu. Tuy nhiên, có thể chúng ta vẫn chưa được cứu trọn vẹn. Do đó, chúng ta cần hạ mình trước mặt Chuá và cầu nguyện: “Ô Chuá, con cảm ơn Ngài vì bởi sự thương xót và ân điển mà Ngài đã cứu con. Nhưng, Chuá ôi, con vẫn chưa được cứu hoàn toàn. Con cần nhiều sự cứu rỗi của Ngài hơn nữa”.
Một số tín đồ đã được cứu khá nhiều . Tuy nhiên, những người khác mới chỉ được cứu một ít. Trong những bài này, tôi có gánh nặng rằng tất cả chúng ta cần được cứu ở mức độ nhiều hơn. Tôi quan tâm đến tỷ lệ sự cứu rỗi của anh em. Anh em đã được cứu đến mức độ nào? Có số người ở dưới chức vụ này nhiều năm nhưng vẫn chỉ có sự cứu rỗi rất giới hạn. Hơn nữa, tỷ lệ sự cứu rỗi của họ gia tăng chậm. Ý tôi ở đây là sự giải hoà và sự cứu rỗi là vấn đề về cấp độ. Điều này đặc biệt đúng về sự giải hoà. Tôi hi vọng rằng mức độ giải hoà của chúng ta vào trong Đức Chúa Trời sẽ gia tăng nhanh chóng.
Điều chúng ta có trong chương 6 là tiến trình có liên quan đến sự cứu rỗi. Theo văn mạch, được cứu (6:2) chỉ là được giải hoà với Đức Chúa Trời.
Khi nào những phần nào đó của chúng ta chưa được cứu thì trong những phần đó của bản thể chúng ta có một sự trái ngược giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Một từ chính xác hơn để mô tả điều này là tình trạng thù nghịch. Trong La-mã chương 8, Phao-lô nói tâm trí đặt vào xác thịt là chống nghịch với Đức Chúa Trời. Nhưng tâm trí đặt vào linh là sự sống và bình an (La. 8:6). Khi ở trong linh, chúng ta có sự sống và cũng có sự bình an. Bình an là dấu hiệu cho thấy rằng chúng ta được phục hoà với Đức Chúa Trời. Hễ khi có điều gì đó bên trong chúng ta thiếu sự bình an thì phần đó của chúng ta thù nghịch với Đức Chúa Trời. Điều này cho thấy rằng ít nhất trong một số vấn đề nào đó, chúng ta chưa được giải hoà với Đức Chúa Trời, vì trong những vấn đề này, không có sự bình an giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Chắc chắn bất cứ khi nào không có sự bình an thì có sự thù nghịch. Nhưng khi sự bình an đến, sự thù nghịch biến mất. Chúng ta cũng có thể nói rằng khi sự thù nghịch ra đi thì sự bình an đến. Hoặc chúng ta có sự bình an hay không đều tuỳ thuộc vào việc chúng ta được giải hoà với Đức Chúa Trời.
KHÔNG NHẬN ÂN ĐIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CÁCH LUỐNG NHƯNG
Trong 6:1, Phao-lô nói với người Cô-rin-tô rằng “Ấy vậy, vì chúng tôi đồng công với Chuá, nên nài khuyên anh em chớ nhận lãnh ân điển Đức Chúa Trời luống nhưng”. Ở đây, dường như Phao-lô muốn nói: “Hỡi tín đồ Cô-rin-tô, đừng nhận ân điển của Đức Chúa Trời cách luống nhưng. Đức Chúa Trời đã ân điển anh em rất nhiều. Ngài đã ban ân điển gia trên ân điển cho anh em. Vì anh em nhận quá nhiều ân điển của Đức Chúa Trời nên tôi nài xin anh em đừng nhận ân điển đó cách vô ích”. Nhận ân điển của Đức Chúa Trời cách vô ích có nghĩa là nhận ân điển mà không tiến bộ trong vấn đề được cứu rỗi.
Nếu là những người không nhận ân điển của Đức Chúa Trời cách luống nhưng thì chúng ta cần sự cứu rỗi nhiều hơn. Đây là lí do Phao-lô nói tiếp trong câu 2 rằng “Vì Ngài phán rằng: ‘Trong thì giờ vui nhận, Ta đã dủ nghe ngươi. Trong ngày cứu rỗi Ta đã vùa giúp ngươi’. Nầy, hiện nay là thì giờ vui nhận; nầy, hiện nay là ngày cứu rỗi”. Những người rao giảng thường dùng câu này để giảng phúc âm. Trong việc rao giảng phúc âm, họ nói điều gì đó như vầy: “Hiện nay là giờ, là ngày của sự cứu rỗi. Đừng bỏ qua cơ hội tiếp nhận ân điển của Đức Chúa Trời”. Tuy nhiên, trong câu 1, Phao-lô không nói về việc nhận ân điển của Đức Chúa Trời nhưng ông cảnh báo về việc nhận ân điển của Đức Chúa Trời cách luống nhưng. Người Cô-rin-tô đã nhận ân điển của Đức Chúa Trời rồi. Vấn đề là họ cần để cho ân điển này hành động trong họ. Nếu họ để cho ân điển của Đức Chúa Trời hành động trong họ thì họ không nhận ân điển của Đức Chúa Trời cách luống nhưng. Đây là được giải hoà với Đức Chúa Trời cách đầy đủ và trên mọi phương diện. Hơn nữa, đây là để kinh nghiệm sự cứu rỗi hiện tại. Ngày nay nên là ngày của sự cứu rỗi hơn nữa, là ngày của tiến trình được phục hoà với Đức Chúa Trời qua ân điển của Ngài.
CẦN ĐƯỢC MỞ RỘNG TẤM LÒNG
Nếu muốn được hoàn toàn giải hoà với Đức Chúa Trời, được cứu rỗi trọn vẹn, chúng ta cần mở rộng tấm lòng. Phao-lô nài khuyên người Cô-rin-tô hãy rộng rãi: “Anh em hẹp hòi chẳng phải tại chúng tôi, bèn là tại chính anh em hẹp dạ. Nay cũng hãy theo độ lượng ấy mà đền đáp lại—tôi nói với anh em như nói với con trẻ —anh em cũng hãy mở rộng lòng ra”. (6:12-13). Như chúng tôi đã chỉ ra, để được mở rộng đòi hỏi những phương diện của một đời sống thích-ứng-tất-cả như được đề cập trong 6:3-10. Cần có mười tám mục bắt đầu bằng chữ “trong”: trong nhẫn nại, trong hoạn nạn, trong thiếu thốn, trong khốn khổ, trong đòn vọt, trong lao tù, trong hỗn loạn, trong cần lao, trong việc không ngủ, trong việc không ăn, trong sự trong sạch, trong tri thức, trong kiên nhẫn, trong nhân từ, trong một linh thánh, trong tình yêu thương không giả dối, trong lời chân thật, trong quyền năng của Đức Chúa Trời. Cũng cần có ba cặp bắt đầu bằng chữ “bởi”: bởi những khí giáp của sự công chính bên hữu và bên tả, bởi vinh và nhục, bởi tiếng xấu và tiếng tốt. Cuối cùng, cần tất cả bảy cặp bắt đầu bằng chữ “nào như”: nào như kẻ lừa dối nhưng chân thật, nào như xa lạ mà lại quen biết lắm, nào như chết mà vẫn sống, nào như bị trừng phạt nhưng không đến nỗi chết, nào như bị làm cho buồn rầu nhưng luôn luôn vui mừng, nào như nghèo khổ nhưng làm cho nhiều người giàu có, nào như không có gì nhưng có đủ mọi sự. Nếu có đủ những đặc điểm này của một đời sống thích-ứng-tất-cả, tất cả những mục với chữ “trong”, chữ “bởi”, và chữ “nào như” thì chúng ta thật sự đã được mở rộng.
Trong năm mươi năm qua, tôi biết nhiều anh em yêu dấu và quý báu là những trưởng lão và đồng công. Những anh em này rất nghiêm khắc và thẳng thắn. Về Lời Chuá trong Ma-thi-ơ 10:16 “khôn như rắn”, những người thẳng thắn này không thể “như rắn” chút nào cả. Họ cũng không thể là những người “như là kẻ giả dối nhưng chân thật”. Chân thật ở đây có nghĩa là thẳng thắn. Những anh em mà tôi muốn nói đến thì không chỉ rất nghiêm khắc; mà họ còn cực kỳ thẳng thắn. Chẳng hạn như, có thể một anh em nào đó nói: “Ồ người đó không nên ở trong Hội thánh. Hãy đuổi người đó ra ngoài! Làm thế nào chúng ta có thể chấp nhận người ấy? Ồ, chị em đó thật xấu. Chị nên bị lên án”. Nhiều lần chúng ta cố gắng thuyết phục những anh em thẳng thắn này để có thể mềm dẻo hơn. Có thể chúng ta nói: “Người này là một anh em thật trong Chuá. Có thể anh ấy sai trong những điều nào đó. Nhưng chúng ta vẫn phải bao dung bằng cách tha thứ và cho anh ấy một cơ hội để tiến bộ”. Tuy nhiên, có khi một anh em thẳng thắn nào đó đáp lại rằng “Không! Đó không phải là đường lối của Kinh Thánh!”. Thái độ này là một bằng chứng rõ ràng cho thấy rằng những người nghiêm khắc và thẳng thắn như vậy cần được rộng mở.
Chúng ta cần thẳng thắn và nghiêm khắc. Tuy nhiên, chúng ta nên nghiêm khắc với chính mình chứ đừng nghiêm khắc với người khác. Để nghiêm khắc với chính mình và không nghiêm khắc với người khác thì chúng ta cần được rộng mở. Những người quá thẳng thắn cũng là người hẹp hòi. Họ cần có tấm lòng rộng mở.
Khi mở rộng tấm lòng, chúng ta không nên buông thả. Đúng ra, chúng ta nên tiếp tục nghiêm khắc và thẳng thắn đối với chính mình, nhưng không nên áp dụng nguyên tắc này cho người khác. Nếu Chúa đã thực hiện một công tác như thế trong chúng ta thì chúng ta đã được mở rộng.
Tôi muốn anh em suy xét một lần nữa về tất cả những vấn đề được Phao-lô đề cập trong 6:3-10. Nếu có tất cả những đặc điểm và phẩm chất này, chúng ta sẽ có tấm lòng rộng mở. Bề ngoài chúng ta có thể rất nhỏ nhưng lòng chúng ta giống như đại dương. Nhưng nếu không có những phẩm chất này, chúng ta sẽ có một tấm lòng nhỏ bé. Có thể chúng ta vĩ đại trong mắt mình, nhưng lòng chúng ta cực kỳ hẹp hòi. Ví dụ, thái độ chúng ta có thể như vầy: nếu ai đó lầm lỗi, chúng ta không liên hệ với người đó trừ khi người đó ăn năn. Đây là dấu hiệu hẹp hòi. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy rằng chúng ta không thể giải hoà người khác với Đức Chúa Trời, vì chính chúng ta chưa hoàn toàn được giải hoà với Ngài. Sự hẹp hòi của chúng ta là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy rằng chúng ta được giải hoà với Đức Chúa Trời chỉ một phần và tỷ lệ của sự cứu rỗi của chúng ta còn quá thấp. Lòng của chúng ta rộng bao nhiêu tuỳ thuộc vào mức độ chúng ta giải hoà với Đức Chúa Trời bấy nhiêu.
THA THỨ VÀ QUÊN ĐI
Thường khi dự một buổi nhóm lễ cưới, người ta giục tôi nói đôi lời. Tuy nhiên, tôi miễn cưỡng nói tại những lễ cưới. Vấn đề không phải là tôi không có gì để nói. Chính điều mà tôi thật sự muốn nói thì có thể quá thẳng thắn và chân thật trong một dịp như thế. Tôi rất ghét cái kiểu nói tử tế, vui vẻ thông thường tại lễ cưới, vì nó luôn luôn xa rời với sự thật. Nếu phải nói tại một buổi nhóm lễ cưới, tôi muốn nói lời chân thật, nhất là về sự khó khăn mà vợ chồng gặp phải trong việc tha thứ cho nhau.
Một lần nọ, có một anh em bị vợ xúc phạm, có thể anh không bao giờ quên sự xúc phạm đó và không bao giờ tha thứ cho vợ vì đã gây ra chuyện này. Dĩ nhiên, nhiều người vợ cũng vậy. Điều mà tôi muốn nói với những anh chị em mới lập gia đình là thế này: “Chị ơi, hãy cố hết sức tránh xúc phạm chồng mình. Nếu xúc phạm anh ấy, anh ấy phải mất nhiều năm để tha thứ cho chị. Anh ơi, đừng nghĩ rằng vợ anh là thiên sứ. Chắc chắn nàng không phải là thiên sứ. Hơn nữa, anh phải luôn luôn yêu chị. Nếu anh thất bại trong việc biểu lộ tình yêu với chị thì có thể chị bị xúc phạm và nhớ mãi sự thất bại này của anh trong một thời gian dài”. Tôi dùng điều này như một minh hoạ khác về lòng hẹp hòi.
Tất cả những anh chị em đã lập gia đình cần phải mở rộng lòng. Thưa anh em, vợ của anh em có xúc phạm anh em không? Tôi khuyên anh em hãy quên điều đó đi. Nếu anh em có thể tha thứ sự xúc phạm và quên nó đi thì đó là dấu hiệu cho thấy anh em đã trở nên người rộng mở, người có tấm lòng mở rộng.
Khi bị ai đó xúc phạm, anh em sẵn lòng tha thứ cho họ chứ? Tha thứ thật ra là quên đi. Có lẽ, thay vì nói tha thứ, chúng ta nên nói quên đi. Khi đó, một người chồng muốn nói với vợ: “Em yêu, cả hai chúng ta hãy quên sự xúc phạm ấy đi”. Quên đi là tha thứ thật.
Cả trong nếp sống gia đình lẫn trong nếp sống Hội thánh, có lẽ anh em bị xúc phạm nhiều lần. Anh chị em có giữ lại bản ghi chép tất cả những sự xúc phạm đó không? Anh chị em có còn nhớ chồng hay vợ của anh em đã xúc phạm anh em như thế nào không, hay anh em đã bị một trưởng lão nào đó xúc phạm như thế nào không? Anh em có còn nhớ tất cả những sự xúc phạm mà các thánh đồ đã xúc phạm anh em không? Chúng ta cần tha thứ và quên đi tất cả những sự xúc phạm. Chúng ta có thể tha thứ nhưng lại rất khó quên. Khó tha thứ và khó quên là do tấm lòng chưa được mở rộng đủ. Vì thế, một lần nữa chúng ta thấy rằng chúng ta cần mở rộng lòng. Được giải hoà và được cứu rỗi trọn vẹn sẽ làm cho chúng ta thật sự mở rộng lòng