Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

LA-MÃ BÀI BỐN MƯƠI



ĐƯỢC CỨU TRONG SỰ SỐNG KHỎI TỘI VÀ THẾ GIỚI
Với bài này, chúng ta bắt đầu một loạt bài về sự sống cứu rỗi của Đấng Christ. La-mã 5:10 chép: “Vì nếu đương khi chúng ta còn là kẻ thù nghịch mà đã được hòa lại với Đức Chúa Trời bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã được hòa lại rồi, lại sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu càng hơn là dường nào”. Cơ-đốc nhân chú ý nhiều đến sự chết của Đấng Christ, nhưng không chú ý nhiều đến sự sống của Ngài. Chúng ta có thể biết từ liệu sự sống của Đấng Christ, và có thể quen thuộc với các câu Kinh Thánh trong Phúc Âm Giăng, trong đó Chúa nói Ngài là sự sống và Ngài đã đến để chúng ta có sự sống dư dật (Gi. 11:25; 10:10). Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng chúng ta thiếu kinh nghiệm thật về sự sống.

SỰ KHẢI THỊ TIỆM TIẾN VỀ SỰ SỐNG
Sự khải thị thần thượng trong Lời Thánh mang tính tiệm tiến. Vì vậy, mặc dầu Phúc Âm Giăng thật tuyệt vời, nhưng vẫn không chứa đựng sự khải thị tối hậu. Sau Sách Giăng và Công Vụ, chúng ta có các Thư Tín, là sự phát triển từ các Sách Phúc Âm. Những hạt giống gieo trong Cựu Ước nảy mầm trong các Sách Phúc Âm, nhưng lớn lên và phát triển nhiều hơn trong các Thư Tín. Dĩ nhiên mùa gặt của tất cả những hạt giống này nằm trong Sách Khải Thị. Hạt giống sự sống được gieo trong Sáng Thế Ký chương 2, trong lời nói về Cây Sự Sống. Sự sống ở đây không chỉ về sự sống thuộc thể (bios), cũng không chỉ về sự sống thuộc hồn hay tâm lý (psuche) mà chỉ về sự sống thần thượng, sự sống của Đức Chúa Trời (zoe). Nếu chỉ có chương 2 của Sách Sáng Thế Ký, chúng ta sẽ khó hiểu sự sống là gì. Thi Thiên 36:9 cho thấy nhiều hơn về sự sống: “Vì nguồn sự sống nơi Chúa”. Điều này cho thấy Đức Chúa Trời, tức Đức Chúa Trời Tam- Nhất, là nguồn sự sống. Chương 1 của Phúc Âm Giăng khải thị rằng sự sống ở trong trong Lời, tức là Đấng Christ (Gi. 1:1, 4). Khi Chúa Jesus đến để thi hành chức vụ, Ngài nói rõ Ngài là sự sống (Gỉ. 11:25; 14:6). Theo khải thị của Phúc Âm Giăng, sự sống là một thân vị Sống, tức Đấng Christ, là chính hiện thân của Đức Chúa Trời. Do đó, Sách Giăng là Sách sự sống. Sự sống nảy mầm trong Phúc Âm này.

Chúng ta thấy mầm này lớn lên trong Sách La-mã. Trong Giăng chương 15, Chúa Jesus bảo chúng ta phải cứ ở trong Ngài. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nêu trong bài trước, phương cách để cứ trong Ngài không thấy trong Giăng chương 15 mà trong La- mã chương 8. La-mã chương 8 khải thị rằng Đấng Christ ngày nay là Linh Sự Sống. Là Linh Sự Sống, Ngài ở trong linh chúng ta. Vì vậy, linh trong chương này là linh hòa quyện, là Linh thần thượng hòa quyện với nhân linh. Để cứ ở trong Ngài, chúng ta cần đặt tâm trí, là phần đại diện cho toàn bản thể chúng ta, vào linh hòa quyện. Kết quả là sự sống và bình an. Vì vậy, cần có La- mã chương 8 để thực tại hóa Giăng chương 15 cách thực tế. Có Giăng chương 15 mà không có La-mã chương 8 [cũng giống như] có mầm mà không có lớn lên.
Cũng theo nguyên tắc này, nhiều phương diện kỳ diệu khác của sự sống được tìm thấy trong Phúc Âm Giăng, đã được khai triển trong Sách La-mã. Trong Giăng chúng ta có khải tượng về sự sống; Tuy nhiên, Phúc Âm này không cho chúng ta phương cách rõ ràng để kinh nghiệm sự sống, về điều này, chúng ta cần Sách La-mã. Trong Sách La-mã, sự sống được khải thị theo cách không những để chúng ta biết mà còn để kinh nghiệm.

SỰ XƯNG CÔNG CHÍNH VÀ SỰ SỐNG
Trong 1:16, Phao-lô nói Phúc Âm là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu rỗi mọi người tin. Sau đó trong câu tiếp theo, ông nói: “Vì trong Phúc Âm đó đã bày tỏ sự công nghĩa (hoặc: sự công chính) của Đức Chúa Trời do đức tin đến đức tin, như có chép rằng: Người công nghĩa sẽ sống bởi đức tin”. Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là bởi xưng công chính do đức tin. Mặc dầu tất cả Cơ-đốc nhân đều đã nghe điều này nhưng hầu hết đều bỏ mất điểm quan trọng nhất trong chương này.Vấn đề này không phải sự cứu rỗi, cũng không phải xưng công chính hay đức tin, mà là sự sống. Xin lưu ý rằng 1:17 nói người công chính sẽ sống bởi đức tin. Câu này cũng có thể dịch là: “người công chính sẽ có sự sống bởi đức tin”. Vì vậy, cách tốt nhất để nắm trọn ý nghĩa ở đây là nói: “Người công chính sẽ có sự sống và sống bởi đức tin”.
Đức Chúa Trời đã cứu và xưng công chính chúng ta để chúng ta có sự sống. Xưng công chính đem đến sự sống. Vì vậy, trong 5:18 Phao-lô nói về “xưng nghĩa (hoặc: xưng công chính) để được sự sống”. Việc Đức Chúa Trời xưng công chính cho chúng ta trong Đấng Christ là thuộc về sự sống. Xưng công chính dẫn đến sự sống. Mục đích của Đức Chúa Trời khi xưng công chính là làm cho chúng ta có thể vui hưởng sự sống của Ngài. A-đam trong Sáng Thế Ký chương 2 không cần xưng công chính vì lúc ấy tội chưa đến. Con người sống trong tình trạng vô tội trước mặt Đức Chúa Trời. Vì A-đam sa ngã và vướng mắc vào tội nên con đường dẫn đến Cây Sự Sống bị đóng lại (Sáng 3:24) cho đến khi Chúa Jesus chết trên thập tự giá để thực hiện những đòi hỏi công chính của Đức Chúa Trời. Đấng Christ là sự công chính của chúng ta. Khi chúng ta tin nơi Ngài, Ngài trở nên sự công chính đối với chúng ta, và chúng ta được Đức Chúa Trời xưng công chính. Qua sự xưng công chính này, chúng ta được đem trở lại Cây Sự Sống. Vì vậy, xưng công chính thuộc về sự sống, vì sự sống và dẫn đến sự sống.
Nhiều Cơ-đốc nhân quá chú ý vào vấn đề xưng công chính nhưng lại xao lãng vấn đề sự sống. Vì vậy, chúng ta cần nhấn mạnh một cụm từ trong 5:18 —“xưng công chính để được sự sống”. Từ then chốt ở đây là “sự sống”. Xưng công chính chưa phải là cùng đích; xưng công chính là vì sự sống. Anh em đã được xưng công chính bởi đức tin nơi Đấng Christ chưa? Nếu rồi, anh em nên mạnh mẽ tuyên bố mình được xưng công chính là vì sự sống. Người công chính sẽ có sự sống và sống bởi đức tin.

ĐƯỢC CỨU TRONG SỰ SỐNG CỦA NGÀI
Trong 5:10, Phao-lô nói “Vì nếu đương khi chúng ta còn là kẻ thù nghịch mà đã được hòa lại với Đức Chúa Trời bởi sự chết của Con Ngài”. Sự chết của Đấng Christ là để chúng ta được cứu chuộc, xưng công chính và giải hòa. Nhưng tất cả những điều này đều vì sự sống. Như Phao-lô nói tiếp trong câu này: “Thì huống chi nay đã được hòa lại rồi, lại sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu càng hơn là dường nào”. Chúng ta đã vui hưởng những ích lợi của sự chết Đấng Christ; bây giờ chúng ta cần vui hưởng sự sống của Ngài. Đấng chết trên thập tự giá vì tội chúng ta, bây giờ đang sống trong và cho chúng ta như sự sống của chúng ta. Chúng ta tham dự vào sự chết của Đấng Christ thế nào thì cũng cần kinh nghiệm sự sống của Ngài thế ấy. Sự sống của Đấng Christ là chính Đấng Christ sống trong chúng ta.
Sự sống này cứu chúng ta khỏi mọi điều tiêu cực. Tuy nhiên, không phải sự sống của Đấng Christ cứu chúng ta khỏi địa ngục hay sự phán xét của Đức Chúa Trời, vì chúng ta đã được cứu khỏi mọi điều này nhờ sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá vì tội chúng ta rồi. Mặc dầu chúng ta tội lỗi và bị định phải chịu Đức Chúa Trời kết án đời đời nhưng sự chết của Đấng Christ đã giải quyết nan đề này. Vì vậy, bởi sự chết của Đấng Christ, chúng ta đã được cứu khỏi địa ngục và sự phán xét đời đời của Đức Chúa Trời. Sự cứu rỗi này đã được hoàn thành một lần đủ cả. Thế nhưng Phao-lô nói: “Chúng ta….sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu”; điều này cho thấy rằng chúng ta vẫn cần kinh nghiệm sự sống cứu rỗi của Đấng Christ.
Chúng ta được cứu khỏi điều gì? Nếu muốn trả lời câu hỏi này cách đầy đủ và chi tiết, chúng ta cần đề cập đến hàng trăm điều, bao gồm tánh nóng giận, tính khí, tính tự cao và ganh ghét. Ai cũng có nan đề với tánh nóng nảy, tính khí thiên nhiên, tính tự cao hay lòng ganh ghét. Thậm chí anh em có thể cảm thấy ganh tỵ với một người có lời chứng tốt trong buổi nhóm. Chúng ta cần được cứu trong sự sống của Đấng Christ là dường nào! Mặc dầu chúng ta cần được cứu khỏi hàng trăm điều nhưng trong Sách La-mã, sứ đồ Phao-lô chỉ đề cập đến một số điều chính yếu mà chúng ta cần được cứu, bao gồm tội, thế gian, tình trạng thiên nhiên, cá nhân chủ nghĩa và chia rẽ.

ĐƯỢC CỨU TRONG SỰ SỐNG
 KHỎI LUẬT CỦA TỘI
Trước hết chúng ta xem xét sự cứu rỗi trong sự sống khỏi luật của tội. La-mã 8:2 chép: “Vì luật của Thánh Linh sự sống trong Christ Jesus đã buông tha tôi khỏi luật của tội và sự chết”. Câu này không những nói về tội, mà còn nói về luật của tội. Mọi điều tiêu cực như tánh nóng nảy và tự cao đều liên quan đến luật này. Lý do anh em. không thể thắng hơn tánh nóng mảy là vì tánh nóng nảy liên quan đến luật của tội. Có một luật làm cho anh em nổi nóng, kiêu ngạo và ghen ghét. Chẳng hạn như nếu tôi ném một quả banh lên không, chẳng cần phải cầu xin cho nó rớt xuống đất. Luật trọng lực sẽ tự động làm cho trái banh rớt xuống. Cũng vậy, không cần ai giúp mình nổi nóng, vì chúng ta nổi nóng cách tự phát theo hành động của luật tội lỗi trong chúng ta. Hơn nữa, không cần cố gắng kiêu ngạo hay ghen ghét vì luật tội lỗi sinh ra kiêu ngạo và ghen ghét trong chúng ta. Nói dối cũng là kết quả do luật tội lỗi. Cơ-đốc nhân biết họ không nên nói dối, nhưng bằng cách này hay cách khác, hầu như tất cả Cơ-đốc nhân đều nói dối, dầu sự nói dối đó chỉ là khoát lên vẻ bề ngoài hay một thể hiện giả tạo. Tương tự như những điều tội lỗi khác, nói dối không phải là điều ai dạy cho mà do luật tội lỗi trong chúng ta.
Để anh em có ấn tượng về điều này, tôi muốn dùng từ “luật” như một động từ. Luật của tội “luật” chúng ta, tất cả chúng ta đều bị luật này “luật”. Đơn giản là chúng ta không thể thoát khỏi “luật” của luật tội lỗi trong chính mình. Theo 8:2, luật tội lỗi cũng là luật sự chết. Khi luật này “luật” chúng ta, không những chúng ta vướng vào tội mà còn vướng vào sự chết. Chỉ trong sự sống của Đấng Christ chúng ta mới được cứu khỏi luật khủng khiếp này.
Nhiều triết gia vĩ đại, đặc biệt là các nhà tư tưởng đạo đức Trung Quốc, đã cố gắng thắng hơn luật này. Một số triết gia Trung Quốc đã nói về chiến trận giữa nguyên lý và dục vọng. Đó chính là điều Phao-lô nói đến trong La-mã 7:23: “Nhưng tôi thấy trong chi thể tôi có một luật khác chiến đấu với luật trong tâm trí tôi, bắt tôi làm phu tù cho luật của tội vẫn trong chi thể tôi”. Điều mà các nhà tư tưởng đạo đức Trung Quốc gọi là nguyên lý chính là luật của điều thiện, và điều họ gọi là dục vọng chính là luật của tội đem chúng ta đến sự chết. Bằng nỗ lực riêng, chúng ta không thể thắng luật của tội. Cách duy nhất để được giải thoát khỏi luật này được khải thị trong La-mã 8:2: “Vì luật của Thánh Linh của sự sống trong Christ Jesus đã buông tha tôi khỏi luật của tội và sự chết”.

LUẬT CỦA LINH SỰ SỐNG
La-mã 8:2 nói về luật của Linh Sự Sống. Đức Chúa Trời không những là Linh, mà còn là Sự Sống. Là Linh, Đức Chúa Trời chính là sự sống trong chúng ta. Vì sự sống này là Linh nên Linh được gọi là Linh Sự Sống. Mỗi sự sống có một luật, và Linh Sự Sống cũng có luật riêng. Luật của sự sống loài chim là bay, luật của sự sống loài chó là sủa, luật của sự sống loài mèo là bắt chuột, luật của sự sống loài gà là đẻ trứng, và luật của sự sống cây táo là sinh ra trái táo. Không cần ai dạy cây táo sinh trái táo, vì trong sự sống cây táo có luật để “luật” nó kết trái theo loại của cây táo. Sự sống sa ngã của chúng ta cũng có một luật, là luật của tội và sự chết. Là tín đồ trong Đấng Christ, chúng ta có sự sống đời đời, tức sự sống thần thượng, sự sống này thật sự là chính Đức Chúa Trời. Vì sự sống này là sự sống cao nhất nên luật của sự sống này là luật cao nhất. Luật của Linh Sự Sống là sự thi hành chức năng một cách tự nhiên của sự sống thần thượng. Vì vậy, chúng ta có sự sống cao nhất với luật cao nhất và chức năng cao nhất.
Phúc Âm Giăng nói về Linh và cũng nói về sự sống, nhưng không nói gì về luật của Linh Sự Sống, về vấn đề này, La-mã chương 8 là sự phát triển từ Phúc Âm Giăng. Trong La-mã chương 8, ý niệm về luật, tức chức năng tự phát của sự sống, được thêm vào Linh và sự sống. Vì Phúc Âm Giăng không nói về chức năng của sự sống nên Sách này không cho chúng ta phương cách để áp dụng sự sống. Nhưng với luật của Linh Sự sống được đề cập trong La-mã 8:2, chúng ta có phương cách để áp dụng sự sống thần thượng.
Luật của Linh Sự Sống giải phóng chúng ta khỏi luật của tội và sự chết. Cách hợp tác với luật thần thượng này là đặt tâm trí vào linh. Khi tánh nóng giận hay bất cứ điều gì tiêu cực dấy lên trong anh em, đừng cố gắng đè nén. Thay vào đó, hãy xoay tâm trí, tức bản thể anh em, hướng về linh hòa quyện và kêu cầu danh Chúa Jesus. Tâm trí đặt vào linh là sự sống. Sự sống này có một luật, một chức năng tự phát, giải thoát chúng ta khỏi luật của tội và sự chết. Bằng cách đặt bản thể vào linh, chúng ta tự phát áp dụng sự sống thần thượng bên trong vào hoàn cảnh và được giải thoát. Khi được giải thoát khỏi luật của tội như vậy, chúng ta có cảm nhận mình ở trên các từng trời và tội ở dưới chân chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta có khuynh hướng thiên nhiên là tự cố gắng giải quyết những yếu tố tiêu cực. Ngay cả trẻ con đôi khi cũng ngoan cố đến nỗi từ chối sự giúp đỡ của mẹ và tìm cách tự giải quyết các nan đề. Khi một đứa bé đơn sơ vui hưởng những gì mẹ có thể làm cho thì tốt hơn nhiều. Cũng vậy, phương cách được cứu khỏi luật của tội là đặt bản thể vào linh và vui hưởng hành động tự phát của sự sống thần thượng.
Các triết gia đã hết sức cố gắng giải quyết tội, nhưng họ không thể tìm ra phương cách. Như chúng ta đã thấy, phương cách được tìm thấy trong La-mã chương 8. Ngợi khen Chúa về sự sống thần thượng trong linh chúng ta. Linh thần thượng ngày nay hòa quyện và cư ngụ trong linh chúng ta, chúng ta có thể đặt tâm trí vào linh hòa quyện này. Bởi làm như vậy, chúng ta sẽ có phương cách được giải thoát khỏi luật của tội và sự chết. Trách nhiệm của chúng ta đơn giản là hợp tác bằng cách đặt tâm trí vào linh. Mỗi khi đặt tâm trí vào linh, luật của tội và sự chết sẽ bị cai trị.

THÁNH HÓA TRONG SỰ SNG
Trong sự sống của Đấng Christ, không những chúng ta được cứu khỏi tội mà cũng được cứu khỏi thế gian. La-mã 6:22 chép: “Nhưng bây giờ đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên tôi mọi cho Đức Chúa Trời, thì hiệu quả của anh em là nên thánh, và kết cuộc là sự sống đời đời”. Trong câu này, chúng ta có vấn đề thánh hóa. Không một cuốn sách nào về sự thánh hóa mà tôi đã đọc, liên hệ sự thánh hóa với sự sống. Trái lại, hầu hết các sách ấy chỉ nói rằng thánh hóa là thay đổi địa vị nhờ huyết của Đấng Christ. Tuy nhiên, 6:22 cho thấy rằng thánh hóa liên quan đến sự sống và đó là vấn đề sự sống.
Sự thánh hóa được khải thị trong các chương của Sách La-mã không phải là thánh hóa về địa vị bên ngoài nhưng là thánh hóa bản tính bề trong. Được thánh hóa là được cứu khỏi tình trạng tầm thường hay thuộc về thế gian. Theo bản chất, tất cả chúng ta đều tầm thường và thuộc về thế gian. Không những hành vi và cách cư xử bề ngoài phải được phân rẽ khỏi thế gian, mà ngay cả bản tính, tức bản thể của chúng ta, cũng phải được phân rẽ. Khi mua một đôi giày, có thể anh em cẩn thận không mua theo kiểu thế gian. Nhưng nếu chỉ suy xét kiểu giày, có thể anh em được thánh hóa trong việc mua giày, nhưng đó không phải là thánh hóa bề trong bởi sự sống. Để được thánh hóa ở bề trong bởi sự sống trong việc mua giày, anh em nên đặt tâm trí vào linh, cầu nguyện với Chúa và hỏi Ngài loại giày nào Ngài muốn mang. Nếu tiếp xúc với Chúa như vậy, sự xức dầu bề trong sẽ dạy anh em mua giày nào. Khi ấy anh em sẽ mua giày không theo dạy dỗ hay quan niệm tôn giáo, nhưng theo sự sống bề trong. Nếu nếp sống hằng ngày bước theo sự sống bề trong, không theo sự dạy dỗ và qui tắc bề ngoài, anh em sẽ không tầm thường hay thế tục trong việc mua giày. Nhưng điểm chính yếu không phải là mua giày cho đúng đắn, mà là trong tiến trình mua giày, anh em được sự sống thánh hóa ở bên trong. Cả giày lẫn bản thể của anh em đều không tầm thường. Thánh hóa không chỉ là cách cư xử bề ngoài mà hoàn toàn là vấn đề bản thể bề trong của chúng ta được luật của Linh Sự Sống cai trị.
Sự xức dầu bề trong cũng ảnh hưởng đến kiểu tóc. về chiều dài tóc, chúng ta nên cầu nguyện: “Chúa Jesus ơi, tóc của con thế nào? Chúa ơi, con quan tâm đến Ngài và luật của Linh Sự sống Ngài. Chúa ơi, Ngài đang sống trong con. Trong vấn đề tóc của con, con muốn hợp tác với luật của Linh Sự Sống”. Nếu cầu nguyện như vậy, anh em sẽ được thánh hóa về mặt bản tính và sẽ biết nên cắt tóc như thế nào. Đừng quan tâm đến lời khen ngợi hay phê phán của người khác. Thay vào đó, chỉ quan tâm đến luật của Linh Sự Sống trong anh em.

CÁCH TỐT NHẤT
ĐỂ LỚN LÊN TRONG SỰ SỐNG
Thánh hóa về mặt bản tính không những là vấn đề sự sống mà còn đem thêm sự sống đến cho chúng ta. Cách tốt nhất để lớn lên trong sự sống là được sự sống thánh hóa về mặt bản tính. Càng được sự sống thánh hóa bên trong, sự sống càng được truyền đạt cho chúng ta nhiều hơn. Càng hợp tác với tiến trình thánh hóa bề trong, anh em sẽ càng vui hưởng nhiều sự sống hơn. Vì lý do này, 6:22 nói “hiệu quả của anh em là nên thánh, và kết cuộc là sự sống đời đời”. Sự thánh hóa được sự sống đem đến và sự thánh hóa cũng đem đến sự sống. Đó hoàn toàn là vấn đề bởi sự sống và vì sự sống. Càng đặt bản thể vào linh, chúng ta càng được phân rẽ khỏi thế gian và tất cả những gì tầm thường. Một sự thánh hóa như vậy dẫn đến sự sống nhiều hơn để chúng ta lớn lên trong sự sống.