Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

LA-MÃ BÀI BA MƯƠI BỐN


ĐƯỢC GIẢI THOÁT KHỎI TỘI,
KINH LUẬT VÀ XÁC THỊT

Trong bài trước, chúng ta thấy tư tưởng chính yếu của Sách La-mã là Đức Chúa Trời đang biến đổi tội nhân thành con cái để hình thành Thân Thể Đấng Christ. Chính điều này - chứ không phải sự xưng công chính bởi đức tin - là ý niệm cơ bản của Sách này. Nếu không có cách nhìn này, chúng ta sẽ hiểu Sách La-mã rất cạn cợt. Cuối cùng, Sách này không những dành cho sự cứu rỗi của cá nhân mà còn dành cho sự hình thành Thân Thể của Đấng Christ.

BỐN TRẠM
Trong Sách La-mã có bốn trạm: xưng công chính, thánh hóa, Thân Thể, và các Hội Thánh. Có thể xếp loại tất cả các Cơ-đốc nhân theo bốn trạm này. Nhiều Cơ-đốc nhân thật đã dừng lại ở xưng công chính. Họ đã được cứu chuộc, xưng công chính, giải hòa, và cứu rỗi, nhưng họ dừng cuộc hành trình tại sự xưng công chính. Dường như họ đã được thỏa mãn và không muốn nghe gì hơn. Trước đây, tôi đã nói chuyện với nhiều Cơ-đốc nhân về việc tìm kiếm Chúa và tiến lên với Ngài. Nhưng một vài người nói: “Được cứu rỗi không phải tốt đủ rồi sao? Tôi đã được cứu, huyết Jesus đã chuộc tôi, tôi đã được tái sinh, và bây giờ tôi là con của Đức Chúa Trời. Một ngày kia, tôi sẽ lên thiên đàng. Xin đừng quấy rối tôi với bất cứ điều gì khác”. Một phần lớn Cơ-đốc nhân thật đã không tiến xa hơn trạm này.

Nhờ ân điển của Chúa, những Cơ-đốc nhân khác tìm kiếm điều được gọi là sự sống sâu xa hơn hay sự sống bề trong. Họ không thỏa mãn chỉ với sự xưng công chính, nhưng theo đuổi một điều gì xa hơn, cao hơn, phong phú hơn và sâu hơn. Cuối cùng, những Cơ-đốc nhân này đạt đến trạm thánh hóa trong La- mã chương 8.
Sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, một số thánh đồ trạm thứ hai bắt đầu nói nhiều về Thân Thể. Theo Sách La-mã, chương 12 là trạm của nếp sống Thân Thể đúng đắn. Nhưng theo kinh nghiệm của nhiều Cơ-đốc nhân ngày nay, đó không thật sự là trạm Thân Thể, mà là trạm nói về Thân Thể. Do đó, chúng ta có thể gọi những Cơ-đốc nhân này là những Cơ-đốc nhân nói-về-Thân-Thể. Khi đến đất nước này, tôi ngạc nhiên trước tất cả những lời nói về chức vụ Thân Thể. Về sau, tôi biết chức vụ Thân Thể nghĩa là vài người giảng, lần lượt từng người một, thay vì chỉ có một người giảng. Mặc dầu Cơ-đốc nhân nói rất nhiều về Thân Thể nhưng Thân Thể ở đâu? Càng nói về Thân Thể, họ càng gây nên nhiều chia rẽ. Trước năm 1945, không có nhiều nhóm chia rẽ tại Mỹ như ngày nay. Nhưng từ thời điểm ấy, hàng trăm nhóm nhỏ bắt đầu hình thành, hầu như tất cả những nhóm ấy đều nói về Thân Thể.
Chúng ta không có Thân Thể chỉ bằng cách nói về Thân Thể. Thân Thể chỉ có thể được nhận biết trong các Hội Thánh địa phương. Nếu không có nếp sống Hội Thánh, làm sao anh em có Thân Thể? Do dó, cùng với loại Cơ-đốc nhân thứ ba, là những người nói-về-Thân-Thể, có loại thứ tư: những người thực hành nếp sống Hội Thánh. Đó là trạm thứ tư trong Sách La-mã. Anh em đâu trong mối liên hệ với bốn trạm này? Tôi hoàn toàn tin chắc tôi đang trạm thứ tư. Đức Chúa Trời đã và đang hành động để biến đổi tội nhân thành con cái của Đức Chúa Trời. Những người con này của Đức Chúa Trời là các Chi Thể hình thành Thân Thể của Đấng Christ để biểu lộ Đấng Christ. Như chúng ta đã thấy, Đức Chúa Trời ở trong Đấng Christ, Đấng Christ ở trong Thân Thể Ngài, và Thân Thể Ngài ở trong các Hội Thánh địa phương. Đó là ý niệm cơ bản và tư tưởng chính yếu của Sách này. Nếu không nhìn thấy điều này, chúng ta là những người thiển cận.

GIẢI QUYẾT NHỮNG GÌ CHÚNG TA ĐÃ LÀM
VÀ NHỮNG GÌ CHÚNG TA LÀ
Để hoàn thành nhiệm vụ làm cho tội nhân trở nên con cái để hình thành Thân Thể Đấng Christ, trước hết Đức Chúa Trời phải giải quyết những việc làm của chúng ta trong quá khứ. Anh em có còn nhớ những điều mình làm trước khi được cứu không? Nếu anh em hỏi tôi câu này, tôi sẽ nói: “Xin đừng nhắc tôi nhớ lại những điều đó. Những gì tôi đã làm trong quá khứ quá dơ bẩn, gian ác, và xấu xa. Tôi không muốn nói đến”. Nếu anh em nghĩ những việc làm trong quá khứ của mình không xấu, tôi xin hỏi có bao giờ anh em ăn cắp một điều gì không. Khi người ta nói với tôi họ tốt như thế nào, tôi kiểm tra họ về việc ăn cắp. Không ai trong chúng ta có thể khoe khoang về quá khứ của mình. Vì Đức Chúa Trời không thể chấp nhận chúng ta là con cái Ngài với một lịch sử gian ác như vậy nên Ngài phải giải quyết.
Không những Đức Chúa Trời xử lý những gì chúng ta đã làm, mà cũng xử lý những gì chúng ta là. Thậm chí sau khi được cứu, chúng ta vẫn không tốt. Tất cả chúng ta đều là nan đề cho người khác. Vợ là nan đề cho chồng, và chồng là nan đề cho vợ. Con cái là nan đề cho cha mẹ, và cha mẹ là nan đề cho con cái. Tôi là nan đề cho hàng xóm, cho gia đình bên vợ tôi, và cho chính vợ con yêu quí của tôi. Cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài giải quyết những gì chúng ta là!
Sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá giải quyết những gì chúng ta đã làm, còn Đấng Christ Phục Sinh đang sống trong chúng ta giải quyết những gì chúng ta là. Qua sự chết của Ngài, chúng ta đã nhận được sự công chính, và vì vậy, được xưng công chính trong hiện diện của Đức Chúa Trời. Nhờ đó, nan đề quá khứ của chúng ta đã được giải quyết. Bây giờ Đấng Christ đang sống trong chúng ta, đem thánh khiết của Đức Chúa Trời vào trong bản thể chúng ta để hoàn thành sự thánh hóa chủ quan cho chúng ta. Sự chết của Ngài đem sự công chính của Đức Chúa Trời đến cho chúng ta, nhưng sự cư ngụ của Ngài trong chúng ta đem thánh khiết của Ngài vào trong chính bản thể chúng ta. Bằng cách này, Ngài giải quyết vấn đề chúng ta là ai. Bằng cách giải quyết quá khứ của chúng ta bởi sự chết của Ngài và giải quyết vấn đề chúng ta là ai bởi sống trong chúng ta, Ngài đang biến đổi tội nhân thành chính con cái của Đức Chúa Trời.
Dầu kỳ diệu như vậy nhưng điều này vẫn chưa phải là bước kết thúc của tiến trình. Khi Chúa đến, Ngài sẽ vinh hóa chúng ta. Ngài sẽ đem thân thể hay chết của chúng ta vào trong vinh hiển của Đức Chúa Trời, biến hóa thân thể chết chóc của chúng ta thành thân thể vinh hiển. Lúc ấy, chúng ta sẽ được đưa vào quyền làm con trọn vẹn. Sự chết của Ngài đã chiếm được sự công chính của Đức Chúa Trời cho chúng ta, sự sống Ngài đang đem thánh khiết của Đức Chúa Trời vào trong bản thể chúng ta, và sự trở lại của Ngài sẽ đem chúng ta vào trong vinh hiển thần thượng của Ngài để chúng ta có được quyền làm con trọn vẹn.

KINH NGHIỆM Ở TRONG A-ĐAM
VÀ Ở TRONG ĐẤNG CHRIST
Trong bài vừa qua, chúng tôi đã chỉ ra rằng trong La-mã chương 5, chúng ta ở trong A-đam; trong La-mã chương 6, chúng ta ở trong Đấng Christ; trong La-mã chương 7, chúng ta ở trong xác thịt; và trong La-mã chương 8, chúng ta ở trong linh. Nếu ở trong xác thịt, chúng ta kinh nghiệm A-đam, và nếu ở trong linh, chúng ta kinh nghiệm Đấng Christ. A-dam ở chương 5 chỉ có thể được kinh nghiệm trong xác thịt chương 7, còn Đấng Christ trong chương 6 chỉ có thể được kinh nghiệm trong linh ở chương 8. Không có chương 7, chúng ta không có kinh nghiệm trong A-đam. Một đứa bé sơ sinh chắc chắn trong A-đam. Nhưng với đứa bé ấy, anh em không thấy kinh nghiệm ở trong A-đam. Tuy nhiên, càng lớn, chúng ta càng kinh nghiệm tình trạng trong xác thịt. Bất cứ điều gì được thừa hưởng trong A- đam, chúng ta đều kinh nghiệm cách thực tế trong xác thịt. Khi sống trong xác thịt, chúng ta kinh nghiệm tất cả sự phong phú của A-đam. Hỡi những người làm mẹ, dầu các chị thương yêu đứa con bé bỏng của mình thì đứa trẻ sơ sinh ấy cũng là một kho chứa sự phong phú của A-đam. Nếu không tin điều này, tôi xin các chị hãy chờ 20 năm sau. Trong những năm này, sự phong phú được tích trữ của A-đam sẽ dần dần lộ ra cho các chị. Rồi các chị sẽ nói: “Anh Lý nói đúng. Cách đây 20 năm, anh nói đứa bé này là kho chứa sự phong phú của A-đam. Lúc ấy tôi không tin, nhưng bây giờ sau 20 năm kinh nghiệm, tôi đã được thuyết phục. Tất cả sự phong phú của A-đam thật sự được chứa đựng trong đứa bé ấy”. Bởi ở trong xác thịt, chúng ta kinh nghiệm những gì có trong A-đam. Cũng theo nguyên tắc này, sự kiện ở trong Đấng Christ chỉ có thể được kinh nghiệm bằng cách ở trong linh. Khi bước theo linh, chúng ta kinh nghiệm mọi phong phú của Đấng Christ. Phong phú của Đấng Christ lớn lao hơn nhiều so với phong phú của A-đam. Nhưng để kinh nghiệm những điều ấy, chúng ta phải bước theo linh.

ĐƯỢC ĐẶT VÀO TRONG ĐẤNG CHRIST
La-mã 5:19 chép: “Vì như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người đều trở nên tội nhân (RcV: mọi người bị cấu thành tội nhân)”. Có thể anh em nghĩ vì đã được cứu nên mình không còn là tội nhân. Theo một ý nghĩa, tôi đồng ý với anh em. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có yếu tố tội của cấu tạo cũ. Chúng ta là tội nhân bị cấu tạo bởi tội. Không phải chúng ta là tội nhân vì đã phạm tội. Không, chúng ta là tội nhân vì bị cấu tạo bởi tội. Thậm chí trước khi được sinh ra, anh em đã là tội nhân. Dầu tốt hay xấu, chúng ta đều đã bị cấu tạo thành tội nhân.
La-mã 6:3 nói chúng ta “đã chịu báp-têm vào trong Christ Jesus”. Điều này có nghĩa là chúng ta đã được đặt vào trong Đấng Christ. Chúng ta được sinh ra trong A-đam, nhưng đã dược đặt vào trong Đấng Christ. Chúng ta được sinh ra trong lãnh vực, phạm vi, và yếu tố của A-đam, nhưng lại được dời vào lãnh vực, phạm vi, và yếu tố của Đấng Christ. Đó là một sự thật không tùy thuộc vào cảm xúc của chúng ta. Khi tôi nói anh em được sinh trong A-dam, có lẽ anh em trả lời: “Tôi không cảm thấy mình sinh trong A-đam”. Dầu có cảm thấy hay không, đó cũng là sự thật. Chẳng hạn như tôi đang ở Mỹ là một sự thật, mặc dầu có thể tôi cảm thấy mình ở Đài Loan. Qua điều đó, chúng ta có thể thấy cảm nhận của mình có thể giả dối. Có thể tôi cảm thấy mình là vua, nhưng thật sự tôi là một người tầm thường. Có thể tôi cảm thấy mình rất tốt, nhưng thật ra có thể tôi rất tệ. Về những sự thật thuộc linh, chúng ta không nên lệ thuộc vào cảm nhận.
Trong La-mã chương 6 có một sự thật là tất cả chúng ta đều đã được đặt vào trong Đấng Christ. Bây giờ anh em có đang trong Đấng Christ không? Có thể một số người trả lời: “Có lẽ tôi đang trong Đấng Christ, nhưng tôi không cảm thấy mình đang ở trong Đấng Christ. Làm thế nào tôi nói mình đang ở trong Đấng Christ khi tôi nổi nóng chỉ mới cách đây một giờ? Nếu cách đây một giờ tôi cư xử tệ như vậy, làm thế nào bây giờ tôi ở trong Đấng Christ?” Nhưng dựa trên sự thật trong La-mã chương 6, chúng ta phải tuyên bố: “A-men, tôi đang ở trong Đấng Christ!” Trong La-mã chương 6, chúng ta có sự kiện mình đã được đặt vào trong Đấng Christ. Dầu chúng ta có thích hay không, có cảm thấy hay không, điều đó không quan trọng. Sự thật vẫn là sự thật. Chúng ta đang ở trong Đấng Christ.

NGƯỜI CŨ CỦA CHÚNG TA ĐÃ BỊ ĐÓNG ĐINH
VÀO THẬP TỰ GIÁ VỚI ĐẤNG CHRIST
La-mã 6:6 chép: “Vì biết rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh với Ngài trên thập tự giá, hầu cho thân thể của tội bị diệt trừ, để chúng ta không còn làm tôi mọi cho tội nữa”. Nhờ sự chết của Đấng Christ, người cũ của chúng ta đã bị kết liễu. Thậm chí đã có đám tang cho nó. Anh em có biết rằng người cũ của mình đã bị đóng đinh và bị chôn với Đấng Christ không? Nếu tin rằng mình trong Đấng Christ, chúng ta cũng phải tin rằng người cũ của mình đã bị đóng đinh với Ngài. Dầu có cảm thấy như vậy hay không thì sự thật vẫn là người cũ của chúng ta đã chết và chôn. Vì vậy, Phao-lô nói: “Vì biết rằng người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh với Ngài trên thập tự giá”. Trong Đấng Christ, người cũ của chúng ta đã bị loại trừ.

THÂN THỂ CỦA TỘI
 ĐÃ BỊ LÀM CHO MẤT HIỆU LỰC
Vì người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh và chôn, nên “thân thể của tội” bị “diệt trừ” (6:6). Bởi sa ngã, thân thể của chúng ta là thân thể của tội. Là một thân thể sa ngã như vậy, nó chỉ chuyên phạm tội. Trong thân thể này không có gì ngoài tội. Vì vậy, trong 7:19-20, Phao-lô nói: “Cho nên điều thiện tôi muốn, thì tôi không làm; còn điều ác tôi không muốn thì tôi lại làm. Song nếu tôi làm điều tôi không muốn, thì chẳng còn phải là tôi làm điều đó nữa, bèn là tội ở trong tôi”. Tội cư ngụ trong thân thể chúng ta làm cho nó thành “thân thể của tội”. Dầu chúng ta có mệt mỏi thế nào chăng nữa, thân thể chúng ta vẫn rất năng động khi có cơ hội phạm tội. Chẳng hạn như một số người đánh bài suốt ba ngày ba đêm mà vẫn không ngủ hay không ăn uống đàng hoàng. Nhưng không một nhân viên nào có thể làm việc 72 giờ mà không ngủ. Trái lại, nhân viên ấy sẽ phàn nàn nếu bị bắt buộc làm việc như vậy. Nhưng không ai ở sòng bạc phàn nàn do mệt mỏi, vì ai nấy đều đầy năng lực do thân thể là thân thể của tội. Tôi chưa bao giờ nghe một tay cờ bạc nào nói mình mệt mỏi và muốn về nhà. Nếu vợ nài nỉ họ về, họ sẽ ở lại sòng bạc thêm vài giờ nữa. Điều này cho thấy thân thể không bao giờ chán phạm tội mặc dầu nó dễ dàng chán những điều khác. Khi cha mẹ bảo con cái làm bài tập, chúng thường nói: “Con mệt quá. Con không được khỏe”. Nhưng đến khi làm điều gì tội lỗi, thì thân thể của chúng đầy năng lực.
Vì người cũ của chúng ta đã bị chôn với Đấng Christ nên thân thể của tội đã thất nghiệp. Nó trở nên mất hiệu lực vì người tội, người cũ, đã bị đóng đinh. Thân thể không phải là người tội; nó là công cụ phạm tội, là phương tiện để con người làm những điều có tội. Nhưng bây giờ con người ấy đã bị chôn, thân thể của tội bị thất nghiệp. Điều này có nghĩa là chúng ta được giải thoát khỏi tội. Vì người cũ đã bị đóng đinh và chôn với Đấng Christ nên chúng ta được giải thoát khỏi tội. Đó là điểm chính của La- mã chương 6.

NAN ĐỀ KINH LUẬT
Vào thời điểm [con người] sa ngã, tội đã vào trong con người. Tuy nhiên, con người không nhận biết mình tội dường nào. Đức Chúa Trời cần phải ban Kinh Luật để tình trạng tội của họ bị phơi bày. Mặc dầu lẽ ra Kinh Luật không phải là nan đề, nhưng đã trở thành nan đề. Ý định của Đức Chúa Trời khi ban Kinh Luật cho con người là để phơi bày và thuyết phục họ về tình trạng tội của họ. Nhưng mặc dầu con người bị phơi bày qua những đòi hỏi của Kinh Luật, họ vẫn không chịu thừa nhận mình có tội. Thay vào đó, họ dùng Kinh Luật cách không đúng đắn, dường như họ nói: “Kinh Luật thật tuyệt hảo. Tôi sẽ làm trọn mọi điều Kinh Luật đòi hỏi”. Ý định của Đức Chúa Trời là dùng Kinh Luật để phơi bày con người, nhưng con người nghĩ rằng họ có thể giữ Kinh Luật. Tuy nhiên, mục đích của Đức Chúa Trời khi ban Kinh Luật đã thành tựu. Càng cố gắng giữ Kinh Luật, con người càng vi phạm; và càng vi phạm, họ càng bị phơi bày. Vì vậy, không những chúng ta có nan đề tội mà cũng có nan đề Kinh Luật.
Như đã thấy, nan đề tội được giải quyết trong La-mã chương 6. Nhưng làm thế nào giải quyết được nan đề Kinh Luật? Trong La-mã chương 7, chúng ta có phương cách để được giải thoát khỏi Kinh Luật. Cũng như phương cách để được giải thoát khỏi tội, phương cách để được giải thoát khỏi Kinh Luật là chết người cũ. Trong chương 6, người cũ là con người tội, nhưng trong chương 7, nó là người chồng tự phong; người cũ lẽ ra không được làm chồng mà nên làm vợ. Nhưng người cũ đã không giữ vị trí đó mà tự cho mình có vị trí người chồng. Ngợi khen Chúa vì người cũ là con người tội và con người tự phong mình là chồng đã bị đóng đinh và chôn rồi! Bây giờ chúng ta được giải thoát khỏi tội và Kinh Luật. Điều này được đề cập trong phần đầu của La-mã chương 7.

NAN ĐỀ XÁC THỊT
Trong phần thứ hai của chương này, chúng ta có một nan đề khác là xác thịt. Tội đã làm cho thân thể chúng ta trở thành thân thể của xác thịt của tội. Do đó, cùng với nan đề tội, chúng ta có nan đề thân thể sa ngã, là xác thịt tội. Thân thể sa ngã của chúng ta tuyệt đối không có gì tốt lành cả; nó đã trở nên xác thịt. Trong 7:18, Phao-lô nói: “Tôi biết rằng trong tôi, tức là ở trong xác thịt tôi, chẳng có điều gì lương thiện”. Tuyệt đối đứng về phía Luật của Đức Chúa Trời, Phao-lô thành thật muốn làm lành và giữ Luật ấy, nhưng ông khám phá ra rằng trong xác thịt ông, xác thịt chống lại mong muốn của ông, là một cản trở lớn. Trong 7:22-23, ông nói: “Vì theo người bề trong, tôi vẫn vui thích Luật của Đức Chúa Trời; nhưng tôi thấy trong [các] chi thể tôi có một luật khác chiến đấu với luật trong tâm trí tôi, bắt tôi làm phu tù cho luật của tội vẫn trong chi thể tôi”. Trong 7:25, ông nói: “Như vậy, chính mình tôi lấy tâm trí phục Luật của Đức Chúa Trời, nhưng lấy xác thịt phục luật của tội”. Tất cả chúng ta đều cần được giải thoát khỏi tội, Luật, và xác thịt, tức là những hậu quả do sự sa ngã của chúng ta.

ĐƯỢC GIẢI THOÁT KHỎI XÁC THỊT
BẰNG CÁCH BƯỚC THEO LINH
Như chúng ta đã thấy, La-mã chương 5 nói chúng ta là tội nhân trong cấu tạo. Là tội nhân như vậy, chúng ta có nan đề tội, Luật, và xác thịt. Chúng ta được giải thoát khỏi tội vì người cũ là con người phạm tội đã bị đóng đinh. Chúng ta được giải thoát khỏi Luật vì người cũ là con người tự nhận mình làm chồng đã bị đóng đinh. Phương cách được giải thoát khỏi xác thịt được tìm thấy trong La-mã chương 8; trong chương này, chúng ta thấy mình được giải thoát khỏi xác thịt bằng cách bước theo linh. Khi bước theo linh, tự nhiên chúng ta được giải thoát khỏi xác thịt. Nếu không bước theo linh, chúng ta vẫn trong xác thịt, mặc dầu có thể được giải thoát khỏi tội và Luật. Cách duy nhất để được giải thoát khỏi xác thịt là ở trong linh và bước theo linh.
Trong các chương từ 5 đến 8, chúng ta có bốn điểm chính. Đỉểm chính trong chương 5 là chúng ta là tội nhân trong cấu tạo. Điểm chính trong chương 6 là người cũ đã bị đóng đinh và chúng ta đã được giải thoát khỏi tội. Điểm chính trong chương 7 là người chồng cũ đã bị đóng đinh và chúng ta được giải thoát khỏi Kinh Luật. Điểm chính trong chương 8 là khi ở trong linh và bước theo linh, chúng ta được giải thoát khỏi xác thịt và không còn bị ràng buộc với nó. “Chúng ta chẳng mắc nợ xác thịt đâu, mà phải sống theo xác thịt” (8:12).
Chúng ta cần áp dụng điều này trong đời sống hằng ngày. Giả sử tôi làm tổn thương một anh em trong khi làm việc với anh ấy. Một mặt, tôi thật sự yêu thương anh; mặt khác, tôi không thể ngăn mình khỏi làm tổn thương anh. Sau khi làm tổn thương anh, lương tâm tôi ray rứt, tôi đến với Chúa, xưng tội, được tha thứ, và được huyết tẩy sạch. Ngay sau đó, có thể tôi quyết định nói: “Tôi sẽ không bao giờ làm điều đó nữa. Từ nay trở đi, tôi sẽ không nói với anh em mình như vậy nữa”. Rồi tôi quì xuống và thưa: “Chúa ơi, Ngài đã tha thứ cho con. Chúa ơi, con cầu xin Ngài từ nay về sau giúp con đừng tái phạm nữa”. Không bao lâu sau khi cầu nguyện như vậy, tôi lại đến làm việc với anh em này. Vì một lý do nào đó, lần này làm việc với anh ấy khó khăn đến nỗi tôi không thể chịu được. Sau vài phút, tôi nổi nóng và lại thất bại nặng nề. Một lần nữa tôi ăn năn, xưng tội, cầu xin sự tha thứ và áp dụng huyết. Nhưng bây giờ tôi hổ thẹn quá không dám quyết định nữa, vì tôi bắt, đầu cảm thấy quyết tâm của mình không mấy hiệu quả. Tuy nhiên, sau đó cũng trong ngày, tôi quyết định cố gắng một lần nữa và xin Chúa lại giúp tôi.
La-mã 7:18 chép: “Vì lòng muốn thì nơi tôi, nhưng quyền lực làm điều thiện thì lại không có”. Lòng muốn làm điều tốt và không nổi nóng luôn luôn ở với chúng ta. Tuy nhiên, để làm điều mình muốn thì không được. Trong 7:19, Phao-lô nói: “Điều thiện tôi muốn thì tôi không làm”. Cách tôi đối xử với anh em trong ví dụ được đề cập ở trên có một nửa thuộc linh, và một nửa không thuộc linh, một nửa thuộc về thương xót với ân điển và một nửa thuộc về Luật. Tôi xưng tội, áp dụng huyết, và xin Chúa tha thứ. Tất cả những điều đó đều thuộc về ân điển. Nhưng rồi tôi quyết định làm lành và cầu nguyện để có thể thành công. Đó là theo Luật. Khi xưng tội và áp dụng huyết, tôi đến với La-mã chương 3 và 4. Điều đó đúng đắn. Nhưng khi tôi quyết định muốn, tôi đã đến với La-mã chương 7. Tất cả Cơ-đốc nhân đều phạm lỗi này, có lẽ hàng trăm và thậm chí hàng ngàn lần. Khi còn trẻ, tôi phạm đi phạm lại điều này hơn năm mươi lần một ngày. Là một người thật sự tìm kiếm thánh khiết, tôi khám phá mình thường có những tư tưởng bất khiết. Chẳng hạn, ở bề ngoài tôi có thể nói năng tử tế với một anh em, nhưng trong lòng tôi không thích hoặc thậm chí coi thường anh ấy. Điều đó là tội, và về sau tôi cầu nguyện: “Ôi Đức Chúa Trời là Cha của con, xin tha thứ vì trong lòng con đã coi thường anh em. Xin Ngài dùng huyết tẩy sạch con. Từ nay trở đi, xin giúp con không làm điều này”. Sau đó, tôi nói chuyện với một anh em khác, và chính điều đó lại xảy ra. Tuy nhiên, khi tôi không cầu nguyện như vậy, tôi không gặp rắc rối. Dầu tôi cố gắng coi thường một anh em thì cũng không thể được. Nhưng sau khi cầu nguyện về điều đó, tôi bắt đầu coi thường anh em. Tình trạng này diễn ra nhiều năm. Đến một ngày, tôi khám phá mình đang sống trong La-mã chương 7. Lòng muốn thì có nơi tôi, nhưng để làm những gì mình muốn thì lại không có.
Như vậy, chúng ta nên làm gì? Chúng ta không nên muốn gì cả. Tuy nhiên, dừng lại không phải là dễ. Dầu vậy, mỗi khi bị cám dỗ muốn, anh em phải nói: “Hỡi Ma Quỉ, hãy đi khỏi ta. Ta không bị ngươi lừa dối đâu, và ta không nghe ngươi đâu”. Thay vì muốn, anh em nên đặt tâm trí vào linh. Đó là bí quyết. Chúng ta phải thực hành chỉ một điều: hướng tâm trí về linh và bước theo linh. Đừng suy nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu bị một anh em chọc giận. Nếu tiếp tục sử dụng ý chí, anh em sẽ thất bại. Nhưng nếu tâm trí và toàn bản thể anh em đều hướng về linh, và nếu hành động theo linh, anh em sẽ được giải thoát khỏi xác thịt cách thực tế. Trong đời sống hằng ngày của anh em sẽ khác biệt biết bao! Chúng ta cần thực hành điều này. Chúng ta không cần phải ở lại trong La-mã chương 5, 6 hay 7, mà cần trong La-mã chương 8, đặt tâm trí vào linh, và sống, bước đi, cư xử theo linh. Khi ấy chúng ta sẽ kinh nghiệm một sự giải thoát hoàn toàn khỏi tội, Luật, và xác thịt.