SỰ
BAN PHÁT ĐỨC CHÚA TRỜI TAM-NHẤT
ĐỂ
HOÀN THÀNH MỤC ĐÍCH CỦA NGÀI
La-mã là một
Sách bao-hàm-tất-cả, tóm tắt cả đời sống Cơ-đốc
lẫn nếp sống Hội Thánh. Không thể nào nói hết sự
khải thị được truyền đạt và ngụ ý trong Sách này. Nói rằng sự khải thị ngụ ý
nghĩa là sự khải thị ấy không được truyền đạt trực tiếp và rõ ràng, nhưng được
ngụ ý bởi những gì được truyền đạt cách trực tiếp. Trong Lời thần thượng, điều
được ngụ ý thường quan trọng hơn điều được trình bày cách trực tiếp. Trong bài
này, chúng ta sẽ xem xét một trong những khải thị được ngụ ý trong Sách La-mã:
sự ban phát Đức Chúa Trời Tam-Nhất để hoàn thành mục đích của Ngài.
MỤC
ĐÍCH ĐỜI ĐỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Mục đích đời đời
của Đức Chúa Trời là có một Thân Thể cho Đấng Christ. Thân Thể
này là Hội Thánh phổ thông. Hội Thánh phổ thông cần
được biểu lộ tại các địa phương khác nhau trong các Hội Thánh địa phương. Sự
ban phát Đức Chúa Trời Tam-Nhất để hoàn thành mục đích đời đời của Ngài liên
quan nhiều đến các Hội Thánh địa phương. Để hoàn thành mục đích này, Đức Chúa
Trời cần ban phát chính Ngài vào trong tuyển dân Ngài. Đó chính là điều Đức
Chúa Trời đang làm với chúng ta ngày nay
TAM-NHẤT
LÀ ĐỂ BAN PHÁT
Để ban phát
chính Ngài vào trong chúng ta, Đức Chúa Trời phải là Tam-Nhất.
Đức Chúa Trời Tam-Nhất không phải vì giáo lý hay thần học,
nhưng để ban phát chính Ngài vào trong dân Ngài nhằm có được
một Thân Thể biểu lộ Đấng Christ.
Từ ban phát có
nghĩa là phân phát. Giả sử chúng ta có một bình chứa nước trái cây thật lớn. Để
người ta có thể uống nước trái cây này, chúng ta phải tìm cách phân phát từ
bình chứa vào trong họ. Cách tốt nhất là rót nước trái cây vào những cái tách
và sau đó phân phát cho những người có mặt. Nước trái cây vốn ở trong
bình chứa, nhưng bây giờ ở trong những người mà nó đã được phân phát. Khi nói về sự ban
phát Đức Chúa Trời Tam-Nhất, chúng tôi có ý nói rằng Đức Chúa
Trời phân phát chính Ngài cho chúng ta và sau đó ban phát chính Ngài vào trong
bản thể chúng ta giống như nước trái cây được ban phát từ
bình chứa vào trong người uống. Trong sự ban phát của Ngài, Đức Chúa Trời thật
sự vào trong bản thể chúng ta, đầy dẫy bình chúng ta, và trở nên một với chúng
ta. Đó là sự ban phát Đức Chúa Trời Tam-Nhất để
hoàn thành mục đích của Ngài.
Để ban phát
chính Ngài vào trong tuyển dân, Đức Chúa Trời phải là Tam-Nhất; tức Ngài phải
là Đức Chúa Trời Cha, Đức Chúa Trời Con và Đức Chúa Trời Linh. Mặc dầu Đức Chúa
Trời của chúng ta là Tam-Nhất, nhưng chúng ta phủ nhận tam thần thuyết, là giáo
lý cho rằng Ba [Thân Vị] trong Đấng Tam-Nhất là ba Đức Chúa Trời riêng biệt.
Chúng ta không có ba Đức Chúa Trời. Chúng ta có Đức Chúa Trời Tam-Nhất duy nhất,
Cha, Con và Linh.
Chúng tôi đã
trình bày rằng tính Tam-Nhất của Thần Cách không phải dành cho thần học, nhưng
để ban phát. Đức Chúa Trời không muốn tồn tại một mình. Ngài ước ao ban phát
chính
Ngài vào trong
con người được Ngài tạo dựng, lựa chọn và
kêu gọi. Ha-lê-lu-gia, chúng ta là những người ấy, và Đức Chúa Trời muốn ban
phát chính Ngài vào trong chúng ta! Điều này được ngụ ý trong Sách La-mã. Bây
giờ chúng ta hãy xem xét Đức Chúa Trời Tam-Nhất như được khải thị trong Sách
này và sau đó xem xét sự ban phát của Đức Chúa Trời.
ĐỨC
CHÚA TRỜI ĐÁNG CHÚC TỤNG ĐỜI ĐỜI
La-mã 9:5 nói về
“Đấng Christ,... là Đấng
trên hết mọi sự, tức là Đức Chúa Trời đáng chúc tụng đời đời”. Nhiều Cơ-đốc
nhân đã đọc Sách La-mã nhưng không lưu ý đến lời tuyên bố chứa đựng trong câu
này. Câu này nói Đấng Christ
là
Đức Chúa Trời, đáng chúc tụng đời đời. Là Đức Chúa Trời, Đấng Christ vượt
trên mọi sự: con người, thiên sứ, các từng trời và trái đất. Đấng Christ là chính
Đức Chúa Trời, là Đấng đã và sẽ đáng chúc tụng đời đời và là Đấng vượt trên mọi
sự. Đấng Christ
là
Cứu Chúa và sự sống của chúng ta, là chính Đức Chúa Trời. Thật hổ thẹn khi Cơ-đốc
nhân tranh luận về thần tính của Đấng Christ và tranh cãi Ngài có phải là Đức
Chúa Trời hay không. Theo câu này, Đấng Christ là Đức Chúa Trời, là Đấng trên hết
mọi sự và đáng chúc tụng đời đời.
ĐỨC
CHÚA TRỜI SAI CHÍNH CON NGÀI
La-mã 8:3 nói Đức
Chúa Trời sai chính Con Ngài. Dĩ nhiên Đức Chúa Trời trong 8:3 chính là Đức
Chúa Trời trong 9:5. Đấng Christ là Con Đức Chúa Trời. Vậy, làm thế nào
chúng ta giải thích Đức Chúa Trời duy nhất lại sai chính Con Ngài khi Đấng Christ vừa là
Con Đức Chúa Trời vừa là chính Đức Chúa Trời? Theo 9:5, Đấng Christ là Đức
Chúa Trời. Theo 8:3, Đức Chúa Trời sai chính Con Ngài, là Đấng Christ. Điều này
cho thấy Đấng Christ
vừa
là Đức Chúa Trời vừa là Con Đức Chúa Trời. Điều
này nhắc chúng ta nhớ đến Ê-sai 9:6. Câu này nói một con trẻ được gọi là Đức
Chúa Trời toàn năng và một con trai được gọi là Cha đời dời. Ở đây chúng ta thấy
huyền nhiệm về Đức Chúa Trời Tam-Nhất: Đức Chúa Trời là ba, nhưng Ngài vẫn là một.
SỰ CHẾT CỦA CON ĐỨC CHÚA TRỜI
Bây giờ chúng ta
quay sang 5:10, câu này nói chúng ta đã
được giải hòa với Đức Chúa Trời nhờ sự chết của Con Ngài. Câu này
cho thấy Con Đức Chúa Trời đã từng
chịu chết. Nhưng làm thế nào Con Đức Chúa Trời có thể chết? Đối với tôi, câu
này sẽ dễ hiểu hơn nếu nói sự chết của Jesus. Tuy nhiên, câu này lại nói sự chết
của Con Đức Chúa Trời. Dầu chúng ta có hiểu câu này hay không, sự thật là ngay
khi còn là kẻ thù, chúng ta được làm
hòa với Đức Chúa Trời bởi sự chết kỳ diệu của Con Đức Chúa Trời. Hơn nữa, theo
5:10, bây giờ chúng ta đang được cứu
trong sự sống của Ngài. Điều này cho thấy Đấng đã chết vẫn có sự sống, ngụ ý sự
phục sinh của Đấng Christ.
ĐƯỢC
CHỨNG MINH LÀ CON ĐỨC CHÚA TRỜI
TRONG
SỰ PHỤC SINH
La-mã 1:3 và 4
nói Con Đức Chúa Trời, tức Jesus Christ, Chúa chúng ta, ra từ dòng giống
Đa-vít theo xác thịt, do từ kẻ chết sống lại đã được chứng minh là Con Đức Chúa
Trời trong quyền năng theo Linh của sự thánh khiết. Tất cả những danh xưng liên
quan đến Đấng Christ
trong
các câu này đều liên hệ đến sự ban phát của Đức Chúa Trời. Ngoài sự ban phát của
Đức Chúa Trời, Con Ngài không cần phải là Jesus Christ. Vì sự ban phát,
Con Đức Chúa Trời cần phải là một con người (Jesus) và là Đấng được xức dầu (Christ). Hơn nữa,
chỉ qua sự ban phát, Con Đức Chúa Trời là Jesus Christ mới có thể trở
nên Chúa chúng ta. Vì Đấng Christ đã được ban phát vào trong chúng ta nên
không những Ngài là Chúa mà còn là Chúa chúng ta.
Theo câu 3, Con
Đức Chúa Trời theo xác thịt, ra từ dòng giống Đa-vít. Ở đây
chúng ta có yếu tố xác thịt. Theo câu 4, do từ kẻ chết sống lại nên Đấng Christ được chứng minh là Con Đức Chúa Trời trong
quyền năng theo Linh của sự thánh khiết.
Ở đây chúng ta có yếu tố Linh. Mặc
dầu Đấng Christ
đã
là Con Đức Chúa Trời rồi nhưng Ngài vẫn cần được chứng minh là Con Đức Chúa Trời trong sự phục sinh.
Những cụm từ
khác nhau trong các câu này ngụ ý đến Đức Chúa Trời Tam-Nhất
trong sự ban phát của Ngài. Mặc dầu từ ban phát không được tìm thấy ở đây hay
trong phần còn lại của Sách La-mã nhưng sự kiện ban phát vẫn được ngụ ý. Mỗi điều
liên quan đến Đấng Christ
trong
1:3 và 4 đều vì sự ban phát của Đức Chúa Trời.
NHỮNG
TỪ CÓ THỂ HOÁN ĐỔI CHO NHAU
Bây giờ chúng ta
đến chương 8, một chương mà sự khải thị và ý nghĩa thuộc linh là vô tận. Câu 2
nói về luật của Linh Sự Sống trong Christ Jesus. Trong
câu này có nhiều điều khó giải thích: luật, Linh, sự sống và Christ Jesus. Xin hãy lưu ý ở đây Phao-lô không nói Jesus Christ, nhưng
nói Christ
Jesus. Trong
các câu 7 và 8, Phao-lô đề cập đến Đức Chúa Trời. Kế đến trong câu 9 ông nói tiếp
về Linh của Đức Chúa Trời và Linh của Đấng Christ. Như chúng ta sẽ thấy, trong các
câu này, Phao-lô đang nói về Đức Chúa Trời Tam-Nhất trong
sự ban phát của Ngài.
Phao-lô dùng các
từ Đức Chúa Trời, Linh của Đức Chúa Trời và Linh của Đấng Christ hoán đổi
cho nhau. Ông bắt đầu với Đức Chúa Trời, tiếp tục với Linh của Đức Chúa Trời và
sau đó tiến đến Linh của Đấng Christ. Nhưng
thay vì dừng tại dó, trong câu 10 Phao-lô nói về Đấng Christ, ông nói
Đấng Christ
ở trong
chúng ta. Trong khoảng vài câu, bốn danh xưng thần thượng được sử dụng hoán đổi
cho nhau: Đức Chúa Trời, Linh của Đức Chúa Trời, Linh của Đấng Christ, và Đấng Christ. Bốn từ
này chỉ về một bản thể, là chính Đức Chúa Trời Tam-Nhất.
Linh của Đức
Chúa Trời là chính Đức Chúa Trời. Đừng giải thích danh xưng này với ý nghĩa
Linh là một điều gì đó khác với Đức Chúa Trời.
Trong Tân Ước, các cụm từ chẳng hạn như tình yêu của Đức Chúa Trời và sự sống của
Đức Chúa Trời nghĩa là tình yêu và sự sống là chính Đức Chúa Trời. Cũng theo
nguyên tắc này, từ Linh của Đức Chúa Trời có nghĩa Linh là Đức Chúa Trời. Đối với
Linh của Đấng Christ
cũng
vậy. Danh xưng này đơn giản có nghĩa Linh là Đấng Christ. Theo văn
mạch, Linh của Đấng Christ
là
Linh của Đức Chúa Trời.
Từ Linh của Đấng
Christ,
Phao-lô
tiến đến Đấng Christ.
Do
đó, Phao-lô đem chúng ta từ Đức Chúa Trời đến Đấng Christ qua Linh
của Đức Chúa Trời và Linh của Đấng Christ. Tư tưởng
của Phao-lô đi từ Đức Chúa Trời đến Linh của Đức Chúa Trời, từ Linh của Đức
Chúa Trời đến Linh của Đấng Christ và từ Linh của Đấng Christ đến Đấng
Christ.
Vì
vậy, chúng ta có Đức Chúa Trời, Linh của Đức Chúa Trời, Linh của Đấng Christ và Đấng Christ. Tuy
nhiên, bốn từ này đều chỉ về Đức Chúa Trời Tam-Nhất duy
nhất.
ĐẤNG
CHRIST
Ở
TRONG CHÚNG TA
Câu 10 nói Đấng Christ ở trong
chúng ta. Giới từ “trong” ở đây là đáng chú ý nhất. Đấng Christ, Đấng kỳ
diệu, thật sự ở trong chúng ta! Để Đấng Christ ở trong chúng ta, Đức Chúa Trời
phải là Linh của Đức Chúa Trời, Linh của Đức Chúa Trời phải là Linh của Đấng Christ, và Linh
của Đấng Christ
phải
là Đấng Christ.
Nếu
Đức Chúa Trời chỉ đơn giản là chính Đức Chúa Trời, Ngài không thể vào trong
chúng ta. Điều này có hai lý do. Thứ nhất Đức Chúa Trời là thần thượng, vô hạn
và toàn năng. Tuy nhiên, chúng ta là con người, và Đức Chúa Trời không thể vào trong chúng ta nếu không qua môi giới
con người. Thứ hai, chúng ta tội lỗi và ô uế. Vì sa ngã, từng phần của bản thể
chúng ta đều ô dơ. Đức Chúa Trời thánh khiết không
thể cư ngụ trong những người tội lỗi như vậy. Để lấp khoảng cách giữa thần tính
và nhân tính, Đức Chúa Trời phải trở nên một người có tên là Jesus. Jesus nghĩa là
Giê-hô-va Đấng Cứu rỗi. Là một Đấng như vậy, Ngài chết trên thập tự giá vì tội
chúng ta, đổ huyết ra để tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều ô nhơ. Ha-lê-lu-gia,
Đức Chúa Trời vô hạn trở nên con người hữu hạn để chết trên thập tự giá cho
chúng ta! Điều này cất bỏ hàng rào ngăn trở việc Đức Chúa Trời vào trong con
người. Bây giờ trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời vô hạn, thánh khiết, có thể
vào trong con người. Vì lý do này, trong câu 10, Phao-lô tuyên bố Đấng Christ ở trong
chúng ta.
Thật ý nghĩa khi
Phao-lô không nói Đức Chúa Trời ở trong chúng ta, mà nói Đấng Christ ở trong
chúng ta. Linh ở đây
liên kết Đức Chúa Trời với Đấng Christ. Linh vừa là Linh của Đức Chúa Trời
vừa là Linh của Đấng Christ.
Những
từ này thật sâu xa và vô hạn!
LINH
LẬP NHÀ TRONG CHÚNG TA
Câu 11 chép:
“Nhưng nếu Thánh Linh của Đấng đã khiến cho Jesus từ kẻ chết sống lại ở trong anh
em, thì Đấng đã khiến cho Christ Jesus từ kẻ chết sống lại cũng sẽ nhờ
Thánh Linh Ngài ở trong anh em mà khiến thân thể hay chết của anh em lại sống động”.
Theo câu 10, Đấng Christ
ở trong chúng ta.
Nhưng theo câu 11, Linh của Đấng làm cho Jesus từ kẻ chết sống
lại cư ngụ trong chúng ta; đó là Linh của Ngài lập nhà Ngài trong chúng ta.
Trong câu này, chúng ta có Đức Chúa Trời Tam-Nhất: Đấng làm cho Jesus từ kẻ chết
sống lại (Cha), Christ Jesus (Con),
và Linh. Ở đây chúng ta thấy Đức Chúa Trời Tâm-Nhất ban phát chính Ngài
vào trong chúng ta. Hơn nữa, Ngài đang lập nhà Ngài trong chúng ta và thậm chí
ban sự sống cho thân thể hay chết của chúng
ta. Đó là sự ban phát đầy trọn Đức Chúa Trời Tam-Nhất vào trong toàn bản thể
chúng ta.
KHẢI
THỊ ĐƯỢC NGỤ Ý
Trong câu 11,
chúng ta không tìm thấy những từ Tam-Nhất hay ban phát, nhưng sự kiện về sự ban
phát của Đức Chúa Trời Tam-Nhất được ngụ ý. Đức Chúa Trời Tam-Nhất được ngụ ý ở
đây, và sự ban phát của Đức Chúa Trời Tam-Nhất vào
trong bản thể chúng ta cũng được ngụ ý. Chúng tôi đã chỉ ra rằng Cha, Con và
Linh đều được tìm thấy trong câu này. Hơn nữa, lời Phao-lô về sự sống được ban
cho thân thể hay chết của chúng ta cũng ngụ ý đến sự ban phát. Đây không phải một
khải thị rõ ràng, nhưng là một khải thị được ngụ ý về sự ban phát Đức Chúa Trời
Tam- Nhất vào trong tín đồ.
TIẾN
TRÌNH VÀ SỰ BAN PHÁT
Trong câu 11,
Phao-lô nói về Linh của Đấng làm cho Jesus từ kẻ chết
sống lại. Điều này không những ngụ ý về sự ban phát của Đức Chúa Trời, mà còn
ngụ ý đến tiến trình cần có để làm cho sự ban phát này trở nên khả dĩ. Ban phát
đòi hỏi phải có một tiến trình. Làm cho Đấng Christ từ kẻ chết
sống lại là một phần của tiến trình này. Do đó, để Linh của Đấng làm cho Jesus từ kẻ chết
sống lại cư ngụ trong chúng ta, Đức Chúa
Trời phải tham dự vào một tiến trình. Phao-lô không đơn giản nói Linh cư ngụ
trong chúng ta. Nói như vậy là quá
trực tiếp. Trái lại, ông nói Linh của Đấng làm cho Jesus từ kẻ chết
sống lại cư ngụ trong chúng ta. Điều này ngụ ý là phải liên quan đến một tiến
trình.
Có thể dùng việc
chuẩn bị thực phẩm để minh họa cho tiến trình ban phát của Đức Chúa Trời. Hầu hết
những điều chúng ta ăn phải trải qua
một tiến trình trước khi chúng ta có thể ăn. Chẳng hạn như vợ tôi không thể mua
cá ngoài chợ về rồi chỉ đặt lên bàn khi đến giờ ăn. Không, cá phải được
chuẩn bị kỹ lưỡng; chỉ khi ấy chúng ta mới ăn được.
Cũng theo nguyên tắc này, Đức Chúa Trời Tam-Nhất đã trải qua một tiến trình để
cư ngụ trong chúng ta.
Tiến trình trong
câu 11 được ngụ ý bởi chính tính gián tiếp của câu này. Cả câu thật sự là một lời
tuyên bố dài, gián tiếp. Trong câu này, ba điều quan trọng được
đề cập đến: Đức Chúa Trời Tam-Nhất, tiến trình và sự ban phát. Để Đức Chúa Trời
cư ngụ trong chúng ta, Ngài phải là Đức Chúa Trời Tam-Nhất
đã trải qua một tiến trình trọn vẹn.
Tiến
trình này bao gồm sự nhục hóa, đóng đinh và phục sinh. Trước khi Con Đức Chúa Trời có thể chết cho
chúng ta trên thập tự giá, Ngài phải nhục hóa như một con người. Bởi nhục hóa, Ngài mặc lấy nhân
tính với thịt và huyết rồi trở nên một con người có tên là Jesus.
Chỉ bằng cách ấy Ngài mới có thể để huyết ra trên thập tự giá
vì tội chúng ta. Vì vậy, lời Phao-lô về sự phục sinh của Đấng Christ
trong câu 11 ngụ ý đến sự nhục hóa và sự đóng đinh của
Ngài. Tất cả những điều này đều liên quan đến một tiến trình.
Đức Chúa Trời của
chúng ta không còn là Đức Chúa Trời chưa trải qua tiến trình. Đấng cư ngụ trong
chúng ta đã hoàn toàn trải qua một tiến trình. Linh cư ngụ trong chúng ta là thực
tại hóa của Con, là hiện thân của Cha. Cha được
hiện thân trong Con, Con được thực tại hóa là Linh, và Linh cư ngụ
trong chúng ta. Đó là Đức Chúa Trời Tam-Nhất đã trải qua một tiến trình qua sự
nhục hóa, đóng đinh và phục sinh, là Đấng ban phát chính Ngài vào trong chúng
ta, và hiện nay đang cư ngụ trong chúng ta.
Câu 11 cho thấy
Đức Chúa Trời Tam-Nhất đang được ban phát không những vào trong linh, tức
trung tâm của bản thể chúng ta, như được ngụ
ý trong câu 10, mà thậm chí còn được ban phát vào thân thể hay chết của chúng
ta, là phần bên ngoài của bản thể chúng ta. Điều đó có
nghĩa là sự ban phát Đức Chúa Trời Tam-Nhất dầm thấm toàn bản thể chúng ta.
Càng kinh nghiệm và vui hưởng sự ban phát này, tôi càng được ban năng lực về mặt
thuộc linh, tâm lý và thuộc thể. Tôi có thể làm chứng từ kinh nghiệm rằng sự
ban phát của Đức Chúa Trời Tam-Nhất không chỉ là giáo lý. Linh của Đấng làm cho
Christ
Jesus từ
kẻ chết sống lại ban sự sống cho thân thể hay chết của chúng ta. Thật kỳ diệu!
Vì vậy, câu 11 ngụ ý nhiều điều: Đức Chúa Trời Tam-Nhất, tiến trình, sự ban
phát, và sự dầm thấm toàn bản thể chúng ta bằng sự sống
thần thượng. Đó là sự ban phát của Đức Chúa Trời Tam-Nhất.
SỰ
BAN PHÁT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI TAM-NHẤT
ĐƯA
ĐẾN KẾT QUẢ LÀ QUYỀN LÀM CON
Một sự ban phát
như vậy đưa đến kết quả là quyền làm con. Sự ban phát này biến đổi tội nhân
thành con của Đức Chúa Trời. Chúng ta từng là tội nhân, kẻ thù của Đức Chúa Trời,
nhưng bây giờ chúng ta là con của Đức Chúa Trời.
Câu 14 chép: “Bởi
chưng phàm ai được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dẫn dắt, đều là con của Đức
Chúa Trời”. Chúng ta biết mình là con của Đức Chúa Trời nhờ sự kiện chúng ta được
Linh của Đức Chúa Trời dẫn dắt. Hằng ngày, chúng ta được Linh là Đấng cư ngụ
bên trong dẫn dắt. Có lẽ anh em muốn đi đến một nơi nào đó, nhưng thay vì thế,
Linh dẫn anh em đến buổi nhóm của Hội Thánh. Chúng ta thường có khuynh hướng
làm những điều ngược lại với bản chất của Đức Chúa Trời, nhưng Linh Nội Cư mạnh
hơn chúng ta. Cuối cùng Ngài dẫn dắt chúng ta, và chúng
ta đi theo Ngài. Những kinh
nghiệm như vậy là dấu hiệu và bằng chứng chúng ta là các con của Đức Chúa Trời.
Một bằng chứng
khác được thấy trong câu 15: “Vì anh em chẳng
nhận lãnh tâm linh của danh phận tôi mọi để lại sợ hãi,
bèn là nhận lãnh tâm linh của danh phận con cái, và nhơn đó chúng ta kêu:
‘A-ba, Cha!’ “. Là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta kêu: “A-ba, Cha!” Qua sự
ban phát của Đức Chúa Trời Tam-Nhất, chúng ta thật sự trở nên con của Đức Chúa
Trời trong sự sống; chúng ta không phải là con rể. Nếu chỉ là con rể, chúng ta
không thể kêu: “A-ba, Cha!” cách ngọt ngào như vậy. Điều này được minh họa bởi
mối quan hệ của một người đối với cha ruột và với cha vợ. Người ấy gọi cha ruột
là “ba” cách tự nhiên và cảm thấy rất ngọt ngào. Nhưng nếu dùng từ này với cha
vợ, họ không cảm thấy tự nhiên hay ngọt ngào. Sự kiện chúng ta là con Đức Chúa
Trời trong sự sống được chứng minh bằng cảm nhận ngọt ngào mà chúng ta vui hưởng
mỗi khi gọi: “A-ba, Cha”. Là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta có sự sống của
Đức Chúa Trời bên trong, tức bản chất của Đức Chúa Trời, và Linh của Con Đức
Chúa Trời.
TRÁI
ĐẦU MÙA VÀ SỰ CẦU THAY CỦA LINH
Theo câu 23,
chúng ta cũng có trái đầu mùa của Linh. Trái đầu mùa của Linh là sự nếm trước,
là tiền vị của Linh. Ngày nay chúng ta có Linh Nội Cư như tiền vị của sự vui hưởng
Đức Chúa Trời. Tiền vị này bảo đảm cho chúng ta khẩu vị trọn vẹn sẽ đến.
Câu 26 cho thấy
Linh cũng là Linh cầu thay. Linh thường xuyên cầu thay cho chúng ta ở bên
trong. Chúng ta có thể nghĩ mình đang cầu nguyện một
mình, nhưng lại phát hiện ra rằng lời cầu nguyện của mình thật ra là đến từ
Linh nội cư. Vì chúng ta làm một với Ngài và Linh hòa quyện với linh nên chúng
ta không thể luôn luôn biện biệt được điều nào của mình và điều nào của Ngài. Như lCô-rin-tô 6:17 chép:
“Còn ai liên hiệp với Chúa thì đồng một linh với
Ngài”. Khi chúng ta cầu nguyện, Ngài cầu nguyện, và khi Ngài cầu nguyện, chúng
ta cũng cầu nguyện. Do đó, lời cầu nguyện của chúng ta là lời cầu nguyện của
Ngài, và lời cầu nguyện của Ngài là lời cầu nguyện của chúng ta.
KẾT
QUẢ SAU CÙNG CỦA SỰ BAN PHÁT
ĐỨC
CHÚA TRỜI
Theo câu
29, Con Độc Sanh của Đức Chúa Trời đã trở nên Con Trưởng giữa nhiều
anh em. Đó là kết quả của sự ban phát Đức Chúa Trời Tam-Nhất vào trong chúng
ta. Sự ban phát này làm cho chúng ta trở nên các con của Đức Chúa Trời, là nhiều
anh em của Con Trưởng. Nhiều con của Đức Chúa Trời này và nhiều anh em của Con
Trưởng là những chi thể cấu tao nên Thân Thể Đấng Christ. Vì vậy,
kết quả sau cùng của sự bàn phát Đức Chúa Trời Tam-Nhất
là sinh ra các con để làm những chi thể cấu tạo nên
Thân Thể Đấng Christ.
Đó
là đường lối của Đức Chúa Trời nhằm hoàn thành mục đích đời đời của Ngài. Mục
đích của Ngài không được hoàn thành bởi dạy dỗ hay tổ chức, nhưng bởi ban phát
chính Ngài là Đức Chúa Trời Tam-Nhất-đã-trải-qua-tiến-trình vào trong bản thể
chúng ta.