PHAO-LÔ BÊNH VỰC UY QUYỀN SỨ ĐỒ CỦA ÔNG (6)
Kinh Thánh: 2Cô-rin-tô 12: 1-10
2 Cô-rin-tô 12: 1-10 là một phần Lời tuyệt vời. Những câu này cho thấy
rằng Phao-lô thật sâu sắc và cũng khôn ngoan một cách uyên bác. Người Giu-đa
khoe khoang họ biết nhiều thể nào, công bố rằng họ hiểu biết nhiều hơn Sứ Đồ
Phao-lô. Thay vì tranh cãi với họ, Phao-lô trước hết khoe khoang về sự yếu đuối
của mình. Bây giờ trong 12: 1-10, ông nói đến những khải tượng và khải thị. Chiến
lược khôn ngoan của Phao-lô là để đánh bại những người Giu-đa kiêu căng bằng
cách chỉ ra rằng họ thật sự không có khải tượng hay khải thị nào cả. Điều người
Giu-đa biết chỉ là hư không.
MỤC ĐÍCH CỦA PHAO-LÔ
Tôi tin rằng mục đích của Phao-lô khi viết mười câu này là để tỏ cho
tín đồ tại Cô-rin-tô thấy ông hiểu biết nhiều hơn người Giu-đa. Ông không chỉ
có tri thức về đời sống con người trên đất mà còn về những điều ở trong
pa-ra-đi và thậm chí trên tầng trời thứ ba. Không chỉ Phao-lô biết những điều
này mà ông còn có khải tượng về những điều này. Phao-lô nói đến điều này để những
hành động dại dột của người Giu-đa bị vạch trần.
Nếu người Cô-rin-tô so sánh những điều Phao-lô biết và những điều ông
đã nhìn thấy với tri thức của người Giu-đa thì họ sẽ nói: “Những người Giu-đa
thật là nông cạn. Họ chỉ có một ít tri thức về Cựu Uớc liên quan đến luật
Môi-se và những nghi lễ truyền thống. Nhưng ở đây là một người có một tri thức
đầy đủ về giao ước mới. Ông có tri thức về đời sống con người và về những điều ở
trong pa-ra-đi cũng như trong tầng trời thứ ba”.,/
SỰ KHOE KHOANG CỦA PHAO-LÔ
Tôi muốn nói rằng trong 12: 1-10, chúng ta có sự khoe khoang quan trọng
nhất của Phao-lô. Ngoài Chúa Jesus đã từng có người nào, trừ Phao-lô, nhìn thấy
những điều ở trên tầng trời thứ ba và ở trong pa-ra-đi chưa? Là Đức Chúa Trời,
Chúa Jesus đã ở trên các tầng trời. Sau đó, Ngài trở thành một người trên đất,
chết trên thập tự giá, và đi đến Ha-đét. Vì thế, Ngài đã đi qua các tầng trời,
trái đất và miền bên dưới trái đất. Là một người được sinh ra trên đất, Phao-lô
đi đến tầng trời thứ ba và đã nhìn thấy đôi điều ở đó. Ông cũng đi đến pa-ra-đi
và ngắm xem những điều bên dưới trái đất. Chắc chắn trong lịch sử nhân loại,
không ai có thể so sánh với Chúa Jesus và sứ đồ Phao-lô. Những người Giu-đa có
thể nói gì về điều này?.
Trong 12:1, Phao-lô nói: “Tôi cần phải khoe khoang, dầu chẳng có ích
gì; nhưng nay tôi nói đến các dị tượng và sự khải thị của Chúa”. Vị sứ đồ buộc
phải khoe khoang vì sự ngu dại của người Cô-rin-tô dù điều đó không có lợi gì
cho ông, nhưng nó cần thiết vì ích lợi cho họ. Để họ được xây dựng, ông phải
khoe khoang hầu họ có thể được đem trở lại, cùng với sự hiểu biết đúng đắn và tỉnh
táo trong mối quan hệ của họ với vị sứ đồ. Chữ “nói đến” trong câu này có nghĩa
là bây giờ Phao-lô mới đi đến chỗ khoe khoang về những khải tượng và khải thị
mà ông đã nhận nơi Chúa.
Trong câu 1, Phao-lô nói đến cả khải thị lẫn khải tượng. Sự khải thị
là vén bức màn, làm lộ ra những điều ẩn giấu. Khải tượng là một quang cảnh, một
tầm nhìn được nhìn thấy khi màn được vén. Rất nhiều điều về gia tể và sự quản
trị của Đức Chúa Trời trong vũ trụ này bị che khuất. Chúa đã khải thị, đã tiết
lộ những điều này cho vị sứ đồ và ông đã nhận được những khải tượng về những điều
bị che khuất này.
MỘT NGƯỜI TRONG CHRIST
Theo câu 2 đến câu 5, Phao-lô tự xem mình là hai người. Trong câu 2
ông nói: “Tôi biết một người trong Christ”. Nói đến người này trong Christ, ông
nói trong câu 5: “Về người đó tôi sẽ khoe khoang, nhưng về chính mình tôi, tôi
không khoe khoang đâu, chỉ khoe về sự yếu đuối của tôi mà thôi”. Người trong
Christ ở câu 2 là vị sứ đồ (c. 7), không phải là sáng tạo cũ mà là sáng tạo mới
(5:17). Trong phần này vị sứ đồ muốn khoe khoang về sáng tạo mới trong Christ bằng
cách khoe khoang những yếu đuối của mình trong xác thịt tức sáng tạo cũ (c. 5,
9).
Người trong Christ được đề cập trong 2 không phải là Sau-lơ mà là
Phao-lô. Sau-lơ là người thiên nhiên, còn Phao-lô là người mới trong Christ. Thật
tốt nếu tất cả chúng ta đều có hai tên: một tên nói đến người trước khi được cứu,
tức là những gì chúng ta là trong A-đam, còn một tên nói về người bây giờ trong
Christ. Trước đây chúng ta là Sau-lơ; bây giờ chúng ta là Phao-lô.
Có lần tôi đã nghe một tác giả nói rằng có hai William Law. William
Law thứ nhất là một người thuộc về giáo lí, tri thức, thần học, văn tự, truyền
thống. William Law thứ hai là người thuộc về Linh và ở trong Linh. William Law
thứ nhất không biết gì về Linh dù ông có nhiều kiến thức thần học và truyền thống.
Nhưng một ngày kia, ông đã có một khởi đầu mới và đã trở thành người của Linh.
Đây là người đã cải tiến những sự dạy dỗ của những tác giả phái thần bí nào đó
và đã làm cho những sự dạy dỗ đó thành thực tiễn. Chúng ta có thể nói rằng cuối
cùng William Law đã trở thành một người trong Christ. Về sau, Andrew Murray đã
được giúp đỡ bởi những văn phẩm của William Law.
Khi Phao-lô nói về một người trong Christ, ông đang nói đến người thứ
hai của ông, tức thân vị thứ hai của ông. Ông muốn khoe khoang về người này chứ
không muốn khoe khoang về cái tôi cũ. Trong câu 5, từ “chính mình tôi” nói đến
cái tôi cũ của Phao-lô chứ không nói đến cái tôi mới của ông. Chữ đó nói về
Sau-lơ chứ không nói đến Phao-lô. Cái tôi mới của Phao-lô hoàn toàn ở trong
Christ. Người này trong Christ là một sáng tạo mới.
Nếu chúng ta chú ý đến chính mình là tín đồ thì sẽ thấy rằng chúng ta
cũng là hai người. Một mặt, chúng ta là người với cái tôi cũ; mặt khác, chúng
ta là người với cái tôi mới. Người này ở trong Christ và là một sáng tạo mới.
Chúng ta không nên quan tâm đến người thứ nhất nữa. Thay vì thế, chúng ta nên
bước theo người thứ hai.
Điều đã xảy ra với Phao-lô, một người ở trong Christ như được kí thuật
trong các câu này thì thật huyền nhiệm. Ngay cả chính Phao-lô cũng không thể kể
lại được rằng ông ở trong thân thể hay ở ngoài thân thể. Trong câu 3 ông nói:
“Tôi biết thể nào người đó—hoặc trong thân thể tôi chẳng biết, hoặc ngoài thân
thể, tôi cũng chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết—“. Chắc chắn Phao-lô không ở
trong trạng thái xuất thần. Chúng ta không nên nghĩ rằng điều được mô tả ở đây
là kinh nghiệm của một người ở trong trạng thái xuất thần. Điều đã xảy ra cho
Phao-lô vượt quá khả năng diễn đạt của ông vì ngay cả chính ông cũng không hoàn
toàn biết rõ về điều đó.
PA-RA-ĐI VÀ TẦNG TRỜI THỨ BA
Theo câu 2 và câu 4, có hai điều đã xảy ra cho Phao-lô. Thứ nhất, ông
được đưa đến tầng trời thứ ba; thứ hai, ông được đưa vào trong pa-ra-đi. Trong câu
2 Phao-lô nói: “Tôi biết một người trong Christ, cách mười bốn năm trước đây,
đã được cất lên (cất đi) đến tầng trời thứ ba—hoặc trong thân thể tôi chẳng biết,
hoặc ngoài thân thể tôi cũng chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết”. Tiếng Hi Lạp dịch
chữ được cất đi ở đây đồng một từ với từ được dùng trong Công Vụ 8:39 và 1
Tê-sa-lô-ni-ca 4:17. Theo nghĩa đen, từ Hi Lạp được dịch là “đến” có nghĩa là
“cho đến ở trong”, tức là “cho đến tận...” Những đám mây thấy được có thể được
xem là tầng trời thứ nhất, và bầu trời là tầng trời thứ hai. Tầng trời thứ ba
phải nói đến trời của các tầng trời, tức là tầng trời cao nhất (Phục. 10:14;
Thi. 148:4), nơi đó Chúa Jesus và Đức Chúa Trời đang ở ngày nay (Êph. 4:10; Hê.
4:14; 1:3).
Lưu ý rằng câu 2 không nói về việc Phao-lô được cất lên nhưng nói rằng
ông được cất đi đến tầng trời thứ ba. Có một sự khác biệt quan trọng giữa cất
lên và cất đi. Trong Công Vụ 8:39, Phi-líp được Linh cất đi. Ông biết rằng ông ở
trong thân thể khi được cất đi. Tuy nhiên, Phao-lô không biết mình ở trong thân
thể hay ở ngoài thân thể khi được cất đi đến tầng trời thứ ba.
Tầng trời thứ ba là một thành ngữ tiếng Hê-bơ-rơ nói đến tầng trời cao
nhất. Như chúng tôi đã chỉ ra rằng những đám mây có thể được xem là tầng trời
thứ nhất, và bầu trời bên kia những đám mây là tầng trời thứ hai. Do đó, tầng
trời thứ ba phải là tầng trời ở trên cả bầu trời. Theo từ liệu Kinh Thánh, đó
là tầng trời vượt trên các tầng trời. Ngày nay, Cha và Con, tức Chúa Jesus
Christ, đang ở trên tầng trời cao nhất này. Phao-lô được đưa đi đến tầng trời
cao nhất này.
Trong câu 3 và 4 Phao-lô nói tiếp: “(Và) Tôi biết thể nào người đó—hoặc
trong thân thể, hoặc ngoài thân thể, tôi cũng chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết—được
cất lên (cất đi) đến pa-ra-đi, nghe những lời không thể nói, mà người nào cũng
không được phép nói ra”. Liên từ “và” ở đây là một từ rất quan trọng. Từ này
cho thấy rằng điều được đề cập trong câu 3 và 4 là vấn đề khác ngoài điều đã được
đề cập trong câu trước. Câu 2 bảo rằng vị sứ đồ đã được đưa đi đến tầng trời thứ
ba. Bây giờ, câu 3 và 4 cho chúng ta biết thêm điều gì đó, đó là vị sứ đồ cũng
được đưa đi đến một nơi khác, tức là vào trong pa-ra-đi. Điều này chỉ ra cách mạnh
mẽ rằng pa-ra-đi không đồng nghĩa với tầng trời thứ ba trong câu 2. Pa-ra-đi
nói đến một nơi khác với tầng trời thứ ba.
Nhiều nhà giải kinh xem tầng trời thứ ba và pa-ra-đi là cùng một nơi.
Theo hiểu biết của họ, khi Phao-lô được cất đi đến tầng trời thứ ba thì ông
cũng được cất đi đến pa-ra-đi. Tuy nhiên pa-ra-đi không đồng nghĩa với tầng trời
thứ ba. Liên từ ở đầu câu 3 cho thấy rằng ở đây Phao-lô đang mô tả hai kinh
nghiệm khác nhau. Trước hết, ông được đưa đi đến tầng trời thứ ba. Sau đó, ông
được đưa đi đến pa-ra-đi.
Pa-ra-đi là phần dễ chịu trong Ha-đét, nơi mà linh của Áp-ra-ham cùng
với tất cả những người công nghĩa ở đó chờ đợi sự phục sinh (Lu. 16:22-23,
25-26), và là nơi Chúa Jesus đi đến sau khi chết và ở lại đó cho đến khi Ngài
phục sinh (Lu. 23:43; Công. 2:24, 27, 31; Êph. 4:9; Ma. 12:40). Pa-ra-đi này
khác với pa-ra-đi trong Khải Thị 2:7, pa-ra-đi trong Khải Thị 2:7 là
Giê-ru-sa-lem Mới trong thiên hi niên. Trong phần này vị sứ đồ nói về tính siêu
việt của những khải thị mà ông đã nhận. Trong vũ trụ chỉ có ba phần chính: các
tầng trời, trái đất, và Ha-đét bên dưới trái đất (Êph. 4:9). Là một người đang
sống trên đất, vị sứ đồ biết những điều thuộc về trái đất. Nhưng con người
không biết những điều trên các tầng trời hay trong Ha-đét. Tuy nhiên, vị sứ đồ
được đem đi đến cả hai nơi không được biết đến này. Vì thế, ông đã nhận được khải
tượng và khải thị về những miền ẩn giấu này. Vì lí do đó, ông đề cập đến hai cực
này của vũ trụ. Khi Chúa Jesus chết, Ngài không lập tức đi đến tầng trời thứ
ba. Đúng ra, Ngài đi đến một nơi được gọi là pa-ra-đi. Một trong hai tên trộm
nói với Ngài rằng: “Jesus ôi, khi Ngài đến trong nước Ngài, xin nhớ tôi với”
(Lu. 23:42). Chúa Jesus đáp: “Hôm nay ngươi sẽ ở cùng Ta ở trong Lạc viên
(pa-ra-đi)” (c. 43). Hơn nữa, theo Công Vụ chương 2, Chúa Jesus đã đi đến
Ha-đét sau khi chết (c. 31). Nếu đặt hai phần Lời này lại với nhau, chúng ta sẽ
thấy rằng pa-ra-đi phải ở trong Ha-đét.
Trong Lu-ca chương 16, chúng ta có một bức tranh về hai phần của
Ha-đét: phần dễ chịu và phần đau khổ. Khi La-xa-rơ chết, ông đi đến phần dễ chịu
là nơi Áp-ra-ham ở. Khi người giàu chết, người ấy đi đến phần đau khổ. Do đó,
pa-ra-đi là phần dễ chịu, tức phần yên nghỉ của Ha-đét.
MỘT TẦM NHÌN ĐẦY ĐỦ VỀ VŨ TRỤ
Là người mới trong Christ, một mặt Phao-lô được cất đi đến tầng trời
thứ ba. Mặt khác, ông được cất đi đến pa-ra-đi là phần dễ chịu của Ha-đét. Vì
Phao-lô đi đến chỗ nhận biết những điều trên trời và những điều bên dưới đất
cũng như những điều trên đất nên ông có một tầm nhìn trọn vẹn về vũ trụ. Ai muốn
có một tầm nhìn đầy đủ về vũ trụ thì người đó phải biết ba phần này: tầng trời
thứ ba, trái đất, và miền bên dưới trái đất.
Phao-lô là một người có học vấn về những điều trên đất. Một ngày kia,
Chúa đem ông đi đến tầng trời thứ ba và cho ông thấy những điều ở đó. Ngài cũng
đem ông đi đến pa-ra-đi và chỉ cho ông thấy những điều ở đó. Về pa-ra-đi,
Phao-lô nói rằng ông đã nghe những điều “mà người nào cũng không được phép nói
ra” (2Cô. 12:4). Vì thế, ông không được tự do nói với người Cô-rin-tô về những
điều đó. Là một người mới trong Christ, chắc chắn Phao-lô có một tri thức trọn
vẹn và một tầm nhìn đầy đủ về cả vũ trụ.
So với Phao-lô, người Giu-đa giống như ếch ngồi đáy giếng. Họ không thể
nhìn vượt quá miệng giếng của Cựu Ước và của Do Thái giáo cùng với những nghi lễ
của nó. Nhưng Phao-lô có thể khoe khoang về những khải thị và những khải tượng
của Chúa. Ông có thể nói: “Người Cô-rin-tô ơi, Chúa đã cho tôi một quang cảnh
tuyệt vời về cả vũ trụ. Ngài đã đem tôi đến tầng trời thứ ba và Ngài cũng đã
đem tôi đến pa-ra-đi. Ở pa-ra-đi, tôi đã nghe những lời không được phép nói ra.
Không lạ gì khi Phao-lô nói đến tính siêu việt của những khải thị đã được ban
cho ông (c. 7). Chỉ có hai người là Jesus và Phao-lô mới nhận được một quang cảnh
như thế về vũ trụ.
SAU KHẢI THỊ LÀ SỰ CHỊU KHỔ
Trong câu 6 và 7, Phao-lô nói tiếp: “Nếu tôi muốn khoe khoang thì tôi
cũng không phải là ngu dại, vì điều tôi nói là thật; nhưng tôi tự cấm, kẻo có
ai nghĩ tôi vượt quá sự họ thấy ở nơi tôi hoặc nghe tôi nói. Lại e rằng tôi quá
tự cao bởi sự khải thị lớn lao cả thể chăng, nên đã cho một cái giằm xóc vào thịt
tôi, tức là một sứ giả của Sa-tan để thoi vả tôi, hầu cho tôi khỏi quá tự cao”.
Tiếng Hi Lạp dịch chữ “lớn lao cả thể” cũng có nghĩa là sự thừa thãi dư dật, sự
vĩ đại vượt trỗi, tính siêu việt. Chữ “giằm xóc” thường được dùng trong tiếng
Hi Lạp kinh điển có nghĩa là một cái cọc hay một cây gậy nhọn. Ở đây nói đến một
loại chịu khổ thể xác, giống như vấn đề về mắt của ông. Từ Hi Lạp cho từ “thoi
vả” có nghĩa là đánh bằng một nắm đấm. Từ này khác với từ được dịch là khắc khổ
trong 1 Cô-rin-tô 9:27, là từ đánh vào phía dưới con mắt.
Câu 7 cho thấy rằng sự khải thị luôn luôn được theo sau bởi sự chịu khổ.
Người nào nhìn thấy một quang cảnh giống như Phao-lô đã thấy thì rất nguy hiểm.
Thậm chí đối với Phao-lô cũng rất nguy hiểm khi nhìn thấy một quang cảnh như thế.
Nguy hiểm đó là sau khi nhận được loại khải thị siêu việt này, Phao-lô sẽ tự đắc
và trở nên kiêu ngạo. Trong sự tể trị của Chúa để làm cho Phao-lô được mở mang
và mở rộng tầm nhìn của ông đến mức vũ trụ, Chúa đã đem ông đến tầng trời thứ
ba và cũng đến pa-ra-đi. Nhưng Chúa cũng biết rằng Phao-lô sẽ có nguy cơ bị hư
hoại hoặc bị bại hoại bởi điều này. Do đó, Ngài đã gởi cho Phao-lô một cái dằm
xóc, tức là một sứ giả của Sa-tan để thoi vả ông và làm cho ông bị đau. Mục
đích của cái giằm này là để hạ Phao-lô xuống và giữ ông ở vị trí thấp hèn.
Ở đây chúng ta thấy rằng ở trong tay Chúa không phải là vấn đề đơn giản.
Đôi khi bàn tay của Chúa sẽ nhấc chúng ta lên. Nhưng sau khi nhấc chúng ta lên
thì Ngài sẽ hạ chúng ta xuống. Vì người Giu-đa không ở trong bàn tay của Chúa
nên đối với họ không có vấn đề nhấc lên hay hạ xuống. Đúng ra, họ giống như đồng
bằng. Nhưng kinh nghiệm của Phao-lô thì đầy dẫy núi đồi và thung lũng. Điều này
có nghĩa là Chúa nhấc ông lên rồi hạ ông xuống.
KINH NGHIỆM CHRIST LÀ ÂN ĐIỂN VÀ QUYỀN NĂNG
Câu 8 và 9 nói: “Về điều này tôi đã ba lần nài xin Chúa khiến nó lìa
khỏi tôi. Nhưng Ngài phán cùng tôi rằng: ‘Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì quyền
năng của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối’. Vậy, tôi lấy làm vui thà khoe
khoang về sự yếu đuối tôi, hầu cho quyền năng của Đấng Christ ở trên tôi”. Những
nỗi khổ và thử thách thường là do Chúa chỉ định cho chúng ta để chúng ta có thể
kinh nghiệm Christ là ân điển và quyền năng. Vì lí do này, Chúa sẽ không lấy đi
cái giằm xóc ra khỏi vị sứ đồ khi ông nài xin Ngài.
Phao-lô có lẽ đã cầu nguyện như thế này: “Ô Chúa, xin hãy lấy đi cái
giằm này. Xin hãy tống khứ sứ giả này của Sa-tan. Con đang chịu khổ và không thể
chịu cái giằm xóc này được nữa”. Chúa đáp lại lời của Phao-lô nhưng không theo
cách của Phao-lô. Cũng vậy, Chúa sẽ đáp lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng
không theo cách của chúng ta. Dường như Chúa đã nói với Phao-lô: “Không, Ta sẽ
không lấy cái giằm đó đi. Cái giằm này đang được Ta dùng để hạ ngươi xuống. Ta
biết rằng ngươi đang chịu khổ, và Ta sẽ ban cho ngươi ân điển ngươi cần.
Phao-lô ơi, ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi. Đừng xin Ta cất cái giằm đi. Nếu
Ta lấy cái giằm đi thì Ta sẽ phải lấy đi những khải tượng và khải thị và Ta sẽ
không có cách làm như vậy ngoại trừ cất ngươi đi luôn. Phao-lô ơi, nếu không có
cái giằm này thì ngươi sẽ rất kiêu ngạo và tự nhấc mình lên rất cao. Ta không
thể để cho điều đó xảy ra. Cách tốt nhất để hạ ngươi xuống là cứ để cho cái giằm
đó ở với ngươi. Nhưng Ta sẽ ban cho ngươi ân điển và khích lệ ngươi hầu cho ngươi
có thể chịu đựng nỗi khổ này. Cũng vậy, trong kinh nghiệm của ngươi, ân điển của
Ta sẽ trở thành quyền năng được làm cho hoàn hảo trong sự yếu đuối. Cái giằm đó
sẽ vạch trần sự yếu đuối của ngươi. Không có cái giằm đó, ngươi sẽ không nhận
biết ngươi yếu đuối như thế nào. Bây giờ ngươi cần Ta trở thành ân điển của
ngươi. Trong kinh nghiệm của ngươi, trong sự vui hưởng của ngươi, ân điển của
Ta sẽ trở thành quyền năng đóng trại trên ngươi.
Ân điển được Phao-lô kinh nghiệm thật ra là chính Chúa Jesus Christ.
Tôi tin rằng trong kinh nghiệm của ông, Phao-lô nhận biết ân điển của Chúa đã
trở thành quyền năng trải ra trên ông giống như một cái lều. Do đó, quyền
năng–ân điển này đã trở thành một nơi cư ngụ cho Phao-lô trong những nỗi khổ của
ông. Khi đang chịu khổ, Phao-lô có thể cư ngụ trong lều tạm đã trải ra trên
ông. Lều tạm này, chiếc lều này chống đỡ ông, ủng hộ ông, duy trì ông, và gìn
giữ ông.
Để tôn đại sự đầy đủ của ân điển Chúa, đòi hỏi chúng ta phải chịu khổ.
Để tỏ ra sự hoàn hảo của quyền năng Chúa, chúng ta cần có sự yếu đuối. Do đó, vị
sứ đồ sẽ hết sức vui mừng khoe khoang trong sự yếu đuối của ông hầu cho quyền
năng của Đấng Christ có thể đóng trại trên ông. Ân điển là sự cung cấp, còn quyền
năng là sức mạnh, là khả năng của ân điển. Cả hai đều là Đấng Christ phục sinh,
Đấng bây giờ là Linh ban-sự-sống đang cư ngụ trong chúng ta (1Cô. 15:45; Ga.
2:20) để chúng ta vui hưởng.
Từ Hi Lạp dịch là “ở trên” (đóng trại) trong câu 9 là episkenoo, một động
từ kép bao gồm epi và skenoo. Skenoo nghĩa là ở trong một cái lều, được dùng
trong Giăng 1: 14 và Khải Thị 21:3. Episkenoo ở đây nghĩa là dựng một cái lều
hoặc một nơi ở phía trên. Chữ này mô tả quyền năng của Đấng Christ là thể nào,
thậm chí chính Đấng Christ cư ngụ trên chúng ta như một cái lều trải ra trên
chúng ta, phủ bóng trên chúng ta, trong sự yếu đuối của chúng ta.
Trong câu 10, Phao-lô kết luận: “Cho nên vì Christ tôi vui lòng chịu sự
yếu đuối, nhục nhã, túng ngặt, bắt bớ, khốn khổ; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc
tôi mạnh mẽ”. Từ Hi Lạp dịch là “vui lòng” cũng có nghĩa là đẹp lòng mọi đàng,
như trong Ma-thi-ơ 3: 17. Nhục nhã là bị ngược đãi và túng ngặt là bị thúc ép,
tức là những nhu cầu cấp thiết đè nén nhiều. Theo nghĩa đen từ “khốn khổ” trong
tiếng Hi Lạp có nghĩa là sự chật hẹp của căn phòng. Do đó, có nghĩa là khắt
khe, khó khăn, khốn cùng. Ở cuối câu này, Phao-lô nói về bị yếu đuối và cũng
nói về đầy quyền năng. Ông yếu đuối trong bản thể cũ nhưng đầy quyền năng trong
Đấng Christ phủ bóng.
CHÚA ĐANG NẤU
Điều chúng ta có trong những câu này là việc Chúa đang “nấu” Phao-lô.
Chúa “nấu” Phao-lô và làm cho ông trở thành một “món” ngon để tất cả chúng ta
vui hưởng. Trong hơn năm mươi năm tôi vui hưởng sứ đồ Phao-lô. Nhưng tôi phải
làm chứng rằng tôi chưa bao giờ vui hưởng Phao-lô nhiều như gần đây. Chắc chắn
ông là bữa tiệc ngon lành được Chúa Jesus nấu.
Đôi khi trong việc chuẩn bị thức ăn Trung Hoa, thức ăn trước hết được
bỏ vào lửa rồi sau đó được bỏ vào nước lạnh. Dường như tiến trình nấu ăn này
đem đến một khẩu vị ngon nhất. Điều này minh hoạ cách Chúa xử lí Phao-lô, cách
Chúa nấu ông. Trước hết Chúa nâng Phao-lô lên đến tầng trời thứ ba, rồi Ngài
đem ông đến Ha-đét, sau đó Ngài để cho một cái giằm xóc đến với ông. Nếu là
Phao-lô có lẽ tôi đã tự hỏi điều gì đang xảy ra cho tôi. Chắc chắn tôi nói với
Chúa rằng tôi không thể chịu được cái giằm xóc đó. Nhưng như chúng tôi đã chỉ
ra, ân điển toàn túc của Chúa đã được cung cấp cho Phao-lô, và ân điển này đã
trở thành quyền năng đóng trại trên ông.
TRỞ NÊN GIÀU CÓ TRONG VIỆC KINH NGHIỆM CHRIST
Khi Phao-lô suy xét những khải tượng cao và những sự khải thị lạ lùng
thì cái giằm xóc hành động trên ông làm cho ông khỏi kiêu ngạo và kiêu căng.
Nhưng khi cái giằm xóc hành động để hạ thấp Phao-lô xuống thì ân điển cung cấp
và giải cứu ông còn quyền năng thì phủ bóng trên ông. Đây là phương cách kỳ diệu
của Chúa để nấu Phao-lô làm cho ông kinh nghiệm được Đấng Christ bao la. Kết quả
là Phao-lô giàu có trong việc kinh nghiệm Christ.
Chắc chắn người Giu-đa không thể sánh với Phao-lô được. Người
Cô-rin-tô thật ngu dại biết bao khi bị họ làm cho xao lãng! Người Giu-đa không
có khải thị cũng không có khải tượng. Cũng vậy, họ không có cái giằm xóc, ân điển
hay quyền năng đóng trại trên họ. Họ hoàn toàn trống rỗng về việc kinh nghiệm
Christ. Trái lại, Phao-lô đã nhìn thấy khải tượng và đã nhận được khải thị. Hơn
nữa, ông đã được Chúa xử lí qua cái giằm xóc để kinh nghiệm Ngài là ân điển và
quyền năng một cách rất thực tiễn. Do đó, Phao-lô là người đầy dẫy khải tượng,
sự chịu khổ, kinh nghiệm và vui hưởng Chúa. Chúa trở thành ân điển cho ông và
cũng trở thành quyền năng trải ra trên ông giống một cái lều.
Điều mà sứ đồ Phao-lô kinh nghiệm thì rất thiếu hụt giữa còng Cơ Đốc
nhân ngày nay. Nhiều tín đồ rất thiên nhiên và truyền thống. Giống như người
Giu-đa, họ có một tôn giáo truyền thống, cũ kỹ; họ có Kinh Thánh bằng văn tự chết
chóc và rất nhiều nghi lễ và qui định. Về nguyên tắc, họ giống như người
Giu-đa, thậm chí họ rao giảng một Jesus không hoàn toàn là một người đích thực.
Họ không có khải tượng, không có khải thị, không có giằm xóc và không có ân điển.
Họ giải thích Kinh Thánh theo cách thiên nhiên và họ đi theo truyền thống cùng
những qui định. Không có quyền năng đóng trại trên họ. Giữa kinh nghiệm của
Phao-lô và người Giu-đa ngày nay thật trái ngược biết bao!
Đừng thất vọng nếu một cái giằm xóc đến với anh em sau khi anh em đã
nhận một khải thị từ nơi Chúa. Khải tượng và khải thị luôn luôn có những nỗi khổ
theo sau. Anh em không cần cầu nguyện quá nhiều về cái giằm xóc đó. Cái giằm
xóc đó sẽ không được lấy đi đâu. Thay vì thế, Chúa sẽ cho phép nó ở lại để đem
ân điển đến cho anh em vui hưởng. Khi đó, ân điển này sẽ trở thành sức mạnh hằng
ngày của anh em và thậm chí là nơi cư ngụ của anh em, một lều trại phủ bóng
trên anh em. Điều này sẽ làm cho kinh nghiệm thuộc linh của anh em thêm phong
phú. Khi vui hưởng ân điển của Chúa và cư ngụ dưới quyền năng phủ bóng của
Ngài, chúng ta sẽ luôn luôn có điều gì đó để nói về Christ và Hội thánh.
--