Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

LA-MÃ BÀI BỐN MƯƠI MỐT



ĐƯỢC CỨU TRONG SỰ SỐNG KHỎI TÌNH TRẠNG THIÊN NHIÊN
Sách La-mã có thể tóm tắt trong ba từ: cứu chuộc, sự sống, và xây dựng. Các chương đầu đề cập đến cứu chuộc, phần giữa đề cập đến sự sống, và phần cuối cùng đề cập đến xây dựng, là kết quả của sự cứu chuộc và sự sống. Trong bài trước, chúng ta thấy sau khi được cứu, được xưng công chính và được giải hòa với Đức Chúa Trời, chúng ta vẫn cần được cứu trong sự sống của Đấng Christ (5:10). Sự cứu chuộc, xưng công chính và giải hòa đã được hoàn thành bởi sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá. Nhờ sự chết của Đấng Christ, các nan đề giữa chúng ta và Đức Chúa Trời về phương diện tiêu cực đã được giải quyết. Nhưng mục đích của Đức Chúa Trời về mặt tích cực vẫn phải được hoàn thành. Mục đích của Đức Chúa Trời không chỉ là cứu chúng ta khỏi địa ngục hay sự phán xét của Ngài; mục đích của Ngài trong vũ trụ này là xây dựng Thân Thể như là sự biểu lộ tập thể của Con Ngài. Vì lý do này, Sách La-mã không dừng lại với sự cứu chuộc hay xưng công chính, nhưng tiến tới để đạt mục tiêu là ý định đời đời của Đức Chúa Trời.

Để thực hiện mục đích của Ngài, đường lối duy nhất Đức Chúa Trời dùng là sự sống. Trong chương 5, vấn đề sự sống được giới thiệu theo cách kinh nghiệm. Trong 5:10, Phao-lô nói: “Vì nếu đương khi chúng ta còn là kẻ thù nghịch mà được hòa lại với Đức Chúa Trời bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã được hòa lại rồi, lại sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu càng hơn là dường nào”. Xin lưu ý thì đây: chúng ta sẽ được cứu trong sự sống Ngài. Sau sự giải hòa, chúng ta vẫn cần được cứu trong sự sống. Mặc dầu đã được cứu rồi, chúng ta vẫn cần được cứu. Một mặt, chúng ta đã được cứu khỏi địa ngục và sự phán xét của Đức Chúa Trời. Điều đó được hoàn thành một lần đủ cả nhờ sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá. Nhưng mặt khác, chúng ta vẫn cần được cứu khỏi rất nhiều nan đề hiện tại. Nhiều Cơ-đốc nhân chờ lên thiên đàng. Nhưng nếu họ thình lình được đưa đến thiên đàng thì khi đến đó họ sẽ cảm thấy mình không thích hợp với vinh hiển của thiên đàng. Thiên đàng rất vinh hiển, nhưng trong nhiều khía cạnh, chúng ta vẫn còn thấp kém quá. Anh em có hài lòng với lối [sống] của mình ngày nay không? Anh em có thỏa lòng với chính mình không? Tôi vui vì vẫn đang ở trong tiến trình cứu rỗi đang diễn ra của Đấng Christ. Tôi cần được cứu vì vẫn còn ở trong sự sống thiên nhiên quá nhiều. Mặc dầu không muốn trong con người thiên nhiên và tha thiết cố gắng thoát khỏi con người thiên nhiên, nhưng phải thừa nhận rằng tôi vẫn còn thiên nhiên. Vì vậy, tôi cần được cứu hằng ngày và thậm chí hằng giờ trong sự sống của Đấng Christ khỏi con người thiên nhiên.

ĐƯỢC CỨU TRONG THÂN VỊ CỦA ĐẤNG CHRIST
Theo 5:10 chúng ta cần được cứu trong sự sống của Đấng Christ. Không những chúng ta dược cứu bởi sự sống của Ngài, mà cũng được cứu trong sự sống của Ngài. Sự sống là Thân Vị của chính Đấng Christ. Trong Phúc Âm Giăng, Chúa nhấn mạnh cách rõ ràng: “Ta là... sự sống” (14:6). Vì vậy, được cứu trong sự sống Ngài thật ra là được cứu trong Thân Vị của chính Đấng Christ.
Sự cứu rỗi Nô-ê và gia đình ông trong chiếc tàu là hình bóng về việc được cứu trong Đấng Christ. Nô-ê và gia đình được cứu không bởi chiếc tàu, nhưng trong chiếc tàu. Là tín đồ trong Đấng Christ, ngày nay chúng ta trong Ngài là chiếc tàu hôm nay. Đấng Christ là sự sống của chúng ta, và chúng ta ở trong Ngài. Trong Ngài chúng ta đang được cứu. Hễ ở trong Ngài, chúng ta trong tiến trình được cứu trong sự sống Ngài.
Chúng ta đã thấy mình được cứu khỏi luật của tội trong sự sống của Đấng Christ. Luật của tội hành động trong chúng ta cách tự phát và tự động. Chúng ta không cần phấn đấu để nói dối hay nổi nóng. Nói dối và nổi nóng là sản phẩm tự động của luật của tội đang hành động cách tự phát. Tuy nhiên, luật của Linh Sự Sống trong Christ Jesus giải thoát chúng ta khỏi luật của tội và sự chết (8:2). Hễ trong Đấng Christ là sự sống, tự phát chúng ta được giải phóng khỏi luật của tội và sự chết bởi luật của sự sống Ngài.
Chúng ta cũng được cứu trong sự sống của Đấng Christ khỏi những điều thế tục. Điều này có nghĩa là trong sự sống Ngài, chúng ta được thánh hóa, được phân rẽ khỏi thế gian. Tất cả chúng ta đều sinh ra trong môi trường thế tục và được huấn luyện để trở nên thế tục. Khuynh hướng thế gian ở trong bản chất chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần trong sự sống thần thượng để được giải cứu khỏi những điều thế tục. Sự sống thần thượng này phân rẽ chúng ta khỏi những điều thế tục và thánh hóa chúng ta về mặt địa vị lẫn bản tính. Chúng ta không thể được cứu khỏi thế gian bằng cách theo một số dạy dỗ hay điều lệ tôn giáo nào đó như điều lệ trong một số nhóm tôn giáo. Bám theo những điều lệ như vậy thì cùng lắm chỉ tạo nên sự thánh hóa bề ngoài về mặt địa vị. Tuy nhiên, thánh hóa được nói đến trong Sách La-mã không những về phương diện địa vị, mà còn về phương diện bản tính, là vấn đề bề trong, ảnh hưởng những nơi sâu thẳm của bản thể chúng ta. Trong sự sống của Đấng Christ, chúng ta đang được thánh hóa bề trong.
MỘT THAY ĐỔI MANG TÍNH TRAO ĐỔI CHẤT
Cùng với việc được cứu khỏi tội và những điều thế tục, chúng ta cần được cứu trong sự sống khỏi tính chất thiên nhiên. Điều này có nghĩa là chúng ta cần được biến đổi. Không những chúng ta cần thay đổi bề ngoài mà cũng cần thay đổi bề trong. Sự thay đổi bề trong này được gọi là biến đổi. Biến đổi hàm ý đến một thay đổi mang tính trao đổi chất trong bản thể chúng ta. Một yếu tố mới, tức yếu tố thần thượng, thánh khiết, thiên thượng,  phải được thêm vào yếu tố thiên nhiên để sinh ra một thay đổi mang tính trao đổi chất, hữu cơ. Kết quả của thay đổi đó là biến đổi.                                                                                                                    
Giả sử một người có nước da xanh xao trang điểm để có được làn da hồng hào. Thay đổi ấy là bề ngoài, rõ ràng không đem lại biến đổi bên trong. Phương cách của Đức Chúa Trời thì khác. Trước hết, Ngài rửa sạch các tội phạm chúng ta để thực hiện những đòi hỏi công chính của Ngài. Sau đó trong việc biến đổi chúng ta, Ngài không chủ yếu chú ý đến vẻ bề ngoài, nhưng chú ý đến chúng ta là gì về phương diện hữu cơ. Trở lại minh họa về vấn đề trang điểm, cách tốt nhất để làm cho da mặt hồng hào không phải là đánh phấn mà là ăn thực phẩm bổ dưỡng. Thực phẩm này sẽ tạo nên một thay đổi hữu cơ, cuối cùng sẽ cải thiện màu da. Sự thay đổi này là biến đổi. Do bề trong được biến đổi nên diện mạo bề ngoài cũng sẽ thay đổi.

ĐƯỢC BIẾN ĐỔI ĐỂ XÂY DỰNG THÂN THỂ
Sự biến đổi có tính hữu cơ này liên quan rất nhiều đến xây dựng Thân Thể. Mặc dầu đã được giải hòa với Đức Chúa Trời qua sự chết của Đấng Christ nhưng chúng ta vẫn rất thiên nhiên. Trong nếp sống Hội Thánh, chúng ta có tín đồ đến từ nhiều dân tộc khác nhau: Mỹ, Hoa, Mễ, Nhật, Phi, Anh, Pháp, Đức, Hàn, Ga-na. Nhưng nếu cứ tiếp tục ở trong tình trạng thiên nhiên, chúng ta không thể là Thân Thể Đấng Christ. Làm thế nào người Hoa có thể xây dựng với người Nhật, hay người Tây phương xây dựng với người Đông phương? Tuy nhiên, trong Thân Thể của Đấng Christ, chúng ta phải là một và xây dựng với nhau. Chúng ta cần được biến đổi cho điều này.
Theo tự nhiên, tất cả chúng ta đều là nam hoặc nữ. Nhưng ngay cả khác biệt tự nhiên này cũng gây nan đề trong nếp sống Hội Thánh. Một anh em đề cao địa vị người nam sẽ gây nan đề cho các chị em trong nếp sống Hội Thánh. Vì vậy, ngay cả trong vấn đề người nam, người nữ, chúng ta cũng cần được biến đổi vì sự xây dựng Thân Thể. Nếu cứ ở trong sự sống thiên nhiên, đơn giản là chúng ta không thể xây dựng với người khác. Nếu thiên nhiên, các anh không thể xây dựng với các chị và các chị không thể xây dựng với các anh. Hơn nữa, nếu các chị chưa được biến đổi, họ không thể xây dựng với ai cả. Trong tình trạng thiên nhiên, dầu nam hay nữ, chúng ta đều không thể xây dựng với nhau như là Thân Thể. Một lần nữa, chúng ta thấy cần phải được biến đổi, được cứu trong sự sống của Đấng Christ khỏi tình trạng thiên nhiên.
Khi nói chuyện với các thánh đồ hoặc khi trả lời những câu hỏi của họ, tôi rất sợ mình thiên nhiên. Tôi không muốn ở trong bản tính thiên nhiên. Anh em có biết bản tính là gì không? Bản tính đơn giản là biểu lộ thiên nhiên, là bản thể thiên nhiên. Bản tính là những gì chúng ta là theo thiên nhiên. Làm thế nào Hội Thánh được xây dựng nếu chúng ta cứ ở trong bản tính thiên nhiên? Làm thế nào những người khác nhau về tính khí lại có thể được xây dựng làm một? Không được biến đổi thì không thể nào có điều đó. Một số người biết điều này đã thất vọng đến nỗi cho rằng có được nếp sống Hội Thánh cách thực tế là chuyện hão huyền. Vào những lúc như vậy, thậm chí họ nghĩ đến việc từ bỏ nếp sống Hội Thánh. Tuy nhiên, chúng ta không có con đường quay lại. “Chiếc tàu lửa” chúng ta đang đi chỉ có một hướng; nó không bao giờ chạy lui. Ngay cả khi chúng ta thất vọng, “chiếc tàu lửa” nếp sống Hội Thánh vẫn đem chúng ta đi tới. Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài đi tới. Đó là phần định của chúng ta. Chúng ta được sinh ra vì điều này và thậm chí được tiền định cho điều này. Đơn giản là chúng ta phải đồng ý với những gì Chúa đang làm trong nếp sống Hội Thánh ngày nay.      I

MỌI SỰ ĐANG TÁC ĐNG
ĐỂ CHÚNG TA ĐƯỢC BIẾN ĐỔI
Một số người nói với tôi họ chán làm Cơ-đốc nhân và không muốn làm Cơ-đốc nhân nữa. Nhưng một khi đã là Cơ-đốc nhân, anh em không thể ngừng làm Cơ-đốc nhân. Vũ trụ không ở dưới điều khiển của chúng ta. Chúng ta là tạo vật, một số quyết định liên quan đến chúng ta đã được quyết trước khi chúng ta được sinh ra. Chúng ta không phải là người quyết định về việc mình sinh ra trong thế giới này. Điều này thuộc về Đức Chúa Trời. Đây là vũ trụ của Ngài và trái đất của Ngài, còn chúng ta là dân của Ngài. Theo gia tể của Đức Chúa Trời, là con người tiêu biểu, chúng ta phải là Cơ-đốc nhân. Là Cơ-đốc nhân thì chúng ta đã thấy rằng cần phải ở trong nếp sống Hội Thánh. Vì không có quyền lựa chọn trong điều này nên chúng ta hãy đơn giản đặt chính mình vào bàn tay biến đổi của Đức Chúa Trời và để cho Ngài thực hiện công tác biến đổi trong chúng ta. Những ai đã lập gia đình thì hiện đang có người chồng hoặc người vợ mình cần. Hơn nữa trong nếp sống Hội Thánh, chúng ta cũng có chính những anh chị em mình cần. Tất cả những người thân yêu trong Hội Thánh đều cần thiết để chúng ta được biến đổi. Chúa là Đấng tể trị, chúng ta phải thờ phượng Ngài về sự tể trị của Ngài. Ngài không bao giờ sai. Thỉnh thoảng tôi bị cám dỗ mất kiên nhẫn trước sự chậm chạp của một số anh em, hoặc trước những lỗi lầm họ vi phạm dưới sự tể trị của Chúa. Vào những lúc như vậy, Linh cư ngụ bên trong nhắc nhở tôi rằng tất cả những điều này đều để biến đổi tôi. Vào những lúc khác tôi được nhắc nhở, có lẽ bởi vợ tôi, rằng Đức Chúa Trời làm cho mọi sự hiệp lại để ích lợi cho chúng ta. Mọi sự hiệp lại trở nên ích lợi để biến đổi chúng ta. Chúng ta cần sự biến đổi này để được cứu khỏi tình trạng thiên nhiên của mình.

ĐỔI MỚI TÂM TRÍ
La-mã 12:2 bảo chúng ta hãy được biến đổi bởi đổi mới tâm trí. Tâm trí là nguồn gốc của những rắc rối, là tâm trí dầm thấm và tràn đầy những quan niệm thiên nhiên. Tâm trí đầy dẫy quan niệm thiên nhiên này là nguyên nhân gây ra những rắc rối trong sự xây dựng Thân Thể. Anh em, chị em, người già, người trẻ đều có quan niệm riêng. Hơn nữa, những người sinh Đông phương có quan niệm riêng, những người sinh Tây phương có quan niệm riêng. Làm thế nào chúng ta có thể được xây dựng với nhau nếu cứ giữ lấy những quan niệm khác nhau? Vì xây dựng Thân Thể, chúng ta cần đổi mới tâm trí. Không những chúng ta cần buông bỏ những quan niệm phi Cơ-đốc, mà cũng cần buông bỏ cả những quan niệm Cơ-đốc, tức những quan niệm đã tiếp thu khi trong các giáo phái. Các giáo phái là những nhóm chia rẽ được hình thành theo những quan niệm khác nhau. Bây giờ trong sự thương xót của Chúa, Ngài đã đem chúng ta lại với nhau cho nếp sống Hội Thánh, chúng ta cần đổi mới tâm trí. Chúng ta cần được tháo dỡ những quan niệm của mình bên trong. Điều này liên quan đến lớn lên trong sự sống. Càng lớn lên trong sự sống, chúng ta càng được sự sống dầm thấm. Rồi sự sống này sẽ biến đổi tâm trí chúng ta cách hữu cơ. Tự phát các quan niệm sẽ bị sự sống lớn lên bên trong nuốt mất đi.
Chúng ta đã học tập không tranh luận với các thánh đồ về những quan niệm của họ. Thay vào đó, nên cầu nguyện và cung ứng sự sống cho họ để họ có thể lớn lên. Khi các thánh đồ lớn lên, họ kinh nghiệm sự biến đổi trong hồn bởi tâm trí được đổi mới. Bằng cách cùng lớn lên như vậy trong sự sống của Đấng Christ, cuối cùng chúng ta đến chỗ có cùng một tâm trí. Rồi chúng ta làm một, không theo quan niệm của mình, nhưng theo sự sống bề trong.
CUNG ỨNG SỰ SỐNG
Nếu một anh em hay chị em nào bất đồng quan niệm, anh em đừng tìm cách thuyết phục người ấy thay đổi. Càng cố gắng thuyết phục, quan niệm đối lập ấy càng nặng nề hơn. Cách tốt nhất để giúp đỡ người như vậy là để sự sống bề trong giải quyết nan đề của họ. Giả sử anh em bị đứt tay. Sau khi xức thuốc vào, hãy để yên cho nó tự lành. Nhưng nếu can thiệp vào vết thương, anh em chỉ làm cho nó lâu lành mà thôi. Cuối cùng sự sống trong thân thể sẽ chăm sóc vết thương. Cũng vậy, cách tốt nhất để chăm sóc người bất đồng là không làm gì cả. Nếu cứ để mặc nan đề như vậy, không sớm thì muộn, người bất đồng sẽ không thỏa mãn với sự bất đồng của mình. Thay vì điều chỉnh hay cố gắng thay đổi họ, hãy cung ứng sự sống cho họ. Những gì các anh chị em đó cần là cung ứng sự sống hữu cơ ở bên trong. Anh em có thể cung ứng sự sống cho một người mà thậm chí không cần nói gì nhiều với anh ta. Chỉ cần nhìn anh ta, anh em cũng có thể cung ứng sự sống vào trong anh ta rồi. Đừng nói với người khác theo Cây Biết Thiện-Ác. Thay vào đó hãy vận dụng linh để truyền sự sống từ linh mình vào trong họ. Sự sống này là chính Đấng Christ sống động sẽ hành động trong họ để biến đổi họ bên trong. Cuối cùng sự sống bề trong sẽ biến đổi tâm trí họ và họ sẽ được biến đổi. Rồi những quan niệm đối lập sẽ bị nuốt mất đi.
Ngày nay chúng ta cần kinh nghiệm sự biến đổi này để xây dựng Hội Thánh. Càng được biến đổi, chúng ta càng được cứu trong sự sống của Đấng Christ. Nguyên tất cả chúng ta đều cầu xin Chúa ban cho mình sự biến đổi hữu cơ thật ở bên trong. Đó là nhu cầu của chúng ta ngày nay.