SỰ HƯ KHÔNG CỦA TÔN GIÁO
VÀ TÌNH TRẠNG HOÀN TOÀN VÔ VỌNG
Trong bài
này, chúng ta sẽ đề cập đến sự hư không của tôn giáo được bày tỏ qua sự định tội
những người tôn giáo (2:17-3:8)
và tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng được bày tỏ qua sự định tội cả thế gian
(3:9-20). Như chúng tôi đã nêu, Phao-lô đề cập đến sự định tội theo bốn khía cạnh: trên nhân loại
nói chung, trên những người tự xưng công chính nói riêng, cụ thể trên những người
tôn giáo, và trên toàn thể thế gian. Điều này rất có ý nghĩa. Từ những khía cạnh
bị Đức Chúa Trời định tội, chúng ta có thể thấy bốn điều: nguồn gốc sự gian ác,
phương cách kiểm chế, sự hư không của tôn giáo và tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng.
I. ĐỊNH TỘI TRÊN NGƯỜI TÔN GIÁO
Trước hết,
chúng ta hãy xem xét sự hư không của tôn giáo. Văn hóa loài người là phát minh
tốt nhất của nhân loại, và điều tốt nhất của văn hóa là tôn giáo. Tôn giáo là đỉnh
cao của văn hóa loài người. Văn hóa loài người cần có tôn giáo, vì không có tôn
giáo, văn hóa rất hoang dại. Nếu tôn giáo bị loại bỏ khỏi văn hóa loài người,
văn hóa vẫn còn thô thiển. Vì vậy, hầu hết mọi người đều tôn trọng tôn giáo.
Hai tôn giáo
tốt nhất giữa vòng nhân loại là Do-thái Giáo và Cơ-đốc Giáo. Đây là hai tôn
giáo tiêu biểu, chân chính, lành mạnh và chính thống. Cả hai đều ra từ cùng một
nguồn là sự khải thị thần thượng của Kinh Thánh. Cùng với hai tôn giáo này,
chúng ta có Hồi Giáo là sự giả mạo của Do-thái Giáo. Do-thái Giáo là nguồn gốc
của Hồi Giáo. Kinh Cô-ran, là sách thánh của Hồi Giáo, thật ra chỉ là mô phỏng
Cựu Ước; tuy nhiên, nội dung đã thay đổi để truyền bá lời giả dối. Kinh Cô-ran thậm chí
còn nói về Đấng Christ,
rằng Ngài lớn
hơn Mô-ha-mét. Theo kinh Cô-ran, Đấng Christ
không bị
đóng đinh bao giờ. Khi người ta tìm cách đóng đinh Ngài trên thập tự giá, thiên
sứ xuống đem Ngài lên trời. Kinh Cô-ran thậm chí còn nói Jesus này sẽ trở lại. Vì vậy, rõ ràng Hồi
Giáo với sách thánh của tôn giáo này, tức quyển Cô-ran, là giả mạo.
Nói đúng ra, ngoài Do-thái
Giáo, Cơ-đốc Giáo, và tôn giáo giả mạo là Hồi Giáo, không còn tôn giáo nào
khác. Phật Giáo không phải là tôn giáo, mà là một sự vô nghĩa. Tôn giáo dạy người
ta thờ phượng Đức Chúa Trời, nhưng trong Phật Giáo không có Đức Chúa Trời gì cả.
Anh em có thể nói đến Khổng Giáo. Sự dạy dỗ của Khổng Tử có tính cách phi tôn
giáo, đó hoàn toàn là sự dạy dỗ về đạo đức, không liên quan gì đến Đức Chúa Trời.
Trong các Kinh Thư của Khổng Tử, có lẽ ông chỉ đề cập đến Đức Chúa Trời một hai
lần, gọi Ngài là “Trời”.
Chúng ta không nên xem Khổng Giáo là một tôn giáo. Trên đất này chỉ có ba tôn
giáo-tôn
giáo thật là Do-thái Giáo và Cơ-đốc Giáo, và tôn giáo giả là Hồi Giáo.
Ngay cả với
hai tôn giáo thật cũng không có gì ngoài sự hư không. Chúng ta không cần tôn
giáo. Chúng ta cần một Thân Vị sống. Chúng ta không cần điều gì đó chỉ liên
quan đến Đức Chúa Trời mà cần chính Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng không cần
phương cách thờ phượng Đức Chúa Trời; chúng ta cần Thân Vị sống của Đức Chúa Trời
vào bên trong mình. Khi Đức Chúa Trời ban Kinh Thánh, Ngài không có ý định ban
một tôn giáo cho chúng ta. Ý định của Đức Chúa Trời là khải thị chính Ngài vào
trong chúng ta qua Lời Thánh, chứ không phải là có một hình thức tôn
giáo. Tuy nhiên, người Do-thái thời xưa đã hình thành một tôn giáo ra từ Cựu Ước.
Sau đó, Cơ-đốc Giáo lập một tôn giáo mạnh mẽ hơn vì họ có nhiều hơn người
Do-thái 27 Sách. Người Do-thái chỉ có 39 Sách để lập giáo; Cơ-đốc Giáo có đến
66 Sách. Do đó, Cơ-đốc Giáo thậm chí còn hình thành một tôn giáo mạnh hơn. Tuy
nhiên, một tôn giáo càng mạnh, càng chứa đựng nhiều sự hư không.
Tôi biết khi
nói như vậy có thể gây tổn thương cho một số người. Đối với nhiều Cơ-đốc
nhân, từ Cơ-đốc Giáo nghe có vẻ ngọt ngào và quí báu, và khi có người
nói Cơ-đốc Giáo là hư không, họ sẽ bị xúc phạm. Nếu bị điều này làm tổn thương thì
chứng tỏ anh em cực kỳ tôn giáo. Tôi không nói Đấng Christ hư không và tôi cũng
không nói Cơ-đốc nhân hư không, nhưng tôi mạnh mẽ khẳng định rằng Cơ-đôc Giáo
hư không. Bất cứ “giáo” nào cũng hư không, kể cả “Hội Thánh Giáo”. Hội Thánh rất
quí báu, nhưng nếu anh em thêm “giáo” vào Hội Thánh, thì Hội Thánh sẽ trở nên hư không. Chúng ta cần
Đấng Christ, Cơ-đốc nhân và Hội Thánh, chứ
không cần bất cứ “giáo” nào. Đây không phải là sự dạy dỗ của tôi. Nếu trở về với Lời thuần khiết
trong Tân Ước, chúng ta tìm thấy từ liệu Đấng Christ và
từ liệu Cơ-đốc nhân (Công. 11:26); tuy nhiên, từ Cơ-đốc Giáo và Lễ Giáng Sinh (Christmas) không có trong Kinh
Thánh. Một loại “giáo” và “lễ” đã thêm vào từ Christ (Cơ-đốc). Lễ Giáng Sinh cũng hư
không. Khi người ta treo đèn trên một cây nhỏ, đó là “giáo” và “lễ”. Đó là hư
không. Chúng ta phải coi chừng tôn giáo: tôn giáo là hư không.
A.
Có Danh Bề Ngoài
Bây giờ,
chúng ta cần xem xét vài vấn đề về sự hư không của tôn giáo. Trước hết, tôn
giáo có danh bề ngoài (2:17). Gần đây, tôi đến một tiệm hớt tóc để hớt tóc. Người
thợ nói chuyện về việc tham dự lễ mi-xa vào dịp Giáng Sinh. Nhân cơ hội ấy, tôi
hỏi anh có bao nhiêu người sẽ có mặt tại đó. Anh ấy nói: “Ông biết không, đó chỉ
là bổn phận tôn giáo. Một số
người chỉ dự lễ mi-xa mỗi năm một lần vào dịp Giáng Sinh”. Ở đây chúng ta thấy
một ví dụ về sự hư không của tôn giáo: dự lễ mi-xa mỗi năm một lần như một bổn
phận tôn giáo để giữ danh nghĩa là một người Công Giáo. Đó là loại tín đồ gì?
Tín đồ trên danh nghĩa bề ngoài. Nếu có thực chất trong linh, nghĩa là anh em là
tín đồ thật, thì
điều đó thật kỳ diệu. Nhưng nếu thiếu thực tại mà chi giữ danh nghĩa bề ngoài, thì điều đó
không có ý nghĩa gì cả. Đó là hư không.
B.
Biết Đức Chúa Trời Theo Kiến Thức Bề Ngoài
Khía cạnh thứ
hai trong sự hư không của tôn giáo là biết Đức Chúa Trời theo kiến thức bề
ngoài (2:17-18). Chỉ biết Đức Chúa Trời theo kiến thức bề ngoài, văn tự bề
ngoài là hư không. Chúng ta cần nhận biết Đức Chúa Trời theo bề trong, là sự hiểu
biết trong linh, sự hiểu biết lan truyền vào cả bản thể chúng ta. Chúng ta cần
một sự nhận biết Đức Chúa Trời ở bên trong và chủ quan như vậy.
C.
Có Kinh Thánh Ở Bề Ngoài
Điều thứ ba
trong sự hư không của tôn giáo là có Kinh Thánh ở bề ngoài (3:2). Cả người
Do-thái lẫn Cơ-đốc nhân đều có Kinh Thánh, nhưng đối với nhiều người giữa vòng
họ, Kinh Thánh đã trở nên một quyển sách mê tín dị đoan. Họ giữ Kinh Thánh cách
mê tín. Một số Cơ-đốc nhân nói với tôi rằng ban đêm họ sợ ngủ mà không có Kinh
Thánh bên cạnh. Nếu không đặt Kinh Thánh cạnh gối hay trên bàn, ban đêm họ ngủ
không yên, họ nghĩ rằng Kinh Thánh sẽ khiến ma quỉ lánh xa họ. Đó là mê tín dị
đoan. Những Cơ-đốc nhân khác dùng Kinh Thánh để tìm sự dẫn dắt một cách kỳ dị.
Họ mở Kinh Thánh ra, chỉ ngón tay vào một nơi nào đó, rồi theo sự hướng dẫn
của bất cứ câu nào mà họ đã chỉ vào. Tôi từng nghe một người mê tín dị đoan mở
Kinh Thánh ra và đặt ngón tay vào trúng câu nói rằng Giu-đa đi ra treo cổ tự tử (Mat. 27:5). Tôi không biết anh ta đã
làm gì. Thật kinh khủng và vô cùng mê tín khi sử dụng Kinh Thánh theo cách ấy.
Tất cả những sự thực hành hư không này phải được phá để.
Dĩ nhiên, hầu
hết người Do-thái chính thống và Cơ-đốc nhân thật không sử dụng Kinh Thánh theo
lối mê tín như vậy, nhưng họ không nhận lấy Kinh Thánh cách thật sự và sống động. Họ quan tâm đến
sự dạy dỗ theo văn tự; họ không quan
tâm đến Đấng Christ,
là Thân Vị sống. Trong Giăng 5:39-40,
Chúa Jesus phán với người Do-thái
Giáo rằng họ dò xem Kinh Thánh để tìm kiến thức, nhưng không muốn đến với Ngài
để nhận sự sống. Ngày nay, có nhiều Cơ-đốc
nhân thuộc loại này. Do đó, Kinh Thánh không có ý nghĩa nhiều đối với họ trong
sự sống
và thực tại.
D.
Giữ Hình Thức Bề Ngoài Theo Văn Tự
Một số người
tôn giáo giữ hình thức bề ngoài theo văn tự (2:27-28). Chẳng hạn như báp-têm.
Nhiều Cơ-đốc nhân yêu dấu đã bám lấy quan niệm về báp-têm trầm mình. Chính tôi
mạnh mẽ ủng hộ báp-têm trầm mình theo Kinh Thánh, và tôi không bao giờ làm
báp-têm cho người ta bằng cách rảy nước. Tuy nhiên, vấn đề báp-têm hầu như đã
hoàn toàn trở nên hình thức bề ngoài. Chúng ta phải tránh tất cả những hình thức
bề ngoài. Phao-lô nói với người Do-thái rằng nếu sự cắt bì của họ chỉ có tính
cách bề ngoài, thì điều đó không thật. Sự cắt bì thật có tính cách bề trong, ở trong lòng và linh.
Chúng ta có thể áp dụng lời này cho báp-têm, vì theo một ý nghĩa, báp-têm thay
thế sự cắt bì. Trong Cựu Ước có cắt bì còn trong Tân Ước, cắt bì được thay thế
bằng báp-têm. Vì hễ khi nào người ta thực hành cắt bì chỉ như hình thức bề
ngoài thì sự cắt bì
đó không thật, nên nếu báp-têm chỉ có tính cách bề ngoài thì không bao giờ có
thể là thật. Tôi rất tiếc phải nói rằng hầu
như mọi cách báp-têm đã suy thoái thành hình thức bề ngoài.
Tôi có thể
minh họa điều này bằng chính kinh nghiệm của mình. Trước hết, tôi được một mục
sư rảy vài giọt nước, về sau tôi nhận biết như vậy là sai, không phù hợp với
Kinh Thánh. Rồi tôi được một giáo sư Hội Anh Em dìm xuống biển. Sau đó, có người
bảo tôi chịu báp-têm dưới
nước mặn thay vì nước ngọt là sai. Theo họ, chúng ta nên theo gương Chúa Jesus và được dìm dưới sông. Có lẽ một
mục sư khác sẽ tranh luận rằng như vậy vẫn sai vì đó không phải là sông
Giô-đanh. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng dầu rigười ta có chịu báp-têm dưới sông
Giô-đanh đi nữa thì người khác vẫn có thể nói đó là sai vì họ không được dìm
xuống ngay vị trí mà chính Chúa Jesus đã chịu báp-têm. Đó là những cuộc
tranh luận bất tận và những lời phê phán bất công, phi lý.
Người ta đã
tranh luận và bàn cãi về báp-têm suốt nhiều thế kỷ vì họ bám lấy một hình thức
bề ngoài. Một số người như những người Quakers
và bà
Penn-Lewis đã bác bỏ báp-têm bề ngoài, thuộc thể. Mặc dầu tôi không đồng ý với
quan điểm ấy, nhưng tôi nhắc nhở anh em phải cẩn trọng đừng chú ý đến một hình
thức nào đúng theo cách nhìn của mình. Anh em không phải là Chúa, tôi cũng vậy.
Dầu anh em chịu báp-têm bằng nước nóng hay nước lạnh, nước mặn hay nước thường,
dưới sông hay dưới biển, một lần hay vài lần, mà nếu chỉ là hình thức bề ngoài
thì không ý nghĩa gì cả. Chúng ta cần thực tại bề trong. Tôi không khích lệ anh
em thực hành bất cứ điều gì như hình thức. Chúng ta không nên bám lấy một hình
thức nào cả, nhưng hãy hết sức chú ý đến thực tại.
E. Thiếu Thực Tại Bề
Trong Ở Trong Linh
Tôn giáo là
hư không vì thiếu thực tại bề trong ở
trong linh (2:29). La-mã 2:29 nói rằng bất cứ điều gì chúng ta là, bất cứ điều gì chúng ta làm và bất
cứ điều gì chúng ta có đều phải ở trong linh. Nếu là người Do-thái và chịu cắt
bì, sự cắt bì của anh em phải ở trong linh. Nếu là một Cơ-đốc nhân và chịu
báp-têm, báp-têm của anh em phải ở trong linh. Mọi sự phải ở trong
linh. Dĩ nhiên, linh ở đây là nhân linh. Tại sao mọi sự phải được thực hiện
trong linh chúng ta? Vì linh của chúng ta chính là nơi Đức Chúa Trời có thể cư
ngụ. Linh là địa điểm, là cơ sở mà tại đó Đức Chúa Trời có thể hành động thay
cho chúng ta. Nếu là một Cơ-đốc nhân trong linh, có nghĩa anh em là một Cơ-đốc
nhân có Đức
Chúa Trời. Nếu hành động trong linh, có nghĩa là anh em cùng hành động với Đức
Chúa Trời. Không có Đức Chúa Trời, mọi sự là hư không; với Ngài, mọi sự là thực tại.
Vì vậy, anh em phải quay về linh. Nếu yêu người khác, chúng ta phải yêu họ trong linh. Nếu
không, tình yêu của chúng ta không thật, Đó là tình yêu mang tính chính trị.
Tuy nhiên, nếu yêu trong linh, tình yêu của chúng ta có Đức Chúa Trời. Khi người
chồng nói với vợ là yêu vợ thì cần phải nói bằng linh. Nếu tình
yêu của anh em không ở trong
linh, tình yêu ấy không chân thật, mang tính chính trị. Nhiều người vợ đã bị
tình yêu mang tính chính trị của chồng
lừa dối. Nếu nói một lời nào đó với anh em, tôi phải nói trong linh. Khi ấy lời
đó là lời có Đức Chúa Trời. Nếu không, lời đó có tính chính trị. Linh chúng ta
là cơ quan qua đó Đức Chúa Trời có thể chạm đến chúng ta và chúng ta có thể chạm
đến Đức Chúa Trời. Mọi sự chúng ta là và mọi sự chúng ta làm đều phải ở trong
linh. Đó không phải là tôn giáo mà là thực tại.
F.
Làm Những
Điều Ác Như Người Không Tôn Giáo
Cuối cùng,
người tôn giáo làm những điều ác giống như người không tôn giáo (2:21-22). Dường như không có sự
khác biệt nào giữa người không tôn giáo và người tôn giáo. Tất cả đều giống
nhau. Mặc dầu người Do-thái sùng đạo,
nhưng họ cư xử thậm chí còn tệ hơn dân Ngoại.
Trong phân
đoạn nói về sự định tội
người tôn giáo này, chúng ta thấy tôn giáo không có ý nghĩa gì cả, tôn giáo chỉ
là hư không. Vì vậy, chúng ta phải tránh xa tôn giáo và không liên hệ gì đến
tôn giáo. Chúng ta cần Thân Vị sống
của Đức Chúa Trời Tam-Nhất.
II.
ĐINH TỘI CẢ THẾ GIAN
-TÌNH
TRẠNG
HOÀN TOÀN VÔ VỌNG
Bây giờ,
chúng ta đề cập đến sự định tội cả thế gian, là sự định tội bày tỏ tình trạng
hoàn toàn vô vọng (3:9-20). Tình trạng thế giới thật vô vọng. Đừng cố gắng chữa trị, sửa sai,
hay cải thiện. Đừng đặt hi vọng gì nơi đó. Tình trạng của thế gian này vô
phương cứu chữa.
Trong phần
này của Sách La-mã, Phao-lô
mô tả con người là hoàn toàn gian ác và đưa ra vài bằng chứng cho thấy tình trạng
của thế gian là vô vọng. Không một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời và không ai
hiểu Đức Chúa Trời (3:11). Mọi người đều quay khỏi Đức Chúa Trời và trở nên vô
dụng (3:12). Không người nào công chính (3:10), và không người nào làm lành
(3:12). Nói cách khác, không một người nào công chính và không một người nào tốt.
Anh em có biết sự khác nhau giữa một người công chính và một người tốt không? Nếu
tôi làm việc cho anh em một tháng với mức lương 500 mỹ kim và anh em không chịu
trả lương cho tôi thì anh em là người bất chính. Nhưng nếu anh em trả lương cho
tôi, anh em là người công chính. Nếu tôi không làm gì cho anh em cả mà anh em
cho tôi 500 mỹ kim làm quà khi tôi cần, đó là một hành động ân điển. Nếu làm
như vậy, anh em là người tốt. Tuy nhiên, Phao-lô nói rằng trên toàn thế giới
không có một người nào công chính và không có một người nào tốt. Anh em có tin
điều này không? Tôi tin. Chúng
ta không nên nghĩ mình là ngoại lệ. Không ai công chính; không ai tốt cả. Vì vậy,
mọi người đều phải chịu sự phán xét của Đức Chúa Trời (3:19). Tình trạng của thế
gian này hoàn toàn vô vọng.
Trước khi được
cứu, chúng ta ở đâu? Chúng ta đều ở dưới sự phán xét công chính của Đức Chúa Trời.
Ai trong chúng ta cũng sai. Không ai trong chúng ta tìm kiếm hay hiểu biết Đức
Chúa Trời. Tất cả chúng ta đều quay đi và trở nên vô dụng. Không một người nào
trong chúng ta là công chính hay tốt
lành. Chúng ta đều ở dưới sự phán xét công chính của Đức Chúa Trời. Qua đó chúng ta có thể thấy
tình trạng vô vọng của thế gian.
Tôi đánh giá
cao các Sách của Phao-lô. Trong phần nói về sự định tội, chúng ta thấy nguồn gốc sự gian ác, cách kiểm
chế, sự hư không của tôn giáo, và tình trạng vô vọng của thế gian. Đây là lời kết
luận của những gì Phao-lô viết về sự định tội: cả thế gian đều phải chịu sự
phán xét công chính của Đức Chúa Trời. Chúng ta ở đâu và là gì nếu chưa được cứu? Chúng ta sẽ
là một trường hợp vô vọng dưới sự phán xét của Đức Chúa Trời. Bất kể làm gì, có
gì và là gì, chúng ta đều ở dưới sự phán xét công chính của Đức Chúa Trời. Tất cả
chúng ta đều biết mình cần sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Phân đoạn nói về sự định
tội này mở đường cho sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời và mở cửa cho con người bước
vào sự cứu rỗi của Ngài. Bất kể là ai, chúng ta đều cần Đấng Christ. Chúng ta cần Đấng Christ với sự cứu chuộc của Ngài.
Trong phân
đoạn nói về sự định tội, ý định của Phao-lô là dọn đường để cung ứng Đấng Christ vào trong chúng ta. Theo
Phao-lô, mục tiêu tối hậu của Phúc Âm là cung ứng Đấng Christ vào trong chúng ta. Khi đến
La-mã chương 8, chúng ta sẽ tìm thấy một câu chép rằng: “Đấng Christ ở trong anh em” (8:10).
Đó là mục tiêu của Phao-lô. Dầu là một người giữa vòng nhân loại, người tự cho
mình là công chính, người thuộc tôn giáo, hay người ở trong thế gian, chúng ta
đều cần Jesus. Nhu cầu của chúng ta là ở
trong linh. Chúng
ta không nên chú ý đến những điều bề ngoài hay những việc làm bề ngoài, nhưng
hãy quay về linh. Chúng ta sẽ gặp Đấng Christ
tại trong
linh. Trong linh, chúng ta sẽ vui hưởng Đấng Christ. Những
gì Phao-lô viết về sự định tội dọn đường để chúng ta tiếp nhận Đấng Christ, mở đường để Đấng Christ vào trong chúng ta.