NGUỒN
GỐC CỦA SỰ GIAN ÁC
VÀ
CÁCH KIỂM CHẾ
Trong bài
này, chúng ta sẽ đề cập đến nguồn gốc của sự gian ác được bày tỏ qua sự định tội
nhân loại và cách kiểm chế được bày tỏ qua sự định tội những người tự xưng công
chính. Sau phần giới thiệu, Phao-lô trình bày vấn đề định tội theo bốn khía cạnh:
trên nhân loại nói chung (1:18-32), trên những người tự xưng công chính nói
riêng (2:1-16), cụ thể trên những người tôn giáo (2:17-3:8) và trên cả thế giới
(3:9-20). Trước
hết, Sách La-mã bày tỏ rằng sự định tội đã đến trên nhân loại nói chung. Sau
đó, ông lưu ý hai lớp người đặc biệt-lớp người tự xưng công chính và lớp người
tôn giáo, có văn hóa. Cuối
cùng, cả thế gian bị định tội. Dầu tốt hay xấu, tôn giáo hay không, chúng ta đều
ở dưới sự định tội của Đức Chúa Trời. Mặc dầu chúng tôi không muốn nói nhiều về
đề tài định tội, nhưng có hai điểm khá quan trọng liên quan đến đề tài này. Trước
hết là nguồn gốc sự xấu xa, nguồn gốc sự gian ác. Vì nguồn gốc này nên nhân loại
đã gian ác. Do đó, trong bài này, chúng ta sẽ thấy nguồn gốc sự gian ác của
loài người. Thứ hai, chúng ta cần thấy cách kiểm chế. Có một cách để kiểm chế sự
gian ác này. Vì đã được cứu khỏi sự định tội nên chúng ta không cần chú ý nhiều
đến điều này. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần dành đủ thời gian để học biết về nguồn
gốc của sự xấu xa và cách kiểm chế sự xấu xa.
I. SỰ ĐỊNH TỘI TRÊN NHÂN LOẠI
A. Nguồn Gốc Của Sự Gian
Ác
Bây giờ,
chúng ta cần xem xét nguồn gốc của sự gian ác. Phần này của La-mã (1:18-32) bày
tỏ bốn yếu tố về nguồn gốc sự gian ác.
1.
Đè Nén Lẽ Thật Trong Sự Không Công Chính
Yếu tố đầu
tiên trong nguồn gốc của sự gian ác là đè nén lẽ thật trong sự không công chính
(1:18). Lẽ thật là gì? Lẽ thật không phải là giáo lý hay kiến thức suông. Lẽ thật
là thực tại; lẽ thật vững chắc và có thực. Trong vũ trụ này có thực tại, và thực tại
hàng đầu là
chính Đức Chúa Trời. Nói rằng không có Đức Chúa Trời là nói hư không; tuyên bố thực tại về Đức Chúa Trời
là nói một điều gì đó vững chắc, có thực, đích thực, và đúng. Đức Chúa Trời là
thật. Không ai có thể phủ nhận thực tại về Đức Chúa Trời hay chối bỏ sự kiện
Ngài hiện hữu, vì sự hiện hữu của Đức Chúa Trời là một thực tại. Tuy nhiên,
ngay từ ban đầu, nhân loại không tôn trọng thực tại về Đức Chúa Trời mà đè nén
thực tại ấy. Đơn giản là họ không quan tâm đến thực tại này, và không chịu giữ
thực tại này cách đúng đắn. Họ đè nén lẽ thật trong sự không công chính, đè nén
lẽ thật cách không công chính. Ngày nay tại Mỹ, chúng ta thấy sự gian ác ở mọi
phương diện, báo chí
đầy dẫy những điều xấu xa và đáng xấu hổ. Tại sao có nhiều điều đáng xấu hổ
trong quốc gia đứng đầu thế giới này? Vì rất nhiều người không muốn duy trì lẽ thật, nhưng
thay vào đó, họ đã đè nén lẽ thật cách sai quấy. Đó là khía cạnh quan trọng nhất
của nguồn gốc sự gian
ác.
2.
Không Chịu Giữ Lấy Đức Chúa Trời
Trong
Sự Hiểu Biết Trọn Vẹn
Mặc dầu nhân
loại nhận biết có Đức Chúa Trời, nhưng họ vẫn thử Ngài và thách đố Ngài, cuối cùng, quyết định không
giữ Ngài trong hiểu biết trọn vẹn của mình. Họ không chịu nắm giữ Đức Chúa Trời
trong sự hiểu biết đầy đủ (1:28). Nhiều giáo sư và chuyên gia không tin Đấng Christ. Nếu hỏi về Đức Chúa Trời,
họ sẽ nói: “Chúng tôi biết có Đức Chúa Trời, nhưng chúng tôi không thích tin
Ngài”. Những người như vậy không chịu giữ lấy Đức Chúa Trời trong hiểu biết của
họ. Chúng ta phải giữ lấy Đức Chúa Trời trong sự hiểu biết của mình, vì từ chối làm điều
này là rất kinh khủng.
5.
Không Tôn Vinh Đức Chúa Trời
Và
Không Thờ Phượng Ngài
Vào thời
xưa, con người đã biết Đức Chúa Trời, nhưng không tôn vinh Ngài là Đức Chúa Trời.
Họ cũng không cảm tạ, thờ phượng hay hầu việc Ngài (1:21,25). Đó là một yếu tố khác nữa trong nguồn gốc
sự gian ác. Không chịu tôn vinh Đức Chúa Trời, không cảm tạ Đức Chúa Trời,
không thờ phượng Đức Chúa Trời và không hầu việc Đức Chúa Trời là một phương diện
chính yếu trong nguồn gốc
của sự gian ác. Tuy nhiên, nếu tôn vinh và cảm tạ Ngài, thờ phượng và hầu việc
Ngài, chúng
ta sẽ được bảo vệ khỏi mọi điều ác. Có rất nhiều cuộc ly dị và nhiều điều vô
luân khắp thế giới ngày nay vì người ta không tôn vinh Đức Chúa Trời và không
thờ phượng Ngài. Một người tôn vinh Đức Chúa Trời, cảm tạ, thờ phượng và hầu việc
Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ ly dị. Mọi cuộc ly dị và hành động vô luân đều
ra từ một nguồn gốc là không chịu thờ phượng Đức Chúa Trời. Đừng bao giờ nghĩ rằng
thờ phượng Đức Chúa Trời là vô nghĩa, và tôn vinh Ngài là chuyện nhỏ. Những điều
này mang ý nghĩa lớn lao cho cuộc sống con người. Chúng ta cần cảm tạ Đức Chúa
Trời. Chúng ta có nhiều điều để cảm tạ Ngài. Một số người mãi đến khi sắp
lìa đời mới cảm tạ Đức Chúa Trời. Mặc dầu làm như vậy là quá trễ, nhưng còn hơn
là không cảm tạ gì cả.
Chúng ta cần
nhận biết rằng tôn vinh, cảm tạ, thờ phượng và hầu việc Đức Chúa Trời là cực kỳ
quan trọng. Giả sử tôi có tính nóng nảy, một tính khí xấu xa và đáng xấu hổ. Nếu
cố gắng
đè nén, tôi sẽ không bao giờ thành công. Nhưng nếu cảm tạ và ngợi khen Đức Chúa
Trời liên tục, tôi sẽ tìm được phương cách tốt nhất để thoát khỏi bản tính tồi tệ của mình. Mỗi khi
sắp nổi nóng, anh em nên nói: “Tôi
sẽ hầu việc Đức Chúa Trời.
Tôi không có thì giờ nổi nóng. Đức Chúa Trời ôi, con cảm tạ Ngài vì Ngài là Đức
Chúa Trời của con, vì Ngài là Đấng Tạo Hóa của con. Không có Ngài, con không tồn
tại. Con tồn tại được là nhờ Ngài. Con cảm tạ Ngài, thờ phượng và hầu việc
Ngài”. Nếu làm như vậy, ngay lập tức anh em sẽ thoát khỏi bản tính của mình.
Chúng ta cần thờ phượng Đức Chúa Trời biết bao!
4. Đổi Chác Đức Chúa Trời
Kế đến, nhân
loại còn đổi chác Đức Chúa Trời (1:23,25). Đổi chác Đức Chúa Trời là điều kinh
khủng, vì Đức Chúa Trời là vinh hiển và là thực tại của vũ trụ. Khi Đức Chúa Trời
biểu lộ, đó là vinh hiển. Đổi chác Đức Chúa Trời nghĩa là bỏ Ngài mà lấy một điều
khác. Người ta đổi
Đức Chúa Trời lấy hình tượng. Đức Chúa Trời là vinh hiển; hình tượng là hư
không. Đức Chúa Trời là thực tại; hình tượng là giả tạo và lừa dối. Thật dại dột và kinh khủng
khi con người đổi Đức Chúa Trời lấy hình tượng! Hầu hết dân Mỹ đều không thờ
hình tượng hữu hình, mặc dầu có một vài người vẫn thờ. Tuy nhiên, nhiều người-tại
đất nước này đã đổi Đức Chúa Trời lấy hình tượng họ tự làm nên như tương lai, địa
vị, bằng cấp, và mục tiêu. Điều này có nghĩa là tương lai, địa vị, bằng cấp, và
mục tiêu đã trở nên hình tượng của họ. Họ quan tâm đến những hình tượng này chứ
không quan tâm đến Đức Chúa Trời. Vì vậy, họ cũng đã đổi Đức Chúa Trời lấy hình
tượng.
Nếu xem xét
kỹ bốn khía cạnh này trong nguồn gốc của sự gian ác, chúng ta sẽ thấy bốn khía cạnh này đã cấu tạo
nên gốc rễ của mọi loại gian ác và tội lỗi.
B.
Hậu Quả Của Việc Từ Bỏ Đức Chúa Trời
Bây giờ,
chúng ta cần tìm hiểu hậu quả của việc từ bỏ Đức Chúa Trời.
1.
Bị Đức Chúa Trời Từ Bỏ
Hậu quả đầu
tiên của việc từ bỏ Đức Chúa Trời là bị Đức Chúa Trời từ bỏ. Khi anh em từ bỏ Đức
Chúa Trời, hành động ấy buộc Đức Chúa Trời phải từ bỏ anh em. Nếu anh em buông
bỏ Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời buộc phải buông bỏ anh em. Đó là điều tồi tệ nhất.
Thật kinh khủng khi
bị Đức Chúa Trời từ bỏ. Chúng ta phải nói với Đức Chúa Trời rằng: “Dầu con bỏ Ngài, nhưng
xin Ngài đừng bỏ con. Có lẽ con dại dột khi từ bỏ Ngài. Chúa ơi, xin thương xót
con và đừng bao giờ bỏ con”. Chúng ta cần cầu nguyện như vậy, vì bị Đức Chúa Trời
từ bỏ là điều đáng sợ. Khi một người đã bị Đức Chúa Trời từ bỏ, người ấy không
bao giờ làm điều tốt. Người ấy sẽ không trở nên tốt hơn mà càng ngày càng xuống dốc.
Theo La-mã chương 1, Đức Chúa Trời bỏ mặc người ta cho ba
điều. Trước hết là cho sự ô uế (1:24). Khi một người từ bỏ Đức Chúa Trời và buộc
Đức Chúa Trời từ bỏ mình, người ấy sẽ bị ô uế, ngay lập tức người ấy sẽ dính dấp
đến sự ô uế. Thứ hai, Đức Chúa Trời bỏ mặc người ta cho niềm đam mê nhơ nhuốc,
cho dục vọng đáng hổ thẹn (1:26). Tôi không muốn dùng môi miệng tinh sạch của mình nói đến dục vọng
đáng hổ thẹn. Những người như vậy trở nên kẻ kê gian, buông tuồng trong niềm đam mê xấu xa và tình cảm
không kiểm chế, làm nhơ nhuốc thân thể của nhau. Thứ ba, Đức Chúa Trời bỏ mặc
người ta cho tâm trí không được chấp nhận (1:28). Nếu anh em không chịu giữ lấy
Đức Chúa Trời trong hiểu biết của mình, Đức Chúa Trời sẽ để anh em có một tâm
trí mà Ngài không chấp nhận. Tâm trí của tội nhân không bao giờ được Đức Chúa
Trời chấp nhận. Chẳng hạn như Đức Chúa Trời không chấp nhận một tâm trí đầy ắp
ý tưởng ly dị. Hãy nhìn vào xã hội tội lỗi ngày nay: không ai có một tâm trí được
Đức Chúa Trời chấp nhận. Tất cả đã bị Ngài bỏ mặc cho một tâm trí không được chấp
nhận, vì họ làm điều không đúng đắn. Người ta ngu dại và đáng xấu hổ trong con
đường tội lỗi của họ. Hành vi cử chỉ của họ hoàn toàn không đúng đắn. Tuy
nhiên, họ tiếp tục ở trong tội vì Đức Chúa Trời đã bỏ mặc họ cho một tâm trí
không được chấp nhận.
2. Gian Dâm-Làm Rối Loạn Trật Tự
Khi một người
đã bị Đức Chúa Trời bỏ mặc cho ô uế, dục vọng nhơ nhuốc, và một tâm trí không
được chấp nhận, thì kết cuộc là gian dâm (1:24,26,27). Anh em có biết ý nghĩa thật của gian dâm là gì
không? Gian dâm là vi phạm nguyên tắc chi phối và kiểm soát. Điều này dẫn đến
tình trạng rối loạn trật tự. Gia tể của Đức Chúa Trời là một chồng một vợ. Đó
không những
là gia tể của Đức Chúa Trời, mà còn là nguyên tắc chi phối và kiểm soát của
Ngài. Những người bị Đức Chúa Trời bỏ mặc sẽ làm hầu hết mọi điều để phá vỡ
nguyên tắc này, vi phạm nguyên tắc quản trị về một chồng một vợ. Hậu quả là
gian dâm, làm rối loạn trật tự. Tại sao người ta dính dấp vào điều này? Vì sự ô
uế, niềm đam mê nhơ nhuốc và tâm trí không được chấp nhận. Khi con người lìa bỏ
Đức Chúa Trời thì Ngài bỏ mặc họ cho gian dâm.
Mọi loại
gian ác đều ra từ sự gian dâm này (1:29-32). Vào cuối La-mã chương 1, Phao-lô liệt kê những loại gian
ác khác nhau và mô tả con người gian ác, chẳng hạn như những người nói lén, nói
xấu và những người ghét Đức Chúa Trời. Qua đó chúng ta có thể thấy rằng nếu một
người lìa bỏ Đức Chúa Trời, Ngài sẽ bỏ mặc người ấy cho dục vọng, rối loạn và mọi
điều ác có thể tưởng đến được.
II.
ĐỊNH TỘI
NHỮNG
NGƯỜI TỰ XƯNG CÔNG CHÍNH
Phân đoạn
trong Sách La-mã nói về định tội những người tự xưng công chính (2:1-16), cùng
với sự định tội trên cả nhân loại, cho thấy phương cách kiểm chế.
A.
Phương Cách Kiểm Chế
Bây giờ,
chúng ta đến cách kiểm chế, phương cách kiểm chế sự gian ác và xấu xa. Tôi
thích phần này trong La-mã. Tất cả chúng ta, đặc biệt là người trẻ, cần hết sức
chú ý đến cách kiểm chế này.
1. Nhận Biết Đức Chúa
Trời Qua Cõi Thọ Tạo Của Ngài
Điều đầu
tiên trong cách kiểm chế là nhận biết Đức Chúa Trời qua cõi thọ tạo (1:19-20).
Qua cõi thọ tạo, chúng ta có thể hiểu được những điều vô hình của Đức Chúa Trời,
quyền năng đời đời và bản chất thần thượng của Ngài. Các từng trời và trái đất
bày tỏ những điều vô hình của Đức Chúa Trời. Cách đây gần 20 năm, các anh em ở
Đài Loan đã thu thập tài liệu về tiểu sử của các khoa học gia nổi tiếng qua các
thế kỷ. Họ khám phá thấy chỉ có một tỉ lệ nhỏ trong số các khoa học gia hàng đầu
này nói rằng họ không tin Đức Chúa Trời.
Những người tin Ngài rõ ràng chiếm đa số. Tôi từng đọc một bài báo trong đó người
ta hỏi Einstein ông có tin Đức Chúa Trời
không. Einstein đáp: “Câu hỏi của ông đã
xúc phạm tôi. Làm thế nào một khoa học gia như tôi lại không tin Đức Chúa Trời?”
Nếu anh em nghiên cứu khoa học, khoa học sẽ cho biết có một Đức Chúa Trời.
Dầu không biết
khoa học, nhưng tôi biết chút ít về cơ thể người. Nhiều lần, trong khi giảng về
Đức Chúa Trời, tôi yêu cầu người nghe nghĩ đến cơ thể của họ. Tôi bảo: “Xin hãy
nghĩ xem các bạn kỳ diệu dường nào. Ai tạo nên các bạn?” Tất cả lông và tóc
trên thân thể vật lý của chúng ta, cả trong lẫn ngoài, đều mọc xuôi xuống ngoại
trừ lông trong cổ họng lại mọc ngược lên. Điều này thật ý nghĩa. Nếu lông trong
cổ họng mọc xuôi xuống, chúng ta sẽ chết vì không thể khạc đàm ra được. Ai tạo
nên chúng ta như vậy? Hơn nữa, hãy xem xét cách cấu tạo kỳ diệu của giương mặt
con người. Cái miệng được đặt ở một vị trí thật thích hợp. Nếu miệng được đặt
vào giữa hai con mắt thì vụng về và kinh khủng biết bao! Lại nữa, có bao giờ
anh em nghĩ đến chức năng của hai hàng lông mày không? Chúng có chức năng cản
nước, giữ cho mồ hôi không vào mắt. Ai đã tạo ra chúng ta như vậy? Gần đây tôi
đã giải phẫu mắt phải hai lần. Bác sĩ giải phẫu cho tôi xem một con mắt giả,
ông đặc biệt chỉ vào thủy tinh thể và võng mạc. Ngay lập tức, tôi thấy đó là mô
hình chính xác của một cái máy ảnh tốt nhất. Không ai có thể chế ra một
cái máy ảnh sánh được với mắt người. Ai đã làm những điều này? Răng của chúng
ta cũng được thiết kế cách kỳ diệu. Các răng trước, tức răng cửa, hoạt động như
hai con dao, cắt đứt bất cứ vật gì đặt vào giữa. Rồi lưỡi đưa thức ăn vào răng
hàm giống như những cối xay, nghiền nát thức ăn thành một chất có thể tiêu hóa.
Khi răng hàm đang xay, nước bọt tiết
ra làm lỏng thức ăn. Thật là kỳ diệu. Ai đã làm điều này? Chúng ta phải nói:
“Chúa ơi, con cảm tạ Ngài. Ngài là Đấng Tạo Hóa của con. Ngài đã tạo nên con
cách kỳ điệu”.
Khi nhìn cõi
thọ tạo nói chung và cơ thể con người nói riêng, làm sao chúng ta có thể nói
không có Đức Chúa Trời? Thậm chí một bác sĩ y khoa vô thần cũng phải thừa nhận
có một Đấng Toàn Năng tạo nên cơ thể con người. Vì vậy, qua những gì được tạo
nên, chúng ta có thể hiểu quyền năng đời đời và bản chất thần thượng của Đức
Chúa Trời. Khi nhìn thấy Đức Chúa Trời qua vẻ đẹp và kỳ quan của cõi thọ tạo,
chúng ta phải thờ phượng và tôn vinh Ngài. Nhận biết Đức Chúa Trời qua cõi thọ
tạo là khía cạnh đầu tiên trong cách kiểm chế sự gian ác.
2.
Nắm Giữ Lẽ Thật Trong Sự Công Chính
Chúng ta phải
nắm giữ thực tại về Đức Chúa Trời trong sự công chính, chấp nhận giữ lấy Đức
Chúa Trời trong sự hiểu biết trọn vẹn của chúng ta (La. 1:18,28). Chúng ta cần
tôn vinh, cảm tạ, thờ phượng và hầu việc Ngài (1:21,25). Thực hành bốn điều này
là vô cùng quan trọng. Với tư cách là một người ông, tôi xin nói đôi lời với
các cháu của tôi đang tham dự cuộc huấn luyện này. Ông biết rõ đời người là gì.
Các cháu hãy tin
ông khi ông
nói rằng thờ phượng Đức Chúa Trời là không bao giờ sai. Các cháu là thiếu niên,
điều đầu tiên cần học biết là thờ phượng Đức Chúa Trời. Trong đời người của các
cháu, không gì
quan trọng hơn thờ phượng Đức Chúa Trời. Ông ghét tình trạng con cháu kiếm hàng
triệu mỹ kim mà không thờ phượng Đức Chúa Trời. Ông không muốn thấy thế hệ thứ
hai hay thứ ba của ông trở nên giàu có mà không thờ phượng Đức Chúa Trời.
Ông muốn thấy
con cháu đến đây học cách thờ phượng Chúa, ơn phước lớn lao nhất trong đời người
là được huấn luyện để thờ phượng Đức Chúa Trời của chúng ta.
3. Vâng Theo Luật Tự
Nhiên
Tiếp theo,
chúng ta cần hành động theo bản chất của mình (2:14). Một số người thuộc linh đến nỗi
lên án mọi điều tự nhiên. Dường như họ cảm thấy không có điều gì thuộc tự nhiên
là tốt cả. Theo một ý nghĩa, hầu như tôi hoàn toàn đồng ý với điều này. Nhưng
theo một ý nghĩa khác, tôi cảnh cáo anh em đừng quên bản chất của mình. Bản chất
nguyên thủy của chúng ta mà Đức Chúa Trời đã
tạo nên vốn là tốt. Mọi điều do Cha chúng ta tạo nên, kể cả bản chất của chúng
ta, vốn là tốt. Dĩ nhiên, sự sa ngã đã đầu độc bản chất của chúng ta. Điều đó
không có gì phải nghi ngờ. Tuy nhiên, là người, chúng ta có một bản chất tốt được
Đức Chúa Trời tạo nên, và chúng ta cần hành động theo bản chất ấy. Nên chú ý
đến bản chất này. Dầu anh em có thể lý luận rằng trộm cắp không có gì là sai, nhưng
bản chất bên trong lại chống
đối mỗi khi anh
em bị cám dỗ trộm cắp. Ngay cả những kẻ cướp ngân hàng cũng thừa nhận rằng đang
khi cướp ngân hàng, bản chất họ bảo rằng: “Đừng làm như vậy”. Tuy nhiên, họ
không nghe theo. Mọi người làm ác đều như vậy. Bất cứ khi nào họ làm điều gì sai, bản chất của họ
không đồng ý. Chúng ta cần để ý đến những đòi hỏi của bản chất bên trong mình.
Trong La-mã
2:14-15, Phao-lô nói rằng khi các dân tộc không có Kinh Luật mà thực hành những
điều theo Kinh Luật thì họ chứng minh rằng chức năng của Kinh Luật được viết
trong lòng họ. Luật của Đức Chúa Trời có một chức năng trong bản chất của chúng
ta. Nói cách khác, bản chất của chúng ta tương ứng với Luật của Đức Chúa Trời
vì bản chất của chúng ta được Đức Chúa Trời tạo nên. Luật của Đức Chúa Trời được
ban ra theo bản chất của Đức Chúa Trời, vì người ban hành luật luôn luôn ban bố luật theo bản thể của
người ấy. Đức Chúa
Trời tạo nên con người theo những gì Ngài là. Vì vậy, Luật do Đức Chúa Trời ban
bố và
con người do Đức Chúa Trời tạo nên tương hợp với nhau. Do đó, chúng ta không cần
Luật bề ngoài vì chúng ta có chức năng của Luật được viết trong bản chất của
mình. Chúng ta chỉ cần sống
theo bản chất của mình.
4. Lắng Nghe Lương Tâm
Cùng với bản
chất tốt, chúng ta cũng có lương tâm (2:15). Lương tâm là một thực thể kỳ diệu,
và chúng ta nên lắng nghe lương tâm. Mặc dầu y sĩ không thể xác định vị trí của
lương tâm, nhưng không ai có thể phủ nhận chúng ta có lương tâm. Lương tâm của
chúng ta chống
đối liên tục. Khi anh em cãi cha mẹ, thì lương tâm nói: “Đừng làm như vậy”. Nếu
xúc phạm cha mẹ thì lương tâm sẽ cáo trách anh em suốt ba đêm. Người chồng nào
tìm cách ly dị vợ cũng bị lương tâm cáo trách. Mọi người đều có lương tâm. Đây
là vấn đề quan trọng. Trong đời sông Cơ-đốc bình thường, tất cả chúng ta đều phải
quan tâm đến lương tâm cách thích hợp.
5. Quan Tâm Đến Lý Lẽ Đúng Đắn
Ngoài bản chất
và lương tâm, chúng ta còn có lý lẽ trong tâm trí (2:15). Đừng thuộc linh đến nỗi
nói rằng tâm trí của chúng ta hoàn toàn vô dụng. Trong tâm trí, chúng ta có những
lý lẽ tốt. Thỉnh thoảng, những lý lẽ này buộc tội và lên án, lúc khác, lại bào
chữa và thanh minh. Khi bắt đầu làm một điều gì, chúng ta thường kinh nghiệm một
cuộc xung đột trong lý lẽ của mình với một số lý lẽ cho rằng: “Phải rồi, điều
đó đúng”, còn những lý lẽ khác lại cho rằng: “Không, như vậy là sai”. Tất cả
chúng ta đều kinh nghiệm điều này. Chúng ta cần quan tâm đến bản chất, lương tâm và lý lẽ bên
trong mình.
Chúng ta đã
thấy năm điều trên là cách kiểm chế: nhận biết Đức Chúa Trời qua cõi thọ tạo,
giữ lấy lẽ thật về Đức Chúa Trời trong sự công chính, sống theo bản chất, lắng
nghe lương tâm, và quan tâm đến
những lý lẽ đúng đắn. Nếu tuân theo tất cả những điều này, chúng ta sẽ được kiểm
chế khỏi mọi điều ác. Mặc dầu tất cả chúng ta đều đã được cứu và đang sống trong một tình trạng
nào đó được đề cập trong La-mã từ chương 5 đến chương 8, nhưng chúng ta vẫn cần
biết nguồn gốc của sự gian ác và cách được kiểm chế khỏi làm điều ác. Ha-lê-lu-gia,
chúng ta đã tìm được! Chúng ta cần biết Đức Chúa Trời qua cõi thọ tạo và nắm giữ
lẽ thật trong sự công chính của Ngài. Chúng ta cần hành động theo bản chất, lắng
nghe tiếng nói của lương tâm và quan tâm đến lý lẽ đúng đắn bên trong chúng ta.
Nếu thực hành những điều này, chúng ta sẽ được bảo vệ.