Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

LA-MÃ BÀI BỐN MƯƠI BẢY



Ý NGHĨA CỦA VIỆC CAI TRỊ TRONG SỰ SỐNG
Khi tạo dựng con người, Đức Chúa Trời có ý định con người sẽ biểu lộ Ngài theo hình ảnh Ngài và đại diện cho Ngài bằng sự cai trị hay uy quyền của Ngài. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời dự định cho con người vui hưởng Ngài là sự sống và cai trị trong sự sống này. Theo Sáng Thế Ký chương 1, con người phải cai trị trên trái đất và đặc biệt trên các loài bò sát, cụ thể là trên loài rắn. Sáng Thế Ký 1:28 nói rằng Đức Chúa Trời giao nhiệm vụ cho con người chinh phục trái đất, bắt phục trái đất. Chinh phục một điều gì đó là liên quan đến việc đánh bại kẻ thù và chiếm lấy tài sản của nó. Bởi đánh bại kẻ thù và chiếm lấy tài sản nó, chúng ta cai trị trên nó. Vì vậy, từ ban đầu Đức Chúa Trời dự định cho con người phải làm vua trong sự sống Ngài trên Sa-tan, là loài bò sát.

ÂN ĐIỂN VÀ TỘI
Sa-tan từng là kẻ thù độc nhất của Đức Chúa Trời. Vào một thời điểm nào đó, kẻ thù này tiêm chính hắn là tội vào trong con người cách bất hợp pháp và gian ác. Khi Sa-tan tiêm bản chất gian ác của hắn vào trong con người, Sa-tan trở nên tội. Tội là một điều gì đó bắt nguồn từ Sa-tan. Thật ra đó là chính Sa-tan đã được tiêm vào trong con người và nhục hóa trong con người.

Thấy được khác biệt giữa tội và điều ác mà đã được đề cập trong La-mã chương 7, là rất ích lợi. Trong 7:20, Phao-lô nói: “Song nếu tôi làm điều tôi không muốn, thì chẳng còn phải là tôi làm điều đó nữa, bèn là tội lỗi trong tôi”. Trong xác thịt chúng ta có một điều gì đó gọi là tội đang cư ngụ. Trong câu 21, Phao- lô nói: “Vậy, tôi thấy trong tôi có luật này: khi tôi muốn làm điều thiện, thì điều ác lại cặp theo”. Trong câu 20, Phao-lô nói về tội, nhưng trong câu 21, ông nói về điều ác.
Để hiểu sự khác biệt giữa tội và điều ác, chúng ta cần thấy rằng trước khi tạo dựng con người, Đức Chúa Trời có một kẻ thù độc nhất là Sa-tan, Ma Quĩ. Sau đó, Đức Chúa Trời tạo dựng con người. Vào thời điểm sáng tạo, con người thuần khiết, tinh sạch, và vô tội. Rồi Sa-tan tiêm chính hắn vào trong con người và trở nên tội trong con người. Như chúng tôi đã nêu, tội là Sa-tan nhục hóa trong con người.
La-mã 5:21 nói về tội, ân điển, sự chết, và sự sống: “Hầu cho như tội lỗi đã nhơn sự chết mà làm vua thể nào, thì ân điển cũng phải nhơn sự công nghĩa mà làm vua thể ấy, để dẫn đến sự sống đời đời bởi Jesus Christ, Chúa chúng ta”. Theo câu này, tội cai trị trong sự chết, và ân điển cai trị dẫn đến sự sống đời đời. Ở đây chúng ta thấy một sự tương phản sống động giữa sự cai trị của tội và sự cai trị của ân điển. Ở đây cũng có tương phản giữa sự chết và sự sống. Tội là Sa-tan nhục hóa thế nào, thì ân điển là Đức Chúa Trời nhục hóa thế ấy. Điều này được Giăng 1:14 chứng minh, câu này nói Lời, tức là Đức Chúa Trời, trở nên xác thịt, đầy dẫy ân điển và thực tại. Như vậy, ân điển là Đức Chúa Trời nhục hóa trong chúng ta. Ân điển là Đức Chúa Trời đến trong con người. Nếu Đức Chúa Trời vẫn ở ngoài con người thì không có ân điển. Mặc dầu những thuộc tính thần thượng khác vẫn tồn tại tách rời khỏi việc Đức Chúa Trời đến trong con người, nhưng không có ân điển nào tách rời khỏi vịệc Đức Chúa Trời nhục hóa trong con người. Khi Đức Chúa Trời và con người đến với nhau theo cách hòa quyện thì có ân điển. Mặc dầu khó có thể tìm được một câu trong Kinh Thánh nói về ân điển tách rời khỏi mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và con người, nhưng có nhiều câu trong Kinh Thánh cho thấy ân điển là vấn đề quan hệ của Đức Chúa Trời với con người.
Cũng theo nguyên tắc này, khi Sa-tan tách rời khỏi con người thì không có tội. Nhưng một khi Sa-tan vào trong chúng ta, thì trong chúng ta có tội. Vì vậy, tội là Sa-tan liên hệ với con người cách chủ quan. Sự hiểu biết về ân điển và tội thật quí báu biết bao!

TỘI VÀ ĐIỀU ÁC
Nếu hiểu như vậy, chúng ta sẽ thấy được khác biệt giữa tội và điều ác. Khi tội nằm yên bên trong chúng ta, nó chỉ là tội. Nhưng khi chúng ta quyết định làm lành bằng cách giữ Kinh Luật để đẹp lòng Đức Chúa Trời, thì tội được đánh thức và trở thành điều ác. Điều ác là tội hành động trong chúng ta. Mỗi khi tội cư-ngụ-bên-trong hoạt động, thì tội trở nên điều ác hiện diện với chúng ta. Tội là kẻ cư ngụ bên trong, nhưng điều ác là kẻ hiện diện, hoạt động. Tội là Sa-tan cư ngụ trong chúng ta, nhưng điều ác là Sa-tan hành động trong chúng ta. Vì vậy, cả tội lẫn điều ác đều là chính Sa-tan. Cư ngụ trong chúng ta, Sa-tan là tội, và hành động trong chúng ta, Sa-tan là điều ác. Sa-tan, tội, và điều ác chỉ về một điều trong ba giai đoạn.
BA KẺ THÙ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
La-mã 5:12 chép: “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi đã vào thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, và như vậy sự chết đã lan khắp mọi người, vì mọi người đều đã phạm tội”. Câu này cho thấy rằng tội đem đến sự chết. Theo Hê-bơ-rơ 2:14, kẻ có quyền lực của sự chết là Ma Quỉ. Hai câu này cho thấy tội và sự chết liên quan đến Sa-tan. Sa-tan, tội, và sự chết là ba kẻ thù của Đức Chúa Trời. lCô-rin-tô 15:26 nói về sự chết là kẻ thù sau cùng. Trong Sáng Thế Ký chương 1, Đức Chúa Trời có một kẻ thù độc nhất là Sa-tan. Nhưng sau khi con người sa ngã, tội và sự chết cũng trở nên kẻ thù của Ngài.
Khi còn là một Cơ-đốc nhân trẻ, tôi xem sự chết là một điều gì đó trong tương lai; tôi không xem nó như một điều hiện diện ngày nay. Nhưng như lGiăng 3:14 có nói rõ, chúng ta có thể trong sự chết ngày nay: “Còn ai chẳng thương yêu thì cứ trong sự chết”. Câu này không nói ai không thương yêu anh em mình sẽ chết, nhưng nói ai không thương yêu anh em mình thì vẫn cứ ở trong sự chết, thậm chí ngay bây giờ. Nếu không ở trong sự sống, chắc chắn chúng ta ở trong sự chết. La-mã 8:6 cũng chứng minh chúng ta có thể trong sự chết ngày nay: “Vì tâm trí đặt nơi xác thịt là sự chết, nhưng tâm trí đặt nơi linh là sự sống và bình an” (RcV).

LINH -ĐỨC CHÚA TRỜI SỐNG TRONG CHÚNG TA
La-mã 8:2 chép: “Vì luật của Linh của sự sống trong Christ Jesus đã buông tha tôi khỏi luật của tội và sự chết”. Trong câu này, chúng ta có luật, tội, và sự chết tương phản với luật, Linh, và sự sống. Sự sống đối nghịch với sự chết, và Linh đối nghịch với tội. Tội là Sa-tan hiện thân trong chúng ta, và Linh là Đức Chúa Trời sống trong chúng ta. Đức Chúa Trời hiện thân trong chúng ta là ân điển, nhưng Đức Chúa Trời sống trong chúng ta là Linh. Do đó, ân điển trong La-mã chương 5 chính là Linh trong La-mã chương 8. Vấn đề trong chương 5 là ân điển đối kháng tội, nhưng vấn đề trong chương 8 là Linh đối kháng tội. La-mã 8:2 không nói về luật của ân điển sự sống mà nói về luật của Linh Sự Sống. Khi Đức Chúa Trời hiện thân trong chúng ta, Ngài là ân điển của chúng ta. Khi sống trong chúng ta, Ngài là Linh. Trong Hê-bơ-rơ 10:29, Linh được gọi là Linh của ân điển. Linh chính là Đức Chúa Trời hiện thân trong chúng ta là ân điển sống động và hành động trong chúng ta.

CÔNG TÁC CỦA KẺ THÙ ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong Sách La-mã, chúng ta không thể tìm thấy Đức Chúa Trời có kẻ thù nào khác hơn là Sa-tan, tội, và sự chết. La-mã 16:20 chép: “Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ kíp chà nát Sa-tan dưới chân anh em”. Sau khi nói về Sa-tan bị chà nát dưới chân chúng ta bởi Đức Chúa Trời của sự bình an, thì cũng trong chính câu này Phao-lô nói: “Nguyện ân điển của Chúa chúng ta là Jesus Christ ở cùng anh em!” Khi Sa-tan bị chà nát, thì ân điển ở với chúng ta.
Theo một ý nghĩa, là tội và điều ác, kẻ thù của Đức Chúa Trời, tức Sa-tan, đang thắng thế ngày nay để đem người ta vào sự chết và giữ họ tại đó. Đó là công tác gian ác của kẻ thù Đức Chúa Trời. Sa-tan không hài lòng khi chỉ khiêu khích chúng ta trong những vấn đề như nổi nóng. Hắn có ý định đem chúng ta vào sự chết. Nhưng Đức Chúa Trời đang hành động như sự sống để đánh bại tội, sự chết, và Sa-tan. Kết quả của việc Đức Chúa Trời đánh bại ba kẻ thù này là chúng ta cai trị trong sự sống.

CHIẾN THẮNG VÀ CAI TRỊ
Trong chương 5 của Sách La-mã, chúng ta có phần giới thiệu cho vấn đề cai trị trong sự sống. Như câu 17 cho thấy, là những người nhận lãnh ân điển dư dật, chúng ta sẽ cai trị trong sự sống. Các chương từ 6 đến 16 định nghĩa cho việc cai trị trong sự sống. Cai trị trong sự sống là bước đi trong sự mới mẻ của sự sống (6:4). Trong chương 7, chúng ta thấy bức tranh của người bị tội và điều ác quấy rối và người bị cầm tù trong sự chết. Người này kêu la trong tuyệt vọng: “Ôi! tôi là người khốn nạn dường nào! Ai sẽ giải cứu tôi khỏi thân thể của sự chết này?” (c. 24). Nhưng trong chương 8, người này được giải thoát khỏi luật của tội và sự chết nhờ luật của Linh Sự Sống. Trong chương 7 có chiến trận, nhưng trong chương 8, vừa có chiến thắng vừa có sự cai trị. Thậm chí trong 6:14, chúng ta được biết tội sẽ không chủ trị trên chúng ta, vì chúng ta không dưới Kinh Luật, nhưng ở dưới ân điển. Vì chúng ta dưới ân điển, nên đúng ra tội không còn cai trị như vua trên chúng ta nữa. Bây giờ khi Đức Chúa Trời đã đến trong chúng ta như ân điển, tội không được chủ trị trên chúng ta nữa.

TIẾN TRÌNH TRỞ NÊN NHỮNG VỊ VUA
Ngày nay, chúng ta đang trong tiến trình trở nên những vị vua. Thánh hóa là một phần của tiến trình này. Tiến trình này cũng bao hàm biến đổi, đồng hóa, và vinh hóa. Ngày nay chúng ta đang trên đường tiến tới vương quyền. Cuối cùng, vương quyền sẽ dầm thấm toàn bản thể chúng ta và được biểu lộ ra. Vào thời điểm ấy, chúng ta sẽ cai trị trong sự sống cách trọn vẹn.                                                                                                                                |j
Cai trị trong sự sống không có nghĩa là thi hành quyền điều khiển vợ con. Anh em có thể cai trị con cái mà vẫn không phải là vua. Cai trị người khác là quan niệm của loài người về vương quyền. Hiểu biết đúng đắn về cai trị trong sự sống là chúng ta cai trị trong sự sống thần thượng trên tội, sự chết, và Sa-tan, là kẻ cuối cùng sẽ bị chà nát dưới chân chúng ta. Để cai trị trong sự sống như vậy, chúng ta cần được thánh hóa, biến đổi, đồng hóa, và vinh hóa. Chúng ta có sự sống cai trị bên trong, nhưng sự sống này chưa được giải phóng trong chúng ta. Trái lại, sự sống này bị giam hãm trong linh. Con người bề ngoài của chúng ta chưa được thánh hóa. Để được thánh hóa, chúng ta cần được sự sống cai trị này dầm thấm, là sự sống hiện đang trong linh chúng ta. Cách duy nhất để hồn và thân được thánh hóa là chúng ta được sự sống cai trị, sự sống bề trong này dầm thấm cách đầy trọn. Sự sống cai trị này không những thánh hóa chúng ta, mà còn đồng hóa chúng ta theo chính hình ảnh của Con Trưởng Đức Chúa Trời. Đó là đồng hóa. Hơn nữa, đang khi được sự sống cai trị này dầm thấm, chúng ta cũng đang được biến đổi. Sự biến đổi là cách nói khác về thánh hóa. Cuối cùng, thân thể cực kỳ xấu xa của chúng ta sẽ được biến hóa, tức là sẽ được vinh hiển của sự sống cai trị của Đức Chúa Trời dầm thấm và lan tỏa trọn vẹn. Rồi toàn bản thể anh em sẽ được sự sống cai trị này dầm thấm và lan tỏa. Sự sống cai trị này sẽ được biểu lộ ra trọn vẹn khi chúng ta được lộ ra là các con trai của Đức Chúa Trời. Vào lúc ấy chúng ta sẽ cai trị không những bởi sự sống bề trong mà cũng bởi vinh hiển bề ngoài.

CAI TRỊ TRONG SỰ SỐNG
LIÊN QUAN ĐẾN HIỆP MỘT
Cai trị trong sự sống cũng liên quan đến việc chúng ta hiệp một với các thánh đồ. Hiệp một không chỉ là vấn đề đến với nhau mỗi tuần vài lần và tuyên bố chúng ta là một. Đền tạm trong Cựu Ước là hình ảnh về sự hiệp một thật, là điều Chúa Jesus đã cầu xin trong Giăng chương 17. Đền tạm được xây dựng với 48 tấm ván bọc vàng. Những tấm ván này được giữ với nhau bởi những thanh bằng vàng xuyên qua những khoen vàng nối các tấm ván với nhau. Bằng cách này, 48 tấm ván trở nên một. Đó là xây dựng, xây dựng nhân tính trong thần tính. Những tấm ván bằng gỗ tượng trưng cho nhân tính, còn vàng bọc các tấm ván tượng trưng cho thần tính. Tất cả những tấm ván này bọc vàng và liên kết với nhau bằng vàng. Đó là sự hiệp một thật.
Nếu các Cơ-đốc nhân thật sự là một, không những họ nên đến với nhau mà còn nên xây dựng với nhau trong sự sống thần thượng. Sự hiệp một thật là xây dựng. Điều này sâu xa hơn nhiều so với chỉ yêu thương nhau mà thôi. Để hiệp một, chúng ta không những cần yêu thương nhau, mà cũng cần được bọc vàng, và gắn bó với nhau bởi những thanh bằng vàng. Tất cả chúng ta đều cần được xây dựng với nhau trong vàng, tức là trong bản chất của Đức Chúa Trời. Đó là sự hiệp một mà Chúa Jesus đã cầu nguyện trong Giăng chương 17.
Đó cũng là sự hiệp một trong La-mã chương 12 đến chương 16. Trong 12:5, Phao-lô nói: “Thì cũng vậy, chúng ta dầu nhiều mà vẫn một thân trong Christ, và là Chi Thể của nhau”. Những tấm ván trong đền tạm cũng minh họa về cách chúng ta là Chi Thể của nhau. Chiều rộng của mỗi tấm ván là một cúp-bít rưỡi. Trong Kinh Thánh, 3 là con số cơ bản trong sự xây dựng của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn như số 3 được tìm thấy trong các chiều kích của con tàu Nô-ê. Con tàu có 3 tầng, và dài 300 cúp-bít. Vì số 3 là đơn vị cơ bản trong sự xây dựng của Đức Chúa Trời nên một cúp-bít rưỡi biểu thị một nửa đơn vị. Điều này có nghĩa là trong sự xây dựng của Đức Chúa Trời, tự mình chúng ta không phải là đơn vị hoàn chỉnh. Mỗi người trong chúng ta chỉ là một nửa. Điều này có nghĩa là anh em cần một người khác và một người khác cần anh em. Nếu thật sự là Chi Thể của nhau, chúng ta sẽ giống những tấm ván liên kết với nhau. Dầu đôi khi có cảm thấy thế nào về “tấm ván” liên kết với mình đi nữa, thì cũng không nên tách mình ra khỏi người ấy. Nếu tự phân rẽ, điều đó cho thấy chúng ta chưa bao giờ thật sự được xây dựng vào trong Hội Thánh. Nếu đã được xây dựng vào, chúng ta không thể tách mình ra.
Làm một với các thánh đồ trong sự xây dựng là một phương diện của việc cai trị trong sự sống. Đắc thắng tính nóng nảy là khó, nhưng đắc thắng bản chất chia rẽ còn khó hơn nhiều. Cách đây nhiều năm, tôi nhận thấy làm người, tôi phải làm Cơ-đốc nhân, và làm Cơ-đốc nhân, tôi cần phải ở trong Hội Thánh. Đơn giản đó là cách tốt nhất để tôi tiến lên trong Chúa. Vì vậy, mặc dầu không luôn luôn vui thỏa với hiện trạng trong nếp sống Hội Thánh, nhưng tôi dứt khoát quyết định rằng tôi sẽ lại trong nếp sống Hội Thánh và làm một với các thánh đồ. Giữ sự hiệp một là cai trị trong sự sống. Chỉ trong sự sống thần thượng, không phải trong bản chất con người, chúng ta mới có thể giữ sự hiệp một thật. Trong sự sống thần thượng, chúng ta có ân điển, tức Đức Chúa Trời hiện thân trong chúng ta, và cũng có Linh sống động. Trong Linh này, chúng ta sống và cai trị trong sự sống.