Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

LA-MÃ BÀI SÁU MƯƠI SÁU


ĐỨC CHÚA TRỜI
KẾT ÁN TỘI TRONG XÁC THỊT
Kinh Thánh: Rô 8:1-11
HAI LOẠI ĐỊNH TỘI
Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét 8:1-11. Trong 8:1, Phao-lô nói: “Cho nên hiện nay chẳng có sự định tội cho những kẻ ở trong Christ Jesus”. Chúng ta dễ mặc nhiên công nhận câu này và xem như mình đã hiểu, có lẽ cho rằng định tội ở đây giống như định tội dược nói đến trong chương 3. Nhưng định tội được mô tả trong các chương 2 và 3 đã được cất bỏ trước 8:1. Vì vậy, định tội trong câu này thuộc một loại khác, là định tội ở trong chúng ta. Sự định tội trong chương 2 và 3 là một điều gì đó ở trước mặt Đức Chúa Trời, không phải là một điều gì đó theo cảm nhận hay ý thức bên trong của chúng ta. Đó là sự định tội khách quan, định tội theo luật của Đức Chúa Trời. Trước khi được cứu, có lẽ chúng ta không nhận biết rằng theo cách nhìn của Đức Chúa Trời, chúng ta bị định tội theo luật công chính của Ngài. Khi chúng ta tin Chúa Jesus, sự định tội ấy được huyết cứu chuộc của Đấng Christ cất bỏ. Ha-lê-lu-gia, sự định tội ấy đã được huyết của Jesus rửa sạch. Vì vậy, chúng ta không còn sự định tội này nữa.
Không nên lẫn lộn định tội trong các chương 2 và 3 với định tội trong 8:1. Định tội trong câu này là chủ quan; là một điều gì đó ở bề trong theo cảm nhận bên trong và cũng theo lương tâm của Cơ-đốc nhân chúng ta. Điều này sáng tỏ khi chúng ta nhận biết 8:1 theo ngay sau chương 7. Nếu đọc chương 7 cách cẩn thận, sẽ thấy chương này mô tả một cuộc chiến bên trong những phần khác nhau của bản thể chúng ta. Chúng ta biết rằng là con người, chúng ta được tạo dựng với hơn một phần cơ bản. Do hậu quả của sự sa ngã, những phần khác nhau của bản thể chúng ta không hòa hợp với nhau.

Trong chương 7, Phao-lô, tác giả Sách La-mã, cho chúng ta biết một cuộc chiến đang diễn ra trong các phần bề trong của ông. Một phần muốn giữ Luật của Đức Chúa Trời cách hoàn toàn và triệt để. Phần này muốn yêu thích Đức Chúa Trời, làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và làm thỏa lòng Đức Chúa Trời. Do đó, trong 7:22 Phao-lô nói: “Vì theo người bề trong, tôi vẫn vui thích Luật của Đức Chúa Trời”. Tuy nhiên khi phần này của bản thể chúng ta được sử dụng để làm lành và làm trọn Kinh Luật thì một phần khác lại dấy lên chiến đấu. Phần này luôn luôn đánh bại phần ưa thích Luật của Đức Chúa Trời. Vì vậy, 7:23 chép: “Nhưng tôi thấy trong chi thể tôi có một luật khác chiến đấu với luật trong tâm trí tôi, bắt tôi làm phu tù cho luật của tội vẫn ở trong chi thể tôi”. Phần tốt luôn luôn bị đánh bại. Chúng ta có thể đứng về phía phần tốt và giúp nó chống lại phần kia, nhưng chúng ta luôn luôn bị đánh bại và thua trận.
Chúng tôi đã nêu lên rằng trong 7:23, Phao-lô nói về việc làm phu tù cho luật của tội là luật trong các chi thể ông. Trở nên phu tù như vậy không phải là tình trạng đáng thương sao? Nhưng chúng ta cần phải nhận biết rằng là Cơ-đốc nhân, chúng ta có thể bị luật của tội này bắt giữ hằng ngày. Chúng ta không bị những kẻ thù khổng lồ bên ngoài bắt giữ mà cũng bị những kẻ thù nho nhỏ bên trong bắt giữ, chẳng hạn như tính nóng nảy. Chúng ta thường nói về việc nổi nóng. Thật ra, nói bị luật của tội bắt giữ thì đúng hơn. Đó không phải là vấn đề nổi nóng, nhưng là làm tù nhân cho luật của tội trong các chi thể.
La-mã 7:24 chép: “Ôi, tôi là người khốn nạn dường nào! Ai sẽ giải cứu tôi khỏi thân thể của sự chết này?” Tiếng kêu này liên quan đến sự định tội trong 8:1. Đó không phải sự định tội khách quan trước mặt Đức Chúa Trời, nhưng là sự định tội chủ quan, định tội bên trong chúng ta. Hơn nữa, sự định tội này không phải là nan đề đối với Đức Chúa Trời mà trở nên nan đề đối với chúng ta.
Không bao nhiêu người vô tín kinh nghiệm sự định tội này. Tuy nhiên, hầu như tất cả Cơ-đốc nhân tìm kiếm Chúa đều có nan đề này. Khi không tìm kiếm Chúa mà yêu thế gian, anh em không có nan đề này. Nhưng khi bắt đầu yêu mến Chúa và tìm kiếm Ngài, tự phát anh em quyết định tự cải thiện, thậm chí trở nên hoàn hảo và hết lòng yêu Chúa. Quyết định này khiến cuộc chiến mô tả trong La-mã chương 7 nổ ra. Quyết định làm lành hay tự cải thiện làm cho luật của tội dấy lên trong các chi thể, làm cho tất cả những kẻ thù nhỏ bên trong dấy lên và chiến đấu chống chúng ta. Có nhiều kẻ thù trong chúng ta. Tuy nhiên nếu Cơ-đốc nhân không yêu Chúa nhiều, hay không quyết định làm đẹp lòng Chúa, những kẻ thù này sẽ không quấy rối họ. Nhưng ngay khi họ quyết định làm lành, kẻ thù nổi lên.
Trong câu 25, Phao-lô nói tiếp: “Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Jesus Christ, Chúa chúng ta! Như vậy, chính mình tôi lấy tâm trí phục Luật của Đức Chúa Trời, nhưng lấy xác thịt phục Luật của tội”. Đó là kết luận của chương 7. Trong chương này, chúng ta không được ban cho phương cách để được giải cứu khỏi sự định tội chủ quan. Vì vậy, cần có chương 8.

KHÔNG CÓ SỰ ĐỊNH TỘI
Phao-lô bắt đầu chương 8 với một lời về định tội: “Cho nên hiện nay chẳng có sự định tội cho những kẻ ở trong Christ Jesus”. Một lần nữa tôi muốn nói định tội này là ở bề trong. Ở đây tác giả có thể ngợi khen và tuyên bố không còn định tội nào cho những người ở trong Christ Jesus. Khi đọc câu này, có thể một số người nói: “Tôi ở trong Christ Jesus. Nhưng sao tôi không có tiếng kêu đắc thắng này? Thay vào đó, tôi vẫn thở dài và rên siết”. Lý do là thật ra, trên thực tế, chúng ta có thể còn ở trong 7:24, chứ không phải 8:1. Khi vui hưởng Chúa trong các buổi nhóm, có thể chúng ta có cảm nhận về sự đắc thắng. Khi ấy chúng ta ở trong 8:1. Nhưng sau buổi nhóm, có thể chúng ta lại bị đánh bại và một lần nữa thấy mình ở trong 7:24.
Chúng ta cần chú ý đến thì của 8:1. Câu này ở thì hiện tại, không phải ở thì tương lai. Phao-lô không nói: “Sẽ không có sự định tội”; ông nói hiện nay không có sự định tội. Khi một nan đề dấy lên, chúng ta nên nhớ điều này và tuyên bố: “Hiện nay chẳng có sự định tội”. Chẳng hạn như khi anh em về nhà sau buổi nhóm, vợ anh em sắp đưa ra một việc rắc rối, ngay giây phút ấy anh em cần nhớ không có sự định tội. Nếu tuyên bố 8:1 giữa các tình huống hằng ngày, chúng ta sẽ thấy lời Đức Chúa Trời có hiệu lực biết bao.
Chúng ta cần công bố Lời Đức Chúa Trời với kẻ thù, với các quỉ. Bất cứ đi đâu, chúng ta đều phải tuyên bố lời Đức Chúa Trời. Cụ thể chúng ta phải tuyên bố không có sự định tội cho những người ở trong Đấng Christ. Sa-tan sẽ nói dối rằng chúng ta bị đánh bại dầu chúng ta đang ở trong Đấng Christ. Đừng chấp nhận lời giả dối này, và đừng tin. Thay vào đó hãy tuyên bố lời Đức Chúa Trời. Hãy tuyên bố hiện nay không có sự định tội cho những người ở trong Đấng Christ.

CÁCH ĐỨC CHÚA TRỜI XỬ LÝ TỘI
Tiếng reo đắc thắng của Phao-lô trong 8:1 không phải là hư không. Ông có cơ sở, nền tảng rõ ràng để tuyên bố như vậy. Trong câu 2, ông nói: “Vì luật của Linh Sự Sống trong Christ Jesus đã buông tha tôi khỏi luật của tội và sự chết”. Trong câu tiếp theo, ông nói: “Vì điều Kinh Luật không làm nổi, tại xác thịt làm cho nó ra yếu đuối, thì Đức Chúa Trời đã làm rồi: Ngài đã vì tội lỗi mà sai chính Con Ngài lấy hình trạng của xác thịt tội lỗi, và định tội cho tội lỗi ở trong xác thịt”. Theo câu này, Đức Chúa Trời sai chính Con Ngài đến không những trong hình trạng của xác thịt của tội, mà cũng sai Ngài đến vì tội.
Trong 8:3, tội không chỉ về những việc làm tội lỗi chẳng hạn như ăn cắp. Dĩ nhiên ăn cắp là tội. Nhưng đó không phải là tội mà câu này nói đến. Để hiểu từ tội trong câu này, chúng ta phải trở lại chương 7. Theo chương 7, tội phải là một thân vị, vì nó có thể chiến đấu chống chúng ta, lừa dối chúng ta, giết chết chúng ta và bắt chúng ta làm tù nhân. Câu 11 chép: “Vì tội lỗi nhơn dịp bởi điều răn mà lừa dối tôi và nhơn đó giết tôi”. Sự kiện tội có thể lừa dối và giết chết cho thấy không những nó là một điều gì đó được nhân cách hóa, mà nó còn là một thân vị. Theo các chương 5, 6, 7 và 8, tội không chỉ là một điều hay một việc, mà là một thân vị mạnh mẽ, sống động, có thể bắt giữ và thậm chí giết chết chúng ta. Chắc chắn tội này mạnh hơn chúng ta nhiều. Vậy thì thân vị gọi là tội này là ai? Tội sống động có thể lừa dối, bắt giữ và giết chết chúng ta như vậy là ai?
Về tội này, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài đến trong hình trạng, trong hình dạng của xác thịt của tội. Điều này cho thấy tội cư ngụ trong một yếu tố nào đó, và yếu tố này là xác thịt của con người. Như vậy xác thịt chúng ta là nơi ở của tội. Tội cư ngụ trong xác thịt chúng ta. Hơn nữa, tội thật sự trở nên một với xác thit, làm cho xác thit thật là sư nhục hóa của tội.
Hầu hết Cơ-đốc nhân đều biết ý nghĩa của từ nhục hóa. Nhục hóa chỉ về một điều mà trước đây ở bên ngoài một điều khác, [bây giờ] đang đi vào và trở nên một với điều ấy. Chúa Jesus là Đức Chúa Trời. Nhưng một ngày nọ, Ngài nhục hóa; Ngài đến như một con người. Bằng cách này, con người trở nên sự nhục hóa của Đấng Christ. Cũng theo nguyên tắc này, tội đã trở nên một với xác thịt chúng ta, làm cho xác thịt trở nên chính sự nhục hóa của tội. Chúng ta không thể nói chính xác khi nào sự nhuc hóa này xảy ra, nhưng chúng ta biết đó là một sự thật. Do đó, xác thịt chúng ta gọi là “xác thịt của tội” vì tội đã trộ nên một với xác thịt.
Bây giờ chúng ta phải thấy rằng khi Đức Chúa Trời Cha sai Đức Chúa Trời Con đến vĩ tội và để giải quyết tội, thậm chí để xóa bỏ nó, Ngài không sai Con Ngài đến trong thực tại của xác thịt của tội, nhưng trong hình trạng, biểu lộ bên ngoài của xác thịt của tội. Điều dó có nghĩa là Ngài sai Con Ngài đến trong hình trạng của xác thịt, là điều đã trở nên sự nhục hóa của tội. Đức Chúa Trời sai Con Ngài đến trong hình trạng xác thịt của tội, vì tội và để xử lý tội, để kết án nó.
Để hiểu câu 3, chúng ta cần nhận biết chủ ngữ và vị ngữ. Chủ ngữ là Đức Chúa Trời, và vị ngữ là kết án. Câu này nói Đức Chúa Trời kết án tội. Ngài kết án kẻ thù lừa dối chúng ta, chiến đấu chống chúng ta, đánh bại chúng ta, bắt giữ chúng ta và giết chết chúng ta. Đức Chúa Trời kết án tội này ở đâu? Ngài kết án nó trong xác thịt. Bây giờ chúng ta phải đặt một câu hỏi khác: Đức Chúa Trời kết án tội trong xác thịt của ai? Câu trả lời là í Đức Chúa Trời kết án tội trong xác thịt của Jesus Christ, là Đấng được sai đến trong hình trạng của xác thịt của tội. Trong xác thịt này, Đức Chúa Trời kết án tội. Theo Giăng 1:1 và 14, Lời là Đức Chúa. Trời đã trở nên xác thịt. Trong xác thịt này, tức sự nhục hóa của Lời đời đời, Đức Chúa Trời đã kết án tội qua sự đóng đinh. Khi con người Jesus bị đóng đinh trong xác thịt, đó là lúc Đức Chúa Trời kết án tội trong xác thịt. Vì vậy, trong xác thịt của Jesus Christ và qua sự chết bao-hàm-tất-cả của Ngài, Đức Chúa Trời kết án tội.
Câu 3 không chấm dứt với một dấu chấm, nhưng với dấu phẩy. Điều này cho thấy câu 4 là phần tiếp theo câu 3. Theo những câu này, Đức Chúa Trời kết án tội trong xác thịt để “điều nghĩa mà Kinh Luật buộc được thành tựu trong chúng ta, là kẻ chẳng noi theo xác thịt, nhưng noi theo Thánh Linh”.
La-mã là Sách về đời sống Cơ-đốc và nếp sống Hội Thánh. Về đời sống Cơ-đốc và nếp sống Hội Thánh, chương 8 của Sách La-mã rất quan trọng. Nếu không có kinh nghiệm được khải thị trong chương này, chúng ta không thể có đời sống Cơ-đốc đúng đắn và nếp sống Hội Thánh đúng đắn. Giữa hàng triệu Cơ-đốc nhân ngày nay, ít người có đời sống Cơ-đốc đúng đắn và nếp sống Hội Thánh đúng đắn vì rất ít người biết bí quyết quan trọng được tìm thấy trong chương 8.

HAI THẾ GIỚI, HAI LÃNH VỰC
Trong vũ trụ có hai thế giới, hai lãnh vực, thế giới thuộc linh và thế giới thuộc thể. Trong thế giới thuộc linh này, có các quỉ, ác linh và nhiều điều tiêu cực quấy rầy chúng ta. Phao-lô có một sự khải thị về thế giới thuộc linh. Trong Cô-lô-se 2:14 và 15, ông chỉ ra rằng khi Chúa Jesus bị đóng đinh, Ngài truất bỏ những kẻ cai trị và giới thẩm quyền, phơi bày chúng cách công khai và toàn thắng chúng. Những người đóng đinh Chúa Jesus không biết điều gì xảy ra trong thế giới thuộc linh trong khi Chúa ở trên thập tự giá. Nhưng các quỉ và các thiên sứ ác nhận biết sự chết của Chúa Jesus trên thập tự giá có nghĩa là chúng bị đánh bại. Theo Cô-lô-se 2:15, Đức Chúa Trời Cha đến dọn đường để sự đóng đinh của Đấng Christ không bị ngăn trở. Vì vậy, qua sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá, những kẻ cai trị và các giới thẩm quyền bị đánh bại. Điều này cho thấy trong sự đóng đinh của Ngài, Đấng Christ chiến đấu với các thế lực gian ác. Các thế lực gian ác không thể thắng hơn Đấng Christ trên thập tự giá.
Sau khi Chúa Jesus chết, Ngài bị chôn. Theo một ý nghĩa, các thiên sứ ác vui mừng khi Đấng Christ bị chôn. Khi Ngài sắp từ kẻ chết sống lại, các kẻ thù của Đức Chúa Trời một lần nữa tìm cách cản trở Ngài. Các thế lực gian ác cố gắng hết sức nắm lấy Ngài, giữ Ngài lại trong sự chết. Nhưng theo Công-vụ 2:24, sự chết không thể cầm giữ Đấng Christ. Ngài sống lại từ giữa kẻ chết và thăng thiên lên trời. Khi thăng thiên, Ngài truất phế các thế lực gian ác và bắt giữ chúng. Mục đích của tôi khi đề cập điều này là để cho thấy đời sống Cơ-dốc không những liên quan đến thế giới vật lý mà cũng liên quan đến thế giới thuộc linh.
Nan đề của chúng ta trong đời sống Cơ-đốc chính yếu không ở thế giới vật lý mà ở thế giới thuộc linh. Thậm chí tội thật ra không phải là vấn đề thuộc thể. Trái lại, đó là một điều thuộc linh và tồn tại trong lãnh vực thuộc linh. Vì vậy, nếu muốn đắc thắng tội, chúng ta cần quyền năng thuộc linh, sức mạnh thuộc linh. Năng lực tâm trí, là điều thật ra chi liên quan đến thế giới vật lý, không thể giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của tội. Tội là điều thuộc linh, và chỉ có thể đắc thắng bởi quyền năng thuộc linh. Về quyền năng thuộc linh này, La-mã chương 8 rất quan trọng.
BƯỚC THEO LINH
Trong 8:4, Phao-lô nói đến cả thế giới vật lý lẫn thế giới thuộc linh. Ông nói chúng ta “chẳng noi (hay: bước đi) theo xác thịt, nhưng noi (hay: bước đi) theo linh”. Cụm từ “theo xác thịt” chỉ về thế giới vật lý, nhưng cụm từ “theo linh” chỉ về thế giới thuộc linh. Đời sống Cơ-đốc nhân thật phức tạp. Một mặt, chúng ta có một phần thuộc thể liên quan đến thế giới thuộc thể; mặt khác, chúng ta có một phần thuộc linh, tức linh chúng ta, liên quan đến thế giới thuộc linh. Chúng ta cần thấy rằng đời sống Cơ-đốc liên quan đến cả hai thế giới và những thế giới này tồn tại trong chúng ta. Chúng ta có xác thịt và cũng có linh. Chúng ta cần xét xem mình đang sống trong xác thịt, trong thế giới vật lý, hay trong linh, trong thế giới thuộc linh. Chúng ta đang bước theo xác thịt hay theo linh?
Trong 8:3, chúng ta thấy Đức Chúa Trời đã làm một điều lớn liên quan đến tội: Qua sự nhục hóa của Con Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời đã giải quyết nan đề tội, kết án tội trong xác thịt. Câu 3 bao hàm cả sự nhục hóa lẫn đóng đinh. Đức Chúa Trời sai Con Ngài đến trong hình trạng của xác thịt của tội; điều này chỉ về sự nhục hóa của Đấng Christ. Rồi Đức Chúa Trời kết án tội trong xác thịt; điều này liên hệ đến sự đóng đinh của Đấng Christ.
Đức Chúa Trời kết án tội trong xác thịt để những đòi hỏi công chính của Kinh Luật có thể được hoàn thành trong chúng ta. Xin lưu ý rằng trong câu 4, Phao-lô nói hoàn thành, chứ không phải giữ. Nếu ông nói giữ thay vì hoàn thành, thì câu này có nghĩa là chúng ta phải giữ Kinh Luật. Tuy nhiên, ở đây Phao-lô không nói đến việc giữ Kinh Luật mà nói đến hoàn thành những đòi hỏi công chính của Kinh Luật trong những người bước theo linh. Điều này có nghĩa là những đòi hỏi của Kinh Luật được hoàn thành không phải trong những người giữ Kinh Luật, nhưng trong những người bước theo linh.
La-mã chương 8 rất sâu xa, thâm thúy và mang tính kinh nghiệm. Không có kinh nghiệm thuộc linh đầy đủ, chúng ta không thể hiểu chương này. Theo câu 3 và 4, Đức Chúa Trời sai Con Ngài nhục hóa vì tội. Qua sự chết của Con Ngài trên thập tự giá, Đức Chúa Trời kết án tội trong xác thịt. Mục đích của Ngài khi kết án tội là để những đòi hỏi công chính của Luật Đức Chúa Trời được hoàn thành trong chúng ta, không phải bởi chúng ta nỗ lực giữ Kinh Luật mà bởi bước theo linh. Do đó, chúng ta không phải là những người giữ Kinh Luật, mà là những người bước theo linh.