KINH NGHIỆM CHỦ QUAN
VỀ SỰ XƯNG CÔNG CHÍNH
(1)
KINH
NGHIỆM ĐỨC CHÚA TRỜI
TRONG
SỰ XƯNG CÔNG CHÍNH
La-mã chương 4 là một chương sâu nhiệm. Chúng ta không nên hiểu chương
này cách nông cạn. Nếu đi sâu vào chương này, chúng ta sẽ thấy chương này bày tỏ
sự xưng công chính đầy đủ, sống động là công tác sâu xa hơn của Đức Chúa Trời
trong việc kêu gọi những người sa ngã ra khỏi tất cả những gì không phải là Đức
Chúa Trời và đem họ trở lại với chính Ngài. Đức Chúa Trời tạo nên con người vì
chính Ngài và cho chính Ngài. Tuy nhiên, con người đã sa ngã. Ý nghĩa sự sa ngã
của con người là bị những gì không phải
là Đức Chúa Trời ngăn họ đến với Đức Chúa Trời. Con người được tạo nên cho Đức
Chúa Trời đã lìa bỏ Ngài và hướng đến điều khác. Một điều tốt hay xấu không phải
là vấn đề. Hễ điều gì không phải là Đức Chúa Trời và ngăn chặn con người đến với
Ngài thì điều đó tạo nên sự sa ngã. Trong sự xưng công chính của Đức Chúa Trời,
Ngài kêu gọi con người sa ngã ra khỏi mọi sự để quay về với chính Ngài. Vì vậy,
khi Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham, Ngài không nói ông nên đi đâu, vì ý định của
Ngài là đem ông trở về với chính Ngài. Từng giây phút và từng bước một, lòng của Áp-ra-ham
phải bám lấy Đức Chúa Trời. Ông phải tin cậy Đức Chúa Trời cho từng chuyển động
một, không lìa khỏi sự hiện diện của Ngài một giây phút nào. Nối cách khác,
Áp-ra-ham phải hiệp một với Đức Chúa Trời.
Sau khi Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham ra khỏi U-rơ thuộc xứ Canh-đê,
Ngài huấn luyện ông tin cậy Ngài. Như chúng ta đã thấy,
tin Đức Chúa Trời nghĩa là tin vào Đức Chúa Trời và làm cho mình hiệp một với
Ngài. Trong loại đức tin này, một người phải thừa nhận mình không là gì, không
có gì, và không thể làm gì. Người
ấy đồng ý mình phải bị kết liễu. Do đó, tin Đức Chúa Trời
có nghĩa là kết liễu chính mình và để Đức Chúa Trời là chính bản thể của mình,
để Đức Chúa Trời là tất cả những gì chúng ta nên là. Từ lúc bắt đầu tin Ngài,
chúng ta không nên là gì cả. Chúng ta nên hoàn toàn bị kết liễu và cho phép Đức
Chúa Trời làm mọi sự trong chúng ta. Đó là ý nghĩa đúng đắn của sự cắt bì. Thậm
chí xin Chúa cắt bì lòng chúng ta vẫn chưa đủ, vì sự cắt bì đầy đủ và sâu xa là
kết liễu chính mình và cho phép Đức Chúa Trời làm mọi sự.
Khi một người đã được kêu gọi như vậy, Đức Chúa Trời hằng sống truyền
chính Ngài vào trong người ấy. Từ truyền vào thật quan trọng trong việc
mô tả những gì đã diễn ra lúc Đức Chúa Trời kêu gọi. Đức Chúa Trời hằng sống tự phát truyền chính Ngài vào trong người được
kêu gọi. Kết quả là người ấy được Đức Chúa Trời thu hút và đến với Ngài. Một yếu
tố nào đó, một thể yếu nào đó của Đức Chúa Trời
được truyền vào trong người ấy cách vô thức, và người ấy đáp ứng với Đức Chúa
Trời bằng cách tin cậy Ngài. Sự đáp ứng ấy là đức tin.
Khi nghe Phúc Âm vinh hiển về Chúa Jesus, anh em ăn năn. Điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời kêu
gọi anh em ra khỏi mọi sự khác hơn chính Ngài. Vào lúc ấy, thậm chí anh em
không hay biết, Đấng Christ sống động trong Phúc Âm vinh hiển của Ngài đã truyền
chính Ngài vào trong anh em (2Cô. 4:4). Yếu tố nào đó của Đấng Christ
thấu vào bản thể anh em và anh em được thu hút đến với Ngài. Anh em đáp ứng
với Ngài, và sự đáp ứng tự phát này là đức tin của anh em, anh em tin Ngài. Đấng
Christ truyền chính Ngài vào trong anh em là Đấng trở nên đức
tin của anh em. Vì vậy, đức tin không bắt nguồn từ chúng ta; đức tin ra từ Đức
Chúa Trời. Đức tin không tách rời với Đấng Christ,
vì đức tin thật sự là Đấng Christ truyền chính Ngài vào trong chung ta và sinh ra một
sự đáp ứng bên trong chúng ta.
Niềm tin của
chúng ta là tiếng vọng. Nếu không có âm thanh làm sao có tiếng vọng? Điều đó
không thể có được. Đấng Christ là Âm
Thanh. Khi âm thanh này chạm đến lòng và linh chúng ta thì tạo nên một phản ứng,
một tiếng vọng. Phản ứng này là chúng ta đánh giá cao Chúa Jesus
và có đức tin nơi Ngài. Đức tin này thật ra là chính Đấng Christ
ở trong chúng ta đáp ứng với Phúc Âm. Vì vậy, đức tin
này được Đức Chúa Trời kể là công chính cho chúng ta. Khi Đấng Christ
truyền chính Ngài vào trong anh em, có một phản ứng trong anh em, đó là
tin. Sau khi anh em tin Chúa, Đức Chúa Trời đáp ứng với
anh em, kể đức tin của anh em, [mà đức tin ấy] tức là Đấng Christ,
là sự công chính. Nếu đọc hời hợt, chúng ta không khám phá ra kinh nghiệm
này trong Kinh Thánh, nhưng nếu xem xét sâu vào Kinh Thánh, chúng ta sẽ tìm thấy
kinh nghiệm này. Dường như Đức Chúa Trời nói với chúng ta rằng: “Hối tội nhân
đáng thương, ngươi không có sự công chính. Khi Ta là Đức Chúa Trời hằng sống nói chuyện với ngươi thì thể yếu của Ta được truyền
vào trong ngươi. Điều này sẽ khiến ngươi đáp ứng với Ta trong đức tin, và Ta sẽ
kể đức tin này là sự công chính cho ngươi”. Khi Đức Chúa Trời làm điều này cho
chúng ta, chúng ta đáp ứng lại bằng cách đánh giá cao về Ngài và yêu Ngài. Đáp ứng
này là đức tin của chúng ta, một đức tin không bắt nguồn từ chúng ta, mà là thể
yếu của Đấng Christ sống động
trong chúng ta. Đức tin này trở về với Đức Chúa Trời, tạo nên một đáp ứng trong
Đức Chúa Trời đối với chúng ta: sự công chính của Đức Chúa Trời được kể là của
chúng ta, và chúng ta có một điều gì đó mà trước đây chưa từng có. Đó là kinh
nghiệm của chúng ta về Đức Chúa Trời trong sự xưng công chính.
Do đó, chúng ta có sự công chính của Đức Chúa Trời, là Đấng Christ.
Y-sác là hình bóng về Đấng Christ. Áp-ra-ham là tổ phụ đức tin
của chúng ta đã nhận được sự công chính của Đức Chúa Trời và nhận được Y-sác.
Cũng vậy, chúng ta đã nhận được cả sự công chính của Đức Chúa Trời lẫn Đấng Christ,
tức Y-sác ngày nay. Đó là kinh nghiệm về Đức Chúa Trời, Đấng gọi những sự
không có như đã có. Khi đến với Đức Chúa Trời vào ngày được cứu, chúng ta không
có gì cả. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời hiện ra với chúng ta và gọi những sự không
có như đã có. Trước đây chúng ta không có sự công chính của Đức Chúa Trời; sau
vài phút, chúng ta có sự công chính ấy. Trước thời điểm ấy, chúng ta không có Đấng
Christ; sau vài phút, chúng ta có Ngài.
Một khi có kinh nghiệm về sự công chính của Đức Chúa Trời và Đấng Christ,
chúng ta sẽ canh giữ điều ấy như báu vật vô giá. Chúng ta sẽ công bố: “Tôi có sự công chính của Đức Chúa Trời. Tôi
có Đấng Christ”. Tuy nhiên, đến một ngày, Đức Chúa Trời xen vào và
phán: “Hãy dâng điều này trên bàn thờ”. Anh em có bằng lòng thực hiện điều đó không? Trong một trăm Cơ-đốc
nhân, không một người nào bằng lòng. Thay vào đó họ nói: “Chúa ơi, xin đừng bảo
con làm như vậy. Con sẽ làm bất điều gì khác, nhưng không phải là điều này”.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ những đáp ứng qua lại giữa con người và Đức Chúa
Trời. Sự công chính của Đức Chúa Trời và Đấng Christ thuộc về
chúng ta-những điều này đến như sự đáp ứng của Đức Chúa Trời đối với đức tin của chúng ta. Bây giờ, chúng
ta phải hồi đáp phản ứng này cho Đức Chúa Trời bằng cách dâng điều đó cho Ngài.
Sau khi chúng ta đáp ứng như vậy, Đức Chúa Trời sẽ lại đáp ứng. Đáp ứng đầu
tiên của Ngài là gọi những sự không có như đã
có. Đáp ứng thứ hai của Ngài là ban sự sống cho kẻ chết. Điều này thật sâu xa.
Theo La-mã chương 4, kết quả sau cùng của loạt đáp ứng này là Đấng Christ
Phục Sinh. Đấng Christ Phục Sinh này bây giờ ở trên các từng trời như một bằng
chứng mạnh mẽ cho thấy Đức Chúa Trời thỏa mãn và chúng ta đã được xưng công
chính. Đấng Christ Phục Sinh ở bên hữu
Đức Chúa Trời trên từng trời thứ ba là bằng chứng thuyết phục rằng tất cả những
đòi hỏi của Đức Chúa Trời đều đã được thỏa đáp và chúng ta đã được xưng công
chính cách triệt để và đầy đủ. Tuy nhiên, Đấng Christ Phục
Sinh này không những ở trên các từng trời mà cũng ở trong chúng ta để truyền sự
sống hầu chúng ta có đời sống được xưng công chính. Vì vậy, xưng công chính
không những là vấn đề địa vị mà còn trở nên vấn
đề bản tính. Sự chết của Đấng Christ ban cho chúng ta sự xưng công chính về mặt địa vị
còn Đấng Christ Phục Sinh trên các từng trời là bằng chứng cho điều
này. Bây giờ, Đấng Christ Phục Sinh cũng sống trong chúng ta, đáp ứng bên
trong chúng ta và bày tỏ một đời sống được
xưng công chính về phương diện bản tính. Cuối cùng, chúng ta được xưng công
chính cả về địa vị lẫn bản tính. Không những chúng ta có sự xưng công chính
khách quan mà cũng có sự xưng công chính chủ quan. Bây giờ, chúng ta có thể sống một sự xưng công chính chủ quan, về phương diện bản
tính.
Sự xưng công chính này là cắt bì thật, sống
động. Cắt bì là gì? Cắt bì nghĩa là kết liễu chính mình và vào trong Đức Chúa
Trời: Cắt bì kết liễu chúng ta và làm cho Đức Chúa Trời nảy mầm sống vào trong
chúng ta. Người Do-thái không quan tâm đến thực tại bề trong của sự cắt bì; họ
chỉ quan tâm đến hình thức bề ngoài, đến việc thực hành cắt bỏ một miếng thịt.
Đó không phải là cắt bì theo cách nhìn của Đức Chúa Trời. Theo cách nhìn của Đức
Chúa Trời, cắt bì nghĩa là cắt bỏ, kết liễu chính mình, và cho phép Đức Chúa Trời
làm chính Ngài nảy mầm sống bên trong để làm sự sống
của anh em hầu anh em có thể có một khởi đầu mới. Cắt bì này là dấu ấn bên
ngoài của sự xưng công chính thật ở bên trong.
Áp-ra-ham kinh nghiệm Đức Chúa Trời là Đấng gọi những sự không có như đã
có. Qua sự ra đời của Y-sác, Áp-ra-ham kinh nghiệm Đức Chúa Trời như vậy. Hơn nữa,
qua sự phục sinh của Y-sác, Áp-ra-ham kinh nghiệm Đức Chúa Trời là Đấng ban sự
sống cho kẻ chết. Có hai loại Y-sác: thứ nhất là Y-sác được sinh ra; thứ hai là
Y-sác phục sinh. Đức Chúa Trời mà Áp-ra-ham tin cậy có hai khía cạnh
này. Ông tin Đức Chúa Trời là Đấng gọi những sự không có như đã có và là Đấng
ban sự sống cho kẻ chết.
Cho dù chúng ta là ai hay thấy mình ở trong tình huống nào thì tình trạng
chung của con người là tình trạng không hiện hữu. Điều này có nghĩa là không có
gì tồn tại cả. Tình trạng chung thứ hai của mọi người và mọi sự là chết chóc.
Do đó, tình cảnh chung của con người có hai khía cạnh là hư vô và chết chóc.
Tình trạng thật sự của tất cả chúng ta là hư vô và chết chóc. Nhưng Đức Chúa Trời
mà tổ phụ Áp-ra-ham tin và chúng ta cũng tin chính là Đức Chúa Trời gọi những
điều không có như đã có. Khi chúng ta nói: “Không
có gì cả”. Ngài nói: “Có một
điều gì đó”. Khi chúng ta nói: “Không hiện hữu”, Ngài nói: “Hiện hữu”. Đừng nói
Hội Thánh ở một nơi nào đó là nghèo nàn. Hội Thánh ấy có thể nghèo nàn theo
cách nhìn của anh em, nhưng không nghèo nàn theo cách nhìn của Đức Chúa Trời là
Đấng Áp-ra-ham tin. Đức Chúa Trời có thể nói với anh em rằng: “Ngươi nói không
có gì hiện hữu. Ta chỉ gọi lên một tiếng thì có điều gì đó hiện hữu”. Giả sử một
người tên James Barber không hiện hữu. Nếu Đức Chúa Trời muốn có một James Barber, Ngài chỉ đơn giản gọi: “James
Barber”, và James Barber sẽ hiện hữu. Điều này có
nghĩa là Đức Chúa Trời gọi những sự không có như đã có. Khi Đức Chúa Trời phán
với Áp-ra-ham: “Dòng dõi ngươi sẽ như sao trên trời”, bấy giờ con cháu của Áp-ra-ham
chưa hiện hữu. Khi ấy Áp-ra-ham chưa có con. Tuy nhiên, Đức
Chúa Trời tuyên bố như vậy
về dòng dõi của Áp-ra-ham, và Áp-ra- ham tin. Khoảng một năm sau, người con đầu
tiên của Áp-ra-ham hiện hữu: Y-sác ra đời. Qua sự ra đời của Y-sác, Áp-ra-ham
kinh nghiệm Đức Chúa Trời là Đấng gọi những sự không có như đã có.
Tuy nhiên, đây chỉ là một nửa kinh nghiệm về Đức Chúa Trời, vì Áp-ra-ham
cũng kinh nghiệm Đức Chúa Trời là Đấng ban sự sống cho kẻ chết. Khi Áp-ra-ham
nhận lại Y-sác sau khi dâng Y-sác cho Đức Chúa Trời trên bàn thờ, ông kinh nghiệm
Đức Chúa Trời ban sự sống cho kẻ chết. Một Hội Thánh có thể hiện hữu tại một địa
phương nào đó, nhưng tình trạng có phần chết chóc. Đừng vội
vàng phán xét, vì Đức Chúa Trời ban sự sống cho kẻ chết. Khi một Hội Thánh chết chóc, điều
ấy tạo cơ hội tuyệt hảo cho Đức Chúa Trời mà Áp-ra-ham tin bước vào
và truyền sự sống cho Hội Thánh chết chóc ấy.
MỤC
ĐÍCH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
TRONG
SỰ XƯNG CÔNG CHÍNH
Sự hiểu biết chung về sự xưng công chính của hầu hết
Cơ-đôc nhân là như vầy: chúng ta tội lỗi, Đức Chúa Trời công
chính và thánh khiết, chúng ta không cách nào tiếp xúc với Ngài và Ngài cũng
không cách nào tiếp xúc với chúng ta. Do đó, Đấng Christ
chết trên thập tự giá và hoàn thành sự cứu chuộc bằng cách đổ huyết. Chúng
ta được cứu chuộc dưới huyết Ngài, và Đức Chúa Trời có địa vị công chính để
xưng công chính cho chúng ta. Tất cả những điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, ở điểm này, tức là đến cuối chương 3, sứ đồ Phao-lô chưa kết luận phần
nói về sự xưng công chính. Lúc còn là một Cơ-đốc nhân non trẻ, khi nghiên cứu
Sách La-mã, tôi nghĩ chương 4 không cần thiết. Đối với tôi lúc ấy, dường như sự
xưng công chính đã được đề cập đầy đủ vào cuối chương 3, và chương 5 lẽ ra phải
nối tiếp chương 3, còn chương 4 lẽ ra phải bỏ đi. Về sau tôi nhận biết sứ đồ
Phao-lô không cạn cợt như vậy. Điều ông quan tâm thì sâu xa hơn sự cứu chuộc-ông
quan tâm đến mục đích của Đức
Chúa Trời. Cứu chuộc không phải là mục đích của Đức Chúa Trời; đó là tiến trình
để đạt đến mục đích của Đức Chúa Trời. Trong La-mã chương 3, chúng ta thấy sự cứu
chuộc đem đến sự xưng công chính của Đức Chúa Trời, nhưng không thấy mục đích của
Đức Chúa Trời. Mục đích của Đức Chúa Trời trong sự xưng công chính là gì? Khi
trả lời câu hỏi này, Phao-lô dùng tiểu sử của Áp-ra-ham làm ví dụ, như một bức
tranh để giải thích điều ngôn ngữ loài người không thể giải thích. Nếu nghiên cứu
bức tranh trong chương 4, chúng ta sẽ nhận thấy chương này sâu sắc hơn, thâm
thúy hơn và bao quát hơn chương 3.
Chúng ta nghĩ rằng xưng công chính chỉ là vấn đề liên quan đến các tội phạm,
Tuy nhiên, khi đọc Sáng Thế Ký
chương 15, là chương Đức Chúa Trời kể đức tin của Áp-ra-ham là công chính,
chúng ta không thấy đề cập đến tội. Tội không thây nhắc đến. Điều được quan tâm
ở đây là một dòng dõi sẽ trở nên vương quốc để hoàn thành mục đích của Đức Chúa
Trời. Áp-ra-ham không được Đức Chúa Trời kêu gọi chỉ vì Ngài thương xót tình trạng
tội lỗi của ông. Đức Chúa Trời không nói: “Áp-ra-ham ơi, con đáng thương quá.
Ta không muốn con đi địa ngục, Trong sự thương xót của Ta, Ta đến để gọi con ra
khỏi tình trạng sa ngã”. Vấn đề hoàn toàn không phải như vậy. Trong Sáng Thế Ký
chương 1, chúng ta được biết Đức Chúa Trời tạo nên con người theo hình ảnh của
Ngài để biểu lộ chính Ngài, và con người này là một người tập thể, không phải một
người cá thể. Đức Chứa Trời tạo nên một người tập thể bao hàm cả người nam lẫn
người nữ. Theo Sáng Thế Ký 5:2, cả A-đam và Ê-va đều được gọi là A-đam, nghĩa
là Đức Chúa Trời tạo nên một người tập thể để bày tỏ Ngài và thi hành quyền cai
trị của Ngài. Nói cách khác, Đức Chúa Trời muốn có một vương quốc như một lãnh
vực để bày tỏ vinh hiển Ngài trong đó. Mặc dầu đó là mục đích của Đức Chúa Trời,
nhưng con người đã sa khỏi mục đích ấy. Một khi con người đã quay khỏi Đức Chúa
Trời, lệch khỏi mục đích của Ngài và bị những điều khác chiếm chỗ, thì con người
rơi sâu vào tội. Tuy nhiên, điều được đề cập trong Sáng Thế Ký chương 15 không
phải tội, mà là làm thế nào thực hiện mục đích của Đức Chúa Trời. Đó không phải
là vấn đề được cứu rỗi mà là hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời. Hễ có quan
hệ với việc hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời, anh em sẽ được cứu.
Cơ-đốc Giáo thật nông cạn và chỉ
quan tâm đến cứu rỗi con người, chứ không quan tâm đến mục đích của Đức Chúa Trời.
Sự xưng công chính của Đức Chúa Trời chính yếu không phải để cứu rỗi con người,
mà để hoàn thành mục đích của Ngài. Tại sao Đức Chúa Trời lựa chọn anh em? Ngài
lựa chọn anh em chính yếu không phải để cứu rỗi, mà vì mục
đích của Ngài. Tại sao Đức Chúa Trời kêu gọi anh
em? Ngài không kêu gọi anh em để lên thiên đàng. Ngài kêu gọi anh em để hoàn
thành mục đích của Ngài. Hễ có quan hệ với mục đích của Đức Chúa Trời thì bảo đảm
anh em được cứu rỗi. Tuy nhiên, nếu chỉ quan tâm đến sự cứu rỗi của mình, anh
em có thể lệch mục đích của Đức Chúa Trời. Sự cứu rỗi tự nó không phải là cứu
cánh, cứu rỗi là vì mục đích của Đức Chúa Trời. Do đó, xưng công chính là để
hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời.
Sáng Thế Ký chương 15 không đề cập đến tội. Đức Chúa Trời phán với
Áp-ra-ham: “Ngươi
hãy ngó lên trời, và nếu ngươi đếm được các ngôi sao thì hãy đếm đi. Dòng dõi
ngươi cũng sẽ như vậy”. Áp-ra-ham
tin, và đức tin của ông được Đức Chúa Trời kể là công chính. Việc Đức Chúa Trời
xưng công chính cho Áp-ra-ham không liên quan đến tội, mà hoàn toàn liên quan đến
mục đích của Ngài, đến việc có một dòng dõi để sinh ra vương quốc nhằm hoàn
thành mục đích của Đức Chúa Trời. Đó là lý do vì sao trong La-mã chương 4, sau
khi nhắc đến Sáng Thế Ký chương 15, là chương nói đức tin của Áp-ra-ham được kể
là công chính, sứ đồ Phao-lô đề cập đến lời hứa được ban cho Áp-ra-ham và dòng
dõi ông về việc thừa hưởng thế
giới (4:13). Thừa hưởng thế giới có liên quan gì với xưng công chính? Tại sao
Phao-lô đề cập đến điều này trong chương 4? Áp-ra-ham và những người thừa kế của
ông phải thừa hưởng thế giới vì cớ Vương Quốc của Đức Chúa Trời, và Vương Quốc
của Đức Chúa Trời là vì mục đích của Ngài. La-mã chương 4 bảo rằng sự xưng công
chính của Đức Chúa Trời không phải để lên thiên đàng hay chỉ để cứu rỗi chúng
ta. Sự xưng công chính làm cho Áp-ra-ham và tết cả những người thừa kế của ông,
tức là những người có đức tin, có thể thừa hưởng thế giới và thi hành quyền cai
trị của Đức Chúa Trời trên trái đất này như đã được đề cập trong Sáng Thế Ký
chương 1. Nếu chỉ có La-mã chương 3, chúng ta
sẽ nói rằng dựa trên sự cứu chuộc của Đấng Christ, sự xưng công chính của Đức Chúa Trời là để cứu rỗi của
chúng ta. Tuy nhiên, chương 4 bày tỏ rõ rằng Đức
Chúa Trời xưng công chính những người được chọn của Ngài không chỉ để cứu rỗi họ,
mà còn để họ thừa hưởng thế giới hầu họ có thể thi hành quyền cai trị của Đức
Chúa Trời trên trái đất.
KẾT
QUẢ CỦA KINH NGHIỆM CHỦ QUAN
VỀ
SỰ XƯNG CÔNG CHÍNH
Theo Sáng Thế Ký 15:6, Áp-ra-ham tin lời Đức Chúa Trời về việc dòng dõi
ông sẽ như sao trên trời, và Đức Chúa Trời kể đức
tin của Áp-ra-ham là công chính. Mặc dầu Áp-ra-ham nhận lãnh sự công chính của
Đức Chúa Trời vào lúc ấy, nhưng ông không nhận thức điều đó bao nhiêu. Sự công
chính ấy trừu tượng, không vững chắc cũng không cụ thể. Có lẽ đối với
Áp-ra-ham, sự công chính chỉ là một từ
suông.
Trong Sáng Thế Ký chương 16, chúng ta thấy Ích-ma-ên ra đời. Mặc dầu
Đức Chúa Trời kể Áp-ra-ham là công chính, nhưng Áp-ra-ham không có gì cụ thể cả.
Do đó, Sa-ra đề nghị ông có con với A-ga, và Áp-ra-ham dùng năng lực riêng của
mình sinh ra Ích-ma-ên. Nói về phương diện địa vị, Áp-ra-ham có sự công chính của
Đức Chúa Trời; nói về phương diện bản tính, ông không có sự công chính ấy. Ông
chỉ có Ích-ma-ên. Vì vậy, Đức Chúa Trời can thiệp và dường như phán: “Áp-ra-ham
ơi, ngươi phải trọn vẹn. Ta là một Đức Chúa
Trời trọn vẹn. Ngươi phải tin lời Ta và tin cậy Ta. Ta kể đức tin ngươi là công chính cho ngươi. Ngươi không nên
tự hành động để sinh ra một Ích-ma-ên nhằm thực hiện mục đích của
Ta. Đây không phải là điều Ta kể cho ngươi. Ích-ma-ên không phải sự công chính
Ta kể cho ngươi. Ngươi phải ngừng hành động. Để nhắc nhở ngươi, Ta muốn ngươi
chịu cắt bì”. Cắt bì đến chỉ vì Áp-ra-ham tự hành động để thực hiện sự công chính của Đức Chúa Trời. Ga-la-ti
chương 4 nói rằng A-ga tượng trưng cho Kinh Luật. A-ga sinh ra Ích-ma-ên có
nghĩa là có việc làm của Kinh Luật, việc làm không phải là sự công chính của Đức
Chúa Trời. Áp-ra-ham phải học tập kết liễu chính mình, ngừng nỗ lực riêng và chịu
cắt bì.
Trong Sáng Thế Ký chương 17, Đức Chúa Trời
nói về Y-sác, hứa lập giao ước với ông. Theo hình bóng, Y-sác tượng trưng cho Đấng
Christ là sự công chính của Đức Chúa Trời được kể cho người
tin bởi đức tin. Trong Sáng Thế Ký chương 15, Áp-ra-ham có sự công chính của Đức
Chúa Trời về phương diện địa vị. Khi Y-sác ra đời, ông có sự công chính của Đức
Chúa Trời về phương diện bản tính. Ông có một kinh nghiệm thật Về sự công chính
của Đức Chúa Trời.
Sự hiểu biết của nhiều Cơ-đốc nhân thật nông cạn. Họ nói: “Chúng ta tội lỗi.
Đấng Christ chết cho chúng ta. Nếu chúng ta tin Ngài, thì dưới
huyết Ngài, Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta sự công chính của Ngài và Ngài
xưng công chính cho chúng ta”. Theo quan niệm này, sự công
chính chỉ về phương diện địa vị và có tính, khách quan. Tuy
nhiên, theo kinh nghiệm, chúng ta nhận thấy rằng chính sự công chính mà đã được kể cho chúng ta vào lúc tin là Đấng Christ.
Y-sác là hình bóng về Đấng Christ. Vì Y-sác tượng trưng cho Đấng
Christ, nên có thể nói Y-sác là sự công chính của chúng ta.
Cuối cùng, sự công chính của Đức Chúa Trời không phải là một từ trừu tượng mà
là một thân vị, là Đấng Christ Phục Sinh. Đấng Christ Phục
Sinh này trở nên Y-sác hiện nay của chúng ta. Mặc dầu đã tiếp nhận sự công
chính của Đức Chúa Trời vào ngày mình tin, nhưng chúng ta không nhận biết sự
công chính này thật ra là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời.
Ngay sau khi tiếp nhận Đấng Christ, chúng ta quyết định làm những
việc tốt cho Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là chúng ta cưới A-ga và sinh ra
một Ích-ma-ên. Hãy nhớ rằng Ích-ma-ên tượng trưng cho công việc của Kinh Luật.
Dù chúng ta có làm việc tốt thì Đức Chúa Trời vẫn phán: “Hãy đuổi Ích-ma-ên đi.
Ta không muốn nó. Con phải được xử lý và treo trên thập tự giá. Con phải bị kết
liễu. Con phải bị cắt bỏ. Con phải bị cắt bì. Con cần Con Ta là sự công chính sống của Đức Chúa Trời đã được sinh ra trong con và lộ
ra từ con”. Bằng cách này, chúng ta có kinh nghiệm thật về sự công chính của Đức
Chúa Trời và được xưng công chính về phương diện bản tính cũng như về phương diện
địa vị.
Sau khi Áp-ra-ham nhận được
Y-sác, ông hoàn toàn thỏa mãn với Y-sác. Cũng vậy, khi có một kinh nghiệm về Đấng
Christ cách cá nhân, chúng ta rất thỏa mãn với Ngài và nói:
“Cách đây vài năm, tôi chỉ biết sự công chính của Đức Chúa Trời. Tôi chưa từng
kinh nghiệm sự công chính của Đức Chúa Trời là chính Đấng Christ.
Bây giờ, tôi kinh nghiệm và vui hưởng Đấng Christ là sự
công chính của Đức Chúa Trời”. Tuy nhiên, đang khi anh em vui hưởng Đấng Christ
của riêng mình, Đức Chúa Trời hiện ra, như Ngài đã hiện ra cho Áp-ra-ham,
và phán: “Hãy dâng Y-sác của ngươi cho Ta”. Có lẽ Chúa sẽ bảo anh em đến với Hội
Thánh. Điều này làm anh em bối rối. Anh em trả lời: “Con không quan tâm đến Hội
Thánh. Con đã kinh
nghiệm Đấng Christ, điều đó chưa đủ sao?” Câu
trả lời này chứng tỏ anh em không muốn dâng Y-sác trên bàn thờ. Tuy nhiên, nếu
dâng Y-sác của cá nhân mình trên bàn thờ, Đức Chúa Trời sẽ đáp ứng với anh em một
lần nữa, và hàng ngàn Y-sác sẽ trở về với anh em. Áp-ra-ham dâng một Y-sác,
nhưng ông nhận lại được hàng ngàn con cháu. Những người này thành lập vương quốc,
dân tộc I-xra-ên, với mục đích thực hiện sự cai trị của Đức Chúa Trời. Đó là lý
do vì sao Phao-lô nói rằng Áp-ra- ham và những người thừa kế của ông sẽ thừa hưởng
trái đất.
Nếp sống Thân
Thể được ngụ ý ở
đây. Trong chương 12, chúng ta thấy Thân Thể: “Chúng ta dầu nhiều mà vẫn một
Thân trong Christ”. Trong chương 14, Phao-lô
giải nghĩa Thân Thể là Vương Quốc của Đức Chúa Trời, nói rằng chúng ta phải tiếp
nhận tất cả anh em vì cớ Vương Quốc của Đức
Chúa Trời. La-mã
14:17 nói Vương Quốc là sự
công chính, bình an và vui mừng trong Thánh Linh. Nếp sống Thân Thể là Vương Quốc
của Đức Chúa Trời để hoàn thành mục đích của Ngài.
Một ngày nọ, Đức Chúa Trời vinh hiển đến với chúng ta qua sự rao giảng
Phúc Âm. Chúng ta được thu hút, thuyết phục và bắt đầu quí trọng Ngài. Trong thời
gian ấy, Đức Chúa Trời vinh hiển truyền yếu tố nào đó của bản thể thần thượng Ngài vào trong chúng
ta, và tự phát chúng ta tin Ngài. Rồi chúng ta nói: “Đức Chúa Trời ôi, con là một
tội nhân. Con cảm tạ Ngài vì Con Ngài là Jesus Christ đã chết trên thập tự giá
vì con”. Chúng ta có
thể nói điều này vì Đấng Christ hằng sống đã hành động trong chúng ta để làm khả
năng tin của chúng ta. Sau đó nếu có ai khuyên chúng ta nghịch lại với đức tin
nơi Đấng Christ, chúng ta sẽ thấy mình không thể nào không tin Ngài.
Không điều gì có thể cất đức tin này khỏi chúng ta vì đức tin ấy thật ra là Đấng
Christ hằng sống đang hành động trong chúng ta và đáp ứng với Đức Chúa Trời. Ngay sau khi
chúng ta đáp ứng với Đức Chúa Trời như vậy, Ngài đáp ứng với chúng ta, xưng
công chính chúng ta. Khi ấy chúng ta có cảm nhận mình được Đức Chúa Trời tha thứ
và xưng công chính. Chúng ta có sự bình an và vui mừng. Sau đó, tất cả chúng ta
đều quyết định làm điều
tốt-cư xử tốt, yêu vợ và vâng phục chồng. Tất cả những gì chúng ta sinh ra đều
là Ích-ma-ên. Rồi chúng ta nhận biết mình cần bị kết liễu, cần chịu cắt bì để Đức
Chúa Trời có thể hành động trong chúng ta hầu sinh ra Y-sác hiện tại, tức Đấng Christ,
là thực tại sự công chính của Đức Chúa Trời. Một khi có Đấng Christ
này, chúng ta phải dâng Ngài cho Đức Chúa Trời để có thể nhận Ngài lại
trong sự phục sinh. Kết quả của điều này là Vương Quốc, là nếp sống Hội Thánh.
Đó là Thân Thể của Đấng Christ.
Phao-lô viết La-mã chương 4 vì ông muốn bày tỏ rằng sự công chính của Đức Chúa Trời là để hoàn thành mục đích của
Ngài. Mục đích của Đức Chúa Trời là có một Thân Thể, là Vương Quốc, để bày tỏ
Ngài và thi hành quyền cai trị của Ngài trên trái đất. Vì vậy, La-mã chương 4 đặt
nền cho các chương từ 12 đến 16, tại đó chúng ta thấy nếp sống Thân Thể thực tiễn,
nếp sống Hội Thánh và nếp sống Vương Quốc.